Kính chào chị Điệp-Mỹ-Linh.
Dạ, Điệp-Mỹ-Linh xin trân trọng kính chào quý vị thính giả của
Đài Little Saigon và xin kính chào anh Thăng Long.
Lâu lắm mới gặp lại
chị. Sức khỏe của chị vẫn bình thường chứ?
Cảm ơn anh, tôi vẫn bình thường, vẫn còn đi làm.
Quý thính giả tại
Houston có lẽ đã biết chị Điệp-Mỹ-Linh, một người, trong nhiều năm qua, đã có rất
nhiều sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng của chúng ta; chỉ vài năm gần đây chị mới
ít xuất hiện. Ngoài những sinh hoạt văn hóa, chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều người
trong cộng đồng của chúng ta biết chị Điệp-Mỹ-Linh qua tiếng đàn Accordéon của
chị.
Hôm nay, Đài
Little Saigon mời chị Điệp-Mỹ-Linh đến đây để trình bày về một tác phẩm mới của
chị, mang tựa đề Trăng Lạnh. Tôi được hân hạnh đọc hết tác phẩm này vào ngày
hôm qua.
Có nhiều vị thính
giả vừa mới định cư tại Houston, chưa được biết về chị; xin chị cho thính giả
được biết sơ lược về quá trình hoạt động cũng như vài nét về Điệp-Mỹ-Linh.
Thưa, tên thật của tôi là Nguyễn Thị Thanh-Điệp. Bút hiệu Điệp-Mỹ-Linh
khởi đầu từ bút hiệu Điệp-Linh của Ba tôi, do tên của tôi và Linh – tên người
em trai kế – ghép lại. Khi Má tôi sinh một em gái, tên là Mỹ-Phượng cũng là lúc
tôi tập tành viết lách. Tôi xin Ba tôi cho tôi “mượn” bút hiệu Điệp-Linh và tôi
ghép chữ Mỹ từ tên người em gái vào giữa để trở thành Điệp-Mỹ-Linh. Ba tôi đồng
ý.
Chị lớn lên tại
Nha Trang, nhưng chị gốc Huế hay là gốc Nha Trang?
Thưa, tôi được may mắn là Má tôi người Huế, Ba tôi người Nha
Trang, tôi được sinh ra tại Đà Lạt; cả ba thành phố đều đẹp cả. Thời gian sống
tại Nha Trang, tôi đàn Accordéon và hát trong ban ca nhạc Bình-Minh – do Ba tôi
làm trưởng ban – phụ trách văn nghệ cho Đài phát thanh Nha Trang, từ giữa thập
niên 50 cho đến đầu thập niên 60.
Lúc nhỏ chị học ở
Đà Lạt hay là ở Nha Trang?
Thưa anh, lúc nhỏ ở Đà Lạt tôi học trường Domain De Marie. Tại
Nha Trang tôi học trường trung học Võ-Tánh. Sau đó tôi học Luật tại đại học Luật
Khoa Saigon.
Những kỷ niệm xa
xưa của chị ở Đà Lạt hoặc Nha Trang như thế nào, chị có thể cho thính giả biết
hay không?
Kỷ niệm về Đà Lạt và Nha Trang thì nhiều lắm; nhưng thường
thường tôi gợi lại những kỷ niệm đó trong tác phẩm của tôi.
Qua những tác phẩm
của chị, không những kỷ niệm được chị gợi lại mà chị còn lồng vào câu chuyện những
ca khúc rất thích hợp với tâm lý nhân vật, phải không ạ?
Dạ, thưa anh, đúng như vậy.
Cũng qua tác phẩm
này, người đọc còn nhận thấy trình độ sinh ngữ của chị rất khá, nhất là Pháp
văn.
Thưa, ông Cụ của tôi ngày trước là giáo sư Pháp văn các lớp
đệ nhị cấp trường Trung-Học Cam-Ranh. Còn Anh văn, ngày xưa, tôi chọn là sinh
ngữ chính.
Chị lập gia đình
năm nào?
Thưa, tôi lập gia đình năm 1962, tại Nha Trang.
Vâng, tôi có thời
gian ở Nha Trang.
Anh thấy Nha Trang như thế nào? Đối với tôi, bãi biển Nha
Trang đẹp nhất thế giới.
Ô, bãi biển Nha
Trang đẹp nhất thế giới! Vâng, trước khi chúng ta đề cập đến tác phẩm Trăng Lạnh,
trong đó chị Điệp-Mỹ-Linh đã gợi lại những kỷ niệm rất lý thú, tôi xin đọc qua
những tác phẩm khác của Điệp-Mỹ-Linh, được in nơi bìa sau của cuốn Trăng Lạnh.
Đó là Một Đoạn Đường, Bước Chân Non, Sau Cuộc Chiến, Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa
Ra Khơi, 1975, Cuồng Lưu, Đưa Tiễn, Tưởng Như Trở Về, v.v... Xin chị vui lòng
cho biết thời điểm nào chị đã sáng tác những tác phẩm này?
