Vài tuần sau, lá thơ tiếp theo của đứa em gái mới xé nát
linh hồn Trọng: "Em thấy thầy Chương dạy toán hay đến nhà chị Phượng chơi
luôn. Một lần gặp em chị ấy bảo thầy Chương chỉ là người quen trong gia đình...
Em không dám nói gì vì em biết anh là lính xa nhà và nhà mình lại nghèo nữa...
Em nói cho anh biết vậy thôi, mong anh đừng buồn và hãy ráng bảo trọng tấm
thân..."
Trọng gấp lá thư, cười méo mặt lại: "Con nhỏ này thật ngây thơ. Tin sét
đánh như vậy mà bảo người ta đừng buồn..." Nghĩ đến chuyện đã gần ba tháng
chưa nhận được thơ Phượng, Trọng quyết định ngưng luôn thư từ với nàng.
Thật ra trong lúc đó, Phượng đang đau khổ vì tưởng Trọng lừa dối mình. Trọng bảo
đi học 6 tháng sẽ về, bây giờ gần cả năm rồi mà chưa thấy tăm hơi gì cả. Thư
cũng chẳng thèm viết về nữa.
Nhà Phượng quả có ông thấy giáo dạy toán tên Chương hay đến chơi thật nhưng
trong nhà chỉ có bố Phượng thích ông này, ngoài ra chẳng ai ưa cả. Phượng biết
mình. Phượng biết Phượng chỉ có thể yêu Trọng mà thôi. Nàng thường nói đùa với
mấy đứa bạn cùng lớp: "Tao có nói với thầy Chương rằng, cũng như từ một điểm
ngoài đường thẳng, người ta chỉ có thể vẽ được một đường thẳng thẳng góc với đường
thẳng ấy và chỉ một mà thôi, trái tim tao chỉ có một hình ảnh Trọng và chỉ một
mà thôi..."
Tuy yêu tha thiết nhưng vốn được bố mẹ nuông chiều từ thuở nhỏ, Phượng luôn
luôn muốn được làm người quan trọng, muốn người ta phải năn nỉ mình, muốn được
có quyền uy ngay cả với người mình đang yêu. Vì thế, tuy thư không thèm viết
nhưng trái tim Phượng ngày nào cũng như chảy ra khi nghe thấy có tiếng xe Honda
ngoài ngõ...
Rồi một ngày gần lễ giáng sinh, mẹ Trọng sang báo cho Phượng biết là: "Thằng
Trọng mãn khóa rồi, thứ sáu này ra trường, thứ bảy nó sẽ về đây bằng máy bay
quân sự..."
Phượng mừng quá khóc rưng rức. Sáng thứ bảy, nàng "quên hết hận thù"
đến nhà bố mẹ Trọng để cùng ra phi trường đón Trọng. Cả nhà chờ mãi đến tối chẳng
thấy Trọng đâu hết đành lên xe ra về.
Riêng Phượng, nàng không thể tha thứ cho Trọng cái tội này được. Nhưng nàng
không biết rằng sáng hôm thứ bảy sau ngày lễ gắn lon, Trọng hí hửng xách hành
lý ra trạm hàng không dân sự Tân Sơn Nhất để nghe một tin chết người: "Vì
nhu cầu hành quân, các phi vụ chuyên chở hành khách thông thường đã bị hủy bỏ..."
Đáng lẽ chàng nên ra đón xe đò về Nha Trang liền thì không đến nổi nhưng chàng
nán lại, hỏi người hạ sĩ quan hậu trạm về chuyến bay kế tiếp. Hắn bảo có thể
chiều nay...
Cái "chiều nay" của hắn kéo dài đến... hai ngày. Có 10 ngày phép quí
báu thì đã mất toi hết 2 ngày nằm chết dí một chỗ ở trạm hành không quân sự. Trọng
đi ra đi vào lẻ loi buồn khổ như một bóng ma, chẳng ai để ý đến. Hoá ra cặp lon
chuẩn úy vàng chóe trên cổ mất cả năm mới giật được đối với thiên hạ chẳng ra
cái thá gì cả. Nhưng chàng cũng tự an ủi được phần nào khi nhìn thấy có vài ông
trung tá đại tá cũng ngồi chờ méo mặt ra...
Quân đội thật là tàn nhẫn và rắc rối!
Mãi chiều thứ hai, lúc Trọng đã bắt đầu có ý định bỏ đi đón xe đò về thì người
ta cho Trọng leo lên chiếc C-119 về Nha Trang.
Nhìn lại thành phố cũ sau một năm đã mừng, nhìn lại căn nhà cũ nơi mình đã sinh
ra và lớn lên còn mừng hơn. Trọng bước vào qua hàng rào và chợt đau đớn nhận ra
là nhà mình nghèo quá. Điều này phải đi lâu ngày về nhà mới nhìn thấy được.
Trong khi các nhà hàng xóm chung quanh mọc lên nào trụ ti vi, nào xe gắn máy mới
đậu trước nhà, nhà Trọng nước sơn nước gỗ vẫn y nguyên như từ thuở chàng lên
tám.
Mẹ Trọng ngồi ngoài hiên, nhìn thấy con trai liền đứng bật dậy chạy ra cầm lấy
tay Trọng vừa khóc vừa nói: "Con ơi, cả năm nay, chiều nào Mẹ cũng ra
ngoài hè ngồi chờ con như thế này..."
Thấy nhà hoang vắng quá, Trọng hỏi:
- Bố đi làm chưa về sao mẹ?
- Về rồi chứ, nhưng bố mày phải đi chạy xe Honda ôm kiếm chút tiền để phụ với
tao. Chạy xe thì mệt thật đấy và nhục nữa nhưng lương công chức như bố mày thì
tiêu làm sao cho đủ...
Hai mẹ con cầm tay nhau bước vào nhà. Chàng thấy đồ đạc trong nhà chẳng có gì
thay đổi. Sự nghèo khó thật khó mà giấu thiên hạ. Nghĩ đến bố mẹ chịu bao nhiêu
cực khổ để nuôi nấng mình nên người, bây giờ khôn lớn mà chẳng giúp gì được gia
đình lại phải sống xa nhà, hai hàng nước mắt của Trọng bất giác tuôn rơi đầm
đìa.
Mẹ Trọng mắng:
- Con trai, mày về nhà không mừng tại lại khóc?
- Con khóc à?
- Không khóc thì sao mà mặt mũi đầm đìa nước mắt thế kia, có chùi đi không người
ta nhìn thấy người ta cười cho. Lớn rồi, làm lính rồi mà cứ còn mau nước mắt...
Suốt buổi chiều hôm đó Trọng ở nhà không đi đâu cả. Trước cặp mắt ngạc nhiên của
mẹ, Trọng săn tay áo ra múc nước lau nhà. Hết nhà ngoài đến nhà trong, Trọng
lau sạch hơn cả em gái chàng. Xong rồi Trọng giặt thêm mấy thau quần áo, rửa
chén và quay nước giếng đổ đầy mấy phuy. Mẹ Trọng ngồi trên sạp, nhìn con trai
cười hỏi:
- Trường sĩ quan Thủ Đức dạy mày... chùi nhà và giặt quần áo đấy à? Tao nuôi từ
nhỏ đến lớn có thấy mày động tới cái gì trong nhà này đâu. Tao biết người ta dạy
hay như thế thì tao cho mày đi học làm sĩ quan lúc lên 10 tuổi.
Trọng cũng cười theo mẹ:
- Có quân trường lại dạy như thế, mẹ! Người ta chỉ dạy cách đánh giặc thôi. Suốt
năm qua, sáng nào con cũng phải nhảy xuống đường mương để "chà láng"
hai bên, rồi chùi cầu tiêu, làm đủ thứ việc mà con chưa bao giờ làm ở nhà. Con
nghĩ bố mẹ cực khổ bao nhiêu năm để nuôi con nên người mà không dùng được, đến
lúc đi lính lại được chính phủ xài tối đa nên con muốn làm vậy để trả chút công
ơn sinh thành cho bố mẹ...
