27 December 2016

BÀI HOAN CA Ở A 38 (Phần 25, 26, 27Hết) - Chu Trầm Nguyên Minh

|xem Phần 1, 2, 3|xem Phần 4, 5, 6|xem Phần 7, 8, 9|xem Phần 10, 11, 12| xem Phần 13, 14, 15|xem Phần 16, 17, 18|xem Phần 19, 20, 21|xem Phần 22, 23, 24|

Phần 25
_____________
– Dứt khoát…   Không.
– Anh nghĩ…
Vân cướp lời:
– Anh nghĩ cái gì nào? Anh nghĩ ông ta giúp anh ư? Một người vô ân bạc nghĩa, một loại cơ hội…   mà giúp anh lúc này ư?
Vân xúc động:
– Tôi nhắc cho anh nhớ. Khi tờ YT về SG in typo, ông ta được gặp nhiều người mà ông ta có thể nhờ được, lợi dụng được, những người mà từ họ ông ta có giá trị hơn, lúc đó anh không những bị ông ta quên mà còn bị xúc phạm…   Ông ta nói với anh “bài của ông gởi về bị bỏ sọt rác” là gì … Anh không còn giá trị lợi dụng nữa, cho dù nếu không có anh và cả tôi nữa, ông ta đã bỏ xác ở cao nguyên rồi…   và không có anh, không có YT thì ông ta là ai? Một nhà thơ, một nhà văn hay một họa sĩ? Một người như vậy, anh hy vọng gì nào?
Và Vân lập lại một cách kiên định:
– Dứt khoát… không.
Đó là câu trả lời của Vân khi Hắn hỏi ý kiến có nên đến nhờ KT giúp hay không [?] KT đang là cán bộ cách mạng của thị xã PR-TC. Hắn cũng không hiểu vì sao một hạ sĩ Ngụy, từng qua Mỹ học truyền tin quân đội, lại trở thành cán bộ cách mạng nhanh đến như vậy.
Hắn nhìn những người đi KTM bỏ về, lang thang ngoài đường, trong chợ, hay ngồi khóc trước căn nhà của mình bị Cán bộ chiếm. Hắn nghe kể đủ chuyện khó khăn… không nước…  không đất canh tác…  không điện thắp sáng…  không thuốc men, lương thực… Cách Mạng lùa dân đi KTM như đem con bỏ chợ…
Họ bỏ nơi rừng sâu nước độc trở về, không còn hộ khẩu, không sổ mua gạo, nhu yếu phẩm, con cái thất học. Họ mất tất cả, bơ vơ giữa nơi mà họ sinh ra, lớn lên và đã sống bao đời.
Hình ảnh đó làm Hắn lo sợ, và quyết định đi nhờ KT. Hắn ngập ngừng bước qua cổng trường Poklong, nơi Hắn đã đến, đã dạy cho các em môn Hội Họa nhiều năm qua, nơi quen thuộc đến thân thiết. Hôm nay hắn thấy sân trường trở nên xa lạ. Hắn hơi lo và e dè. Hắn lên lầu 1, rồi ngập ngừng gõ cửa…
– Cứ vào…
Hắn quay tay nắm, bước vào căn phòng mà hắn đã đứng trên cái bục, còn kia, bao năm, căn phòng dường như còn hơi của Hắn. Căn phòng vẫn như xưa có khác chăng là trên vách trái có treo một bức tranh, hình con chim bồ câu, và trên vách phải có ảnh Bác Hồ. Phòng học đã trở thành phòng ngủ và làm việc.
KT nhìn Hắn vẻ khó chịu, hỏi trỏng:
– Có việc gì?
Hắn trình bày hoàn cảnh và xin KT giới thiệu cho Vân một việc làm “việc gì và ở đâu cũng được” để tránh đi KTM vì “các cháu còn nhỏ quá”. KT nhìn Hắn như nhìn một kẻ không quen và cất giọng:
– Thành phần của ông…
Nếu khó khăn, chỉ cần KT nói một câu “tôi không giúp được” là đủ, cớ chi phải nói: “Thành phần của ông.” KT nói giống y như những cán bộ mà hắn đã gặp khi đến xin việc làm cho Vân. Hắn tự hỏi Hắn là thành phần thế nào dưới mắt cán bộ KT? Và cán bộ KT là thành phần nào? Kẻ mà hôm qua không nhờ Hắn thì bỏ xác ở Cao Nguyên? Kẻ cơ hội thời nào cũng là kẻ cơ hội. Hắn đi như chạy. Hắn mím chặt răng và thề sẽ không quên. Bài học mà KT dạy Hắn đã theo Hắn suốt năm tháng của cuộc đời. Hắn muốn và cố quên mà không sao quên được.
Hắn cũng không thể qua mặt Vân được việc đi kêu gọi lòng thương của kẻ vô ân, Vân đã đúng, khi “dứt khoát… không” và “em và con chấp nhận đi KTM chứ không để ông ta xúc phạm anh một lần nữa” và… Hắn lại sai.
– Anh lo cho các con.
– Em biết ông ta, một lần nữa xúc phạm anh. Giờ thì em mong anh mau quên chuyện này đi.

Hắn chuẩn bị đi KTM. Người ta sao mình vậy. Người ta sống được thì mình sống được. Vân đi mua thêm nước mắm, muối, cá khô. Hắn đến gặp chị Út, hỏi một vài điều liên quan đến căn nhà sẽ bỏ lại.…
Lúc hai vợ chồng đang bàn xem nên chuẩn bị những gì nữa để mang theo, bỗng trước nhà có chiếc xe Jeep xuất hiện. Vân và Hắn tái mặt khi thấy 5 cán bộ, mặc đại cán từ trên xe bước xuống, nhìn số nhà và bước lên thềm…   Người cán bộ nữ duy nhất, lên tiếng:
– Có phải đây là nhà cháu Tùng Vân không?
Vân bước ra.
– Thưa, tôi là Tùng Vân đây.
Người nữ cán bộ nhào tới ôm Vân và
– Con ơi…   Cháu ơi…   Bà ngoại đây…   Vân ơi…
Vân bất ngờ ngơ ngác…   rồi nhớ lại có lần Má Vân có nhắc đến bà. Sau khi gã chồng cho con, bà thoát ly, bỏ lại hai tiệm vàng trên đường Độc Lập, nghe bà đánh Tây tận Hạ Lào, có huy chương của Việt Minh khen thưởng…
– Nhìn con là ngoại biết là cháu của ngoại liền…   Con giống mẹ như đúc…
Bà cháu nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi và khóc như mưa. Sau vài giờ rồi phải ra đi, Đoàn công tác tận Sài Gòn. Lúc xe nổ máy, Ngoại nói:
– Khi trở ra…   Ngoại sẽ ghé con.
Vân ngập ngừng:
– Dạ, mai con đi KTM rồi.
Ngoại trợn mắt:
– Sao? Đi KTM?
– Dạ…
Bà nhìn 4 đồng chí cùng đi:
– Các đồng chí… tôi phải nán lại…  chứ không chúng giết cháu tôi mất.
Và 5 người cùng nán lại.
– Tụi con ở diện số 1 phải đi, không thì họ đến lôi đi.
– Diện số 1?
– Là Ngụy quân Ngụy quyền đi học tâp cải tạo mới về…   chưa có công ăn việc làm.
Hôm sau bà ngoại lên xe jeep, với bộ quân phục Đại cán huy chương đầy ngực, bà gọi:
– Vân, đi với bà.
Vân e ngại nhưng cũng bước lên xe, 5 cán bộ cách mạng và 1 vợ trung úy Ngụy ngồi cùng một chiếc jeep. Hắn nhìn theo trong lòng thấy tức cười. Chỉ non nửa buổi, chiếc xe quay về, Vân bước xuống xe, miệng cười vui và đưa cho Hắn xem tờ giấy. Đó là tờ giấy chứng nhận Vân là công nhân nhà máy đường Tháp Chàm.
Bà ngoại tiếp tục đi Sài Gòn. Hắn cũng chạy liền xuống Ủy Ban trình giấy chứng nhận của Vân. Hắn thoát đi KTM vào giờ chót đầy bất ngờ. Hắn nghĩ giờ đây không ai có quyền đuổi Hắn rời khỏi căn nhà của Hắn nữa cho dù “thành phần của ông” là thành phần nào.
