Chương Mười Tám
Chỉ mấy tiếng đồng hồ
địch quân ngưng pháo xuống tiểu đoàn cũng đủ cho những người lính của tiểu đoàn
70 Biệt động biên phòng làm được bao nhiêu công chuyện. Nhất là tuyến phòng thủ
của đại đội Nhật giờ đây lại rộn ràng khởi sắc hơn lên. Cái không khí chết
chóc, ghê rợn và tuyệt vọng đã giảm đi nhiều lắm, khi những căn hầm thấp thoáng
nhiều bóng giai nhân Kinh, Thượng.
Đầu tiên, vì không thể ra ngoài hàng rào phòng thủ nên người ta tạm chôn những
đồng đội vừa ngã xuống ngay trên giao thông hào để cho không khí bớt thê lương
. Kinh nghiệm tối hôm qua đã làm Nhật đau đớn mãi. Tám người lính chỉ trong vài
phút đồng hồ vì chôn bạn mà để người khác chôn mình. Thôi thì chôn ngay trên đường
di chuyển, đánh dấu bên cạnh mộ một thanh gỗ mới, được gỡ ra từ những thùng đạn
pháo binh, ghi vội một cái tên để mai sau còn nhớ. Thế là xong. Ngày nào an
bình thì ta dời đi mấy chốc.
Mỗi căn hầm bây giờ không rộn tiếng cười nhưng hình như ấm lại. Cái giá rét của
núi rừng, của chết chóc cũng bớt đi phần nào bởi hơi người cùng thở, tiếng đạn
bom dù có gầm rú đến đâu cũng sẽ được quên ngay bởi những tiếng thỏ thẻ bên
tai.
Hầm của Thượng sĩ Mẫu có lẽ là đông đúc nhất. Sáu bảy đứa con cộng thêm bà vợ đủ
cho ông Mẫu không cần hai thằng khinh binh mà ông mới lấy thêm để phòng thủ cho
chắc chắn. Thôi để chúng nó trở về tiểu đội cho thêm quân số chiến đấu lại càng
hay. Bà Mẫu đã thu vén gọn gàng những đồ quý giá gói đầy một bụng. Bà chuẩn bị
để với hy vọng có thể tiểu đoàn cho di tản thân nhân về xuôi thì không mất mát
thiệt thòi gì. Gói to quá, cột ngang làm bà như người có mang sắp đến kỳ. Mà
giao cho cô giáo Ngọc Anh một nửa thì cô không chịu. Tức quá bà chửi ầm lên.
-Tổ cha con đĩ ngựa, đánh nhau gần chết mà mắc cở gì.
Nhưng cô Ngọc Anh nhất định là không. Tuy người yêu của cô, chuẩn úy Vũ Văn
Vinh không có trong tiểu đoàn nhưng còn bao nhiêu bè bạn khác của chàng. Vả lại
cô đang sốt ruột bởi không biết thân phận người thương sống chết thế nào nên chẳng
để ý gì đến của cải mà bà mẹ cứ lo mất mát.
Được an ủi nhất có lẽ là anh chàng Dương Kế Chí. Khi cô Coi vừa tới, thấy chàng
bị thương đau đớn như vậy đã bật khóc ngay, lại còn bà mẹ lúc nào cũng xót xa
như chính bản thân bà bị nạn. Không biết vì những lời thỏ thẻ, mơn trớn làm cho
Chí quên cả đớn đau, hay sau một ngày cánh tay không động đậy xương bất đầu nối
lại với nhau làm cho Chí thấy cứng cáp hẳn ra. Chàng đã lấy lại phong độ, đi lại
tự nhiên và hét hò mạnh lắm. Những căn hầm khác cũng chật chội không kém. Mỗi
người lính đều đèo theo nào con, nào vợ. Chưa biết tương lai sẽ ra sao chứ cho
đến bây giờ - trời sắp tối- vẫn chưa có chuyện gì khó khăn, nan giải.
Chỉ có Chuẩn úy Thanh, Lành và Diệu là không vướng bận thê nhi. Mấy ông này vợ
con còn ở miền xuôi nên khỏe lắm. Ấy là nói cả đám thế, chứ thực ra ông Lành
tuy lớn tuổi mà vẫn còn chưa vợ. Còn Chuẩn úy Thanh thì mới chỉ có người yêu,
còn đang đi học ở một trường nào đó danh tiếng lắm của miền sông Hương núi Ngự.
Buổi chiều hôm ấy, mỗi người đã được ăn một bữa cơm no đủ. Nhật nhìn Trang âu yếm,
rồi chàng gắp một khoanh thịt ham to để vào bát của nàng.
-Ăn đi em, cố ăn đi để giữ sức. Chưa biết tối nay rồi sẽ ra sao.
Trang sung sướng vì được săn sóc, chiều chuộng. Nàng cắt khoanh thịt làm bốn,
chia đều cho tất cả mọi ngừơi. Chỉ có thế nhưng mọi người ăn ngon miệng lắm vì
đang rất đói. Tuy vậy, không ai muốn kéo dài thời gian thú vị này bởi có biết
bao nhiêu chuyện phải làm. Ăn xong Trang hỏi Nhật.
-Anh có nghe tiểu đoàn nói gì về Chuẩn úy Vinh không?
Nhật buồn bã khi nghe nhắc đến người thuộc cấp mà chàng coi như em. Chàng hờ hững
trả lời.
-Không, chắc là đã bị tràn ngập rồi. Tiểu đoàn đã cho bắn tập trung lên tiền đồn.
Lạ một điều là chẳng thấy Vinh gọi lần nào. Không biết rằng còn sống hay đã chết.
Đêm đen chưa xuống hẳn, trăng đã lên rồi. Dù ánh trăng soi sáng lắm nhưng hỏa
châu vẫn được bắn lên đều. Nhật lại bảo Trang nằm xuống chiếc giường gỗ của
mình. Nàng ngoan ngoãn nằm ngay, xích hẳn vào trong để nhường chỗ bên cạnh cho
chàng. Nhưng không, Nhật không nằm, chàng kéo Trang ra và quỳ ngay xuống, chỉ vừa
đủ độ cao để được nhìn nàng.
-Em có hối hận khi quyết định ở lại đây với anh để chịu khổ sở như thế này
không Trang?
Trang mở to đôi mắt, rồi nàng cười, cố làm vui. Nụ cười tươi như một đóa hoa mà
có lần Nhật nghĩ rằng nếu ngửi sẽ có được hương thơm.
-Em không quyết định sai lầm nên chẳng bao giờ hối hận. Người nào không yêu hoặc
chưa yêu có thể cho em là ngu đần dại dột. Nhưng mà em thì lại vui vẻ bằng lòng
vì em yêu anh, yêu núi rừng, yêu buôn sóc thôn làng nên chẳng muốn rời xa. Bây
giờ dù có cho em về thị thành, hay sống cuộc đời nhung lụa, em cũng không thích
bằng được làm cô sơn nữ giữa núi rừng, sống đời giản dị. Em có cảm tưởng rằng
em không thể rời xa buôn làng, rừng núi. Em đã thuộc hẳn về nơi này, cũng như
em đã thuộc hẳn về anh trong suốt cuộc đời này. Từ ngày xưa còn bé cho đến bây
giờ em vẫn nghĩ như thế đó anh ơi. Nhật bàng hoàng vui sướng reo lên.
Anh cảm ơn em biết bao nhiêu cho đủ tấm tình này.
-Sao lại chỉ cảm ơn em, cảm ơn cả anh nữa chứ. Một mình em không thể làm nên một
tình yêu vĩnh cưủ, ta tạ ơn đời, ta cảm ơn nhau. Mà anh ơi, đến bao giờ đất nước
mới thanh bình không còn chinh chiến nữa. Từ khi khôn lớn đến giờ lúc nào em
cũng thấy đạn bay súng nổ. Em luôn nguyện cầu cho đất nước sớm thanh bình để được
sống gần bên anh. Anh muốn thế không?
Muốn thì Nhật rất muốn, nhưng mà bao giờ thanh bình thì Nhật đâu có biết. Câu hỏi
đã ngoài sự hiểu biết của chàng. Nhưng Nhật cũng nói bừa để an ủi Trang và tự
an ủi chính mình.
-Rồi cũng có một ngày đất nước thanh bình . Anh và em sẽ ở lại nơi này. Sống một
đời yên vui, thênh thang trong tình yêu đôi lứa, tình yêu đồng loại và thiên
nhiên. Anh sẽ bắt chước em làm tất cả những gì để đem đến niềm vui cho mỗi người
dân Gia Vực.
Nhưng rồi Việt cộng không để cho Nhật và Trang say sưa mơ mộng nữa. Loạt đạn
pháo kích đầu tiên khi đêm vừa xuống làm rung rinh ánh sáng, nghiêng ngả bóng
đêm. Có lẽ chúng đã thanh toán xong tiền đồn của Vinh, nên lại dốc toàn lực để
tấn công tiểu đoàn. Những trái đạn rơi liên tiếp, không ngừng, chứng tỏ quyết
tâm của địch. Đạn rơi nhiều đến độ chàng nghĩ rằng được bắn bởi hàng ngàn khẩu
súng.
Nhật cho đại liên bắn quét quanh hàng rào, nhất là những chỗ khả nghi, đề phòng
địch có thể đặt chất nổ tấn công như tối hôm qua ở đại đội Một. Nhưng thật
không ngờ , đột nhiên tuyến của đại đội Hai lại bùng lên những cột lóe sáng, những
tiếng xung phong. Lần này địch quân có kinh nghiệm hơn, chúng thổi những quả đạn
B40 vào những lỗ châu mai sau khi lưới chống đạn đã bị cuốn theo tiếng nổ. Chỉ
trong vài phút, hằng mấy chục quả đạn bay ra như thế.
Bây giờ tuyến đại đội Hai là cả một biển lửa bốc cao. Nhật thấy hai điểm sáng
di động. Đúng rồi, hai chiếc xe tăng còn sót lại, chúng quay ngang, xẻ dọc. Lúc
sáng, lúc tối rót đạn như mưa vào những căn hầm trước mặt. Tiếng hô xung phong
lẫn trong tiếng nổ tạo nên một âm thanh hãi hùng, dọa nạt. Âm thanh man rợ y
như ngày xưa lũ mọi ăn thịt người, hành hạ nạn nhân trong những phim về châu
Phi huyền bí.
Thấy một toán lính dồn cứng dưới giao thông hào. Nhật chạy vội ra, gặp Thượng
sĩ Đinh Eng. Chàng hỏi ngay.
-Cái gì vậy, lính đại đội nào thế kia? Định Eng trả lời trong bực tức.
-Đại đội Hai đó Thiếu úy. Tuyến đại đội Hai bị vỡ nên tụi nó dồn sang đây. Thiếu
úy Tấn chết rồi, bị một trái B40 chui lọt vào hầm, cháy đen thui. Cả ông đại đội
phó cũng chết luôn.
