30 March 2017

NHÀN - Hồ Đình Nghiêm

Nhàn nhỏ người, thích mặc áo dài trắng. Nhàn đến trường bằng chiếc xe đạp mini cân xứng với thể hình. Học dưới tôi một lớp, chẳng có gì nổi bật nhưng nam sinh lớp nào hầu như cũng để tâm ưa tìm cớ lân la. Nhàn giỏi cư xử, thân thiện với mọi người mà chẳng gây điều tiếng; cũng không thấy anh này ghen ghét anh kia, đố kỵ, tị hiềm.

Hình như do có khiếu văn chương, mười bốn người trong lớp Nhàn đã giao việc cho Phạm Thị Phương Nhàn đứng ra thực hiện tờ bích báo chào đón năm mới. Mỗi lớp có một tờ và treo ở hành lang gió lùa, rung động tờ báo tường nổi trội của người mang tên Nhàn nhỏ bé làm “chủ biên”. Thầy cô khen, mấy anh lớp trên khen và như vậy Nhàn trở thành một đoá hoa duy nhất toả hương trong ngôi trường có vẻ kín cổng cao tường này.

Năm tôi tốt nghiệp, chuẩn bị đi xa nhận nhiệm sở, bất ngờ Nhàn trao tay một món quà. Một bài thơ vẽ cảnh sân ga cùng tâm cảm kẻ lữ thứ phải rời xa chốn chôn nhiều kỷ niệm. Chúng tôi đứng trốn nắng bên một thân cây, phượng đỏ trên đầu và gió hè hiếm muộn thổi ngang. Vẫn tà áo dài trắng, vẫn dáng dấp rất đỗi học trò, vẫn chiếc xe đạp thấp nhỏ, nhưng hôm đó Nhàn đã gây cho tôi thứ nỗi niềm quá lớn lao, quá nặng nề, quá choáng ngợp. Hoa nắng làm chữ nhảy múa trên trang giấy màu xanh. Xanh thứ da trời một chiều vắng mây và thơ Nhàn trong vắt không tìm ra tì vết. Để đáp trả món quà nằm mộng cũng chẳng ngờ và nhân danh một đứa sắp thành nhân đi phương xa lập nghiệp, tôi ngỏ lời mời Nhàn đến quán ven sông tìm thứ giải khát. Tôi đùa: Hãy tạo cho tôi một nỗi nhớ, không chừng cô đơn ở chốn kia tôi sẽ làm được thơ. Nhàn, thoạt trông như một nữ sinh chỉ học ngang lớp 11 trung học, có nghĩa là Nhàn đã “ăn gian” khi làm sinh viên năm thứ ba. Học lớp đệ nhị hẳn đắn đo trước lời mời nhưng cô sinh viên Nhàn đã gật đầu đồng thuận.

Tôi chở Nhàn trên chiếc xe của khổ chủ, đạp mỏi chân mà tuồng như nó chẳng đi xa. Tôi nghĩ tới con đường mà mình sắp phải đơn thân bước xuống, xa lạ và đơn độc tựa hình ảnh một vị tỳ khưu đâm sầm vào cảnh khổ. Cánh cửa cuộc đời có lớn rộng không? Tôi đang ngờ vực mở nó ra, bên kia là điều gì đang chờ chực? Hai đứa chẳng trao đổi chuyện trò cho tới hồi quán cà phê kín đáo kia chận lối. Nửa thân quán nằm nhô ra, đóng cọc trên con sông đang hao hụt nước. Đoạn sông này đã từng đi vào văn chương bằng bốn chữ “nắng đục mưa trong” và hiện tại nó giam giữ thứ sắc màu khó cắt nghĩa. Lòng tôi là nắng mà lòng Nhàn là mưa.
Bốn mùa trôi quá mau, anh có lường trước buổi lên đường? Nhàn hỏi. Tôi nhìn vạt nắng đang từ bỏ, thôi liếm vào tà áo trắng của Nhàn. Sang năm Nhàn sẽ ra trường. Ừ mau thật, mới ngồi bên quán vắng đó mà giờ này… Thế nào mai hậu có lúc tôi sẽ than thầm tựa thế. Bài thơ Nhàn tặng đã gấp làm tư nằm trong túi áo, có nghe không tiếng đập nhịp trái tim tôi? Rất ý tứ, ghi cuối bài thơ là tên họ cùng cái địa chỉ của Nhàn. Ổn định chốn đó rồi, siêng viết thư về kể chuyện cho Nhàn nghe, nhớ không? Tôi dùng chữ mới, nghe kỳ cục: Sẽ tranh thủ.
Tôi viết thư, tổng cộng bốn bức, thường tràng giang đại hải. Tôi gò cái tên Nhàn, nắn nót ngoài bì, dán đủ tiền tem theo quy định, gửi đi. Không một hồi âm đáp trả. Xuân Hạ Thu Đông, chỉ bốn mùa, tôi chẳng đủ dũng lược để viết thêm bức thứ năm. Công ăn việc làm khiến tôi mụ người, đồng thời nó buộc tôi phải thở than. Và lời than van đã không đến được tai Nhàn. Tôi tin là đã có điều bất thường xẩy tới.
Nhân dịp nghỉ Tết tôi “tranh thủ” mua vé xe đò chạy về lại chốn xưa. Mưa suốt trên con đường dẫn tới vùng đất đang làm mặt lạ với tôi. Điểm dừng đầu tiên là quán cà phê hôm nào ngồi bên Nhàn, hôm nay mưa tôi sẽ chứng thực “vũ vô kiềm toả năng lưu khách” để thử dòm con nước có thay màu. Mực nước có lên bởi mưa chuyên cần trút xuống, lạ gì, nó trong vì nó mỗi lúc một cách xa mặt bùn bên dưới. Phát hiện thêm, uống cà phê ngày nắng chẳng ngon bằng dưới tí tách mưa giọt bên thềm. Nhàn ngồi đó, chỗ ấy, vạt áo vén ý tứ có bị mưa xâm thực không, làm bẩn màu trắng hồn nhiên thuở học trò.
Tôi bắt xe ôm vào thăm trường cũ, cảnh vật lướt thướt chạy đuổi dưới hai hàng cây sầu đông. Người thầy già nua chẳng mừng vui khi nhìn ra tôi, giọng hao hụt cho hay cô Nhàn thôi học đã lâu, cô ấy lấy chồng, chỉ biết vậy. Một người vượt quá tuổi tri thiên mệnh chẳng nên quan tâm đến chuyện khác, nhiêu đó đủ rồi, trí óc không phải là nơi giam chật mọi thị phi, muốn sống lâu phải học cách giản lược bớt, cố gạt bỏ cho nhẹ gánh hành trang. Theo địa chỉ Nhàn cho tôi tìm tới, đi vào một vuông sân sũng ngập nước. Cậu thanh niên nhìn tôi, nhìn dị dạng một con gà mắc mưa: Lý ra chị Nhàn sẽ về ăn Tết, nhưng có lẽ vì cấn thai bầu bì nên gây trở ngại chăng? Anh là ai ? Làm sao tôi có thể nói cho anh biết chỗ chị Nhàn cư trú, đặt trường hợp anh là tôi thì cũng thế thôi, có đúng không?
Tôi về tạm trú trong căn nhà lạnh lẽo giam đầy bóng tối của anh chị tôi. Lì xì mừng tuổi hai đứa cháu và ba ngày xuân trôi đi dưới sụt sùi một trần mây thấp ưa nhỏ lệ. Chị tôi hỏi em lao động chốn đó thấy ra sao? Tôi thành thật: Dạ cũng vừa đủ sống. Đủ mua vé xe đò về thăm nhà thắp nhang dịp Tết. Đủ tự lực cánh sinh. Đủ để thấy hoàn cảnh mình còn hơn lắm kẻ khác. Trời ngưng mưa khi tôi nói lời tạm biệt, chị tôi bỏ vào hành lý đứa em đủ lông đủ cánh một đòn bánh tét và hủ dưa món chính tay chị làm. Ngoài chợ thì ngon hơn nhưng dơ bẩn lắm. Chị nói. Người anh rồ máy xe: Xong chưa, mở hàng thồ mày đi có khi lại hên suốt năm trong việc sinh nhai.
Mồng sáu tết tôi nhận thư Nhàn, một món quà không trông đợi. Tôi dằn lòng chưa bóc vội phong thư. Tôi khui một chai bia ngoại, uống trước khi nhấm nháp những mẫu tự xinh đẹp ấy. Giả có say, hãy đổ thừa vào nồng độ 6% chất rượu do lúa mạch từ Hoà Lan tác động. “Em ghét phân trần khi lỡ quên bổn phận. Vắn tắc thế này: Em đang ở một nơi gần kề chỗ anh. Đưa chân lạc đến nơi đây trước tiên với mục đích là phá thai chốn này không ai hay biết, thứ đến lỡ bề gì cũng còn cơ hội nhìn thấy lại anh. Em thực mảy may không có được hạnh phúc, khi trục cái thai vô duyên ra khỏi người em nhớ tới lời Lão Tử: “Chẳng làm gì cả tốt hơn là bận rộn mà không được tích sự gì”. Em từng bận rộn, từng lu bu, từng đầu tắt mặt tối và càng lúc càng sa chân vào lầm lạc. Hồi nào nghe lại sức em sẽ tới nhìn mặt anh, hẳn xác xơ, hẳn phong sương hơn ngày cũ; và em tin anh chẳng hề giận ghét em”.
Những ngày đầu năm tôi nhác việc cơ quan, đầu óc tôi đi hoang hoặc đôi khi tập trung về câu nói của ông Lão Tử mà Nhàn trích dẫn. Có phải lời ấy nhằm xúi giục đến sự buông thả, đề cao một chữ nhàn? Hãy nên thong dong? Nhàn ơi, lòng anh đang chìm trôi, bận bịu trong lời của Bùi Giáng giăng bủa:
“Đời dại khờ như một giấc chiêm bao”.

Hồ Đình Nghiêm
3.1.2017