Cuộc sống lại tiếp diễn như nó đã từng tiếp diễn, Vân với rổ chuối nướng, Hắn với chiếc 68 rong ruổi đường dài. Chén cơm kiếm được đẫm mồ hôi. Đôi khi cũng trộn nước mắt. Căn nhà vắng dần tiếng cười xưa kia, giờ chỉ còn sự yên lặng và tiếng thở dài. Ở cùng khắp, đâu đâu cũng chỉ thấy lá cờ Đỏ Sao Vàng. Đâu đâu cũng đọc được Bác Hồ Vĩ Đại. Nhà nhà đều thấy hình cụ Hồ được thờ nơi cao trọng. Và trong tiếng gió của đêm khuya, Hắn nghe như có tiếng ai đó gọi hồn…

Bây giờ Hắn được vào đậu xe chờ khách bên trong Tam Giác, nơi trước 75 là cây xăng của Hu, một người trẻ có tài kinh doanh, một tay chơi tennis khá hay, bây giờ trở thành bãi đất trống, thành Bến xe thồ. Hắn chạy bữa đực, bữa cái, lúc có lúc không.
Một hôm, Dua, học trò Duy Tân:
-Thầy, con thấy thầy cứ đậu hoài mà không thấy chạy…
– Ế quá Dua ơi.
– Không, đồng nghiệp đã chơi ép thầy.
– Chơi ép?
– Dạ, nguyên tắc phải chạy theo tài… đằng này, họ chạy liên tục…  còn thầy thì…
Hắn cũng nhận thấy như vậy. Hắn chỉ được chạy khi hai bạn đồng nghiệp chạy khách không có mặt tại bến thôi.
– Biết làm sao hơn.
Dua nói:
– Thầy làm với tụi con. Khi rảnh chạy thồ kiếm thêm.
Làm với tụi con, Dua cùng nhóm bạn họp thành nhóm bốc xếp, không phải ở bến xe mà ở dọc đường Tự Do, con đường chạy lên Đà Lạt. Những giỏ cá, được ướp nước đá, giấu trong các bụi tre ven đường…   Khi xe đến, tất cả phải chuyển thật nhanh những giỏ cá lên xe vừa nặng vừa tanh, nhưng cái khó chịu đựng nhất là nước chảy ra từ giỏ cá, làm ướt cả áo, thậm chí ướt cả quần…   Hắn chỉ làm một việc ghi số lượng giỏ cá theo loại lớn nhỏ, tính thành tiền công bốc xếp vào một cuốn tập học trò. Đa số làm về đêm. Ban ngày Hắn chạy thồ. Thu nhập khá, nhưng chỉ tuần sau là Hắn xin “nghỉ việc”, lý do: Hắn chỉ đi qua đi lại mà số tiền được chia bằng người khác, bằng những học sinh tội nghiệp của Hắn, Hắn không đành. Thứ đến, cá do HTX quản lý phân phối, những giỏ cá chuyển về cao nguyên là nhưng giỏ cá lậu. Việc làm không hợp pháp.
Hắn lại chăm chỉ trở về Tam Giác cùng 68, cùng những hy vọng và đợi chờ.
Mấy ngày nay, Hắn thấy đứa học trò tên Thuận đứng bên kia đường, có lúc Hắn thấy Thuận nhìn Hắn. Thuận là học sinh lớp Đệ Lục, lớp đầu tiên mà hắn dạy môn Toán khi thi đậu chuyển cấp. Thuận đã đỗ tú tài 2 và ra trường từ lâu.
– Thuận.
– Dạ.
– Em chờ ai, phải không?
– Em có chuyện muốn thưa cùng thầy.
Hắn dựng xe, băng qua đường.
– Chuyện gì, nói thầy nghe.
– Dạ…   dạ…
Hắn thấy Thuận ấp úng, khó nói. Hắn nghi Thuận đang khó khăn kinh tế và nhờ giúp đỡ, như nhiều trường hợp đã gặp.
– Em nói đi, thầy sẽ giúp.
– Dạ không, em muốn thầy vượt biên cùng gia đình em.
Hắn nhớ lại, trước 16/4 chính Thuận đã chạy vô nhà “Ba Má con nói thầy di tản Sài Gòn với gia đình con” và “nhà con có xe 16 chỗ, thầy cô đừng ngại.” Hắn thật tình là chưa nghĩ đến “vượt biên”, lý do trước mắt là “bốn đứa nhỏ bằng ngón tay”.
– Thầy không thể bỏ Cô và các em mà đi được.
– Thầy cô và các em cùng đi mà.
Hắn nói và nghĩ là từ chối được.
– Thầy không có vàng.
-Thầy cô và các em không tốn đồng nào cả, con lo.
Thuận quan sát rồi nói nhỏ:
-Tàu từ Vĩnh Hy vào lấy Công Nghệ Phẩm cho cán bộ sẽ không trở về… chạy luôn…   rất an toàn…
Thuận quan sát và nói tiếp:
– Nhưng nếu có việc gì xảy ra, Thầy cứ nói đưa gia đình đi nghỉ mát ở Vĩnh Hy… không biết gì… là xong…
Thuận nhìn Hắn, thăm dò:
– Gia đình con đi hết chuyến này…   Ba má con bảo con nói với thầy…
– Thầy cảm ơn ba má con và con, nhưng các em còn nhỏ quá, thầy chưa đi được lúc này.
– Chắc không còn dịp nào nữa. Tụi con thấy thầy chạy xe thồ, thương thầy, chỉ biết khóc mà thôi.
Thuận nghẹn lời:
– Ngày mốt tàu mới rời Cửa, nếu đổi ý…   con chờ thầy chiều mai, ở đây.
– Thầy nhớ.
– Con chào thầy. Con chúc thầy cô và các em ở lại mạnh giỏi. Ba má con cũng đoán rằng Thầy sẽ không đi nên nhắn lời thăm thầy cô…
Thuận rơm rớm nước mắt đạp xe về hướng Phủ Hà…   Ba hôm sau thì chuyến tàu Công Nghệ Phẩm của Cách Mạng không về lại Vĩnh Hy được xác nhận.

Chuyến xe Phi Mã chạy từ Sài Gòn ra, dừng lại bên kia đường khu Tam Giác.  Một người đàn ông cỡ tuổi Hắn bước xuống xe, băng qua đường. Lúc này bến chỉ còn mỗi mình Hắn.
– Tôi đi Quảng Thuận.
Hắn nói giá, người đàn ông gật đầu, khoác lại chiếc áo blouse, ngồi lên yên sau.
– Chạy thôi.
Hắn nổ máy, khởi hành. Bây giờ là 4 g chiều, chạy lên Quảng Thuận mất 1g20′ và trở về, thời gian di chuyển trên đường là từ 5giờ20 trở đi…  Gần ½ con đường là rừng thưa, không nhà dân. Giờ đó liệu có sao hay không[?]. Hắn cố tăng tốc, chiếc 68 thương chủ bốc dòn tiếng nổ. Hắn đã chạy giữa rừng, ánh chiều đã vàng. Hắn qua rừng Dầu thưa…   rồi tiếp rẫy mì…   đám mía…   vạt rau…   nhà xuất hiện rãi rác…   và đông dần. Qua chiếc cầu gần Sông Pha người khách mới xuống xe. Hắn nhận tiền rồi quày quả quay lui. Hắn nghĩ phải vượt qua đoạn đường giữa rừng Dầu trước khi trời sập tối…   Lúc xe đến con dốc cao nhất trong các con dốc mà hắn đã chạy qua, dưới chân dốc, bên kia đường có người con gái dùng chiếc nón lá vẫy vẫy ra hiệu đi xe. Đường về mà gặp khách là dân xe thồ mừng như lượm được vàng. Hắn nhấp thắng, nghiêng xe qua lề bên trái, nơi có khách đứng chờ… bỗng hắn phát hiện, phía trước, từ trong rẫy mì, cách đường non 100m, ba người đàn ông cầm rựa chạy ra. Hắn hoảng hồn, bỏ khách, rồ ga lên dốc. May chiếc 68 còn bốc, Hắn nghiêng xe thoát khỏi, trong gang tấc, đường chém của chiếc rựa cán dài.