Nhật cảm như có một luồng điện mạnh chạy nhanh qua thân thể. Trời ơi, thiếu úy
Tấn chết rồi sao. Chàng nghĩ nhanh đến bà Tấn và bầy con đang đợi dưới tỉnh mà
thấy đắng nơi cổ họng. Nhật chạy vào hầm Thượng sĩ Mẫu ngay gần đó.
-Ông Mẫu, ông Mẫu đâu rồi?
Thượng sĩ Mẫu đang ngồi đọc kinh bên vợ con, nghe Nhật gọi giật bắn người lên.
Từ cái ngày Nhật xài xể ông vì cái tội ăn bớt gạo của lính, chàng đã quên đi
nhưng ông và gia đình vẫn nhớ. Và mỗi lần Nhật sai việc gì là ông làm ra vẻ vôi
vàng mau mắn lắm.
Thượng sĩ Mẫu cứ sợ rằng Nhật trả thù nên càng đề phòng bằng cách tích cực vâng
lời. Hôm nay, mê mải đọc kinh ông Mẫu quên cả ngoài kia đạn bom gầm réo. Giờ
nghe Nhật gọi ông vội chạy ra.
-Dạ, dạ, tôi đây thiếu úy.
-Tuyến đại đội Hai bể rồi, lính tràn qua đại đội mình ở đầy giao thông hào. Ông
ra phụ với Thượng sĩ Eng đẩy tụi nó về lại đi. Đù má, lính tráng gì mà chưa chi
đã chạy.
Nhật giấu chuyện ông Tấn đã chết để cho Mẫu bớt sợ. Ông chạy đi ngay. Rất may
cho ông vừa đi khỏi thì tới lượt đại đội Ba của Nhật nhận pháo.
Oành, oành, oành, oành, oành, oành, oành.
Nhật hét lính bắn vào hàng rào xối xả để chờ chúng xung phong. Lần này, Việt cộng
không đặt chất nổ bằng ống TNT dài ở hàng rào như đêm trước. Chúng chắc thận trọng
hơn vì đã chết như ngả rạ trong những lần thí quân đêm qua. Nhật cố gắng chờ
xem địch quân sẽ giở trò gì và lo lắng không biết hai ông thượng sĩ vừa sai đi
có ngăn nổi những ngừơi lính đại đội Hai tràn qua. Nhưng chừng vài phút sau
Đinh Eng quay trở lại tìm Nhật. Gặp nhau ông la lớn.
-Thượng sĩ Mẫu chết rồi.
Nhật như không tin ở lỗ tai mình.
-Chết, chết, thật không, chết bao giờ?
Đinh Eng quả quyết.
-Vừa xong, ông nằm kia kìa. Thiếu úy theo tui.
Nhật chạy theo Đinh Eng ngay. Tới nơi Nhật thấy Thượng sĩ Mẫu nằm ngay đơ trong
giao thông hào, ngửa mặt lên, nhe chiếc răng vàng ra, mắt mở trừng trừng. Bên cạnh
đó ba bốn đứa đang lăn lộn kêu la. Nhật kêu lên.
-Trời ơi, sao lại thế này. Nó pháo trúng ngay đây à?
-Đâu có, Thiếu úy. Ông Mẫu đang xua mấy thằng lính đại đội Hai về. Rủi có một
thằng nó cầm quả lựu đạn đã rút chốt rồi mà không dám ném cứ cầm theo. Khi ông
Mẫu xua nó trở về, nó sợ quá run tay làm rớt xuống.
Nhật thấy đắng nơi cổ họng. Chàng sợ phải thông báo cái tin kinh khiếp này cho
bà Mẫu và mấy đứa con. Có lẽ bài kinh chưa được đọc xong thì ông Mẫu đã theo
Chúa đi về. Chàng ngồi xuống ánh trăng soi rõ gương mặt ông và chiếc răng vàng.
Nhật đưa tay vuốt mắt cho ông mà đau đớn trong lòng.
Khi đi ngang qua hầm Trần Mẫu, chàng đã nghe tiếng khóc thảm thiết của bà mẹ và
mấy đứa con. Nhật đang định leo lên mặt đất chạy qua phía bên kia thì bà Mẫu
cũng đã thấy chàng, bà nhào ra ôm lấy Nhật gào to.
-Thiếu úy ơi, Thiếu úy, ông giết chồng tôi rồi. Ông giết chồng tôi. Chồng tôi
có làm gì đâu mà ông thù ông oán, ông sai chồng tôi vào chỗ chết, sao ông ác rứa
ông ơi.
Càng nói bà Mẫu càng nức nở gào lên thảm thê. Bà như điên cuồng đấm thùm thụp
vào ngực Nhật, tru lên uất hận.
-Mày giết chồng tao, thằng chó đẻ, mày giết chồng tao.
Cô giáo Ngọc Anh cố lôi bà ra, vừa lôi cô vừa khóc la bà mẹ, nhưng mà cô bênh vựïc
cho chàng.
-Má buông thiếu úy Nhật ra. Má nói chi lạ rứa. Má nói chi lạ rứa.
May cho Nhật, lúc đó tiếng nổ và ánh sáng từ ngoài hàng rào lại lóe lên. Chết,
lần này chết thật, chúng nó tấn công rồi. Chàng không có thời giờ để phân trần
nữa. Nắm cổ tay bà Mẫu và cô Ngọc Anh, chàng đẩy cả hai vào lại căn hầm, hét
lên.
-Không được chạy lộn xộn, chết tới nơi bây giờ.
Tiếng hét của Nhật, chắc chứa đầy uy lực vì làm bà Mẫu và cô Anh ngưng khóc và
bắt đầu run sợ. Ánh sáng hỏa châu đã soi rõ những bóng người cùng đóm lửa.
Chàng chạy ngay vào căn hầm dài, ở đó hai khẩu đại liên đang thi nhau nhả đạn.
Súng cối, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cá nhân bắn vào quân địch. Đạn
bay đầy trời, rít lên những âm thanh buốt nhói. Đạn xuyên qua hàng rào, hầm hố,
xuyên qua những bao cát, xuyên cả qua người đem lại những âm thanh gào rú, hỗn
độn, ghê rợn đến rùng mình. Đứa nào chết cứ nằm yên đó, đứa nào bị thương cũng
sẽ nằm đó mà chờ chết. Không ai săn sóc, tiếp cứu. Chỉ có tiến lên, tiến lên lấy
thân người che kín đường đạn nổ. Địch đã dùng chiến thuật biển người, quyết
giành lấy chiến thắng, làm chủ chiến trường.
Đến bây giờ thì những người thân thuộc của lính không thể ngồi yên được nữa.
Chúng nó mà vào đây thì lính hay dân cũng chết. Cái gương trên đồi Trinh Nữ năm
xưa còn đó. Chỉ còn một con đường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Chồng bắn thì vợ và con tiếp đạn. Đôi khi giặc đông quá vợ cũng bắn luôn. Vợ
lính thì có lạ gì cây súng. Chỉ vài mươi giây là các bà đã biết cách lắp đạn và
bóp cò. Con cái cũng thế. Đứa nào lớn, cầm được súng cũng bắn cho đến khi gục
xuống.
Trong hầm Dương Kế Chí có một khẩu đại liên. Thấy thằng xạ thủ chậm chạp chẳng
biết nhắm vào đâu, vì mục tiêu di động nhiều quá nên anh chàng lớ ngớ ngẩn người
ra. Chí xô nó ra rồi chụp lấy, cái tay gãy tỳ lên bá súng, tay phải bóp cò. Cô
Coi ấn cây súng xuống cho nó khỏi rung mạnh làm đau đớn người yêu, và bà mẹ thì
nâng dây đạn.
Nhật cũng thủ một cây M16. Chàng chạy từ hầm nọ qua hầm kia mặc kệ cho đạn bay,
pháo nổ. Người ta ai cũng phải chết. Nếu chết hôm nay thì khỏi phải đợi thêm
vài chục năm sau nữa. Chàng nghĩ thế nên mặc cho số mệnh. Chỉ tội cho Trang và
bọn Nhiều chạy theo. Đến hầm của Tống Phước Lành, Nhật chạy ngay vào, chàng thấy
Lành đang hò hét, chửi thề văng tục bừa bãi. À thì ra thầy tu, lúc sống chết
như thế này, tức quá cũng rất trần tục như ai. Nhật hỏi ngay, pha một chút vui
đùa để cố coi thường cái chết.
-Có gì mà thi sĩ bực mình quá vậy. Mấy thằng Việt cộng nó làm ông mệt lắm à?
Lành không trả lời nổi câu hỏi đùa của Nhật. Người của chúng đâu mà đông thế. Bắn
chết thằng này lại có thằng khác, y như chuyện này xưa, quân ta chặt đầu Phạm
Nhan, chặt hết cái đầu thì nó móc ngay đầu mới. Cứ thế này rồi cũng sẽ đến lượt
mình chết. Lành hỏi lại Nhật.
-Tiểu đoàn có xin không quân yểm trợ không? Cứ điệu này thì trước sau gì cũng
chết.
Chợt máy PRC25 trên lưng Du lại vang lên, thằng lính truyền tin bên kia khóc hu
hu, có lẽ nó sợ quá kêu lên ầm ĩ.
-Thiếu úy ơi, Thiếu úy ơi, thẩm quyền tôi đi phép dài hạn rồi, chết rồi hu hu.
Nhật bỗng rùng mình. Chàng chưa nhận ra tiếng người lính mang máy. Nó lại nói
không rõ ràng nên chàng chẳng biết thẩm quyền nó là ai. Nhật hỏi lại.
-Thẩm quyền mày là ai. Bình tĩnh nói, ba mươi tư đang nghe đây.
Tiếng rè rè im bặt, chắc thằng nhỏ đang gặp chuyện gì cấp bách. Nhiều nghe tiếng
nó quen quen, sau một lúc suy nghĩ nó nhớ ra.
-Thằng này mang máy cho Chuẩn úy Thanh, chạy tới hầm ông Thanh ngay đi.
Tới nơi Nhật bước vào căn hầm định mệnh. Lỗ châu mai bị bắn trực xạ một trái đạn.
Chắc là loại 75ly không giật nên rách nở ra toang toác. Thanh nằm dài trên sàn
hầm. Mặt lấm tấm máu bởi ngàn mảnh nhỏ li ti tựa như kim gút. Cả người chắc đầy
miểng đạn vì quần áo của Thanh thủng lỗ chỗ như mang lưới. Thấy Nhật cúi xuống.
Thanh cố dùng hết sức nắm lấy tay chàng, thu hết tàn hơi.
-Thiếu úy,.. nhớ ông đưa giùm quyển sổ của tôi cho cô ấy.
Nhật chưa kịp gật đầu thì mắt Thanh đã đứng tròng, đầu ngoẹo sang một bên,
chàng lần vào ngực Thanh giật lấy tấm thẻ bài ghi số quân và loại máu. Nhật đứng
lên, thở dài nói với bọn Nhiều.
-Tội nghiệp quá. Bữa trước tao nghe Đại úy Nghĩa nói ông Thanh sắp cưới vợ,
tháng sau là có phép rồi.
Chàng quay qua thằng mang máy.
-Ba lô của ông ấy đâu. Chỉ có mình mày với ông ấy ở đây thôi à? Mấy đứa kia đâu
rồi?
Người lính cúi xuống moi ra chiếc ba lô. Nhật đổ tất cả xuống đất và tìm thấy
ngay cuốn sổ. Đó là một cuốn nhật ký xinh xắn. Bên trong có hình một người con
gái, mặc áo trắng dài, không biết nữ sinh trường nào ngoài Huế. Nhật nhẩm đọc địa
chỉ của cô gái. Chàng ngạc nhiên thấy cô ấy cũng tên là Thanh -Nguyễn Thị Thiên
Thanh.
Chí cũng chạy tới. Từ khi cô Coi ở chung hầm, Chí yêu đời hẳn lên. Anh chàng
quên cả đau đớn, xông xáo hối thúc và kiểm soát lính như không có gì xảy ra.
Chiếc tay gãy, được quấn chặt bằng máng gỗ, đeo lên cổ, hình như không vướng bận
gì lắm với Chí bây giờ. Nhật đưa chiếc thẻ bài cho Chí rồi bảo.
Cho gói ông ấy lại. Cột thẻ bài vào poncho. Tôi sẽ kiếm cho ông ấy mấy mảnh
ván. Bây giờ tôi phải qua phía Đinh Eng xem có ngăn được mấy thằng ở đại đội
Hai không.
Trên đường đi tới Nhật được biết tiểu đoàn đã cho cả trung đội trinh sát tăng
phái cho đại đội Hai cố đẩy địch ra ngoài. Đại úy Nghĩa cũng yêu cầu Nhật cho một
trung đội lấn dần qua. Chàng trả lời.
- Lấn gì được. Con cái thằng Hai nằm đầy trên tuyến của tôi đây, cố đẩy chúng
nó về là dư sức tống cổ bọn Vẹm ra.
Suốt một đêm hôm ấy hai bên cứ dằng co qua lại trên tuyến này. Địch quân chiếm
được một số hầm bỏ trống vì khi ông Tấn chết, hai ông trung đội trưởng sợ quá bỏ
chạy. Bây giờ bắt buộc phải chiếm lại. Chiếm lại khi chúng có chỗ an toàn ẩn nấp
là cả một vấn đề. Có một điểm lợi cho bọn chàng là tụi Việt cộng không có xạ
trường. Tầm bắn và tầm nhìn của chúng bị giới hạn bởi những giao thông hào và
như vậy chẳng khác gì chuột nằm trong lỗ. Chàng bảo lính gọi Đinh Eng tới, Nhật
đề nghị ngay.
-Trung đội trinh sát chỉ nằm chận ở phía Trung đội pháo binh. Đầu bên kia là
lính đại đội Một của Chuẩn úy Diệu. Bên này là lính của ông. Tội có cách này,
không biết ông dám chơi không?
-Cách nào Thiếu úy?
-Ông đi với mấy thằng khinh binh nhanh nhẹn. Mình bắn M79 và tông lựu đạn trước
xuống từng hầm, xong là ông cho chúng nó xông vào ngay, bắn chết hết những thằng
nào sống sót. Có năm căn hầm thôi, cả hai đầu đều làm vậy thì tụi nó chạy đâu.
À mà sao mấy ông trung đội trưởng bên đại đội Hai yếu vậy. Mấy ông ấy đi lính
lâu rồi phải có kinh nghiệm chứ.
Đinh Eng thật thà đáp lại.
-Chúng nó chỉ sợ thiếu úy Tấn thôi, tôi biết cả ba đứa. Ông Tấn chết rồi là nó
chạy đi, chẳng sợ ai nữa.
Nhật vừa tức vừa buồn cười. Chàng không hiểu sao thiếu tá lại chấp thuận cho
ông Tấn đề cử ba ông trung đội trưởng đều là hạ sĩ quan và là người thượng, lấy
cớ là Trương Tấn nói tiếng thượng rành rọt. Đi lính, giữ cả trung đội mà chỉ sợ
ông đại đội trưởng thôi, thế thì đánh đấm gì. Chàng phải dụ Đinh Eng đánh chớp
nhoáng và hứa hẹn bừa.
-Ông cố gắng, chiếm xong hết tuyến, tôi đề nghị thiếu tá cho ông làm đại đội
phó đại đội Hai luôn.
Nhật vừa nói đến đây thì thiếu tá tiểu đoàn trưởng và đại úy Nghĩa cũng vừa tới.
Hai người đang định bàn với Nhật cho tấn công chiếm những căn hầm vừa mất thì
đúng lúc chàng đang nói chuyện với Đinh Eng. Nhật trình bày kế hoạch và đề nghị.
Thiếu tá chấp thuận ngay.
Đến mờ sáng thì Đinh Eng chiếm xong chiếc hầm cuối cùng. Thực ra thì Đinh Eng
chỉ chiếm có hai cái thôi, còn lại là lính của đại đội Hai và trinh sát. Nhưng
mà ông ta là người xông xáo đầu tiên nên thiếu tá Chữ bằng lòng lắm, đặt ông ta
coi luôn tuyến đại đội Hai như Nhật đã hứa. Mà nếu không đặt Đinh Eng vào vị
trí ấy thì tiểu đoàn kiếm chẳng ra người. Mấy ông sĩ quan tham mưu thì có đó.
Nhưng rồi biết các ông có đủ gan để lo nổi việc hay không, vả lại thiếu tá Chữ
đã suy nghĩ rồi. Đưa Đinh Eng vào nhiệm vụ này tức là tăng thêm quyền hạn cho
Nhật, và cũng là tăng thêm trách nhiệm cho chàng, mà ông thấy không ai thay thế
được. Ông cũng khuyến khích Đinh Eng.
-Thiếu tá đưa ông lên làm đại đội phó đại đội Hai. Bây giờ chưa có đại đội trưởng
nên để thiếu úy Nhật giúp ông. Khi nào hết Việt cộng thiếu tá sẽ xin cho ông
lên Chuẩn úy. Đinh Eng chịu không? Ráng làm việc tốt nhé.
Dĩ nhiên là Đinh Eng bằng lòng lắm và làm việc ngay. Ông la mấy ông Thượng sĩ
trung đội trưởng bằng tiếng Hre và ban lệnh bằng tiếng mẹ đẻ của ông luôn. Tình
hình yên tĩnh như thế kéo dài đến trưa hôm sau.
Buổi chiều, bước sang ngày thứ ba cộng quân lại pháo ác liệt vào ngay chính
trung tâm tiểu đoàn. Lần pháo chính xác này, làm thiệt hại nặng nề cho quân ta
phòng thủ. Chuẩn úy Cẩn trung đội trưởng pháo binh bị thương nặng, miểng đạn
làm gãy chân phải và xuyên qua bụng. Một trong hai khẩu pháo cũng bị thiệt hại.
Đồng thời ngay khi dứt pháo, trời nhá nhem tối, cộng quân tập trung tấn công
vào cả bốn tiền đồn phụ một, hai, ba, bốn. Chỉ trong hơn 1 giờ giao tranh, tiểu
đoàn không còn liên lạc được với bất cứ tiểu đội nào. Đêm đến đạn 12 ly 8 lại bắn
xuống, đạn súng cối B61 và 82 ly nổ liên tu bất tận. Bây giờ địch không tấn
công nữa, có lẽ vì đã tổn thất quá nhiều. Chúng chỉ dùng trận địa pháo để thanh
toán chiến trường.
Đến nửa đêm, trên tần số đại đội Nhật bỗng được nghe Vinh gọi. Lúc ấy Nhật đang
đi một vòng quanh tuyến với Nhiều. Tiếng Vinh gọi rất nhỏ, thầm thì tiếng mất
tiếng còn. Điều này chứng tỏ Vinh đang lẩn trốn giữa một vùng mà địch đã bao
quanh.
-Trùng Dương, Trùng Dương, đây vẻ vang của tăng gô đống đa trinh nữ goị nghe rõ
trả lời.
Nhật chụp lấy ống nghe từ tay Nhiều vội vã úp vào tai. Bên kia Vinh cho chàng
biết là đã cùng mấy người lính và cả ông trung sĩ Thế chạy được vào rừng , bây
giờ muốn lợi dụng thời gian yên tĩnh này để về lại tiểu đoàn. Vinh cũng cho biết
thêm là tiền đồn đã bị tràn ngập ngay chiều hôm đó. Bọn chàng phải chui vào đừơng
hầm riêng mới thoát được ra ngoài.
Nhật thành thực khuyên Vinh nên dẫn cả toán về Ba tơ. Đường không xa lắm, hơn
hai mươi cây số có là bao. Chàng nói.
Tiểu đoàn đang hứng pháo. Nó bắn ngày đêm, về lại để làm gì, Vinh dẫn anh em xuống
Ba tơ đi.
Bên kia Vinh lặng thinh như suy nghĩ, một lúc lâu anh mới trả lời. Lần này Vinh
không gọi Nhật bằng danh hiệu hay cấp bực nữa. Anh chàng gọi ngay tên. Giọng
cương quyết.
-Anh Nhật à. Tôi phải dẫn anh em về lại tiểu đoàn. Tôi không thể bỏ anh với thằng
Chí, thằng Trọng nằm trong đó hứng pháo. Chị Trang là con gái mà còn ở lại, huống
hồ tôi là một sĩ quan. Còn Ngọc Anh nữa. Chẳng lẽ tôi không làm được như chị
Trang sao?
Nhật không nói thêm, chàng hỏi Vinh độ bao nhiêu lâu nữa thì tới cổng trại. Phải
làm sao về tới trước khi trời sáng. Chừng đó chàng sẽ xin mở cổng.
Nhưng khi Nhật báo tin mừng đó lên tiểu đoàn thì không ai mừng cả. Thậm chí Thiếu
tá Chữ và Đại úy Nghĩa còn không cho chàng mở cổng vì theo ý hai người, Vinh đã
bị địch quân bắt sống chúng đang dùng anh chàng để gài bẫy tiểu đoàn. Có thể địch
lợi dụng ta mở cửa, gỡ mìn là ồ ạt xông vào.
Nhật không tin thế. Kẹt một điều là cổng phụ của đại đội đã bị pháo sập từ ngày
đầu. Và Vinh không thể theo lối ấy vào được vì có thể địch quân vẫn còn chực chờ
ở đó. Chỉ vào bằng cổng chính là dễ che giấu và bất ngờ nhất. Nhất là ban đêm địch
không ngờ mà cũng không dễ gì phát hiện.
Chàng lại gọi lên tiểu đoàn xin lệnh một lần nữa. Nhật đem cả sinh mạng mình ra
để bảo đảm cho chuyện đón Vinh và thuộc cấp trở về. Cuối cùng thì Thiếu tá Chữ
cũng xiêu lòng. Ông đã đo lường được nhiệt huyết và lý tưởng của bọn sĩ quan trẻ.
Chúng nó xả thân vì quốc gia, chúng có một tổ quốc, một lý tưởng rõ ràng trước
khi nhập trận chứ không như bọn ông, chiến đấu vì không còn chọn lựa nào khác.
Ông khuyên bảo Nhật.
-Cứ đúng theo nguyên tắc, sách vở thì chúng ta bắt buộc phải nghi ngờ sự tìm trở
lại của Chuẩn úy Vinh. Chuyện đơn giản là ông ấy đã thoát được ra ngoài thì tìm
về Batơ dễ dàng hơn trở lại trong này trừ khi bị địch bắt buộc. Hơn nữa trong
này địch đang pháo từng giây từng phút ai lại đi tìm cái chết. Nhưng tôi cũng
biết là Chuẩn úy Vinh có tư cách và rất có trách nhiệm nên ông ấy sẽ tìm về căn
cứ. Mình chỉ không rõ là ông ấy có bị địch ép buộc hay không. Tôi chấp nhận cho
Thiếu úy mở cổng nhưng phải đề phòng âm mưu của địch. Phải thật cẩn thận nghe không?
Nhật đi ra ngoài cổng ngay. Chí cũng đi theo, rồi cô Ngọc Anh không biết nghe
tin ở đâu, biết được cũng đòi theo ra luôn. Dẫn thêm chừng bốn năm người lính
nhanh nhẹn, sau khi dặn dò những điều cần thiết Nhật bảo toán gác cổng mở mìn lần
lượt từng khúc một. Mấy lớp ngựa gỗ sau khi gỡ mìn xong, chỉ kéo xích qua một
chút để vừa đủ hở người vào. Công việc làm vừa xong thì Vinh gọi bảo đã gần tới
cổng.
Nhật dặn Vinh cho từng người lính trở vào. Súng đeo sau lưng. Hai tay giơ cao
khỏi đầu để để nhận diện và đề phòng. Bắt buộc phải làm thế bởi vì đó là lệnh.
Ai không làm thế sẽ bị bắn liền tại chỗ.
Cả bọn, từng người một làm đúng theo lời Nhật nói. Vinh là người cuối cùng. Tới
giao thông hào, gặp Chí, Vinh la lên đùa cợt.
-Anh không chết đâu em.
Ngọc Anh đứng gần đó, đang sụt sùi vì xúc động. Chí thấy thế quay sang cô nàng
bảo bạn.
-Nói với tao làm gì, nói với cô này này.
Lúc bấy giờ Vinh mới biết rằng có Ngọc Anh ra đón mình. Chàng ta cảm động quá,
ôm chầm lấy nàng. Ngọc Anh càng khóc to hơn.
Nhật cũng đứng gần đó. Chàng đang kiểm soát lại xem những con ngựa gỗ và những
trái mìn gài lại đúng chưa. Vinh trông thấy Nhật. Anh chàng buông Ngọc Anh ra
chạy đến.
-Anh.
Vinh chỉ gọi Nhật trống không như vậy nhưng Nhật biết là Vinh đã coi chàng thân
tình như một người anh trai ruột thịt, tiếng anh không thôi của Vinh đang nói
lên điều đó. Nhưng bây giờ không phải là giờ để cho tình cảm và những xúc động
tràn ra. Nhật hỏi Vinh.
-Sao mà ông không gọi cho tiểu đoàn hay tôi biết, tưởng ông bị tụi nó nuốt luôn
rồi.
Vinh vắn tắt kể cho Nhật và Chí nghe, buổi chiều hôm chúng tấn công sau khi đã
pháo hàng ngàn quả đạn. Không căn hầm nào còn nguyên vẹn. Vinh nói thêm.
-Anh biết đấy. Hầm hố ngoài ấy mình chỉ mới làm sau này bằng tay và bao cát.
Đâu có chắn chắn như ở tiểu đoàn. Doanh trại lại nhỏ, tụi nó tập trung pháo, chỉ
nội 61 với 82 ly cũng đã muốn ngất ngư. Huống hồ cả 122 ly nữa thì cần gì nó phải
mò vào. Mình không chết vì miểng cũng chết vì điếc tai ấy chứ. Anh có thể tưởng
tượng rằng mỗi trái 122 ly của tụi nó rơi xuống là xúc nguyên một căn hầm của
mình lên trời. Người ngợm, súng ống bay theo chiều gió luôn. Tôi cố cầm cự đến
xẩm tối, theo đường hầm thoát ra ngoài. Thằng nào còn sống thì gom góp đi theo.
-Thế sao không gọi báo cho tiểu đoàn hay đại đội?
-Máy đâu mà báo. Tiền đồn có hai cái máy thì bị xúc lên trời vì một trái 122 ly
rồi. Mãi đến chiều hôm nay mới gặp thằng mang máy của toán kích đêm đi lạc. Gọi
mãi về tiểu đoàn mà đâu có ai trả lời. Tụi tôi lo quá. May mà còn nhớ tần số giải
tỏa tôi gọi đại.
Bây giờ Nhật mới thấy sự thiếu sót của mình cũng như của tiểu đoàn. . Khi Hoàng
ngọc Lê bỏ trốn đại úy Nghĩa đã thay tần số khác nhưng chưa kịp thông báo cho
Vinh thì hắn đã bị pháo bật ra ngoài. Rất may là đại đội còn đang dùng tần số giải
tòa mà Vinh vẫn nhớ nên anh chàng mò về được. Nhật gọi lên tiểu đoàn và được chỉ
thị đưa Vinh về giữ đại đội hai thay thế cho ông Trương Tấn. Nhật biết rằng
Vinh sẽ làm được chuyện. Tuy cấp bực nhỏ, và ra trường không lâu lắm, nhưng
Vinh có một kiến thức khá và một khả năng đặc biệt về quân đội. Khi xử trí một
việc gì Vinh bình tĩnh, xét đoán sâu sắc lắm. Nói sao làm vậy, Vinh đã tạo được
uy tín với thuộc cấp. Các ông hạ sĩ quan trung đội trưởng đều nể Vinh ra mặt.
Cứ thế, bốn năm ngày liên tiếp, địch quân không tấn công tiểu đoàn nữa mà chỉ
giáng những trái pháo chính xác vào doanh trại.Tổn thất ngày một tăng cao . Điều
kiện ăn ở bây giờ thật là tồi tệ. Khẩu phần và nước uống chỉ có thế mà số người
lại đông hơn thành ra thiếu thốn. Những xác của địch nằm la liệt ngoài hàng rào
không được thu dọn, chôn cất tạo nên một mùi hôi thối khủng khiếp. Mà những xác
của đồng đội, vì được chôn nông cạn ở ngay dưới giao thông hào cũng đã rữa nát,
ứa ra những vũng nước vàng thấm ướt đường đi.
Cho đến ngày thứ mười hai, tiểu đoàn vẫn không nhận được một sự yểm trợ tiếp cứu
nào. Đạn dược, thuốc men, thực phẩm bắt đầu khô cạn. Những công điện cầu cứu khẩn
cấp liên tiếp đánh đi mãi cũng chỉ nhận được những lời hứa suông. Tuy thế,
trong căn cứ việc phòng thủ vẫn được cũng cố chặt chẽ. Các đoạn công-xẹc-ti-na
bị chất nổ cuốn đứt, được thay thế ngay bằng đoạn khác hoặc kéo dài ra. Hầm hố
thường tu sửa lại, mỗi ngày một chắc chắn. Ai cũng phải lo lấy cho mình.
Đêm thứ mười hai địch quân lại tấn công, cũng vẫn cứ chiến thuật cũ tiến pháo,
hậu xung. Địch gởi thêm xác chết lên hàng rào phòng thủ. Đặc biệt lần này chúng
bắc loa kêu gọi những người lính buông súng đầu hàng sẽ được bảo toàn mạng sống.
Mặc kệ, đánh giặc bây giờ không còn là nhiệm vụ của những người lính nữa. Đàn bà,
con gái, thậm chí cả trẻ con đều thành thạo xử dụng những khẩu M16. Đứa con út
của Thượng sĩ Mẫu mới có mười một tuổi mà đã biết mở súng ra từng bộ phận để
lau chùi. Nó còn hiểu rõ cả cơ hành vận chuyển của khẩu súng đến độ nếu có trở
ngại tác xạ là nó sửa đuợc ngay. Vô tình quân số phòng thủ từ một tiểu đoàn
tăng lên gấp bội. Tiếng loa kêu gào mặc kệ tiếng loa. Những người lính và thân
nhân của họ cứ bắn và chỉ bắn cho đến khi gục chết.
Đến đêm thứ mười ba địch tấn công dữ dội quá. Từ mờ tối địch đã pháo tập trung
vào doanh trại rồi mở những đợt xung phong liên tiếp. Mười ba ngày cầu cứu, cầm
cự để đợi chờ tiếp cứu mà không được một hy vọng gì đã làm thiếu tá tiểu đoàn
trưởng thất vọng rồi thành ra tuyệt vọng. Binh sĩ, dân chúng chết dần mòn trong
trận địa pháo của địch, chết dần trong đói khát và bệnh tật. Rút lui thì không
còn lối mà cứ mãi thế này thì sẽ chết hết. Khi một quả đạn 122ly rơi trúng vào
một căn hầm tập thể của đại đội Hai, làm chết luôn một lúc hai mươi ba người vừa
lính, vừa dân lành thì vị tiểu đoàn trưởng bắt đầu hỏi ý kiến tất cả các sĩ
quan. Ông muốn kéo cờ trắng đầu hàng để cứu lính, cứu đân.
-Các ông thử giúp tôi tìm xem có cách nào hay hơn thế không? Đạn dược không còn
nữa, lương thực trống không. Tụi nó pháo, bắn thẳng từ các tiền đồn xuống mà
mình thì không thể chống trả được .Chỉ có cách đó mới cứu được người dân. Giá
quân khu cho mình một chút hy vọng thì mình còn có chỗ để mà bám víu. Đằng này
không có gì, một trại sáng cũng không chứ đừng những thứ khác.
Không ai trả lời người tiểu đoàn trưởng đáng thương ấy. Giữa sự sống và chết,
lòng con người dù sắt đá cũng muốn được sống thay vì phải chết. Nhưng có một điều
ít ai biết được là có sống với cộng sản thì có lẽ khốn khổ hơn là phải chết.
Trang rất rõ điều này. Từ kinh nghiệm bản thân, gia đình Trang biết rằng, dù có
đầu hàng cộng sản thì mọi người cùng đều phải chết. Nàng đã thấy rõ tận mắt kẻ
thù đối xử với cha nàng. Những điều ấy dù được kể lại vẫn có những người không
tin, chỉ vì họ không lường được sự độc ác của con người, của một chế độ phi
nhân.
Kinh nghiệm từ bản thân Trang cũng là kinh nghiệm cho Nhật học được bởi vì người
con gái ấy bây giờ -nói theo lời kinh thánh cũ- đã là một phần thân thể của
chàng rồi.
