21 January 2017

NƯỚC ĐÃ CHÌM TAN - Phan Ni Tấn

Ghi lại từ người kể

Năm đó, tôi và Nhược Thủy ăn Giao Thừa tại nhà vợ chồng người bạn vui đến độ say khướt hồi nào tôi không hay. Khi tiếng pháo Giao Thừa đua nhau nổ giòn khắp các đường phố Sài Gòn, tôi giựt mình, ngơ ngác nhìn quanh mới hay mình đang ngồi trước sân nhà Nhược Thủy và ngạc nhiên bắt gặp mình đang… khóc nức nở trong vòng tay người yêu. Tiếng khóc say rượu lúc đó, anh ơi – nghe sao mà tỉ tê, thê thiết. Tiếng khóc vật vã, kể lể sự tình chẳng hề giống ai trên cái cõi đời ô trược này. Rõ ràng là tiếng khóc sụt sùi dụi đầu vào ngực Nhược Thủy nên âm thanh như bị… gói kín trong chiếc áo màu hoàng kim người yêu tôi hay mặc.
Rồi, chắc vì gió, tôi lại mơ màng chìm vào cơn say. Cho tới một lúc nào đó, đột nhiên tôi cảm thấy hụt hẩng, mất thăng bằng, mở mắt ra mới hay Nhược Thủy đã bỏ vô trong nhà từ lúc nào. Khi tiếng khóc mất điểm tựa, không còn ai dỗ dành, an ủi tôi đâm ra chới với, tủi thân và hoàn toàn tỉnh rượu. Lúc đó trời đã quá khuya. Nhịp sống Sài Gòn hầu như lắng xuống. Chỉ còn lại thoáng gió lành lạnh trên nhánh cây xoài mọc trong sân nhà. Khi say tôi hoàn toàn không ý thức được mình đã kể lể, than khóc những gì, nhưng chắc khuya quá Nhược Thủy sợ mấy đứa em trong nhà hoặc hàng xóm nghe thấy nàng đâm ra ê chề, ngán ngẫm bỏ vô nhà, tôi nghĩ vậy.

Nửa đêm nửa hôm ngồi một mình giữa đất trời hiu quạnh tôi không còn chỗ dung thân, cũng không còn ai chấp chứa, cùng đường bèn trèo lên cây vú sữa… ngủ qua đêm. Nói là ngủ chớ tài nào chợp mắt nổi. Phần vì lạ chỗ nằm, phần vì lạnh, bị muỗi chích, phần vì sợ công an nên tôi cứ trằn trọc cho đến sáng.
(Nói rồi Hoài tằng hắng sửa giọng, mắt lim dim đọc)

Ai biết đời tôi có ngày này
Người ở thành lại ngủ trên cây
Nửa đêm xuân xiếc về ngang hỏi
Hết chỗ rồi sao ông ngủ đây?

