31 January 2017

MÙA XUÂN NĂM ĐÓ… - Trần Huy Sao

Mùa Xuân. Cây nở hoa, người trổ nhánh đời để nuôi thêm tuổi. Tuổi càng cao cây đời càng tỏa rộng, che mát những tháng ngày trường trải. Mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm kết chuỗi thời gian. Chuỗi thời gian có hột bóng mờ. Có hột đốm đồi mồi. Có hột chẻ chân chim. Đan kết, níu kéo nhau thành một chuỗi dài…


Hôm trước ngồi ở quán cà phê với anh Huân, nhìn chéo qua khu chợ Á đông nhộn nhịp người mua kẻ bán. Trước chợ bày kín một dãy hoa Mai, hoa Đào tươi thắm. Nhìn kỹ, thấy vô hồn. Thì ra toàn là hoa giả! Cũng lá cũng cành đan kín những chùm hoa rực rỡ sắc màu. Mới nhìn, ngỡ là hoa thật. Lòng cứ rộn ràng những thương nhớ ngày Xuân ở một nơi chốn xa xăm thuộc về dĩ vãng. Nhìn kỹ, là hoa giả. Nỗi rộn ràng vừa mới nhen nhúm đã vội tản mác, tan loãng thành nỗi giận buồn vô cớ. Thiệt là “lộng giả thành chơn”.

Giật mình nhớ lại, ở thời điểm này, trên đất nước trái gió trở trời cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, làm gì có hoa Mai hoa Đào cho mình ngắm. Chỉ là thỏa mãn cái thị hiếu, xoa dịu lòng thương nhớ về một mùa Xuân của những người xa xứ. Nặng nề tính chất thời cơ thương mại.

Bây giờ là tháng Giêng trên đất trời xa lạ, người ta đã ăn uống nhảy nhót vui mừng tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới từ lâu lắm rồi. Vậy mà ở quê nhà, đang là những ngày cuối Chạp. Bà con đang chuẩn bị náo nức đón mừng Năm Mới. Không khí chắc hẳn là rất rộn ràng…Tôi nói với anh Huân những điều vừa chợt nghĩ đến về những ngày Xuân quê nhà và nhân tiện bày tỏ ý nghĩ ngộ nghĩnh về cái chuỗi thời gian có hột bóng hột mờ hột đồi mồi hột trổ chân chim. Anh Huân yên lặng ngồi nghe, dáng trầm tư như nhà hiền triết. Khi tôi đã dứt lời, anh vẫn ngồi yên lặng thật lâu rồi mới nói:
– Khi anh qua đây, những ngày Tết đến ai cũng buồn muốn khóc. Nỗi nhớ nhung cuộn xoắn làm tê điếng cả lòng. Nhìn cái gì cũng thấy nhớ, cứ thẩn thờ. Thời gian dần qua, nỗi nhớ cứ nhạt dần lúc nào không biết nữa. Tệ quá, bây giờ thì dường như một số người cảm thấy dửng dưng. Chẳng biết đó có phải là cái hột mờ trong chuỗi thời gian mà chú vừa mới nói đó không? Chắc là nhiều khi họ cũng nhớ lắm, nhưng nỗi nhớ chỉ là bàng bạc hơi sương chưa đủ độ ấm nồng…Chú viết văn làm thơ, tâm hồn nhạy cảm, khơi lại chút ấm nồng để nhớ chơi…Đừng như đám hoa Mai hoa Đào lộng giả thành chơn. Mua về nhà chưng nơi phòng khách, ngày nào cũng thấy mùa Xuân. Riết rồi nhàm chán, xếp hạng như là vật dụng chưng bày trong nhà không hơn không kém. Ý niệm về ngày Xuân cũng tan loãng, chỉ còn lại cái cảm giác ấm lạnh nắng mưa theo hai mùa cho một năm. Tệ quá…
Anh thừ người, chậc lưỡi. Tôi cười nói với anh:
– Nhưng mà ở thời điểm trái ngược này, tìm một cành Đào hay cành Mai làm gì có. Mà nếu có thì giá cả sẽ làm tối mày tối mặt làm sao thấy được mùa Xuân. Tại sao không về quê hương một chuyến trong dịp này tha hồ nhìn ngắm mà tìm lại cảm giác ngày xưa…
Anh nhìn tôi hơi bực bội:
– Nói như chú mày thì nói chuyện làm gì. Đừng làm nhau mất hứng nghe.
Tôi cười giả lả:
– Anh nói vậy chớ chuyện ngày Xuân thì làm sao mà hết. Ở quê nhà, nội cái chuyện ăn Tết thôi cũng đã nhiêu khê. Chuẩn bị cả mấy tháng trời chỉ để vui hưởng ba ngày Xuân. Còn ở đây vui lắm cũng chỉ được hai ngày cuối tuần. Nếu Tết mà trúng những ngày giữa tuần thì cũng rán đợi cho tới hai ngày nghỉ cuối tuần . Nỗi chờ đợi đâu có nôn nao giữa không khí rộn ràng chuẩn bị đón Xuân. Mà có gì đâu mà chuẩn bị. Mọi thứ đã bày bán sẵn, chỉ cần bỏ ra một khoảng thời gian ngắn trong khu chợ Á đông là đầy đủ…
Tới đây thì anh cười thoải mái,hết vẻ bực bội, góp vào câu chuyện:
– Đầy đủ quá chừng. Đâu phải như cái hồi…
Anh ngưng lại, dáng trầm tư. Tôi biết anh đang nhớ cái hồi chấm mút xương gà uống rượu, loại rượu đế nồng nặc mùi cồn, với đám bạn bè đón Xuân hưởng Tết. Tôi nhắc lại anh nghe những hình ảnh ngày xưa đó. Anh bật cười khoái chí, vỗ vai tôi:
– Cám ơn chú đã nhắc anh nghe lại chuyện ngày xưa đó. Hình như hồi đó chú còn ở tuổi đi lượm pháo xì, giành giựt la khóc om xòm, sao còn nhớ hay vậy chú em? Thì giờ đâu mà giành pháo, thì giờ đâu mà ngó mấy tay nhậu để nhớ cho tới bây giờ?
Tôi cười, thêm đà câu chuyện:
– Còn nhớ anh mút cái xương cẳng gà sạch bóng. Anh nhai hai đầu sụn rồi ngắt ngọn rau răm quẹt vô dĩa muối tiêu, rồi…
Thấy anh hào hứng chồm người về phía tôi, hai mắt sáng rỡ, hỏi dồn dập:
– Ủa, có vậy hả? Rồi sau đó anh làm gì nữa, chú em?
Đang say đà câu chuyện bị anh làm mất hứng, tôi đâm cáu:
– Làm gì nữa? Bộ anh làm mà anh không còn nhớ sao?
Anh cười ngượng nghịu:
– Nhớ. Nhớ chớ sao không! Nhưng mà…
Sẵn trớn, tôi cáu thêm:
– Nhớ rồi thì hỏi làm gì. Ngồi xuống đi ông anh. Đổ ly cà phê rồi kìa!
Anh liếc ly cà phê đổ tràn ra bàn, tiu nghỉu ngồi xuống:
– Bậy quá. Kêu ly khác nghen. Gắng ngồi uống xây chừng kể chuyện cho vui. Lâu quá, có dịp được nghe lại…
Rồi làm như không có chuyện gì, anh nắm tay tôi giật giật:
– Mà sao chú nhớ từng chi tiết hay quá vậy, chú em? Chuyện này từ mấy chục năm qua năm nào anh cũng nhớ. Bữa nay thiệt anh không ngờ tự nhiên chú nhắc tới.
Anh lại giật giật tay tôi, hỏi dồn:
– Mà thiệt chú còn nhớ phải không? Chú xác nhận giùm anh đi…
Bàn tay anh níu chặt lấy tay tay tôi như chừng sợ tôi sẽ bỏ đi. Đôi mắt anh đờ đẫn, bất động nhìn về phía trước. Anh lẩm bẩm những câu gì nghe không rõ rồi gật gù cười mỉm, mắt vẫn đăm đắm. Tôi đâm hoảng trước điệu bộ có vẻ bất thường, vội nắm bàn tay anh giật nhẹ:
– Anh Huân. Anh Huân…
Kêu tới hai lần anh mới giật mình ngơ ngác nhìn quanh. Khi thấy gương mặt có vẻ hốt hoảng của tôi, anh cười trấn an:
– Không có gì đâu chú em. Anh đang thật sự xúc động. Đúng là trời xui đất khiến lại gặp được chú em hôm nay. Câu chuyện chú vừa kể đã mở cho anh một lối thoát. Biết chừng đâu có thể đem đến cho anh một mùa xuân trọn vẹn…
Nghe anh nói, nhìn vẻ mặt anh biểu lộ sự xúc động, tôi biết anh không đùa. Như rơi vào tâm trạng hụt hẫng, tôi bối rối:
– Chuyện cái chân gà nhỏ xíu, buổi nhậu như là kỷ niệm cũng nhỏ nhoi trong những kỷ niệm cuộc đời. Đâu có gì lớn lao mà anh nói nghe giật mình vậy, anh Huân.
– Đó. Đó. Chú vừa mới nói với anh về cái chuỗi thời gian có hột bóng hột mờ hột chẻ chân chim, chú quên lửng đâu rồi? Ở đời, có những cái người ta tưởng mất đi rồi mà lại tìm thấy lại. Rồi cũng có những cái tưởng nắm chắc trong tay mà cuối cùng cũng tuột khỏi tầm tay. Những kỷ niệm đôi khi cứ tưởng là nhỏ nhoi để rồi dễ bỏ quên không đáng nhớ nhưng thật ra là cả một gia tài trân quý. Cái chân gà đâu có nhỏ xíu như chú tưởng. Cả kỷ niệm mà chú vừa nhắc nhớ với anh, nó cũng lớn quá chừng! Nhưng mà thôi! Chuyện đó nói sau, chuyện khá dài…
Rồi anh mỉm cười, vui vẻ:
– Mà tình cờ, thiệt hết sức tình cờ, bữa nay nghe chú nhắc tới câu chuyện ngày xưa sao tự nhiên anh linh cảm là chú có thể giúp anh tìm lại được những gì anh tưởng đã vuột khỏi tầm tay.
Thấy gương mặt ngớ ngẩn của tôi, anh lại bật cười lớn, hào hứng thêm:
– Coi kìa!. Đang vui mà nhìn vẻ mặt ngớ ngẩn của chú anh lại vui thêm. Đừng nóng, đừng nóng chú em ơi! Nắm được chú em đây rồi dễ gì mà anh buông bỏ. Chỉ cần chú em xác nhận một lời, chỉ một lời thôi, là anh ôm cả một mùa Xuân…
Trong lòng không được thoải mái, tôi ngắt lời anh:
– Không chừng đi lạc đề rồi nghe, ông anh! Đang nói chuyện mùa Xuân anh lại cứ vòng vo triết lý gì đây? Hỏi thiệt anh nghe. Anh đang nói tới chuyện gì vậy?
Anh vuốt vuốt lưng tôi, cười dấu dịu:
– Chuyện đời anh đó mà, chú em. Từ lúc nghe chú nhắc tới kỷ niệm một ngày xuân xưa là anh biết cuộc đời anh sẽ qua trang mới. Nói như vậy là chú dư sức hiểu tầm quan trọng tới mức nào.
Anh lại nhìn tôi, vẻ thành khẩn:
– Quan trọng lắm chú em ơi! Nhưng mà trước khi vào câu chuyện, anh xin lỗi chú em cho anh hỏi một vài điều. Anh muốn cho thiệt chính xác trước khi anh đặt vấn đề với…với…
Anh ngập ngừng giây lát rồi nói tiếp:
– Không phải là anh không tin lời chú đâu nghe. Nhưng anh muốn chắc ăn cho nên chú đừng phiền khi anh đặt những câu hỏi để chú…
Tới đây thì anh vò đầu, có vẻ bối rối:
– Chà… chà…khó nói quá, khó nói quá! Không biết phải gọi là kiểu gì đây? (Anh nhíu mày bặm môi suy nghĩ một lúc rồi hí hửng). À, phải rồi! Là phỏng vấn đó, chú em. Chú quen chuyện này rồi mà…
Một phần vì tò mò muốn biết câu chuyện về đời anh sẽ như thế nào. Lại nghe những lời nói và vẻ mặt thành khẩn của anh, tôi không nỡ:
– Theo như kiểu của anh thì đúng là hỏi cung chớ phỏng vấn nỗi gì! Nhưng mà thôi, hỏi gì cứ hỏi. Nhớ tới đâu, biết tới đâu tôi trả lời tới đó mà đừng có vòng vo nghe ông anh!
– Không vòng vo. Không vòng vo đâu. Chỉ mấy câu ngắn gọn thôi nhưng nếu mà chú xác nhận đúng thì thiệt là mở cho anh con đường đi tới, sẽ cho…
– Thôi…thôi..Lại vòng vo nưã! Nãy giờ không biết tôi đã cho anh mấy mùa xuân rồi! Vô đề đi ông anh ơi!