- Đi lính thế mà tốt. Tao sinh mày ra mấy chục năm nay có bao giờ nghe mày nói
được một câu hiếu thảo như thế đâu...
Rồi cu Đán về, nhìn thấy Trọng chỉ nói được một câu "Anh về đấy à"
xong là phóng tót lên xe đạp chạy mau như bị ma đuổi. Trọng biết nó đi đâu và mừng
thầm trong bụng. Nó đi báo tin cho Phượng biết là Trọng đã về.
Nhưng chờ mãi đến tối mà Trọng chẳng thấy Phượng đến. Cu Đán ngồi trong một góc
nhà tiu ngĩu. Trọng cũng muốn đi thăm Phượng nhưng thấy ngại. Xa nhà cả năm mới
về chưa gặp đầy đủ mặt bố mẹ, ai lại bỏ đi thăm bồ bịch như vậy?
Chiều, Trinh, em gái Trọng về, nhìn thấy Trọng và nhìn thấy nhà cửa bóng tưng
thì mừng quýnh lên. Mẹ Trọng bảo:
- Anh Trọng chùi nhà và giặt đồ hết cho mày rồi đó.
Trinh ra nhà sau và thấy quả đúng như lời mẹ nói. Em chạy lên, gạt nước mắt vừa
khóc vừa mếu máo nói:
- Sao anh làm thế anh Trọng? Anh đi lính cực khổ suốt cả năm trời, về nhà có
vài ngày không để các em hầu hạ, anh lại hầu hạ các em...
Mẹ Trọng cười:
- Cái nhà này hôm nay hay thật, hết người này khóc rồi đến người kia khóc...
Gần mười giờ đêm, bố Trọng dắt xe Honda vào ngõ, mặt mày bơ phờ, tóc rối bù.
Nhìn thấy Trọng, ông hớn hở hỏi:
- Con về rồi đấy à. Ra trường được đổi đi đâu?
- Thưa bố con về sư đoàn 23 bộ binh.
Bố Trọng tròn mắt lại, khuôn mặt đang hớn hở bỗng méo đi, giọng ông thẫn thờ
mhư người mất của:
- Nghĩa là mày sẽ đi lính bộ binh, lính đánh giặc?
- Vâng!
Ông lắc đầu, dựng xe lên, giọng cay đắng:
- Con bà Sáu bên này cũng ra trường cách đây mấy tháng nhưng lẹ mồm lẹ miệng thế
nào chạy được về an ninh quân đội, con bác Sung trong sở tao cũng được ra truyền
tin, một thằng khác vào không quân đi Mỹ đi Tây vù vù... Chỉ có con mình, khốn
nạn, chẳng ra cái thể thống gì cả, đi cầm súng hứng đạn cho thiên hạ...
Mẹ Trọng gắt nhẹ:
- Ông này hay nhỉ? Con nó về không mừng sao lại mắng mỏ um sùm là thế nào?
Trọng không biết phải nói gì trong hoàn cảnh đó. Nào Trọng có muốn sống cuộc đời
khổ cực của người lính bộ binh. Thậm chí đã xin về tiểu khu Khánh Hòa cho gần
nhà mà cũng không được. Nhà nghèo không có tiền, không vây cánh, không quen biết
lớn thì đành chịu chứ biết sao.
Bố Trọng đứng lặng một lúc rồi bước vào nhà, khuôn mặt chảy dài ra, lẩm bẩm
trong miệng:
- Mẹ, chuẩn úy bộ binh thì ăn cái máu gì...
Mẹ Trọng lại gắt:
- Tôi xin ông! Ông nhìn thấy con đen đủi tội nghiệp đến như vậy ông không động
lòng sao, cứ đay nghiến mãi...
Trọng nghe rõ những gì bố nói nhưng không cảm thấy buồn chút nào vì chàng hiểu
bố. Bố chỉ thương con mà nói vậy. Làm cha ai cũng cầu mong cho con cái được
sung sướng. Mà nghĩ cho cùng, bố nói đúng. Chuẩn Úy bộ binh thì ăn cái máu
gì...
Mẹ Trọng dọn cơm, đưa cu Đán 50 đồng bảo ra đầu ngõ mua cho bố xị đế. Trọng ngồi
bên cạnh bố, cố tìm một lời an ủi. Ông so đủa, nhìn con trai rồi rót cho chàng
một cốc rượu nhỏ:
- Mày đi lính biết uống rượu không?
- Cám ơn bố, con xin mời bố mời mẹ sơi cơm...
Rồi Trọng nghẹn lời. Đã một năm qua, chàng chưa bao giờ được dịp nói như vậy.
Ba người lẳng lặng nâng chén đũa nhưng không khí nặng nề làm sao ấy. Riêng Trọng,
chàng vờ vịt chan gắp cho mẹ vui lòng. Cơm không thể nào nuốt nổi. Nhìn cảnh
nhà nghèo khó, cảnh bố chạy gạo lam lũ Trọng thấy mình không làm tròn bổn phận
của người con trai lớn trong gia đình.
Uống gần hết ve rượu, bố Trọng lim dim đôi mắt. Men rượu làm thần kinh ông trở
nên dịu dàng, những khó khăn của cuộc sống dường như tạm rời khỏi trí ông. Ông
gắp một miếng thịt bỏ vào chén Trọng:
- Tặng cho con trai. Hồi chiều bố có nói gì con đừng buồn. Bố suy nghĩ lại, bố
thấy bố hơi quá. Con ráng ăn đi, vài hôm nữa vào rừng không có mà ăn đâu con.
Trọng bỗng bỏ đũa, nhìn bố nghẹn ngào:
- Thưa bố, con xin lỗi bố.
Bố Trọng nhìn xéo con trai:
- Mày làm gì?
- Con xin lỗi bố vì con bất hiếu. Bố mẹ nuôi con cực khổ, bây giờ con đã lớn,
nhà cửa lại sa sút mà con không được gần gũi để hầu hạ giúp đỡ bố mẹ, con thấy
xót xa lắm.
Bố Trọng lim dim suy nghĩ một lúc rồi nắm tay con trai, nghẹn ngào:
- Con trai ơi, mày phải biết là ra đi đáp lời sông núi là hành động báo hiếu
cao cả và có ý nghĩa nhất đấy con ạ.
Trọng nhìn bố. Lần đầu tiên trong đời, chàng thấy bố khóc. Hai hàng nước mắt chảy
dài trên khuôn măt già nua, sạm nắng. Ông nhìn thẳng vào đôi mắt Trọng, giọng
đau đớn nhưng quyết liệt:
- Có gia đình mà không còn tổ quốc thì có hơn gì những người khách trú, chỉ vì
miếng ăn mà chỗ nào cũng sống được. Từ rày trở đi, con xa bố mẹ, trên bước đường
chinh chiến, dù cực khổ hay nguy hiểm đến đâu con cũng phải nhớ lời bố con dạy
như vậy...
Rồi ông đứng lên bỏ đi vào nhà trong. Trọng bắt ghế ra ngồi trước hiên nhà hút
thuốc, nhìn sao trời lồng lộng, suy nghĩ mông lung về gia đình, về tổ quốc, về
những lời bố nói...
Nhưng sự suy nghĩ nào của Trọng rồi cũng dẫn đến... Phượng. Nghĩ đến Phượng,
chàng thấy lòng mình quặn đau. "Biết mình về mà sao nàng không thèm đến
thăm mình nhỉ?" Nàng quên mình thật rồi... Trọng cứ suy nghĩ mãi như vậy
cho đến khi lên giường đi ngủ. Ngày đầu tiên về nhà chàng cảm thấy thật khác với
những gì mình đã mơ ước từ một năm nay...
Sáng hôm sau, Trọng ngồi uống cà phê và ăn xôi với mẹ. Mẹ bảo:
- Lát nữa con thay đồ đi thăm Phượng đi.
Trọng tính nói "Việc gì phải thăm người ta" nhưng nhìn ánh mắt van
lơn của mẹ, chàng gật đầu. Gần trưa, Trọng dựng xe Honda trước nhà Phượng, bước
từng bước một nặng nề vào nhà.
