Tôi ngồi ẩn mình dưới tàng cây rậm rạp sau sân chùa, tránh
cái nắng oi ả của mùa hè. Hôm nay ngày thường, mọi người đi làm cả, cảnh chùa
im lặng một cách trang nghiêm. Nhân tiện có công việc đi ngang qua chùa, tôi tạt
vào viếng cốt và thắp cho ông bác một nén hương để tưởng nhớ đến bác mình. Tôi
thường thích ngồi một mình yên lặng như thế, đầu óc như thể hồi mới sinh, mắt
thấy cảnh, cảm nhận được hình ảnh nhưng chưa biết nói, trong đầu chưa có những
biểu tượng tạo thành ý nghĩ hay tư tưởng! Những lúc như thế, tôi thấy tâm hồn
có phần nào an lạc bình yên hơn.
Ngồi lơ đãng như vậy một lúc lâu, tôi chợt thấy bóng người
đang lui cui dọn dẹp phía hông mé nhà kho. Để ý kỹ, tôi nhận ra đó là người đàn
ông khoảng lứa tuổi ngoài 30 mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp làm công quả cho chùa.
Mồ hôi người đàn ông đổ nhễ nhại dưới cái nóng bức của mùa hè, nhưng anh ta vẫn
lẳng lặng làm không tỏ vẻ một chút nào khó chịu cả. Tôi ngồi nhìn anh ta làm việc,
lòng thầm cảm phục.
Người đàn ông bất chợt nhìn thấy tôi. Anh ta cười, vẫy tay
chào.
Tôi nói lớn:
– Nghỉ tay, uống miếng nước đã!
Người đàn ông khựng lại, ngẫm nghĩ, cúi xuống xách chai nước
suối dưới đất rồi đi lại phía tôi ngồi.
Tôi đứng lên, bắt tay tự giới thiệu tên mình.
– Chào anh, tôi là Minh.
– Dạ, tôi tên Hiếu.
– Hôm nay anh không phải đi làm à?
Tôi ngắm Hiếu trong khi chờ đợi câu trả lời. Tuy với làn da
hơi rám nắng, cùng với một mái tóc cắt ngắn, Hiếu có một khuôn mặt sáng sủa dù ẩn
hiện nhiều nét suy tư. Đôi bàn tay gầy gầy thanh nhã chứng tỏ không phải làm việc
lao động nhiều.
– Thưa anh không. Tôi nghỉ thứ Ba, không làm việc. Còn anh,
sao hôm nay không đi làm à?
– Tôi có vài công việc riêng cần phải làm nên lấy ngày nghỉ
hôm nay. Xong việc, đi ngang chùa nên ghé vào đây thăm cốt ông bác. Tôi thỉnh
thoảng đi chùa vẫn thấy anh. Anh chắc thường làm công quả ở đây đã lâu?
– Dạ, cũng được vài năm, thưa anh. Sắp tới lễ Vu Lan rồi,
tôi soạn lại nhà kho lấy những vật dụng cần thiết, để sẵn đó cho họ. Mỗi người
một tay.
– Ừ nhỉ. Anh không nhắc thì tôi cũng quên khuấy đi mất, rằm
tháng 7 sắp tới rồi! Trông anh còn trẻ, chắc còn bà cụ?
Hiếu chợt khựng lại, giọng nhỏ đi.
– Thưa anh không. Mẹ tôi mất cách đây được vài năm.
– Tôi xin lỗi.
– Dạ, không hề chi.
Tôi ngẫm nghĩ, miệng nói thầm “Hiếu, Hiếu …”. Tôi đã có nghe
ai đó nói tới cái tên này, và đang cố nhớ là đã nghe ở đâu.
– A! Tôi có nghe mẹ tôi thỉnh thoảng nói ở chùa có một anh
bác sĩ trẻ hay đến làm công quả, cho chùa tiền và chữa bệnh cho người đồng
hương lấy tiền rất rẻ, gặp người nghèo thì chữa miễn phí, không biết có phải là
anh không?
Hiếu cười ngượng ngập.
