19 January 2017

MÀU XUÂN - Tôn Nữ Thu Dung

Màu xuân, với đôi mắt trong veo của thời thơ dại là sắc màu xanh đỏ của áo mới, của phong bao lì xì và vị thơm phức của bánh mứt ngọt ngào.
Màu xuân, với đôi mắt bâng khuâng của thời trẻ tuổi là sắc màu tím nhạt của mộng mơ và chờ đợi một đêm ba mươi nào đó… anh nói với người phu quét đường… xin chiếc lá vàng làm bằng chứng…
Màu xuân, với đôi mắt hoài niệm trưởng thành, là màu khói lam chiều rưng rưng thương nhớ…đường về quê xa lắc lê thê…
Màu xuân của tôi.
Thuở nhỏ,mỗi năm tôi thường được về quê ăn tết, đó là những ngày hội hè tôi không thể nào quên.
Xứ Huế, xứ của công dung ngôn hạnh, xứ của vàng son một thuở, để những phong tục, lễ nghi tồn tại qua nhiều thế hệ. Một con bé 3, 4 tuổi như tôi biết khoanh tay chúc tết, biết đắn đo lựa chọn giữa bánh măng, bánh mận, bánh hạt sen, bánh ngũ sắc chưng trên những quả bồng với các kiểu gói kỳ công xinh đẹp… Tôi  mê đắm cái vỏ rực rỡ trước khi mở ra nếm các loại bánh khác nhau.
Vườn nhà rộng thênh thang với nhiều loại hoa rực rỡ. Trong sân, mấy cây Mãn Đình Hồng cao vút như cây thông với những bông hoa xếp lớp màu hồng đậm. Cúc Đại Đóa vươn cao mạnh mẽ đầy kiêu hãnh. Cúc Mâm Xôi tròn xoáy một vòng vàng tươi, những chậu Cúc Kim nhỏ bé thơm phức mùi thuốc bắc…Trên lối đi, những cây hoa hồng nhung đỏ thẫm và hai cây Lão Mai rạng rỡ bung những hoa vàng thoang thoảng mùi hương thanh khiết.
Ngoài vườn tre trúc rì rào, những cây chanh , cây ổi , vải và nhãn thơm lừng là nơi bầy dơi trú ngụ ban đêm và các loài chim lãnh lót ban ngày…
Về Huế, lúc nào tiền lì xì của tôi cũng đầy nhóc,  Đỏm dáng như một cô công chúa, áo dài gấm xanh, hài thêu gấm đỏ… ông nội dắt tôi đi long rong quanh xóm, tôi hỏi:
-Răng nhà ni nhỏ rứa, không có hồ cá thả sen như nhà mình?
-Tại họ nghèo
-Rứa nhà mình giàu phải không ông?
-Nhà mình không giàu, nhưng ba con học giỏi, ba con làm lớn đem tiền về cho ông nội. Mai mốt con cũng phải học giỏi như rứa nghe không!
Tôi dạ, có lẽ đó là mối bận tâm đầu tiên ray rứt nhất của tôi: nếu học dốt thì sẽ nghèo! Ai nói con nít không có  những suy tư?
Có buổi trưa thức dậy, cả nhà ngồi chơi bài trên trường kỷ, không thấy ông nội đâu, tôi chạy ra vườn tìm, ông nội đứng hút thuốc bên hồ cá, tôi hỏi:
-Răng ông nội không chơi đánh bài?
-Ông nội không có tiền, họ không cho ông nội chơi
Tôi òa lên khóc nức nở vì thương ông nội, ông nội hoảng, ôm chặt tôi vào lòng, dỗ:
-Ông nội nói chơi thôi, ông nội nhiều tiền lắm, nhưng ông nội ngồi lâu mỏi lưng không chơi nữa.
Tôi không có bà nội, tôi không thích bà dì, bà dì có mùi dầu cù là mà bà cứ bôi lên mắt để khóc khi ba mạ tôi về Huế, bà kể lể ông nội khó khăn hay hạch xách này kia…Mạ kéo bà vào phòng cho tiền, đưa riêng quà cáp vì sợ mấy cô thấy. Mạ nói với ba: kệ, để bà săn sóc cho ông nội vui và mấy cô đỡ khổ.
tôi cũng không thích bà dì ôm hôn tôi, vì mùi dầu cù là làm tôi cay mắt, bà cứ ngắt vào hai má tôi bầu bĩnh:
-Con ni trắng tươi, mắt mí lót, tóc bum bê như Nhựt Bổn.
Tôi chỉ thích mùi ông nội, mùi  khói thuốc nồng nồng thơm phức và những ngọn khói bay bay, mùi  long não ấm áp và mịn màng êm mát của bộ áo lụa trắng ông hay mặc, tôi dụi đầu vào đó để ông đong đưa ru ngủ bằng thơ Đường.


Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, 
Giang phong ngư hoả đối sầu miên. 
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự 
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.


Tôi yêu cổ thi từ đó.
Hạnh phúc tôi, phần lớn mang sắc màu cổ kính của mùa xuân xứ Huế.
Rồi ông nội mất, Tết Huế của tôi cũng mất biệt luôn dù hàng năm các cô chú cũng gởi về đủ thứ trái cây bánh mứt của nhà làm. Tôi chảy nước mắt khi cô Khánh mở gói mứt mít sấy khô : “Cây mít ni ông nội trồng mà chưa ăn kịp miếng mô!”. 
Rồi cô la mà cô cũng rưng rưng nước mắt:
– Con khỉ con, nước mắt chi mà nhiều rứa. Cái đồ giòn cười tươi khóc!

Tuổi thơ tôi bắt đầu nhuốm màu u ám khi ba về nhà với những vệt máu lấm lem trên vai áo vào ngày mùng một Tết Mậu Thân, chiến tranh đã bắt đầu tràn về thành phố. Tôi úp mặt vào hai bàn tay xót xa thương khóc với đứa bạn nhỏ vừa mất cha trong một ngày xuân . Màu xuân của tôi từ đó  phải chăng đã nhuốm một màu nhợt nhạt u buồn…

Ngày ấy, trường nằm cạnh nhà xác và Quân Y Viện Nguyễn Huệ. Cuối tuần, các Soeurs dẫn cả lớp vào đọc kinh cầu nguyện cho các thương binh hoặc các tử sĩ. Tôi đứng lấp ló ngoài cửa, sợ hãi cái không khí u ám ở những nơi này, lần nào Soeur Hiệu Trưởng cũng nghiêm khắc nhìn cho đến khi tôi lặng lẽ bước vào. Anh Thu thường nắm tay tôi. Cả tay nó và tay tôi đều lạnh ngắt.Tôi nhớ, những giọt nước mắt đau đớn của cô bạn xinh đẹp giỏi giang nhất lớp, như mưa, tiễn một thiên thần vào cõi hư vô, đã cuốn hết đi trong tôi bất kỳ một hạnh ngộ nào vì tôi quá sợ một ngày tàn phai…

Nhiều năm sau, trên con đường nhỏ của một thành phố cao nguyên lồng lộng gió vào một ngày cuối năm âm lịch. Người cảnh sát trẻ tuổi ngừng chiếc mô tô và gõ lên cửa kính của một chiếc Toyota đỏ thắm dừng đã rất lâu bên đường, người đàn bà trong xe ngẩng lên nhìn
-Are you OK?
– Yes, I’m OK.
Người cảnh sát nhìn thấy một đôi mắt phương đông ngập tràn nước mắt. Ông ngập ngừng:
-May I help you?
– No Thanks, I’m OK
Ông nhìn theo ánh mắt ấy,  phía bìa rừng, một cây cổ thụ với những đóa hoa vàng chi chít rực lên trong chiều hanh hao.Ông hỏi:
– Today is the last day of the lunar year. Are you Vietnamese?
Người đàn bà gạt ngang giòng nước mắt :
-You too?
Bên ngoài khung cửa kính, người cảnh sát gật đầu nói giọng miền Nam đặc sệt, ân cần:
– Dạ, con là người Việt Nam, và chúng ta hãy can đảm mà sống tiếp nghe cô.
Chiều lên, hay chiều xuống ? Giữa một phố núi hắt hiu buồn, gió từ đỉnh Big Bear mang về mùi gỗ mục, thơm như khói của nồi bánh chưng bánh tét nào năm xưa ở quê nhà. Hai người Việt Nam nhìn về một hướng, cây mai vàng bỗng rực lên  những tia nắng cuối và nhạt nhòa trong chập choạng chiều buông…
Bỗng nhớ :
Hỏi em: em xa xứ
Hỏi anh: anh xa nhà
Mời nhau vào quán vắng
Uống thêm màu mây xa… ( Trần Hoài Thư)


màu- mây- xa!


Tôn Nữ Thu Dung