Ăn sâu vào tiềm thức dân Việt, tạo nên một sự di truyền trong giống nòi Giao
Chỉ, trong không khí những ngày đầu năm, bên cạnh niềm vui của sự đoàn tụ, niềm
hạnh phúc được quây quần trong mái ấm gia đình, sự sum vầy của các thế hệ quây
quần chúc Tết, nhận lộc…. còn có một mãnh lực thiêng liêng luôn lôi kéo suy
nghĩ mỗi con người chúng ta hướng về. Mãnh lực ấy cấu nên những khuôn mặt thành
kính, những bàn tay run rẩy khi cắm nén nhang lên bàn thờ, kiến tạo những dòng
người dằng dặc đủ mọi sắc áo, trên những phương tiện sẵn có, từ đủ mọi phía đổ
về những nơi mà sâu trong tâm linh họ được mách bảo như một lời hiệu triệu. Và nơi
ấy chính là nguồn cội, tổ tiên, …, những người đã khuất!
****
Không tiếng tăm và gần như vô danh, nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa
Đồng Đế nằm ngay cạnh con đường dẫn vào khu tắm bùn nổi tiếng, như một địa điểm
thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, kể cả những Việt Kiều
trong những chuyến về thăm quê hương (MUD BATH and i Resort). Từ chợ Vĩnh Hải,
thành phố Nha trang đi lên qua nhà thương da liễu, đến cổng gác dan của đường
ray xe lửa, ngược lên khoảng 100 mét về phía khu du lịch nhìn về phía tay phải,
ta bắt gặp ngay cổng nghĩa trang. Địa danh là nơi giáp ranh giữa phường Vĩnh
Phước và xã Vĩnh Ngọc.
Trên ngã rẽ vào, cổng chính nghĩa trang chỉ còn một cái trụ xi măng cũ kĩ,
sứt mẻ đứng vô hồn, phía sau là những bụi cây um tùm hoang hóa. Một dạt những
mái nhà che tạm, lúp xúp của những người dân trôi dạt của đủ mọi vùng miền. Rác
rưởi và bờ bụi. Những ngôn từ lỗ mãng. Đám thanh niên tụ tập đánh bài, những
đôi mắt không có vẻ thân thiện…. Cảnh tượng có phần nào làm nản lòng cả những người
mang sự thành tâm huống hồ gì khách thập phương với một chút hiếu kỳ ghé qua.
Anh Nguyễn văn Chúng, năm nay 65 tuổi, đã làm nghề gác nghĩa trang được 20
năm cho biết_ “ Khu vực nghĩa trang hiện tại chỉ còn lại khoảng 400 ngôi mộ.
Trong đó còn khoảng 135 ngôi mộ còn bia, tên tuổi và có thân nhân. Số còn lại
gần như vô danh. Số mộ phần được chôn vào năm 69, 70, 71,75 gần như đã được bốc
hết. Hiện giờ ranh giới của nghĩa trang chỉ còn tới chỗ kia” Theo tay anh chỉ,
không vượt khỏi đám bụi cây che khuất, thấy thấp thoáng mấy trụ dây kẽm
gai dăng ngang , cách nơi tôi đứng khoảng 50-60 met.
Thắc mắc , tôi có hỏi “_ Vậy ai bốc vậy anh?” Anh trả lời “ _ Bên Công ty
TNHH S17 ( tức sở hữu chủ của khu du lịch Mud bath and i resort). Họ mua miếng
đất này để mở rộng khu du lịch.
“ _ Việc đền bù cho gia đình, người thân có thỏa đáng không anh?”
_ Đối với mộ có người thân, Cty cũng cấp kinh phí cải táng cho gia đình.
Những mộ vô thừa nhận, Cty họ cải táng rồi đưa qua phần đất của họ, đâu bên Hòn
Nghê, làm một nghĩa trang riêng bên đó. …Đó mộ rìa rìa con đường là mộ lính
cuối năm 74 đầu năm 75, họ di dời hết rồi đó” Anh lại chỉ về phía đường.
_ Bốc lên còn gì không anh?
_ Còn . Lính 69 đến 72 có hòm kẽm, bọc nylon. Xương cốt vẫn còn nguyên. Có
người còn nguyên đồ trận. Lính sau này không có.
Có thể thấy tôi cứ đứng ngây người, giữa trưa, như đang định thần một cái
gì. Anh hỏi lại _” Mà ông tìm mộ tên gì, tử trận năm mấy để qua chỉ cho!”
Tôi ngắc ngứ, cố phịa ra một cái tên lạ hoắc, năm tháng cũng hư vô luôn. Cũng
tội người đàn ông chân chất. Anh nhiệt tình, để chai rượu với đòn bánh tét
xuống tấm đan bê tông của một ngôi mộ vô danh, vạch đám cây bụi tìm tòi. Việc
này cho tôi biết còn khá nhiều ngôi mộ còn nguyên bị khuất lấp bởi những bụi
cây um tùm , đan xen….
Cảm thấy sự vô tâm của mình làm khổ một con người, tôi bảo “_ Thôi đi anh,
lâu rồi, không tìm được đâu. Để tôi thắp nhang cắm quanh đây cũng được!”
Cũng từ bỏ việc đang làm, anh quay lại với chai rượu và đòn bánh tét: “Ờ
thắp nhang rồi khấn giữa không trung đó!”
Câu nói của người đàn ông tự dưng tạo nên một khoảng lặng…. Tôi nhìn theo
người đàn ông khốn khổ, gầy nhom, vẻ bệnh tật đang vạch lùm hướng về căn nhà
tồi tàn của mình, lòng cũng tự hỏi “_ Phải chả nói không hay ai nói vậy
ta????”…
***
Tôi không rõ nghĩa trang này được thành lập vào năm nào. Nhưng đã có những
ngôi mộ từ năm 1969 theo lời A. Chúng, chắc vào khoảng thời gian đó. Những
người lính tử trận và được chôn nơi đây trên một số bia mộ còn lại, hầu như
trực thuộc quân khu 2, sư đoàn 22/ 23, trung đoàn 44/45, địa bàn Tây Nguyên
(Qua một số cuộc nói chuyện tôi biết dường như mỗi sư đoàn lúc đó đều có nghĩa
trang riêng???) . Những người lính quân dịch….Những người nông dân cầm súng
bất đắc dĩ …trong một cuộc cách mạng gần như tất yếu và biết rằng trong
cơn xoay vần của vũ trụ thân phận con người thật mong manh ….
_ SM 511-B2
Nguyễn văn Thể
TĐ: 53
TT: 1/11/73
_ SM: 517-B2
Vũ Huỳnh Đại
Đơn vị: Không đọc được
TT: 12/11/1973
_SM: 518- B3
Thô Thể
Đơn vị: Không đọc được
TT: 15/05/73
_ Thượng sĩ nhất
Nguyễn ngọc Thịnh
Anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc
TT: 09/02/1974 tại Quảng Đức.
_ SM:621- B2
Võ Nở
Đơn vị: TĐ 22: DB
TT: 17/08/74
_ SM: 559-B2
Lê văn Sơn
Đơn vị: TĐ2/45
TT: 28/02/74
……
Và còn nhiều, còn nữa…Không thể đếm hết. Một số ngôi mộ đã mất hẳn bia, chỉ
còn lại một tấm dal bê tông phía trên. Một số bị sụp hẳn xuống, tấm bê tông gãy
đôi… số hoàn toàn mất dấu…Tuy hầu hết trên những tấm bia không ghi ngày tháng
năm sinh, thậm chí quê quán, chỉ vài dòng cho ngày tử trận nhưng tôi hiểu rằng,
những sinh thể đầy nhựa sống này bị cuộc chiến lấy đi lúc còn rất trẻ…Có thể
vào tuổi mười mấy, đôi mươi, cùng lắm là ba mươi!
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại????
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về….”
Chắc rằng những con người nằm dưới những nấm mồ kia đã một lần trả lời
câu hỏi ấy. Không phải chỉ riêng cho một cô gái mà cho cả người Mẹ, những
đứa em trước lúc ra đi. Những người lính bước chân vào vùng khỏi lửa và nằm lại
…với một lần thất hứa nặng lòng.
Tôi đốt nén nhang, quay đầu khấn giữa không trung như lời người đàn ông gác
mộ bảo. Cũng chẳng có gì cho cá nhân, chỉ mỗi lời cầu chúc cho những anh
linh được siêu thoát. Đã hơn 40 năm ngày im tiếng súng. Nước mắt của Mẹ đã khô
cạn, những người con gái chờ đợi đã đủ mỏi mòn, những đứa em thơ cũng đã trưởng
thành và quê hương cũng đã có những đổi khác. Mong những người nằm xuống
an ngoại….
***
Khác với Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, đền tử sĩ ở đây có quy mô nhỏ hơn.
Kiến trúc cũng gần như vậy. Việc duy tu đã che lấp những hoa văn, họa tiết vốn
có,( như lần trước tôi có dịp mục kích) nhưng bù lại nó mang đến một dáng dấp
sạch sẽ, khang trang, có chứng tích của bàn tay chăm sóc và bảo tồn. Bốn
mặt đền được quây lưới B.40. Bên trong chất đầy những hộp gỗ đã đóng sẵn, dành
cho việc cải táng. Một hương án chỉn chiu, tuy đơn giản nhưng cũng đầy đủ những
thứ cần thiết. Mâm ngũ quả đủ sắc màu. Một lư hương đã đầy vun những chân nhang
của những người đã đến viếng trước.
Người đàn bà trông đậm người, trong bộ áo bà ba hoa đã cũ tiếp chuyện với
tôi. Chị tên Nguyễn thị Lan, năm nay 60 tuổi, làm việc trong nghĩa trang đã hai
mươi năm. Chị cho tôi biết đền tử sĩ đã được được Ô. Ngô Công Ích (Giám đốc Cty
TNHH S17 cũng như Giám đốc khu lịch MUD BATH and i resort) tu sửa lại cách đây
3 năm. Chị còn cho biết thêm mọi việc cải táng mộ tử sĩ trong nghĩa trang được
ông Ích ủy thác cho chị làm.
_ “Vậy có thông báo cho thân nhân, chủ mộ biết điều này không chị?”
_ “Có” Chị nói. “Có cấp tiền cho gia đình cải táng….”
Thấy cũng không đi sâu vào vấn đề tiền bạc làm gì, nên tôi không hỏi tiếp.
Chị rầu rầu thêm: “Năm nay mưa lụt nhiều, làm ăn khó khăn nên gia đình thân
nhân tảo mộ cũng ít, nên cây cối mới mọc um tùm như vậy. Tôi nhận chăm sóc gần
trăm ngôi mộ quen mà năm nay chỉ thấy vài người đến thăm…”
_” Thân nhân, dân ở đâu vậy chị?”
_ “Đủ hết. Tuy Hòa, Ban Mê Thuộc, Đaklak…”
Tôi an ủi người đàn bà. Xiết đôi bàn tay chai sần, to quá khổ của người đàn
bà luống tuổi trong một sự đồng cảm. Cảm nhận một tín hiệu be bé của niềm vui
ánh lên trong đôi mắt sau một lời chúc Tết.
Những dự định sẽ gặp ông Ngô công Ích để hỏi thêm một số vấn đề về tương lai
của nghĩa trang và cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc giải tỏa,
nhưng chợt nhớ hôm nay chỉ mới mồng hai Tết. Các cơ quan không làm việc. Mọi
người có lẽ đang quây quần với nhau trong niềm vui sum họp gia đình. Có thể nên
để trong một dịp sau này.
***
Ra khỏi cổng nghĩa trang, tôi có nhìn lại, cố hình dung trong tương lai, một
khu du lịch sẽ mọc lên sang trọng và đầy đủ tiện nghi. Chắc có ai biết
đâu trước đây, nó là nơi nằm lại của những con người cung hiến một cách bất đắc
dĩ cho một cuộc cách mạng, theo quy luật vũ trụ.
“Hữu sinh, hữu diệt…”
Nắng xuân ấm áp. Bầu trời cao và trong. Len mình giữa đám lùm bụi, những làn
khói nhang mỏng manh, loãng dần…tan giữa hư vô.
Vũ Khuê