Điệp-Mỹ-Linh thành thật xin lỗi quý thính giả và anh
Thăng-Long về một sự nhầm lẫn rất đáng tiếc. Đó là, khi đánh máy những tác phẩm
.,của tôi vào bìa sau của cuốn Trăng Lạnh,
tôi đã quên, không liệt kê tác phẩm Tìm
Vết Chân Xưa.
Về thời điểm những tác phẩm của tôi xuất hiện, thật tình tôi
không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ, sau khi cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc gợi ý, tôi suy nghĩ
và cảm thấy tôi phải làm một cái gì đó cho quân chủng Hải-Quân. Và, vào cuối thập
niên 70, tôi bắt đầu tìm địa chỉ và điện thoại của quý vị trong Đại Gia Đình Hải
Quân. Lúc đó computer chưa được thông dụng cho nên vấn đề liên lạc rất khó khăn
để thực hiện những cuộc phỏng vấn. Nhưng, với sự trợ giúp vô vị lợi của Đại Gia
Đình Hải Quân, cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân
Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975 được hoàn tất vào khoảng 1990.
Tại sao chị cảm thấy
chị phải làm một cái gì đó cho Hải Quân, thưa chị?
Tôi nghĩ Hải-Quân đã có công rất lớn trong cuộc di tản quân
nhân, quân dụng và đồng bào từ vùng I vào Saigon, khoảng tháng Ba năm 1975. Và
sau đó, cũng chính Hải-Quân đã đưa không biết bao nhiêu ngàn đồng bào và quân
nhân các cấp thoát khỏi nanh vuốt Cộng Sản, vào khoảng tháng Tư năm 1975. Tôi
nhận thấy những công trạng của Hải-Quân rất đáng được đề cao.
Còn lý do nào khác
không? Chẳng hạn như phu quân ngày trước của chị là...
Vâng, cũng có những lý do phụ, chẳng hạn như Bố của các con
tôi là một sĩ quan cao cấp Hải-Quân; và tôi cũng có những người bạn cùng học
trường Võ-Tánh đã gia nhập Hải-Quân như Bùi-Tiết-Quý, Nguyễn-Dinh, Võ Thành
Đông, v.v... Vì vậy, đối với tôi, Hải-Quân rất là thân thiết.
Thưa, ngày đó, có
phải chị là hoa khôi của trường Võ-Tánh hay không?
Dạ, không dám đâu!
Ngày xưa, Nha
Trang là nơi có rất nhiều trung tâm huấn luyện quân sự như Không-Quân, Biệt-Động-Quân,
Hải-Quân, v.v...Tại sao chị không chọn người bạn đường từ các binh chủng khác
mà chị lại chọn người bạn đời từ Hải-Quân? Phải chăng vì bộ quân phục tiểu lễ
trắng của Hải-Quân?
Dạ, không phải, thưa anh. Tôi theo đạo Phật. Tôi nghĩ rằng bất
cứ vấn đề gì hay là sự việc gì xảy ra trong đời đều có một nguyên nhân hay là một
xuất xứ nào đó mà mình không thể kiểm soát được. Tôi muốn nói đến Nhân Duyên.
Vâng. Bây giờ
chúng ta trở lại với tác phẩm Trăng Lạnh. Mở đầu tập truyện Trăng Lạnh là bút
ký viết bằng Việt-ngữ và được dịch ra Anh-ngữ, nói về sự biết ơn của những người
tỵ nạn như chúng ta, phải không, thưa chị?
Vâng.
Xin chị cho thính
giả biết khái lược tại sao chị viết bút ký này.
Thưa, tựa đề bút ký đó là Tạ Ơn Mảnh Đất Này. Thời điểm tôi
viết bút ký đó là lúc nước Mỹ bị rúng động vì sự tấn công rất tàn bạo tại Nữu-Ước
và Hoa-Thịnh-Đốn, ngày 11 tháng 09 năm 2001; và tôi đang du lịch tại Nga. Bút
ký đó được viết vội tại phi trường Frankfurt, nước Đức, trong khi tôi chờ chuyến
bay chuyển tiếp để trở về Nữu-Ước.
Xin chị nói qua cảm
xúc của chị khi chị viết bút ký Tạ Ơn Mảnh Đất Này.
Thưa quý thính giả và anh Thăng-Long. Cảm xúc của tôi lúc đó
giống như cảm xúc của tôi năm 1968 khi nghe tin Việt-Cộng tấn công và cưỡng chiếm
Huế, quê Ngoại của tôi. Tôi đau lòng và khổ tâm lắm. Tôi không biết làm gì trước
nỗi đau của Huế. Năm 2001 cũng vậy, tôi đau lòng và khổ tâm lắm nhưng tôikhông
biết phải làm gì để xoa dịu bớt nỗi kinh hoàng tột độ tại nước Mỹ! Nước Mỹ đã cứu
giúp gia đình tôi trong khi chúng tôi bị chính những người cùng chủng tộc quyết
tâm tận diệt chúng tôi. Chúng tôi đã lập lại cuộc đời từ đôi bàn tay trắng. Tôi
được Cha Mẹ dạy rằng “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Bây giờ các con tôi thành đạt,
tôi có việc làm tốt, gia đình tôi bình yên. Tôi xin biết ơn những người đã cưu
mang chúng tôi. Và năm 1975, dường như Tổng Thống Ford là người đã quyết định
trợ giúp người Việt tỵ nạn Cộng Sản.
Năm 1975, chúng ta
là những người may mắn, vậy chúng ta biết ơn những người cứu giúp chúng ta.
Nhưng, từ cương vị một nhà văn, chị có nghĩ rằng vì “bàn cờ” thế giới, vì Hoa-Kỳ
bỏ rơi chúng ta cho nên mấy mươi triệu đồng bào Việt-Nam phải quằn quại đau khổ
cho đến hôm nay hay không?
Có. Nhiều khi tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng, nghĩ lại, tôi
cho rằng chúng ta, người miền Nam, cũng phải chịu trách nhiệm một phần nào đó,
trong sự sụp đổ .,miền Nam Việt-Nam năm 1975; vì chúng ta chưa chu toàn bổn phận.
“Chuyện nhà” của chúng ta mà chúng ta ỷ lại nhiều quá vào “anh hàng xóm”.
Lý do nào chị lại
nghĩ như vậy?
Trong bài phỏng vấn Trung Tướng Vĩnh-Lộc – Tham Mưu Trưởng
cuối cùng của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, đăng trong phần phụ lục của cuốn tài
liệu Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975 – Trung Tướng Vĩnh-Lộc cho biết rằng
suốt ngày 29 tháng Tư 1975, Ông đã liên tục nhận được không biết bao nhiêu “cú”
điện thoại từ các đơn vị, lớn cũng như nhỏ, xin tiếp tế đạn dược để tử thủ. Như
vậy nghĩa là gì? Nghĩa là Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa không bao giờ chùn bước,
không bao giờ khiếp sợ trước sự tấn công dã man, tàn bạo của Bắc quân. Người
Lính Việt-Nam Cộng-Hòa đã chiến đấu một cách can trường, dũng mãnh và chết một
cách rất oai hùng! Nhưng Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa cũng như nhân dân miền
Nam, chúng ta không có những cấp lãnh đạo tốt, giỏi, và có đạo đức.
Như vậy có nghĩa rằng
chị, là vợ một sĩ quan cao cấp, cũng như những nhân vật có nhiều kiến thức mà
chị thường tiếp xúc, đều đồng ý rằng chúng ta đã chưa chu toàn bổn phận, chúng
ta đã quá ỷ lại vào ngoại ban cho nên chúng ta đành mất Quê Hương một cách đau
đớn như vậy, có phải không, thưa chị?
Vâng. Chúng ta không có cấp lãnh đạo đủ tài đức.
Nhưng những sĩ
quan trẻ như phu quân của chị, ngày trước, lúc nào cũng chiến đấu rất hăng
say...
Vâng, như lúc nãy tôi đã thưa, có những anh lính hoặc những
sĩ quan, cấp thấp thôi, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng thì cũng có những sĩ
quan cao cấp, như Tướng Nguyễn-Khánh và Tướng Nguyễn-Cao-Kỳ, v.v...là những cấp
lãnh đạo không có tài, không có đức.
Để trở lại với tác
phẩm Trăng Lạnh, trang số 5 chị viết: “...Khi cuộc chiến Trung-Đông bùng nổ,
năm 1992, tôi đã đau buồn và lo sợ khi đưa tiễn một độc giả trẻ và thân thiết
nhất của tôi, Hải-Quân Đại-Úy Hoàng-Quốc-Tuấn...” Hoàng-Quốc-Tuấn là ai, thưa
chị?
Thưa anh, Hoàng-Quốc-Tuấn là một sĩ quan Hải-Quân Hoa-Kỳ.
Vào đầu thập niên 90, Tuấn đọc tác phẩm Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975
của tôi. Tuấn rất thích thú. Tuấn không ngờ Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa “của
mình” can cường như vậy. Và Tuấn liên lạc với tôi. Tôi được Tuấn mời tham dự lễ
mãn khóa Thủy-Bộ tại Coronado, San Diego. Sau đó Tuấn tòng sự trên Hàng-Không Mẫu-Hạm
USS Independence. Khi Tuấn cho tôi hay chiếc USS Independence sẽ tham dự trận
Desert Storm tại Trung Đông, năm 1992, thì tôi rất lo sợ. Tôi đã viết truyện
Đưa Tiễn và Sông Nước Trở Về – trong tác phẩm Đưa Tiễn – để nói về Tuấn và những
cảm xúc rất thật của tôi đối với Tuấn khi tôi nhận được những lá thư của Tuấn gửi
về từ vùng lửa đạn.
Chị có những liên
hệ mật thiết với Tuấn từ đó đến nay, vậy hiện tại Tuấn đang tòng sự tại đâu?
Thưa anh, sau khi mãn hạn kỳ, Tuấn đã giải ngũ và hiện đang
làm việc cho Bộ Ngoại Giao Hoa-Kỳ.
Tiếp đến là truyện
Thăm Mộ. Xin chị cho biết trong trường hợp nào chị viết truyện này?
Dạ, truyện Thăm Mộ tôi viết cho Ba tôi. Ba tôi đã bị mấy ông
Việt-Cộng nhốt tù suốt thời gian dài. Ba tôi bị đày đọa cả tâm hồn lẫn thể xác.
Chỉ khi nào trại tù có văn nghệ thì họ mới tạm “xung” Ba tôi vào đội văn nghệ.
Khi ông Cụ mất, tôi không về cho nên tôi bị ray rức và ăn năn.
Tại sao chị không
về? Biết bao nhiêu người đã về.
Dạ, tôi biết. Tôi đã về Việt-Nam hai lần vào thời gian bà Nội
của các cháu bệnh. Chính hai lần trở về đó đã cho tôi thấy một thực trạng đau
lòng trên Quê Hương của chúng ta. Đó là, không những tên đường, tên trường bị
thay đổi mà ngay cả ngôn ngữ cũng thay đổi và nhân tính thuần hậu của người Việt-Nam
cũng không còn! Họ cư xử với nhau không có một chút tình! Vì vậy, khi Ba tôi mất,
tôi rất đau lòng nhưng tôi không muốn về. Tôi không muốn thấy lại cảnh các em
và các cháu của tôi lam lũ tại Kinh Tế Mới trong khi cán bộ Cộng Sản thì chễm
chệ “ngự” trong biệt thự của Ba Má tôi và bà con của cán bộ Cộng Sản thì khai
thác tài sản của Ba Má tôi!
Tôi nghĩ, những
người sống nặng về tình cảm, như chị, thì không thể hòa đồng trong xã hội mà mọi
người chỉ biết chạy theo miếng cơm, manh áo mà không nghĩ đến tình người, phải
không, thưa chị?
Dạ, đúng vậy.
Kính thưa quý vị
thính giả của đài Little Saigon, trong Trăng Lạnh tôi nhận thấy có nhiều chuyện
rất hay, rất lý thú, nói lên tâm trạng của người Việt-Nam, của người vợ Lính mà
nhà văn Điệp-Mỹ-Linh đã trang trải nỗi lòng cùng những tư duy của chị. Truyện Tạ
Lỗi Với Người Thơ, chị Tạ Lỗi với ai đây?
Dạ...kính thưa quý vị thính giả và kính thưa anh Thăng-Long,
tôi thường bị tính thật thà chi phối cho nên tôi không thể nói dối. Thưa anh,
truyện Tạ Lỗi Với Người Thơ là một chuyện thật và là một chuyện rất buồn, tưởng
chỉ xảy ra trong xi-nê hay trong tiểu thuyết.
Chị có thể nói rõ
hơn được không? Vì trong bài này có những vần thơ rất hay.
Thưa anh, câu chuyện khởi nguồn từ một buổi văn nghệ ủy lạo
binh sĩ Thủy-Quân Lục-Chiến tại căn cứ Sóng-Thần, Nha Trang, vào đêm Trung Thu
năm 1956, do Ban Ca Nhạc Bình-Minh thực hiện, theo lời mời của trung-úy Nguyễn-Bá-Liên
– về sau, anh Nguyễn Bá Liên tử trận và được truy thăng Chuẩn Tướng.
Sau buổi ủy lạo đó, anh Nguyễn-Bá-Liên trao tôi bài thơ Tiếng
Đàn Đêm Trung-Thu do một sinh viên sĩ quan Quân-Y – bút hiệu Hoàng-Việt-Sơn –
sáng tác để tặng tôi. Nhưng lúc đó tôi chỉ là cô bé 14 tuổi, còn kẹp tóc, chỉ
mê đàn và thích hát chứ chưa nghĩ đến tình yêu, cho nên tôi không hồi âm hoặc
viết lời cảm ơn ông Hoàng-Việt-Sơn. Ông Hoàng-Việt-Sơn chờ đợi mãi cho đến năm
1999, vô tình Ông đọc được tùy bút Tưởng Như Trở Về của tôi; trong đó tôi trích
dẫn vài câu thơ trong bài Tiếng Đàn Đêm Trung Thu của Ông. Sau đó, Ông viết một
bài điểm sách về tác phẩm Tưởng Như Trở Về. Ông tìm cách liên lạc với tôi và
Ông sáng tác rất nhiều bài thơ để tặng tôi. Ông đã nhờ người bạn thân của Ông –
anh Ngọc Hoài Phương, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Hồn Việt – xuất bản tập
thơ Nửa Đời Thương Đau để tặng Điệp-Mỹ-Linh. Ông yêu cầu tôi cho Ông gặp mặt.
Tôi từ chối, vì tôi nghĩ rằng tất cả đều đã muộn màng! Ông có con đường của
Ông, Ông đi. Tôi có con đường của tôi, tôi đi.
Chị có xúc động về
những vần thơ của ông Hoàng-Việt-Sơn hay không?
Dạ, thưa anh, có chứ. Tôi cảm nhận được tất cả.
Khi đọc những
câu thơ của Ông, tôi cảm thấy thơ của
Ông rất hay. Nếu là một phụ nữ, có thể tôi đã ngã lòng.
Thưa anh, tôi rất quý tấm lòng của ông Hoàng-Việt-Sơn. Tôi
cũng trân quý tập thơ Nửa Đời Thương Đau – và nhất là bài Thanh-Điệp Trường Hận.