Mọi người vui vẻ chào mừng Trọng, nhưng chàng như đọc thấy được vài tia nhìn
thương hại trong ánh mắt của người ta. Điều này làm Trọng bực mình.
Trọng ngồi ngoài phòng khách tán gẫu với mẹ Phượng, uống gần hết ly nước trà,
Phượng vẫn chưa chịu xuất hiện. Chàng thấy bất mãn và tự ái bị tổn thương nặng
nề.
Nếu Phượng không còn thương mình nữa, thì cũng tiếc gì vài lời thăm hỏi dành
cho một người quen biết đi lâu ngày mới về?
Trọng đốt hết điếu thuốc, Phượng cũng chưa thèm ló mặt ra. Chàng ngồi thêm một
lúc nữa rồi tự nhủ lòng mình: "Người ta đã không thèm tiếp thì thôi, nên về
đi Trọng, đừng hạ mình chờ đợi lâu như thế..."
Thế là Trọng đứng lên kiếu từ, mẹ Phượng níu kéo bao nhiêu cũng không được:
- Cháu đến thăm bác và Phượng, rất tiếc Phượng bận. Xin phép bác cháu về, hôm
khác cháu lại ghé...
Mẹ Phượng xoay vào trong nhà la toáng lên:
- Cái con phải gió này, tao thì quật cho mấy cái chỗi lông gà! Anh ấy đến chơi
sao mày không ra tiếp...
- Thôi cháu xin chào bác...
Rồi Trọng xoay người bước mau ra cửa.
Thật ra, lúc ấy Phượng đang ngồi khóc âm thầm trong phòng. Nàng muốn bắt Trọng
chờ dăm ba phút để phạt Trọng mấy cái tội. Tội thứ nhất, 6 tháng không thèm về
như đã hứa. Tội thứ hai, không về cũng chẳng thư từ suốt 4, 5 tháng. Tội thứ
ba, bắt nàng chờ suốt một ngày hôm thứ bảy ở phi trường. Và tội thứ tư nặng nhất,
về nhà hôm qua mà mãi đến hôm nay mới thèm đến thăm Phượng...
Nhưng Phượng không ngờ Trọng nóng tính quá, bỏ về liền. Ngồi trong phòng, Trọng
nói gì, mẹ nàng nói gì nàng nghe hết. Nghe hết và lòng quặn đau nhưng không thể
ra được vì tự ái. Anh ấy đòi về mình mới chịu chạy ra là thua anh ấy rồi...
Suốt ngày hôm đó, Trọng chạy xe lang thang khắp thành phố rồi cuối cùng dừng xe
ở bờ biển. Trọng kiếm một nơi vắng lặng, ngồi im lìm trên cồn cát hút thuốc lá
lơ đãng nhìn sóng vỗ...
Về nhà chưa tới 24 tiếng mà đã có bao nhiêu chuyện thay đổi. Trọng chợt nhớ lại
truyện của anh chàng Từ Thức mà chàng nghe được lúc nhỏ...
Anh chàng này đi chơi lạc vào cõi tiên chỉ có mấy ngày, lúc trở lại trần thế,
thấy cảnh vật đổi thay, hỏi một cụ già mới biết là mình đã vắng mặt mấy trăm
năm, những người cũ đều đã chết cả. Trọng nghĩ cái thành phố này với mình hình
như cũng vậy thôi. Mình là Từ Thức tân thời chăng, sao thấy cái gì cũng thay đổi.
Từ con người cho đến cảnh vật.
Tuy hứa với mẹ Phượng là hôm khác con trở lại nhưng cho đến ngày lên đường, Trọng
chẳng bao giờ trở lại thăm Phượng. Phượng không biết Trọng chỉ ở nhà có mấy
ngày, vẫn nhất quyết làm reo như những ngày còn đi học. Phượng cứ nghĩ
"Trước sau gì rồi anh ấy cũng trở lại đây xin lỗi mình" như ngày xưa
còn đi học. Hồi đó, cơn giận của Phượng có khi kéo dài đến hai tháng.
Sáng hôm ngày lên đường, Trọng gọi cu Đán vào, cho nó 500 đồng, đưa một phong
thư:
- Em đem lá thơ này đưa tận tay chị Phượng...
Lá thư đó, Trọng chỉ nguệch ngoạc vài chữ:
"Anh đi. Hôm nọ, đến thăm em mà không được gặp. Anh ra đi mà lòng áy náy
vô cùng, không biết mình sẽ phải làm gì nữa. Dù sao thì cũng chúc Phượng một
mùa giáng sinh vui vẻ.
Không biết chừng nào anh mới được về lại Nha Trang.
Nguyễn Văn Trọng
Tái bút: Hình như, anh nhớ, đã có một thời chúng mình yêu nhau ghê lắm phải
không Phượng..."
Chỉ có vậy thôi là Trọng biến mất khỏi thành phố, lầm lũi và âm thầm như một
bóng ma. Chàng tự nhủ lòng mình chắc phải lâu, lâu lắm mình mới trở lại thành
phố này...
Suy nghĩ miên man về mùa giáng sinh buồn năm đó mà Trọng dắt lính về đến gần
nơi đóng quân lúc nào không hay. Đang để ý quan sát hầm hố của lính tráng thì
Trọng bỗng nhìn thấy cha Thanh cùng mấy em đoàn hát nhà thờ hì hục đẩy một chiếc
xe bò không có... bò kéo. Trọng tãi chiếc xe hình như nặng lắm nên năm sáu người
đẩy, ai nấy cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Tới gần chút nữa, chàng thấy chiếc xe bò chất đầy đá xanh. Bánh xe sắt lún sâu
xuống mặt đường đất.
Cha Thanh nói:
- Ráng lên chút nữa đi chúng con, chiều rồi, không khéo thì tối mất... A, chào
anh Trọng, tưởng anh đã về rồi...
Chiếc xe bò bị chất quá trọng tải, cứ đứng yên một chỗ không thèm nhúc nhích. Một
cậu thanh niên đề nghị:
- Hay mình đổ bớt đá xuống đi cha, nặng quá chắc đi không nổi.
Cha Thanh Đang chưa kịp trả lời thì đã nghe tiếng nói của đại đội trưởng trinh
sát Nguyễn văn Trọng:
- Cha để chúng con giúp một tay...
Nói xong Trọng xoay người nhìn lính, chỉ tay vào chiếc xe bò, phất một cái rồi
chạy tới kề vai vào thành chiếc xe bò đầu tiên. Lính của Trọng lột hết súng ống
gom lại một đống cho hai người giữ, số còn lại ào tới vây kín chiếc xe, kề vai
đẩy phụ.
Trọng hô to:
- Nào bây giờ tất cả nghe tôi đếm đây... Một hai ba... lên.
Chiếc xe bò nặng nề như được nhấc bổng lên khỏi mặt đất, đi tới trước, bánh xe
đánh những vòng tròn đều đặn, kẻo kẹt.
Được một lần mấy chục "quới nhân" giúp đỡ bất ngờ, mặt cha Thanh tươi
hẳn lên, luôn miệng nói: "Tốt quá, tốt quá, cám ơn mấy anh vô
cùng..."
Trọng hỏi cha Thanh:
- Cha chở đá về xây nhà thờ mới?
Cha Thanh thở phì phò, cười:
- Không, tôi ở đây chỉ có hai tháng, làm gì có thì giờ xây nhà thờ. Cách đây mấy
tuần, khi mới về đây, tôi để ý thấy một điều là làng này có nhiều người bị gãy
chân và què tay...
Trọng thoáng lên một ý nghĩ đen tối: Thượng cộng đi đánh du kích bị phi pháo của
ta chứ gì. Cha Thanh nói ngay:
- Không phải như anh nghĩ đâu. Lúc đầu tôi cứ tưởng vậy nên để ý tìm hiểu và một
tuần sau chính tôi xém tí nữa thì bị gãy chân...