– ĐM…   lên đây là chết, nhe con…
Bọn cướp đặt mồi nhử dưới chân dốc, xe sẽ hết tốc độ, chúng chận đầu dốc là hết đường thoát. Đường bay chéo sát mang tai của Hắn của lưỡi rựa chém ngang… cảnh trời chiều, giữa rừng thâm u…   Từ đó Hắn thật sự lo sợ. Nếu cứ tiếp tục chạy thồ có ngày hắn phải “tử nghiệp” thôi. Những cuốc xe đường xa, những chuyến đi chiều tối, Hắn từ chối, cho dù khách có trả bao nhiêu chăng nữa. Vì vậy thu nhập chẳng là bao. Nhưng Hắn vẫn phải tiếp tục, chẳng còn biết làm gì hơn.

Ngày 27/7 đầu tiên ở Thị Xã PR-TC sắp đến. Ủy Ban đã có sự chuẩn bị rầm rộ. Họ sẽ tổ chức môt ngày Thương Binh Liệt Sĩ hoành tráng cho nhân dân vùng vừa được giải phóng nhận biết ý nghĩa của ngày đền ơn đáp nghĩa này. CS là nhớ ơn chứ không phải phủi ơn. CS là ăn cháo giữ bát chứ không phải ăn rồi…  đá bát. CS là trước sau nhân nghĩa… v…  v… Nhiều khẩu hiệu được viết, treo quanh chợ, dọc đường Thống Nhất, trước rạp hát Thanh Bình, Việt Tiến…   Không khí lạ mắt và lạ cả lòng người, thời trước 75 họ có nghe nói đến ngày lễ này bao giờ đâu.
Người học sinh lớp Đệ Tam NLS, lớp Hắn phụ trách môn công dân giáo dục ngày nào, bỗng xuất hiện trước cửa:
– Thưa thầy, chị chủ tịch mời thầy xuống phường.
– Em có biết việc gì không?
– Thưa…  không.
Và nói tiếp:
– Chị Út nói…   hôm nay…   lúc nào rãnh thì thầy ghé phường…
– Tôi hiểu rồi.
– Dạ…   em chào thầy.
Hắn nhớ khi vụ Mỹ Lai xảy ra, Hắn đem vào lớp tờ Paris Match có bài và hình ảnh vụ thảm sát này cho học sinh xem…   và nói chuyện. Một trong những học sinh đưa tay phát biểu nhận thức, cảm nghĩ cũa mình nhiều nhất là người học sinh này. Hắn cũng không biết cậu ta làm chức vụ gì ở phường.
Hắn đến phường, chị Chủ Tịch mời vào phòng khách:
– Thầy viết giùm…   Ở phường không ai viết được.
-Tôi không nắm được chính sách, sợ viết sai…
-…   quan điểm chứ gì?
– Dạ…
– Tôi tin thầy viết không… sai.
– E chị bị…  đánh giá thôi…
Chị Út vừa nói vừa cười:
– Thầy an tâm…   Tôi phải học thuộc trước khi lên mi-cờ -rô… Thầy vô tình hay cố ý viết sai là tôi biết liền hà.
– Thưa, chừng nào?
-Tối mai…  thầy vô nhà…   đưa trực tiếp cho tôi… chuyện này phải tuyệt đối bí mật.
– Tôi hiểu.
Chị Út chủ tịch cười hiền:
– Ai đời thầy coi, đảng viên chủ tịch phường lại đọc diễn văn do một trung úy Ngụy viết, có đáng thu thẻ đảng không?
– Tôi cũng e…  như vậy…
– Tôi vẫn theo và trung thành với đảng, nhưng quan điểm của tôi là không phân biệt đối xử, không cực đoan. Vả lại, thầy còn CS có khi hơn cả CS…
– Chị nói … tội chết…
– Không phải tôi nói, quần chúng nói, cán bộ nội thành nói, tất cả học sinh thầy dạy nói… Và đó là lý do thầy được “thả” sớm.
Trên đường về Hắn nhớ lời KT nói “thành phần của ông”. Hắn mỉm cười. Hắn sống và làm những gì theo trái tim Hắn mách bảo thôi…   Hắn tự hào đã truyền lại những điều đó vào trái tim của học sinh mà Hắn dạy, dù Toán, Hội Họa hay Công Dân Giáo Dục. Học sinh của Hắn xem Hắn như người bạn có thể nói bất cứ việc gì, dù bí mật không nói được với ai. Chúng tin Hắn là người có lòng bao dung, có quyết định đúng đắn đáng tin cậy trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Có em còn xem Hắn như thần tượng. Những bài Hắn viết ở Ý Thức, Văn Học, Văn…. được các em đọc và tâm đắc.
Nhiều lần, cả Nam lẫn Nữ có chuyện mâu thuẫn với người yêu, với cha mẹ,  những học sinh yêu mà không được yêu, thậm chí những trải nghiệm trong cuộc sống…   đều tìm đến Hắn. Hắn nhớ, một hôm có em học sinh lớp Súc 10, trường NLS (Trường NLS là trường nhận học sinh nhiều tỉnh về học. Cô H, Hiệu trưởng, ngày xưa học trường Phan Bội Châu, Phan Thiết cùng lớp với Hắn nên “mời” Hắn dạy môn Công Dân. Học sinh Súc 10 người vô học từ Tuy Hòa).
– Thưa, con muốn nhờ thầy…
– Nhờ gì, em nói đi.
Nội dung em trình bày, em là cơ sở cách mạng nội thành, phụ trách mảng học sinh thành phố Tuy Hòa…   Gia đình báo cho biết cơ sở đã bị lộ và
– Địch đang lùng bắt em.
Em tiếp:
– Có hai giải pháp cho em lúc này, thoát ly hay trốn vào Saigon. Theo thầy, em chọn giải pháp nào?
Hắn không bất ngờ, vì chuyện học sinh hoạt động nội thành là bình thường, có nhiều học sinh đã bị bắt.
– Thầy muốn biết ý kiến của tổ chức thế nào?
– Em mất liên lạc với tổ chức và không trở về Tuy Hòa lúc này được nên không trao đổi được.
– Cho thầy biết vào Sài Gòn em làm sao sống, có tiếp tục học hay không?
– Em sẽ tự xoay sở, và gia đình sẽ có cách giúp em. Em quyết học tới cùng.
– Ý của thầy, muốn phục vụ tốt cho một lý tưởng thì phải có kiến thức tốt. Em vào Sài Gòn cố gắng học tiếp, vì thoát ly, với trình độ hiện tại, việc phục vụ của em sau này sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Hắn không còn được gặp lại em, nhưng Hắn chắc chắn là em không sống vô ích cho chính em và cho lý tưởng mà em đã chọn.
Sau 27/7, chị Út nói với Hắn:
– Thầy thấy chưa…
– Chị chủ tịch…
-Thầy viết diễn văn, không những đúng giọng điệu CS mà còn ướt át như tư bản.
– Như tư bản… là sao… tôi không hiểu.
– Nhiều người đã khóc vì bài diễn văn của thầy…
Chị đọc:
“Trong đoàn quân chiến thắng trở về, chúng tôi không nhìn thấy người cha,  người chồng, người em…   chúng tôi trở về, họ đã nằm lại nơi chiến trường…   cho ngày hôm nay.”
Chị gởi cho các con Hắn 5 bánh lương khô, loại bộ đội cụ Hồ mang trong balô khi đi hành quân, hay lúc vượt Trường Sơn. Gia đình Hắn được đổi Hộ khẩu mới, được cấp sổ lương thực, các con Hắn đều khỏe mạnh, chăm ngoan. Chỉ có Vân là khổ, công việc mà cty Đường Tháp Chàm phân công cho Vân là trồng cây xanh dọc hai bên con đường từ Tháp Chàm vô phi trường Thành Sơn, có đoạn đi ngang qua nhà máy. Con đường toàn đá, đá trên mặt đường, đá dưới mặt đất, khô cằn từ lâu không có một bóng cây…   Tổ của Vân gồm 3 nữ và 2 nam, dụng cụ gồm xà beng, cuốc chim, búa, đục và hai cái thùng, 1 chứa nước uống, 1 chứa nước tưới khi cây vừa cắm xuống và lấp đá lại. Ngồi ngoài nắng chang chang suốt ngày, Vân mỗi ngày mỗi ốm thêm và đen da như bị cháy nắng…
Khi cty Ngoại Thương được thành lập, người đến nhận chức giám đốc đi đến xóm Quang Trung tìm Hắn. Đó là chú Kiểng, người ở cùng quê với Hắn. Người là đàn em trong lực lượng cách mạng chống Pháp của cha Hắn. Và Vân được thuyên chuyển từ cty Đường Tháp Chàm về cty Ngoại Thương, biên chế xuống tổ sản xuất Hành Tỏi ở Bình Sơn với công việc đảm trách Kế toán kiêm Thủ kho…
Hắn nhờ Út Sáu tìm mua giùm chiếc xe đạp Đầm, từ đó Vân đi làm bằng chiếc xe này. Công việc mới không đòi hỏi đội nắng dang sương lại khá phù hợp khả năng nên Vân vui hẳn lên và người khỏe ra.

Một buổi sáng đậu xe đợi khách ở khu Tam Giác thì Kim Anh chạy xe Honda dame màu xanh đến:
– Thưa thầy… má con mời thầy ra nhà…
– Con có biết…  việc gì không?
– Dạ không.
Kim Anh là học sinh lớp 9 trường Trương Vĩnh Ký mà Hắn phụ trách môn Toán. Gia đình Kim Anh khá giàu có, kinh doanh Gỗ và Nước Đá. Giải phóng vô, cơ ngơi làm ăn giao hết cho cách mạng, hiện chỉ còn một máy nước đá nhỏ 100 cây 50 kg đặt sát nhà đang ở.
Hắn vừa bước vô cổng, có tiếng Lâm, em Kim Anh:
-Ba Má con đợi thầy trong này…
Hắn đã đến đây suốt 2 năm để “kèm tụi nhỏ học”. Tụi nhỏ là Kim Anh và Lâm nên Hắn thuộc mọi đường đi lối lại trong căn nhà trệt, rộng mênh mông này.
– Chào anh chị.
– Thầy ngồi đây uống ly trà.
Hắn vừa uống trà vừa chờ.
Chị Năm từ nhà sau bước lên:
– Nghe tụi nhỏ về nói…   thầy chạy xe ôm…   Tôi bảo chúng mời thầy ra, chỉ thầy cách kiếm sống.
Anh Năm ít nói, người cao lớn như lai tây, chỉ ngồi lắng nghe. Chị Năm truyền đạt cho Hắn cách hành nghề “Bỏ Đá” và kết luận:
– Máy của mình có 10 dãy, HTX lấy hết 8 dãy chỉ để cho mình 2 dãy. Tôi giao thầy 1 dãy tức 10 cây.
Chị Năm nhìn anh Năm:
– Anh thấy tôi tính như thế được không?
Anh Năm trả lời vợ nhưng mắt thì nhìn Hắn:
– Vấn đề giải quyết trước hết là thầy phải tìm mối để bỏ…   và bỏ được bao nhiêu cây?
– Dạ…  Tôi cũng nghĩ như vậy… Việc tìm mối…
Anh Năm cướp lời:
– Không khó … nhưng thầy phải chịu khó đi xa…
– Dạ…
– Căn cứ số lượng yêu cầu của các mối thầy tìm được… tôi sẽ giao đủ … nhưng không quá 10 cây
Chị Năm nói chen:
-Tôi sẽ tính rẻ và ưu tiên cho thầy… Cố gắng, thầy sẽ lo được cho tương lai lũ nhỏ.
Hắn cảm ơn anh chị Năm và ra về. Sáng hôm sau hắn bắt đầu một nghề mới: Bán Nước… .. đá…

Phần 26
Nơi đầu tiên hắn đến là Văn Sơn. Giữa con đường tráng nhựa, bề ngang khoảng 8m, chạy từ Phan Rang xuống Ninh Chữ là làng Văn Sơn. Làng gồm non 100 nóc nhà, nằm hai bên đường. Dân ở đây đa số là chủ rẫy hành tỏi ở Bình Sơn. Làng có nhiều hàng chè, hàng cháo, quán nhậu…những nơi cần nước đá.
Hắn chào vài nơi nhưng đều được trả lời là: có mối rồi. Hắn hơi thất vọng.
– Thầy, Thầy, con mời Thầy.
Hắn theo đứa học trò cũ vào ngồi ở quán cà phê ven đường.
– Thầy uống gì con gọi.
– Cho thầy ly đá chanh.
Đây là học sinh trường Nguyễn Công Trứ, tên Phải. Hắn nhớ Phải là học sinh học giỏi nhưng nghèo nhất lớp và phải nghỉ học giữa năm lớp 9.
– Con bây giờ làm gì?
– Con vừa ở nước ngoài về.
Hắn ngạc nhiên:
– Nước ngoài về?
– Dạ, thì vụ tàu Vĩnh Hy đó Thầy. Ai bị chở đi, muốn về, họ cho về.
– Bị chở đi là sao?
– Dạ, như em theo tàu ra Vĩnh Hy mua mắm cá thu về cho HTX, bị chở đi luôn. Những người như em nhiều lắm.
Phải tiếp:
– Thầy nhớ thằng Thuận không? Nó gởi lời về thăm Thầy Cô và các em.
– Thuận…
– Dạ, nó và gia đình đi Mỹ.
Hắn nói với Phải lý do Hắn có mặt ở Văn Sơn, nghe xong Phải nói:
– Để con đưa thầy đến Dì Bảy.
Dì Bảy khoảng 35, hai con, có chồng vừa bị CS tuyên án 17 năm tù, hiện giam ở Trại Sông Cái. Đây là một trong những người “đả đảo CS”, muốn lật đổ CS đầu tiên ở Ninh Thuận, và cũng của cả Miền Nam. Vụ việc làm bất ngờ mọi người, nhất là những cán bộ từ ngoài Bắc chi viện. Vụ việc xảy ra lúc Hắn còn ở A.38.
Nếu đi về hướng Ninh Chữ thì nhà dì Bảy ở bên trái con đường. Đó là căn nhà có bề ngang hơn 10m, phía sau xây gạch, mái ngói, nhưng phía trước lại lợp tôn, trống hoác. Hắn nghĩ đây là phần che thêm để Dì bán, buổi sáng: bánh canh, buổi chiều: bánh căn và suốt ngày bán cà phê bình dân.
Phải nhìn ra nhà sau, gọi:
– Dì Bảy ơi, Dì Bảy.
Có tiếng bước chân lẹp xẹp:
– Ai đó?
– Con đây.
Phải giới thiệu Hắn.
– Đây là thầy dạy con lúc con học ở Nguyễn Công Trứ.
– Chào Thầy.
– Chào … Dì.
– Thầy mới đi Học Tập Cải Tạo về. Thầy…
Hắn ngắt ngang.
– Tôi bỏ nước đá cây, ghé hỏi xem Dì có cần không?
– Bỏ đá…   Thầy giáo bây giờ mất…   dạy, làm đủ thứ nghề, nhưng không ai hành nghề bán nước… đá như Thầy.
Phải chen ngang:
– Bán nước đá…   Đừng nói thiếu chữ ”đá”…   bán nước … là chết thầy con…
Dì Bảy nhìn Hắn vẻ ái ngại.
– Thưa Thầy, tôi cần mỗi ngày vài cây 50, nhưng đã có mối bỏ rồi.
Phải đề nghị.
– Thì Dì lấy bên kia một nửa, thầy con một nửa…
Dì Bảy sau chút đắn đo.
– Thôi…   Thầy đợi tôi vài hôm, chờ tôi điều đình với mối cũ xem sao đã.
– Cảm ơn Dì.
– Có gì tôi sẽ báo với Phải nhắn thầy.
Hắn và Phải chào Dì và bước ra khỏi cửa nhà Dì Bảy.
Chiếc 68 bên kia đường nơi quán cà phê Phải vừa mời Hắn uống ly chanh đá:
– Con sẽ báo ngay khi Dì “điều đình” xong.
– Cảm ơn em.
Hắn lên xe, 68 trườn tới, tiếng Phải vói theo:
– Thầy chạy cẩn thận…
Sáng hôm sau Hắn dậy sớm, chạy ra hãng Nam Anh, lên 1 cây đá, ràng ở bọt- ba-ga và chạy xuống Văn Sơn. Hắn dừng 4 lần, chặt làm 4 khúc, bỏ cho 4 chỗ, dọc hai bên, gần hết đoạn đường chạy qua Văn Sơn.
Hắn tiếp tục chạy xuống Cửa. Hắn nhìn thấy chiếc tàu Vĩnh Hy, trước đây lãnh công nghệ phẩm xong, chạy thẳng ra biển đông, không về, đang đậu ở bến cảng…   Hắn nghe nói sau vài tháng, chiếc tàu được trả lại cho Việt Nam từ Indonesia. Bây giờ nó đậu chình ình ở bến cũ, làm công việc cũ, chuyển công nghệ phẩm cho Vĩnh Hy.
Hắn nhìn chếch phía Tây Bắc, chiếc cầu Tri Thủy bắc qua cửa đầm Nại, nơi đầu cầu bên này, còn khung sườn trường Đinh Bộ Lĩnh xây dở. Qua cây cầu này, đi thẳng thì đến nhà Tổng Thống Thiệu, cua phải, men theo núi đá là đụng làng nhỏ chuyên nuôi dê và làm nghề biển…   Đó là cuối đường, xe không chạy tiếp được, kể cả xe đạp. Theo hướng đó, cách 20km là Vĩnh Hy. Vĩnh Hy là một cái vịnh, như Vũng Rô, Cam Ranh…   Bao bọc chung quanh là những ngọn núi riêng lẻ, như từ dưới nước chui lên. Nước trong vịnh lúc nào cũng xanh ngắt, phẳng lặng cho dù biển có gió to sóng lớn. Điều đặc biệt của Vĩnh Hy là hàng năm, có vài tháng cá thu tập trung về đầm dày đặc, nhìn xuống nước thấy cá lúc nhúc như…  dòi…   và cũng hàng năm Tỉnh mở thầu, ai trúng thầu mới được đánh bắt.
Nếu nhìn từ Cà Ná, dãy núi chạy từ Vĩnh Hy đến Đầm Nại giống như hình Rồng Chầu, đuôi ở Vĩnh Hy, đầu gác Đầm Nại.
Bên bến cảng Cửa có cái chợ nhỏ, bên đường chạy quanh chợ có nhiều quán xá, tạp hóa, hủ tiếu, cà phê, có cả cửa hàng bán dụng cụ biển: lưới, chì, cần, lưỡi…  v.v… Ở đây Hắn cũng gặp lại học sinh cũ, cũng được đưa đi giới thiệu, như Phải đã giới thiệu Hắn với Dì Bảy ở Văn Sơn.
Sáng ngày thứ hai, Hắn lên hai cây 50, và cứ như vậy, ngã Văn Sơn-Ninh Chữ lên 5 cây mỗi ngày trong chưa đầy một tuần lễ. Chị Nam Anh khen:
– Thầy giỏi thiệt…
Xuân, chàng thanh niên mất một bàn tay lại là người lên đá cừ nhất hãng Nam Anh:
– Thầy giỏi thiệt.
Ai cũng đều khen Hắn giỏi, vì không ai biết Hắn có không biết bao nhiêu người tiếp sức. Đó là những học sinh mà hắn đã dạy trước 75. Điều Hắn thành công nhất và tự hào nhất sau hơn 10 năm làm nhà giáo là có đến 90% học sinh Hắn dạy đều thương Hắn. Bây giờ tình thương ấy được dịp kiểm chứng và thể hiện. Rất nhiều lúc, các em học sinh thấy Hắn chờ khách bên đường…
– Thầy ơi…
Rồi giấu mặt, khóc ròng…   Những lúc như vậy, Hắn an ủi học sinh và chính Hắn:
– Ai cũng khổ, đâu chỉ riêng một mình thầy…
Tiền kiếm được từ một cây đá mua được 1kg gạo loại nhì. Hắn chỉ mong kiếm đủ gạo cho gia đình. Bỏ được 5 cây đá là có 5kg gạo. Từ đây vợ chồng Hắn bắt đầu có chút dư, để dành.
Xuân nói:
– Anh chuẩn bị trấu để rải lên yên xe trước khi để cây đá lên. Trấu làm cây đá bớt trơn trượt.
Xuân, nguyên là công nhân hãng đá Mỹ Đức, do một nhà tư bản ở Saigon ra thành lập. Nghe rằng ông ta có đến 16 hãng nước đá ở các địa phương dọc bờ biển nổi tiếng nghề đánh bắt. Đá của ông chuyên cung cấp cho ghe tàu đánh bắt xa bờ, một ít dùng muối tiếp cá đi cao nguyên. Một lần máy ngừng vận hành, Xuân được lệnh lặn xuống bể nước để sửa, bị cánh quạt chặt mất bàn tay phải. Trước ngày Phan Rang giải phóng, ông chủ biệt tăm. Hãng đá của Tư Sản Mại Bản, diện tịch thu, giao HTX thủy sản quản lý, kể cả hãng đá Nam Anh. Nhưng gia đình anh chị Năm được nhà nước ưu tiên phân phối lại với giá tượng trưng 2 dãy, mỗi dãy 10 khuôn tức 20 cây 50 kí. Xuân về hãng Nam Anh theo phân công của HTX.
Hắn hỏi Xuân:
– Em thấy người ta chở -bằng Honda như anh- được bao nhiêu cây một lần?
– Ở hãng Mỹ Đức tối đa 4 cây, nhưng ở đây 3 cây.
– Sao vậy?
– Mỹ Đức đường phẳng, Nam Anh phải lên dốc.
Xuân nhìn Hắn cười nói:
– Anh không thấy “Dốc Nam Anh” sao? Nó tức ngược, đã có nhiều xe lọt mương.
Từ ngã ba Tam Giác đi về hướng NhaTrang chừng 300m có một cái cống ăn sâu dưới mặt đường, dẫn nước Đồng Cây Mét bằng một con mương nhỏ. Đầu dốc, so với con đường, chạy dọc theo bờ mương là rất cao, gần như dựng đứng. Đầu con đường này là nhà ở của gia đình anh chị Năm và hãng nước đá Nam Anh.
Hắn e ngại:
– Anh…
– Anh không phải tay chuyên nghiệp, nên chở 2 cây là vừa.
Xuân giúp Hắn nhiều việc mà Hắn không tự làm được nếu không có người phụ: rải trấu, lên đá, buộc dây cao su, thậm chí cả việc đẩy xe chồm tới để cây chống bật lại vị trí xe di chuyển cũng nhờ Xuân phụ đẩy. Mỗi buổi sáng Hắn chở 2 chuyến, mỗi chuyến 2 cây rưỡi. Mỗi lần lên dốc Hắn hồi hộp đến run tay lái. Nếu lên nửa chừng mà xe hết trớn tuột dốc là lọt xuống mương ngay.
Buổi chiều Hắn ra chỗ sửa xe nhờ Út Sáu tìm mua cái rờ-mọt.
– Anh kéo đá…
– Em biết rồi…
– Em giúp giùm…
– Anh cần gấp phải không? Em sẽ “lùng” cho anh ngay.
Buổi tối Út Sáu vô nhà.
– Có rồi, nhưng tận Tháp Chàm.
– Họ bán bao nhiêu?
– Em không hỏi. Anh chị hỏi giá và quyết định.
Út Sáu đưa cho Hắn mảnh giấy.
– Địa chỉ đây.
Ngay tối đó, Hắn chở Vân đi Tháp Chàm và cũng ngay đêm đó Hắn và Vân kéo cái rơ-mọt về nhà. Mua được cái rơ-mọt, hai vợ chồng đều vui, nhất là Vân cứ nhìn cái rơ-mọt mà cười.
Hôm sau khi xong hai chuyến đá đi Văn Sơn và Cửa, hắn đem xe 68 và cái rơ- mọt ra giao cho Út Sáu.
– Anh để đó, em sẽ “độ” cho.
– Em…
– Em sẽ “độ” cho anh kịp sử dụng sáng mai.
– Được như vậy, anh thưởng liền.
