Sài Gòn ngày ấy-Tranh: Trần Thanh Châu
Sau 75, đất nước có nhiều biến đổi. Tuy lãnh thổ qui về một mối, nhưng lòng
người lại khởi sự ly tan. Ly tan không hẳn là người ta không thích chế độ mới
hoặc ghét bỏ gì những kẻ ở bưng biền về, mà vì họ từng bước bị đưa đẩy đến bước
đường cùng, dần dà trở thành kẻ thù của chế độ. Phiếm luận sau đây như nhắc nhớ
những ngày tháng tư nắng úa và kiểm lại xem ai là những kẻ bị lừa. Bài viết như
một nhật ký ghi vội trong cơn hoảng loạn. Phần xếp đặt dựa theo thời điểm từ
đêm 29-4 lúc Sài-gòn hấp hối đến khi có lệnh tập trung cải tạo vào giữa tháng
6. Các đối tượng, nhân vật, bối cảnh đươc chọn mang tính chất tiêu biểu dễ nhận
diện.
Đêm 29 tháng 4…
9 giờ 20 tối đêm 29, trong lúc trực thăng của Thủy quân Lục chiến Mỹ vẫn ra vô
như con thoi từ hạm đội 7 đến nóc Tòa Đại sứ Mỹ để di tản một số người muốn ra
khỏi Sàigon theo kế hoạch di tản của Tòa Đại sứ, thì ông xếp tôi (một tướng 3
sao) vẫn còn nói chuyện với ông Đại sứ Pháp. Cuối cuộc điện đàm xếp lớn cho
biết Tòa Đại sứ có dấu chỉ cho thấy sẽ có một giải pháp cho vấn đề Việt nam
được cả bốn bên đồng ý. Chuyện Sàigon đổ máu là không thể có. Việt nam sẽ có
giải pháp trung lập và ranh giới có thể mất Huế và mấy tỉnh miền Trung.
Khoảng hơn nửa đêm, xếp tôi sốt ruột lại liên lạc thăm dò bên văn phòng Dương
văn Minh, nơi đây cho biết phía Bắc Việt đổi ý. Giải pháp do Tòa Đại sứ Pháp
làm trung gian không thành, Sàigòn đang đi vào hấp hối. Vũ Văn Mẫu cho phát lời
đuổi Mỹ ra khỏi nước trên đài phát thanh càng gây hoảng lọạn cho cả dân lẫn
quân suốt đêm 29. (Rõ thêm chi tiết xin đọc ‘Saigon et Moi’, hồi ký của Đại sứ
Pháp Méreillon)
Sáng 30 tháng 4…
Khoảng 11giờ sáng ngày ba mươi, ngày tàn của chế độ, Big Minh kêu gọi binh sĩ
miền nam buông súng. Xe tăng của quân đội Bắc Việt trương lá cờ của MTGPMN phá
vỡ cửa dinh Độc Lập, tiến thẳng lên thềm dinh thả người của họ là trung tá Bùi
Tín cùng dăm ba người đi theo. Dương văn Minh, Vũ văn Mẫu và mấy chức sắc của
cái chánh phủ ‘đêm ba mươi’ ra đón tiếp và bàn giao việc nước cho phái đoàn
Việt Cộng. Bùi Tín dõng dạc tuyên bố, các ông là kẻ bại trận, chỉ có chuyện đầu
hàng, không có chuyện bàn giao ở đây. Dương Văn Minh và bộ xậu sững sờ, ngậm bồ
hòn làm ngọt.
Chuyện này cả Bùi Tín lẫn ông Minh đều rõ. Nay ông Minh đã ra người thiên cổ.
Bùi Tín đã đào thoát ra tị nạn nước ngoài, xin ông viết thêm để ngọn nguồn sáng
tỏ. (sau đó Bùi Tín có viết, xem bài Bùi Tín & Tôi (Sáng Tạo 2011)
Sáng 1 tháng 5…
Ngàn năm một thuở, dân Sài gòn hồ hởi phấn khởi, hơn trăm năm đô hộ nay sạch
bóng quân thù, con cái đôi bên sống sót về nhà, chuyện đổ máu chẳng hề xảy đến.
Nhạc sĩ họ Trịnh cùng mấy tên nằm vùng lên đài phát thanh hát ‘Nối vòng tay
lớn’ bừng bừng khí thế, khiến kẻ thất thế cảm thấy yên lòng. Các lời đồn đại
đám di cư con gái, đàn bà thì phải lấy bộ đội phế binh còn con trai, đàn ông
thì phải đi bộ về lại Bắc dần dà chỉ là tin thất thiệt. Tuần báo TIME đăng hình
tướng Lê Minh Đảo mặc thường phục đi thả bộ trên đường Tự Do, mang đậm nét một
người lính buông súng trở về nhà trong khung cảnh của một đất nước không còn
chiến tranh, chẳng còn thù hận. Báo còn kèm bản tin các hạ sĩ quan binh lính
học tập bảy ngày đã xong, các sĩ quan viên chức chờ các đợt học tập kế tiếp
chừng mươi bữa nửa tháng sẽ được về nhà chí thú làm ăn.
Chuyện tắm máu là tin vịt, người cách mạng không bao giờ trả thù. Những ngày
đầu chánh quyền mới họ chưa cần nói nhiều, thấy dân ‘vui’ là họ ‘mừng’ rồi, chủ
yếu chỉ giữ an ninh tránh điều xáo trộn, ai muốn yêu nưóc, xây dựng đóng góp
đều được hoan nghênh chẳng phân biệt kẻ nam người bắc. Đối xử như vậy bảo sao
dân ta không cảm thấy phấn khởi? (Nói nào ngay không ít người vẫn còn ám ảnh
câu nói để đời ”đừng nghe...” của ông Thiệu dù ông đã bỏ của chạy lấy người từ
hôm 25)
Lễ hội tháng Năm…
Trong không khí hồ hởi của một dân tộc lại quay về cùng nhau nối vòng tay lớn,
các đoàn xe liên vận từ Bắc vô Nam ùn kẹt trên tuyến đường Quảng Trị. Qua cầu
Hiền Lương, dấu ấn của một thời chia đôi đất nước, chị cán bộ bà con bên tôi
hồi tưởng lại chị được tuyên truyền hạt gạo bẻ làm đôi, làm ba để chi viện cho
đồng bào miền nam ruột thịt. Nay quán xá bên đường, cơm trắng cá tươi, thịt heo
hột vịt, ruợu bia sinh tố, ăn uống ê hề, giá cả phải chăng, chẳng cần tem
phiếu. Càng xuống sâu phía nam, nhà cửa khang trang, ruộng đồng bát ngát, chợ
búa tấp nập, phố xá đông vui. Lễ hội tháng năm với cảnh dân nam nhận họ, dân
bắc nhận hàng làm tuyến đường bắc nam trở nên đông vui quá tải, khiến chị chẳng
hiểu phồn vinh giả tạo ở chỗ nào và vì sao chị phải mất tuổi thanh xuân vào nam
giải phóng! Chuyện này cần đọc thêm lời than thở của Trần Độ, viên Chính ủy của
quân Giải phóng khi ông viết,
“Thắng lợi 75, ta đã thu lại được một nửa nước no đủ và đầy hàng hóa thế mà
ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao mà đến năm đầu của thập kỷ ’80 cả nước đói
nghèo, ngắc ngoải”
(trích Nhật Ký Rồng Rắn 2004 của Trần Độ, người ly thân với Đảng
và trở thành nhân vật đối kháng hàng đầu với chế độ từ cuối thập niên’90)
Ai khóc ai cười?
Dương thu Hương, một nhà văn nữ của quân đội nhân dân theo dấu chân của đoàn
quân giải phóng từ đất Quảng Bình tiến thẳng vô nam. Lúc này Bà chưa nổi tiếng
trong nghiệp văn, nhưng lại là đảng viên có đầu óc tỉnh táo, người ta vui mừng
chiến thắng, bà lại khóc lại buồn. Chẳng thể viết hơn, xin nhường lời tác giả,
”Năm 1975 chúng tôi là những người ở rừng về. Chúng tôi là phe những người
chiến thắng, tâm trạng lẽ ra là phải vui mừng chứ vì tôi cũng là đảng viên,
nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy đau khổ và tôi bắt đầu khóc. Tất nhiên những
người thuộc phe tôi họ rất vui mừng, nhưng tôi thấy chẳng có lý do gì để vui
mừng vì là khi vào đó thì tôi hiểu rằng phe chiến thắng, tức phe mình đi theo,
thực chất mà nói đó là mô hình của một xã hội man rợ, thiếu dân chủ...(ngưng
trích).
(Ba mươi năm sau, tác giả ‘Thiên đường mù’ hiện đang tị nạn ở Pháp).
Tháng sáu 13…
Đúng như tờ TIME loan tin, các sĩ quan viên chức chế độ cũ chẳng phải chờ đợi
lâu. Họ lục tục lên đường trình diện hoc tập mang theo tiền ăn đóng đủ. Họ đã
hoàn hồn, vợ con họ vui mừng ra mặt, ngày đi trình diện như ngày hôi nhập
trường, thậm chí có ông xếp nhỏ của tôi còn dắt đứa út đi theo, trớ trêu là con
nhỏ với đầu óc tuối thơ còn nghêu ngao “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại
thắng...” Thông cáo một tháng là về, cha con vợ chồng chia tay, hẹn ngày gặp
lại đắp đỗi làm ăn. Thế rồi giáo án cao su chả biết ngày về, chi thấy đám trẻ
bán báo trên đường phố Sàigòn hát câu đồng dao thời giải phóng: tháng sáu
trời mưa/tá uý bị lừa/chui đầu vào rọ.■
“còn một chút gì để nhớ để... than” nhân kỷ niệm 37 năm ngày di tản buồn.
Đỗ Xuân Tê