Hôm nay anh không màng đến ngày lễ Tình nhân, dẫu từ sáng sớm những dòng chữ
« Les Amoureux » cùng hình trái tim đã chạy trên
màn hình của những chiếc xe buýt công cộng tại thành phố Lausanne.
Anh đi dạy nhưng vẫn không yên lòng khi biết có hàng ngàn đồng bào nơi quê
nhà đang xuống đường đi đòi công lý. Đây có lẽ là lần đầu đứng lớp anh không để
ý nhiều đến những hàm số, đồ thị hay phương trình mà đám học trò nuốt mãi không
vô từ 3 tuần nay.
Mắt anh vẫn như dính chặt vào những dòng tin tức, những hình ảnh trên mạng
xã hội. Sự xa cách về địa lý bỗng chốc biến mất. Anh như có cảm giác đang gần
gũi với mảnh đất thương yêu này hơn bao giờ hết.
Cái ngày mùa đông dẫu nắng chan hoà nhưng sao vẫn cứ ngột ngạt, khó thở. Mắt
cay cay như kẻ mất hồn khi thấy máu đã rơi trên đường tìm công bằng cho xã hội.
Anh ngắm nhìn sự bình yên bên ngoài khung cửa. Những dòng người đi làm,
những kẻ đang yêu, được yêu đang đi tìm những đóa hồng rực thắm cho ngày lễ
Tình nhân.
Bọn học trò của anh sướng thật. Chúng đi học, để lại sau lưng mọi lo toan
cho nhà trường và chính phủ gánh vác. Anh chợt đau lòng hình dung bọn trẻ con
nơi quê nhà sống trong nghèo khổ, trên những mảnh đất bị ô nhiễm nặng nề. Những
bãi biển giờ không còn bóng dáng nô đùa của chúng. Cha mẹ chúng cũng không còn
dám mang thuyền ra khơi, thả lưới đánh bắt mưu sinh!
Biết bao câu hỏi, bao dòng suy nghĩ cứ miên man hiện về khi thấy khát vọng
mãnh liệt của những người dân đang bị bỏ mặc bởi nhà cầm quyền. Họ đã đặt những
viên gạch làm nền tảng cho quyền công dân trong một xã hội nhiễu nhương.
Ngày lễ Tình nhân, anh không có gì cho em khi tâm hồn bị chiếm trọn bởi
những dòng người tại Song Ngọc và Nhân Hoà. Chưa bao giờ anh cảm nhận hết nghĩa
đắng cay của từ “tha hương” cũng như khát vọng được thấy đất nước thay da, đổi
thịt. Anh cảm phục những giáo dân dám đương đầu với cả một bộ máy an ninh hung
tợn để đòi khiếu kiện Formosa. Họ đã thay mặt cho cả dân tộc này để đấu tranh
hòng đưa những kẻ phạm tội cùng đồng loã ra trước vành móng ngựa.
Anh còn nhớ rõ một bài báo về Jan Palach, về ngọn lửa Praha được viết bởi
một nhà báo người Việt tại Hungary, trong đó có đoạn : « Một
điều chắc chắn: những người như họ, sẵn sàng hy
sinh cho những lợi ích chung của cộng đồng (và trong đó,
của cả những kẻ không bao giờ động đậy dù chỉ một ngón tay cho sự thay đổi,
nhưng không bao giờ từ chối những thành quả của sự đổi thay) không hề màng tới
danh lợi hoặc sự đền bù xứng đáng khi “kháng chiến thành công”.
Ở một mức độ và tầm kích khác, những anh chị xuống đường ở Việt Nam
trong những ngày này – cho một tương lai tươi sáng và văn minh hơn – cũng như
thế. Lịch sử Việt Nam sẽ có những trang, những dòng trân trọng dành cho họ… »
Những lời chân thành và trân trọng ấy, đối với anh hoàn toàn xứng đáng dành
cho hàng ngàn giáo dân, ngư dân vô danh của ngày hôm nay.
Khi bước vào siêu thị, anh thấy, nghe những lời chúc tụng, những nụ cười,
những trái tim và những đóa hoa hồng rực rỡ, anh lại chợt nhớ đến lời của Thanh
Tâm Tuyền trong tác phẩm Bếp Lửa :” Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em
vô cùng“. Chỉ thốt lên lời nói ấy còn hơn vạn đóa hoa, vạn lời yêu thương
hay những món quà đắt tiền khác, đúng không em?
Ôi tình yêu quê hương sao đẹp lạ thường! Anh luôn sống theo từng nhịp đập và
hơi thở của mảnh đất nhỏ bé ấy từ hơn 20 năm qua.
Ngày mai, đoàn người dũng cảm nơi quê nhà lại tiếp tục cuộc hành trình đòi
công lý. Nhiều chồng gai vẫn đang chờ họ. Có lẽ máu sẽ lại đổ, tiếng súng sẽ
vang lên, nhưng bức thông điệp ôn hòa của họ chắc chắn sẽ có một tác động không
nhỏ lên cái chế độ này. Nhà cầm quyền không thể mãi mãi thờ ơ trước làn sóng
phẫn nộ, bất mãn ngày càng dâng cao trong lòng xã hội. Bằng không, tức nước vỡ
bờ !
Và ngày mai, trái tim và tâm hồn anh sẽ lại dõi theo bước chân của những
người dân miền Trung cơ cực nhưng quật khởi.
Lâm Bình Duy Nhiên
14/2/2017