Buồi chiều Út Sáu lái 68, phía sau kéo cái rờ-mọt, chạy vô hẻm Quang Trung. Vân và Hắn cùng 4 đứa con chạy ra đứng nơi hiên nhà nhìn Út Sáu lái biểu diễn. Lần đầu tiên kể từ 16/4/75, gia đình Hắn nở đủ 6 nụ cười.
Sáng hôm sau Hắn lên 68, kéo theo rờ-mọt. Hắn thấy vừa mừng vừa lo, thời cha sanh mẹ đẻ tới giờ Hắn có kéo rờ-mọt bao giờ đâu. Hắn chạy chậm, thỉnh thoảng quay đầu nhìn ra phía sau nơi rờ-mọt chạy theo có an toàn hay không.
Xuân cười:
– Hôm nay anh thành tay bỏ mối…   chính hiệu rồi.
– Em xem… cái rờ-mọt có được không?
– Còn mới, nhưng lên đá, chạy thử, mớí biết được hay không.
Điều đầu tiên không ổn là chiều dài thùng rờ-mọt ngắn hơn chiều dài cây đá, mà như vậy thì không thể đóng bửng sau, đá dễ tuột khi lên dốc.
Xuân nói:
– Chẳng sao, cho trấu nhiều và rịt dây thun… là được.
– Thường người ta chở mấy cây với cái rờ-mọt?
– Có thể chở 10 cây, tức 500 kí nếu di chuyển đường phẳng, máy bốc, nhíp cứng…
– Còn phải qua dốc Nam Anh?
– 6 cây tức 300 kí là vừa.
Xuân chất lên rờ-mọt 5 cây.
– Em sẽ ra dốc chờ…
– Chi vậy?
– Em sợ xe không bốc, lúc đó phải kê bánh hay đẩy liền, không thì lọt mương.
– Hắn rất lo nhưng cố nói cứng.
– Còn lâu…
Hắn nổ máy vào số 1, vô ga khởi hành. Xe xìa bên trái, xìa bên phải, không chạy thẳng được. Hắn thắng lại, lo âu.
– Xuân…   Xuân…
– Nhíp quá yếu, không thể chở đá được.
– Bây giờ làm sao?
– Thêm lá vào nhíp, hay thay cái mới.
Hắn tiu nghỉu, mặt buồn rười rượi.
– Công cóc.
Xuân nói:
– Em nghĩ, anh bán cái này, dồn tiền đặt làm cái mới, tốt hơn.
– Đặt cái mới?
– Mình sử dụng lâu dài mà anh.
Hắn lưỡng lự, có chút tiền, trả hết cho cái rơ-mọt thổ tả này rồi, còn đâu mà đặt cái mới.
– Thầy cứ đặt đi, tôi cho mượn.
Hắn và Xuân đều bất ngờ, không biết chị Năm đứng sau lưng từ lúc nào.

Rờ-mọt mới do Xuân đặt làm, thích hợp cho việc chở đá, có bửng sau, nhíp bằng thép Mỹ, độ nhúng êm không tức. Hắn chở mỗi chuyến 6 cây, rồi 8 cây. Từ trước 75, Phan Rang có ba đề-pô đá lớn, một nằm ở mặt tiền đường Thống Nhất, 2 cái ở cuối đường Đạo Long, sát bờ đê. Họ chia nhau thị trường muối cá, quán xá. Họ có cả xe tải chuyên chở đá đi bỏ tận Long Hương, Phan Rí. Thường số đá sản xuất tại địa phương không đủ cung, họ phải lấy đá từ Cam Ranh, Nha Trang, thậm chí tận Phan Thiết có khi vô tới Long Khánh. Họ chuyên bỏ đá cá, cá trúng mùa họ càng trúng đá. Đối với họ thì hắn chỉ là thứ cò con, lại rải đá trên một tuyến đường Phan Rang-Ninh Chữ, không đụng mối của họ, vì vậy họ mới để yên.
Gia đình chị Năm trước 75 còn hai xưởng gỗ khá nổi tiếng ở Sông Mao, Long Khánh. Bàn ghế sản xuất ở đây giá rất cao, vì rất đẹp và làm bằng toàn gỗ quý. Gia đình chị giàu nổi tiếng nhưng sống giản dị, gần gủi với mọi người. Giải phóng vô, tất cả người giàu gần như đều có tội vì giàu đồng nghĩa với bóc lột, tất cả cơ ngơi hãng xưởng của chị, chị đều tự giác hiến cho Cách Mạng. Đổi lại cách mạng thuê gia đình chị tiếp tục quản lý hãng nước đá, nhưng sản phẩm xuất ra thì HTX quản lý, phân phối.
Một buổi tối Kim Anh vô nhà và nói:
– Ba Má con mời thầy.
Hắn lên xe chạy ra nhà anh chị trong bụng không yên, không biết có chuyện gì, lành hay dữ.
Hắn vô phòng khách, anh Năm bỏ tờ báo đang đọc.
-Thầy ngồi uống nước, rồi nói chuyện.
Anh Năm mở hộp bisqui để trên bàn, lấy bánh ra để trong một cái dĩa kiểu màu xanh nước biển.
– Mời thầy.
Hắn nhón cái bánh, cầm nơi tay.
– Thưa anh…
– Đang là mùa cá, tôi sẽ “dù” nguyên hầm cho thầy.
Hắn giựt mình. 100 cây, làm sao Hắn bỏ cho hết. Anh Năm như hiểu tâm trạng của Hắn.
– Thầy lo bán không hết phải không?
– Dạ, tôi chỉ…
– Tôi gọi thầy tức tôi biết thầy… bán hết…
– Dạ…
– Thầy chọn đường xa, dùa hết vào Long Hương. Bao nhiêu cũng hết.
Anh vừa rót trà vừa nói:
– Thầy tìm mối. Chiều mai thầy ra đây…   bàn tiếp.
– Dạ, chiều mai.
Hắn bước ra và đi thẳng tới Hầm Đá. Xuân đang ngồi hút thuốc. Hắn chưa nói gì thì Xuân đã rĩ tai Hắn.
– Em mừng cho anh. Không phải ai ông ấy cũng “dỡ” nguyên hầm.
– Anh lo là không tìm được mối.
– Trong vài ngày nữa, tàu thuyền đánh bắt trở về. Tha hồ bán đá cá…
– Nhưng làm sao tìm mối?
Xuân cười:
– Lúc đó mối … tìm anh…
Trước khi lên xe trở về:
– Xuân… cho anh biết anh phải làm sao đây?
– Anh chực ở bến, đợi xe Long Hương ra, tìm cho được thanh niên tên Nho.
Sáng hôm sau, chạy 2 chuyến đá xong, Hắn ghé bến xe và không mấy khó, Hắn diện kiến người thanh niên tên Nho. Hắn hỏi thăm thị trường đá, tình hình đánh bắt cá ở Long Hương và kết:
– Tôi có đá cung cấp, cậu lấy không?
– Số lượng?
– 100 cây 50, giao tận nơi.
– Tôi mua hết…   nhưng cho biết giá.
– Như giá thị trường …
Nho là chủ đề-pô đá lớn ở Long Hương, nơi cần một lượng đá rất lớn mỗi khi tàu thuyền đánh bắt trở về. Họ dùng đá để muối cá chở đi cao nguyên và vào tận Sài Gòn. Người trong nghề đều thấy chuyến cá sắp về ở Long Hương sẽ trúng đậm vì thời gian ra khơi sóng im, biển lặng.
– Dằn trước bao nhiêu?
– Khỏi cần, nhưng xuống xong phải chung đủ.
– Tôi hứa, nhưng chỉ giao trong vòng 3 ngày tới.
Hắn nhìn người thanh niên tên Nho, trẻ nhưng tin được.
– Xe cậu chừng nào trở vô…
– 14g.
– 14 g tôi đến chỗ này trả lời cậu.
Nói xong Hắn nổ máy, rồ ga chạy thẳng ra hãng Nam Anh.
Anh Năm thấy Hắn quay lại, sớm hơn anh nghĩ, anh cười:
– Xong rồi phải không?
– Dạ, đã bắt được mối cá Long Hương.
– Tên gì?
– Dạ, tên Nho.
– Thằng này làm ăn được. Thầy nên kết nó.