Trọng ngạc nhiên. Cha Thanh cười:
- Đơn giản lắm. Làng này có một con suối để cho người ta lấy nước và tắm giặc.
Đường từ dưới suối lên đến làng là một cái dốc rất cao, rất nguy hiểm vì không
điểm tựa lại trơn trợt. Bình thường muốn đi lên hay xuống phải cẩn thận lắm mới
khỏi té. Trời mưa thì càng nguy hiểm hơn gấp bội phần...
Trong nhớ lại con suối nhỏ sau làng mà mình đã đi quan sát lúc nãy. Dưới cặp mắt
nhà binh của Trọng, chàng chỉ quyết đoán được một điều là Việt Cộng không thể
kéo pháo qua con suối được nếu không có cầu vì đứng trên nhìn xuống mà chàng đã
thấy rợn người. Nếu lỡ trợt chân té xuống thì nhẹ là què tay gãy chân, nặng là
có thể va đầu vào đá mất mạng như chơi. Nhưng cũng cùng một con suối đó, dưới
cái nhìn của một con người có lòng từ bi bác ái thì lại thấy khác. Cha Thanh
nhìn thấy sự nguy hại của dân làng.
- Vậy cha chở đá về để làm đường?
- Đúng! Tôi xin được tòa giám mục mấy xe đá, tính làm một con sạn đạo nhỏ thôi.
Thật ra chẳng có gì khó, chỉ trải đá rồi đầm nó xuống là xong. Theo dự trù của
tôi, làm lai rai đến lễ Noel thì phải xong con đường nhỏ này chẳng ngờ xe GMC
chở đá vào đây bị mắc lầy, đành phải đổ đá xuống gần quốc lộ rồi từ từ khiêng
vào.
- Sao cha không kêu dân làng ra giúp một tay?
- Mùa này đúng là mùa rẫy bái của họ, những người có sức lực đều ra đi từ lúc mờ
sáng. Lúc nãy anh vào làng thấy trống trải chắc đã biết rõ...
Một ý tưởng hay thoáng qua đầu óc Trọng. Nếu mình kéo hết đại đội xuống đây thì
mấy đống đá này sẽ được thanh toán trong vòng vài tiếng đồng hồ. Sau đó, nếu mỗi
người một tay thì con đường sạn đạo sẽ được đắp không khó lắm...
Tối đó, Trọng tập họp đại đội lại, kể chuyện cha Thanh, chuyện con suối nhỏ và
cho biết quyết định của mình cho lính nghe. Trọng kết luận:
- Anh em biết, chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ giáng sinh. Phong tục của lễ
Giáng Sinh là người ta thường tặng quà nhau. Tôi đề nghị đại đội 45 trinh sát
chúng ta đắp con đường sạn đạo tặng cho dân làng buôn Thraa. Những người Thượng
miền núi này từ đây sẽ có một cái nhìn khác về người lính quân đội Việt Nam Cộng
Hòa...
Lính tráng vỗ tay rần lên. Chàng ngạc nhiên, không ngờ những con người ngang
ngược thô lỗ, bắn giết chuyên nghiệp đang đứng trước mặt mình đây lại có những
trái tim đầy lòng nhân ái như vậy. Hóa ra, ở nơi mỗi con người, dù sống trong
hoàn cảnh nào đi nữa vẫn còn có một tấm lòng.
- Rồi, anh em về chuẩn bị nghĩ ngơi và canh gác. Các trung đội trưởng ở lại gặp
tôi để nhận chỉ thị đặc biệt. Tan hàng.
Hàng trăm cái miệng cùng la to lên, đầy hứng khởi, vang động cả núi rừng:
- Cố gắng!
Đại đội vừa tan hàng, Trọng đang ngồi phân chia công tác và bàn định địa điểm
thả quân phục kích với mấy trung đội trưởng thì toán lính tiền đồn gọi máy báo
cáo phát hiện một người mặc đồ đen đang tiến gần tới chỗ đóng quân. Trọng chụp ống
liên hợp nói liền: "Chỉ thị của Cọp Đen: Tuyệt đối cấm nổ súng. Tôi lập lại,
tuyệt đối cấm không được nổ súng trong bất cứ trường hợp nào. Cho người ra tiếp
xúc rồi báo cáo."
Chàng moi óc suy nghĩ cố tìm hiểu xem tại sao lại có người muốn tới nơi đóng
quân của mình vào lúc trời gần tối như thế này.
Một lúc sau, toán phòng thủ báo cáo người mặc đồ đen là "Cha Thanh".
Cha Thanh muốn gặp Trọng.
Trọng mừng rỡ nhưng hơi lo lắng. Trời gần tối, cha Thanh đột ngột lên đây ắt phải
có chuyện gì đặc biệt. Chàng đứng dậy móc cây Colt .45 nhét vào bụng, chỉ một
ông trung đội trưởng:
- Anh, anh về liền lập tức cho trung đội anh chuẩn bị súng ống chờ lệnh điều động
của tôi. Những người còn lại ngồi đây chờ tôi, lát tôi trở lại.
Rồi Trọng ngoắc tay cho người cầm máy đi theo mình. Hai thày trò lao nhanh xuống
đồi...
Trọng nhìn thấy cha Thanh mồ hôi mồ kê nhể nhại đang vác trên vai một gói gì to
tướng trên vai.
- Chào cha! Cha làm con muốn đứng tim.
- Chào anh Trọng, anh phải tha lỗi cho cái tội đường đột của tôi.
Trọng ra tới ngoài tuyến phòng thủ, bắt tay cha Thanh. Ông đưa cho Trọng gói đồ:
-Hồi chiều bận quá nên quên, có một ít khô nai tôi muốn đem lên tặng anh em cho
kịp trước bữa cơm tối. Mà mấy anh em dùng cơm chưa, tôi sợ trễ bữa cơm tối nay
nên phải vội vã như vậy.
Trọng đỡ gói đồ, thấy nặng lắm, có thể gần hai chục ký. Chàng nghĩ đến đoạn đường
dài với gói đồ nặng trên vai của cha Thanh mà thấy thương cho ông vô cùng.
- Cám ơn cha, tội nghiệp cha vì chúng con mà phải cực khổ như vầy. Mà cha bày vẽ
làm gì... Mời cha vào thăm "nhà" của chúng con một chút...
Trọng giữ lại một ít khô còn bao nhiêu chia đều cho 4 trung đội trưởng, nói:
- Các anh nhớ nói cho lính biết là quà của cha Thanh đấy.
Lính dọn cơm cho Trọng vào cha Thanh ngồi ăn trong lều chỉ huy. Trọng hỏi:
- Cha uống bia được không?
- Được chứ!
Trọng bỏ mấy cục nước đá vào cái ca nhôm rót đầy ly bia rồi nói:
- Mời cha làm dấu.
- Cám ơn anh.
Trong căn lều thấp bé của bộ chỉ huy đại đội, một ông tu sĩ và một ông sĩ quan
quân đội ngồi ăn uống rất rất tương đắc, cười nói luôn mồm.
Cha Thanh ngạc nhiên đến độ muốn đánh rơi cả chén đũa khi nghe Trọng nói ngày
mai anh em trinh sát sẽ tình nguyện xuống khiêng đá làm sạn đạo để tặng cho dân
làng buôn Thraa. Cha mừng quá đến nghẹn lời, không biết nói gì, cứ luôn miệng
khen: "Thế thì tốt quá, thế thì tốt quá..."
Cơm xong, Trọng rót cho Cha Thanh ly nước trà.
- Các anh hay thật. Trong rừng trong núi mà vẫn chuẩn bị được những bữa ăn tươm
tất như thế này, tôi quả thật không ngờ. Cứ tưởng lính tráng ăn uống kham khổ lắm.
Trọng cười:
- Thường thì không được như vậy nhưng hôm nay đặc biệt vì chúng con đựơc đóng
quân gần thành phố, phải cố gắng "sống như người văn minh một lần cho biết..."
Câu nói của Trọng làm lòng cha Thanh chùng xuống. "Sống như người văn minh
một lần cho biết". Cha nghĩ đến những người tuổi trẻ Việt Nam khác cùng tuổi
Trọng giờ này đang du học ở ngoại quốc, những người tuổi trẻ khác đang hút xì
ke, đang biểu tình và xuống đường ở thành phố... Than ôi, thật chưa bao giờ có
một thứ tuổi trẻ nào đáng thương và bị đối xử bất công bằng tuổi trẻ Việt
Nam...
Thấy cha Thanh có vẻ nghĩ ngợi, Trọng lại tự nhiên nghĩ đến cuộc đời của những
vị tu trì như cha Thanh. Chàng không hiểu tại sao một người tuổi trẻ... hát
hay, tài cao, đang học hành ngon lành ở bên Pháp, tương lai sáng rỡ bỗng tự
nhiên từ bỏ tất cả đi làm linh mục để về đây coi cái làng Thượng nghèo hèn đầy
Việt Cộng này...
Cha Thanh nhìn đồng hồ có vẻ muốn từ giã rồi nghiêm nghị nhìn Trọng nói:
- Anh Trọng, tôi lên đây gặp anh vì hai lý do. Trước hết, để tặng mấy anh một mớ
khô nai, thứ nhì...
Trọng chờ đợi.
- Thứ nhì là tôi có một chuyện muốn nói với anh...
Cha thanh móc trong túi ra một bức hình đưa cho Trọng coi. Trọng đỡ lấy, nhìn
thấy một phi công trẻ tuổi đẹp trai đang cười toe toét dưới chân một chiếc khu
trục cơ Skyraider. Giọng cha Thanh trở nên bùi ngùi:
- Đó là di ảnh của cố Trung úy phi công Trần văn Toàn, anh ruột của tôi. Anh
Toàn bị bắn rơi trong một phi vụ oanh tạc tại miền cao nguyên này, lúc tôi đang
học sắp trở thành linh mục...
Trọng tá hỏa mặt mày. Từ lúc sáng đến giờ, chàng tuy lễ phép với cha Thanh
nhưng luôn luôn coi cha là một người thuộc "phía bên kia". Không ngờ
anh ruột của cha Thanh là một phi công đã hy sinh vì tổ quốc.
- Sáng nay, lúc nói chuyện với anh, tôi là một linh mục của buôn Thraa. Bây giờ,
tôi là một người Việt Nam nói chuyện với anh...
Trọng kính cẩn hai tay nâng tấm hình trả lại cho cha Thanh.
- Tôi rất qúy anh tôi. Đúng hơn, tôi phải nói từ lúc nhỏ, anh Toàn là thần tượng
của tôi. Lý do chính mà tôi xin về phục vụ ở miền cao nguyên đồi núi này cũng
là vì anh Toàn. Tôi muốn hiến dâng đời mình để phục vụ thiên chúa ở một chỗ mà
anh tôi đã hiến dâng đời mình cho tổ quốc...
Mắt cha Thanh buồn thăm thẳm:
- Trong phúc âm, Chúa nói rằng: Không có tình yêu nào lớn bằng hy sinh mạng sống
cho người mình yêu...
Cha Thanh đứng lên, chìa tay ra:
- Chỉ có vậy thôi. Truyện này tôi chưa hề nói cho ai nghe, nhưng tôi nói cho
anh nghe là vì tôi qúy anh. Sáng nay lúc nói chuyện với anh, tôi thấy anh có
vóc dáng và điệu bộ hiên ngang của anh Toàn...
Trọng đứng dậy theo, bắt tay cha Thanh:
- Cám ơn cha đã cho con biết chuyện anh Toàn. Sáng mai mình gặp nhau ở bìa
làng...
Sáng hôm sau, mặt trời chưa mọc Trọng đã cho đại đội tập họp, cắt toán canh
gát, phân chia công tác rồi dẫn quân vác... xẻng cuốc ào xuống đồi. Cha Thanh
đã chờ sẵn ở dưới với một bình cà phê vĩ đại...
Vài tiếng đồng hồ sau, tất cả mấy đống đá được thanh toán sạch sẽ, đem về chất
thành từng đống trên bờ suối. Trọng hỏi ý kiến của một ông trung sĩ từng là thợ
nề trước khi vào lính rồi cho ông ta đứng ra chỉ huy để làm đường.
Bắt đầu từ dưới bờ suối, đá được đóng sâu vào đất lần lần đi lên.
Tiếng đập đá, tiếng gọi nhau, tiếng cười nói vang lên rộn ràng như một cái chợ.
Lính vừa làm việc vừa đùa giỡn với nhau. Một đứa khiêng đá, cao hứng ong ỏng
hát: "Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ... Ngồi mình trâu
ta rờ sừng trâu, rồi ta bóp... dzú trâu..."
Nhiều người cười ồ lên. Cha Thanh cũng cười. Một đứa khác ca vọng cổ: "Em
Lan ơi, hạnh phút của đôi ta không phải là lầu son gác tía, mà chỉ là một túp lều
tranh với hai cái hủ... vàng..."
Trọng phì cười. Hai hủ vàng thì mua được mấy trăm cái lầu son gác tía.
Lòng mọi người như tràn ngập một nỗi niềm hân hoan sung sướng vì một công việc
bác ái nhỏ mọn. Trọng là người làm việc hăng nhất, đi đứng và chỉ chỏ luôn mồm.
Lính tráng thấy thế, càng ra sức làm việc.
Chỉ một lát sau, dân làng buôn Thraa không biết từ đâu mò về. Họ vây quanh toán
người làm việc to nhỏ nói chuyện với nhau. Tuy không hiểu được tiếng Thượng,
nhưng Trọng nhìn thấy được những nỗi hân hoan trên khuôn mặt họ...
Chiều ngày hôm sau, tối trước lễ giáng sinh, công tác hoàn thành. Con đường rắn
chắc, lớn và đẹp như trong một bức hoạ của miền đồng quê trong tranh. Lính khắc
nguyệch ngoạc vài chữ vào một tấm biễn gỗ, đóng vào một thân cây: "Tòa GM
Kontum và ĐĐ 45/TS, SĐ 23BB/QLVNCH thân tặng."
Trọng đứng nhìn con đường đá xanh bắt đầu từ dưới bờ suối chạy lên tới con đường
mòn phía trên như người hoạ sĩ nhìn lại tác phẩm của mình. Lòng chàng rộn lên một
niềm vui khó tả...
Tiếng tập hát của ca đoàn trong làng bỗng vẳng ra, lồng lộng trong gió:
"Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng..."
Trọng đốt một điếu thuốc, để cho lòng mình bay loãng theo tiếng hát và không hiểu
tại sao, lại nhớ đến Phượng.
Nghĩ đến Phượng, lòng chàng như thắt lại. Hai năm sau ngày từ bỏ thành phố, Trọng
lại trở về nhà. Lần trở về thứ nhì kể từ khi chàng đi lính...
Hai năm chiến trận của vùng rừng núi Tây Nguyên đã biến Trọng thành một thứ
lính bộ binh dày dạn của chiến trường. Cọp Đen Nguyễn Văn Trọng đi đứng, ăn
nói, làm cái gì cũng ngang tàng và dường như người lúc nào cũng tiết ra một thứ
chất... chỉ huy.
Ngồi trong nhà, chàng nhìn thấy cảnh vật nhà mình vẫn nghèo hèn, không khí vẫn
tiêu điều như ngày nào chàng ra đi nhưng lạ một điều là Trọng không còn thấy
chua xót nữa. Hai năm qua, dọc ngang khắp nẻo đường quê hương, Trọng đã nhìn thấy
quá nhiều gia đình sống khốn khổ nghèo hèn hơn nhà mình gấp mấy lần. Nước mình
chẳng có được bao nhiêu gia đình giàu, còn đa số đều lầm than cực khổ cả.
Mẹ Trọng báo một tin động trời:
- Con Phượng sắp làm đám cưới rồi đấy con.
Trọng bình thản hỏi mẹ:
- Với ai vậy mẹ?
