Những ngày không tình nguyện tại Viện Dưỡng Lão, chúng tôi rủ nhau đi bộ sau
khi uống xong ly cà phê. Sáng nay chàng hỏi, “Mauka hay makai/Lên núi hay xuống
biển?” Rút bàn tay khỏi túi áo ấm, tôi chỉ về phía trái. Thế là hai đứa đi bộ
lên phía đỉnh đồi con đường làng Ka’ie’ie. Trời mùa đông bên Đảo Lớn năm nay
lạnh hơn năm ngoái, lạnh đủ để dân hải đảo giở áo ấm ra mặc. Chiếc áo len mầu
đỏ có mũ tôi mang theo gần hai năm trước, nay chỉ đã xoạc vài đoạn nơi cổ áo và
mầu bên ngoài đã nhạt hơn bên trong.
Mới bước xuống con dốc cách nhà chỉ vài chục bước, lòng tôi cảm thấy sảng khoái
chi lạ. Ngụp lặn trong bầu không khí trong lành của con đường làng, tôi cảm
thấy hạnh phúc làm sao, dù chỉ là một nỗi vui nho nhỏ. Nhỏ nhoi như khi thấy
kim đồng hồ xăng đã chuyển từ “E” về “F” từ bao giờ; như khi thấy chàng đứng
trong bếp, chăm chú làm sandwich cho hai đứa ăn trưa, khi tôi đi Lễ
về; như khi nghe tiếng mẹ khỏe chứ không yếu ớt như hôm trước; khi thấy số phôn
của gia đình hiện lên trên màn ảnh điện thoại; khi nghe tiếng một người bạn từ
bên kia bờ đại dương, đã nhớ tới kẻ ở bên này hay khi nghe tiếng chim kêu chíu
chít trong vòm cây.
Nếu nhân cách hóa được vạn vật chung quanh, tôi có thể cảm được niềm vui của
tia sáng mặt trời trên biển, luồng gió mát mơn trớn trên má, trên môi, tiếng dế
chưa hoàn toàn tỉnh giấc, tiếng đàn bò ới nhau gọi đàn từ trên đỉnh đồi, tiếng
gà cục tác xa xa, tiếng dê be be trong sân nhà Heidi và tiếng heo con tìm mẹ
trong lùm cây. Để phụ họa với nỗi vui đồng nội trong buổi sáng tinh sương, đàn
chim ríu rít rủ nhau đi tìm mồi, dòng suối lúc róc rách, khi ầm ầm (tùy theo vị
trí của suối khi chảy theo đường làng) hơi nắng ấm trên lưng và ngay cả bóng
của hai đứa ngả về phía trước, dường như cũng đang cùng hòa tấu bản nhạc tôi
đặt tên là “Hạnh Phúc”.
Vì trời khô ráo nên tôi thấy được mặt trời như một qủa cam bằng lụa điểm
vàng 24K óng ánh, bao phủ một vùng biển của Vịnh Hilo. Khí lưu huỳnh từ núi lửa
quyện vào không gian khiến mây có thêm mầu vàng cam ấm áp và tươi thắm.
Trên nền trời xanh lốm đốm từng cụm mây trắng, nhìn như ai đó đã tinh nghịch
ngắt từng nhúm kẹo bông gòn rồi thẩy tung lên không gian. Con chuồn chuồn cánh
cam bay lượn trên bụi gừng Costus Comosus cánh đỏ, bông vàng như những
con két hai mầu vàng đỏ chu mỏ tò mò nhìn khách bộ hành. Ngay cả đôi chim Nghệ Saffron
cũng cam đậm hơn thường ngày. Những trái cam, trái quýt góp phần với mầu cam
của biển, của mây. Sáng nay, mầu cam làm chủ cảnh vật. Sự khám phá này khiến
tôi nhớ tới bộ phim truyền hình Orange Is the New Black năm nào.
Trời đêm qua không mưa cho nên đường làng khô ráo. Tôi không phải thật thận
trọng, dọ dẫm từng bước ngắn trên đường làng trơn ướt, điểm nhiều viên đá nhỏ
và hột hoa, tưởng ngây thơ vô tội, nhưng có thể làm bước chân ai lỗi nhịp, trợt
té. Bầy chim tôi đặt tên Peeps (như kẹo marshmallow Peeps bầy bán vào
mùa Phục Sinh) nhỏ bằng nửa con gà con, đang đong đưa trên những ngọn cỏ oằn
mình chịu đựng; những bông Bụt đỏ không ngượng ngùng khép kín như trong ngày
mưa, đang lung lay trong gió như những viên pháo đại nổ bung vào ngày Tết.
Vừa đi, tôi nhìn cảnh vật hai bên đường. Ngang tầm mắt là những qủa ổi chín
mọng như đang mời gọi, từ khu vườn nhà John và Christine. Dù John khuyến khích
“muốn hái bao nhiêu thì hái,” tôi chặc lưỡi tiếc của vì ổi nằm tuốt phía sau
một dẫy bụi cây rừng không tên, bên cạnh nhóm cỏ sắc như dao lam và đám hoa mắc
cở đầy gai bé tí bằng đầu kim. Thêm vào đó, những tảng cỏ đuôi chồn, cỏ lau cao
hơn đầu người nằm kế bên một rãnh mương càng ngày càng rộng vì mưa mấy tuần
liên tiếp. Bù lại cho việc hái ổi vườn nằm ngoài tầm tay, tôi nhờ chàng bứt cho
vài qủa ổi rừng, đang bắt đầu chín vàng. Ổi rừng to bằng đầu ngón chân cái,
thơm và có vị ngọt. Vào mùa ổi, lúc nào đi bộ tôi cũng có năm sáu qủa trong
tay. Lau sơ lên áo, tôi vừa đi vừa thưởng thức những qủa ổi thơm, trong khi các
giác quan khác làm việc không ngừng.
Tâm hồn và thể xác tôi đổi mới mỗi khi bộ trên con đường làng nằm trên núi
lửa Mauna Kea này. Thính giác và thị giác là hai giác quan được no đầy nhiều nhất.
Đôi tai tôi như được gắn thêm một máy khuếch đại âm thanh để nghe rõ tiếng suối
chảy ào ào dưới vực sâu, như dòng xe cộ; tiếng chim ó Hawaiian đập cánh “phùm
phụp, phùm phụp” trên không, đang tìm mồi; tiếng kêu quen thuộc của đàn Peeps
trong lùm cây ở giữa cánh đồng, tiếng ếch coqui “cồ kí, cồ kí” trong vòm cây,
sát đường làng; tiếng ếch to bằng hai bàn tay, kêu “ồm ồm” như thiền nhân;
tiếng máy bay trực thăng chở du khách đi coi thác nước hay núi lửa. Một khúc
đường làng được ướp đẵm mùi hương của Pikaki, một loại hoa từa tựa hoa
Nhài bên ta và mùi ngai ngái của đất, vì mới bị lật lên bởi lũ heo rừng đêm
qua, khi chúng xới lên để tìm sâu, ốc hay củ.
Hôm nay gió Mùa đã trở lại. Cây cỏ như thêm sức sống. Những ngọn dừa, ngọn
tre, ngọn trúc, khuyng diệp, cây Vong, cây Ngọc Lan rủ nhau lắc lư, xột xoạt
trong gió. Hình như có đứa chế ra một điệu vũ mới để đón gió Mùa. Gia đình nhà
nhện, từ mái hiên tầng trên, đong đưa theo gió, đang cố sức bám chặt vào những
sợi giây tơ mỏng manh nhưng dính chặt như keo. Nhìn như một nhóm người đu giây
thiện nghệ trong gánh xiệc, chúng đáp xuống những cành cây Hapu’u phía
dưới, tiếp tục công trình thêu tơ liên lỉ. Những sâu bọ, côn trùng rơi vào bẫy
nhện, trông giống những viên ngọc đính trên một chuỗi vòng đeo cổ, làm nữ trang
cho một người con gái, chuẩn bị xiêm y đi dạ vũ.
Những hình ảnh và tiếng động quen thuộc này đưa trí tôi trở về buổi sáng sớm
tinh mơ hôm nào. Thức giấc vào khoảng ba bốn giờ sáng, chúng tôi chói cả mắt
khi trông thấy ánh trăng đã lần theo song cửa sổ để vào phòng từ bao giờ. Sẵn
dịp, hai đứa thay áo ấm, mang theo cái đèn pin để đi dạo dưới ánh trăng. Đây là
một kinh nghiệm đầu tiên, kể từ ngày dọn sang Đảo Lớn. Ánh trăng bao trùm vạn
vật. Những ngọn cỏ, ngọn cây như tắm bạc. Mặt đường lóng lánh như được rọi sáng
bởi một ánh đèn từ cung điện Hằng Nga. Dưới ánh trăng, khung cảnh
đêm-chưa-qua-ngày-chưa-tới mang một sắc thái thật lạ lùng. Những bụi cây từ xa
nhìn như những tấm hình ai vẽ trên giấy cạc-tông rồi cắt ra rồi ịn lên nền trời
mầu bạc; những bụi cây chụm đầu vào nhau thành một tấm hình lập thể, đứng im
lìm dưới ánh trăng; gốc cây Albezia, một loại cây mà tiểu bang đang cố
gắng diệt vì hại những thực vật chung quanh, đã bị tôi dùng dao răng cưa cứa
đứt hôm nào đã không thấy đâu, vì gốc nằm sâu dưới đám cỏ mới; tiếng sột soạt
của tàng gừng bên đường như có ai đi bên cạnh, ngoài chàng!
Trong những buổi đi bộ trên đường làng, dù vào buổi sáng sớm, hay dưới ánh
trăng hoặc khi mặt trời đã lên cao, bao giờ chúng tôi cũng khám phá ra điều mới
lạ. Một con giun đầu tam giác (khi bị đứt sẽ sinh sôi nẩy nở như sao biển,) mầu
hoa tím tôi chưa thấy bao giờ, tiếng hót lạ của một loài chim hay một tảng rêu
trông như một miếng thảm cũ, mọc chơ vơ trên mui chiếc xe ủi đất bỏ hoang.
Những con chim này, những cánh hoa kia có thể đã hiện diện bên con đường làng,
để cùng muôn vàn thọ tạo ngày đêm “hát mừng Đấng Tạo Hóa.” (Lời Bố tôi.) Chỉ có
tôi là người không nhận ra sự có mặt của chúng mà thôi.
Khổng thị Thanh-Hương