19 November 2016

“XIN ĐỔI KIẾP NÀY”, MỘT BÀI THƠ THẾ SỰ ĐỘC ĐÁO - Phan Thành Khương


Thơ thế sự, thơ thời thế thường là thơ của người cao tuổi. Bởi một lẽ giản dị là sau nhiều năm nghe, thấy chuyện đời, tiếp xúc với thực tiễn, người lớn tuổi thường muốn giải bày những kinh nghiệm, nêu ra những nguyên lí, những ưu tư, những suy ngẫm về cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đúc kết: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử; Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.”. Nó như một nguyên lí, một công thức toán học.
Nhưng, trường hợp Nguyễn Bích Ngân lại rất khác biệt. Nguyễn Bích Ngân mới 14 tuổi, đang là học sinh lớp 8A1 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) lại có những ưu tư rất “già”, rất “cao tuổi”. Tôi đã chia sẻ (share) bài thơ của Nguyễn Bích Ngân trên Facebook của tôi và tôi đã có một lời bình (comment) ngắn như sau:
“Tuy mới 14 tuổi, đang học lớp 8, Bích Ngân đã có nhiều ưu tư, trăn trở về cuộc sống, về xã hội, về tự nhiên, … Đặc biệt, Bích Ngân đau đáu về môi trường sống bị tàn phá, bị hủy hoại không thương tiếc bởi sự tham lam, ích kỉ của con người! Bích Ngân muốn “hóa thành cây”, “hóa ruộng đồng”, “hóa đại dương” và “làm không khí”. Bích Ngân muốn “thử” những 17 tình huống khác nhau để biết sức mình, biết khả năng chịu đựng của mình. Tiếc thay, những điều Bích Ngân ưu tư, trăn trở mỗi ngày mỗi tệ hại hơn, khốc liệt hơn và như người ta hay nói: “vẫn đúng qui trình”! Ôi! Cái “qui trình” ngu ngốc, phi khoa học, phi đạo lí, phi nhân, phi nghĩa … của những kẻ cũng được gọi là người!”.
Chủ đề của bài thơ là môi trường sống bị tàn phá, bị hủy hoại, bị hủy diệt và sự bất lực, sự vô vọng và gần như là sự tuyệt vọng của con người. Cái độc đáo của Nguyễn Bích Ngân là nhà thơ nhí đã “xin đổi kiếp” người để hóa thân thành “cây”, thành “ruộng đồng”, thành “đại dương”, thành “không khí” để “thử” chịu đựng, “thử” đối phó, “thử” sống còn trước sức tàn phá, sức hủy hoại của thiên tai và nhất là của nhân tai.
Nguyễn Bích Ngân đã xót xa kêu lên:
“Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,”
Vâng. Nguyễn Bích Ngân đã “biết nói” đấy. Nhiều người cũng đã “biết nói” dám nói. Nhưng, tất cả đều “như nước đổ lá môn”, có ai muốn nghe, có ai thèm nghe đâu! Và, Nguyễn Bích Ngân đã giận dữ, đã “vô phép” chỉ ra thủ phạm của tất cả những điều tệ hại, khủng khiếp ấy. Đó là “vì lũ người ích kỷ”. Họ, “lũ người ích kỷ” ấy chắc chắn phải to xác và nhiều tuổi hơn Nguyễn Bích Ngân!
Và, Nguyễn Bích Ngân khẩn thiết báo động, đã cảnh tỉnh mọi người về “cái chết cận kề”, cái chết không tránh khỏi của nhân dân ta và của cả loài người.
Bài thơ khép lại bằng cả loạt câu nghi vấn ở ngôi thứ nhất, tác giả tự hỏi. Nhưng, đó cũng là những câu hỏi đặt ra cho mọi người, cho cả nhân loại:
“Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?
Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?
Xin đổi được kiếp này! Trời đất có cho tôi?”

Bài thơ gồm 5 khổ thơ. Bốn khổ thơ đầu là bốn giả định: “Nếu … thành cây”, “Nếu … hóa ruộng đồng”, “Nếu … hóa đại dương” và “Nếu … làm không khí”. Qua đó, Nguyễn Bích Ngân đã vạch ra cho mọi người thấy rõ cây, ruộng đồng, đại dương, không khí đều đã bị ô nhiễm, bị hủy diệt một cách khủng khiếp, kinh hoàng. Nguyễn Bích Ngân cũng đã kín đáo kêu gọi con người hãy sớm thức tỉnh, và nếu không từ bỏ được thì hãy hạn chế bớt sự tham lam ích kỷ của mình.

Phan Thành Khương

PHỤ LỤC:
XIN ĐỔI KIẾP NÀY
Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa thành cây,
Thử những nhát rìu rạch sâu da thịt.
Trong biển lửa bập bùng thử mình cháy khét,
Thử chịu thói độc tàn, thử sống kiên trung.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng,
Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất,
Thử chịu bão giông, thử sâu rầy, khô khát,
Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương,
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm không khí,
Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt trưa hè,
Thử không còn trong xanh vì lũ người ích kỷ,
Thử tiếng ồn đinh tai, thử cái chết cận kề.

Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?
Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?
Xin đổi được kiếp này! Trời đất có cho tôi?

18-5-2016
Nguyễn Bích Ngân
(học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội)