06 June 2017

ĂN CHÁO - Hồ Đình Nghiêm


Độ rày anh chăm thức khuya, đúng ra vào giường cố dỗ giấc ngủ cũng không ăn thua. Dần dà quen thói cứ vùi giấc mộng ban trưa, thức dậy bần thần với nắng nhạt hiên nhà. Họ làm ngày không đủ, riêng anh cũng chẳng tranh thủ làm đêm, nhàn nhã suốt. Anh xem phim kinh dị chiếu lúc 0 giờ, mê cảnh thằng bá tước xiêm y chỉnh tề chui vào áo quan ngơi giấc điệp ban ngày để hoàng hôn mới lục đục tỉnh thức bay xuống thị trấn tìm cách sinh nhai giữa bóng tối vây phủ. Lạ, đối tượng là những cô gái thể hình ngồn ngộn xuân tình căng mọng trù phú vùng miền chẳng đá động, ảnh chỉ ưa để mắt tới cần cổ trắng muốt nuột nà của em. Em nhắm mắt xiêu lạc thần hồn giao trứng cho ác và ác chưa bao giờ phải chịu sống cảnh đêm dài lắm mộng. Khi bị hiếp đáp, cơ thể em thất thoát máu ở chỗ lạ thường bởi cửa miệng cửa mình em là thứ ảnh hổng thèm xơi. Ma cà rồng khác người, kẻ thủ ác chỉ đè những nơi nhạy cảm hòng soán đoạt, gửi gấm niềm khoái lạc, cần cổ chỉ dùng để bóp nếu nạn nhân chống cự vùng vằng. Suy ra đêm hôm gặp người mới sợ chứ ma quỷ thì nhằm nhò gì, nhỉ?
Phòng anh luôn có ngọn đèn vàng sáng tỏ năm canh, nó chẳng lẻ loi vì ngoài nó ra còn vuông màn hình cái MacBook Air thường trực xanh tái mặt mày với con trỏ cursor là trái tim bình thản đập của máy. Mùa đông đóng kín cửa, mùa hè rộng mở để đón nhận những tiếng động lạ tai chợt khuấy lên, đâu đó từ thế giới bên ngoài. Một con ma trắng toát có vui chân ghé lại, vắt vẻo trên cành rung cây sát cửa? Anh sống trong mơ như thế, chẳng biết tháng ngày. Viết vẩn vơ, gõ mê muội cho đến hồi tượng hình ra một cuốn sách. Giống đàn bà ở thời gian hậu sản, anh tập cho mình cách nghỉ ngơi. Khác người mẹ mừng vui ôm con thơ trong vòng tay, anh nhìn xuống tập truyện còn thơm mùi giấy mà lòng chẳng mấy vồn vập tự mãn. Anh không đọc lại, anh để chúng nằm yên trong thùng giấy vừa vượt ngàn dặm đường về tay khổ chủ. Chứng mất ngủ vẫn chưa buông tha, như phạm một lời nguyền mãi thức lẻ bóng với canh thâu, với hoài nghi có phải mình vừa làm xong việc rồ dại?

Máy báo có một email vừa tới. “Thưa anh, tình cờ đọc phải mẩu quảng cáo về cuốn sách của anh. Xin anh ghi cho địa chỉ để tôi gửi ngân phiếu mua sách, nếu tiện nhờ anh ký và viết tên Nguyễn Thị Mộng Lành ở trang đầu. Cảm ơn anh”. Ôi Mộng Lành! Giữa cuộc đời lắm hư hao mông quạnh này sao còn có người mang một mỹ từ thuần khiết đáng ngờ đến vậy? Và cái nên tôn vinh là Mộng Lành đã mua mở hàng giúp anh. Anh quen ngủ ngày để đêm hôm trằn trọc, vậy thì Mộng Lành sẽ thao thức nếu đọc những hàng chữ chẳng êm đẹp chút nào của anh. Hãy va chạm với bất ưng cho khỏi rơi vào trạng thái tẻ nhạt, chứ lành mạnh quá thì đời bớt đẹp đi. Anh vui thú hồi âm, chẳng dông dài, chỉ ghi cái địa chỉ thể theo yêu cầu và rồi thắc thỏm chờ đợi. Một tuần mươi ngày cuối cùng lá thư mỏng lét cũng rơi vào thùng. Trên góc bì thư ghi hàng chữ cứng cáp chẳng phải tên Mộng Lành. Nguyễn Văn Đoàn viết: “Trước đây, chị tôi muốn mua một cuốn sách của anh, vì bà ở bên Mỹ xa xôi và bất tiện, biết anh ở cùng thành phố với tôi nên nhờ tôi lấy sách giùm. Làm phiền xin anh một cái hẹn để chúng ta gặp nhau, trao đổi. Sau đây là số điện thoại của tôi. Cám ơn anh. Kính. NVĐ”.
Đoàn nhỏ tuổi thua anh, khác biệt chừng mươi niên. Trẻ không trẻ già không già, cứ cho là trung niên. Đa phần những kẻ ở trong nước, đường tiến thân của họ vạch sẵn hai giai đoạn, phải đoàn mới tới đảng, chưa tính khi còn nhóc con cổ đã luôn quàng khăn đỏ. Đoàn mà anh hẹn gặp trong quán cà phê thì bỏ nước sang đây đã mút mùa lệ thuỷ, nói tiếng Việt lơ lớ khổ sở như đàn bà sắp đẻ. Nếu có vào đảng thì đảng ấy chỉ tinh tường việc sử dụng tiếng Pháp cọng tiếng Anh, ma-dzê in Canada. Ở nhà sợ bố mẹ buồn nên trao đổi kiệm lời chữ quốc ngữ, lớn khôn lao vào trường đời, đời làm trầy vi tróc vảy nên tiếng Việt đành phải cáo chung, phải a bê xê dắt dê đi ỉa, chỉ giữ lại một bộ phận rất nhỏ để phòng khi tối lửa tắt đèn. Gặp kẻ biết nói ngoại ngữ thì ô kê chứ kẻ ấy trên răng dưới dái thì bù trất, tha hồ ông nói gà bà nói vịt. May cho anh và cũng may cho Đoàn, anh hiểu hết những gì Đoàn trình bày vấn đề bằng thứ ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ kia.
Trời đang rộn màu nắng ấm nên cả hai mua cà phê mang ra ngoài hàng hiên, nơi có bàn ghế được cái dù lớn bung ra che chở tạo một vũng râm. Đoàn rất ngán anh ở điểm “giờ này mà còn hút thuốc”. Hắn không nói, anh chỉ dòm vào ánh mắt của hắn thì tự biết. Anh thở khói: Ông bà mình từng ngôn, miếng trầu làm đầu câu chuyện, chốn này hổng có trầu, họ chỉ bán thuốc lá, kệ đi mà, nó hại chỗ nào chưa thấy, chỉ thấy vin nhờ nó mới làm ấm áp buổi chuyện trò này. You know? Đoàn thăm dò: Hình như nhà văn nhà thơ ai cũng hút thuốc? Anh gật đầu: Nói chí phải, Albert Camus viết đâu khoảng hai trăm con chữ thì cái gạt tàn đặt trên bàn đã cao như núi. Đoàn la: Thời đó khác thời buổi này chứ bộ! Anh xác nhận: ừ, thời đó quả là lạc hậu! James Dean các thứ, thảy chết sớm, chết lãng nhách!
Anh trao cho Đoàn cuốn sách. Hắn lật trang đầu để kiểm tra xem chữ Mộng Lành đã nằm đó chưa. Cám ơn anh. Đoàn nói, sách bán được chứ ạ? Anh cất cái phong bì nhỏ nhắn đựng hai chục bạc vào trong túi. Ế chảy, anh trả lời. E chỉ có chị ấy mới mua sách tôi thôi. Đoàn suy nghĩ một hồi mới nói được vài chữ: Bất tiện quá nhỉ! Anh rất có cảm tình với chữ bất tiện, hoá ra không giỏi tiếng Việt cũng có khi “đạt đạo”. Thời bây giờ, thật bất tiện nếu ai kia ưa làm nhà văn! Lối đoạn trường dành cho Thuý Kiều cũng bất tiện chẳng kém. Chẳng biết muốn qua kênh rạch, người đi trên cầu tre lắc lẻo có cảm thấy bất tiện? Kệ đi mà, ví phỏng đường đời bằng phẳng mãi… Bất quá thì “rớt xuống sông ướt cái quần ny-lông”. Rớt, loi ngoi, rong cuốn, uống đôi ngụm nước, chới với, cho cá thia lia rỉa mấy sợi lông mày mới ngộ được giá trị mắc rẻ của bèo. Hãy tự an ủi, mình hơn chúng sinh ở chỗ mình giàu mơ mộng trong khi chúng sinh mãi mê muội lóp ngóp với các giá trị hiện vật tầm thường, chỉ biết trọng của, tham phú phụ bần.
