23 March 2017

NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY KẺ THÙ - Hà Phan


Nhạc sĩ Châu Kỳ (1923-2008)


Sau sự cố bi hài ca khúc “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy bị cho là ám chỉ, trù ẻo cách mạng mùa thu nên bị đề nghị cấm hát, cứ tưởng những người nắm quyền hành trong ngành văn hóa với tất cả lòng tự trọng phải biết mình nên dừng lại ở đâu để không làm mất niềm tin của dân chúng. Nhưng trong hành động cấm phổ biến bài “Con Đường Xưa Em Đi” của Châu Kỳ và Hồ Đình Phương, dân chúng ngao ngán hiểu rằng ngành văn hóa chỉ cần Đảng tin chứ không cần dân tin.
Nạn ấu dâm, hiếp dâm của nước ta đang làm cho các nước nhìn vào nền văn hóa Việt bằng cặp mắt khinh bỉ nhưng các ông ở ngành văn hóa đã làm gì cho một xã hội xuống cấp về đạo đức đến thế? Các bậc ông bà, cha mẹ đã hết sức kinh hãi khi hàng ngày mở trang Yahoo ra thì trước tiên là những tin tức tục tĩu như “Làm thế nào để đưa vợ lên đỉnh ba lần”, “Cặp trai gái làm việc ấy trong chỗ rút tiền ATM”… Bất cứ trang báo điện tử nào cũng nhan nhản những thông tin về “Chuyện ấy”. Học trò lớp năm, lớp ba đã bị ám ảnh, tò mò về “Chuyện ấy”. Trai trẻ hiếp dâm bà già, con gái phá thai ở tuổi vị thành niên, các ông ở ngành văn hóa, kiểm duyệt có vô can?

Cho nên chỉ vì câu “Chiến trường anh bước đi” mà bản nhạc “Con Đường Xưa Em Đi” bị cấm, sự nhỏ mọn, bỉ ổi và tâm trạng sợ hãi của ngành văn hóa đã lộ nguyên hình.
Thuở hai miền còn chia cắt, văn nghệ sĩ miền Bắc là những chiến sĩ trên mặt văn hóa. Họ có bổn phận tô hồng chế độ, ca ngợi lãnh tụ và tuyên truyền với dân chúng rằng miền Nam đang nghèo đói, khốn khổ trong ách thống trị của Mỹ Ngụy. Và người dân miền Bắc phải hy sinh tất cả cho cuộc giải phóng miền Nam.
Trong khi đó giới văn nghệ sĩ miền Nam được hoàn toàn tự do sáng tác. Và cái chiến trường mà ở đó anh em, cha con phải cầm súng giết nhau là nỗi thống khổ, niềm suy tư thao thức cho người trí thức miền Nam. Những ca khúc than trách chiến tranh, những nỗi niềm đau đớn khi cuộc chia tay nào cũng có thể là mãi mãi thể hiện trong nhiều ca khúc. Nhạc sĩ miền Nam không hề sáng tác để tuyên truyền cho thế lực nào.
Hai chữ “Chiến Trường” là nỗi đau ngàn đời của dân tộc Việt, một dân tộc cứ mãi triền miên trong chinh chiến.
Cuộc chiến mấy ngàn năm chống quân Tàu, quân Mông Nguyên, Cuộc chiến của Tây Sơn chống quân Thanh, cuộc chiến Điện Biên Phủ, cuộc chiến Giải phóng miền Nam, cuộc chiến biên giới Tây Nam, cuộc tử chiến ở Gạc Ma, ở biên giới phía Bắc… chẳng phải là “Chiến Trường” sao?
Giới văn nghệ sĩ miền Bắc chỉ được phép nói đến “Chiến Thắng” mà không bao giờ dám nói đến “Chiến Trường”, Họ dấu biến tâm trạng đớn đau của chinh phu và chinh phụ trong giây phút giã biệt để “Chiến trường anh bước đi”.
Nhưng người dân thì không quên. Và họ đã tìm kiếm sự thiếu thốn trong những ca khúc được viết bằng xúc cảm chân thật về chiến tranh trong những nhạc phẩm của người miền Nam.
Vậy ai đã đưa người dân tới chỗ yêu mến những nhạc phẩm xuất phát từ nỗi niềm xúc cảm chân thành như “Con Đường Xưa Em Đi”
Ai đã làm cho người dân chán ngán khi hiểu ra rằng bao năm trời mình đã sống trong lừa phỉnh dối trá và họ tự đi tìm lại những giá trị chân thật.
Có người bảo rằng “Thôi chiến tranh qua đi đã lâu lắm rồi, người lính miền Nam đã thua cuộc và họ đã bị trả giá. Bây giờ nên bỏ qua tất cả để hòa hợp dân tộc”.
Tôi không đồng ý với lập luận này. Đây là cách suy nghĩ xúc phạm đến người miền Nam.
Người dân tự phát hát và tự lưu truyền ca khúc của họ như cách người ta nói là “Hữu xạ tự nhiên hương”. Người nhạc sĩ miền Nam có lỗi gì với dân tộc mà phải tha tội, bỏ qua?
Và tôi tin rằng những ca khúc của miền Nam sẽ không chết, dù nó chỉ được hát ở vỉa hè, ở xe bán kẹo kéo, ở người ăn mày mù trong xó chợ…
Và trong mặt trận văn hóa chính người miền Nam là “Kẻ Thắng Cuộc”.

Hà Phan