- Ông giáo Chương. Tao đã bảo mãi, thời buổi này mà không nhanh tay nhanh chân
thì ở giá suốt đời con ạ. Tao quí con Phượng quá, tao tưởng mày với nó thế nào
cũng thành thân được với nhau...
Trọng nâng ly bia uống cạn, đưa tay quẹt ngang miệng một cái:
- Con còn trẻ mà mẹ...
- Trẻ mà suốt đời cứ ở trong rừng thì làm sao mà lấy được vợ hở con?
- Mẹ cứ lo vớ vẫn...
Tuy miệng nói cứng nhưng lòng Trọng đang đứt từng khúc. Chàng ra đứng trước
hiên nhà, nhìn lên trời cao và chợt nhớ đến một tấm hình poster nhập cảng. Tấm
hình vẽ một cậu bé đưa hai tay ra thả con chim bay lên trời với hàng chữ:
"When you love somethings, set it free. If it come back to you, it is
yours. If it doesn't, it never was."
Câu văn tiếgn Anh dài dòng nhưng có thể diễn nghĩa bằng một câu tục ngữ Việt
Nam ngắn: "Giữ người ở, chẳng ai giữ người đi..."
Chàng tính lên xe Honda bỏ đi nhậu thì Trinh về. Em len lén nhìn mẹ rồi bảo nhỏ
Trọng:
- Chị Phượng muốn gặp anh.
Trọng tái mặt, lòng dạ đau đớn bồi hồi. Gặp nhau làm gì nữa Phượng. Hết rồi. Đứa
em gái tiếp luôn:
- Chị ấy... chị ấy khóc sưng cả mắt.
Trọng đứng lặng yên suy nghĩ một lúc rồi chẳng nói chẳng rằng, lừng lững bước
ra đạp máy chiếc xe Honda.
Mẹ Trọng hỏi vọng ra:
- Con đi đâu thế?
Trọng trả lời thản nhiên:
- Đi uống rượu mẹ ạ, tối con về...
Chàng rồ ga chiếc xe, quay đầu bảo với em gái:
- Mày nói hộ với chị Phượng, tao không có nhà.
Chiếc xe Honda lao tới trước, tiếng động cơ gầm lên như một cơn cuồng nộ.
Trọng đang ngồi trong quán với đám bạn học cũ, uống vừa hết chai bia thứ năm
thì nhìn thấy Phượng đột ngột bước vào quán. Nàng đẹp lộng lẫy như ngày nào
nhưng buồn, buồn kinh khủng. Nhìn thấy Phượng, ngụm bia Trọng vừa uống xém phun
cả ra ngoài. Mấy đứa bạn của Trọng chẳng lạ gì Phượng, nhìn Phượng rồi khó chịu
quay mặt đi. Trọng cúi đầu, xoay xoay cái ly trong tay, tự hỏi không biết nàng
đến đây để làm gì.
Phượng tới bàn Trọng, nhìn mọi người dịu dàng nói:
- Mấy anh cho phép Phượng nói chuyện riêng với anh Trọng một chút được không?
Không ai nói gì. Phượng nói tiếp, lần này giọng cương quyết hơn:
- Phựơng phải nói chuyện với anh Trọng. Mấy anh thông cảm cho Phượng.
Trọng hất đầu làm dấu. Đám bạn rời bàn đứng lên. Phượng cười ngay. Cũng nụ cười
cũ, nụ cười đẹp rạng rỡ mà Trọng đã từng say đắm trong bao nhiêu năm. Phượng hỏi:
- Anh không mời Phượng ngồi sao?
Trọng tính nói "Tôi đâu dám mời vợ người ta ngồi" nhưng kềm hãm được.
Dù gì đi nữa thì hai người cũng đã có thời yêu nhau. Trọng kéo cái ghế hơi xa
xa:
- Mời Phượng.
Phượng kéo vạt áo dài ngồi xuống. Nàng để hai tay trên bàn, nghiêng đầu say đắm
nhìn Trọng như nhìn một bức họa trác tuyệt nhất của trần gian. Mắt nàng mở to
như muốn lấy hết những gì mình trông thấy. Trọng bối rối nửa như muốn tránh ánh
mắt mềm dịu đầy yêu đương của nàng, nửa như muốn đón nhận nó cho bỏ những tháng
ngày nhớ nhung cay đắng.
Một lúc thật lâu sau đó cũng chưa ai nói với ai lời nào. Hình như trong hoàn cảnh
này, chỉ có sự yên lặng là tiếng nói hay nhất.
Rồi Trọng cắm một điếu thuốc vào môi, Phượng nhanh tay bật một que diêm cho
chàng. Ánh lửa lóe lên, Trọng càng thấy Phượng đẹp lạ lùng.
Trọng ngần ngừ một giây rồi khom người tới che tay mồi lửa. Chàng thoáng ngửi
được mùi nước hoa và mùi thơm da thịt dịu dàng từ người Phượng toát ra. Trọng
thấy tâm thần ngây ngất. Chàng nhớ, gần mười năm trời, mình nghiện cái mùi này,
không thể sống thiếu nó dù chỉ một ngày. Rồi lại nghĩ đến chuyện Phượng sắp lên
xe hoa, tim chàng thắt lại.
Trọng hút một hơi thuốc, nhả khói lên trần. Phượng thổi tắt que diêm, ngồi yên
ngắm Trọng hút thuốc lá. Nàng cũng nhận ra là từ lâu, mình nhớ cái hình ảnh này
của Trọng.
Cả hai lại im lặng. Một lúc lâu sau, Trọng hỏi:
- Phượng sắp lấy chồng, đến đây gặp tôi không sợ thiên hạ đàm tiếu sao?
Phượng hỏi ngược lại:
- Anh khinh Phượng lắm phải không?
- Tại sao lại phải khinh?
- Anh đừng vờ vịt nữa. Vì Phượng đã phản bội anh. Anh Trọng, ngay cả Phượng còn
tởm Phượng nữa, nói gì ai?
Trọng khựng người. Xưa nay Phượng nổi tiếng là một người con gái bạo dạn, ăn
nói chẳng kiêng nể ai, nhưng chàng không ngờ Phượng lại bạo đến như vậy. Rồi bỗng
Trọng nhìn thấy hai hàng lệ chảy dài trên mặt nàng. Giọng Phượng nhỏ lại, ấm ức:
- Anh đừng làm khổ Phượng nữa anh Trọng ạ. Anh thừa biết, dư biết, biết chắc và
biết rõ rằng là trên đời này Phượng chỉ yêu mình anh mà thôi...
Trọng chớp mắt thật mau. Trái tim của con cọp đen lừng danh vùng tam biên bỗng
chảy ra. Chảy mềm ra trước những lời nói gay gắt nhưng chân tình của người tình
cũ. Bao nhiêu hận thù, bao nhiêu cay đắng từ mấy năm qua bỗng chìm mau xuống hết.
Bất giác, Trọng đưa tay ra nắm lấy bàn tay Phượng, bàn tay mà đã gần bốn năm
chàng chưa được nhìn thấy.
Phượng đưa hai tay ôm chặt lấy bàn tay của Trọng rồi cúi đầu, nói qua cơn thổn
thức:
- Phượng phải lấy chồng vì Phượng đã có thai hai tháng...
Trọng chẳng có một phản ứng nào cả, cặp mắt chỉ trở nên buồn thăm thẳm:
- Với thầy Chương?
- Không phải thầy Chương đâu anh ạ, thầy Chương cao thượng, chỉ hy sinh lấy Phượng
vì yêu Phượng. Chuyện này lỗi hoàn toàn của Phượng. Một tối Phượng đi ball, quá
vui nên uống chút rượu với bạn bè, chẳng ngờ...
Mắt Trọng tóe lửa lên và thấy đau nhói trong tim. Tay chàng run lên từng hồi
trong tay Phượng. Phượng nghẹn ngào tiếp:
- Thằng Dân con ông trưởng ty Công Chánh đó anh ạ. Sáng hôm sau, Phượng tỉnh dậy
trong phòng ngủ với nó. Phượng đã trở thành đàn bà từ sau đêm hôm ấy...