Nhật hỏi riêng ý kiến các sĩ quan thuộc cấp của mình. Hầu hết mọi người đều xác
định rõ ràng rằng họ chiến đấu đến giờ phút cuối cùng. Nhật gọi ngay lên tiểu
đoàn và được sự đồng tình trong vui mừng của đại úy Nghĩa: chiến đấu đến hơi thở
cuối cùng.
Ngày thứ mười bốn địch tạm ngưng tấn công, chỉ pháo tập trung nhưng đến đêm thứ
mười bốn địch lại tấn công dữ dội. Không hiểu quân số có bao nhiêu mà lúc nào
chúng cũng ồ ạt tiến vào.
Đến gần sáng, một tia hy vọng chợt lóe lên. Chiếc phi cơ C47 mang biệt danh Hỏa
Long, thả những trái sáng đầu tiên xuống chiến trường. Những trái sáng được thả
từ máy bay to và sáng, chiếu rọi lâu hơn những trái sáng được bắn từ dưới đất
làm tinh thần binh sĩ phòng thủ tăng cao.
Nhưng cũng chính vì
những trái sáng đó đã làm địch quân điên cuồng hơn lên. Chúng quyết chiếm giữ
cho bằng được tiểu đoàn trước khi được tiếp viện. Có nhiều chỗ binh sĩ tiểu
đoàn đã phải chiến đấu với địch bằng lưỡi lê. Rất nhiều màn cận chiến ghê gớm
và dữ dội diễn ra mà địch không sao tiến chiếm được căn cứ. Song song với tấn
công, những tên địch chiếm giữ bốn tiền đồn vẫn cứ đều đặn nã súng vào doanh trại.
Đến sáng quân ta và địch vẫn giằng co trên tuyến phòng thủ bên ngoài của các đại
đội. Nhưng đến giữa trưa thì tiểu đoàn nhận được phi vụ tiếp tế đầu tiên được
thả xuống bằng dù. Có hai kiện hàng rớt vào tuyến kiểm soát của địch, nhưng
không nhằm nhò gì vì phần lớn đồ tiếp tế quân ta đã nhận được như đạn dược và
lương khô hành quân đủ cả. Mọi người ai nấy đều vui mừng. Tinh thần binh sĩ
dâng cao bằng những quyết tâm chiến đấu, tu sửa hầm hố công sự. Có nơi những ngừơi
lính còn leo lên những vọng gác cao để quan sát và tác xạ hữu hiệu hơn, dù nơi ấy
thiếu an toàn và thật là nguy hiểm. Nhật vui mừng vì những quyết tâm như vậy.
Chàng bảo Trang.
-Em thấy không. Ai cũng ghê tởm và căm thù mấy thằng Cộng sản. Họ thà chết chứ
không thể sống chung với lũ vô thần đó. Ở đây là cái nôi của Việt cộng lúc ban
đầu mà người dân nếu được chọn lựa thì họ cũng sẵn sàng đào lỗ chôn cái bọn người
cuồng tín và cái chế độ kinh tởm ấy.
Ba giờ chiều, giữa lúc hai bên còn đang giao tranh ác liệt thì Đại úy Nghĩa hối
hả gọi cho Nhật bằng điện thoại. Ông ra lệnh cho chàng đưa gấp chuẩn úy Lành về
lại ban ba tiểu đoàn. Nhật sửng sốt hỏi lại.
-Chuyện gì vậy ông thầy. Ở đây tôi đang cần ông ấy. Rút ông Lành đi là tôi gãy
một cánh tay rồi.
Đại úy Nghĩa cười lớn. Từ mười mấy hôm nay Nhật mới nghe thấy ông cười to như vậy.
Giọng ông vui vẻ, đầy sinh khí.
-Có tin mừng rồi. Mày biết đấy, mấy hôm nay tao rầu thúi ruột. Đánh nhau với xe
tăng tụi nó mà hỏa tiễn Town mình không có, súng X202 cũng không. Chỉ với mấy
khẩu M72, thế mà nhờ trời mình cũng bắn cháy được sáu chiếc. Toàn là tuyến của
mày không. Thế là giỏi lắm. Tao thành thực khen ngợi bọn trẻ chúng mày. Tao gửi
công điện cấp cứu xuống quân khu, xuống Bộ chỉ huy mười một chiến thuật hằng giờ
mà có được gì đâu. Mãi tận hôm nay mới được tiếp tế. Hên quá, bây giờ lại cho
máy bay lên.
Nhật cũng mừng quá la lớn lên.
-Máy bay, có bay bay thật à? Bao giờ lên đây Đại úy?
Hai tiếng máy bay Nhật vừa thốt ra trong khi đàm thoại với Đại úy Nghĩa có một
tác động thần kỳ. Trong hầm bây giờ chỉ có năm người, năm khuôn mặt đau khổ, buồn
rầu bỗng tươi tỉnh ngay. Trang lập lại.
-Máy bay, trời ơi máy bay lên rồi.
Nhiều, Kiệt, Du la to lên tiếp theo, phút chốc trên cả tuyến, sự vui mừng lan rộng
ra như sóng biển. Đến đây bên kia đại úy Nghĩa nói tiếp.
-Đó, đó. Chính vì vậy tao phải gọi ông Lành về. Chuẩn úy Thanh nằm xuống rồi
nên ở tiểu đoàn không ai nói rành rẽ tiếng Mỹ bằng chuẩn úy Lành. Ông Lành lại
học qua không trợ nữa.
-Chuẩn úy Vinh cũng khá tiếng Anh lắm.
-Nhưng mà thằng Vinh coi đại đội Hai rồi. Kéo nó lên thì lấy ai thay thế. Ông
Lành rất khá, bình tĩnh lắm. Bình tĩnh là điều động tốt rồi, vả lại còn tao đây
nữa, lo gì.
-Đại úy nói đúng. Ông Lành coi vậy mà ngon, tôi cũng không ngờ đấy. Mấy bữa trước
tôi tưởng ông ấy chỉ biết làm thơ, viết văn, không ngờ khi đụng chuyện ông ấy cứng
lắm.
Đại úy Nghĩa cắt ngang.
-Thôi được rồi, gọi nó lên ngay đi.
Nhật cố hỏi thêm.
-Bộ máy bay Mỹ hay sao mà cần người biết rành tiếng Anh?
-Cả Mỹ lẫn Việt. Mình lo trước cho chắc ăn mà.
Gác máy xuống, Nhật bảo Kiệt đi gọi Lành ngay vì chàng giới hạn dùng vô tuyến.
Mười phút sau Lành đã sẵn sàng. Nhật bắt tay cám ơn Lành. Trong không khí vội
vã của cuộc giao tranh, chàng nói luôn.
-Ông có lệnh về ban ba ngay. Đi liền bây giờ. Cám ơn ông đã giúp tôi rất nhiều,
cám ơn ông, chuẩn úy Lành.
-Chào thiếu úy.
Lành chào Nhật rồi chạy đi ngay. Những tràng pháo của địch vẫn nổ trên mặt đất,
từ chiều hôm kia đến giờ. Lúc mau lúc chậm, lúc nào địch cũng gửi pháo xuống
sân căn cứ. Nhật nghĩ là mình phải động viên tinh thần binh sĩ bằng cách báo
tin mừng này cho họ. Chàng chạy vào từng căn hầm nói lớn.
-Cố gắng lên, máy bay sắp lên rồi.
Dù máy bay chưa lên nhưng tiếng vang của nó cũng làm mọi người an tâm. Chiều
hôm đó Nhật được ăn một bữa cơm sấy thịnh soạn đủ mọi loại thịt và trái cây hộp
từ những phần ăn khô. Phía bên ngoài địch đã đắp lên những mô, những ụ cao.
Chúng đào hố, hầm và cả giao thông hào mỗi lúc một tiến gần doanh trại. Sau bốn
lần tấn công biển người không tràn ngập được căn cứ. Việt cộng đã thay đổi chiến
thuật. Chúng tiến chậm nhưng mà chắc, bằng những hầm hố đào ngang xẻ dọc . Các
chiến thuật cố hữu mà công hiệu của chúng ở chiến trường Điện Biên năm xưa và
Khe Sanh mấy năm về trước .
Đang ăn được nửa chừng , tiểu đoàn lại gọi, lần này nói chuyện ở đầu dây bên
kia là chuẩn úy Lành. Lành cho Nhật biết là máy bay sắp lên rồi . Đầu tiên là
những chiếc đấu cơ A37 của Không Lực Việt Nam .
Nhật nhìn Trang , chàng nói cho nàng nghe những điều Lành vừa thông báo rồi hồi
hộp đợi chờ. Hai người ra khỏi hầm, đứng ở giao thông hào để đón những chiếc
máy bay mang đến niềm hy vọng. Bọn Nhiều, Kiệt, Du cũng ra theo. Bây giờ những
trái pháo của địch đối với họ đã quá quen thuộc, cũng như sự chết chóc tới dễ
dàng đến độ không ai còn muốn đề phòng nữa.
Hai mươi phút sau bốn chiếc A37 tung trời, xé gió bay đến . Súng phòng không của
địch nổ liên hồi. Mỗi lần đảo qua, xẹt lại là đạn được phóng ra. Mục tiêu chính
là bốn tiền đồn đã bị chiếm, Nhật trông thấy rõ ràng chân một khẩu súng phóng
không trên đỉnh đồi bị hất tung lên cao. Khói lửa, đạn bay mù mịt, một lúc sau
mục tiêu chắc đã bị san bằng. Cả bốn chiếc đổi luôn đạn dạo, cắt bom gửi về những
ngọn đồi thấp nằm cạnh sông Re.
Nhiều tức quá la lên.
-Trời đất, bắn ở ngoài ấy làm chi, trước mặt mình đây nè sao không bắn cho chết
mẹ tụi nó đi.
Nhật cũng nhận thấy điều ấy nhưng không nói bởi vì chàng chưa hiểu rõ. Có thể
là những chiếc A37 này phóng đạn không được chính xác lắm, nên không dám bắn
xung quanh căn cứ sợ có sự lầm lẫn. Cũng có thể do tiểu đoàn điều động bắn những
mục tiêu quan trọng ngoài kia.
Độ nửa tiếng sau bốn chiếc bay đi. Trên bốn đỉnh cao của tiền đồn, súng địch
ngưng hẳn. Hiệu quả thấy rõ ràng nhưng mới chỉ một phần. Vì trước mặt bọn
chàng, địch vẫn nằm trong các hầm hố ngoài kia nã pháo vào. Nhật nhấc máy lên,
chàng muốn hỏi đại úy Nghĩa xem máy bay còn trở lại bắn thêm hay chỉ có thế mà
thôi.
Chưa kịp hỏi thì Nhật đã nghe Trang chỉ tay về hướng Ba Tơ rồi cả bọn Nhiều, Kiệt,
Du cùng la lên.
-Máy bay nữa kìa, trực thăng, có lẽ quân khu đổ quân tiếp viện.
Súng địch lại thi nhau nổ giòn giã. Mà quân ta thì có lẽ vì ỷ lại, chỉ quan sát
chứ không bắn trả. Có thể cũng vì sợ những trái pháo bắn lên vô tình hại bạn
trên không nên cả bọn đều ngưng bắn, mắt đổ dồn vào những điểm đen in trên đường
chân trời, mỗi lúc một rõ dần. Đó không phải là những chiếc trực thăng đổ quân
mà là những chiếc võ rang chiến đấu. Cũng lại bốn chiếc tỏa ra bốn góc. Những
quả đạn M79 từ trực thăng phóng xuống, đều đặn, từng tràn nổ liên thanh như
súng M60 vậy. Âm thanh nghe không dữ dội, nhưng sức công phá mảnh liệt và công
hiệu vô cùng. Công hiệu như hàng ngàn trái lựu đạn MK3 nổ trên tuyến địch.
-Bum..Bum…Bum…Bum.. Bum..
Khi những trái đạn rót vào mục tiêu ngay sát hàng rào, tiếng nổ cũng đều đặn
như lúc bắn đi.
-Bùm.Bùm.Bùm.Bùm.Bùm.Bùm.Bùm.
Bây giờ Nhật mới hiểu là tại sao bốn chiếc A37 thanh toán mấy cao điểm trước.
Thì ra họ có nhiệm vụ dọn đường để trực thăng vũ trang bay thấp hơn làm cỏ tụi
giặc cộng ngay sát bên tuyến bạn.
Buổi chiều, lần đầu tiên sau mười lăm ngày vây hãm, tiếng súng trên lòng chảo
Gia vực thưa hẳn đi. Thỉnh thoảng mới có một vài tràng đạn, của những thằng Việt
cộng còn sống sót, cố bắn vào doanh trại mấy quả súng cối để nói lên là chúng
còn hiện diện. Đến lúc gần tối, Nhật lại thấy một chiếc C130 từ xa bay lại. Thoạt
đầu chàng tưởng rằng nó thả đồ tiếp tế. Nhưng không, đó là chiếc máy bay chiến
đấu.
Chiếc máy bay đảo quanh một vòng, không hề giảm cao độ rồi bắt đầu rót đạn.
Chàng không thể tưởng tượng rằng nó rót đạn chính xác đến thế. Phải nói rằng từng
mười mét một .Nhật không hiểu loại đạn gì, nhưng lớn lắm có lẽ 75 hay 105 ly bởi
vì mỗi lần đạn nổ là cả một cột bụi khổng lồ. Âm thanh nghe như một bản nhạc
hùng tráng u. u. u.u.u.u..bập bùm, bập bùm, bập bùm, bập bùm.
Ở giao thông hào, bên trong căn cứ mà Nhật có cảm tưởng rằng mặt đất rung lên
như mặt trống. Cả bọn cứ ngẩn người theo dõi đường đạn đi, quên hẳn rằng mình
đang chiến đấu. Hai lần trước chàng còn nghe một vài tràng phòng không bắn lên
trời chứ bây giờ thì đã ngưng hẳn. Sức chống trả của địch quân đã yếu ớt lúc
ban đầu, giờ đây im lặng hoàn toàn.
Đại úy Nghĩa lại gọi báo cho Nhật biết là máy bay sẽ giảm cao độ, lượn một vòng
nữa. Lần này nó dọn sạch những chốt địch gần sát hàng rào. Tất cả mọi người đều
phải ở ngay trong hầm trước vị trí chiến đấu, giới hạn di chuyển trong giao
thông hào.
Nhật gọi cho các trung đội ngay. Nhưng mà có lẽ không cần phải dặn. Khi máy bay
đã bắn gần như thế thì không ai còn dám đứng bên ngoài.
Quả nhiên một lúc sau chiếc máy bay vòng quanh trở lại. Lần này có lẽ nó bắn chậm
hơn, nhưng chính xác hơn. Vẫn những âm thanh quen thuộc, bụp bùm, bụp bùm, bụp
bùm.
Những viên đạn cày nát mặt đất bên ngoài hàng rào. Lạ lùng ở chỗ có nó cũng uốn
quanh theo đường cong của tuyến y như người ta vẽ nên đường đạn.
Ban đêm hỏa châu bắn liên tục. Nhưng ánh sáng không còn vàng vọt, thê lương
mang màu tuyệt vọng như mấy hôm rước nữa. Ánh sáng bây giờ đã ít nhiều óng ả,
long lanh như ánh trăng rằm. Sự sống đã hồi sinh trong những căn hầm, những
thân hình bẩn thỉu, nhếch nhác bây giờ đã thấy vẻ gọn gàng sạch sẽ. Một ngày
bình yên trôi qua.
Lần đầu tiên kể từ khi địch tấn công, đêm nay chuẩn úy Vinh và Chí đến hầm của
chàng để nhận sự phân chia công tác, bởi vì Nhật mới nhận được chỉ thị của tiểu
đoàn phải đi hành quân truy kích ngay trong ngày mai.
Trang dành lấy công việc. Nàng nhóm bếp đun nước, rồi lấy trong ba lô của Nhật
một gói cà phê, đổ lên chiếc phin nhôm đã đổi màu vàng ố. Thấy nàng thành thạo,
xinh xinh trong bộ quần áo trận rộng thùng thình, nhất là mái tóc dài óng mượt
phủ kín bờ vai. Lòng Nhật rộn lên niềm sung sướng và rung động nghĩ tới một
ngày mai sẽ đến trong hạnh phúc.
-Em tài thật, cái gì của anh em cũng biết. Từ hôm em về đây, chưa mở ba lô lần
nào, sao em biết anh có cà phê?
Trang cười, vẻ hồn nhiên và nhí nhảnh. Sau bao nhiêu ngày âu lo sống chết. Nụ
cười của nàng đêm nay lại tươi như bông hồng mới nở. Nàng tình tứ trả lời.
-Em còn biết nhiều hơn anh tưởng nữa kìa. Chẳng hạn như đêm nào anh cũng tự nhủ
rằng anh xin quên đi tất cả những cô gái ngày xưa chỉ để thương có mình em.
Nhật không giấu được ngạc nhiên. Chàng la lên.
-Thôi đúng em là gián điệp rồi. Sao cái gì em cũng biết hết vậy. Thế là xâm phạm
đời tư rồi còn gì nữa.
-Làm gì có chuyện riêng tư giữa anh và em nữa bây giờ.
Nhật phá lên cười, vùng dậy ôm lấy Trang. Chàng toan cắn vào đôi môi của nàng -
đôi môi nở những nụ cười mà chàng nghĩ có mùi thơm - thì Vinh và Chí bước vô hầm.
Thấy hai người ôm nhau, cả hai đều nói.
-Ồ, ồ, xin lỗi, xin lỗi, bọn tôi đã làm phiền anh chị.
Nhật buông Trang ra, rồi vui vẻ gọi.
-Vào đây, vào đây uống cà phê, Vinh, Chí.
Một ca cà phê đầy được xẻ làm ba, mấy điếu thuốc quân tiếp vụ được đốt lên.
Vinh xuýt xoa khi uống một ngụm đầu tiên.
-Trời ơi, đã quá. Ai pha cà phê mà ngon quá vậy.
Nhật nháy mắt nhìn Trang rồi hỏi Vinh.
-Ngon thật hay là nịnh bà chủ để được uống nữa đấy cha nội.
Không đợi Vinh trả lời Nhật quay sang Chí hỏi thăm.
-Đỡ đau chưa ông. Mấy hôm nay thằng Phát nó có chích cho ông mũi Peniciline nào
nữa không? Phải kiêng đấy nhé. Đừng thấy người đẹp mà làm ẩu là nó lòi xương ra
đấy.
Chí không đáp, chỉ nhe rằng cười rồi uống cà phê, hút thuốc. Vinh trả lời thay.
-Làm ăn gì được, bà già lúc nào chẳng ở bên cạnh, thằng Chí hết đường cựa quậy.
Bà ấy hầm thằng Chí lắm, vì cái lần nó say rượu gọi bà ấy là con khỉ già.
Như nhớ ra điều gì Nhật lại quay qua Vinh.
-Còn ông nữa. Cô Ngọc Anh mấy hôm nay trông mơn mởn ra đấy. Chắc ông đã làm gì
rồi, có hơi trai khác hẳn.
-Bậy mà, ông già mới chết ai lại làm thế. Chỉ có mình anh là tự do thôi, muốn
làm gì cũng được. Bao giờ thì tôi với thằng Chí được phụ rể đây. Hai ông bà trả
lời đi.
Nhật giật mình. Từ nãy giờ có Trang bên cạnh mà chàng ăn nói sỗ sàng quá. Chắc
có lẽ Trang giận vì tưởng Nhật và các bạn coi thường mình. Nàng đang quay mặt
nhìn quan lỗ châu mai, thấp thoáng ánh hỏa châu.
Ba ca cà phê đã cạn Nhật bắt đầu hỏi thăm tình hình rồi báo cho cả hai biết sẽ
tổ chức hành quân truy kích ngày mai. Chàng phân chia công tác cho Vinh và Chí.
-Ngày mai Chí sẽ ở nhà thay tôi điều động anh em còn lại với các cô các bà lo
chuyện vệ sinh, cứu thương. Mọi việc chỉ huy trung đội giao cho Trung sĩ Ánh.
Còn Vinh cũng để một số lớn anh em đại đội Hai ở lại tạp dịch. Ông với Thượng
sĩ Eng mang hai trung đội đi được rồi. Còn đại đội Một, thiếu tá bảo rằng cho
Diệu nó nghỉ để tu sữa lại tuyến phòng thủ, vì ở đó hở nhất.
Chàng quay qua Vinh nói đùa.
-Tôi mong đây là lần chót còn được quyền ra lệnh cho chuẩn úyVinh. Mai kia Thiếu
tá chính thức bổ nhiệm làm đại đội trưởng đại đội Hai rồi thì tôi không dám nữa.
-Chuẩn úy mà ai cho làm đại đội trưởng. Anh cứ nói chuyện xa vời. Mà dù tôi có
làm đại đội trưởng thì anh vẫn cứ ra lệnh. Tôi sẽ thi hành.
-Sao lại không được. Mấy ông ra trường đã quá mười tám tháng. Nghị định về rồi
nhưng kẹt ở quân khu. Nếu Thiếu tá muốn thì ông gắn lon ngay cho Vinh, Chí chứ
khó gì. Tôi sẽ đề nghị với thiếu tá việc này, công điện thăng cấp sẽ gửi lên
sau. Thôi bây giờ hai ông về lo sắp xếp để ngày mai mình đi sớm.
Cả hai đứng lên ngay. Họ muốn trả lại không khí tự do cho Trang và Nhật. Cả mấy
ông đệ tử cũng biết ý như thế, sang hầm bên cạnh nhìn hỏa châu rơi, tán gẫu.
Đêm hôm đó, sau bao nhiêu mệt nhọc Nhật đã ngủ một giấc thật dài. Ba đợt máy
bay quần nát chiến trường, cả trung đoàn địch bây giờ đã biến thành những cái
xác vô tri, những con người không còn nguyên vẹn nữa. Những đứa sống sót thì giờ
đây đã bỏ cả đồng bọn để trốn chạy lấy thân mình, bởi chúng tin chắc rằng không
ai để yên cho chúng làm gió, làm mưa như trước nữa.
Khi chàng thức giấc đã là nửa đêm về sáng. Nhật khỏe hẳn ra và sung sướng ôm lấy
cô bạn gái ngoan ngoãn nằm trong vòng tay rắn chắc của chàng. Trái với Nhật.
Trang còn thao thức, cả đêm không ngủ được. Không rõ niềm vui hay nổi buồn đã
làm Trang hồi hộp xao động tấm lòng. Biết Nhật đã thức, nàng khẻ hỏi.
-Ngày mai đi hành quân truy kích địch phải không anh? Em đi theo anh có được
không?
Nhật siết chặt hơn. Chàng tìm đôi môi nàng nhưng Trang đã quay đi chỗ khác.
Chàng vờ giận dỗi trả lời.
-Không, không. Em đi làm gì, nguy hiểm lắm. Ở đây đợi anh về.
Trang cương quyết, nàng nói như phân trần, giải thích.
-Nguy hiểm thì em lại càng phải đi với anh. Em chọn ở lại đây để lúc nào cũng
được chia xẻ với anh tất cả. Gian nguy và hạnh phúc. Thật vậy. Đó là tâm nguyện
của em. À ngày mai mình có đi tới đồi Trinh nữ không anh.
-Anh chưa biết được. Song anh nghĩ rằng có thể mình chưa đi xa đến thế. Còn tùy
theo tình hình cho phép hay không.
-Nếu phải hành quân qua đồi Trinh nữ em lại cần phải theo anh. Em sẽ chỉ cho
anh thấy tất cả những hầm hố và hệ thống giấu quân của Việt cộng mà nếu đi một
mình anh khó mà biết được.
-Tốt lắm. Anh không hiểu tại sao tiểu đoàn lại không nhận ra vị trí quan trọng
của đồi Trinh Nữ. Ở đó, nếu chiếm giữ được sẽ kiểm soát được nhiều cao điểm
xung quanh. Anh sẽ đề nghị tiểu đoàn lập một tiền đồn mới ngay ra đồi Trinh Nữ
để thay thế cho tiền đồn cũ đã bị địch phá bây giờ.
-Đúng, đúng đó anh. Anh nên xin thiếu tá cho cả đại đội mình ra trấn giữ đồi
Trinh Nữ. Em sẽ chỉ cho anh chỗ em đã sống ngày xưa. Khúc sông mà em thường tắm
và hòn đá nào em thường ngồi xõa tóc để nhớ về anh. Tất cả còn nguyên vẹn
Trang định nói còn nguyên vẹn như em, nhưng nàng ngừng lại. Rồi có một ngày
chàng sẽ biết. Nhật cũng say sưa với tương lai hạnh phúc, chàng nói thêm.
-Và chúng mình thương nhau. Sẽ chung sống, cùng nhau xây dựng một cuộc đời hạnh
phúc.
Trang sôi nổi hơn, tưởng như mộng ước đã thành sự thực.
-Em sẽ cho dời căn nhà của cha nuôi em ở ấp D lên đồi Trinh Nữ. Chúng ta sẽ làm
một căn nhà sàn đẹp nhất Gia Vực.
Nhật mơ mộng, tưởng như mình đang đọc chuyện thần tiên.
-Đó là căn nhà của công chúa rừng xanh Đinh Tơ Rang. Anh dù không là hoàng tử,
vẫn xin một ngày nào tìm đến, hôn lên đôi môi. Em sẽ mở mắt, thức dậy như chuyện
nàng Bạch tuyết ngày xưa.
-Và em sẽ sinh cho anh những đứa con ngoan -giống như anh.
-Anh mà ngoan gì -giống như em, ngoan như cô Tấm ngày xưa trong chuyện cổ tích
mà anh thường mê say khi còn bé.
Trang không nói thêm gì nữa, nàng đã lạc vào những cơn mơ mà Nhật đang vẽ vời.
Một đêm trằn trọc, thao thức với những lo lắng buồn phiền, giờ đây trong vòng
tay Nhật, đã làm Trang quên hết cả.
Giấc mơ đưa nàng trôi trên những ngọn xanh của cây rừng, lên cao vút như những
đỉnh núi mơ xa, đầy sương phủ, tới những buôn làng mà ánh sáng văn minh chưa hề
soi rọi tới. Hạnh phúc của Trang chính là đem niềm vui tới để xoa dịu những cơn
đau nhân thế. Chính vì thế mà mọi người đã tặng thưởng và tôn vinh nàng là công
chúa của rừng xanh . Nhật cũng chập chờn mơ mộng cho đến khi máy PRC25 ở bên
kia đã vang lên tiếng gọi của đại úy Nghĩa thúc giục chuẩn bị hành quân. Nhìn
Trang đang nằm gọn trong tay say sưa ngủ muộn, Nhật thấy thương quá một tấm
lòng trung trinh bền chặt mà chàng may mắn được nàng dành cho. Chàng nhẹ nhàng
ngồi dậy, lấy tấm chăn dù đắp lên ngực Trang rồi yên lặng bước ra giao thông
hào. Bọn Nhiều, Kiệt, Du đã chờ ở đó tự bao giờ. Khi tất cả các trung đội sẵn
sàng Nhật nhận lệnh đi ngay. Cổng trại đã được mở toang. Một dấu hiệu của niềm
tự tin và chiến thắng sau mười sáu ngày chiến đấu với địch quân. Chàng vừa ra lệnh
cho trung đội của Vinh tiến lên thì Trang chạy đến. Nàng đã gọn gàng trong bộ đồ
hành quân và vũ khí bước đến bên chàng. Mắt Trang cương quyết như muốn nói.
-Em muốn được chia xẻ với anh tất cả. Tất cả vinh quang và nguy hiểm, tất cả
đau khổ và hạnh phúc trong cuộc đời này.
Nhật không nói, mà chàng cũng không ngăn cản nữa vì biết ý Trang đã quyết như
thế. Chàng chỉ lấy làm buồn cười cho chính mình và Trang đã có những lúc quá
say sưa, mơ mộng, tưởng như cuộc đời chỉ có toàn màu hồng tươi như khi vừa mới
lớn.
Đoàn quân tiến chậm, thận trọng từng bước đi, trông chừng từng bụi cỏ. Nhưng có
lẽ địch quân không còn nữa. Những tên sống sót đã nhanh chân tẩu thoát để lại đồng
bọn đứa chết, đứa bị thương chờ chết. Trên sân bay và cánh đồng cỏ ngoài kia
không biết bao nhiêu là xác người. Từng hố cá nhân, từng đoạn đường hầm ngập đầy
vũ khí và đạn dược. Những giọt máu đã thâm đen lại. Màu đất , màu máu, màu ảm đạm
của trời, tạo nên một bức tranh rùng rợn và tang thương khiến Trang bật khóc,
khóc nức nở. Nhật hoảng hốt.
-Sao vậy em. Sao em lại khóc. Có phải em nhớ lại ngày xưa?
Trang yên lặng, cúi xuống rồi gật đầu. Ngày xưa Gia Vực cũng tang thương rùng rợn
như thế này, nhưng là niềm đau đớn của người quốc gia lọt vào tay quân quỷ dữ.
Ngày nay thì chính quân quỷ dữ đã đền tội mà chúng gây nên. Nhìn cảnh này mà nhớ
lại ngày trước, thương cha đã không còn nữa. Trang xúc động không cầm được, nên
nước mắt cứ trào ra. Đến gần trưa thì trung đội của Vinh đã tiến tới tiền đồn.
Anh chàng gọi cho Nhật và đề nghị xin được tiến lên lục soát đồi Trinh Nữ. Cuộc
tiến quân dễ dàng làm cho Nhật dễ dãøi hơn. Dù vậy chàng vẫn gọi về tiểu đoàn
thông báo rằng sẽ cho đại đội tiến chiếm mục tiêu cuối cùng của cuộc hành quân
lục soát. Hy vọng rằng với khẩu pháo binh còn lại của tiểu đoàn, có thể yểm trợ
cho chàng nếu có những chuyện bất ngờ. Nhật biết rằng Chuẩn úy Cẩn đã bị thương
nặng. Người hạ sĩ quan phụ tá đang thay thế, độ chính xác và nhanh nhẹn giảm
sút rất nhiều nên sự lục soát đồi Trinh Nữ bây giờ là liều lĩnh lắm.
Nhưng trái lại, Trang không có vẻ gì là lo âu. Nàng vui vẻ, quên những sầu muộn
vừa qua. Về lại đồi Trinh Nữ, Trang có cảm tưởng rằng nàng được về lại một nơi
êm ấm xa xưa, mà lần này, nàng là người chiến thắng. Trang ước ao, dù chỉ một
giây, được thấy lại người cha để nàng có thể nói rằng hôm nay những người lính
quốc gia -như cha khi xưa- đang rửa sạch mối thù của mười mấy năm về trước.
Trang vừa nghĩ tới đây thì ở phía trước, tiếng súng vang lên giòn giã. Trung đội
của Vinh đang đụng lớn. Lúc ấy Nhật đang ở dưới chân đồi. Máy truyền tin vang
lên ngay. Tiếng Vinh nói mau nhưng rất bình tĩnh.
-Trình với ba mươi bốn, xin cho con gà cồ gáy về phía trước mặt chúng tôi. Mấy
con chuột nhắt đang tập trung tại đó.
Nhật lấy yếu tố do Vinh chuyển tới rồi xin bắn ngay. Đạn nổ xong là chàng cho
luôn cánh quân của Đinh Eng lên tiếp theo, tấn công lục soát liền. Mọi người đều
chạy qua sông để tiến lên trước. Đây là khúc sông cạn nên chẳng bao lâu Nhật và
Trang đã bước lên đồi Trinh Nữ. Cả bọn đều ngồi xuống một hòn đá to, dưới gốc
cây rừng hoang dã. Chàng gọi báo cáo cho tiểu đoàn, trong lúc Trang vui vẻ trò
chuyện với bọn Nhiều, Kiệt, Du và hai người khinh binh về những lúc ở trên đồi
ngày xưa.
Phía trên, trung đội của Vinh và Đinh Eng đã vượt qua mục tiêu, tới ranh giới
cuối cùng của đồn lính Bảo An ngày trước. Từ một hòn đá cao Vinh nhìn thấy rõ
ràng mấy tên địch, núp dưới chân một phiến đá to, đang thả đạn vào hai khẩu
súng cối, hướng về phía bọn chàng. Vinh sửng sốt nhận ra một trong những tên ấy
là Hoàng ngọc Lê. Tiếng đề-pa của địch Vinh nghe rất rõ, song chàng không thèm
nhảy xuống để tránh những miểng đạn. Khoảng cách quá gần, nhưng vì Hoàng ngọc
Lê và đồng bọn đang mãi mê thả đạn nên không để ý rằng Vinh ở phía bên phải đã
nhìn thấy chúng.
Vinh yên lặng ra thủ lệnh báo động cho binh sĩ. Hai khẩu đại liên M60 và hai khẩu
M79 được trực xạ tới ngay tên phản bội và đồng bọn. Vinh thấy rõ cái dáng mập mạp
của Hoàng ngọc Lê nhảy dựng lên khi trúng đạn. Bốn tên bộ đội cũng ngã lăn ra.
Nhưng người lính mũ nâu không cần đợi lệnh, ồ ạt tiến lên ngay.
Chưa kịp nhảy xuống để chạy theo thuộc cấp Vinh lại nghe liền hai tiếng nổ. Đó
là hai trái đạn 82 ly cuối cùng của địch. Hai trái đạn từ trên cao rơi xuống
cùng một cành cây, trước sau không đầy một phần tư phút. Dưới tàn cây đó là nơi
Nhật vừa ngồi xuống để gọi báo cáo tình hình sơ khởi cho tiểu đoàn.
Những mảnh đạn từ trên cao bắn tung tóe xuống . Hai người khinh binh gãy đôi
báng súng, lăn xuống bờ suối. Nhiều ngã bật ngược về phía thân cây, nằm vật ngữa,
úp lên chiếc máy PRC25, kéo theo sợi dây và ống liên hợp mà Nhật đang nói. Du vừa
tháo máy ra khỏi vai, lãnh luôn một chùm miểng vào giữa lưng, ngã úp lên chiếc
ba lô của Kiệt. Trong khi Kiệt bị hất văng ra xa bởi đầy những mảnh đạn vào đầu
và cổ. Nó vừa bỏ chiếc nón sắt ra để định đi kiếm cây giăng võng cho ông thày.
Cả năm người chết ngay, không kêu lên một tiếng nào.
Chiếc ống liên hợp nằm chơ vơ vẫn còn phát ra tiếng gọi của Đại úy Nghĩa. Tiếng
gọi khẩn thiết và hốt hoảng vì đoán biết một chuyện bất thường đã xảy ra cho Nhật.
Không ai trả lời. Máu của Nhiều đã từ từ ứa ra, nhỏ từng giọt trên những âm
thanh rè rè tắc nghẽn. Bị hất văng xa khỏi gốc cây Nhật đau đớn ngất đi ngay.
Nhưng chỉ vài giây sau thì chàng tỉnh lại. Nhật nghe rõ tiếng gọi khẩn thiết của
Đại úy Nghĩa nhưng không làm sao xê dịch được thân thể. Cánh tay trái của chàng
đã gãy. Một miểng đạn xuyên gọn qua làm giập vỡ khúc cẳng tay. Một miểng nữa
vào giữa lưng nhưng may nhờ có áo giáp che chở nên không vào sâu lắm. Chàng hốt
hoảng choàng dậy, cố la lên nhưng cơn đau làm tiếng la không thể thoát ra ngoài
cổ họng.
-Trang ơi, Trang ơi, em có sao không?
Trang nằm ngay bên cạnh Nhật, tóc xõa ra, trải dài trên mặt cỏ. Mắt nàng nhắm lại
như người đang nằm ngủ. Một mảnh đạn xuyên qua lồng ngực trái. Máu đã bắt đầu
thấm đẫm lưng nàng công chúa rừng xanh.
Từ trên cao, tiếng nổ đã làm Vinh hốt hoảng. Linh tính báo cho chàng biết một sự
ghê gớm đã xảy ra. Gọi mấy lần mà không được Nhật trả lời. Vinh hét thằng mang
máy rồi cắm đầu chạy xuống.
Tới nơi, Vinh xô hạ sĩ Phát -y tá của đại đội- ra rồi đỡ Nhật ngồi lên. Chàng
đưa mắt nhìn Trang chỉ thấy Trang hiền lành nằm ngủ. Nhật muốn nói, muốn hỏi,
mà cơn đau cứ dồn nên làm tiếng chàng không thể thoát ra. Vinh cúi xuống, thật
gần đến mặt Trang khẽ gọi.
-Chị Trang, chị Trang ơi, chị có sao không?
Trang mở mắt ra nhìn Vinh. Nàng không còn phân biệt được những gì trong cuộc đời
này. Chỉ là một ý tưởng, là một ước muốn đã gần thành sự thực, giờ đã trở lại một
giấc mơ mà suốt cuộc đời nàng tìm chẳng thấy. Nước mắt Trang trào ra. Nàng nói
với gương mặt mơ hồ trên kia của Vinh mà tưởng rằng là Nhật.
-Anh Nhật ơi, suốt một đời em chỉ thương nhớ và quý trọng những kỹ niệm ngày
xưa còn bé của chúng mình. Suốt đời em chỉ thương anh, nhớ thương những núi đồi
và rừng xanh hoang dã. Em cũng thương những con người đơn sơ mộc mạc núp bóng
cây rừng, sống đời bình dị. Hãy cho em nằm lại nơi đây, trên đồi Trinh Nữ này
bên cạnh cha em.
Nhật được Vinh đỡ lên, ngay bên cạnh đó. Chàng nghe tiếng Trang, rõ từng tiếng
một. Nhưng cơn đau buốt lên tận óc lại làm Nhật ngất đi. Vinh vẫn đưa hai tay đỡ
lấy chàng. Mắt Vinh không rời trên khuôn mặt người con gái. Bây giờ mắt Trang
đang từ từ khép lại. Và dù là con nhà võ, Vinh vẫn bật lên tiếng khóc.
Đoạn Kết
Sau sáu tháng điều
trị ở Tổng Y Viện Duy Tân. Nhật trở về đơn vị. Gia Vực bây giờ đã tạm yên nhưng
khung cảnh thanh bình xưa đã không bao giờ còn nữa.
Những đôi mắt mai, ngây thơ của các nàng sơn nữ sớm sớm lên nương giờ đã đổi
màu u buồn và sợ hãi. Những bờ ngực trần, vun tròn, thản nhiên khiêu giợi ngày
nào chỉ còn trong truyện kể. Với những chết chóc, đói khát, đau khổ, nhục nhằn
gây ra bởi chiến tranh, cũng bờ ngực ấy, giờ đây dài ngoẳng, đen đủi, nhem nhuốc
và kinh tởm mỗi khi vô tình nhìn thấy.
Tiểu đoàn 70 Biệt động quân đã bỏ hẳn tiền đồn bên cạnh đồi Trinh Nữ. Và dù chỉ
cách căn cứ dưới mươi cây số, ngọn đồi ấy bây giờ là điểm oanh kích tự do mỗi
khi có biến động.
Đối với những người Thượng quanh vùng thì dù không bao giờ còn thấy cô gái ngồi
xõa tóc giữa những đêm trăng, nhưng đồi Trinh Nữ vẫn là ngọn đồi linh thiêng
cho mọi người Hre sùng bái.
Một buổi chiều, chiếc xe Jeep mui trần duy nhất của tiểu đoàn chạy ra cổng trại,
dọc theo sân bay trên con đường đất đỏ bụi mù. Trên xe, ngoài người tài xế là
ba ông sĩ quan trẻ với hai người lính, Nhật ngồi phía trước, Vinh, Chí ngồi
quay lưng lại ở băng sau. Hai người lính mang máy ngồi bệt xuống sàn xe, bỏ
thõng chân ra ngoài bửng. Họ đi về hướng tiền đồn Trinh Nữ ngày xưa.
Tới nơi, cả bọn băng qua sông Re, tiến thẳng lên đồi. Họ đi tới một mô đất cao
gần phiá bờ sông . Những ngôi mộ, cỏ đã xanh rì nằm ngang một hàng thẳng lối.
Các bia đá mới được khắc ghi tên tuổi những người nằm xuống.
Nhật cắm những nén nhang vừa mới đốt lên những ngôi mộ đó. Rồi trở về ngôi mộ đầu
tiên. Chàng sờ vào tấm bia khắc tên người con gái như đang chạm vào chính da thịt
của nàng.
-Thôi, chào em ở lại, anh sẽ đi xa khỏi nơi này không biết có ngày nào trở lại.
Trang ơi.
Nhật muốn bật lên tiếng khóc nhưng chàng dừng lại kịp. Chàng bước sang những
ngôi mộ kế bên.
- Thôi, ở lại nhé các em. Nhiều, Kiệt, Du ơi.
Rồi như quả quyết. Nhật quay lưng ,vẫy Vinh, Chí và ba người lính xuống đồi.
Vinh hỏi Nhật.
-Anh làm đơn bao giờ mà đã có lệnh thuyên chuyển rồi?
-Mới đây thôi, nhưng thiếu tá đề nghị đặc biệt cho ưu tiên vì vấn đề sức khỏe.
Chàng không nói gì thêm. Mà Vinh và Chí cũng không hỏi nữa. Gần đến sân bay Chí
mới ngập ngừng.
-Anh đi có nhớ Gia vực, nhớ tiểu đoàn không? Hai đứa chúng tôi lúc nào cũng nhớ
và ngưỡng mộ anh, coi anh như người anh ruột. Anh Nhật.
Nhật không trả lời, chàng đưa hai tay, nắm lấy Vinh và Chí siết chặt. Nửa tiếng
sau, chiếc trực thăng tiếp tế cuối cùng đã hiện ra ở chân trời. Nhật theo chuyến
bay, trở về quân khu nhận lệnh thuyên chuyển về đơn vị mới, để lại bạn bè dưới
vùng trời Gia Vực đau thương với những giải mây tang trắng.
Dallas mùa đông 1999
Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận
Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận
Đôi dòng của người viết về tiền đồn biên phòng Gia Vực.
Sau lần tấn công như điên cuồng vào Gia Vực mùa hè năm 1972
mà không chiếm được, Việt cộng đã bỏ ngỏ Gia Vực một thời gian khá dài. Hơn một
năm sau vào mùa xuân năm 1974 Cộng quân lại một lần nữa đem đại quân đánh chiếm
tiền đồn, và lần này chúng đã thành công trong chiến thuật biển người.
Đại úy Trần Nghĩa, người tiểu đoàn phó can đảm của tiểu đoàn 70 Biệt động quân
đã năm xuống trong trận thư hùng cuối cùng ấy. Cùng nằm xuống với đại úy Trần
Nghiã là mấy trăm người lính Biệt động biên phòng của một tiền đồn heo hút nhất
quân khu. Số còn lại được ghi nhận là mất tích trong chiến đấu.
Cuộc chiến đã qua hơn một phần tư thế kỷ, nhưhg đối những người cựu chiến sĩ Việt
Nam cộng Hòa thì như chỉ mới hôm nào. Lòng vẫn còn sôi sục, bừng bừng một thời
xông pha lửa đạn. Chỉ tiếc rằng thiếu hẳn sự kết đoàn nên giờ đây mỗi người một
ngả, than khóc cố hương.
Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận