Trước khi sinh ra, tôi đã đi lại trên con đường này.
Hòa bình vãn hồi, dân tản cư trở về từ vùng chiến khu, dựng
nhà, cày ruộng, xây trường, tấp nập buôn bán, khởi đầu cuộc sống mới lam lũ
nhưng vui. Nhà đông con, mẹ tôi gánh hàng rong bán dọc quốc lộ Một cho đến ngày
sinh nở. Lớn lên, tôi theo bà vào ra đoạn đường từ thị xã đến Diên Sanh thăm dì
tôi lấy chồng ở Hải Lăng. Ngày hè, gió Lào miên man thổi, mẹ tôi dắt tay tôi
một tay giữ chặt nón, hai mẹ con vừa đi vừa bị gió thổi bay trên đường. Thỉnh
thoảng tiếng súng từng chặp dội về từ rừng, phía đường xe lửa bỏ không nhiều
năm, khuất trong cỏ lau trắng xóa. Tiếng tiểu liên carbine giòn giã, CKC gióng
một bắn tỉa, Garand chát chúa. Nhưng nhiều năm súng đạn đã trở thành quen
thuộc, trong cái bóng đổ dài của chiến tranh, cỏ vẫn mọc, người ta vẫn phải
sống, và nhiều khi sống hạnh phúc.
Trước giờ đi học, tôi được mẹ giúi cho hai mươi đồng để ăn
bánh mì xá xíu trưa ở lại trường, mười đồng đi đò ngang, từ làng qua thị xã.
Tôi nhịn ăn dành tiền thuê kiếm hiệp. Mê đuổi theo số phận nhân vật, đôi khi
tôi xài tạm tiền đò, vậy là tan trường, mùa hè cởi áo quần bơi qua sông về nhà.
May nước không sâu lắm, nhưng có khi cũng uống đầy bụng. Trời nắng gió, bước
lên bờ tóc đã khô. Đó là những bài tập bơi của tôi.
Thực ra, có một nỗi lo âu vần vũ xóm làng khi xảy ra chạm
súng giữa dân vệ hay nghĩa quân của xã, địa phương quân của tỉnh và các toán du
kích từ rừng về đánh lô cốt, phục kích viên chức chính quyền, hay chuyển hàng
tiếp tế. Có lần, trên đường đi học tôi nhìn thấy một cái xác quần đùi ở trần
với những bao thuốc lá Ruby đỏ, Cotab trắng, Melia vàng rơi vương vãi, máu
nhuộm chúng đã khô, không ai dám nhặt.
Nước mắt cũng mau khô. Nỗi sợ hãi chóng qua, không khí yên
bình tái lập. Lực lượng dân vệ, nghĩa quân hoạt động mạnh, gây cảm giác khá an
toàn trong vùng bao quanh thành phố và khu trù mật. Làng tôi bên sông đối diện
với thị xã, chiều chiều ánh điện chiếu xuống mặt nước soi lên tuổi mới lớn.
Những đứa trẻ mới lớn hay mơ mộng, thích đọc truyện tình và trinh thám kiếm
hiệp, cả hai đều lãng mạn, kiểu khác nhau. Hồi ấy ở miền Nam có phong trào thuê
truyện, nhất là giới học trò. Các hiệu cho thuê phát triển, truyện kiếm hiệp
Kim Dung, Ngọa Long Sinh, trinh thám Z.28, 007, truyện xã hội Dương Hà, Sĩ Trung,
Bà Tùng Long. Tôi có nhiều địa điểm thuê truyện, nhưng trong một con hẻm nhỏ ở
gần chùa Tỉnh hội, chạy sát bên thành cổ Đinh Công Tráng, dọc theo đầm nước có
nhiều hoa sen nở trắng vươn lên dưới vòng rào kẽm gai, một hôm tôi tìm ra địa
chỉ thú vị. Ở đầu ngõ hẻm có cái bảng nhỏ đề “Cho Thuê Truyện”, ba chữ sơn xanh
nền đỏ, đập ngay vào mắt, mà dù không có cái bảng sơn xanh đỏ ấy, dù chỉ là
hàng chữ li ti thì những đứa mê truyện như tôi cũng không bỏ sót. Một ngày, đi
học tan trường về, tôi nhìn thấy nó từ sau chiếc cột điện, tôi đứng ngẩn người.
Con hẻm sâu, đi loanh quanh một chặp, ở dưới hiên lợp mái tôn của những ngôi
nhà lụp xụp, mới cất, của những người từ vùng phía Nam sông Bến Hải, Dốc Miếu
chạy giặc giã sau cuộc bình định Ấp chiến lược, dựng tạm. Bên những đứa trẻ da
xanh mét mặc áo hở rốn, quần đùi, là những thiếu nữ phấn son lòe loẹt. Tôi
không chú ý lắm, vì thời ấy đầu óc còn nghĩ đến thú chơi như câu cá, bắt chim,
coi phim cọp và những cuốn sách. Quán là căn nhà nhỏ, phía trước rộng có cái tủ
cao mắt lưới, bên trong bày những gáy sách hấp dẫn. Giữa hai chiếc cột lớn là
cái võng dù xanh, một người đàn bà còn trẻ thường nằm ở võng cho con bú, khi có
khách vào thì mới đứng lên tới phía sau tủ sách, lụi cụi ghi chép. Nhiều lần
quen thuộc, tôi biết chị có chồng là đi lính hay xa nhà. Chị có hai hoặc ba đứa
con nhỏ, quê Gio Linh, gần cầu Hiền Lương, chạy vào thị xã mới vài năm trước.
Chị ít nói, mặt không bao giờ trang điểm nhưng có nét đẹp kín đáo, dịu dàng,
tần tảo. Nghề cho thuê truyện không phải là nghề khá giả, nhưng thích hợp vì
chị có con nhỏ. Trong tủ có nhiều loại sách, truyện chưởng và tiểu thuyết văn
học, từ Phi lạc sang Tàu của Hồ Hữu Tường đến Mối tình màu hoa đào của Nguyễn
Mạnh Côn, từ Mèo đêm của Nguyễn Thị Thụy Vũ đến Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã
Ca, tôi nhớ một đoạn: Hãy mang tất cả về đêm nay cho tôi thấy. Cho ba tôi thấy.
Cho em Kim tôi thấy. Cho chị Hạnh thấy. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Gửi gì
không.
Tủ sách của chị ngày một lớn, đầy ắp, khách ngày càng đông,
bọn nhóc. Có lúc tôi vào nhà không có ai, ở cửa con chó nhỏ không sủa. Tôi đi
lui đi tới nhiều lần, mỏi chân, nằm lên chiếc võng dù êm ái cho đến khi chủ nhà
về. Lâu riết thành quen. Tuần nào thứ bảy tôi cũng ghé để tìm đọc một hai cuốn.
Tôi đi tìm những thú vui trong chữ, trên giấy, ở ngoài cái thế giới mà tôi đang
có, khốn khổ, chết chóc, thế giới có thực ấy cũng đẹp lạ thường nhưng nguy hiểm
lạ thường. Tôi đi tìm những con đường khác của đời sống.
Đối với tôi, cuộc đời vừa mới đến.
Nhưng vội tàn. Ngày lễ Phục sinh, thứ Sáu 30 tháng 3 năm
1972, hàng chục ngàn quả đạn pháo từ Vĩnh Linh, bờ Bắc sông Bến Hải, bắn qua
giới tuyến, phủ chụp các căn cứ Ba Hồ và Đầu Mầu phía Tây, Cửa Việt và Quán
Ngang phía Đông, Cồn Tiên và Dốc Miếu phía Bắc, khởi đầu chiến dịch Xuân Hè.
Sau cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân 1968 bất thành, lực lượng du kích rút sâu
vào rừng núi, tình hình nông thôn tại Quảng trị, Thừa thiên khá yên tĩnh nhiều
năm. Nhưng lần này là cuộc tấn công trực diện của quân chủ lực miền Bắc: các
đoàn xe tăng tràn qua sông Bến Hải tiến về Đông Hà. Các loạt pháo kích dồn dập
dọn đường cho bộ binh theo sau, được bảo vệ bởi các hỏa tiễn đất đối không từ
vùng phi quân sự. Hòa đàm Paris dự trù mở trở lại vào tháng 7 năm 1972, cả hai
bên đều tăng cường hoạt động để giành thế mạnh. Ba ngày sau, thứ Hai 3 tháng 4,
quân miền Bắc đẩy lùi các phòng tuyến bảo vệ của quân miền Nam, tràn qua Cam
lộ, nơi có con đường 9 huyết mạch chạy từ Đông hà qua Lào. Sự viện trợ của
không lực Mỹ rất giới hạn, phần do thời tiết mây mù, phần do các mệnh lệnh nào
đó, gần như bất động trong thời gian này. Quân miền Nam tổn thất nặng, rơi vào
hỗn loạn. Căn cứ Cồn Tiên, Mai Lộc thất thủ. Cầu Đông Hà bị giật sập làm chậm
bước tiến đối phương nhưng cũng chỉ được vài ngày. Dân chúng và chính quyền địa
phương rút chạy về phía Nam.
Gia đình tôi vào Huế, ở tạm nhà dì tôi bên Đập Đá và nhà chị tôi trong thành
Nội, gần trường trung học Hàm Nghi, ngôi trường đẹp thơ mộng có nhiều phượng
nở. Ngày 3 tháng 4, khi chúng tôi đang ở Huế, trên vô tuyến truyền hình, tôi
thấy tướng Hoàng Xuân Lãm tư lệnh vùng 1 kêu gọi phản công trên các mặt trận.
Ngày 6 tháng 4, hỏa tiễn và moọc chê bắn vào Đông Hà. Không chỉ vùng giới
tuyến, trong tháng Tư này, trên nhiều mặt trận khác ở miền Nam lửa cũng cháy
bừng bừng. An lộc bị vây hãm. Giữa tháng 4, trung tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn
11 nhảy dù Nguyễn Đình Bảo tử trận, căn cứ Charlie ở Kon Tum tan vỡ. Sau đó
tình tình địa phương trở nên lắng dịu. Hai tuần lễ yên tĩnh, một số dân chúng
từ Huế, Đà nẵng lần lượt trở về nhà. Cha tôi mang tôi về quê, nhưng để các anh
chị tôi ở lại Huế, vì ông cần trình diện công sở. Đến ngày 27 tháng 4, tình
hình lại thay đổi, với các cuộc tấn công từ rừng núi phía Tây vào căn cứ Ái Tử
của sư đoàn 3 bộ binh. Ngày 28 tháng 4, Đông Hà thất thủ. Bộ tư lệnh sư đoàn 3
rút qua sông Thạch Hãn về thị xã Quảng Trị. Do phối hợp kém, cầu Ga bắc qua
sông Thạch hãn bị giật sập trong khi các toán quân cuối cùng của sư đoàn này và
nhiều chiến xa, đại bác chưa kịp qua cầu. Các vũ khí nặng bị phá hủy bên bờ
Bắc, trong làng tôi, gây những tiếng nổ làm dân chúng đã sợ hãi còn khiếp đảm
hơn. Trên bến đò Nhan Biều tôi qua lại mỗi ngày, những chiếc xe quân sự chúc
đầu xuống nước nghi ngút bốc khói, mặt sông dầu loang loáng xanh lè. Ba tháng
nữa sẽ loang màu đỏ. Một ngày sau, trưa 29 tháng 4, xe tăng và bộ binh Bắc quân
bắt đầu tiến qua sông. Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến, đơn vị thiện chiến nhất
của sư đoàn 3, buộc phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Tướng Vũ Văn Giai tư lệnh
sư đoàn rời khỏi cổ thành phút cuối nhưng không thể đi xuyên qua đám dân chúng
dày đặc trên đường; lực lượng yểm trợ của Mỹ phải gởi trực thăng tới chở ông ta
và đoàn tùy tùng rời khỏi cổ thành Đinh Công Tráng. Lữ đoàn 147 rút theo đường
số Một đến bờ Nam sông Mỹ Chánh, bị pháo kích nặng nề trên đường đi.
Ngày 1 tháng 5, quân miền Bắc chiếm thị xã Quảng Trị. Dân
chúng tiếp tục ra đi trong hoảng loạn. Họ chia làm hai ngả, trên đường quốc lộ
mới hoặc rẽ xuống đường quốc lộ cũ, phía biển, từ ngã ba Long Hưng đến chợ Diên
Sanh. Quảng Trị nhiều cát, nhiều sông, nhiều rừng, vì vậy chỉ cần đến bìa rừng
là đã đặt đường quốc lộ chính vào tầm mắt, lọt vào tầm đạn. Khi các đơn bị địa
phương quân bảo vệ các trục lộ giao thông rút đi, quân miền Bắc dễ dàng đưa
súng lớn vào trong một đêm. Một vài khẩu đại bác từ trên các đồi cao, gần các thôn
Trường phước, Trường thọ, Diên Sanh, từ sau nhà thờ La Vang, từ các điểm cao
của vùng Như Lệ, Tích Tường có hồ nước mơ màng, thừa sức uy hiếp đoạn đường từ
thị xã vào Huế. Hình như họ đã kiên nhẫn chờ và tìm cách dùng bộ binh để đẩy
lui đoàn người tị nạn. Đến một lúc không thể ngăn cản được, họ đã nổ súng, đạn
đại bác rót ngay vào giữa mặt đường lộ, trên đầu những người di tản. Ba tháng
sau, các lực lượng Nhảy dù và Thủy quân lục chiến phản công từ phía Nam cũng đã
đi qua đoạn đường này, đếm được nhiều bộ xương khô còn sót lại.
Dọc đường số Một có những bãi cát trắng và rú thấp, khô cằn, nhưng khi đi sâu
vào làng mạc phía Đông, phía biển, sau những đồi cát đầu tiên, cảnh tượng khác
hẳn, bạn lại thấy quê hương gió mát trăng trong, nhiều tôm cá. Dưới tác động
của gió Lào, cát thay đổi mỗi ngày, từ sáng đến chiều một rú cát bỗng dưng biến
mất, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau một rừng cây lúp xúp bỗng bị che phủ,
vì vậy trong vài ngày những xác chết vô thừa nhận chưa kịp bốc mùi đã vùi sâu
trong cát. Gió Lào thổi rào rào qua trảng cỏ, cát bay đầy mặt, đầy người, ngứa
ngáy, đau buốt. Trên những cánh đồng sau đồi, lúa đã vào mùa sắp chín, trái cây
nở rộn ràng trong các khu vườn rộng líu lo chim hót của Gio Linh, Triệu Phong,
Hải Lăng, Quảng Điền, Phong Điền.
Tiếng đại bác rít trên đầu chúng tôi, tiếng nổ gầm vang,
lửa, khói dày đặc, tiếng la hét, í ới, tiếng than khóc, tiếng rên rỉ, hoảng
hốt. Đạn bắn rất gần, tiếng súng chống tăng M72 của quân miền Nam, B40 của quân
miền Bắc, súng cối, tiểu liên AK 47 đinh tai, M16 sát thương khủng khiếp. Đoàn
người chạy ngược lại từ cầu Trường Phước, khi tới cầu Bến Đá, cầu cũng vừa bị
giật sập. Chúng tôi cùng với một số người bơi qua sông. Tôi và cha tôi chạy qua
những rú, những truông, cỏ lau mọc phất phơ cao ngất, những bụi dứa trái chín
vàng ươm, những đồi sim tím, muồng muồng đen, tre cào xước mặt, mây quấn lùng
nhùng, chạy qua những căn nhà dân chúng hấp tấp ra đi bỏ lại. Khi ngó xuống,
đôi dép sứt quai, hai bắp chân tôi đầy máu vì gai nhọn. Chạy qua một căn nhà
trống, gió thổi tơi bời phên liếp, trước cái cột nhà đen bóng, cha tôi dừng
lại. Tôi nhìn qua vai ông, trên cột treo tấm lịch hiệu Quán thế âm bồ tát của
Khuôn hội Phật giáo, có những tờ xé ra từng ngày. Tờ lịch đứng lại ngày 30
tháng 4. Đó là ngày hôm qua. Một ngày đang còn in dấu tay của người chủ nhà.
Chúng tôi dừng nghỉ một lát, nghe tiếng súng nổ xa xa. Tôi đứng đó, nhìn vào
con mắt thăm thẳm của thời gian. Thời gian nhìn trả lại. Sau cửa sổ, qua vai
cha tôi, đọt lá ổi non chấp chới nắng lay động ngoài vườn.
Có một nỗi sợ hãi khủng khiếp khi bạn chạy lạc, lọt vào tầm
đại bác, úp mặt trên cỏ, thân xác phơi ra, không có gì bảo vệ, tiếng depart,
tiếng đạn réo trên đầu. Bạn biết bạn sẽ chết. Nhưng chết là khái niệm trừu
tượng, siêu hình, sự kết thúc đời sống, cái quan tài, hàng nến lung linh, nước
mắt người thân, hư vô, kiếp sau. Cái chết của chiến tranh không phải thế, không
kết thúc, đó là sự bắt đầu. Bạn bắt đầu bước xuống tầng hầm tối đen địa ngục,
bạn khởi sự đoạn đời khủng khiếp, sợ hãi kêu thét một mình, không ai nghe,
không ai biết, bạn kêu gào xin kết thúc, không có tiếng lắc chuông của Địa tạng
vương bồ tát, chỉ những bông hoa sim tím bên đường giữa cát trắng dội lại tiếng
than khóc của bạn, dội đi dội lại âm thanh ngày cuối cùng. Bạn lớn lên bao giờ
cũng tin rằng cá nhân mình là ngoại lệ, mọi người có thể phạm tội ác nhưng bạn
không thể phạm tội ác, mọi người có thể rơi vào thảm họa nhưng chính bạn không
thể rơi vào thảm họa, người khác có thể phản bội nhưng bạn không phản bội,
người khác có thể đạp phải mìn mất một bàn chân nhưng bạn không thể dẫm phải
mìn mất một bàn chân trong một ngày sương còn đọng trên cỏ ướt.
Giữa xác thường dân, thỉnh thoảng chúng tôi gặp xác những người lính, những
người bộ đội, bên súng cối, súng AR15, súng phóng lựu dài ngoằng. Không chỉ
pháo kích, các trận đánh phục kích bên đường cũng diễn ra ác liệt, súng bắn
vòng trên đầu, súng bắn ngang. Cha tôi cầm tay tôi chạy hốt hoảng giữa đoàn
người, một số chạy về phía Nam tìm vợ chồng con cái thất lạc, một số chạy về
phía Bắc khi gặp pháo kích. Tôi lạc mất cha tôi, giữa những cái xác. Đêm tôi
thức dậy một mình, nằm trong một cái hố cát nhỏ trong vườn cách xa quốc lộ vài
chục mét. Có một tấm vải bạt đắp ngang người tôi, như thể tôi đã kéo xuống từ
một cái chòi nào đó, hay là một người nào bí mật đã đi ngang qua và đắp cho
tôi. Đêm mùa hè, sao trời sáng rực, nhiều như hoa đăng, sáng đến nỗi bạn có thể
nhìn thấy rõ đường chỉ tay. Gió Lào bắt đầu ngừng, xen lẫn với gió nồm từ biển
vào đem theo hơi mát, mùi muối mặn, mùi máu mặn. Xa xa con đường số Một nằm trơ
trụi, về phía đường xe lửa là rừng rú, về phía Đông là đồng bằng, càng đi xuống
làng mạc càng đông đúc. Tôi ngồi dậy, mỏi rã rời, lắng nghe tiếng ve sầu bàng
bạc lưng chừng cây như khóc than, báo cho tôi biết rằng đây không phải là nơi trú
ẩn an toàn. Bạn phải chạy đi, quê hương không còn là nơi trú ẩn an toàn. Tôi
nhắm mắt lại.
Ba.
Papa.
Tôi gọi khẽ.
Không tiếng trả lời.
Hồi nhỏ, tôi gọi cha tôi là Papa, vì ông là thầy giáo Pháp
văn, dạy tôi tiếng Pháp thời vỡ lòng. Bạn mười mấy tuổi, những năm đẹp nhất
đời, vầng trăng tròn vừa ngự trời cao lồng lộng. Bạn từng sống ngày hạnh phúc,
quê hương của bạn kịp thấy trời rạng đông, phảng phất thứ tai ương mới đầu bạn
tưởng mình không hề nhúng tay vào, thật ra bạn có nhúng tay vào. Khi không
người nào chịu trách nhiệm thì tất cả mọi người đều chịu, sự hủy hoại của chiến
tranh trong khi cày xé mặt đất cũng bẻ vụn tâm hồn, biến chúng ta thành người
khác, tàn nhẫn hơn, khôn ngoan hơn, điên cuồng hơn. Giữa chiến tranh, không có
một niềm hy vọng nào cả, tôi nằm đó, nhìn sao, qua những cành lá, cỏ may, cỏ hổ
ngươi, một nỗi buồn rầu xen lẫn giận dữ từ từ dâng lên như khi bạn đi vào giấc
mộng, cánh cửa sập lại đằng sau và bạn sống với những quy luật khác. Trong căn
phòng của quy luật khác ấy tôi đi lại một mình, dùng một ngôn ngữ không ai
hiểu. Tôi còn trẻ quá, nhưng chỉ vài năm nữa thôi nếu chiến tranh tiếp diễn,
tôi sẽ phải cầm súng. Đây là đất nước tôi, đây là ngày mai, nhưng tôi chẳng có
tiếng nói, không ai có quyền quyết định trước số phận, một nửa dân tộc biết rõ
như thế, một nửa chưa biết điều ấy, nhưng không một người nào có quyền quyết
định số phận mình. Tại sao nằm giữa chiến tranh, kề cận cái chết, tôi lại nghĩ
những điều mông lung, tôi muốn nghĩ một điều gì để quên đi hiện tại, tôi muốn
ghi nhớ vì ngày mai xóa sạch ngày hôm nay. Máu sẽ ngừng chảy, nước mắt sẽ khô,
người sống sẽ chết, đứa trẻ đi lạc sẽ trở về nhà, thời gian trở thành kẻ dối
trá. Để có thể sống bình thường, mỗi người đều phản bội chính mình, như một
người mẹ vừa khóc đứa con trên tay, vài ngày sau đã phải áo quần tươm tất ra
đường. Chỉ có đất nhận lại lỗi lầm của chúng ta, uống lại máu chúng ta, như
chiếc nôi xưa nhận lại hài nhi.
Nếu đời sống trước mùa hè ấy không đáng yêu đến thế, nếu con người tự do không
hạnh phúc đến thế, nếu ngày vui chim đã không hót vang trong bụi trúc, thì đêm
ấy tôi đã không muốn khóc. Vì nỗi thương tiếc chẳng làm nên tích sự gì, bọn bạo
chúa chẳng bao giờ tin vào quyền lực của tiếc thương. Nhưng tôi đã bơi qua dòng
sông cùng với cha tôi, rồi thất lạc, rồi bơi một mình qua dòng sông khác, đã
nhìn thấy những xác chết đen nhẻm trên đường, đã cầm mảnh đạn pháo nóng hổi màu
xám trên tay, mùi kim khí khét rẹt, mùi thịt người cháy xém trong không gian,
tôi đã thấy một cánh tay vắt vẻo trên cành tre cao ngất, chim chào mào hay về
đậu, đã thấy hàng ngàn người chạy trên đoạn đường chín cây số, đã nhìn thấy một
cây cầu đổ ụp phía chân trời.
Bạn có bao giờ nhìn thấy một cây cầu đổ?
Khi chúng tôi vừa vượt qua cầu Bến Đá về phía Bắc được vài
trăm mét thì có tiếng nổ lớn, mọi người dừng lại, ngoái đầu, một cột nước cao
ngất, tồi đám khói bốc lên, bụi mù, cây cầu bằng sắt đen từ từ nẩy lên rồi chúi
đầu xuống ở giữa dòng. Chậm đến nỗi bạn biết điều ấy không có thật. Sau nhiều
giấc ngủ chậm chờn, những giấc mơ ngắn, mồ hôi ra đầm đìa, tôi ngồi dậy, từ
trong cái hố cát nhỏ trong vườn bên đường số Một nghe ngóng, nhìn lên mặt
đường. Tôi ngạc nhiên về im lặng, về tỉnh thức xen lẫn sợ hãi, đôi khi sợ hãi
lớn đến mức che mờ ý thức, người tôi run lên từng chập, tôi chỉ muốn chết để
kết thúc sự đau khổ ấy, nhưng nhiều khi ý thức trở lại xua sạch nỗi sợ hãi. Vào
lúc ấy, bầu trời sáng bừng, khổ đau trở nên hiểu được, nỗi bơ vơ mất cha lạc mẹ
trở nên chịu đựng nổi, dù tạm thời. Chân tôi dầm trong cát mát lạnh vì sương
đêm, cơn đói tới dồn dập. Tôi bò quanh tìm trái mít rụng, tìm dễ dàng nhờ mùi
thơm. Đó là một trái mít ướt vừa rơi, múi còn nguyên, tôi úp mặt xuống, ăn ngấu
nghiến, nuốt hết nước mũi nước mật hòa nhau.
Khi đã no, tôi bắt đầu nghe tiếng dế kêu trong cỏ, con dế
nào vừa ra khỏi hang đi tìm bạn. Hai tay tôi cầm chặt cái vỏ mít đầy gai nhọn.
Có một lúc tôi nhận ra nỗi đau khổ của tôi lớn đến nỗi không một lý thuyết nào
có thể giải thích được, có thể tự chứng minh sự đúng đắn của nó. Chiến tranh
không chỉ là vết thương súng đạn, mà còn là con đường dẫn tới mọi ảo tưởng, ảo
giác, dẫn một dân tộc vào mê lộ ở đó đúng và sai lẫn lộn, thắng và bại lẫn lộn,
trước và sau lẫn lộn, một dân tộc, không trừ một người nào, như những người bị
kiếm sắc đâm vào mắt, mù lòa, dẫn nhau đi sờ sẫm trong hang động, như trong
tiểu thuyết của Kim Dung. Chúng ta sẽ không còn yêu ai nữa nếu chiến tranh tiếp
tục. Vì tình yêu cần một cấu trúc vật thể như linh hồn cần thân xác, như tín
ngưỡng cần nơi thờ phượng. Trong một thời kỳ đầy rẫy những lý tưởng, mỹ ngữ, xảo
ngữ, cuộc chiến tranh đã bắt đầu từ lâu trước khi tôi ra đời, sự đau khổ này
tuy diễn ra đột ngột, với nhiều người là kết cục tất nhiên của nhiều năm tháng
lầm lỗi của dân tộc, không trừ một ai, ở đó sự hỗn loạn lấn át trật tự, sự độc
ác chiến thắng tình người. Nỗi hối hận gõ cửa, đến tìm thăm nơi cội nguồn của
bạn, nhưng bạn lúc ấy đi xa, không bao giờ biết. Những nạn nhân của bạo lực bao
giờ cũng chết trước khi bạn trở về, không bao giờ kịp kể lại câu chuyện của họ,
trước đây vẫn thế, sau này sẽ thế. Bất cứ một gia đình nào cũng vừa có người
thuộc phía miền Nam vừa có người thuộc phía miền Bắc, bất cứ một gia đình nào
cũng có người thân dù gần hay xa bị Pháp tra tấn hay bị Việt Minh chôn sống.
Tội ác và dối trá của người Việt đối với nhau không bao giờ chịu kém hơn tội ác
và dối trá của người ngoại quốc, trong chiến tranh, sau chiến tranh.
Khi tôi cầm tay cha tôi chạy trên đoạn đường khỏi cầu Bến Đá, tôi không ngờ
rằng tôi sẽ mất người. Những buổi chiều ngồi trên võng tôi la đà đọc, nhẩn nha,
theo dõi tâm sự của Kiều Phong, sự lầm lỡ của Nhạc Linh San, cuộc phiêu lưu của
Tiêu Lĩnh Vu. Đang học ban toán, tôi bỏ bê, bài tập về nhà không chịu làm. Vì
có thói quen học trước lớp vài chương nên bài vở của tôi chưa thay đổi, giáo sư
không biết, nhưng tôi biết. Tôi biết nguồn kiến thức của mình cạn dần vì nhiều
tháng đem xài hết. Năng lượng của một đứa trẻ mới lớn đã dành theo kịp những
đoạn đường mạo hiểm ra Băng hải đảo của Trương Vô Kỵ, những thế võ của Mộ Dung
Phục. Ngược lại tôi nhận được một thứ năng lượng kỳ lạ không tên của trí tưởng
tượng, của những ước mơ run rẩy, tuy chẳng có ích gì cho môn toán của tôi trước
mắt, nhưng về lâu dài cũng có thể đã gieo vào lòng thói quen suy nghĩ mông lung
chẳng đâu vào đâu, đối với nhiều người là vô tích sự, đối với một số ít khác là
có thể dùng được.
Chẳng bao lâu bạn sẽ mất tất cả.
Nhưng bây giờ bạn có hết. Ngõ hẻm, chị chủ nhà đứng chờ sau
tủ sách, nở nụ cười buồn rầu, cây bút chì trên tay chậm chạp ghi tên bạn lên
cuốn tập học trò. Người đàn bà ấy ghi thật chậm vừa chép vừa đánh vần, đôi khi
đọc thành tiếng. Như vậy tôi có cả buổi chiều, cơn mưa đám mây, bến đò ngồi
đợi, chuyến đò cuối cùng ngày thứ Bảy, chiếc võng trước hiên nhà, dưới dàn
thiên lý hoa thơm mà mẹ tôi hay nấu canh khá ngon, và nếu may mắn, trong tủ bếp
có một thứ gì đó để nhâm nhi mà các chị tôi thường để lại cho em trai út, kẹo
bánh, đậu phụng, bắp nướng. Tôi nằm trên võng, trong im lặng của vùng quê yên
tĩnh, như có chiến tranh mà như không có chiến tranh. Một ngày tròn trịa như
chú gà non mới nở từ quả trứng, vừa nhảy ra kêu chim chíp trên sân. Rồi nó bỗng
vươn cánh, xòe rộng, bay đi mất.
Tôi sống giữa những nhân vật phiêu lưu, và những nhân vật
ấy, người tay đao tay kiếm, người súng lục rút nhanh như chớp. Một thiếu niên
khí phách dám xông vào sơn trang mà chủ nhân là kẻ tà đạo, tất nhiên. Trong
cuộc diện kiến quanh bàn tiệc trên tầng tháp cao, khi mọi người trổ tài khuất
phục người khác, chàng chẳng làm được gì cả. Chàng ngồi đó, khiêm tốn và nhẫn
nại, như lịch sử. Cho đến khi chẳng đặng đừng, liền cầm tách trà bằng sứ lên
thuận tay liệng ra cửa sổ. Thiếu nữ đem lòng yêu chàng, có mặt ở đó, lấy làm
ngao ngán về môn công phu quá ư tầm thường. Tôi cũng ngạc nhiên, thất vọng. Câu
trả lời tất nhiên thuộc về tác giả, ở chương sau, trong một cuốn sách khác hình
như Sài Gòn chưa kịp in, hay chị chủ nhà cho thuê chưa kịp mua về. Tôi không
biết, chỉ nhớ tôi đợi dài cổ xem chương tiếp, không ngớt thắc mắc về số phận
nhân vật.
Số phận của tách trà bị ném qua cửa sổ ở tầng tháp thứ mười
ba.
Nhưng chương kế tiếp không bao giờ đến, trang sách bị xé
rách, tan hoang. Tôi sống lẫn lộn giữa ký ức và tương lai, giữa bùn lầy nước
đọng của nghèo khổ và ánh điện, đèn chớp tắt xanh đỏ, giữa ảo tưởng của hiện
tại và nỗi mơ hồ của tương lai, giữa cái đẹp và tội ác. Văn học làm giàu trí
tưởng tượng chừng nào càng làm chúng tôi xa rời sự thật chừng ấy, một thế hệ
lớn lên mơ mơ hồ hồ, chẳng biết trong chiến tranh phía nào là đúng, phía nào là
sai. Cả một dân tộc, hay ít nhất một nửa, như mê đi, như khờ dại, một tâm trí
văn hóa mù mờ lẫn lộn, không thực tế, không sẵn sàng trả lời các vấn nạn trước
mắt. Nhưng đó là việc bây giờ nhìn lại, thời ấy chỉ thấy thanh bình, thấy đẹp.
Những nhân vật kia, kẻ trọng nghĩa khinh tài, người đại gian ác, kẻ tu luyện
nhiều năm, người con nhà lành rơi vào đáy vực, những anh hùng thiếu niên, những
kỳ nữ diễm lệ, ai cũng biết khóc cười như chúng ta. Có muôn ngàn lý do để giải
thích cuộc chiến tranh, biện hộ cho sự bắn giết, hủy hoại. Nhưng từ mấy chục
năm nay, có bao giờ dân tộc chúng ta đi chệch khỏi con đường dẫn nó xuống vực
thẳm đâu?
Tờ mờ sáng hôm sau, đã yên tĩnh, tôi đi ngược về phía Bắc, giữa mùi thuốc súng,
mùi bánh xe hơi và nhựa đường cháy khét, chạy lúp xúp bên đường. Sắp tới ngã ba
Long Hưng gần con đường rẽ ngược lên phía nhà thờ La Vang, tôi nhìn thấy một
xác chết nằm ngay trên vệ cỏ, khuất sau một chiếc xe đò bị bắn cháy. Vì chiếc
xe chắn ngang mặt đường, tôi phải đi vòng ra sau một đám cỏ khá cao. Đó là một
người phụ nữ trông hãy còn trẻ, một tay vòng trên bụng, một tay xoải ra, bàn
tay khuất trong cỏ như một người đang ngủ. Hai ống quần rách tươm để lộ bắp
đùi.
Vì sao người dân rùng rùng bỏ chạy, không ở lại với ruộng
đồng phố thị của mình, người Gio linh bỏ khu phi quân sự chạy vào Đông hà,
người Đông hà chạy vào Quảng trị, người Quảng trị vào Huế? Một đặc điểm của du
kích là chỉ tấn công các lực lượng quân sự, hầu hết không chủ trương tàn sát
dân lành hàng loạt, dễ hiểu là vì họ cần thu phục cảm tình của dân chúng; tuy
nhiên, khi nào đám người ấy bị mắc kẹt giữa các mục tiêu quân sự, thì họ cũng
sẵn sàng hy sinh dân lành, có khi bất chấp mọi giá để giành chiến thắng. Trong
hoàn cảnh thuận lợi, người ta có tâm lý thận trọng, nhưng khi bối rối, lối hành
xử bạt mạng như pháo kích bừa bãi dễ xảy ra. Có lẽ chiếc xe đò của chị đã trúng
phải mìn hay B40 và nhiều người chết vì sức ép, tôi chỉ đoán thế. Trên người
không một vết thương nào khác. Khi sắp bước đi, tôi bỗng giật mình, quay lại
nhìn khuôn mặt một lần nữa. Tôi đau nhói như bị bắn vào ngực. Dáng người và
khuôn mặt ấy, tôi không thể lầm, đó là chị chủ nhà tiệm cho thuê truyện mà tôi
vẫn gặp hàng tuần. Tôi tới gần hơn, phía cánh tay của chị duỗi thẳng, nhận ra
trong cỏ cao một bàn tay cháy xém, các ngón tay chỉ còn xương và gân, xoè ra
như một cánh bướm đen.
Đêm trước, tôi thức dậy mấy lần vì tiếng mít rụng. Mọi việc
trở nên mơ hồ lẫn lộn khiến tai tôi ù đi, mắt mờ. Nằm không xa tôi mấy, một
người đàn bà từ một thành phố sắp bị xóa tên trên mặt đất. Khuôn mặt trong cát
bỏng xao xác tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ lạ như khi nguời ta chiếu đèn từ xa bằng
loại đèn pha cực mạnh trong tối. Nghĩ đến chị, tôi lấy lại can đảm, lấy lại sức
mạnh, vừa đi vừa chạy qua đoạn đường dài, băng qua thị xã, chạy qua trường Bồ
đề, xuống bến đò, bơi qua sông Thạch hãn, một dòng sông mà sau này tôi sẽ bơi
ngược trở lại.
Gió mùa Quảng trị thổi nhiều giọng. Rú từng đợt khi qua đèo
Lao Bảo, nỉ non trên Tân Sở, rì rào cuốn bụi đỏ từ Dốc Miếu, dịu dàng khi qua
nguồn nước Tích tường. Nếu bạn ngồi thật lâu cuối khu vườn có mít và ổi, như
tôi ngày ấy, bạn có thể nghe được lời nhắn gởi của gió, lời nhắn gởi của tiếc
thương. Trong lớp học tiếc thương này, số học sinh hiện diện bao giờ cũng đông
hơn học sinh trong giờ toán của tôi, giờ văn của anh tôi, và bài giảng của nó
sẽ được nhớ lâu dài. Vì vậy, hai mươi năm sau, khi đi tìm một tài liệu tiếng
Việt cho công việc điều tra dân số của chính phủ liên bang, có liên quan đến
môn học toán thống kê của tôi, trong thư viện lớn nhất ở trung tâm Calgary, mùa
hè năm 1992, tôi đã tình cờ nhìn thấy cuốn sách kiếm hiệp của mình, cuốn kế
tiếp, chương kế tiếp, hồi kế tiếp. Bạn nhớ không?
Tách trà uống cạn, rời tay chàng thiếu niên bay qua cửa sổ,
sau một hồi nín thở chờ đợi, giữa ánh mắt châm biếm ngờ vực, cái tách ấy đã bay
vòng trở lại qua một cửa sổ khác, vào phòng. Và tất nhiên từ từ đáp xuống. Vậy
là chiếc tách sứ ấy đã bay một khoảng thời gian lâu đến nóng ruột bên ngoài
tầng tháp cổ. Không phải một thời gian, nó bay một mạch hai mươi năm, từ vùng
gió mặn đến xứ tuyết trắng.
Tôi đã bơi qua sông Thư Rơi, qua sông Thạch Hãn. Bơi một
mình, lặng lẽ, không phải để dành tiền đò thuê truyện kiếm hiệp coi chơi, mà để
chạy trốn cái chết.
Đêm yên tĩnh lạ lùng. Mùi mít mật dâng lên từng đợt. Tôi
ngửng đầu, sao băng chi chít. Có một ngôi sao sáng hơn cả, tôi bắt chước một
nhân vật tiểu thuyết, mở và gài cúc áo lại để cầu nguyện cho cha mẹ anh chị,
cho đồng bào tôi, xin không ai còn phải chết vì súng đạn hay vì hận thù. Ngôi
sao băng ấy có lẽ nghe được lời cầu nguyện của tôi nên vạch một đường thật dài,
thật chậm, như linh hồn một người đàn bà đã bay lên cao còn nhìn ngoái lại mặt
đất.
Nguyễn Đức Tùng