23 March 2017

NGƯỜI BẠN BẤT NGỜ TRÊN XE BART - Nguyễn Xuân Hoàng

1.
Tôi quen anh tình cờ trên xe BART. Tôi lên trạm Fremont, còn anh lên trạm thứ hai, trạm Union City. Hôm đó xe không đông lắm. Không hành khách nào phải đứng. Anh ngồi vào chỗ trống bên tôi. Trời lạnh. Xe qua các trạm South Hayward, rồi Hayward, Bay Fair, … Người lên rồi người xuống, anh vẫn ngồi yên, mắt chăm chú nhìn vào cuốn sách đặt trên đùi. Khi xe vừa qua khỏi San Leandro, anh giật mình quay sang hỏi tôi “Xin lỗi ông, xe đã qua trạm Fruitvale chưa?” Tôi ngạc nhiên nhìn thấy một chàng Mỹ đen nói tiếng Việt sỏi như thế.
Tôi trả lời rằng tôi nghĩ là chưa. Xe mới vừa qua San Leandro. “Cám ơn ông. Vậy là còn một trạm nữa.” “Anh xuống Fruitvale à?” “Không. Tôi xuống Coliseum.” Không biết tại sao anh hỏi Fruitvale vì đến trạm Fruitvale là xe đã qua Coliseum rồi. Lúc đó là hai giờ năm mươi ba phút chiều. Tôi nói còn bốn phút nữa xe sẽ ngừng ở Coliseum. Anh gắp trang sách đang đọc dở dang, và thấy tôi cũng đang cầm trên tay cuốn sách, anh hỏi: “Xin lỗi, ông đang đọc gì?”
Tôi chìa bìa cuốn sách về phía anh. Cuốn Testaments Betrayed của Milan Kundera*. Anh hỏi tôi “Tay này là ai vậy?”
“Một nhà văn.” Tôi không biết trả lời anh cách sao.
Trời lạnh. Trên xe người nào cũng mặc áo khoác mũ trùm đầu. Một vài thanh niên da đen mặc quần áo sậm, rộng rinh, đầu quấn khăn giống như nông dân Việt Nam, cười nói ồn ào ở dãy ghế cuối. Ở cửa ra vào, một người áng chừng gốc Mễ, ngồi với chiếc xe đạp. Một phụ nữ Á châu đang áp tai vào cái điện thoại cầm tay. Không thấy ai cười. Những khuôn mặt lặng lẽ. Trạm xuống của tôi còn xa. Khi nào qua Ashby, tôi mới chuẩn bị xuống Berkeley.
Thấy tôi nhìn cuốn sách còn đặt trên đùi, anh cười: “Tôi đang đọc cuốn The Unwanted của Kiên Nguyễn. Ông đã đọc cuốn này chưa?”
“Có. Tôi có đọc qua.”
“Anh thấy sao?”
“Thấy sao là sao?”
“Ông có thích cuốn sách đó không?”
“Tại sao anh hỏi tôi?”
“Tại vì tôi rất thích. Cuốn sách đó nó nói một khía cạnh của đời tôi. Tác giả lai Mỹ trắng, còn tôi lai Mỹ đen. Tác giả có một bà mẹ Việt Nam giàu có, còn tôi có một bà mẹ Việt nghèo khổ. Tác giả được đi học đại học, tôi chưa hết trung học đã phải đi làm….” Và đột nhiên anh hỏi tôi “Ông làm gì?”
Tôi nói công việc của tôi hiện đang làm, anh cười:
“Làm báo có nói láo không?”
“Anh nghĩ là tôi nói láo sao?”
“Xin lỗi, tôi không có ý nói vậy đâu. Tôi chỉ muốn biết báo có nói sự thật không?”
“Cũng tùy.” Tôi nói.
“Sao ông không làm một nghề nào khác?”
“Nghề làm báo xấu lắm sao?” Tôi hỏi lại anh.
“Không. Tôi không có ý nói vậy.” Anh lập lại đúng câu anh vừa nói với tôi lúc nãy. “Tôi muốn nói làm báo khó mà trung thực lắm. Có nhiều điều cần nói thì không nói và có nhiều điều không cần nói mà cứ viết ra.”
Xe ngừng ở trạm Coliseum, anh đứng dậy.
“Tôi tên là Randy. Mong có dịp gặp lại ông. Chào!” Anh nói.
“Chào!” Tôi nhìn anh. Ngạc nhiên. Tôi thấy anh bước qua cửa, xách vải mang trên vai, cuốn sách của Kiên Nguyễn trên tay, đầu ngoái lại, vẫy tay.
Xe tiếp tục chạy. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời mù. Mưa.
