Vì đến trễ, tôi
phải sắp hàng nơi cửa hội trường chờ người kiểm vé. Trong khi đứng đợi, tôi
nghe ban nhạc đang hòa tấu một nhạc khúc rất quen thuộc. Rồi một tổng hợp âm
thanh nữ vang lên: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót
vang lên êm đềm…”(1) Tôi chợt cảm thấy nôn nao trong lòng, vội
chồm người về phía trước để nhìn lên sân khấu.
Trên sân khấu,
hai hàng phụ nữ mặc đồng phục trắng, trên mỗi chiếc áo dài có một vệt đen dài
xeo xéo nơi tà áo phía trước. Vừa hát những phụ nữ này vừa uốn nhè nhẹ thân
hình theo điệu Valse Lente: “…Trường làng tôi không giây phút tôi
quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh…” Âm điệu êm đềm của dòng nhạc và sự
lay động nhẹ nhàng của những tà áo dài như từng đợt sóng ngầm dìu hồn tôi trở về
khung trời mà tôi đã phải lìa xa. Trong trạng thái bềnh bồng, tôi tưởng
như tôi có thể thấy lại tôi của những ngày thơ dại, chỉ biết đi học rồi về miệt
mài với cây đàn.
Khi mới bắt đầu dạy
tôi học đàn Accordéon, ngoài những bài thực tập trong sách, Ba tôi thường tìm
những bản nhạc dễ đàn để tôi đàn cho khỏi chán. Một trong những bản nhạc Ba tôi
cho tôi đàn là bản Trường Làng Tôi. Tôi vừa nhìn bản nhạc vừa để ý bàn tay của
Ba tôi và vừa nghe Ba tôi đếm “chát chát chình, chát chát chinh” để vào
cho đúng temps fort (thì mạnh).
Thời gian học
Accordéon tôi chưa hiểu nhiều về nhạc lý, nhưng không hiểu tại sao mỗi khi đàn
nhạc khúc Trường Làng Tôi, giai điệu thiết tha của bản nhạc như quyện vào hồn
tôi và trong lòng tôi niềm bùi ngùi thương cảm cứ dâng tràn.
Niềm bùi ngùi
thương cảm lại trở về chất ngất trong tôi khi tôi trở về quê Nội, ghé thăm Trường
xưa sau hơn 30 năm xa cách.
Trường tôi vẫn
như xưa, vẫn mái ngói đỏ và tường sơn màu trứng sáo. Hôm ghé thăm thầy Bửu Thả
– giáo sư toán và cũng là giáo sư hướng dẫn lớp tôi, lớp Tam B4 – Thầy bảo: “Chừ
không còn là Trường Trung Học Võ-Tánh nữa mô!” Tôi buồn nhưng chưa cảm thấy
xót xa. Đến khi tôi đứng trước ngôi Trường xưa, dưới một bảng tên tôi chưa từng
biết khi học Việt sử, lòng tôi mới đắng cay, ngậm ngùi!
Sự ngậm ngùi cứ
dâng lên, dâng lên mãi khiến tôi muốn đi nhanh đến chiếc xe thuê như trốn chạy,
như chối bỏ một thực thể mà tôi không chấp nhận được! Nhưng không hiểu tại sao
đôi chân của tôi lại không thể rời Trường!
Tôi tựa vào gốc
cây sao, nhìn lên lầu, nơi lớp đệ Tam B4 – toàn Trường thường “chọc quê” chúng
tôi, gọi là “Bê Bối” – chỉ có hai nữ sinh là Đỗ Thị Nghiên và tôi.
Nghiên, về sau dạy
học tại Quảng-Ngãi. Khi Nghiên theo chồng sang Mỹ theo diện H.O. tôi sang San
Jose thăm Nghiên ngay. Nghiên bỏ tấm nệm trên sàn nhà, “ra lệnh” cho tôi: “Mày
ở đây, ngủ tại đây. Mày mà ra khách sạn, tao…từ mày liền.” Suốt đêm nhắc lại
thời thơ ấu trong các lớp “Bê Bối” dưới mái trường Võ-Tánh, Nghiên kể cho tôi
nghe về những nam sinh mà Nghiên đã lên lạc được.