– Dạ, bà cụ anh nói quá lời. Tôi chỉ làm những gì khả năng
cho phép.
Tôi tiếp lời:
– Mẹ tôi và mọi người ở đây quý mến anh lắm. Được một người
trẻ công danh thành toại trong cộng đồng cũng là điều quý rồi, huống hồ thay vì
hưởng thụ, vinh thân phì gia, anh còn nghĩ đến cộng đồng, giúp đỡ cộng đồng thì
quá tốt. Tôi nói điều này bằng cả thực lòng, chẳng phải nói cho anh vui.
– Dạ, cám ơn anh. Tôi cũng chỉ xin đóng góp phần nào mà
thôi. Một mình tôi thì cũng chẳng làm gì được nhiều nếu không có những sự tiếp
tay và góp sức của những người khác. Người cho $100, người cho $5 đồng, $10 đồng
… người làm trong nhà bếp, người chăm lo vườn, người lo giấy tờ thủ tục hành
chánh v.v… một người thì chắc chắn không thể nào làm xuể được từng ấy công việc.
Tôi đổi đề tài đối thoại, để cho Hiếu được thoải mái, hỏi về
những khóa tu thiền sắp tới do chùa tổ chức, những lớp học tiếng Việt v.v…
Ngồi nói chuyện được một lát, Hiếu xin phép quay trở lại làm
tiếp công việc dang dở, tôi bảo để tôi phụ một tay khuân dọn cho nhanh chóng,
thêm phần có hai người vừa làm vừa nói chuyện đỡ nhàm chán hơn. Hiếu vui vẻ cám
ơn tôi.
Công việc xong thì cũng khoảng 5 giờ chiều. Tôi từ giã Hiếu
và hẹn gặp lại trong ngày Vu Lan.
o0o
Khi tôi chở mẹ tôi tới thì chùa cũng đã có khá đông người. Một
cô bé nhỏ tuổi mà tôi thường thấy trong gia đình Phật Tử của chùa chạy lại, chẳng
cả hỏi, cài trên ngực áo tôi một bông đỏ rồi nhoẻn một nụ cười thật dễ thương
chúc tôi may mắn còn mẹ. Tôi mỉm cười sung sướng.
Mẹ tôi dặn dò tôi vài điều như sẽ về lúc mấy giờ, nếu muốn
kiếm mẹ tôi thì có thể kiếm bà ở đâu… rồi vội vã đi về hướng nhà bếp để tiếp
tay với những người bạn trong Ban Hộ Niệm của bà trong đó.
Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, có những người mang đóa hoa đỏ
cài trước ngực và có những người cài đóa hoa trắng, những người mà thân mẫu đã
qua đời. Tôi chợt nhớ đến Hiếu, nhớ đến người bác sĩ trẻ hay làm công quả cho
chùa. Tôi định bụng sẽ để ý kiếm Hiếu. Tôi đi vội về phía khán đài để giúp ban
tổ chức văn nghệ khuân ghế ra cho khán giả ngồi và sắp đặt chương trình.
Không khí nhà chùa hôm nay đâu đâu cũng nhộn nhịp, mọi người
cười nói vui vẻ. Tiếng thầy trụ trì đang sang sảng thuyết pháp vọng lại từ
chính điện. Các em nhỏ trong ban vũ tíu tít gọi nhau để chuẩn bị cho chương
trình văn nghệ. Những tà áo dài đủ mầu sắc thỉnh thoảng có dịp gì đó trong năm
mới được mang ra mặc. Mọi người rạng rỡ trong ngày báo hiếu.
Khi trời trở chiều, tôi kiếm mẹ tôi, chở bà về lo nấu nướng
để cúng bái ở nhà. Tôi vẫn chưa thấy Hiếu. Tôi chợt nhớ là người hẹn gặp nhau ở
chùa là tôi và Hiếu chỉ cười, không nói.
o0o
Sau ngày Vu Lan tôi gặp Hiếu đôi lần ở chùa, những lúc như
thế, chúng tôi thường thảo luận về các kinh điển nhà Phật. Hiếu có một trí nhớ
rất dai, thuộc làu làu những câu kinh hoặc đoạn kinh. Tôi vốn thuộc loại “dài
lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, thuộc loại ưa ngủ chứ chẳng phải tướng học trò gì
cả, chẳng nhớ gì nhiều. Nhưng có điều khi nghe Hiếu đọc các câu kinh, tôi hiểu
thế nào nói ra như vậy khiến nhiều lúc Hiếu kinh ngạc và thường khen tôi là người
có căn cơ, chắc những kiếp trước có tu tập gì rồi. Chúng tôi lại tưởng tượng ra
những kiếp trước ra sao để trêu chọc nhau và ngày càng trở nên thân nhau hơn.
Thú thật tới lúc đó, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về bản thân cũng như gia đình
của Hiếu. Tính tôi vốn không tò mò, ai thích kể cho mình nghe thì kể, tôi không
hỏi và cũng không lấy đó làm điều quan tâm. Cho đến một hôm…
– Chiều thứ Bẩy này ông có rảnh không?
Ngẫm nghĩ một chốc, tôi trả lời Hiếu:
– Rảnh. Có chuyện gì không?
– Tôi định mời ông đến nhà ăn giỗ bà cụ.
– Ừ, nhưng ông phải chỉ đường cho tôi hay cho tôi địa chỉ.
Ông định mấy giờ?
– Khoảng 7 giờ chiều được không? Sáng tôi còn ở phòng mạch.
Để tôi vẽ đường đến cho ông sau.
– Ừ, cứ định như vậy đi.
Chiều thứ Bẩy tôi đến nhà Hiếu, một căn nhà nhỏ tọa lạc
trong một khu vực yên lặng, hơi xa thành phố. Khi tôi tới, Hiếu đã cúng bái
xong rồi, đang ngồi chờ tôi. Tôi đến bàn thờ, thắp nén nhang tỏ lòng tôn kính
người quá cố. Nhìn di ảnh, mẹ của Hiếu là một người đàn bà khắc khổ, trông có vẻ
lam lũ dù tấm ảnh chụp lúc còn khá trẻ. Duy chỉ có cặp mắt, cặp mắt thật buồn,
cặp mắt của một người chịu đựng và hy sinh. Kế bên di ảnh là một bức ảnh của một
người đàn ông mặc quân phục, da sạm nắng mà tôi đoán là cha của Hiếu. Điểm làm
tôi ngạc nhiên, tôi là người khách duy nhất mà Hiếu mời! Không một người nào
khác, ngoài tôi và Hiếu! Ngoài hai bức di ảnh trên bàn thờ, trong nhà không
treo một tấm hình nào khác. Đồ đạc bầy biện rất đơn sơ nhưng gọn gàng và sạch sẽ.
Nhìn qua, ai cũng có thể đoán được phần nào tâm lý của người chủ nhà.
Trong bữa ăn, Hiếu vui vẻ cười nói huyên thuyên nhiều hơn
bình thường. Không biết có phải vì chút rượu vang hay đã lâu trong bữa ăn mới
có người cho Hiếu nói chuyện, hoặc vì một lý do nào đó mà Hiếu cố che dấu để
quên đi?
Dùng cơm xong, chúng tôi ra phòng khách ngồi uống cà phê,
nói chuyện. Lúc này Hiếu lại trở nên ít nói, có vẻ trầm ngâm tư lự, thành thử
tôi cứ phải khơi chuyện.
– Ông ở một mình, sao không lấy vợ cho có không khí gia
đình? Tôi đi làm về còn có cha mẹ, anh em, ông định ở như vầy đến bao giờ? Vả lại,
cỡ người như ông đâu phải là khó lấy vợ!
Hiếu im lặng một hồi lâu rồi trả lời:
– Tôi cũng đã từng lập gia đình rồi.
Tôi nhìn Hiếu không nói. Hiếu tiếp tục kể:
– Tôi lấy vợ cách đây ba năm, ăn ở với nhau được gần một năm
thì chúng tôi xa nhau. Chẳng phải lỗi tại Thy, lỗi tại tôi thì đúng hơn. Dầu
sao đi nữa thì chúng tôi cũng đã ly dị. Như có dịp để tâm sự, Hiếu miên man kể
cho tôi nghe.
– Bố của tôi là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông
thuộc đơn vị tác chiến nên nay đây mai đó, vì vậy ông không muốn mẹ tôi theo.
Khi tôi ra đời, lớn lên trong tình thương của mẹ, ít khi thấy mặt cha. Gia đình
bên nội cũng như bên ngoại, tôi đều không biết vì bố mẹ tôi thương nhau không
có sự đồng ý của cả hai gia đình vốn ghét nhau từ lâu. Mẹ tôi bị gia đình mình
từ và gia đình bố tôi không nhận, nhưng vì thương yêu nhau nên bố mẹ tôi bất chấp
tất cả để được gần nhau.
Lấy nhau một thời gian ngắn thì bố tôi nhập ngũ, mẹ tôi bắt
đầu cuộc sống xa chồng, một thân một mình và có mang tôi. Không nói thì ông
cũng có thể tưởng tượng được lúc đó mẹ tôi khổ sở đến thế nào. Bên nội, bên ngoại
ngoảnh mặt nhất định không chịu nhìn. Chỉ tội bà ngoại tôi, thương con nhưng sợ
chồng, lâu lâu lén lút gặp mẹ tôi và dấm dúi cho ít tiền. Mẹ tôi phải buôn
thúng bán bưng để tự nuôi thân và chờ ngày sinh con.
Ngày tôi ra đời, tôi là nguồn sống của bà. Tôi lớn lên trong
sự hy sinh cơ cực của mẹ tôi, nhưng ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được sự
hy sinh của mẹ mình. Tôi không biết phải diễn tả thế nào để nói lên được sự vui
sướng của mẹ tôi mỗi khi bố tôi về phép, không còn gì sung sướng hơn cho người
đàn bà khi thấy chồng mình, con mình và mình được quây quần chung một nhà. Đôi
khi mẹ tôi đi xe đò, mang tôi lên đơn vị thăm chồng. Bố tôi vừa mừng vì được gặp
vợ con, vừa lo vì đường xá xa xôi, mất an ninh.
Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, bố tôi bị chúng bắt đi cải
tạo hay đi tù thì đúng hơn! Họ chuyển bố tôi ra Bắc. Mẹ tôi lặn lội ra ngoài đó
thăm chồng nhưng họ cho biết bố tôi đã bị bệnh chết! Một người đồng tù đã lén
cho mẹ tôi biết là bố tôi đã bị hành hạ đến chết và cho mẹ tôi biết ngày bố tôi
bị giết!
Trở vào Nam, đau đớn vì bố tôi bị giết, mẹ tôi lại phải chứng
kiến cảnh tôi bị ngược đãi ở trường học vì có cha là lính ngụy. Mẹ tôi tìm cách
vượt biên vì tương lai của tôi. Tôi vốn hiếu học lại có trí nhớ dai. Sau khi
bán hết tất cả đồ đạc, tom góp được một khoản tiền, mẹ tôi đưa tôi xuống Rạch
Giá để tìm đường đi.
Dừng lại, Hiếu nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi kể tiếp:
– Trời cũng thương nên chuyến đầu đi lọt dù trải bao gian
nan trên biển cả. Nếu không lọt thì cũng chẳng bao giờ còn tiền để đi những
chuyến sau. Cuối cùng mẹ tôi và tôi đến Mã Lai. Không một nước nào nhận, nước
sau cùng là Mỹ, họ nhận mẹ con tôi, một họ đạo Tin Lành bảo trợ cho vào Mỹ.
(hình minh hoa)
Đến Mỹ, không có nghề chuyên môn, tiếng Anh lại không biết,
mẹ tôi vào làm phụ bếp trong một nhà hàng. Ai sai gì làm đó, một tuần bẩy ngày.
Tối về mẹ tôi lại gò lưng may, ráp những tay áo, lấy tiền theo từng cái. Còn
tôi chẳng phải lo lắng gì ngoài việc ăn học. Tôi học dễ dàng, từ trung học lên
đại học rồi thi vào trường thuốc, ra trường và đi thực tập. Trong thời gian thực
tập, tôi gặp Thy cũng thực tập cùng một nhà thương. Chúng tôi quen nhau và tình
cảm nẩy sinh.
Cha mẹ của Thy cũng là bác sĩ từ Việt Nam, qua đây thi lại,
thực tập lại rồi ra hành nghề. Nói chung gia đình Thy thuộc giai cấp trưởng giả.
Họ biết cách ăn nói, xã giao rất lịch thiệp. Gia đình Thy rất quý mến tôi, mọi
người ai cũng mong chúng tôi thành vợ thành chồng cả. Đời tôi thật sung sướng.
Năm cuối thực tập, chúng tôi quyết định lấy nhau. Tôi đưa mẹ tôi đến nhà bố mẹ
Thy dùng cơm tối để nói chuyện chung thân cho hai đứa tôi. Trong bữa cơm với
gia đình Thy …
Giọng Hiếu trở nên khó khăn, ngập ngừng.
– Tôi chợt nhận thấy sự quê mùa của mẹ tôi khi ngồi chung
bàn với gia đình Thy. Từ cái tóc, cách ăn mặc, lối ăn uống… Khi bố mẹ Thy nói
chuyện, hỏi mẹ tôi những chuyện thông thường, mặt mẹ tôi ngớ ra, trắng bệch, giọng
nói trở nên run rẩy, sợ hãi… Tôi… Hiếu nói nhỏ nhỏ, giọng run run trong cuống họng.
– Tôi… lúc đó cảm thấy xấu hổ. Tôi xấu hổ vì sự quê mùa, thiếu
kiến thức của mẹ mình khi so sánh với người khác. Tôi trở nên tức giận mẹ tôi
và có nhiều cử chỉ hỗn láo với mẹ trong suốt bữa ăn! Mẹ tôi im lặng, lúc về nhà
bà luôn miệng xin lỗi tôi, đã làm tôi mất thể diện.
Đám cưới chúng tôi diễn tiến như dự định. Tôi càng tức tối
trong ngày cưới khi thấy sự quê kệch, luống cuống của mẹ mình. Khách toàn là
khách sang trọng. Lúc đó, tôi giận mẹ tôi vô cùng, tại sao những việc đơn giản
như thế mà cũng không biết. Tôi gay gắt với mẹ tôi đến nỗi có lúc mẹ tôi vừa
run vừa chẩy nước mắt vì sợ không vừa ý tôi!
Mẹ tôi về ở với vợ chồng chúng tôi. Thy có nhiều lúc khiếm
nhã với mẹ của tôi, những lúc đó tôi lại tức tối mẹ tôi, tại sao những chuyện
như vậy mà cũng không biết để người khác coi thường. Mẹ tôi trở nên sợ hãi, bà
cố tránh chúng tôi, cả ngày bà trốn trong phòng. Chỉ những lúc ăn cơm bà mới phải
ra, ăn vội ăn vàng rồi lại vào phòng. Mà đồ ăn nào vừa ý bà! Mẹ tôi ăn không có
cơm đâu được. Đồ ăn thường là đồ kho, đồ xào. Thy lớn từ bé ở đây, lại thích ăn
như người Mỹ. Tôi thì sao cũng được nhưng lúc đó tôi lại muốn tập cho mẹ tôi
thay đổi! Chúng tôi đã bắt mẹ tôi nghỉ làm trước khi lấy nhau. Không lẽ cả hai
vợ chồng là bác sĩ mà mẹ thì làm phụ bếp!
Ở như vậy được vài tháng thì mẹ tôi bỏ đi. Bà đi vì sợ vì
bà, vì sự quê kệch của bà mà vợ chồng tôi sẽ mất hạnh phúc. Tôi không hiểu lúc
đó tôi là con người hay là con vật! Tôi không mảy may quan tâm. Tôi nghĩ mẹ tôi
đã từng tự lập từ hồi trẻ đến giờ, không có tôi mẹ tôi cũng không sao, nhất là
mẹ tôi nói mẹ tôi dọn về ở với một người bạn. Thy cũng vậy. Chẳng trách Thy được.