Tờ mờ sáng mùng một Tết vừa nghe có tiếng người đi ngoài đường, tôi vội vàng tuột xuống tìm đôi dép nhưng không thấy nghĩ là trộm đã chôm mất, bèn đi chân không ra quán cốc đầu đường uống cà phê. Cũng may, mấy ngày trước Nhược Thủy đã cẩn thận dúi vào tay tôi vài đồng bạc lẻ cười nói ra đường lỡ đụng bánh tráng của người ta còn có tiền mà đền. Quán mới lên đèn, hơi sương còn ướt ghế. Khách thưa thớt vài ba người. Ðầu năm đầu tháng gặp phải phường khố rách áo ôm như tôi, chị chủ quán đã tỏ ra thiếu thiện cảm ngay. Ðã vậy tôi còn ngồi đồng cả tiếng đồng hồ nhăm nhi mỗi ly cà phê xây chừng nhỏ xíu khiến chị đâm ra nghi ngờ, kề tai người giúp việc xì xầm điều gì đó mà cả hai đều nhìn tôi, mắt lộ hung quang. Ðể tránh khỏi gặp phải lôi thôi tôi đứng dậy bỏ đi, lết thết băng qua đường nhắm xe sinh tố lộ thiên đi tới.
Ngồi trên ghế đẩu, lưng dựa tường tôi vừa uống sinh tố vừa… “sầu thế sự”. Chưa bao giờ một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một tù binh vượt ngục trở thành một kẻ vô gia cư, vô nghề nghiệp rơi vào thảm cảnh như vầy. Nhiều khi tôi nghĩ thà ra đầu thú may ra còn có nhà (tù) để ở, có cơm (tù) để ăn hơn là sống trong tình cảnh bấp bênh, chẳng biết đâu là ngày mai.
Ðang nghĩ quẩn đột nhiên tôi gần như không tin vào mắt mình khi thấy Nhược Thủy từ đàng xa đạp xe chạy tới ngang qua chỗ tôi ngồi với nét mặt đầy vẻ bồn chồn, lo lắng. Tôi thoáng ngạc nhiên. thắc mắc mới sáng sớm mà Nhược Thủy lại đi đâu? Nhưng khi nhìn thấy đôi dép sapo cũ mèm, đứt quai, há miệng, mòn đế của tôi nằm chỏng chơ trong bọt-ba-ga trước cổ xe đạp tôi vụt chạy theo hớt hải gọi tên nàng. Nghe tiếng gọi, Nhược Thủy ngoái đầu nhìn lại, nhận ra tôi nàng mừng ứa nước mắt. Nhược Thủy kể lại tối hôm qua sau khi vô nhà khoảng nửa tiếng sau nàng đã lén lút ôm mền ra cho tôi đắp nhưng không thấy tôi đâu ngoài đôi dép nằm chỏng chơ trên nền gạch nên nghĩ là tôi đã bị Công An bắt dẫn đi rồi. Suốt đêm lòng nóng như lửa đốt người yêu tôi mong trời mau sáng đạp xe chạy đi tìm tôi.
Anh thấy không, tình yêu của hai chúng tôi keo sơn, gắn bó đến chừng nào. Tôi chủ quan, dù rằng tôi có trở thành một tên thất cơ lỡ vận, khố rách áo ôm hay trôi sông lạc chợ nàng vẫn không màng, vẫn bán vàng nuôi tôi và yêu tôi tha thiết.
Tôi xin kể tiếp.
Sau khi chúng tôi gặp lại nhau, Nhược Thủy có một quyết định táo bạo là sẽ đưa tôi lên căn gác nhà nàng ẩn trú! Ðể chắc ăn, trước đó nàng đã dụ cho tiền mấy đứa em đi xi-nê rồi chờ đêm xuống ra dấu cho tôi bò vô nhà, rón rén leo lên căn gác, lén lút sống quên ngày tháng như một tên tội đồ thầm lặng nhất, một thứ Ann Frank thời đại, một ông vua không ngai, cho tới một ngày…
Phải, cho tới cái ngày… Không phải. Phải nói là cho tới nửa đêm về sáng chúng tôi đang say giấc điệp thì giựt mình thức dậy vì nghe có tiếng đập cửa, tiếng người kêu ơi ới ở dưới nhà. Lúc đầu chúng tôi tưởng Công An tới xét “hộ khẩu” nhưng nghe kỹ thì Nhược Thủy chợt ngốc đầu dậy khẽ nói là má Nhược Thủy trên Ðà Lạt xuống. Thỉnh thoảng ba bốn tháng bà vẫn xuống cung cấp tiền bạc cho con cái và ngủ trên căn gác này. Thế là, trong khi Nhược Thủy chạy xuống mở cửa, tôi ba chân bốn cẳng quơ vội đôi dép thổ tả vọt ra phía sau leo tường tuột xuống hẻm chuồn nhanh ra đường cái. Ðã vậy, anh biết không. Ðúng là nghèo lại mắc cái eo. Vừa chạy ra đầu ngõ hẻm tôi đụng ngay một gã trung niên đi ngược vô tự xưng là Tổ trưởng la ai đó đứng lại. Hoảng quá tôi quăng cả dép, cắm đầu chạy thục mạng. Ðêm đó tôi lủi đại vô chợ Thái Bình góc đường Phạm Ngũ Lão – Cống Quỳnh núp vào một xó tối vuốt ngực thở gấp vừa thương cho thân phận cay đắng của mình vừa thầm rủa tên Tổ trưởng chết bầm. Xin lỗi anh.
Ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Dĩ nhiên cùng quẫn như tôi cũng không ngoại lệ. Thực vậy, tôi không ngờ lần bỏ chạy đó lại là lần cuối cùng tôi… chạy ra khỏi cuộc đời Nhược Thủy.
(Tới đây Người Thơ lang bạt lại tằng hắng, mắt lim dim, da diết đọc)

Nước đi ba tháng không về
Ngày nào anh cũng giận thề quên em
Nỗi đời lây lất chồng lên
Ðầu anh niềm nhớ không tên hành hoài


Nước đi suốt chín năm dài
Ðêm nào anh cũng nằm nhai mối sầu
Nhiều phen trằn trọc canh thâu
Nhai nhằm miếng nhớ làm đau điếng hồn


Nước đi ra biển xa nguồn
Hai mươi năm lẻ tiếng buồn anh mang

(Ðọc xong, Người Thơ phong sương, đau khổ gật gù lặp lại)
Nước đi ba tháng không về. Phải, Nước là Thủy, anh cũng hiểu rồi. Người yêu tôi đã đi vượt biên ngay ngày hôm sau tại Bà Rịa, như sau này tôi được biết. Ðó là một sự chọn lựa khôn ngoan. Có điều, tôi vẫn chủ quan cho rằng Nhược Thủy không bao giờ bỏ tôi mà đi đành đi đoạn như vậy, nếu không bị áp lực của gia đình.
Nhưng mà chuyến đi đó… Chuyến đi định mệnh, anh hiểu không? Từ đó tới nay đã ngót bốn mươi năm rồi, không một ai, kể cả gia đình Nhược Thủy biết được tông tích chiếc ghe, trên đó có người tôi yêu đã vượt tới bến bờ nào.
Thưa anh, nay dù đã tới cái tuổi thất thập cổ lai hi, tôi vẫn còn độc thân và vẫn coi mối tình của tôi và Nhược Thủy là mối tình lớn nhất trong đời tôi.

Phan Ni Tấn