Sau này Nghiên trở
thành Ni Sư Thường Như.
Cố nhớ lại tên những
nam sinh mà Nghiên đã liên lạc được, tôi chỉ nhớ vài người.
Người tôi luôn nhớ
đến là Lưu Khương Đức. Đức hiền, học giỏi nhưng tôi không ngờ Đức đã “cả gan”
tình nguyện về Biệt Động Quân. Và Đức đã tử trận trong một cuộc đụng độ rất ác
liệt với địch quân, tại Pleiku!
Rồi Phú “đen” gia
nhập Không Quân. Phú “đen” đã tử trận khi trực thăng do Phú “đen” lái bị trúng
hỏa tiễn của địch.
Đến Vũ Công Tạo,
người bị địch bắt, bị cầm tù, về sau được trao trả tù binh.
Và Nguyễn Đăng Dự,
sau này là hiệu trưởng trường trung học Pleiku. Dự kể cho tôi nghe – khi vợ chồng
Dự từ Canada sang Houston thăm tôi – khi cuộc rút quân đẩm máu từ cao nguyên
theo tỉnh lộ 7 đang diễn ra, giữa những tràng pháo kích ồ ạc của địch quân, Dự
và vợ con không biết làm thế nào để thoát khỏi những trái đại pháo và dòng người
cùng xe cộ ngổn ngang trên đường thì một quân nhân từ trên xe nhà binh nhận ra
Dự, gọi lớn: “Thưa Thầy.” Dự nhìn bảng tên của anh sĩ quan trẻ, thấy Lại-Quyền-Thế.
Thế chận chiếc xe chở hàng, buộc tài xế phải cho gia đình của Dự lên xe. Khi
dòng người chạy loạn đến cầu Sông Ba, Dự thấy nhiều trực thăng vận tải quân dụng
để Công Binh dựng cầu dã chiến cho đoàn người qua sông. Trong cảnh hỗn loạn
này, Lại Quyền Thế lại xuất hiện. Thế canh chừng, khi trực thăng vừa thả quân dụng
xong, Thế giúp gia đình Dự lên trực thăng, còn Thế ở lại! Vừa vào trực thăng, Dự
lại ngạc nhiên khi nghe anh phi công: “Dạ, thưa Thầy.”
Dự cũng kể cho
tôi nghe nhiều nam sinh ngày xưa học lớp “Bê Bối” sau này thành công trên nhiều
lãnh vực. Nhưng tôi chẳng nhớ được tên.
Tôi chẳng nhớ được
tên những người bạn đã thành công trên đường đời; nhưng tôi lại không thể quên
được những người Bạn đã hy sinh tuổi trẻ, đã hy sinh một phần cơ thể và cũng có
Bạn đã hy sinh cả mạng sống để chúng tôi được yên bình chốn hậu phương.
Những người bạn
đã dấn thân của lớp “Bê Bối” có: Phạm Khắc Sinh, Luyện Thái, Nguyễn Minh Châu,
Trần Chính Tùy, Huỳnh Trí Chánh, Bùi Ngọc Long, v. v…
Ngoài những bạn
bên “Bê Bối” tôi còn có bạn Nguyễn-Đình-Tân, “dân” B2. Tân rất điễn trai, lúc
nào cũng cười và đôi môi hồng hồng. Tân tình nguyện gia nhập Không-Quân. Sau
khi tu nghiệp tại Mỹ, trở về, trong một chuyến công tác, chiếc C-130 do Tân lái
đã bị bắn hạ tại đèo An-Khê!
Lớp B2 còn có Bùi
Tiết Quý và Mùi gia nhập khóa 14 sĩ quan Hải-Quân. Mùi đã mất tích ngoài biển
khơi khi chiến hạm đang tuần dương!
Quân chủng Hải-Quân
cũng thân ái đón nhận những người ban B như Nguyễn Lương Thuật và Nguyễn Đình
Sài vào khóa 16 và Nguyễn-Dinh vào khóa 13 sĩ quan. Dường như Dinh học lớp B3,
tôi không nhớ rõ.