Nhưng tôi không muốn gặp mặt Ông; bởi vì tôi nghĩ, suốt mấy mươi năm dài Ông đã
mang trong lòng một hình ảnh rất đẹp của tôi và Ông đã nghĩ đến tôi bằng tất cả
tình cảm tinh khiết, thánh thiện cho nên tôi không muốn Ông thất vọng khi Ông
thấy tôi bây giờ...
Vâng. Tôi nghĩ đó
cũng là tình cảm chung của nhiều người.
Trước khi được tin ông Hoàng-Việt-Sơn qua đời, tôi nhận được
bài Thanh-Điệp Trường Hận. Khi đọc bài này, tôi không nghĩ ngợi gì được nữa.
Tâm hồn tôi hoàn toàn tê dại!
Vâng. Tôi hiểu. Tôi
xin được đọc bài Thanh-Điệp Trường Hận để thính giả cùng chia xẻ. (Anh Thăng Long đọc trọn bài Thanh-Điệp Trường
Hận. Vì bài thơ rất dài, không tiện trích ra đây. Độc giả nào muốn đọc bài
Thanh Điệp Trường Hận, kính mời vào link này http://www.diepmylinh.com/td-truong-han) Đẹp! Những vần thơ tuyệt đẹp mà tác giả đã “ra
đi” vĩnh viễn. Tình cảm của chị dành cho người này chỉ qua những vần thơ thôi;
bởi vì “ván đã đóng thuyền”, phải không?
Tôi nghĩ, theo đạo Phật thì cái gì cũng do Duyên và Nghiệp.
Khi mà mình không có cái Duyên thì thôi!
Tình cảm và cuộc sống
của chị, sau khi chị thành hôn, có đem đến cho chị những điều chị mong muốn hay
không? Cả hạnh phúc lẫn sầu đau?
Gia đình nào cũng có những rắc rối, những lúc vui, những lúc
buồn. Như người Mỹ thường nói, gia đình nào cũng có những ups and downs thì gia
đình tôi cũng không thể thoát khỏi những bình thường đó.
Chị thuộc vào thế
hệ trước, chị nghĩ chị có bị ràng buộc vào những quan niệm xưa hay không?
Dạ, có. Tôi bị ràng buộc rất nhiều. Chính những ràng buộc đó
làm cho tôi khổ tâm nhiều hơn. Tôi không thể thoát ra được vì tôi đã được giáo
dục như vậy rồi – mặc dù sự chống đối âm thầm trong lòng tôi rất mãnh liệt.
Sang đây, sống
trong môi trường bình đẳng và tự do cá nhân, chị cũng vẫn còn bị ràng buộc và
chị không nghĩ đến sự thay đổi hay sao?
Thưa anh, chính sự bình đẳng và tự do cá nhân trong xã hội
Tây Phương đã giúp tôi hiểu rằng: Cuộc đời của một phụ nữ cũng có một giá trị
nào đó; còn ở Việt-Nam – ngày xưa – người đàn bà chỉ biết hy sinh, hy sinh cho
chồng, hy sinh cho con, hy sinh cho gia đình chồng, v.v…Người đàn bà không là
cái gì cả!
Nhưng, với địa vị
của chị, ngày trước, là một mệnh phụ phu nhân, một người trí thức, thuộc vào tầng
lớp cao của xã hội Việt-Nam, chị cảm thấy như thế nào?
Tôi bị dằn vặt giữa lý trí và trái tim. Sự dằn vặt này được
thể hiện trong tùy bút Chút Tình Để Lại. Trái tim của tôi muốn thoát ra, nhưng
lý trí của tôi trói chặt tôi lại.
Dường như hiện tại
chị đang ở trong tình trạng độc thân, phải không ạ?
Dạ. Đúng vậy.
Đúng như vậy thì,
ngoài những công việc hằng ngày, chị có những thú tiêu khiển nào?
Dạ thưa, tôi còn đi làm, mặc dù đã quá tuổi hưu. Về nhà, tôi
có con và hai cháu nội sống chung và một nhà lan. Tôi viết và thỉnh thoảng đàn
cho một mình mình nghe. Bao nhiêu đó tôi cảm thấy đủ hạnh phúc rồi.
Bây giờ, chúng ta
trở lại tác phẩm của chị với truyện Thầy Lân. Xin chị cho biết xuất xứ của truyện
này.
Thưa, truyện Thầy Lân cũng là một chuyện thật. Nhưng Lân
không phải là tên của Thầy. Thầy là một nhà văn.
Thầy dạy ở
Võ-Tánh, phải không?
Dạ không, Thầy dạy tại trường Cường-Để Qui-Nhơn, mỗi năm Thầy
vào Nha Trang chấm thi. Thầy biết tôi từ năm tôi học đệ lục, đệ ngũ chi đó.
Trong tác phẩm Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ, Thầy viết http://www.diepmylinh.com/td-truong-hancâu:
“...Điệp, con ông Ngữ, ở Nha Trang. Điệp
có nụ cười rất đầm và cái cằm chẻ đôi...” Ngữ là tên của Ba tôi.
Mối tình này cũng
không đi đến đâu, phải không, thưa chị?
Dạ vâng. Lúc đó tôi còn nhỏ quá.
Bây giờ Thầy và chị
đã liên lạc lại với nhau, đúng không?
Dạ, đúng. Những khi Thầy điện thoại thăm, Thầy thường đàn piano, hát hoặc chơi clarinette, saxophone cho tôi nghe.
Một trong những bản
nhạc mà Thầy đàn và hát cho chị nghe, chị còn nhớ tựa hay không?
Dạ, đó là bản Lady của Kenny Rogers.
Còn bài nào nữa
không?
(Giữa lúc Điệp-Mỹ-Linh còn bối rối, chưa nhớ ra thì giọng
hát nồng nàn của Elvis Presley văng vẳng với ca khúc Can’t Help Falling in
Love).
Tuyệt! Tuyệt quá! Anh làm tôi xúc động vô cùng!
Kính thưa quý
thính giả, đọc hết tác phẩm này tôi nhận thấy chị Điệp-Mỹ-Linh đã trích dẫn nhiều
bản nhạc rất hay, giá trị nghệ thuật rất cao. Tôi đã cố gắng tìm và trích những
phân đoạn đã được đề cập trong tác phẩm để lồng vào buổi nói chuyện hôm nay.
Chuyện tình cảm thì nói hoài cũng không chán. Buồn đó, vui đó, hạnh phúc đó,
đau khổ đó, nhưng rất là lý thú.
Một câu chuyện
khác cũng trong Trăng Lạnh. Tôi nghĩ bây giờ chị có thể nói tất cả những gì chị
nghĩ; vì đâu còn gì gò bó chị, đâu còn ai gò bó chị nữa phải không? Vậy thì xin
chị Điệp-Mỹ-Linh cho biết về câu chuyện Quà Cho Cha.
Truyện Quà Cho Cha phỏng theo những câu chuyện tôi thâu nhận
từ bạn hữu.
Của những người
khác chứ không phải phản ảnh phần nào từ cuộc đời của chị?
Dạ không.
Tôi ngạc nhiên, bởi
vì trong truyện Quà Cho Cha, những người bạn của chị sưu tầm những cốt chuyện
như thế này và những bản nhạc như Summer Time, những nghệ sĩ như John Contrane,
Marc Antone và những nhạc cụ như saxophone tenor, clarinette, v.v... chứng tỏ
những người bạn của chị rất giỏi về nhạc.
Thưa anh, tôi không lấy chuyện của mình để viết ra, ngoại trừ
trường hợp Tạ Lỗi với Người Thơ và Thầy Lân vì đó là những trường hợp khá đặc
biệt. Tôi thường góp nhặt những chi tiết, những dữ kiện từ bạn hữu rồi tôi xen
vào đó những hư cấu và những dòng nhạc mà tôi thích hoặc tôi cảm thấy thích hợp
với tâm trạng của nhân vật.
Tại sao chị đưa Quốc
và Lan để trình bày trong truyện Quà Cho Cha?
Thưa anh, tôi nghĩ anh còn nhớ, cách nay không lâu, đàn ông
Việt-Nam sống ở ngoại quốc đã ồ ạt về Việt-Nam cưới vợ. Tôi tưởng như đó là một
“phong trào”. Ngay như trong Paris By Night, họ phỏng vấn nghệ sĩ Tùng-Giang –
lúc đó Tùng-Giang mang bệnh ung thư gan – về hoàn cảnh gia đình của anh.
Tùng-Giang rất hãnh diện, trả lời đại ý rằng, tuy mang căn bệnh bất trị, nhưng
Tùng-Giang đã về Việt-Nam cưới một cô vợ rất trẻ và hai vợ chồng Tùng-Giang rất
hạnh phúc và có được một đứa con.
Nhiều người đàn ông ở hải ngoại đã sang băng Paris By Night
này ra làm nhiều cuốn rồi gửi biếu bạn hữu với lời nhắn: Tùng-Giang từng đó tuổi
mà còn “làm được như vậy” thì “tụi mình” tính sao? Và các bà vợ gọi đó là “cơn
sốt Tùng-Giang”. Cuối cùng cuộc đời của Tùng-Giang như thế nào, hẳn nhiều người
đã rõ.
Những ngày cuối đời của Tùng-Giang hầu như ai cũng biết;
nhưng những tan vỡ, những đau thương, những thống hận của rất nhiều người đàn
ông khác – cũng về Việt-Nam cưới vợ – thì ít người biết. Và truyện Quà Cho Cha
chỉ là một trong những chuyện ít người biết.
Đọc xong tác phẩm
này, tôi tưởng như có một sự uất ức nào đó gói ghém trong những câu chuyện này.
Hầu như trong tất cả các chuyện, hình ảnh người đàn ông được tác giả vẽ ra rất
tệ. Tại sao?
Thưa, tôi là một ngòi bút được rất nhiều cảm tình của phái nữ;
vì tôi hay “kể tội” mấy ông. Nhưng ngược lại, trong những tác phẩm khác, tôi
cũng “có công” nói lên sự chịu đựng gian khổ, sự hy sinh vô bờ của thanh niên
Việt-Nam trong cuộc chiến tương tàn. Tôi nghĩ, ngòi bút của tôi chỉ viết theo
những biến chuyển của xã hội Việt-Nam, bên này và bên kia bờ Đại Dương.