Như thế cái ngó lơ ấy đã giết sự can đảm của mình? Anh nhìn Đoàn, cậu chưa thể lên đảng này nói ra nhiều chữ hay quá! Thay vì dùng cụt hứng, thay vì bảo dội một thau nước lạnh vào mặt, thay vì nói nhạt như nước ốc… Can đảm đồng nghĩa với mất nhuệ khí? Nếu Đoàn giỏi tiếng nước nhà hẳn hắn đã đọc thơ Kiều cho anh nghe:

“Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.
Mái tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng”.

Anh thành thật với kẻ không thể đọc văn anh: Đoàn à, tôi lỡ điếc không sợ súng mất rồi và tôi từng ăn đạn lắm khi, trong tôi vẫn còn nguyên lòng can đảm. Cho tôi gửi lời cám ơn chị Mộng Lành nhé.
Đoàn bắt tay anh rồi xin kiếu. Anh ngồi bên vỉa hè, một mình cùng cốc cà phê đã nguội. Cũng may đại diện một độc giả phương xa là đứa hơi bị cà lăm cà cặp, chứ nếu miệng hắn có thoa mỡ không chừng khi đối thoại lại bày lắm ngoa ngôn. Không biết thì dựa cột mà nghe, đó là một lời khuyên hữu ích. Anh ngồi dựa lưng ghế nghe gió đi trên đầu nhắn thầm mùa hè đang tới, với nắng nôi, với đổ mồ hôi sôi nước mắt. Với ngày dài uể oải giấc ngủ nướng và đêm thu ngắn những cơn mộng là đà về một cảnh quang không có thật.
Đêm nay có vầng trăng hiện ra lưng chừng giữa khoảng trời xanh màu lam ngọc, thắp lên bạc nhược vì mây dày giăng bủa, rõ là trăng chẳng tròn như trăng Trung quốc được. Đừng cãi, vì chốn đó đẻ ra nhân vật Hằng Nga, phát minh giữ bản quyền bánh Trung Thu và người Việt luôn tâm đắc về chú Cuội. Hứa lèo hứa cuội cũng là bà con với con ma nhà họ Hứa. Anh nhớ có lắm nhà văn từng bảo, khi viết xong một tác phẩm, thảy nó ra ngoài đời thì hãy để nó có số phận riêng mà tác giả không thể can dự xía phần, toàn quyền quyết định nằm ở phía độc giả. Tập truyện của anh hẳn là con trăng chưa ra khỏi trần mây xám và không chắc độc giả đều đáng yêu như Mộng Lành. Người Do Thái có câu nói: “Khi ta mang hoa đến tặng một ai thì chính ta là người đầu tiên đón nhận hương hoa”. Điều này hẳn không dành cho kẻ làm thơ viết văn, anh vừa ngắt đi một chùm hoa và chưa chắc Mộng Lành đã phát hiện chút hương mùi khi đón nhận. Người gửi cũng thế, lòng anh luôn hồ nghi về thứ đặc sản cây nhà lá vườn. Sầu riêng, đã có lắm người nhăn mặt không ngửi được…
Trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh tầm hai ba giờ sáng có kẻ dạ hành bất ngờ hiện ra. Cửa vẫn mở, trăng lặn sao mờ. Đèn vẫn thắp nhưng luồng sáng của nó chẳng đủ sức lấn tới ngoài ban-công, lung linh ở đó ma mị một bóng dáng nữ nhân. Câm tiếng trong chờ đợi, cô ngồi trên thanh gỗ, vắt vẻo. Không có gió nhưng tà áo cô luôn máy động. Đêm hè nóng nhưng từ thân cô mãi xô về anh thứ hơi lạnh tựa máy điều hoà 9.000 BTU đang mở hết công suất. Tôi đã đọc xong tập truyện của anh, tôi thích sáu trên cái mục lục ghi tới mười hai truyện. Cô gái nói, anh có cảm giác như mình đang áp cái iPhone sát tai, bởi đó là âm thanh được ký gửi qua sóng điện thoại, môi cô hình như chẳng mấp máy. Trước, tôi đọc anh khá nhiều nhưng tôi đã quên tuốt, chuyện dễ hiểu vì qua sông tôi đã húp sạch chén cháo lú. Vì thế cứ xem như tôi lần đầu tới làm quen với chữ nghĩa của anh. Sáu trên mười hai, như vậy là mức điểm trung bình. Anh đừng trách, chắc do bởi hồn tôi mãi xiêu lạc tận đâu.
