29 April 2017

CẢM NHẬN THÁNG 4 [2] - Xuân Thọ

“Kẻ không biết sự thật, có thể chỉ là kẻ ngốc nghếch. Nhưng ai biết sự thật mà vẫn tìm cách che dấu, kẻ đó là một tên tội phạm” 
“Wer die Wahrheit nicht weiß, der ist bloß ein Dummkopf. Aber wer sie weiß und sie eine Lüge nennt, der ist ein Verbrecher.”
(Bertold Brecht)
***
Sau ngày nước Đức thống nhất, nền công nghiệp lạc hậu của CHDC Đức tan rã nhanh chóng. Thành phố Karl-Marx, nơi Đức học và hành nghề cơ khí máy dệt trở nên tiêu điều. Đức may mắn kiếm đươc việc làm ổn định tại Remscheid, một trung tâm cơ khí chính xác ở vùng Rhein-Ruhr tận phía Tây nuớc Đức.

Cuộc sống ấm no ở xứ người đã không làm nguôi nỗi nhớ quê hương và Đức đã tranh thủ mọi thời gian rãnh rỗi để về thăm, giúp đỡ chị Mỹ và em Hà vẫn sống ở quê nhà.

Lần đầu tiên buớc chân đến Khu chứng tích Sơn Mỹ (KCTSM) tại thôn Mỹ Lai 4, Đức sững sờ khi thấy bức ảnh mình đang nằm che đạn cho bé Hà được chú thích là: „Anh Truơng Bốn đang che đạn cho em là Trương Năm nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết“
Thực tế là bức ảnh được Ronald Haeberle chụp vào lúc bé Đức nhìn thấy chiếc trực thăng Mỹ nên vội lấy thân mình che cho bé Hà. Hai bức ảnh này được máy Nikon ghi vào cuộn phim màu theo đúng thứ tự và những gì Đức kể cho Ron khớp đến mức Ron phải công nhận 100% là hai anh em Đức trong bức ảnh đó (VTV có đưa tin về tuyên bố này của Ron). Chính nhà báo Seymour Hersh cũng khẳng định điều này hôm 20.12.2014 tại Sơn Mỹ. (xem ảnh 1)
Anh Trương Hoài Nam, anh trai của Truơng Bốn, Truơng Năm, chỉ vì dám xác định là hai em bé trong ảnh không phải các em mình, đã bị trấn áp và sau này mất việc làm.
Trước sức ép của những bằng chứng không thể chối cãi được, KCTSM đã chữa lại lời thuyết minh bức ảnh thành: „Nguời anh đang che đạn cho nguời em, nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết“. (xem ảnh 2)
Nếu họ kiên quyết không chấp nhận Đức và Hà là hai đứa nhỏ trong hình thì „cả hai“ là những ai trong danh sách các trẻ em chết hôm đó mà họ không nêu được tên?
Bị xúc phạm bởi sự xuyên tạc này, Đức đã kiểm lại các tư liệu khác trong khu chứng tích và anh đã giật mình khi tìm ra vô số dối trá có hệ thống cũng như những cẩu thả trong đó.
Hiện nay mọi ghi chép về Mỹ Lai thường đưa con số 504 nguời bị giết do phía Việt Nam nêu ra. Con số khác là 374 người do Wikipedia Anh ngữ nêu thì không có nguồn gốc.
Trần Văn Đức coi con số 504 đưa ra từ năm 1976 là khá vội vàng. Hơn 20 năm sau, các nhà báo Mỹ đem về cho bảo tàng 49 bức ảnh, trong đó có rất nhiều người liệt kê trong danh sách 504 kia lại được chứng minh là vẫn sống sau vụ thảm sát đó.
Xóa tên người khác đi và thay bằng tên bà Tẩu
Khi thấy trên tấm bia đá khắc tên 504 nạn nhân không có tên mẹ mình là bà Nguyễn Thị Tẩu, Đức đã đề nghị nhà bảo tàng bổ sung. Ông Công, giám đốc KCTSM cho đục tên bà Nguyễn Thị Bộ và khắc đè tên bà Tẩu vào đó. Trong khi bà Nguyễn Thị Bộ, hàng xóm của Đức, rõ ràng bị giết cùng cả gia đình, nay bị xóa tên không thương tiếc khỏi bia đá, và con số 504 vẫn không suy suyển! (ảnh 3)
Cô bé Đỗ Thị Nhựt, 7 tuổi, được khắc tên hai lần trên bảng đá có phải là hai cô bé khác nhau trong cùng thôn? Cũng bé Nhựt đó, lại được khai là 10 tuổi trên tấm bảng teo truớc của nhà cô và 6 tuổi ở một bảng khác! Chị Đỗ Thị Ánh Tuyết, chị gái của Nhựt hiện đang sống cũng đã từng bị khai tử vì có tên trên bia kỷ niệm. Trong khi đó Bà Nguyễn Thị Chấn, là thím của ông giám đốc bảo tàng, tuy đã chết từ ngày 12.10.1967, nhưng vẫn được khắc tên trong danh sách 504 nguời v.v. và v.v.(ảnh 4+5)

Những sai lệch trên có thể chỉ xuất phát từ sự cẩu thả của vài cán bộ văn hóa thấp, hoặc cũng có thể xuất phát từ những suy tính nhỏ nhen trong việc sử dụng con số khống, danh sách giả để biển thủ tiền cứu trợ. Đối với những nạn nhân như Đức, những dối trá đó xúc phạm nghiêm trọng đến vong linh những người đã mất và anh không chấp nhận mọi sửa chữa lấp liếm.
Một sự thật khác bị KCTSM tìm mọi cách bóp méo đã làm cho Đức bức xúc cao độ. Là con một gia đình kháng chiến có truyền thống, anh không thể chấp nhận chuyện bịa đặt: Lính Mỹ đã triệt hạ làng Mỹ Lai 4 mặc dù trong làng không có ai là „Việt Cộng“.
Sơn Mỹ là một vùng quê có truyền thống yêu nuớc từ ngày các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi đến vùng đất này. Người dân địa phương đã khai phá đảo Lý Sơn và từ Lý Sơn, lập ra Hải đội Hoàng Sa cách đây hơn 200 năm. Trải qua mọi thời đại, Sơn Mỹ, Tịnh Khê luôn là một căn cứ địa, hết chống Pháp rồi chống Mỹ. Chỉ riêng Nghĩa trang Liệt sỹ với hàng trăm ngôi mộ ngay truớc mặt khu lưu niệm Sơn Mỹ đã là một bằng chứng về căn cứ địa này. (ảnh 6)
Cha Đức, ông Trần Quy là một cán bộ kháng chiến có uy tín trong cả vùng. Nhiều cán bộ hiện hành đã từng được ông Quy giúp đỡ và cưu mang. Đức tâm sự: Tuy bữa đó, do tin thám báo sai nên đáng lẽ phải đánh vào thôn Mỹ Lai 1, tụi Mỹ lại tràn vào thôn em (Mỹ Lai 4), nhưng dù sao thôn em cũng là ổ Việt Cộng nòi!
Phải chăng chỉ vì muốn khắc sâu thêm tội ác của lính Mỹ mà hệ thống tuyên truyền Quảng Ngãi đã cố thêu dệt nên huyền thoại: Mỹ giết dân Mỹ Lai 4 măc dù không hề dính đến việt Cộng? Đó là cách suy diễn thiếu hẳn tính nhân văn cơ bản. Yếu tố Việt Cộng hay không Việt Cộng không hề thay đổi bản chất của tội ác giết dân thường.
Vậy mà Đức đã nhận được lời đe dọa: Không được lộ ra thôn mình từng là nơi Việt Cộng hoạt động!
Một huyền thoại thêu dệt nữa mà KCTSM kiên quyết không sửa, bất chấp mọi đề nghi của Đức và các nhà báo. Đó là bài viết về người lính da đen Herbert L. Carter. Carter được KCTSM ca ngợi là một binh sỹ da đen phản chiến, là người lính duy nhất trong đại đội Charly tự bắn vào chân mình ngay lúc bắt đầu cuộc tấn công để khỏi phải tham gia vụ thảm sát.
Nhưng Carter khai truớc tòa là hôm đó anh ta cũng tham gia vào cuộc hành quân cho đến lúc một binh sỹ khác là Widmer muợn súng của Carter để giết người. Widmer trả lại súng cho Carter đúng lúc súng bị hóc. Carter tìm cách bẻ gập nòng súng xuống để chữa hóc, nhưng súng cướp cò và đạn xuyên qua chân. (1) (ảnh 7)
Hồi chiến tranh, tôi từng được đọc nhiều bài viết nói là người Mỹ da đen thuộc tầng lớp bị áp bức ở Mỹ nên khi sang Việt Nam, họ thường có tình cảm với dân tộc bị áp bức. Vì vậy lính Mỹ da đen tốt hơn lính da trắng!
Thật không ngờ 50 năm sau, sự ấu trĩ đó vẫn ngự trị trong đầu những người làm tuyên truyền ở Việt Nam.
Có lẽ mọi nguời Việt Nam trên 50 tuổi đều biết bức ảnh „Nỗi sợ“ (Fear). Bức ảnh họng súng dí vào thái dương người vụ nữ vô danh mà Keyston và Getty Images khẳng định chụp vào tháng 1.1969 tại Tam Kỳ, Quảng Ngãi, đã lan truyền khắp thế giới và góp phần ảnh hưởng đến cục diện chiến tranh Việt Nam.(ảnh 8)
Nhưng KCTSM lại khẳng định nguời trong ảnh là bà Phạm Thị Phán được chụp trong ngày 16.3.1968.
Thực tế hôm đó, có một phụ nữ tên là Phạm Thị Phán bị bắn chết. Để có chứng tích, bảo tàng đã lấy đại hai bức tranh khác nhau để tạo ra huyền thoại về sự tàn bạo của lính Mỹ.
Vì ngụy tạo nên lần kể trước hay mâu thuẫn với lần kể sau!
Trong một video clip, nhân viên bảo tàng Vân Kiều thuyết minh rằng ngưòi đàn bà này là Phạm Thị Phán và bốn đứa bé là con đẻ của bà. Hôm đó, bà đi gặt lúa sớm cho nên thoát chết (2).Cũng trong video khác, chính Vân Kiều lại thuyết minh là bà Phán bị bắn chết.(3) (ảnh 9)
Bà PhạmThị Phán xấu số đó xuất hiện hai lần trong hai bức ảnh, với hai khuôn mặt khác nhau, một bà bị bắn chết, một bà thoát chết, trong khi cả hai bức ảnh đều không được chụp ở Sơn Mỹ. Một dân tộc văn minh không thể chấp nhận lối viết sử như vậy!
Đức còn kể cho tôi nghe rất nhiều chi tiết gian dối khác do KCTSM thêu dệt ra mà trong khuôn khổ bài viết, tôi không thể kể hết.
Nhìn đống hồ sơ, tài liệu, hình ảnh, băng video, DVD mà Đức thu thập được qua 8 năm, kể từ khi anh buớc vào cuộc đấu tranh chống lại cả một hệ thống giả dối ở quê nhà, tôi sực nghĩ đến cuộc chiến của chàng David chống lại kẻ khổng lồ Goliath.

Cologne, ngày lễ Phục sinh 2017
Xuân Thọ

Còn tiếp:
Phần 3 : Kẻ thù bên trong ta
Phần 1 đọcở đây

————————–
(1)
https://books.google.de/books…