Anh cười ngượng nghịu rồi tằng hắng lấy giọng:
– Chú em này nhạy bén thiệt. Thôi bây giờ anh hỏi chú bữa đó anh nhậu tại nhà ai?
– Ở nhà anh Đen. Trưa mồng Một Tết.
Anh úp hai tay lên bụng thoải mái ngả người về phía sau, mắt lim dim, gật gù:
– Sau này là Lê Đán. Gặp nhau rồi chia tay ở Ngã Ba Biên. Thằng lên ngược, thằng về xuôi. Mất tăm mất tích từ đó…
Không chừng anh lại kéo dài câu chuyện chiến chinh vạn dặm lê thê, tôi ngắt lời:
– Rồi, câu hỏi thứ hai.
– Ừa, mà chú nhớ bàn tiệc lúc đó có mấy người?
– Để nhớ coi! À, ngoài anh Đen là chủ nhà, có ông em là anh Đỏ. Rồi anh Thuận con chú Đính. Anh Túc con bác Sung. Rồi anh gì con ông thầy Thiện nhà ở trước mặt chú Hai Tín có cây Dầu Gió. Lâu quá quên tên…
Anh cười, gật gù:
– Đúng rồi. Đó là tay Xuân. Tay này lưu lạc giang hồ tới tận miền Nam chớ ít gì! Lần gặp nhau ở cầu Bắc Mỹ Thuận…
Biết anh đang say đà hoài niệm không chừng lan man câu chuyện tới tận…Cà Mau, tôi phũ phàng cắt gọn:
– Nửa buổi nhậu, có thêm anh Lập con thím Khiêm tới phá mồi. Nghe mấy anh trong bàn, nhất là anh, cự nự um sùm…
Nghe tới đây, anh cười ngất:
– Cố tổ cái thằng đó. Hắn có biết uống gì đâu! Uống nước trà còn muốn say nữa mà! Bữa đó hắn làm “sụm” dĩa thịt gà. Muốn kéo dài buổi nhậu mừng Xuân, đành phải ngậm nhín mấy cái xương. Ủa, mà lúc đó chú làm gì mà quan sát tận tường vậy?
Tôi cười ngượng nghịu:
– Bây giờ nói thiệt, anh đừng cười. Bữa đó đi lượm pháo xì nghe mấy anh cười nói râm ran tôi ghé vô coi thử. Thấy trên bàn có dĩa thịt gà trộn rau răm ngon lành quá. Tôi thèm ứa nước miếng, cứ đứng vờn qua vờn lại không chừng mấy anh kêu lại cho gắp vài đũa, đỡ thèm. Nghe nói mấy tay nhậu thảo ăn thảo uống lắm chớ đâu có ngờ mấy anh rít rịt. Sau cái lúc anh Lập tới phá mồi tôi thấy ngó bộ không được xơ múi gì nên bỏ đi. Bỏ đi mà bụng tức anh ách…
Anh thở dài, chậc lưỡi như là đang chia xẻ nỗi bực tức của tôi:
– Chú mày thiệt dại, sao lúc đó không ra hiệu hay là bấu ngắt gì anh để cho anh biết. Mấy đũa thịt gà thì nhằm nhò gì! Mà lúc đó chú vô hồi nào, vờn qua vờn lại lúc nào anh có thấy đâu!
Tôi còn nghĩ bực mình mấy đũa thịt gà không được gắp, cằn nhằn anh:
– Tôi vô hồi nào, ra hồi nào anh làm sao biết! Lúc vô, anh cụng ly chan chát, nói cười râm ran như pháo Tết. Lúc ra thì anh gật gà gật gù, mắt nhướng hết nổi thì còn thấy được gì?
Anh ngồi xụi lơ, nghe tiếng anh thở dài nhè nhẹ:
– Đó, cũng tại vì mắt nhướng hết nổi mới bầm giập thương đau cho tới bây giờ. Hồi đó, phải biết trước, anh thà đi lượm pháo xì với chú chớ không thèm ngồi ôm ba ly đế cay nồng với lại mút mấy cái xương gà tới rát lưỡi để phụ lòng người ta…
Tôi ngạc nhiên:
– Cái anh này nói lạ. Lượm pháo xì đâu có dễ như anh nghĩ, phải chạy tới chạy lui giành qua giựt lại mệt đứt hơi. Đâu có như anh ngồi thoải mái, cười nói tự do lại có sẵn thức ăn gắp đã đời rồi uống tới mệt nghỉ. Nếu như mà có say xỉn thì cứ việc nằm thẳng cẳng làm một giấc cho tới sáng thì phụ lòng ai?
– Đó, cũng tại vì nằm thẳng cẳng làm một giấc cho tới sáng mà còn sật sừ cho tới bây giờ. Phải hồi đó, biết trước…
Tôi chịu không nổi lối nói mập mờ chẳng ra đầu đuôi khúc ngọn của anh, cằn nhằn:
– Biết trước biết sau gì? Anh làm tôi muốn sật sừ thì có. Xin làm ơn hỏi tiếp, đừng để mất ngày Xuân. Nãy giờ anh ôm mùa Xuân đã đời, giờ để tôi ôm với. Xế chiều rồi, ông anh.
Anh chống tay vào hai thành ghế ngồi thẳng dậy, giọng hào hứng:
– Hỏi gì nữa đâu! Chú xác nhận chỉ bấy nhiêu đó là quá đủ. Anh đâu có ngờ là hôm nay tình cờ tìm được chú, nghe chú kể ngọn ngành câu chuyện ngày xưa. Thiệt như là cho anh cả một mùa…(anh thoáng giật mình, sực nhớ, nhìn tôi cười ngượng nghịu). Cố tổ nó, lại vòng vo nữa rồi! Xin lỗi. Xin lỗi nghe, chú em. Nhưng mà anh dặn trước, nếu như mai này có ai hỏi về cuộc nhậu mùa xuân năm đó thì chú xác nhận giùm anh. Chỉ cần chú xác nhận một tiếng, một tiếng thôi, là …là…
Thấy anh ngập ngừng, tôi cười nói hớt:
– Là anh ôm cả một mùa Xuân chớ gì! Tới lui cũng chỉ chừng đó. Nói thiệt với ông anh, nhắc nhớ chuyện cho vui vậy thôi. Chuyện có quan trọng gì mà anh bắt tôi phải xác nhận nghe ớn lạnh quá. Mà xác nhận với ai đây?
Bỗng dưng anh cầm lấy tay tôi, siết nhẹ:
– Là chị Tuyết Minh đó! Chú còn nhớ chị Tuyết Minh không?
Tôi thật sự ngỡ ngàng khi nghe anh bất ngờ nhắc đến chị Tuyết Minh. Chắc là phải có một sự liên hệ gì đó. Gần mấy mươi năm rồi còn gì, nhắc nhớ với một tình cảm ấm nồng đặc biệt thì chỉ có tình yêu thôi. Chị Tuyết Minh của một thời dậy sóng ba đào ở cái Xóm nhỏ. Chị làm cho mấy chàng trai nhồi lên dập xuống muốn nhừ điếng con tim vì cái lối ỡm ờ tình cảm lúc xa lúc gần, lúc có lúc không của chị. Tôi không thể diễn tả chính xác điểm đặc biệt , chỉ riêng chị mới có, qua cung cách điệu bộ, lời nói tiếng cười với những chàng trai mà chị gặp. Không hẳn là lẳng lơ, cũng đâu phải là quá dễ dãi. Hay có thể tính chị thường quan tâm đến mọi người. Cũng có thể là chỉ là trò chơi đùa giỡn với tình yêu của một người con gái tự nhận thấy mình là đẹp, rất đẹp là khác! Nhưng phải xác nhận một điều là gần như tất cả những chàng trai sau một đôi lần gặp chị đều mang một tâm trạng chung là chị đang yêu mình. Được một người con gái đẹp như chị yêu thì dù trời có u ám đục ngầu cũng thấy sao mà trong sáng! Cũng thấy mình tự nhiên đẹp trai hẳn lên, hay cho dù nhìn ngó trong gương không đủ can đảm cho là mình đẹp trai thì chí ít cũng cho là mình có duyên. Bởi vì nếu không đẹp trai, không có duyên thì sao người ta lại yêu mình! Lùn cũng có cái duyên của lùn. Cả mấy anh mắt lé, răng hô, chân chữ bát, vòng kiềng trong Xóm cũng đều thấy mình có duyên nổi duyên ngầm xứng đáng được đứng trong hàng để chị chọn lựa. Tất nhiên là chị phải chọn lựa một người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng để mà nâng khăn sửa túi chớ. Không lẽ chọn hết trơn!
Nhưng mà chị có chọn ai đâu! Cuối cùng chị chọn chồng xa và khăn gói theo chồng từ độ ấy! Và cũng từ độ ấy, mấy chàng trai trong xóm vỡ mộng, mang tâm trạng của kẻ bị phụ tình, trôi giạt tứ tán khắp nơi. Vậy thì anh Huân ở đâu trong trò chơi tình cảm của chị? Có ở trong hàng ngũ chờ được chọn lựa, có được dịp vỡ mộng như quả bong bóng xì hơi không?
Tôi nghĩ là không. Vì khi anh đứng sắp hàng để chị chọn lựa thì chính anh là người đứng đầu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng .
Nếu sắp hàng theo vị trí từ cao xuống thấp thì anh chính là người phải đứng đầu. Bởi vì anh cao to lắm. Sáng nào cũng đều đặn chạy bộ quanh xóm lại còn tập tạ. Thân hình anh cuồn cuộn những sớ thịt săn chắc. Mỗi lần anh cung tay lấy gồng, hai đứa con nít cỡ tôi đu bám tòn ten chẳng thấm vào đâu. Anh đứng đầu hàng là cái chắc. Mà nếu như không cần sắp theo vị trí từ cao xuống thấp, anh cứ ngang bướng đứng hàng đầu thì đố có tay nào xô kéo giành giựt với anh cho được.
Còn nói về tiêu chuẩn để chọn lựa một nơi nương tựa chắc ăn thì không riêng gì người đẹp chọn chồng mà cả bà mẹ vợ tương lai nữa cũng nháy thầm con gái mình chấm điểm anh luôn. Bởi vì anh đẹp trai, hiền hậu và cái chính là học giỏi lắm. Năm nào cũng được phần thưởng. Đã có hai lần nhận phần thưởng danh dự tại tòa Thị sảnh do đích thân ông Thị trưởng trao với bằng khen và cái bắt tay làm nhức đầu sổ mũi mấy tay biếng lười trong Xóm. Quý bậc sinh thành của mấy tay lười biếng học hành lúc nào cũng nhắc tới tên anh để làm gương. Cứ nhắc tới nhắc lui để cứ phải nghe mãi nếu không nhức đầu thì cũng xổ mũi là cái chắc…
Giờ đây, anh hỏi tôi còn nhớ chị Tuyết Minh. Tôi giật mình. Vậy là anh có đứng trong hàng ngũ để chị lựa chọn. Đứng hàng đầu mà, sao lại…
Tôi làm như người đã biết chuyện, hỏi anh:
– Tôi biết mà, thế nào chị cũng chọn anh. Nhưng hồi đó anh chê chị anh bỏ làng xóm anh đi, sao bây giờ còn nhắc?
Anh mỉm cười, ánh mắt nhìn xa xăm:
– Chắc là chú nhớ lộn rồi. Sau khi chị lấy chồng anh mới ra đi mà. Anh chờ đợi chị nhưng chị…
Rồi anh lắc đầu thở dài, nói tiếp:
– Hai đứa cũng chỉ vì tự ái mà giết chết tình yêu. Hồi đó, phải chi anh…
Anh ngừng nói, cúi đầu, lại thở dài. Tôi thầm chia nỗi buồn của người tình lỡ . Một khoảng thời gian khá lâu, anh trầm giọng kể:
– Cơ sự cũng từ cái buổi nhậu ngày Xuân đó. Chú cũng biết mà, anh có uống bao giờ đâu. Lần đó bạn bè mời mọc lại sẵn vui ba ngày Tết, từ chối sao được. Chuyện trò vui vẻ, chén chú chén anh quên mất buổi hẹn tối đó với chị. Số là để tránh sự nhòm ngó, chị hẹn anh ở một chỗ rất là vắng vẻ, đó là cái cầu ván trước trường Đa Nghĩa tắt ngang qua đường Phan Đình Phùng. Chị cứ nhắc tới nhắc lui là đừng để em chờ mất hên ba ngày Tết. Khổ quá! Lúc đó sao anh không nhớ hè? Rồi lúc say xỉn nằm thẳng cẳng cho tới sáng anh cũng chẳng hề