(viết cho một người bạn tri kỷ để nhớ những ngày hôn nhân
hạnh phúc)
Người ta gọi anh con trâu già và em là ngọn cỏ non.
Lối xưng hô có tính miệt thị chỉ vì tuổi tác chênh lệch. Anh
đã trên bảy mươi, còn em tuy trưởng thành nhưng tuổi chỉ bằng nửa đời anh nên
đó dễ là đề tài bàn tán, dị nghị và phản đối trong gia đình hay xã hội.
Con trâu già lù đù chậm chạp, miêng nhai tóp tép giống cử chỉ
người già. Ngọn cỏ non mềm mại đong đưa trước gió tượng trưng cho sự hồn nhiên,
lẳng lơ của các cô gái trẻ. Họ có vẻ ngoài non nớt nhưng bề trong là cây sậy của
Pascal... biết suy nghĩ, tính toán và chờ đợi những gì ở đối tượng. Loại sậy
này âm thầm mọc nhiều nơi trên nước Việt phát xuất từ hoàn cảnh kinh tế, chính
trị yếu kém cộng thêm hạnh phúc gia đình đổ vỡ do tính tình đàn ông quê nhà hay
rượu chè, đánh vợ, bê tha ngoại tình... “Ngọn cỏ non” qua cơn mưa rào vọng ngoại,
tìm đường đi xa như một phương tiện đổi đời.
Một ngày đẹp trời từ xứ người về thăm quê, tình không biên
giới như mọi duyên lành, anh gặp em rồi kết tình, kết nghĩa, kết duyên vợ
chồng. Chưa thấy ai đối diện anh phê bình nói thẳng, nói thật về duyên nợ này mặc
dù sau lưng lời khen thì ít, tiếng chê thì nhiều! Khen cũng có phần mỉa mai,
chê thường mang tính đàm tiếu ganh ghét như câu tục ngữ: “trâu cày ghét trâu cột,
trâu cột ghét trâu ăn”.
“Cưới vợ phải cưới liền tay...” châm ngôn ấy thích hợp với
tình cảnh đôi ta nên lễ cưới đã được cử hành nhanh chóng trên quê hương. Giữa
chợ đời... dù sang trọng hay bình dân, thơ mộng hay giản dị, thiên hạ vẫn phê
phán, rỉ tai nhau: “Nhìn kìa! Con trâu già thích gặm cỏ non...” nhưng thử hỏi
tuổi già độc thân còn khỏe mạnh, ai gặp cỏ non trong tầm tay, lại đi chọn cỏ
già? Thiên hạ vẫn nghĩ chúng ta ở bầu
không tròn, ở ống không dài...
vậy cần chi phải bận tâm nữa?
“Con trâu” ấy cuối cùng cũng mang được “ngọn cỏ” về bên xứ lạ.
“Chồng già vợ trẻ là tiên” tục ngữ này còn đúng hay sai? Thời cụ Nguyễn Trãi,
cưới nàng hầu đáng tuổi con gái mình là tin vui trong làng. Ngày nay, nếp sống
gia đình và xã hội đã thay đổi vì thế chúng ta cần nhận định rõ giá trị hạnh
phúc của cái hôn nhân “chẵn, lẻ” này: “Chồng già vợ trẻ là tiên... nếu có tiền!”.
Nhu cầu phúc lợi người già dù năng động cũng chỉ mang tính
phù vân như đám mây nổi dễ tan; còn cô gái trẻ thời đại suy nghĩ tự do và thích
hưởng thụ tạo nên hai lối sống tương phản dưới một mái nhà. Thân phận người vợ
trẻ ví như “ngọn cỏ non” là thiên vị bởi sống lâu gần “gái trẻ bẻ gẫy sừng
trâu”, chồng già chưa gẫy sừng thì cũng bị thương.
Trong dân gian có câu hò: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn
trâu sướng lắm chứ...”. Em bước vào đời anh cũng “sướng lắm chứ”. Tuy muộn
màng, ngắn ngủi nhưng hình ảnh cô gái ngồi lưng trâu phất “ngọn cỏ non”...
chính là em! Cứ hình dung có con trâu già nào nằm phơi bụng, gặm được cỏ non
trên lưng nó ở cái đất nước văn minh trọng nữ này mà không “thở hổn hển”?
Anh ly dị! Một lần lỡ dở, các con khôn lớn đã thành danh.
Bao năm chữa bệnh dân bản xứ nên của cải, vật chất có phần đầy đủ... Khổ là
tinh thần, hằng đêm cứ tưởng tượng nằm cạnh người tình “cô đơn”, sáng thức dậy
trò truyện một mình bên ly cà phê thì biết tuổi già đã sa sút ở nơi tỉnh lẻ.
Em ly dị! Một đời chồng, một con tuổi còn thơ. “Gái một con
trông mòn con mắt” nên anh có bị hớp hồn bởi vẻ đẹp quyến rũ ấy cũng là tự nhiên.
Đàn ông ở tuổi nào cũng mê sắc; đàn bà trọng tính tình, tài năng, lối sống và sự
giầu sang. Anh và em “rổ rá cạp lại” tìm hạnh phúc mới... Thoạt nhìn giống đôi
đũa lệch khó hòa hợp nhưng bản chất vẫn là một mối tình.
Người đời ca ngợi sự bồng bột, lãng mạn rồi dựa vào đạo đức,
họ lên án tình yêu tính toán theo nhu cầu. Họ quên ngày xưa “môn đăng hộ đối”;
ngày nay “chín chắn” hơn, yêu nhau có con tim chỉ lối còn thêm cả cái đầu đưa
đường! Chấp nhận mất cái này, được cái kia là một nghệ thuật, miễn sao vợ chồng
trao đổi, bù đắp, kết hợp mỹ mãn chuyện đời thường.
Lấy chồng xa quê lập nghiệp, em may mắn thừa hưởng một cuộc
sống ổn thỏa. Nhà cửa, xe cộ, nơi ăn chốn ở quy củ để học ngoại ngữ và nghề mới.
Chồng già vợ trẻ tuy yên vui hiện tại nhưng thực tế có nhiều bất trắc nên anh
lo lắng giúp em chuẩn bị tương lai nếu một mai anh sớm ra đi.
Chưa có em ngày dài, đêm ngắn. Có em rồi ngày ngắn, đêm dài!
Từ ngày em về, mặt trời đi ngủ sớm cũng là lúc cơm nước xong, thôi thúc bởi niềm
vui thầm kín, hai đứa thao thức với tình yêu ở căn phòng ấm cúng rồi say đắm
yêu đương như một nhu cầu hạnh phúc của đôi bên. “Ra đường tưởng bố và con, về
nhà hai đứa nằm chung một giường. Có em ngày ngắn đêm dài, say sưa ân ái như thời
xuân xanh...”
Nếu định nghĩa mối tình này tựa bông hoa hồn nhiên nở giữa
trời thì có phần lãng mạn, giả dối. Tuổi già, tình yêu cũng già theo... bây giờ
nó nảy mầm, sinh ra từ sự phối hợp của ba yếu tố: cảm xúc, nhu cầu và lý trí.
Tình dục đến chết vẫn còn là một nhu cầu, đôi khi chi phối mạnh trên cả cảm xúc
và lý trí. Qua rồi thời kỳ trái tim có lý lẽ mà lý trí không hề biết!
Cỏ non thân dẻo mình dai... Anh, con trâu già như cỗ xe cũ,
phi tốc độ đường trường, sớm muộn cũng sẽ mỏi gối, đau lưng do đó chúng mình cần
chỉnh đốn lại hành động. Ấy là tâm trạng tiêu cực nhất của chuyện tình: “trâu
già gặm cỏ non” mà anh miễn cưỡng nói ra. Anh sống từng ngày hạnh phúc bên em,
không ao ước gì hơn! Qua một ngày vui là một ngày lạc quan yêu đời, có tiền
cũng không mua được.
Mai đây, em học xong đi làm, chúng ta sẽ làm giấy nhập cảnh
cho con em sang đây. Tuổi hưu trí, một đời đã vất vả với các con, nếu anh còn
phải sống bên cạnh một đứa trẻ vị thành niên để chăm sóc và dạy dỗ, chắc chắn sẽ
là sự hy sinh cuối trong đời vì... em.
Anh chỉ xin một điều, mai này khi trái đã chín cây, chim muốn
sổ lòng... Đừng dối trá, em hãy thành thật cho anh biết những diễn tiến tình cảm
của con tim. Với em, anh đủ bản lãnh trước mọi hoàn cảnh nhưng sẽ bị tổn thương
nếu “surprised”.
Nhân ngày Valentine sắp đến, anh âu yếm gởi đến em một bông
hồng đỏ thắm và một nụ hôn nồng nàn. “Ngọn cỏ” ơi! Anh muốn thấy em cười...
02/12/2017
Cao Đắc Vinh