Tôi là con mà đối xử với mẹ mình như vậy, trách sao được người con dâu! Tôi có
hỗn láo với mẹ tôi thì Thy mới dám coi thường mẹ tôi chứ! Mấy tháng sau…
Giọng Hiếu trở nên run rẩy, cố kìm hãm sự xúc động. Mắt ngấn
lệ ngước lên nhìn hình mẹ.
– Mấy tháng sau, một nhân viên cảnh sát đến gõ cửa báo cho
tôi biết mẹ tôi đã qua đời. Như tiếng sét đánh ngang tai, tôi không tin! Tôi vội
vã chạy đến nhà xác. Xác mẹ tôi nằm đó, những nét nhăn hằn trên trán, những sự
khổ cực hy sinh của mẹ tôi mà tôi cho là dấu tích của sự quê mùa. Tôi đã lầm …
Hiếu nức nở khóc.
– Làm sao mẹ tôi có thể sống thiếu tôi! Tôi là nguồn sống của
bà mà! Tất cả sinh lực, ý chí phấn đấu trước kia là vì tương lai của tôi, là vì
tôi! Không có tôi bên cạnh, không có đứa con trai thương yêu của bà bên cạnh,
bà chẳng còn thiết gì! Tinh thần bà suy sụp, thể xác khô kiệt. Mẹ tôi lại sống
một mình, chẳng phải với người quen như tôi tưởng. Trong khi đó vợ chồng tôi mải
mê làm việc, lo làm giầu!
Tội này tôi làm sao rửa hết được! Tại sao tôi không nghĩ những
lúc mẹ tôi khổ cực ở xó bếp để tôi được ăn miếng ngon, đến trường mặc những bộ
quần áo mới! Tại sao tôi không nghĩ mẹ tôi còng lưng may những buổi tối để tôi
có cái xe, thay vì bà ngồi đọc sách báo để tăng kiến thức như tôi mong muốn,
cho tôi khỏi xấu hổ. Mẹ tôi chịu ngu dốt để cho tôi khôn, mẹ tôi quê mùa để tôi
được thanh lịch mà tôi lại coi thường, khinh chê mẹ tôi! Sau khi chôn cất mẹ
tôi. Tôi và Thy ly dị nhau chẳng bao lâu sau đó vì thấy Thy tôi lại nghĩ đến mẹ
tôi.
Tôi dọn về tiểu bang này để khỏi phải thấy những cảnh quen
cũ. Ông thấy đó, ngày lễ Vu Lan tôi không dám lên chùa vì sợ thấy cảnh hiếu thảo
của người con đối với mẹ của họ, sợ thấy cảnh những người còn các bậc từ mẫu.
Tôi làm công quả hy vọng hương hồn mẹ tôi vui lòng, những công việc mà bà rất
muốn làm nhưng đã không làm được vì dành hết thời giờ cho tôi. Tôi bố thí, cúng
dường với tâm ý hồi hướng công đức cho mẹ tôi dù biết rằng nên hồi hướng công đức
cho tất cả chúng sinh. Công ơn mẹ tôi sâu dầy, lúc sống tôi đã không trả được,
ít ra cũng làm nguôi ngoai phần nào hương hồn người khi đã mất.
Hiếu nhìn ảnh mẹ mình, nước mắt dàn dụa, miệng lẩm bẩm:
– Mẹ ơi, tội này con làm sao rửa hết được.
Tôi ngồi chẩy nước mắt nhìn Hiếu. Một tâm hồn đau khổ, đang
quằn quại trước mặt tôi. Hiếu tiễn tôi ra cửa, miệng nói khe khẽ:
– Đừng bao giờ để hối hận như tôi ông nhé. Phúc thay cho những
kẻ còn mẹ!
Tôi không trả lời, nắm tay Hiếu bóp mạnh.
Trần Dzũng Minh
Dân