11 May 2017

TƯỜNG THÀNH & LĂNG MỘ - Tưởng Năng Tiến

Tôi nghĩ một ngày nào đó, khi chúng ta vượt qua nỗi khiếp sợ của cái ngu và ác, tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy: chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành: LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM. (Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh)
So với Vạn Lý Trường Thành thì Bức Tường Bá Linh chỉ như một thứ mô hình để trưng bầy, coi chơi cho vui mắt thôi. Tuy thế, số nạn nhân của Berlin Wall (cũng như lực lượng phòng thủ hùng hậu của nó) cũng đã để lại một những dấu ấn khó phai trong lịch sử cận đại.
Thông tin của Bộ An Ninh Quốc gia (Đông Đức) cho hay: “Lực lượng biên phòng của khu vực biên giới với Tây Berlin bao gồm 11.500 quân nhân và 500 nhân viên dân sự. Ngoài bộ tham mưu đóng ở Berlin-Karlshorst, lực lượng này bao gồm 9 trung đoàn … với 567 xe bọc thép chở quân, 48 súng cối, 48 đại bác chống tăng, 114 súng phóng lửa cũng như là 156 xe bọc thép hay xe công binh và 2.295 xe cơ giới khác. Ngoài ra là 992 chó đặc nhiệm. Vào một ngày bình thường có khoảng 2.300 quân nhân nhận nhiệm vụ canh phòng trực tiếp tại biên giới và vùng cận biên.”

Trang sử nào rồi cũng phải lật qua, và thời gian cũng sẽ làm phai nhoà mọi chuyện. Di sản của Chủ Nghĩa Cộng Sản, còn chăng, chỉ là những thành tích (nổi trội) của vài ba Người Cầm Lái Vỹ Đại mà thôi.
Nhân loại chắc còn lâu mới quên được đồng chí Stalin với quần đảo ngục tù Gulag, đồng chí Mao Trạch Đông với Những Bước Nhẩy Vọt (Great Leaps Forward) cùng 36 triệu người dân Trung Hoa chết đói, đồng chí Fidel Castro với những bài diễn văn dài mười tiếng đồng hồ, đồng chí Pol Pot với vài Cánh Đồng Chết và “một lương tâm trong sạch,” đồng chí Kim Chính Ân với cả chục hoả tiễn phát nổ ngay sau khi vừa rời dàn phóng, đồng chí Walter Ernst Paul Ulbricht với bức tường Berlin, đồng chí Nguyễn Tất Thành với Ho Chi Minh City (rực rỡ tên vàng) và quần thể lăng Bác giữa lòng thủ đô của một quốc gia lạc hậu…
Khác với Bức Tường Ô Nhục Bá Linh (Wall of Shame of Berlin) Lăng Bác Hồ chưa làm ai chết. Tuy thế, số người dân Việt Nam dở sống (và dở chết) lại hơi nhiều chỉ vì chi phí cho việc bảo vệ (và bảo trì) cái lăng tốn kém quá Trời!
Hồi năm 2000, G.S. Trần Khuê đề nghị:
“Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dự chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn vắng về giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi… Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương tựa. Có thể xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo…”
Đến năm 2009, một thành viên của trang x-cafevn tính toán:
“Để thấy con số có thực khổng lồ không? ta tạm tính chi phí mỗi tháng như sau:
– Bảo trì công trình, điện nước tốn mỗi tháng 20 triệu,
– Tiền lương của 100 người (2 ca sáng tối) x 4 triệu = 400 triệu/tháng,
– Chuyên gia, bác sĩ, kỹ sư, tư lệnh: 10 người x 10 triệu = 100 triệu
– Tổng cộng 520 triệu, chưa thèm tính máy bay vận chuyển sang Nga hàng năm, bỏ luôn tiền mua hóa chất không tính. Tiền xây lăng, mua thiết bị coi như được Liên Xô tặng toàn bộ đi.”