Trọng rít khẻ qua hai hàm răng:
- Quân khốn nạn.
Phượng khóc lên rưng rức. Nhiều ánh mắt đổ dồn về phía hai người. Trọng ái ngại
kéo ghế ngồi gần Phượng để che lấp cảnh nàng khóc. Trọng hỏi:
- Thầy Chương biết chuyện này?
Phượng gật đầu:
- Chỉ có thầy Chương và Phượng biết thôi.
Phượng nghiêng người sát vào Trọng, mân mê bàn tay chàng:
- Anh Trọng, chuyện buồn của Phượng, Phượng đã nói hết, anh có khinh Phượng
không?
- Không em ạ. Lỗi không phải ở em. Lỗi ở thằng khốn nạn đã lợi dụng em.
- Anh còn yêu Phượng như ngày nào không?
Trọng gật đầu:
- Phượng hiểu lòng anh, anh yêu Phượng mãi mãi... nhưng mình đâu còn gì với
nhau nữa để mà yêu với ghét Phượng.
- Anh có tha thứ cho Phượng không?
- Chuyện của Phượng, anh chẳng có quyền gì để tha thứ cũng như thắc mắc. Vì sao
Phượng hỏi vậy?
Phượng nói chậm, rõ từng tiếng một:
- Nếu anh còn yêu Phượng và tha thứ cho Phượng, Phượng sẽ từ hôn với thầy
Chương để chờ anh.
Trọng giật nẩy mình lên như ngồi trúng ổ kiến. Xưa nay, chàng cứ ngỡ thầy
Chương may mắn lắm mới lấy được Phượng, bây giờ chàng mới đau đớn nhận ra rằng
Phượng may mắn lắm mới lấy được thầy Chương...
Phượng nhìn Trọng chờ đợi. Nàng chờ đợi Trọng sẽ ôm mình trong vòng tay rồi cả
hai đứa sẽ khóc đến hết nước mắt.
Nhưng trái với những gì nàng nghĩ, Trọng vẫn ngồi im bất động. Một lúc sau
chàng cất giọng ôn tồn:
- Anh lính tráng cực khổ, thân mình lo còn chưa xong, chưa hề dám nghĩ đến chuyện
lập dia đình.
Phượng bật khóc nho nhỏ, đau đớn:
- Phượng không cần biết! Phượng sẽ chờ. 10 năm, 20 năm, 30 năm... Phượng nói thật.
Phượng từ hôn nhé anh Trọng, bây giờ vẫn còn kịp...
Trọng nhíu mày im lặng một lúc rồi dụi điếu thuốc đang hút, lắc đầu:
- Không Phượng ạ, anh nghĩ kỹ rồi, hãy coi như hai đứa mình vừa nhỡ chuyến tàu
cuối.
- Chả có tàu bè gì ở đây cả. Phượng yêu anh, Phượng chỉ biết vậy.
Trọng buông tay Phượng ra, kéo ghế ngồi lui ra sau, lắc đầu chậm rãi:
- Không được Phượng ạ.
- Vì sao?
- Vì trong hoàn cảnh này chỉ có mình anh khổ. Nếu Phượng từ hôn, mọi người đều
khổ, kể cả Phượng. Anh bảo đãm Phượng sẽ quên được anh trong vòng không tới một
năm. Riêng anh, dù không lấy được Phượng, anh sẽ không bao giờ quên được Phượng
hết. Anh sẽ yêu Phượng suốt đời. Nhưng bây giờ... Vĩnh Biệt Phượng...
Phượng ngã người ra sau, nhắm mắt lại như không thể tin được những gì mình vừa
nghe. Rồi giọng nói của Trọng bỗng trở nên lạnh lùng:
- Chị... Chương, chị có 5 phút đồng hồ để rời khỏi bàn này. Tôi cho chị 5 phút
đồng hồ để chuẩn bị. Đúng 5 phút.
Giọng nói Trọng sang sảng và oai vệ tựa hồ đang hô quân ào ra mặt trận. Phượng
giận tái mặt lại, quắt mắt nhìn lên. Vừa tính mở miệng thì nàng khựng người lại
vì thấy mặt Trọng đã chan hòa nước mắt. Đôi mắt chàng sâu thăm thẳm và buồn đến
chết người. Tuy vậy, giọng nói của Trọng vẫn sang sảng qua màn lệ:
- Chị Chương, chị ngồi lâu quá như thế này không tốt. Chị biết miệng người đời
mà. Một phút qua đi rồi đó, tôi nhắc lại là chị chỉ còn 4 phút nữa để chuẩn bị
rời bàn...
Phượng ngần ngừ một chút rồi đứng dậy, mắt long lên, mặt tái nhợt:
- Em xin tuân lệnh trung úy, em đi. Nhưng em cũng muốn nói cho trung úy biết một
điều, là trung úy chỉ là một thứ quân tử tàu... dở hơi và hết thời, trung úy chỉ
là một thứ giả hình ngu si dốt nát, trung úy ngu như con bò, trung úy vụng về
như con vịt, trung úy bất lực như con kiến...
Nói đến đây nàng bật khóc. Trọng co người lại, như những ngày dài chàng đã từng
ngồi co người nghe pháo của địch rớt ngay trên miệng hầm ở trận Dak To.
- Chị còn 3 phút nữa, chị cứ tiếp tục, tôi đi lính chịu... pháo quen rồi...
Phượng ngưng chửi, đưa hai tay lên bưng lấy mặt. Một lúc sau, nàng bỏ tay xuống,
nước mắt lưng tròng:
- Phượng còn mấy phút nữa?
- Đúng một phút.
Phượng thở dài. Yêu nhau mười năm, tưởng sẽ sống với nhau trọn đời, ai ngờ chỉ
còn lại một phút đồng hồ ngắn ngũi với nhau. Phượng bỗng cúi người đưa hai tay
ra ôm lấy mặt Trọng đặt một cái hôn bất ngờ lên môi chàng. Môi nàng ướt đẫm nước
mắt. Trọng ú ớ không nói lên lời. Phượng giữ khuôn mặt Trọng trong hai tay
mình, nhìn sâu vào đôi mắt u buồn, bùi ngùi nói:
- Anh Trọng, anh muốn vậy cũng được. Trước khi đi Phượng chỉ xin nói với anh một
điều...
- Nói đi Phượng!
- Phượng sẽ còn yêu anh mãi mãi. Vĩnh biệt anh Trọng...
Rồi nàng buông tay, xoay người bước ra, thểu nảo và tuyệt vọng như một người vừa
đánh mất tất cả. Trọng nhìn theo Phượng, ruột đứt ra từng khúc với từng bước
chân của nàng...
Chàng biết rằng từ đây, mình sẽ không còn bao giờ yêu được người con gái nào
như đã yêu Phượng.
"Vĩnh biệt Phượng, Phượng cũng nên nhớ cho rằng dù gì đi nữa thì anh vẫn
mãi mãi yêu Phượng..." Trọng nói nhỏ như vậy và rót thêm bia vào ly.
Một thằng bạn của Trọng kéo ghế ngồi xuống, nhìn theo Phượng phê bình tự nhiên:
"Con nhỏ này dữ như bà chằng lửa. Rồi mày coi, nó sẽ tròng cái quần sì líp
vào đầu thầy Chương mà nó kéo như người ta kéo xe bò..."
Trọng nhún vai không nói gì, xoay đầu vào phía tối để che dấu hai giòng nước mắt
đang chảy ràn rụa trên má...
° ° °
Không ngờ con đường sạn đạo thành công ngoài sức tưởng tượng của Trọng. Cách đối
xử của dân làng buôn Thraa với lính quốc gia bây giờ khác xa những ngày trước.
Lính Trọng cũng cảm thấy thân thiện và tự nhiên hơn với những người dân trong
làng. Hai bên vui vẻ chuyện trò. Lính đem đồ hộp thuốc lá ra đổi lấy thổ sản của
dân làng. Không đồng ngôn ngữ nên tiếng mặc cả, tiếng cười vang lên cả một
vùng. Không khí vui nhộn.
