CÁT
BỤI
Nhà văn X nổi tiếng với thể loại
tiểu thuyết nhân sinh. Cuối đời lâm trọng bệnh phải nằm viện. Một tay nhà báo
được cử đến phỏng vấn ông ta ngay trên giường bệnh, sau khi đã hỏi nhiêu khê đủ
chuyện, hắn ta hỏi câu kết:
– Thưa nhà văn, hiện nay tôi thấy
nhiều người viết tự truyện và thu lại khá nhiều tiền từ việc in tự truyện ấy,
sao ngài không không dành những ngày cuối cùng này viết một cuốn tự truyện về
con đường văn nghiệp của ngài.
Nhà văn X nhìn lọ hoa bên cửa sổ, mấy bông hoa đã héo cánh rụng gần hết, khẽ
mỉm cười:
– Cuốn tự truyện lớn nhất cuộc đời
tôi tôi đã viết từ lâu rồi anh bạn ạ. Đó chính là những năm tháng tôi được sống
trong niềm yêu thương đồng cảm với cõi đời này. Kiếp người cũng như loài hoa vậy
khi đã dâng hết hương sắc thì tốt nhất là nên lặng lẽ ra đi, ồn ào mà làm gì.
Hãy để cát bụi được về với cát bụi.
BIỂN
Khánh dân chài, gắn bó vơi biển từ
năm mười ba tuổi, nay hắn đã một vợ hai con. Biển nhiễm độc, mọi người bỏ quê
đi tứ phương tìm kế sinh nhai, Khánh nhất quyết ở lại chờ ngày biển hồi sinh.
Càng chờ càng vô vọng. Chiều chiều hắn lang thang trên bãi cát, gom những mảng
xương cá, trên bờ biển khi nắng tà từng đống xương cá nhọn hoắt đâm lên nền
trời như những nấm mồ trắng.
Đêm bão đổ bộ. Khánh nằm thao thức,
không ngủ nổi. Hắn nghe trong mưa gió chừng như có tiếng than khóc, không phải
tiếng khóc của con người…
Sáng, Khánh chạy ngay ra biển, sau
cơn tàn phá của bão, những ngôi mộ xương cá vẫn trơ trơ.
Trên bờ cát trong vũng nước nhỏ Khánh
thấy một con cá. Khánh mừng rỡ bắt con cá bỏ lên lòng bàn tay. Con cá nhìn
Khánh, từ nơi mắt nó hai dòng nước ứa ra, một thứ nước đỏ tươi như máu người.
Con cá quẫy lên vài cái rồi tắt thở.
Trong tâm trí Khánh vọng lên tiếng
khóc thê thiết. Không phải tiếng khóc của con người…
ÁO
LIỆM
Trịnh Bằng làm nghề may, cả đời
không bao giờ bước chân ra ngoài. Mẹ già chết gã không lấy vợ nhất quyết ở một
mình. Trong thành ai cũng bảo gã là kẻ gàn dở. Gã chỉ cười.
Năm đấy giặc phương Bắc kéo hai mươi
vạn quân sang xâm lược đại Việt. Vì vua quan vốn tham gian tàn ác nhân dân nhất
quyết không tòng quân đánh giặc.
Trịnh Bằng đem vải ra ngồi giữa giữa
đại lộ suốt đêm ngày miệt mài may một tấm áo thật lớn. Kẻ qua người lại hỏi:
– Anh may gì đấy?
Đáp:
– Áo liệm!
Người ta lại hỏi:
– Áo liệm cho ai mà lớn vậy?
Đáp:
– Cho cả non sông này!!!
VÌ
SAO CHẾT
Cả gia tộc cá nhiễm độc chết. Oan
hồn kéo nhau lên thiên đình kiện. Ngọc Hoàng hỏi:
– Thế dưới hạ giới tụi bay có thực
hiện đóng thuế đầy đủ không?
– Dạ có.
– Có biết xu nịnh không? Có biết giả
điếc giả mù không? Có biết sợ hãi cường quyền không?…
– Dạ có.
Ngọc Hoàng:
– Vậy chết là phải!
NHÀ
THƠ
Một anh nhà thơ ngồi giữa chợ khóc
bù lu bù loa. Có người đi qua hỏi:
– Có chuyện gì khóc dữ vậy anh?
Anh ta đáp:
– Tôi khóc tôi.
Người đó trố mắt hỏi:
– Sao anh lại khóc anh?
Anh ta đáp:
– Tôi khóc tiễn hồn tôi.
Người đó tò mò:
– Hồn anh sao mà tiễn?
Anh ta đáp:
– Nó chết rồi.
Người đó hỏi:
– Sao chết.
Khóc nức nở đáp:
– Nó chết theo sự chai cằn của tình
đời.
Người đó nghe xong cười, quay lưng
bỏ đi, trước khi đi ném lại một câu:
– Cha bố thằng điên!
Anh nhà thơ vẫn ngồi khóc giữa
chợ.!!!!!!!
Trương Đình Phượng