Để định thần, anh với tay tìm lấy bao thuốc đặt trên bàn viết, châm lửa một điếu. Ghế anh ngồi có bốn bánh xe và anh muốn dùng chân thúc đẩy nó di chuyển lại gần cửa. Khuôn mặt người con gái chẳng rõ nét dù khoảng cách đã có thu ngắn. Cúng 49 ngày, đứa em tôi đã đốt cuốn sách mua mở hàng từ anh. Dương thế chưa chắc đã có người đọc xong, nhưng tôi khác, trong vòng nửa giờ tôi xem không bỏ sót, từ đốm lửa đầu tiên thắp lên cho tới hồi tàn lụi trong thau nhôm. Tôi yêu những cuộc tình trắc trở đầy thương tật do anh dựng nên, tôi mến những hoài nghi anh luôn đặt ra, rằng đời sống luôn bày những ngược ngạo trái khuấy. Tên tôi còn đó là mơ ước không thể nào thành tựu, tôi luôn không gặp mộng lành. Anh chưa qua khỏi bến mê, chưa đón nhận chén cháo lú nhưng tôi biết giờ đây anh cũng đang ăn cháo. Làm sao anh ăn cơm được khi chẳng có con ma nào thèm mua sách của anh. Hãy cầm cự để sống thở, hãy vui vì thứ đặc ân kia.
Anh chẳng hút hơi nào, điếu thuốc tự nó cháy cụt bề dài, tàn rơi xuống đồng thời Mộng Lành thôi còn ngồi ở đó nữa. Một con ma? Anh ngờ vực và anh không tin. Trần gian này sẽ chẳng hiện được bóng ma nào đáng yêu đến thế. Không khiến mình sợ hãi đã đành, nó còn biết trấn an anh, nhắn nhủ tới anh đôi lời mà ngay cả bằng hữu cũng chẳng thành tâm để thốt ra. Dù sao thì anh cũng kéo hết những ngăn tủ để tìm cho ra bó nhang, anh thắp ba cây rồi đứng ngoài bao lơn mà chắp tay vái tứ phương. Tôi cũng giống Mộng Lành ở chỗ, một kẻ bị mất ngủ kẻ ấy làm sao đón nhận mộng lành. Tôi ngủ bù ban ngày và thường gặp cảnh ma đè, thân trì nặng mà trí óc mụ mị nhớ trước quên sau. Nếu Mộng Lành linh thiêng, xin hằng đêm hãy ghé ngang tôi trò chuyện. Ngày mai tôi dùng hai chục bạc tiền người em mua sách để đi sắm sửa ít trái cây, tôi sẽ nấu nước pha trà cho Mộng Lành uống. Tôi sẽ đặt một cuốn sách của tôi ngay chỗ Mộng Lành ngồi, để lỡ như “bất tiện” không thể ghé được, xin làm dấu cho tôi biết bằng cách gạt cuốn sách ấy xuống đất.
Anh mất ngủ. Anh đốt thuốc, anh uống cà phê đen đậm đặc. Anh bắt ghế ngồi với trăng lu nhưng Mộng Lành đã không ghé ngang. Nói cho đúng, cô chẳng thích trò chuyện nữa, bởi vì nhiều lần cô đã làm cho tập truyện rơi xuống đất. Anh cũng chẳng buồn khom lưng nhặt lên. Sách anh nằm ngoài đó hằng đêm, với gió nhẹ với sương sa và nó bắt đầu đổi màu vàng úa. Anh biết, gió sẽ từ tốn lật giở từng trang ẩm lạnh trong khi chẳng một ai gửi email về cho anh, trống trải một hòm thư. Phải giết thời gian thôi, thay vì vùi mặt vào gối chăn. Anh gõ chữ vào vuông hình trắng toát nhan truyện mới: Hư Không.

Hồ Đình Nghiêm
29.5.2017