Đêm giáng sinh, ai muốn đi lễ Trọng dắt theo hết. Nhiều đứa ngoại đạo, nghe cha
Thanh tập hát hay quá cũng đi theo để nghe hát.
Cha Thanh mừng rỡ lắm vì có thêm một số con chiên bất ngờ, cho làm lễ ở ngoài
trời. Đèn đuốc thắp lên sáng trưng cả một vùng. Hơn một nửa số con chiên là
lính của Trọng
Lễ bắt đầu, ca đoàn hát: "Hội nhạc thiên quốc đắm say nghiêng quỳ, dứt
cung nhạc thấy im lặng chín tần... Khi nghe kề bên nôi hèn chúa đây, tiếng Đức
Mẹ cất lên nhẹ hát mừng..."
Tiếng ca thánh thót giữa vùng trời Trường Sơn lồng lộng gió. Đứng chen lẫn với
đám dân làng Thượng, Trọng kéo cao cổ áo jacket cho bớt gió, lòng dâng lên một
niềm hạnh phúc không thể nào cắt nghĩa được. Một cảm giác êm đềm ấm cúng bao phủ
lấy toàn thân.
Trọng cất tiếng hát theo ca đoàn: "Vừa nghe kề sát nôi hèn, tiếng Mẹ nhẹ
hát êm đềm. Vừa nghe kề sát nôi hèn, êm ái giọng mẹ ru con..."
Trọng hơi tiếc vì cha Thanh giảng bài bằng tiếng Thượng, chàng chẳng hiểu gì. Nửa
chừng, cha ngừng rồi tất cả dân làng cùng quay nhìn Trọng vỗ tay. Trọng và lính
chẳng biết gì cũng vỗ tay theo. Mọi người cười ồ và vỗ tay to hơn nữa. Cha
Thanh nói: "Tôi xin đại diện dân làng buôn Thraa cám ơn Trung Úy Trọng
cùng đại đội 45 trinh sát đã làm cho chúng tôi con đường sạn đạo. Đó là một món
quà ý nghĩa của quân đội vào dịp lễ Giáng sinh này. Nó sẽ trở thành một dấu
tích của tình thương khó mà phai lạt được trong lòng những người dân buôn
Thraa..."
Trọng lúng túng đến độ tội nghiệp để tìm cách đáp lại những lời khen tặng.
Gần cuối lễ, cha Thanh đọc: "Xin Chúa đoái thương cho những ngày chúng con
đang sống được bình an. Để nhờ lượng từ bi chúa nâng đỡ, chúng con sẽ luôn luôn
thoát khỏi mọi nguy hiểm và được yên ổn khỏi mọi biến loạn. Vì công nghiệp vô
cùng của chúa Giê su Ki Tô con Thiên chúa là chúa chúng con.... Amen."
Tiếng ca lại cất lên: "Cao cung lên, khúc nhạc thiên thần chúa, hòa trong
làn gió, nhè nhẹ vấn vương..."
Trọng làm dấu thánh giá, lòng tràn ngập hạnh phúc. Thứ hạnh phúc tuyệt đối của
trời cao, của cõi bất diệt. "Xin Chúa đoái thương cho những ngày chúng con
đang sống được bình an. Để nhờ lượng từ bi chúa nâng đỡ, chúng con sẽ luôn luôn
thoát khỏi mọi nguy hiểm và được yên ổn khỏi mọi biến loạn..." Đời mình
nhiều biến loạn quá, tuổi trẻ Việt Nam nhiều biến loạn quá. Biến loạn của nạn cộng
sản, của đao binh, của sự nghèo đói, của sự bất công, của nạn tham nhũng...
Tiếng ca tiếp tục, thánh thoát: "Ôi đê mê, lắng nghe thoang thoảng cung
đàn, một đêm khuya vang, lặng trong tuyết sương... Đàn ơi, cứ rung những điệu
réo rắt, hát khen con một chúa trời, người sinh xuống cõi đời, hỡi người dương
thế, lặng nghe cung đàn..."
Giữa những biến loạn và khó khăn chồng chất đó, tuổi trẻ Việt Nam, người Việt
Nam đã sống, vẫn sống vẫn chiến đấu và tồn tại như luôn luôn "Được thoát
khỏi mọi biến loạn..."
Tiếng ca tiếp tục lồng lộng trong gió, như bay tuốt lên trời, như chôn kín lòng
người vào trong một cõi hoan lạc đắm say: "Thôi hỡi trần gian, im tiếng đi
mà tôn kính, chúa con sinh ra trong máng cỏ hang lừa, tuy chúa là vua muôn nước
suy phục tôn kính, chúa con ra đời trong máng cỏ hang sâu..."
Bài hát dứt, mọi người im lặng từ từ tản mác. Không khí bỗng trở nên linh
thiêng trầm mặc. Trọng quỳ ngay xuống đất, làm dấu cầu nguyện lần cuối. Suy
nghĩ mãi, Trọng thấy mình tuy không hạnh phúc đầy đủ lắm, nhưng giữa một quê
hương đầy bất hạnh và khốn cùng, chàng thấy mình quá đầy đủ, chẳng biết cầu xin
gì nữa trong đêm thánh này. Cuối cùng chàng chỉ cầu: "Xin chúa cho quê
hương đất nước con sớm được thanh bình..."
Trọng tính làm dấu đứng lên thì hình ảnh Phượng lại xuất hiện nhập nhòe trong
tâm trí, liền cầu xin tiếp: "Xin cho Phượng của con có được bình an trong
tâm hồn để sống..."
Trọng làm dấu đứng lên. Phải, được "Bình An Trong Tâm Hồn" mới là
chuyện quan trọng nhất. Từ lúc có trí khôn, Trọng chưa bao giờ thấy tâm hồn
mình được bình an và nhẹ nhàng như tối nay, trong đêm Thánh này...
° ° °
Bây giờ, nếu ai ghé qua miền Tây Nguyên, đến một cái làng buôn Thượng cách
thành phố Kon Tum chừng 40 cây số về hướng Tây Bắc, người ta sẽ còn nhìn thấy
con đường sạn đạo do đại đội 45 trinh sát của sư đoàn 23 bộ binh làm bắt đầu từ
dưới suối lên...
Tấm biễn gỗ khắc "Tòa GM Kontum và ĐĐ 45/TS, SĐ 23 BB/QLVNCH thân tặng"
đã bị kẻ chiến thắng gỡ xuống quăng đi mất rồi.
Người ta tưởng rằng hễ ném tấm biển đó đi là có thể xóa nhòa được "dấu
tích tình thương" của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong lòng người dân. Người
ta cũng tưởng rằng hễ cứ lăng mạ đạo quân bất hạnh đó, chà đạp nó, nhận nó xuống
đáy bùn nhơ là nó sẽ trở thành dơ dáy bẫn thĩu như ý mình muốn.
Những kẻ chiến thắng đã lầm.
Dù ai có làm gì đi nữa, dân biết, trời biết, cả thế giới này biết đạo quân bất
hạnh với một triệu người đã ngã gục dưới cờ không phải là một thứ lính đánh
thuê tàn bạo như đã bị vu khống xuyên tạc. Ở mỗi một con người trong đạo quân
đó, là một tấm lòng, một trái tim nhân ái, một đầu óc biết suy nghĩ và biết xót
thương, một mối tình yêu thương gia đình, yêu thương tổ quốc vô bờ bến...
Tuyên truyền, hạ nhục, vu khống là sở trường của những người cộng sản, nhưng, tại
sao 16 năm sau ngày chiến thắng, họ còn cay cú đến độ đưa ra một chương trình
qui mô để hạ nhục một đạo quân đã thất trận và đàn áp thẳng tay các tôn giáo?
Phải chăng, những người chiến thắng đã bắt đầu nhận ra rằng dân chúng hai miền
sắp sửa đứng lên để tiêu diệt họ?
Trường Sơn Lê Xuân Nhị