Ba năm đã qua, nhưng Bắc Cali đối với tôi vẫn là một thành phố xa lạ… cho đến khi tôi quen biết Bart tôi mới khám phá ra một khía cạnh của vùng đất Thung Lũng Điện Tử. Tôi thích những chuyến đi trên xe bart. Nó giúp tôi nhìn thấy một một lớp người của thành phố thung lũng. Nhiều người da mầu tôi gặp trong các chuyến đi. Những khuôn mặt không quen biết nhưng gần gũi với tôi. Họ là những người trẻ ồn ào hoặc những người trung niên lặng lẽ. Đập vào tai tôi là một thứ ngôn ngữ đường phố mà tôi phải cố gắng lắm mới nắm bắt được. Có người ngồi lặng thinh, mắt nhắm bất động như một bóng ma, chỉ bừng mắt dậy đúng ga muốn xuống và âm thầm bước qua cửa. Dù họ có là ai, nhưng tôi biết đám đông ấy cùng một giuộc với tôi. Họ là tôi, và tôi cũng chính là họ. Sau lưng chúng tôi là một quê hương đã và đang xa. Và trước mặt chúng tôi là một quê hương muộn màng đang gần. Như người tình cuối cùng trong đời, quê hương đó sẽ ở lại mãi mãi với tôi.
Những chuyến xe bart cho tôi cái cảm tưởng tôi đang bắt đầu là người của vùng đất này. Cũng như tôi, một người đến từ Việt Nam, những người da mầu kia đến từ Mễ Tây Cơ, Nhật Bản, Ấu châu, Trung quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Ần Độ, Pakistan, Trung Đông, Phi châu,… Chúng tôi trộn vào nhau, quết vào nhau trong một mẻ bột. Chúng tôi trang trí cho một đất nước vĩ đại thứ màu sắc chủng tộc, mang đến sức lao động và trí óc của những sắc dân còn tươi mát vẻ lãng mạn của những vùng đất hoang dã, những trái tim khao khát mới lạ. Và sau cùng là tự do. Tự do, tiếng réo gọi của những chuyến đi.
Và chính ở đây, tôi đang bắt đầu có thêm những người bạn mới. Nguyễn Hữu Liêm, Lê Thị Thấm Vân, Quế Hương, anh chị Nguyệt Cầm-Peter Zinoman,… Căn nhà của Nguyệt Cầm và Peter ở Berkeley nhỏ mà gọn. Mấy tủ sách dựa tường, ở phòng khách và phòng ăn treo nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam trong nước, những bức tranh đẹp. Nguyệt Cầm có giọng nói nhẹ, êm và rất ngọt. Có lần họp mặt ở nhà Vũ Huy Quang, tôi còn được dịp nghe chị đàn và hát, một tiếng hát còn tươi như cá vừa vớt từ dưới ao lên, nhưng là một tiếng hát tràn ngập hơi thở của một trái tim. ..
Tôi quen Bart sau khi đã có thêm những người bạn mới. Và giờ đây là người thanh niên da đen tên Randy.
2.
Mấy tuần sau, những ngày thứ Năm, mỗi khi xe dừng ở trạm Union City, tôi bất chợt nhớ anh. Có những người, ta chỉ gặp một lần và ta không muốn gặp thêm một lần nào nữa. Và ngược lại. Tôi nghĩ có thể Randy đang ngồi ở một toa khác. Hoặc có thể anh đi vào một chuyến khác. Cũng có thể anh chỉ là người một lần tình cờ lên xe bart. Ở vùng này, con đường từ San Jose đi Oakland, Berkeley hay đi San Fran, người ta chọn cách tự lái xe hơn là chọn đi bart. Tôi có cảm tưởng bart là phương tiện di chuyển chỉ dành cho những người ngại lái xe, người da mầu và….. người nghèo.
Cho đến một ngày giữa tháng Hai vừa qua. Đúng ra là ngày 14 tháng Hai. Một ngày thứ Năm. Vừa bước lên xe ở trạm Fremont, tôi nhận ngay ra anh. “Hello, Randy!” tôi nói. Người thanh niên da đen đang cúi xuống trang sách đặt trên đùi, ngẩng đầu lên.
“Chào! May quá. Tôi đang có ý gặp ông.”
Tôi ngồi xuống cạnh anh, mở ba lô kéo ra cuốn Testaments Betrayed của Milan Kundera.*
“Anh vẫn đọc cuốn The Unwanted phải không?”
“Thì The Unwanted đó. Tôi đọc chậm lắm. Chỉ đọc khi đi xe thôi. Ở nhà nhiều việc, không có thi giờ đọc. Còn ông?”
Tôi nói về cuốn sách của Kundera, cuốn sách ở cuối phần ba Improvisation in Homage to Stravinsky giải mã cho tôi những ẩn số của một người cầm bút không còn ở trong nước [lưu vong, tị nạn, hải ngoại?]. Dưới tiểu tựa Số Học Của Sự Di Tản, Milan Kundera viết: “Cuộc sống của một người di tản, là một vấn đề số học.” Và ông nhắc tới Joseph Conrad bằng những con số: sống 17 năm ở Ba Lan, và 50 năm còn lại của đời ở Anh. Ông sáng tác bằng tiếng Anh, đề tài Anh, tính chất Ba Lan nơi ông không còn nữa, ngoại trừ sự dị ứng chống Nga của ông, sự thù ghét của ông đối với Dostoyevsky; Vladimir Nabokov sống 20 năm ở Nga, 21 năm ở châu Ấu, (ở Anh, ở Đức và Pháp), 20 năm ở Mỹ, 16 năm ở Thụy Sĩ. Ông sử dụng Anh ngữ trong viết lách. Mặc dù tiểu thuyết của ông có nhiều nhân vật Nga, ông vẫn luôn luôn tuyên bố mình là công dân Mỹ, và là nhà văn Mỹ. Kundera cũng nhắc tới tên một vài tác giả mà tôi chưa hề nghe bao giờ: Kazimierz Brandys, sống 65 năm ở Ba Lan, năm 1981 định cư ở Paris sau vụ đảo chính của Jaruzelski. Ông chỉ viết bằng tiếng Ba Lan, về đề tài Ba Lan, tuy nhiên sau năm 1989, dù không còn lý do chính trị để ở lại nước ngoài, ông vẫn không trở về Ba Lan. Gombrowicz một tác giả khác, đã sống 35 năm ở Ba Lan, 23 năm ở Argentina, 6 năm ở Pháp. Tuy nhiên ông chỉ viết bằng tiếng Ba Lan, và các nhân vật trong tiểu thuyết của ông đều là Ba Lan. Năm 1964, trong thời gian ở Berlin, ông được mời về Ba Lan. Ông đắn đo, rồi cuối cùng từ chối. Khi ông chết, hài cốt ông được chôn ở Vence, miền nam nước Pháp.
Tại sao Gombrowicz từ chối không về Ba Lan, dù chế độ cộng sản của Ba Lan đã phân rã, và hầu hết những người hoạt động văn hóa đã tham gia phe đối lập.
Những người cầm bút di tản (lưu vong, tị nạn hay hải ngoại) của chúng ta, theo cách nói của Kundera, mà những điều kiện chính trị và văn hóa khác người Ba Lan hay người Nga, nhưng cũng có thể có một mẫu số chung là ngoài nỗi đau khổ nhớ tới quê hương, chúng ta còn thêm một nỗi đau khác, lớn hơn, nỗi đau khi gặp lại, nhìn lại quê hương sau bao nhiêu năm xa cách, nhận ra những gì trước đây gần gũi thân mật và giờ đây bỗng trở nên xa lạ, lạnh lẽo, trong khi vùng đất và con người xa lạ mà ta ngỡ ngàng khi mới đặt chân đến định cư giờ đây ngày càng gần gũi gắn bó, thân mật.
Đâu là lý do đích thật của sự từ chối trở lại quê hương của Gombrowicz. Chắc không phải là lý do chính trị. Đó là vấn đề con người, sự đụng chạm vào cái phần sâu xa nhất của trái tim. Sự từ chối trở lại quê hương của Gombrowicz là điều ông không thể thổ lộ được. “Có những điều (người ta] chỉ có thể [dùng ngôn ngữ của sự) nín lặng.”
Randy ngồi im lặng nghe tôi nói, và nhìn đôi mắt anh tôi biết anh có vẻ như chẳng hiểu tôi ba hoa cái gì. Đột nhiên anh hỏi:
“Thế ông đã về nước lần nào chưa?”
“Có, một lần, vào năm ngoái. Đó là lần đầu tiên sau 17 năm xa quê của tôi.”
“Vậy là ông nghĩ khác ông Gombrowicz phải không?”
“Mỗi người có một cách của nhìn cuộc sống khác nhau. Tôi nghĩ Milan Kundera nói đúng.”
“Tôi không hiểu Milan Kundera. Ông nhà văn đó phức tạp quá. Tôi chỉ muốn biết ông nghĩ sao sau khi về Việt Nam?”
“Tôi thấy mình xa lạ. Tôi nôn nao, hồi hộp. Tôi đã chảy nước mắt khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đã về thăm mộ mẹ tôi, cha tôi và anh tôi. Tôi đã đứng trước căn nhà của tôi, giờ đây đã có người chủ mới. Tôi lạc lõng trên con đường phố mà xưa kia quen thuộc thân mật với tôi biết là chừng nào.”
Câu chuyện giữa tôi và Randy còn dài, mãi tận đến Richmond là nơi cả tôi và anh không ai muốn đến.
3.
Anh/chị ở San Jose đã lâu, hay vừa mới tới, có bao giờ đi xe BART chưa? Nếu chưa, tôi nghĩ anh/chị nên đi một lần cho biết. Xe bart có vẻ gần với xe metro. Ga xe bart ở Fremont không rộn rịp như các ga metro ở Paris. Có vài nơi xe bart chui qua hầm, nhưng phần lớn xe bart đi giữa những gò cao. Ban đêm từ phía bắc Richmond trở về Fremont, anh/chị có thể nhìn thấy những thành phố sáng đèn ở phía dưới: Bay Fair, Hayward, Union city,…
Suốt hai mùa đi xe bart lên xuống Fremont – Berkeley , tôi khám phá ra giai cấp của những người đồng hành: Rất ít người da trắng, người da màu chiếm đa số, đặc biệt là người da đen và nâu. Da vàng cũng vừa thôi. Càng về tối, xe càng vắng. Đôi lần, tôi thấy hình như… chỉ có một mình mình ngồi giữa toa tàu trống trơn.

Nguyễn Xuân Hoàng