Nếu ai đọc xong cuốn
sách này, có thể họ không muốn lấy đàn ông Việt-Nam làm chồng.
Anh nói như vậy là chết tôi! Nam độc giả của tôi sẽ có ác cảm
với tôi và họ sẽ kết tội tôi.
Tôi nghĩ không ai
có ác cảm và cũng không ai kết tội chị. Chị chỉ giàn trải nỗi lòng của chị để
nói lên phần nào hoàn cảnh người phụ nữ trong xã hội Việt-Nam ngày trước “chồng
chúa vợ tôi”. Mấy mươi năm qua rồi, hy vọng rằng xã hội sẽ thay đổi và đến một
lúc nào đó người đàn ông và người đàn bà sẽ bình đẳng. Chị có nghĩ như vậy
không?
Tôi nghĩ sự thay đổi đã có trong cộng đồng người Việt di tản.
Còn ở Việt-Nam vẫn chưa thay đổi. Bằng cớ là có nhiều gia đình, bằng mọi cách,
phải tìm cho được một chàng rể Việt kiều. Đừng vội nghĩ rằng họ chỉ vì vấn đề
tài chánh, vấn đề bảo lãnh mà vấn đề chính là: Lấy chồng tại Việt-Nam, người
đàn bà vẫn bị hành hạ, bị bạc đãi, bị phản bội.
Vâng. Trở lại với
Trăng Lạnh tôi muốn nói đến truyện Mảnh Đời Di Dân. Trong Mảnh Đời Di Dân tôi
thấy nhiều sự đau khổ. Xin chị cho biết chị thu nhặt cốt chuyện này từ đâu?
Thưa, chàng Đại thì do bạn tôi kể; còn anh em chàng Hector
và Maria tôi dựa vào anh Mễ bán lan trong trại lan ở Sugar Land.
Tiếp đến là chuyện
Trăng Lạnh. Truyện này tôi đọc rất thích thú. Tôi tìm và trích được những phân
đoạn của những bản nhạc, ngoại quốc cũng như Việt-Nam, mà tác giả đã đề cập. Chị
có thể cho biết trong trường hợp nào chị viết truyện Trăng Lạnh?
Tôi viết truyện Trăng Lạnh vào thời gian tôi du lịch Alaska
bằng du thuyền. Tôi đến thành phố Juneau. Khung cảnh ở Juneau giống như khung cảnh
của Cầu-Đá Nha Trang.
Truyện này chị viết
ra nỗi lòng của chị hay là...?
Thưa anh, tôi có lồng tâm trạng của tôi trong đó. Và tôi
cũng đã lồng những kỷ niệm của tôi trong đó.
“...Đêm nghe tiếng
thở dài, đêm nghe những ngậm ngùi...” Chị nhớ tên tác giả không?
Dạ không.
“...Đêm từng đên
thức trắng, nhớ thương cuộc tình chìm trong hoang vắng. Ôi, cuộc tình bay xa vẫn
chưa phai nhòa…” qua tiếng hát của....
Diễm-Liên
Chị có nghe chương
trình của đài Little Saigon hôm nay không?
Dạ không, vì chủ nhật là ngày tôi tưới lan.
Tôi đã cố ý phát
thanh hai bản nhạc chị đã đề cập trong truyện này, nhưng vì muốn dành ngạc
nhiên cho chị nên không cho chị biết.
Ô, tiếc quá!
(Tiếng hát Diễm-Liên văng vẳng xa xa: “...Đêm từng đêm thức trắng, nhớ thương cuộc tình ngày mưa tháng nắng.
Ôi, tình yêu mong manh....”)
“...Kiều-Lam không
còn gì để nuối tiếc về một cuộc tình đầy giông bão ấy nữa; nhưng không hiểu tại
sao khi nghe đoạn nhạc này nàng vẫn không nén được tiếng thở dài!...” Đây có phải
là nỗi lòng của tác giả không?
Thưa anh, không. Khung cảnh Alaska đẹp vô cùng và gợi trong
tôi những kỷ niệm xưa. Diễm-Liên hát rất hay và thường trình bày những nhạc phẩm
tôi yêu thích. Tôi muốn đưa tiếng hát của Diễm-Liên vào tác phẩm của tôi.
Nghệ sĩ cũng như
nhạc sĩ, khi nghe một bản nhạc nào đó, họ để cả tâm hồn và thể xác của họ vào bản
nhạc đó và họ xem họ là vai chính của bản nhạc đó. Họ quên hết đời và chỉ biết
một mình mình thôi. Bởi vậy tôi thích dùng danh từ nghệ sĩ. Vì nghệ sĩ thường
có nhiều năng khiếu trong nhiều lãnh vực khác nhau. Họ đàn, họ hát, họ làm thơ,
họ viết văn, v.v...Như... nghệ sĩ Điệp-Mỹ-Linh.
Xin cảm ơn anh. Nhưng tôi bỏ đàn lâu quá rồi.
Chị bỏ đàn bao lâu
rồỉ?
Thưa, từ sau khi lập gia đình, khoảng hơn 40 năm.
