Tôi không phải là một nhà báo giỏi, theo nghĩa năng động,
nhanh nhẹn, sắc sảo, khéo léo (để có quan hệ tốt), dũng cảm (sẵn sàng lao vào mọi
đề tài và không bao giờ bỏ cuộc trước bất cứ đầu mối thông tin nào) ... Nói
chung, tôi là một đứa chậm chạp, nhát và hay nhường nhịn (nên đã chậm càng chậm
hơn).
Nhưng tôi có một niềm tự hào nho nhỏ là từ ngày bắt đầu làm
báo đến giờ, tôi chỉ có hai lần sai. Xin nói rõ là hai lần phạm lỗi mà tôi và độc
giả đều biết, chứ lỗi mà chỉ tôi biết, độc giả không biết, hoặc ngược lại, thì
chắc chắn là... nhiều.
Trong hai lần phạm lỗi đó, lần thứ nhất hoàn toàn do lỗi của
tôi - nhanh nhẩu đoảng. Đó là hồi National Geographic để tên Hoàng Sa, Trường
Sa bằng tiếng Anh theo cách gọi của Trung Quốc là Xisha, Nansha (Tây Sa, Nam
Sa), và còn ghi rõ hai quần đảo này của Trung Quốc (năm 2010). Do nhanh nhẩu đoảng
nên tôi nhìn nhầm là họ đã sửa lại sau khi có phản ứng từ phía Việt Nam, nhưng
thực chất thì thời điểm đó họ chưa sửa, và thế là cả toà soạn bị "hố"
theo cái sai của tôi. Số báo hôm sau, ban biên tập phải đăng đính chính, còn
tôi thì xin lỗi độc giả như bổ củi trên mạng.
Lần thứ hai thì không hoàn toàn do lỗi của tôi. Nói đúng
hơn, lần thứ hai, tôi đưa tin theo phản ánh của một blogger hoạt động dân chủ,
nói rằng một cuộc tuần hành nào đó bị công an phá và đàn áp dã man... mà thực tế
lại không phải như thế. Cuộc tuần hành có sự kiểm soát của công an thật, nhưng
không có đàn áp dã man và nó tự kết thúc chứ không phải do bị phá.
Sau khi đăng bài, tôi bị một số độc giả mà phần lớn là người
đọc trẻ tuổi chỉ trích - nói thẳng ra là bị họ chửi cho tối tăm mặt mũi. Mà vì
tôi cũng là một con người, có cảm xúc, nên tôi cay cú lắm và... không gỡ bài,
không xin lỗi.
Tất nhiên là tôi sai. Nhưng đôi khi tôi cũng nghĩ: Tôi có
hai lần sai, thì một lần do tôi ẩu, một lần do tôi dựa vào nguồn tin khác mà
nguồn tin ấy lại nói sai sự thật. Và tôi nghĩ thêm, không hiểu blogger ấy và những
người tự xác định họ là nhà hoạt động dân chủ như blogger ấy cảm thấy thế nào,
nếu họ ở địa vị tôi năm ấy: Một nhà báo trẻ, hoàn toàn "lề phải",
hoàn toàn sống và làm việc trong sự kiểm soát của cả một hệ thống tuyên giáo nhồi
sọ và trấn áp với bàn tay sắt. Nhà báo đó đã tự mình nhìn thấy thực trạng xã hội,
tự mình có cảm tình với "phong trào dân chủ", tự tìm đến với dân oan
và những người hoạt động dân chủ để quan sát, tìm hiểu và viết bài về họ, dù
hoàn toàn không có chủ trương nào của toà soạn, và tất nhiên là nhà báo đó cũng
không có nghĩa vụ làm việc ấy. Nói cách khác, không ai bắt ép hay dụ dỗ tôi phải
đưa tin về cuộc tuần hành ngày hôm ấy cả, tự tôi đã đến, đầy nhiệt tình, ngây
thơ, trong sáng nữa... và bị lừa - tức là bị một nguồn tin cung cấp thông tin
sai sự thật, mà vì tin họ, tôi đã không kiểm chứng.
Liệu có nhà báo khác nữa cũng như tôi hồi đó? Có cảm tình và
ủng hộ phong trào dân chủ, nỗ lực để tìm đến với họ, và bị một người trong
phong trào - vâng, may mà mới một thôi - lừa. Ở địa vị ấy, ta nên cảm thấy gì?
Không chỉ là nhà báo. Nếu ta là một sinh viên đang hăm hở bước
chân vào đời, thấy tò mò và thú vị với thế giới của những blogger chính trị nổi
tiếng, và thử "mon men" làm quen, gia nhập, để rồi tiếp nhận những
thông tin sai sự thật, bị lợi dụng tiền nong, tệ nhất là bị... lừa tình hay bị
rủ đi biểu tình mà tới lúc ra hiện trường, chẳng thấy người rủ mình đâu, rồi bị
dân phòng bẻ tay hay công an tát cho nổ đom đóm mắt... Mà chuyện còn chưa kết
thúc đâu: Sau biểu tình sẽ là theo dõi, trấn áp hậu biểu tình, là gây sức ép đuổi
khỏi phòng trọ, là đánh nguội, nói xấu, bôi nhọ để cách ly khỏi cộng đồng... Nếu
ta là sinh viên đó thì ta sẽ cảm thấy gì?
Tôi không dám lên án ai, ngay cả những nguồn tin từng cung cấp
thông tin sai sự thật cho tôi. Tôi càng không muốn và không thể lên án những
người kêu gọi biểu tình, vì biểu tình trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay không
chỉ là quyền công dân mà còn là một cách gần như duy nhất để gây được chút ít sức
ép với chính quyền độc tài này hay ít ra để những cái lỗ tai ấy, cái đầu ấy hiểu
người dân nghĩ gì. Nhưng tôi muốn dập đầu... trên bàn phím mà lạy họ, những người
đưa thông tin sai sự thật, tung các clip giả, rêu rao những nội dung dối trá
trên mạng rằng: Các bạn làm ơn nói thật, nói đúng được không? Các bạn làm ơn đừng
nói dối được không? Hàng triệu người Việt Nam qua bao thế hệ đã bị lừa rồi, các
bạn làm ơn đừng góp thêm những tiếng lừa bịp người dân nữa.
Biểu tình nào mà có thể toàn quốc ngày hôm nay để làm sụp đổ
chế độ? Biểu tình nào mà có thể tới hàng nghìn người lúc này? Thủ tướng nào mà
có thể bảo vệ dân? Thủ tướng nào mà có thể huy động quốc tế vào cuộc ngay để cứu
dân, đuổi Formosa khỏi Việt Nam, lại còn đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam nữa chứ?
Đấu tranh dân chủ, đấu tranh chính trị, làm truyền thông,
thay đổi xã hội... muốn gì cũng phải trên nền tảng sự thật. Chỉ có đúng sự thật,
người ta mới mạnh được (và lấy lòng dân được).
Mà những gì đang diễn ra ở Việt Nam đây, nếu kể đúng sự thật
cũng đã dữ dội và gây ấn tượng lắm rồi, và đủ để chính quyền lúng túng lắm rồi,
còn phải bịa đặt thêm làm gì nữa hả các bạn?
Phạm
Ðoan Trang