Gió thổi bần bật. Tôi nhìn từ cửa sổ thông khói ở nhà bếp, thấy mấy ngọn tre
gần đìa lạng ngụp lặn liên hồi. Tôi cứ sợ gió mạnh quá, sẽ thổi tung những lớp
lá dừa nước và những sợi lạt lên trời, để sườn nhà đứng trơ trụi. Cả căn nhà sẽ
hóa vào vũ điệu không tên trong ngày đầu năm này. Cái nhà bếp cũng sẽ bay lên,
mang theo những hòn than đỏ hồng, và tấm đan nặng mà Ngoại kê lên cao, trên đặt
bếp đất, dưới chất củi. Gió lớn quá, làm tôi sợ vẩn vơ, chứ căn nhà lá của Ngoại
tuy đơn sơ, nhưng khang trang, vững chắc. Cột và xà đều làm bằng gỗ tốt, trụ đổ
xi măng, không dễ gì ‘bay’ theo gió. Vách và mái đều được lợp bằng lá dừa nước
đã chẻ đôi, phơi khô. Lợp khít và dày, nên nhà chắc chắn, lại mát mẻ, thoáng
khí. Sườn nhà làm bằng gỗ bạch đàn do Ông Ngoại trồng quanh nhà từ mấy năm
trước, đốn xuống, ngâm dưới ao cho chắc và tiệt mối, rồi mới đem xây nhà.
Tôi chờ Bà Ngoại bưng chõ xôi từ bếp than xuống, rồi lấy đũa, phụ Ngoại lấy
bánh ít mới hấp trong đó ra. Mang tiếng là chõ xôi, mà nó đa dụng: hấp xôi, hấp
bánh ít, hấp bánh lá, hấp bánh chuối, hấp bánh bò, hấp tôm càng, hấp cua, hấp
cá, luộc bắp, luộc khoai, nấu bánh tét. Chỉ không ‘hấp tấp.’ Hấp và luộc tất cả
những thứ gì cần được nấu chín, và ở số nhiều. Ngoại để chõ xôi xuống trên cái
rế tre, rồi mở nắp ra. Hơi bánh ít mới hấp xông đầy bếp. Mùi lá chuối xanh, mùi
đậu, mùi bột, mùi nước cốt dừa hòa vào nhau trong một hỗn hợp tuyệt vời. Đã ăn
cơm với thịt kho tàu lúc thức dậy sáng sớm để soạn Tết, mà tôi chợt thấy đói bụng.
Tôi xếp từng cái bánh ít lên cái sàng tre tròn. Cái sàng này cũng đa dụng như
cái chõ xôi. Khi thì nó được dùng để sàng gạo, sàng nếp. Lúc thì nó biến thành
cái tràng để phơi thức ăn, như phơi cá, phơi tôm, hay phơi chuối hồng, phơi me
chín đã lột vỏ. Lúc thì nó được dùng để đựng thức ăn, như lúc này. Khi thì nó
được dùng để cho ráo chén đĩa, hay những vật dụng khác. Tôi xếp bánh theo vành
tròn của cái sàng, rồi từ từ xếp vô tới cái tâm. Hết lớp thứ nhất, đến lớp thứ
hai. Cứ mỗi lớp thì bớt đi một vòng để bánh chồng lên nhau thành một tam giác
khối. Tôi ngồi ngắm sàng bánh còn toả hơi nghi ngút, nhớ mới sáng hôm qua, lá
chuối còn xanh trên cây ngoài gò, Ngoại lấy dao rọc, tôi đi theo lượm đem phơi
cho dốt dốt, rồi lau sạch, xé theo từng xấp để gói bánh.
Tối hôm qua, Ngoại rờ đầu, kêu tôi dậy nghe pháo giao thừa. Ngoại nấu nước
trên bếp củi để pha trà, khi tôi đang ngủ. Tôi lò dò ra tới ván nhà trên thì
leo lên, nằm xuống. Ngoại đem bánh mứt ra, để trên bàn giữa đặt trước bàn thờ.
