29 April 2017

CHẾT TRONG TÙ - Phan Việt Thuỷ

(Như một nén hương tưởng nhớ các chiến hữu đã chết trong trại tù cải tạo)

Trong các trại tù, những con bệnh thường xuyên xẩy đến. Mỗi lần có một người nào bị bệnh, các người khác gom góp thuốc lại để cứu chữa. Đến lúc này, hầu như không còn ai còn thuốc nữa. Những viên thuốc cuối cùng không đủ số lượng để cứu vãn tình trạng trầm trọng của Vũ. Hai viên thuốc sau cùng Vũ đã uống sáng nay nhưng bệnh tình vẫn không một chút suy giảm. Hơn cả một tuần nay, anh đội trưởng thường xuyên báo cáo với “ban quản giáo” trại và xin cho Vũ được lên điều trị tại bệnh viện. Lần nào bản quản giáo cũng trả lời “hiện nay không có chỗ nằm và cũng không có thuốc”.
Trong số bạn bè quen thân chỉ có tôi và Hiệp thường xuyên bên Vũ. Hàng ngày sau giờ lao động, Hiệp phải lấy phần gạo riêng để nấu cháo cho Vũ. Hiệp và tôi vô cùng xót xa thấy Vũ mỗi ngày một kiệt sức. Đôi lúc đến tức bực vì sự bất lực của mình trước con bệnh tầm thường. Tôi và Hiệp đã bàn với anh đội trưởng lên gặp ban quản giáo báo cáo tình trạng nguy ngập của Vũ, cố xin cho Vũ được lên nằm bệnh viện nội ngày hôm nay, chứ tình trạng này Vũ không thể sống được. Mấy tên quản giáo chỉ tỉnh lờ không có chuyện gì quan trọng và chỉ hứa sẽ báo cáo với bệnh viện.

Khi có được lệnh cho Vũ lên nằm bệnh viện anh em trong đội vô cùng mừng rỡ. Hiệp, tôi và hai người bạn nữa phải đi kiếm một vài tấm ván để làm cáng khiêng Vũ. Hì hục mãi mới gỡ được những tấm ván lót nằm, đóng vội vàng thành một tấm đủ cho Vũ nằm.
Con đường từ trại lên bệnh viện dài hơn hai cây số. Dọc đường, những tấm ván cứ muốn rơi ra. Bốn người thay nhau vừa khiêng vừa giữ cho Vũ được nằm yên. Bốn người cũng phải vất vã lắm mới đưa Vũ đến được bệnh viện. Lúc này ai cũng cảm thấy yếu sức, vì hầu như gần hai năm nay chưa một ngày nào mà bụng cảm thấy no. Cơ thể như đang rời rã dần mòn.
Bệnh viện trung đoàn chỉ có vỏn vẹn hai dãy nhà tôn thấp lè tè, nóng bức. Chúng tôi đặt Vũ xuống và đưa giấy tờ cho viên y tá trực. Hắn cầm tờ giấy giới thiệu của ban quản giáo đọc lui đọc tới mãi mới lật cuốn vở học trò ra ghi tên Vũ vào. Hắn nói:
– Tên này mà Đại úy hả?… Các anh đợi nhé, bệnh này mà đưa lên đây làm gì, ở đây cũng chẳng còn thuốc gì đâu.
Nói xong, viên y tá lơ đãng bỏ đi làm chuyện khác, dường như hắn đang lăng xăng sửa soạn ống tiêm, nước sôi, băng, bông…
Bên cạnh bàn nhận bệnh, tôi thấy một tấm bảng nhỏ viết nguệch ngoạc hai chữ “phòng mổ”. Tôi và Hiệp rùng mình ớn lạnh. Phòng mổ được bao quanh bằng một cái mùng muỗi. Ba phía che kín bằng ba tấm nylon.
Viên y tá trở lại chỗ chúng tôi, nhìn Vũ và bảo chúng tôi khiêng Vũ qua để ở phía cuối góc nhà, chỗ còn trống và vẫn cho nằm yên trên tấm cáng đó.
– Để cho anh ta nằm đó, đợi chiều nay hay mai có người “xuất viện” mới có giường nằm.
Nói xong viên y tá bỏ đi. Tôi và Hiệp ở nán lại với Vũ được giờ nào hay giờ đó. Hiệp lấy lon cháo mang theo đút cho Vũ ăn. Vũ lắc đầu:
– Mày nhớ ngày mai mang lên cho tao thêm một cái gì để đắp. Nếu có thư của nhà tao, mày xin mang lên ngay nhé.
Chúng tôi thấy Vũ mệt, hai mắt lờ đờ nên không muốn nói chuyện gì thêm. Số người nằm đầy giường, đủ thứ bệnh, nhiều nhất là bị thương vì dẫm phải lựu đạn hoặc mìn. Một người khác chỉ còn bộ xương vì mắc bệnh đái đường. Thấy chúng tôi, anh ra dấu cho anh ta xin một cục đường. Tôi và Hiệp lắc đầu chẳng biết nói sao.
Khoảng một giờ sau, chúng tôi thấy một chiếc võng khiêng vào để trước phòng mổ. Người nằm trên võng rên la, máu nhày nhụa. Chân được cột lại bằng một cái áo trận rách nát. Tôi hỏi hai người khiêng võng:
– Anh ấy bị sao vậy?
– Bị mìn, gãy giò. Một chết còn nằm ngoài đợi đưa đi chôn.
Những câu trả lời cộc lốc đầy vẻ sợ sệt. Chúng tôi nhìn nhau đầy thông cảm đau đớn. Mọi sự chuyện trò với nhau đều bị cấm ngặt trừ khi cùng tổ đội. Viên y tá đưa tay chỉ hai người kia di chuyển bệnh nhân vào phòng mổ và đuổi họ ra khỏi căn nhà bệnh viện. Nhìn viên y tá cầm một cái cưa vẫn dùng để cưa sắt, hơ qua lại trên ngọn lửa của một cái lò đốt bằng dầu hỏa. Hắn cầm một nhúm bông gòn lau sạch mấy mảng khói bám vào lưỡi cưa. Hiệp nhìn tôi nói nhỏ:
– Bị cưa chân rồi!
– Hình như đã chuẩn bị xong, viên y tá đi ra khỏi phòng khoảng mười phút sau trở lại với hai tên bộ đội khác, chúng tôi đoán là bác sĩ giải phẩu.
Nhìn qua tấm vải mùng, tôi thấy hai tay, hai chân của bệnh nhân bị cột chặt vào thành giường. Mặt trước phủ kín bằng một tấm vải trắng. Tiếng la thất thanh não nuột như muốn đứt hơi. Tiếng lưỡi cưa đưa qua đưa lại nghe như thịt mình bị cắt, chúng tôi phải nghiến răng, rùng mình. Tiếng la hét tắt lịm có lẽ vì ngất xỉu không còn chịu đựng được nỗi đau đớn.
Vũ mở mắt nhìn chúng tôi hỏi:
– Gì mà la dữ vậy, đưa tao về dưới, có chết cũng được, chứ nằm ở đây chắc tao chết sớm.
– Nói dại nào, mày ở đây hy vọng có chút ít thuốc, mày sẽ khỏi. Anh em mình không ai còn thuốc nữa cả. Nhất là thuốc trụ sinh.
Tôi và Hiệp ra về trời đã về chiều. Buổi chiều mênh mông và hơi nóng còn sót lại trong ngày đang gay gắt. Mấy khi chúng tôi có dịp đi ra khỏi khu mình ở. Không gian bao la, tôi và Hiệp như đua nhau hít thở khí trời trong lành cho thỏa chí. Ngang qua một khoảng đất trống, lô nhô một dãy mộ mới đắp. Tôi nói với Hiệp:
– Mình ở hoài trong này, có ngày đến lượt mình ra nằm đây, rộng rãi…
– Tao thấy những thằng đã nằm xuống đây là sung sướng là xong hết mọi chuyện, khỏi phải chịu đói chịu khát, khỏi phải “lên lớp” nghe bọn lãi nhãi nhức đầu nhức óc. Chỉ tội nghiệp vợ con cha mẹ ở nhà đang từng ngày từng giờ mong đợi lo âu.
– Chưa gì mày đã bi quan rồi.
Đúng ba ngày sau, được tin Vũ đã chết, anh em trong đội rất xôn sao. Nổi buồn và lo âu phủ trùm xuống số phận những người còn lại. Tôi đứng ngây người hình dung lại khuôn mặt của Vũ.
Chiếc hòm được chắp ghép bằng những tấm ván ép vụn tháo gỡ từ các thùng đạn cũ. Hai tấm lành duy nhất tháo ra từ cánh cửa. Một tấm lót dưới và một tấm lót phủ trên.
Tôi, Hiệp và bốn anh em nữa tình nguyện lo an táng Vũ. Chúng tôi không có một tấm vải để liệm. Một bộ áo quần còn sạch mặc vào cho Vũ, kèm thêm ba lá thư của vợ Vũ. Một lá thư mới nhất đã bị ban quản giáo bóc ra. Ở đây, chúng tôi đều biết nội dung tất cả từ gia đình gởi lên đều giống nhau. Nhưng khi được thư ai cũng mừng rỡ vì biết được người nhà vẫn còn sống. Gia đình cũng biết rõ việc thư từ bị kiểm duyệt gắt gao cho nên không dám viết gì đến việc làm ăn hay thay đổi cuộc sống gia đình. Tôi thoáng đọc mấy dòng chữ nghe sao mà xót xa đau đớn:
– Anh cố gắng học tập tốt, lao động tốt để sớm trở thành người lương thiện, sớm trở về sum họp với em và con. Em và con đang mong đợi anh từng ngày từng giờ…
Những lời trong thư của vợ Vũ làm tôi nhớ đến Tuấn. Hôm vừa rồi lên hội trường học tập, cho anh em phát biểu, Tuấn đã phát biểu châm biếm chua cay trước mặt mấy tên quản giáo:
– Sao con vợ tôi từ ngày nó được “giải phóng”, nó ngang ngược khốn nạn quá. Nó viết thư khuyên tôi học tập tốt để trở thành người lương thiện. Nói như vậy nó chửi cha tôi không bằng, nó ám chỉ từ trước đến giờ tôi là thằng bất lương. Tình nghĩa vợ chồng là tình nghĩa bất lương. Bây giờ nó được “Cách mạng” giáo dục kỹ, nó trở mặt dạy bảo tôi như thế…
Tuấn nói xong, hàng tràng pháo tay vang dậy hội trường. Anh em ai cũng khen Tuấn can đảm. Những tên quản giáo lặng thinh cũng bởi chưa hiểu kịp. Hôm sau, Tuấn bị gọi lên và chuẩn bị hành trang đến đơn vị mới Côn Sơn.
Sáu người chúng tôi hì hục đào xong huyệt, không cầm được nước mắt trước quan tài Vũ. Những nắm đất đưa tiễn ngập ngừng. Một con người đã bao năm hy sinh chiến đấu cho lý tưởng tự do, không ngã gục trên chiến trường, nay lại chết đau đớn lặng lẽ trong cõi tù đày.
Hiệp đứng nghiêm trang nói:
– Vũ, mày chết tao đau đớn lắm. Mày còn linh thiêng phù hộ cho vợ con mày sống hạnh phúc, khỏe mạnh…
Sau cái chết của Vũ, cả trại xôn xao náo động. Cái bệnh tầm thường nhưng ở đây rất đáng sợ: Bệnh kiết lỵ. Từ phòng này bước qua phòng kia ai cũng bàn tán thứ bệnh đang lan tràn. Người đã bị bệnh và người chưa bị bệnh đều phập phồng lo sợ, mọi người như lên cơn sốt, cả trại tù Trảng Táo này đang lên cơn sốt vì con bệnh dễ truyền nhiễm này. Gần một trăm dãy nhà san sát, trong mỗi dãy nhà chứa cả trăm người. Mỗi người phải tự ép mình thu gọn trong bốn gang tấc, làm sao không khỏi bệnh. Bị bệnh mà không có thuốc chữa, người bệnh và người không bệnh vẫn chen chúc nhau từng chỗ nằm. Con số bệnh đã lên đến hơn một nữa.
Đến lúc ai cũng như lì đi, kẻ có mắc bệnh cũng chả sao, chết như Vũ là cùng.
Những căn nhà vệ sinh lộ thiên cách nhà ở không quá hai trăm thước. Hàng đàn ruồi xanh ngập các phòng. Rau muống luộc là món ăn duy nhất hàng ngày hàng bữa, lại được tưới bằng nước phân lấy từ hầm cầu. Người nào cũng rán lắm mới nhất định chỉ ăn muối rang, chịu đựng cho qua mùa dịch.
Những con người biết mình đang bị giết chết lần mòn nhưng cũng phải cầm cự chiến đấu, vẫn nuôi hy vọng, nuôi sự sống…

Phan Việt Thuỷ