Khi đơn vị của
Dinh, Giang Đoàn 24 Xung Phong, tham dự hành quân vùng Dầu-Tiếng, Dinh bị mìn,
nát cả đôi chân! Bố của các con tôi – Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh –
cho tôi biết tin Dinh bị thương và cẩn thận dặn tôi: “Muốn đi thăm
Dinh thì đi ngay; vì không biết Dinh có thể ‘qua’ được hay không!”
Minh đưa tôi đến
ngay bệnh viện Cộng-Hòa. Nhìn đôi chân của Dinh được băng bột, cứng, to và máu
đã khô, trở nên sần sùi như gốc cây sao trước Trường Võ-Tánh, tôi khóc! Dinh vẫn
mê man trong khi tôi cứ âm thầm quẹt nước mắt, thương người Bạn xưa!
Một lúc sau, Dinh
mở mắt, nhìn tôi. Tôi hỏi: “Dinh! Biết ai đây không?” Dinh đáp: “Biết.
Thanh Điệp”.
Trong những dòng
nước mắt khóc thương các bạn nam sinh tôi cũng dành những giọt lệ muộn màng
khóc chị Đỗ-Minh-Tham, người bạn ban A. Chị Đỗ-Minh-Tham, biệt hiệu Thúy-Minh,
ngày xưa cùng sinh hoạt với tôi trong ban ca nhạc Bình-Minh – do Ba tôi, Cụ Điệp-Linh,
thành lập để phụ trách phần văn nghệ cho đài phát thanh Nha-Trang – vào mỗi tối
thứ Năm và tối Chủ Nhật.
Được tin chị Đỗ-Minh-Tham
qua đời, tôi đi New York, dự đám tang của Chị.
Khi được chị Đỗ-Khánh-Niệm,
là chị của chị Đỗ-Minh-Tham và cũng là phu nhân của Cố Y Sĩ Thiếu Tá Phạm Văn
Lương – vị bác sĩ, trước năm 1975, đã cầm lựu đạn ngồi trước Quốc Hội – bảo hãy
nói vài lời tiễn biệt chị Thúy-Minh, tôi đã nhắc lại những kỷ niệm với chị
Thúy-Minh dưới mái Trường Võ-Tánh cùng những kỷ niệm văn nghệ với chị Thúy-Minh
trong ban Bình-Minh. Trước khi dứt lời, tôi nói: “Thưa chị Thúy-Minh, em xin
lỗi Chị, em không thể ở lại để dự lễ hỏa thiêu của Chị. Em không đủ can đảm
nhìn Chị bị hủy diệt. Đối với em, Chị không thể bị hủy diệt!”
Ai rồi cũng sẽ bị
hủy diệt, vì đó là lẽ Vô Thường! Nhưng lẽ Vô Thường chỉ có thể hủy diệt xác thân
của Bạn tôi; nhưng trong lòng tôi, nhân dáng và kỷ nệm của những người Bạn này
vẫn sống mãi.
Dòng hồi tưởng của
tôi vừa đến đây thì người kiểm vé đưa tôi vào bàn.
Nhìn những vạt áo
dài có vệt đen xeo xéo của ban hợp ca, tôi tự hỏi: “Có phải vệt đen đó để
tang cho Ngôi Trường Đã Mất Tên hay không?” Trong khi tôi không thể tự giải
đáp được thì ban hợp ca đang hát đến câu cuối. Tôi không hát theo nhưng trong
lòng tôi tiếng hát ngân dài, vang xa: “Trường làng tôi không giây phút tôi
quên, dù cách xa muôn trùng Trường ơi!”
Tôi lấy khăn giấy,
thấm nhẹ những giọt nước mắt, lòng ngậm ngùi nghĩ đến các Bạn tôi – những người
trai rất xứng đáng là Hậu Duệ của Danh Tướng Võ-Tánh trong Thiên Hùng Sử Việt-Nam.
ĐIỆP-MỸ-LINH
(1) Những phần
trích dẫn là lời ca trong nhạc khúc Trường Làng Tôi của Phạm Trọng Cầu.
* Ảnh Newvietart.