nhớ là mình có buổi hẹn đêm hôm qua với người yêu. Quên lửng chú ơi! Sau này đọc nhiều bài báo anh mới biết là con người ta có nhiều lúc tự nhiên quên hẳn là mình đang và sẽ làm cái gì. Báo chí gần đây cũng có đăng tin nhiều trường hợp bỏ con nhỏ trong xe cho tới chết ngộp. Là họ quên đó, chú ơi! Trường hợp anh chắc cũng là vậy chớ đến nỗi gì say xỉn mà lú lẫn cỡ đó. Cho dù có tệ đến vậy thì sáng hôm sau cũng phải nhớ lại chớ! Vậy mà quên lửng luôn. Tới xế chiều, diện áo quần bảnh bao hí hửng tới thăm và chúc Tết người yêu. Mà lúc đó cũng không nhớ gì đâu nghen. Thấy nhà trước sau vắng vẻ, cũng mừng vì có dịp chuyện trò tự nhiên thoải mái. Anh gõ cửa lần thứ hai thì cửa mở. Thấy chị, anh mừng rỡ chồm người bước vô thì cũng vừa lúc cánh cửa đóng nghe rầm một tiếng. Anh bật mạnh người về phía sau. Trời ơi, chú tưởng tượng được không? Cái cánh cửa đập mạnh vào mặt anh tá hỏa. Anh bật người về phía sau rồi hỏng chân ở bậc hiên nhà lăn mấy vòng ra tuốt giữa sân. Mắt nổ đom đóm, máu mũi dầm dề, đau thốn tận tim gan nằm lặng người cả mấy phút tưởng là ngất xỉu. Vừa buồn, vừa giận, vừa đau lại ngượng ngùng xấu hổ, anh bò ra cổng chờ lúc vắng người vọt chạy về nhà…
Câu chuyện anh kể quá bất ngờ và hi hữu. Tự nhiên tôi ái ngại nhìn lén cái mũi của anh. Không biết có phải vì tưởng tượng không. Sao tôi thấy hình như là nó hơi vẹo chút. Cánh cửa mà đập vào mặt thì nhất định là cái mũi phải chịu đau thương trước nhất chứ còn gì nữa! Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, anh mỉm cười:
– Không sao, chỉ ăn cháo một tuần thôi. Đêm đó lên cơn sốt tại vì đau quá chừng. Trong cơn đau tự nhiên nhớ lại lời hẹn hò. Cơn đau có phần lắng dịu bởi nhận thấy mình có lỗi với người yêu. Nhưng mà khổ nỗi, tâm lý con người có nhiều cái phức tạp lắm chú ơi. Biết mình có lỗi mà lại càng giận thêm. Giận ở chỗ là ngày nào còn ngọt ngào anh em tình tứ, còn thề non hẹn biển mà nay thì tàn nhẫn tặng cho anh một cú tưởng là vĩnh biệt ngàn thu. Có cần phải làm như vậy không? Từ đó hai bên cứ im lặng chờ. À, chú có làm hai câu thơ mà anh thích lắm, thiệt là đúng tâm trạng.
Anh trầm ngâm, gật gù đọc nhỏ:
Phải hồi đó chỉ một lời, dẫu ngắn. Thì có đâu hai đứa lạc đời nhau. Vậy mà hồi đó có lời nào đâu. Cho mãi đến bây giờ!
Tôi háo hức nhìn anh:
– Ủa, nói như vậy là anh đã có gặp lại chị rồi hả?
Anh gật đầu:
– Gặp rồi. Gặp gần cả năm nay, trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Chồng chị mất đã lâu, các con đã khôn lớn, đã có gia đình. Cũng như anh, chị hiện giờ ở trong một căn hộ nhỏ.Thỉnh thoảng con cháu đến thăm và rồi đi thăm lại con cháu cũng qua thời gian…
Tôi cười:
– Như vậy thì thuận tiện quá còn gì! Ngày xưa đã không có lời nào dẫu ngắn thì bây giờ nói dài hơn. Anh còn chờ gì nưã. Hay là còn sợ cái mũi ăn trầu như ngày nào đó, ông anh?