Tôi buồn ngủ, thèm lắm mà không ăn, chỉ ráng lắng tai nghe con vật của năm đó
kêu, mà không nghe ra. Ngoại nói năm con gì, thì con đó kêu trước tiên ngay sau
giao thừa. Năm đó là năm rồng. Tôi 11 tuổi. Đây là Tết Rồng đầu tiên của tôi.
Tôi chưa bao giờ nghe rồng kêu, nên không biết nó kêu ra làm sao, mà buồn ngủ
quá nên làm biếng, không muốn mở miệng hỏi Ngoại. Năm đó, Dì Thơ đi buôn gạo ở
Thủ Đức, chưa về. Chắc bị kẹt ghe, kẹt đò dọc đường. Năm tuổi của Dì. Ở nhà có
mình tôi với Ông Bà Ngoại. Mấy bữa trước, khi Mẹ dắt chúng tôi về phụ Ngoại tảo
mộ và dọn nhà ăn Tết, tôi đã xin Mẹ cho tôi ở lại, đón giao thừa với Ngoại. Cái
yên tĩnh hiếm có này thật dễ chịu. Thường khi tôi về thăm Ngoại, lúc nào cũng
đông anh chị em ruột và anh chị em họ cùng về. Nhà rộn tiếng reo, tiếng cười.
Vui nức bụng. Bữa nay, sự tĩnh lặng làm tôi thấy như đang được hưởng riêng một
mình cái tình thương của Ông Bà Ngoại. Tôi thầm thích thú với ý nghĩ đó.
Tôi nghe tiếng đồng hồ quả lắc mà Dì Hiền gởi từ bên Úc về điểm từng giây.
Lúc Dì Hiền mới gởi đồng hồ về, tôi cứ nói, nếu Ông Bà Ngoại túng tiền, có thể
đem bán những con số trong đồng hồ, rồi viết tay lại cũng coi giờ được. Đó là
vì những con số được mạ vàng, mà tôi lại tưởng là vàng thật. Thời đó vàng quý
hơn vàng. Cái gì cũng quý hơn vàng, chỉ trừ mạng người. Tiếng pháo bắt đầu đì
đùng. Nhà cửa lúc đó còn thưa thớt. Tiếng pháo văng đi qua đồng rộng, qua kênh
rạch, qua những ngôi nhà lá cũng đơn sơ như nhà Ngoại. Văng đi thật xa. Như
tiếng chó sủa trong đêm. Sủa ở đâu xa mà ở đây vẫn nghe rõ. Tôi nhìn lên bàn thờ.
Hình bốn Ông Bà Cố ở hai bên tủ thờ. Hình trắng đen, mang nét cổ tích. Cả bốn
người đều mặc áo dài hoặc áo the. Hai Ông Cố đội khăn đóng. Hai bình huệ trắng
bên hai cây nến, thơm lung linh. Thường Ngoại đốt hai ngọn đèn dầu nhỏ trên bàn
thờ buổi tối, nhưng đêm giao thừa, Ngoại thắp nến. Pháo càng nổ nhiều. Tôi nghe
cả tiếng pháo vọng lên từ thị trấn, nơi Mẹ và các anh chị em tôi đang ở. Mắt
tôi ríu lại. Rồng có kêu lúc đó thì tôi cũng không màng. Chắc Bà Ngoại ẵm tôi
vô giường sau khi Ông Bà đã uống trà và pháo giao thừa đã vãn.