Chuyện “dỡ” nguyên một hầm đá 100 cây và bí mật tiêu thụ đối với anh Năm là chuyện nhỏ. Anh sẽ báo với HTX là máy hư, đóng hầm để sửa chữa, nhưng chở đá ra khỏi thị xã là một vấn đề sống còn. Chẳng may bị công an, thuế vụ, HTX chận thì xem như “tiêu đời” của Hắn và của cả gia đình anh chị Năm.
Anh gọi Xuân đến và nói:
– Khuya mai dỡ hầm, coi giúp thầy…
– Dạ.
Và quay qua Hắn:
– 3 giờ sáng, xe phải qua khỏi cầu Đạo Long.
– Em hiểu.
Anh Năm chỉ nói chừng ấy rồi bỏ vô nhà, Xuân và Hắn thống nhất kế hoạch. Xuân gọi nhóm bạn thân tín từ nhà máy Mỹ Đức xuống “dỡ” hầm lên đá, xả nước.
– Anh đưa xe ra đúng 2g khuya.
Vừa nói Xuân vừa đưa cho Hắn mảnh giấy ghi địa chỉ của người có xe tải mi-ni chuyên chở đá đường xa ở Tấn Tài.
– Phải đúng giờ, không sớm và cũng không được muộn.
Xuân vừa đi về phía dàn nước đang phun đặt phía sau nhà máy vừa nói:
– Có trở ngại gì, anh phải báo em biết trước 17giờ hôm nay.
Hắn lên xe nổ máy.
– Anh hiểu…
Hắn chạy xe xuống Tấn Tài. Người chủ xe kiêm tài xế lại là học trò cũ của Hắn, nên việc hợp đồng chở đá được giải quyết mau chóng. Giá cả có sẵn, xe sẵn sàng.
– Em nhớ cho xe ra đúng giờ.
– Thầy khỏi lo, em đã chở đá “dù” thế này nhiều lần rồi.
Hắn trở về và chạy thẳng ra bến xe gặp Nho.
– Sẽ giao tại Đề-Pô Long Hương lúc 5g sáng mai.
– Đủ 100 cây?
– Đủ. Nhớ nhanh gọn, tôi phải quay về trước trời sáng.
– Tôi biết, ông anh khỏi phải lo.
Đó là chuyến đá dù đầu tiên, tất cả mọi khâu thực hiện nhanh gọn, trót lọt, hai bên giao nhận, thanh toán rất chuyên nghiệp. Anh Năm Anh rất hài lòng và tuyên bố là đã “chọn không lầm người”. Từ đó, Hắn được anh Năm tín nhiệm và giao cho những chuyến đá dù khi thời cơ đến và thực hiện được, nhất là lúc trời im, biển lặng, trúng biển. Đôi khi cũng dù vào những ngày Cúng Ông Nam Hải, lễ hội kéo dài, cần đá. Nho trở thành đầu mối của Hắn ở Long Hương. Hắn thực thụ trở thành “Thầy T. bán nước…đá”.

……. 
Phần 27
_____________
Khi còn ở A.38, Hắn có hứa Hạt Mè là nếu được ra tù trước sẽ lên Đơn Dương thăm vợ con, nhất là xem việc học của hai cậu con trai của Hạt Mè thế nào. Hắn nói với Vân:
– Anh định đi Đơn Dương như lời hứa với Hạt Mè.
– Anh đi đi. Việc nhà để em.
Sáng hôm sau Vân đưa hắn bì thư.
– Anh mang chút tiền phòng khi phải giúp hai cháu.
– Cảm ơn em.
Hắn ra ngã ba Tam Giác đón xe đò từ Nha Trang vào, đi Đơn Dương. Xe qua Quảng Thuận, nơi trước kia chế độ cũ đưa những người theo đạo công giáo ở Quảng Trị vào lập nghiệp, nhà nhà vắng hoe xơ xác. Hắn nghĩ  “họ tập trung sản xuất ở nông trường Suối Vàng” [?]  Bên trái, xa tận bìa rừng là khu KTM. Nếu không có bà Ngoại, gia đình Hắn giờ đây ở khu KTM này. Xe qua Sông Pha, chui qua đường ống dẫn nước từ đỉnh núi xuống. Xe lên đèo Ngoạn Mục thì không khí se lạnh, những cây thông bắt đầu xuất hiện. Ngày xưa, hàng năm Hắn lên Đà Lạt vài lần để lấy tài liệu hay dự thi học kỳ. Hắn học Hàm thụ khoa Kinh Tế Chính Trị ở viện Đại Học. Con đường không mấy xa lạ với Hắn, mỗi lần như vậy, Hắn thường ghé Đơn Dương mua chuối La Ba và khoai lang mật, hai đặc sản của Đơn Dương mà Hắn thích.
– Ai Đơn Dương…   xuống xe.
Hắn bước xuống, đứng bên đường, chỗ ngã ba. Nếu xe tiếp tục lên đèo theo nhánh chếch bên phải là đi Đà Lạt. Còn nhánh bên trái là đi Đức Trọng. Hắn vào ngồi ở quán cà phê đầu dãy nhà án ngữ trước mặt chợ. Ở đây Hắn thấy đập chứa, bờ đập cao so với mặt nước. Nước mênh mông, kéo dài tận chân dãy núi ôm hình vòng cung phía xa. Ống màu trắng chúi đầu xuống đập, qua nhà máy bơm, chạy thẳng lên đỉnh núi, từ đó chảy xuống, tạo thủy lực lớn làm chạy tuốc bin nhà máy điện Đa Nhim, nằm dưới đèo Sông Pha, thuộc địa phận Ninh Thuận.
Hắn đi ngược lại bến xe, theo con đường đá lởm chởm dẫn vào triền núi. Căn nhà có vòng rào trồng toàn dã quỳ hiện ra, “cậu thấy nhà nào có rào dã quỳ thì đó là nhà của tớ”. Hắn tần ngần trước cổng đã khóa trái, đóng kín. Hắn nhìn vào khu vườn xơ xác, căn nhà ngói đỏ như căn nhà hoang, không chủ. Hắn gọi cửa và chờ. Một rồi hai lần nhưng không nghe tiếng trả lời. Vợ Hạt Mè đi vắng [?] Hắn định quay ra tìm một quán cà phê, ngồi chờ…
– Chú em… tìm ai…?
Hắn nhìn người đàn bà, hơi già, đi cùng đứa con gái khoảng 18 đôi mươi. Họ mang theo bên người dụng cụ làm rẫy.
– Dạ, tôi tìm chủ ngôi nhà này…
– Vợ thằng Toàn phải không?
– Dạ…  phải…   Vợ và hai con…  của anh Toàn.
– Thằng Toàn đi học tập cải tạo…   từ ngày mới giải phóng…
– Dạ, tôi biết. Tôi học chung trại với anh ấy đấy.
– Vậy hả?
– Dạ…
– Nó có khỏe không, chú em?
– Dạ…   anh ấy khỏe.
Bà tán thán:
– Tội nghiệp thằng nhỏ, ăn ở ai cũng thương…
Hắn nóng ruột:
– Xin hỏi…  vợ con…
Bà cướp lời:
– Vợ con nó ư?
– Dạ…
Bà hạ giọng:
– Bỏ đi gần năm rồi… Cái nhà như nhà hoang… chú không thấy sao?
Hắn hỏi nhanh:
– Tại sao…   lại bỏ nhà ra đi …
-Thằng cha Bắc Kỳ làm bí…  bí…
Người con gái, đỡ lời:
– Bí thư…
– À, phải…  bí… bí…  hại nó…
– Hại chị ấy?
Bà tỏ ra quá xúc động nên nói cà lăm. Người con gái phải lên tiếng:
– Nội để con kể cho chú ấy nghe…   chứ nội cứ bí…  bí…   hoài như vậy chừng nào mới xong chuyện.
Người con gái vắn tắt…   Biết yếu điểm chị Toàn rất tha thiết mong chồng về, tên bí thư hứa sẽ “đề nghị lên trên” thả anh Toàn về sớm. Chị Toàn phải nộp bổ sung hồ sơ, theo ông bí thư yêu cầu, không biết bao nhiêu lần, tại văn phòng làm việc của ông bí thư và tại đây chị bị ông bí thư cưỡng hiếp. Thương chồng chị cắn răng chịu đựng…   Đôi khi, ban đêm ông bí thư còn đến nhà… Lúc nhận biết mình bị lão bí thư lường gạt thì cái bụng đã phình lên, không che giấu được. Một đêm chị đón xe đưa hai con, bỏ xứ.
Nghe cháu nội kể xong, bà thở dài:
– Đã hơn nửa năm, không ai biết mẹ con nó lưu lạc xứ nào.
Hắn nhìn căn nhà quạnh hiu một lần chót rồi quay lui. Cuộc bể dâu cuộn theo biết bao cuộc đời dâu bể. Một đổi thay như một trận cuồng phong bất ngờ thổi qua cánh đồng xanh bao năm bình lặng, làm dậy sóng mặt hồ tịnh yên, làm gãy đổ lòng người, làm những cuộc chia ly mang theo cái chết…
Hắn đón xe tiếp tục lên Đà lạt. Hắn nhớ thời thở khói Bastos, lang thang trong đêm sương mù…   Hắn nhớ Lữ Quán Thanh Niên, nơi Hắn say lần đầu tiên trong đời, thừa chết thiếu sống. Hắn nhớ cà phê Tùng, nơi ngồi nghe tiếng nhạc êm êm ru Hắn quên đời. Hắn nhớ Châu, nhớ Lâm, nhớ Thu, nhớ Quế…  , nhớ đêm giã từ K.17 Võ bị Đà Lạt. Hắn nhớ LTSĐT, một kẻ cô đơn hơn tất cả kẻ cô đơn trên đời cộng lại, một chàng trai đã trải qua biết bao nỗi nhọc nhằn, một chàng trai cu ki một mình giữa đời, nhưng cuộc đời vẫn đứng vững trên tầng cao, cuộc đời được những người biết sống ngưỡng mộ…   Hắn nhớ đã cùng Vân bên nhau nơi này…
Hắn đứng ở khu Hòa Bình nhìn xuống phía Hồ. Không còn ai ở đây, tất cả đều xa vắng…   Tất cả chỉ còn những chiếc bóng trong ký ức của người trở lại…

Vân hỏi:
– Không vui…   phải không anh?
Hắn kể vắn tắt cho Vân nghe và quyết định:
– Mai anh vào A.38 thăm Hạt Mè.
– Phải, nhưng anh đừng nói gì chuyện của chị ấy.
– Anh biết.
Được Anh đạp ba-gat, mồ hôi nhễ nhại trên mặt, bước lên hiên nhà, vừa thở vừa hỏi:
– Thầy mới về?
Hắn không trả lời.
– Ở nhà có việc gì không?
– Dạ không. Em đã phân phối như mọi khi.
– Anh Nho Long Hương…
– Anh ấy vẫn theo xe ra hàng ngày, nhưng Nồm nên đá cá không chạy.
Được Anh là tổ trưởng nhóm ba-gat chuyên chở đá cho Hắn. Ốm, nhỏ con nhưng rất khỏe và nhanh nhẹn. Nó là đứa có học hơn ba đứa còn lại.
– Em tiếp tục thế anh điều hành thêm hai ngày nữa.
– Dạ, đang Nồm đá cá không chộn rộn. Thầy đừng lo.
Hắn đưa hai nải La-Ba cho Được Anh.
– Đem cho tụi nó.
– Em sẽ nói với chúng, quà của thầy mua cho từ Đà Lạt.
Công việc bán nước…   đá của Hắn lâu nay nhờ cả vào Được Anh và nhóm ba-gat. Thậm chí đi nộp thuế hàng tháng cho phòng thuế vụ, Được Anh cũng đảm trách luôn. Hắn đối xử với chúng như anh em một nhà, vì vậy chúng hết lòng hết sức với Hắn.
Sáng hôm sau, Vân mua cho Hạt Mè hai kí đường. Hắn ra bến đi xe Phan Rí Cửa, từ đó đi xe Lam vô A.38. Trại vẫn như xưa, duy chỉ những hố xí, “đứng tòng ngòng” thì đã dẹp mất, ở đó bây giờ là nhiều vòng concertina… Hắn ghi danh thân nhân Nguyễn Ngọc Toàn…   Sau thời gian chờ thì được trả lời:
– Tên này… đã chuyển trại.
Hắn chưng hửng.
– Chuyển trại? Thưa cán bộ biết anh ấy chuyển đến trại nào không ạ?
– Không!
Hắn thất vọng trở về, đi trên con đường đất ra hướng Quốc lộ. Lúc đi ngang cái chợ nơi Vân suýt chết, Hắn bỗng thấy giận dữ và lần đầu tiên Hắn buộc miệng “Đ.M.” Hắn cũng không biết chửi cái gì [?] Chợ hay A.38. Lúc Hắn ngồi đón xe ở QL 1, biết thêm thông tin là A.38 đã chia làm ba khối: Thiếu úy, Trung úy và Đại úy. Mang lon thiếu tá trở lên đã đày ra phía Bắc. Hình như người ta không còn gọi trại là trại A.38 nữa mà là Liên Trại…gì gì đó, và Hạt Mè không chuyển trại mà chết trong phòng biệt giam.
Khi xe qua Cà Nà, Hắn nhớ có lần Hắn câu được con cá Mó ở bãi cát bên ghềnh đá đẹp nhất nơi đây, hai bàn tay hắn đầy máu vì cước cắt…   Con Mó gần 17kg, sức kéo của nó là cực nhanh. Nếu ham cá, không kinh nghiệm, đụng vào cước là đổ máu ngay. Phải để nó tự do chạy, thỉnh thoảng khóa cước, nó đột ngột bị kéo ngược lại rồi mở khóa cho nó chạy tiếp. Cứ như vậy…   chờ đến khi nó mệt, hết sức, lúc đó mới kéo nó vào. Có khi phải dùng Thúng và Khấu mới bắt được nó.
Xe qua Ninh Phước, Phú Quí, Hắn nhìn về làng Bàu Trúc, nơi có đứa học trò nghèo, đam mê Hội Họa bây giờ không biết ra sao…   Hắn nhìn hướng Đông, tít tận biển xa là Đông Tây Giang, Tân Thành, nơi có ngôi trường nhỏ nằm bên bờ Sông Dinh trước khi hòa dòng nước vào biển khơi, rồi An Thạnh, Từ Tâm nơi Hắn bạt Tràu vào những buổi sáng chủ nhật. Hắn đã đến đây, đã sống và đã tan biến tâm hồn vào cỏ cây, mây trời Phan Rang, Duy Tân… ơi… làm sao quên.
Hắn về nhà khi Vân và các con chuẩn bị bữa cơm chiều.
– Hạt Mè khỏe không anh?
– Hạt Mè…   không còn ở A.38…   em à.
– Anh ấy chuyển trại đi đâu?
Hắn nói lại những gì Hắn nghe từ toán trại viên đi nhận lương thực ở Quốc Lộ 1, lúc Hắn đón xe. Hạt Mè hóa điên khi nghe vợ bị tên bí thư cưỡng bức. Nó đập phá, chửi cán bộ, khóc lóc đòi trả thù và, như thường lệ để giải quyết những vụ như vậy là biệt giam…   và Hạt Mè cũng mất tăm luôn…
– Anh nghĩ, Hạt Mè bị thủ tiêu như Thiếu tá Lổ rồi.
– Sao…   oan nghiệt thế…   hở anh?
-Còn biết bao tang thương khác…   mà chúng ta không biết.
Hắn hôn các con.
– Em và con ăn đi…    Anh mệt quá…   Anh ngủ đây.
Vân nhìn Hắn ái ngại.
– Thì anh ăn một chút rồi ngủ vẫn chưa muộn mà.
– Anh không thấy đói.
Hắn vô phòng, nằm vật xuống giường và giấc ngủ ùa đến, nhấn chìm Hắn trong cơn mơ. Hắn thấy Hạt Mè đang đưa cao cây đũa chỉ huy cho dàn đồng ca 240 người cùng cất tiếng hát “Bài Hoan Ca Ở A.38” mà trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

….

Sài Gòn 3-9/2013
Chu Trầm Nguyên Minh