– Sợ gì nữa, chú em. Đừng giỡn, để anh nói chú nghe. Cơ duyên đưa đẩy, trong một dịp rất tình cờ anh tìm và gặp chị. Chà, cái buổi gặp nhau lần đầu sao mà “phê” dữ. Như là buổi hẹn đầu tiên của một thời trai trẻ. Rúng động cả con tim. Tình yêu sao mà sống dai dữ vậy không biết. Rồi tới lần thứ hai, anh đặt vấn đề bởi vì cũng thấy thuận tiện như chú nhận xét vậy đó. Nhưng mà vẫn còn trở ngại. Trong lòng thì ngó bộ đã ưng rồi nhưng ngoài miệng thì còn cứng cỏi đòi anh phải trưng rõ bằng cớ là đêm đó tại sao không đến chỗ hẹn hò. Tàn nhẫn đến cách chi mà nỡ để người yêu đứng chờ tới khuya cho muỗi đốt sưng mặt xưng mày. Giữa chỗ tứ bề hiu quạnh người cứ run lên vì lạnh, vì sợ ma thứ thiệt hiện lên hớp hồn, rồi ba thứ ma mảnh, ma men bất ngờ sấn tới thì còn chi là cuộc đời con gái…Anh có trình bày nhưng mà chị có tin đâu! Khổ quá chú mày ơi! Chị còn nói là dứt khoát không tin mấy tay ngồi trong bàn nhậu. Cá mè một lứa, chỉ bày đặt bênh vực lẫn nhau. Mà biết đâu có cùng ngồi nhậu nhẹt với mấy tay đó không hay là hò hẹn với con nào! Dứt khoát phải có lời xác nhận của người ngoại cuộc, không dính dự gì tới buổi nhậu hôm đó. Mà chú nghĩ coi, còn có ai đâu ngoài chú thím Hai. Ông Bà giờ cỡi hạc quy tiên rồi nói gì được nữa đây. Chỉ còn có tay Xuân, hiện đang ở bên này, xác nhận tới xác nhận lui mà chị có tin đâu…
– Anh nói vậy chớ còn cái vụ anh ăn cháo tới một tuần chị bỏ đâu? Sao không nhắc lại để đòi…bồi thường chiến tranh. Không chừng chị xiêu lòng…
– Nhắc rồi chú ơi! Chị nói tại vì hồi đó…lỡ tay hơi mạnh một chút! Chị nói vậy thì đành đắng lòng mà nghe vậy, lời qua tiếng lại làm chi! Nhưng mà thôi, chú ơi. Gặp chú đây rồi, anh tin tưởng là mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái. Thiệt là cơ duyên đưa đẩy, tình cờ lại có chú là người trong cuộc, xác nhận được giùm anh. Nè, mai mốt bất ngờ nhận được cú phôn, chú mạnh dạn xác nhận nghen. Vụ này anh phải lo tính gấp để ba ngày Tết còn có dịp mà vui Xuân chớ.
Anh cười thoải mái. Nhìn nụ cười rạng rỡ rất trẻ thơ của anh, tôi cảm thấy bồi hồi thương cảm. Người cùng quê khi gặp nhau trên mảnh đất quê xa còn thấy mừng vui ấm lòng huống chi anh và chị gặp lại nhau trong hoàn cảnh và điều kiện hết sức thuận tiện, làm sao tôi lại không nói ngọt một lời!
Tôi nắm lấy bàn tay anh, vỗ nhè nhẹ:
– Yên trí đi, anh Huân. Tôi sẽ nói rõ ngọn ngành chi tiết.
Anh cũng nắm lấy bàn tay tôi, siết nhẹ.
Và chúng tôi chia tay nhau. Trời cuối năm nắng hanh vàng se lạnh. Cơn gió luồng qua ngõ phố, tản mạn những sợi khói xe khi anh nháy đèn hiệu nhập lòng đường hòa vào dòng chảy ngược xuôi cuộc sống
Bao nhiêu năm lưu lạc đất người, nhìn những mùa Xuân qua, tôi chẳng có gì háo hức. Chỉ thấy bàng bạc một nỗi nhớ không khí Tết quê nhà. Đặc biệt năm nay, tự nhiên sao thấy háo hức nỗi đợi chờ những ngày Tết đến. Tâm trạng đợi chờ giống như ngày thơ dại chờ Tết để được mặc quần áo mới, được lì xì, được ăn uống thả giàn và nhất là được dịp tranh nhau giành giựt những chiếc pháo xì nồng nặc mùi lưu huỳnh, mùi Tết.
Những thứ đó đã đi vào dĩ vãng, lung linh huyền hoặc trong trí nhớ mỗi độ Xuân về.
Tâm trạng của tôi bây giờ chỉ nôn nao chờ đợi một cú “phôn” bất chợt như lời anh đã hứa.
Mong rằng chuyện tình của anh sẽ xuôi chèo mát mái, anh Huân ơi!
Để rồi mồng-một (hay mồng-hai Tết cũng được) anh lại có dịp đến gõ cửa nhà, thăm và chúc Tết, người yêu sau mấy mươi năm dài cách trở. Xin cứ chọn một nụ cười tươi nhất trong vốn liếng những nụ cười đã có.
Và để cho thiệt chắc ăn, khi cửa đã mở rồi, xin đừng ló cái đầu vô trước nghen, ông anh!..

viết dưới hiên trăng
Trần Huy Sao