Thỉnh thoảng tôi
cũng thấy chị đàn.
Dạ, có đàn thì cũng đàn vậy thôi chứ không bằng như xưa. Tôi
tập lại thì vẫn đàn được nhưng những ngón tay không được nhanh như xưa.
Tôi nhận thấy chị
chọn những bài lồng trong câu chuyện này thật nhiều cảm xúc, như: “...Lặng lẽ
đi tìm vết em đêm dài, nhịp nào gõ hồn tôi, cơn mưa dạt dào, vỗ về. Nhiều khi
tôi tìm trong ký ức muộn phiến bóng hình ai đã tan vào cõi huyền không...”
Dạ, đó là bản Vầng Tóc Rối.
Vậy Điệp-Mỹ-Linh
có “vầng tóc rối” không?
Thưa, tôi nghĩ, như lúc nãy anh đã nói, một nghệ sĩ khi nghe
hoặc khi trình bày một bản nhạc thì họ để cả tâm hồn vào đó. Như Michael
Jackson chẳng hạn. Khi anh chàng trình bày nhạc Rock thì anh chàng cũng Rocks dữ
dội lắm. Nhưng khi anh chàng hát những bản tình cảm êm dịu như Human Nature hoặc
Heal The World thì anh chàng cũng chìm đắm trong dòng âm thanh. Những lúc đó,
nhìn vào mặt Michael Jackson mình có thể thấy và hiểu được anh chàng đang nghĩ
gì và cảm nhận được gì từ bài hát mà anh chàng đang trình bày. Khi viết văn,
tôi cũng để hết tâm hồn của tôi vào tình cảnh của nhân vật.
Truyện kế tiếp là
Chút Tình Để Lại. Còn tình gì nữa không mà để lại, thưa chị?
Thưa anh, tùy bút này viết sau khi tôi du lịch Hawaii. Khi đến
Hawaii tự dưng tôi nhớ lại bản Good Bye Hawaii của Tino Rossi. Tôi nghĩ, nhạc
sĩ nổi tiếng một thời của Pháp – Tino Rossi – sau khi đi thăm Hawaii, đã để lại
bản nhạc Good Bye Hawaii; còn tôi, một người bình thường, tôi xin để lại một
chút tình. Chút tình đó là mối xúc động của tôi đối với chiến hạm Arizona. Chiến
hạm Arizona bị Nhật đột kích, đánh chìm tại Trân-Châu-Cảng. Đó là chút tình của
tôi.
Chị có nhiều tác
phẩm, vậy chị có gia nhập Hội Văn Bút hay không?
Dạ, ngay nhiệm kỳ đầu tiên khi Văn Bút Nam Hoa-Kỳ vừa thành
lập, tôi là Tổng Thư Ký. Nhiệm kỳ thứ hai, tôi là Phó Chủ Tịch. Khi nhà văn
Nguyễn Văn Sâm ứng cử vào chức vụ Văn Bút Hải Ngoại thì tôi trở thành quyền chủ
tịch Văn Bút Nam Hoa-Kỳ.
Rồi sao nữa?
Sau đó tôi không tham gia nữa. Lý do tôi “rút lui” là vì tôi
viết để cho vui thôi. Tôi chỉ muốn tìm đến bạn hữu, anh chị em cầm bút để cùng
chia xẻ, cùng vui chơi với nhau một cách thành thật. Nhưng khi tổ chức đó trở
thành một nơi để tranh dành địa vị thì tôi không thích nữa.
Chị không gia nhập
Văn Bút nhưng chị vẫn thích viết, vẫn thích thả hồn theo tiếng đàn, giọng hát của
những người mà chị từng mến mộ, như Diễm-Liên chẳng hạn, đúng không?
Dạ, đúng một phần. Tôi vẫn viết nhưng nghe nhạc thì tôi
không có thì giờ để nghe. Tôi chỉ có thể nghe nhạc, nhạc ngoại quốc cũng như nhạc
Việt-Nam, trong thời gian tôi lái xe đi làm hoặc trên đường lái xe về nhà, mỗi vòng
khoảng 50 phút.
Xin chị cho biết
lý do chị chọn tựa của truyện ngắn Trăng Lạnh để đặt tên cho toàn tập truyện?
Có phải vì chị ưng ý truyện Trăng Lạnh hơn những truyện khác hay không?
Thưa anh, không phải. Trăng Lạnh là tựa một nhạc phẩm do ông
Cụ của tôi sáng tác trong thời kỳ tản cư. Tôi mượn tựa nhạc phẩm đó đặt cho
truyện ngắn Trăng Lạnh của tôi. Sau khi hoàn tất tập truyện, tôi lại muốn mượn
tựa nhạc phẩm của Ba tôi đặt tên cho tập truyện để tưởng nhớ công ơn của người
Cha đã dẫn dắt tôi vào địa hạc âm nhạc và thế giới văn chương.
Vâng, xin cảm ơn
nhà văn Điệp-Mỹ-Linh. Chương trình đến đây xin tạm ngưng.
Xin trân trọng cảm ơn quý thính giả và xin cảm ơn anh
Thăng-Long.
THĂNG LONG
Đài Little Saigon, thực hiện