Bà ngoại mặc một chiếc áo khoác bằng nhung đen, có thêu cành
đào làng Nhật Tân, (bà cứ đinh ninh đó là đào Nhật Tân) bà đã mua chiếc áo này ở
Hà Nội, trong một lần về thăm quê cả mười sáu năm trước. Bà nhớ dịp đó vào cuối
năm, gió mùa đông bắc đang thổi vào thành phố, bà được vợ chồng cậu em sống ở
Hà Nội, cho đi phố xem người Hà Nội sửa soạn đón Tết. Chiếc áo này may như loại áo
Trấn Thủ ngày trước, bên trong có lót một lớp bông mỏng, rất ấm.
Mặc chiếc áo vào, lòng bà mang mang nhớ lại cái ngày đi lang
thang với hai em ở quê nhà. Bà nhớ cái cảm giác đặt chân lên những viên gạch
cũ, len lỏi đi giữa những quang gánh, những quầy hàng xếp kín hai bên phố, người
đi đông đúc như chen nhau ngược, xuôi cả hai chiều. Tiếng gọi nhau, tiếng mua bán,
tiếng còi xe, dội vào tâm bà những cảm xúc vui, buồn. Những cảm xúc của một người
xa xứ lâu năm trở lại nhà, làm bà thỉnh thoảng ứa nước mắt. Bà tự trấn an
mình Gió mùa đông bắc đấy mà.
Cô con gái hỏi: Mẹ sẵn sàng chưa? Lôi bà về hiện tại.
Bà xem lại những thứ mình cần mang theo: Một bức tranh hình
con gà trống, sáng nay bà mới in ra từ máy vi tính rồi ngồi hí hoáy tô màu
xanh, màu đỏ vào bộ lông gà, xong còn ký một chữ “Bà” vào góc bức tranh nữa.
Cô giáo sẽ ghim bức tranh lên một tấm bảng trong lớp, kèm
theo một cái phong bao đỏ lì-xì cho các em ngắm nghía.
Bà mang thêm một cuốn sách truyện Tết bằng tranh cho nhi đồng.
Một cái túi đựng những phong bao đỏ tiền mừng tuổi. Mỗi túi bà cho vào 2 đồng kẽm
50 xu, mới tinh. Con gái bà mang theo một túi bánh “Vận May” (Fortune
Cookies)
Bà đã sẵn sàng theo con gái tới trường Mầm Non của cô cháu
ngoại lên bốn. Bà tới đó kể chuyện Năm Mới của người Việt cho cô giáo và các học
trò tí hon nghe.
Bà ngồi xuống sàn lớp, các em bé ngồi thành vòng cung trước
mặt bà. Lớp Mầm Non ở trường Montessori, mỗi lớp, một cô giáo chỉ có quyền
trông tối đa mười em, hơn con số đó sẽ có thêm một cô giáo phụ.
Bà đọc sách về Tết
Bà cắt nghĩa bằng ngôn ngữ giản dị của tuổi lên ba cho các
em hiểu thế nào là Tết Việt Nam, Tết của người Á Đông.
Ngày đầu năm các con phải ngoan, vâng lời ông bà, cha mẹ. Mặc
áo mới, giữ cho mình luôn luôn sạch sẽ, khoanh tay chúc sức khỏe cho ông bà,
cha mẹ. Ông bà, cha mẹ sẽ mừng cho các con thêm một tuổi, sẽ cho các con phong
bì màu đỏ, có đồng tiền mới, mới như tuổi của các con.
Tranh Gà – Bà tô màu mang tới lớp.
Rồi bà ngoại mở một cuốn sách có mười con chuột sửa soạn
ăn Tết: Một con lau chùi nhà cửa, hai con đi chợ, ba con nấu ăn….khi đủ mười
con có công việc làm, đàn chuột bắt đầu ăn Tết. Thức ăn có trái cây, bánh
chưng, kẹo, mứt.
Sau đó bà hỏi tên từng em, dậy các em bé nói “Chúc Mừng Năm
Mới” mỗi khi đưa tay ra nhận phong bao mừng tuổi của bà. Cháu ngoại của bà khi
được hỏi tên, cô nhìn bà mỉm cười, nói: My name Mỹ Tho. Đây là tên
Việt bà đặt cho, thỉnh thoảng bà gọi ở nhà. Cô khôn quá, biết là Tết Việt Nam
nên cô nói ngay cái tên Việt cho bà vui. Cô sẽ lên 4 vào tháng hai này.
Sau khi nhận phong bì, các em vào ghế của mình, trên bàn trước
mặt mỗi em, Mẹ của Mỹ Tho đã đặt sẵn hai cái bánh “Vận May” trên cái khăn giấy
đỏ có in hình mấy bông hoa và chữ Happy New Year mầu kim nhũ.
Có lẽ đây là lần đầu tiên các em nhận được phong bì chúc tuổi.
Các em sẽ đem về nhà, líu lo kể lại cho cha mẹ nghe về bà của bạn mình tới lớp
đọc sách, kể chuyện năm mới, cho mình tiền trong phong bao đỏ và cho mình ăn
bánh. Chỉ vài ba hôm là các em sẽ quên ngay và cả cháu bà nữa, cô bé sắp lên bốn
này, nếu không có bà hay mẹ nhắc cho biết thế nào là Tết thì khi lớn lên cô sẽ
chẳng thể nào hiểu được tại sao Tết đến, những người Việt, người Á Đông lại vui
đến thế, lại buồn đến thế.
Bà phát tiền Mừng Tuổi
Từ giã trường học, hai mẹ con ra về. Cô con gái đưa mẹ đi chợ
để mẹ mua thêm thực phẩm cho mấy ngày Tết. Xong cô đưa mẹ về nhà và quay lại
trường đón con. Bé mới tới tuổi học có nửa ngày.
Bà nhìn theo chiếc xe của con đi xuống dốc và rẽ ở ngã ba.
Không biết còn bao nhiêu lần nữa bà vào trường đọc sách, kể chuyện Tết quê nhà
cho cháu và các bạn cháu. Cô bé sẽ lớn nhanh lắm, và bà ngoại cũng sẽ già nhanh
lắm.
Cô sẽ ra khỏi trường Mầm Non, ra Tiểu Học, Trung Học và cứ
thế cô đi về phía trước. Có thể cô sẽ quên hay chỉ nhớ rất mơ hồ về một cái Tết
xa xưa nào đó có bà bên cạnh.
Bà ngoại cô, nếu còn, sẽ chỉ đứng lại một chỗ nhìn theo cô mỗi
độ Tết về và chắc gió mùa Đông Bắc tận Hà Nội vẫn lồng lộng thổi vào trái tim
lưu xứ.
Trần
Mộng Tú
Tết Đinh Dậu 2017