Qua năm sau nữa, trong một cuộc phỏng vấn dành cho T.B.T Mạc Việt Hồng (Đàn Chim Việt) vào hôm 19 tháng 5 năm 2010, nhà sử học Hà Văn Thịnh phát biểu:
“Tốn kém là có thật. Tôi biết điện để làm lạnh cho việc bảo quản thi hài ông bằng diện dùng cho một thị trấn. Với người phương Đông mình, có khi phải chấp nhận thôi. Đã đưa bác vào chôn cất trong lăng rồi, giờ lại đưa ra thì như vậy có tội với người đã khuất vì đã lỡ như vậy rồi. Giờ lại đưa ra thì không ổn. Điều này tôi không tán thành đâu…”
Tôi viết những dòng chữ này trong một ngày mưa, vào tháng 5 năm 2017. Bẩy năm đã trôi qua. Đến hôm nay thì tôi trộm nghĩ (chắc) G.S. Hà Văn Thịnh cũng sẽ đành phải “tán thành” thôi, nếu ông biết thêm đôi chút thông tin về khối nhân sự của Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh:
“Tiền thân là Đoàn 69 được thành lập ngày 14/5/1976 theo Quyết định số 109/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là ‘giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới’.
Về thành phần của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường bao gồm như sau:
  1. Bí thư: Chính ủy
  2. Phó Bí thư: Tư lệnh
Ban Thường vụ
  1. Ủy viên Thường vụ: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng
  2. Ủy viên Thường vụ: Phó Tư lệnh
  3. Ủy viên Thường vụ: Phó Tư lệnh
Ban Chấp hành Đảng bộ
  1. Đảng ủy viên: Phó Chính ủy
  2. Đảng ủy viên: Chánh Văn phòng
  3. Đảng ủy viên: Chủ nhiệm Chính trị
  4. Đảng ủy viên: Phó Tham mưu trưởng kỹ thuật
  5. Đảng ủy viên: Chủ nhiệm Hậu cần hoặc Chủ nhiệm Kỹ thuật
  6. Đảng ủy viên: Trưởng ban Tài chính
  7. Đảng ủy viên: Viện trưởng Viện 69
  8. Đảng ủy viên: Đoàn trưởng Đoàn 195
  9. Đảng ủy viên: Đoàn trưởng Đoàn 595
  10. Đảng ủy viên: Đoàn trưởng Đoàn 275
Lãnh đạo hiện nay
Chức vụ
Họ tên
Đảm nhiệm
Tư lệnh
Nguyễn Văn Cương
Từ 2008
Chính ủy
Cao Đình Kiếm
Từ 2016
Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng
Nguyễn Trọng Khánh
Từ 2010
Phó Chính ủy
Dương Hoàng Toán
Từ 2016
 
Cơ quan trực thuộc: Văn phòng, Thanh tra, Ủy ban kiểm tra Đảng, Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật, Ban Tài chính, Ban Khoa học Quân sự, Ban Điều tra hình sự,Ban Công nghệ thông tin, Ban Thông tin KHQS
Đơn vị cơ sở trực thuộc: Đoàn 195, Đoàn 275, Đoàn 285, Đoàn 595, Viện 69 …”

Lễ Báo Công Dâng Bác hôm 19 tháng 4 năm 2017.

Để “canh giấc ngủ cho người” mà cần tới ba ông tướng, với vài chục ban ngành trực thuộc, và hàng vạn binh sĩ cùng nhân viên (lận) sao – Trời? Sao mà khó ngủ dữ vậy, cha nội?
Khi Người còn sống thì chỉ vì đi theo (hay đi ngược hướng) con đường Bác kính yêu đã chọn mà hàng bao nhiêu triệu con dân Việt Nam chết thảm. Nay, dù Bác đã chuyển qua từ trần nhưng số kẻ chết dở (và sống dở) cũng không phải ít vì đất nước quá nghèo mà tiền bảo trì (và bảo vệ) lăng của Người thì quá là tốn kém.
Theo (nguyên văn) thông tin từ cuộc hội thảo Xây Dựng Chương Trình Hành Động Phòng Chống Mua Bán Người Giai Đoạn 2016-2020 (tổ chức ngày 21.4 tại Sài Gòn) thì “hằng năm có 5000 phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia, Singapore bán dâm.” Nói là “bị đưa” nghe cho nó sang, chớ thiệt tình thì những người này đều chỉ có nỗi lo chung là … đi không lọt mà thôi. Con số người Việt sang hai quốc gia kể trên bán thân, thực ra, đông đảo hơn nhiều nên thiên hạ phải tìm cách chận họ bớt lại thôi. Đi làm điếm chớ bộ đi trẩy hội hay sao mà mườm nượp, vậy cà?
Câu hỏi đặt ra không phải là mấy ngàn, hay mấy chục ngàn người mà là cần phải bao nhiêu phụ nữ Việt Nam (bán dâm) thì mới đủ tiền chi cho ngân sách thường niên dành riêng cho Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng Bác?

Tưởng Năng Tiến