Sáng Mồng Một, tôi còn thèm ngủ lắm, nhưng Ngoại kêu dậy để thay quần áo mới
và bắt đầu dọn mâm cho ngày đầu năm. Mẹ và các anh chị em tôi, cũng như tất cả
các Dì Dượng Cậu Mợ và anh chị em họ, sẽ tụ về Ngoại. Mẹ thường dẫn mấy đứa con
đi lễ đầu năm ở nhà thờ trước, rồi ngay sau đó sẽ đạp xe về Ngoại. Năm nào cũng
vậy. Có năm gió chướng thổi mạnh, mấy mẹ con đạp cả hai tiếng rưỡi mới tới, dù
bình thường, gặp gió xuôi thì chỉ tiếng rưỡi. Nhiều khi gió mạnh, xe đứng chựng
không đi. Leo xuống dắt bộ còn mau hơn là đạp. Ngoại bưng hủ giá chua ra. Ngoại
mới trộn chiều hôm qua, đựng trong cái hủ thuỷ tinh trong. Giá sống, hành lá,
và củ cải đỏ sắt sợi. Ba màu xanh, trắng, cam lẫn vào nhau, thật đẹp mắt. Ngoại
trộn với giấm mà Ngoại ủ bằng đường cát trắng và rượu đế. Hủ giấm trong veo,
thơm phức. Khi giấm chua, có con giấm như con sứa biển, trắng trắng lững lờ
trong hủ. Ngoại làm cái gì cũng nhứt. Mà Ngoại lại chịu khó, nên con cháu tha
hồ thưởng thức. Giá chua để ăn với thịt kho tàu. Củ kiệu thì Ngoại làm riêng,
để ăn vã với tôm khô nhà làm. Tôm thơm mùi nước sông quê tôi. Thơm cách thanh
thản như mảnh đất trù phú này, nơi nước biển mặn gặp nước đồng ngọt, sinh ra
tôm ngon cá ngọt, rau trái thơm lành.
Ngoại lên nhà trên, tới cái tủ gỗ lim, lấy bộ chén dĩa kiểu ra. Bộ chén này
chỉ được ‘xuất cung’ trong những dịp quan trọng, như khi nhà có giỗ, có cưới,
hoặc ngày Tết. Có dĩa, có tô lớn, nhưng nhiều nhất là chén. Bộ chén sang cả,
như một nàng công chúa trong một túp lều tranh, lạ lẫm trong căn nhà đơn sơ
này. Ngoại để tất cả chén dĩa trên bàn giữa, rồi biểu tôi lau lại lần nữa, dù
sáng hôm qua tôi mới phụ Ngoại rửa sạch, úp cho khô, và cất vô tủ. Rồi Ngoại
xuống nhà dưới, tới tủ đựng đồ ăn, bưng ra nồi vịt quay, nồi cà ri gà, nồi thịt
kho tàu, và nồi xôi đậu xanh để ăn với vịt quay. Mẹ tôi sẽ mua bánh mì nóng và
đem lên sáng đó để ăn với cà ri. Ngoại để tất cả mấy nồi thức ăn trên ván, rồi
lên nhà trên, bắt đầu bưng từng chồng chén dĩa kiểu xuống, để kế bên. Mấy cái
dĩa lớn để múc giá chua, xôi đậu xanh, và vịt quay. Mấy cái tô lớn để múc cà
ri, thịt kho tàu, và để bánh mì. Ngoại đem đũa gỗ mun từ nhà trên xuống, xếp
chung vào chỗ chén dĩa trên ván.
Ngoại vừa dọn xong thì Mẹ và anh chị em tôi lên tới. Ai cũng mặt quần áo
mới, nhìn tươi rói hẳn ra, không như quanh năm, cứ hai bộ quần áo bạc màu, một
đứng (đang giặt phơi), một đi (mặc trên người). Thời bo bo, tem phiếu mà. Năm
đó, Ba gởi quà Tết sớm, có vải katê màu hồng nhạt với những đường gân trắng nhẹ
chạy dài trên khổ vải. Mẹ may cho mấy cô con gái áo Tết cùng vải nhưng khác
kiểu, và áo sơ mi trắng cho Anh Hai. Áo của tôi tay ngắn, dún phùng ở tay, bâu
áo chạy dài thành hai mảnh dài như cà-vạt để thắt nơ. Tôi ra kiểu, và cô thợ
may chiều tôi. Rồi lần lượt các gia đình khác cũng về đến nơi. Mọi người liền
tề tựu ở nhà trên để mừng tuổi Ông Bà Ngoại. Ông Bà ngồi trên cặp ghế gỗ phía
trước bàn giữa ở nhà trên. Mẹ và các Dì Dượng Cậu Mợ đứng vây quanh. Mẹ thay
mặt anh chị em, chúc Ông Bà năm mới được mạnh giỏi, nhiều an vui, nhiều ơn
lành. Người lớn lẹ làng đứng tránh ra để cho đám con nít chúng tôi quây quần
bên Ông Bà. Vừa vào chỗ là mạnh đứa nào đứa nấy tranh nhau chúc. Dàn hợp ca
không có người điều khiển làm căn nhà rộn lên. Đứa nào cũng ráng nói cho lớn,
như thể đứa nào nói càng lớn thì càng thật lòng, càng thương Ông Bà nhất. Ông
Bà Ngoại lấy bao lì xì ra, phát cho mỗi đứa một cái. Dàn hợp ca con nít lại
trỗi lên cao trào háo hức. Ông Bà cười tươi như bông vạn thọ ngoài sân, lâng
lâng mùi Tết. Ở tuổi trung tuần mà con cháu đầy nhà như vầy, cực khổ tốn kém gì
cũng không sá.
Rồi mọi người kéo nhau xuống nhà dưới để ăn uống với nhau. Vừa ăn, vừa kể
chuyện nhà, vừa chọc ghẹo nhau. Con nít ngồi bên ván, người lớn ngồi ở bàn ăn.
Mẹ có về phụ Ngoại nấu ăn mấy bữa nay, nhưng tới chiều thì đạp xe về để lo cho
mấy anh chị em tôi. Dì Hiền đã đi vượt biên qua Úc, nên Mẹ hay về để cho nhà
Ngoại bớt vắng vẻ trong lúc Dì Thơ đi buôn gạo ở xa. Mẹ nạo dừa, cắt thịt, bầm
xã, lột tỏi, xay bột bằng cối đá dưới bếp để làm bánh ít, và phụ nấu các món,
nhưng luôn để cho Ngoại nêm. Nếu có Ngoại ở nhà, không ai có can đảm giành nêm
thức ăn. Nhất là đồ ăn Tết.
Bên phía bàn ăn, người lớn nói chuyện rôm rả, nhưng bên ván, con nít tụi tôi
nhiệt tình ăn uống. Đặng còn đi chơi. Vừa buông đũa, là tụi tôi kéo nhau ra cây
rơm trước sân. Chỉ có ngày Tết là dám ăn rồi bỏ chạy. Những ngày khác thì lo
dọn chén dơ xuống, dẹp đồ ăn dư, quét nhà, ra đìa rửa chén, rồi đem úp vô cái
sóng chén đứng bằng gỗ dưới bếp. Cây rơm đã đứng đây được một mùa nắng, gần cây
gòn già tàng rộng. Cây rơm là chỗ vô cùng tiện lợi cho chúng tôi, tha hồ nằm
lăn ra đất ngay dưới chân đống rơm đã bị rút vô tới ruột. Phần trên cao của
đống rơm còn đầy, chưa bị rút, xoè ra như một cái nón, che chắn cho lũ trẻ.
Người lớn thích cắn hột dưa ngày Tết, còn tụi tôi thì nghĩ ra trò nướng trái
gòn, lấy hột ăn. Không biết có chất dinh dưỡng gì không. Cũng không ngon lắm,
chỉ thơm thơm mùi thảo mộc được nướng lên. Hột nó không bùi, không ngọt, chỉ
ngang ngang như gỗ.
Trái gòn dài thon, thân tròn, vỏ cứng, khi vỏ khô thì tự tách ra từng mảnh
dọc theo chiều dài của trái gòn. Khi gòn nở bông, cả cây trắng rợn, lấm tấm lá
xanh. Mùa này chỉ có trái gòn đã khô màu nâu nhạt treo lủng lẳng trên cây như
những vật trang trí mùa Xuân do thiên nhiên tặng cho miền quê nhiệt đới. Ngoại
hay hái trái gòn vô lúc nó vừa khô, trước khi vỏ nó tách ra và ruột nó bay theo
gió. Ngoại lấy ruột gòn để làm gối. Êm cách gì. Chúng tôi lựa trái gòn nào tròn
lẵng, chắc nịch, rồi đem vô bếp, dí một đầu vô bếp cho nó ngún cháy, rồi đem
trở ra đống rơm. Trái gòn được chuyền quanh cho hết một quận, rồi trở lại từ
đầu. Mỗi đứa lấy một hột rồi chuyền đi. Trái gòn gặp gió, chỗ đang ngún cứ nghi
ngút khói, rồi lan dần. Mảng than đỏ cứ ngấm từ từ tròn quanh, ăn dần vào trái
gòn. Từng sợi gòn trắng mỏng bung ra rồi tan vào mảng đỏ đang lan. Những hột
gòn nâu đen từ từ nhảy ra khỏi lớp nệm trắng muốt êm ái, rơi vào tay một đứa
đang chầu chực hứng đợi.
Năm nay, Ông Bà Ngoại đều đã xa cõi này, nằm bên nhau vĩnh viễn. Ông vừa đi
đúng năm con trăng và một cái Tết. Chắc Ông Bà gặp nhau, vui lắm. Tết này tôi ở
xa lại có con mọn, chưa về viếng mộ và thắp nhang cho Ông Bà được. Cũng không
còn tiếng pháo đêm giao thừa. Và không còn những bánh mứt ngày thơ, cái bếp
hồng hấp bánh ít, cái chõ xôi đa dụng, cái mái lá êm đềm nhà Ngoại. Không còn
gió chướng đang lăm le đưa mọi thứ lên trời. Không còn cái thơm tho tinh khiết
của những món ăn dân dã, mà thời nay người ta có thèm cũng không tìm ra những
vật liệu hảo hạng ‘organic’ như vậy trên một trái đất ngày càng ô nhiễm. Không
còn cái huyền nhiệm của quê nhà, của thinh không một mình tôi với Ông Bà, lắng
nghe rồng kêu trong đêm trừ tịch.
Nhưng Tết vẫn đến. Tôi dọn bàn thờ, chưng hình Ông Bà, và cắm hoa kính Ông
Bà, như tôi đã từng cắm hoa trên bàn thờ cho bốn Ông Bà Cố ngày xưa ở quê nhà. Tôi
dọn mâm ngũ quả, bày dĩa bánh mứt, xếp bánh tét bánh chưng lên bàn giữa. Tôi
dạy các con chúc tuổi Ông Bà của chúng, Dì Cậu trong nhà, và chúc tuổi nhau.
Tôi bày cho các con làm thiệp Tết cho cả nhà. Tôi làm bánh tét chuối và hấp
trên bếp điện cho con ăn. Chuối nhà tôi trồng ở sân sau, lá chuối tôi rọc, các
con phụ lau (và phá) và phơi. Tôi sẽ rủ chồng con đứng quanh khi tôi lấy bánh
tét trong nồi ra, để cả nhà cùng thưởng làn hơi thơm tho ấy. Đêm giao thừa, tôi
sẽ nói với các con, rằng năm nay, con Gà sẽ kêu đầu tiên, sau khi chuông đồng
hồ điểm 12 tiếng. Các con sẽ thắc mắc vì không nghe tiếng gà kêu (à, thì ở Quận
Cam, giữa phố thị, lấy gà đâu ra mà kêu!). Tôi sẽ giả làm gà mái kêu đẻ, như
tôi vẫn làm khi đọc sách về các thú vật cho các con nghe. Nhưng biết đâu, các
con cũng gật gù gật gưỡng buồn ngủ như tôi ngày nào. Tuy không nghe gà kêu,
nhưng cũng nằm im, rồi ngủ thiếp, trôi vào những giây phút thiêng liêng đầu
tiên của năm Đinh Dậu 2017.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn