13 June 2017

BÔNG JAMAICA - Huỳnh Hữu Cửu

Bãi biển Acapulco, Mễ Tây Cơ, một chiều hè.
Phong cảnh gần như ở Vũng Tàu: cát trắng, hàng dừa xanh…nhưng bãi biển dài hơn, ngoài biển nhiều thuyền máy kéo người trượt nước chạy ngang dọc. Chúng tôi – nhà tôi và tôi – đi dạo ngắm nhìn trời mây một chập thấy đói, bèn vào một tiệm ăn Mễ trên đường Miguel Aleman dọc theo bãi biển. Sau khi lựa trong thực đơn mỗi người một món ăn Mễ, chúng tôi nhìn xuống chỗ ghi những thức uống thì thấy một món giải khát có tên rất lạ: Jamaica.
Tôi ngẩng đầu lên hỏi người bồi bàn duy nhất của tiệm ăn, người Mễ, có lẽ cũng là chủ tiệm:

– Jamaica là gì vậy ông?
Người bồi bàn cắt nghĩa, giọng tiếng Anh không được hay lắm, nhưng phát âm chữ J thành chữ H theo đúng lối của người Mễ:

– Jamaica là một loại bông.
– Một loại bông? Nhưng đây là nước uống mà!
– Dạ thưa người ta lấy bông đó làm nước uống.
– Hay quá vậy! Bông đó tên tiếng Anh là gì ông biết không?
– Thưa không. Tôi cũng không biết tả bông ấy ra sao. Xin lỗi tôi không rành tiếng Anh lắm.
Nhà tôi và tôi vốn thích các loại bông hoa cây kiểng, nghe nói bông Jamaica nên tò mò muốn biết, bèn gọi mỗi người một ly Jamaica uống thử.
Một lát sau, người bồi bàn bưng hai ly Jamaica lớn ra cho chúng tôi. Nước Jamaica màu đỏ, không đậm lắm, rất tươi, hơi ngã sang màu tím như là màu trái lựu chín hay là màu của thứ nước uống gọi là Hawaiian Punch. Ly nước đỏ mà trong suốt, cho thấy cả bề sâu và người ta có thể nhìn xuyên qua bên kia ly thấy các hình ảnh chập chờn như là nhìn qua một lớp giấy bóng màu đỏ thường dùng để gói bánh kẹo. Chúng tôi uống thử. Nước Jamaica ngọt, có vị chua  như có để vài giọt chanh, và có mùi thơm mát của một thứ rau thơm là lạ.
Bông Jamaica ra sao mà nước Jamaica đẹp như thế này? Có lẽ bông Jamaica tươi còn đẹp hơn nữa, chúng tôi nghĩ vậy, và muốn biết hình dáng của bông ra sao, cây bông bao lớn, tên khoa học là gì v.v…Chúng tôi định bụng thế nào cũng phải tìm cho ra thứ bông có thể dùng làm nước uống này của xứ Mễ.
Vài hôm sau, chúng tôi đi xe buýt lên Mexico City. Dọc đường, chúng tôi ghé lại viếng Taxco, một thành phố cổ xưa với những ngôi nhà thờ kiểu Tây Ban Nha thế kỷ thứ mười tám nằm trên một vùng đồi núi thật cao như Đà Lạt. Chính ở nơi đây chúng tôi lại thấy Jamaica. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đi dạo xem các gian hàng nơi chợ nhóm lộ thiên để coi người địa phương ở đó mua bán những thổ sản, lâm sản gì, thì thấy trong một cái quán nhỏ có bày bán Jamaica. Vừa thấy cái bình thủy tinh lớn cở một vòng ôm đựng đầy chất nước màu đỏ tím nằm giữa dám ly cốc là tôi đoán biết ngay đó là Jamaica. Và hình như là có bông Jamaica nữa kìa: ở ngay bên dưới, trên một cái kệ có một thúng đựng đầy bông khô màu đỏ, quăn queo nhăn nhíu không còn nhìn ra hình dạng, cái nào cái nấy chỉ lớn hơn ngón tay út một chút.
Tôi bước lại cầm vài bông rồi hỏi bà hàng nước:
– Thưa bà, có phải bông Jamaica đây không?
Bà hàng, hai mắt bỗng sáng rực lên trên khuôn mặt đen đúa với lưỡng huyền cao của người da đỏ, liếng thoắng trả lời bằng tiếng Mễ:
– Si! Si! Jamaica!
Chúng tôi mừng quá, mua hai ly Jamaica lớn giúp cho bà hàng rồi xin vài bông Jamaica khô bỏ túi. Vì bà hàng không nói được tiếng Anh và những người buôn bán quanh đó cũng không ai biết rành tiếng Anh cả nên chúng tôi không hỏi thêm được gì về bông Jamaica. Tuy nhiên đã có bông Jamaica trong tay rồi  thì đi hỏi chắc không khó lắm.
Về đến Cali, việc đầu tiên của tôi là mở quyển tự điển Spanish-English ra tra xem Jamaica là gì, nhưng có lẽ vì quyển tự điển của tôi nhỏ quá nên chỉ nói về xứ Jamaica là một xứ nhỏ nằm trên một hòn đảo ngoài biển Caribbean thôi. Tôi mở thêm vài cuốn tự điển Anh ngữ lớn hơn cũng chẳng có quyển nào cắt nghĩa Jamaica là một loại bông cả. Chúng tôi ở nhà có vài quyển sách nói về bông hoa, trong đó có quyển What flower is that? của Stirling Macahoy là quyển lớn nhứt, đầy đủ nhứt. Quyển này có 1600 hình màu chụp đủ các loại bông cùng tên khoa học, tên thông thường của mỗi thứ nhưng tuyệt nhiên bông Jamaica thì không thấy nói đến.
Tôi nhớ đến bộ sách Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ và nghĩ rằng trong bộ sách ấy chắc có. Bộ sách này gồm hai quyển dầy đồ sộ liệt kê tới hơn 5.300 loại bông hoa cây lá, mỗi loại đều có kèm hình vẽ rất đẹp, rất công phu. Nhưng chỉ tiếc một điều là các loại bông hoa này sắp theo tên khoa học bằng tiếng La Tinh mà tôi thì chỉ biết có mỗi một cái tên Jamaica thông thường thôi mà lại là tên ở bên Mễ đem về nữa thì làm sao mà tìm cho ra được. Xem ở phần sách dẫn (index) mà tôi có một bản sao, không thấy ghi chữ Jamaica. Dù sao chúng tôi cũng không ngã lòng. Nhà tôi vào sở gặp người Mễ nào cũng hỏi về bông Jamaica, còn tôi lúc nào cũng có một bông Jamaica khô ép vào trong quyển sổ tay mang theo bên mình như là một nhà nghiên cứu thảo mộc chuyên nghiệp. Chúng tôi biết rằng đi tìm một vật gì hay một chuyện gì thì có khi phải kiên nhẫn chờ rất lâu, có khi vài tháng, vài năm cũng không biết chừng, như tìm tên của một bản nhạc hay tên tác giả của một câu danh ngôn hay nào đó chẳng hạn.
Bẵng đi một thời gian vài tháng, trong lúc đó có lẽ nhờ sự tìm kiếm vẫn âm thầm hoạt động trong tiềm thức, nên một hôm lái xe ngang một tiệm chạp phô người Mễ, tôi bỗng nảy ra cái ý là tại sao mình không vào các tiệm đó mà hỏi, vì nơi đó có bán đủ các loại thực phẩm và các loại hoa quả cùng các loại đậu khô của Mễ Tây Cơ. Phải rồi, tại sao mình không vào đó để hỏi, chính mình trước đây cũng đã có lần vào một tiệm Mễ để hỏi về tên của một thứ đậu rồi mà (đậu ngự Lima Bean).
Nghĩ vậy, tôi liền vào một tiệm tên là La Placita ở đường 1st Street, Santa Ana, gần quán bánh cuốn Tây Hồ, cầm theo trên tay một bông Jamaica, trong lòng chứa chan hy vọng. Vừa vào hỏi anh thanh niên người Mễ đứng ở quày tiền, thì may mắn làm sao, anh ấy nói: “Bông Jamaica hả?  Chúng tôi có bán, đựng trong bịch nhỏ để trên kệ đàng kia kìa.”. Anh ấy còn nói thêm: “Và ông muốn biết tiếng Anh là gì thì hình như là có ghi ngoài bịch nữa đấy”.
Mừng quá tôi bước qua dãy kệ nơi có treo đầy những túi, những bịch đựng bông khô, ớt khô, tiêu khô, hột ngò khô đủ loại, và đây rồi, có bông Jamaica đây rồi, có cả tên tiếng Anh nữa các bạn ơi. “Hibiscus Flower!” Hóa ra Jamaica là một loại Bụp! Bụp thì quen biết quá rồi, ở Việt Nam đâu còn ai lạ gì với cái cảnh trưa nắng chang chang nhìn ra sân thấy bông Bụp hoặc đỏ hoặc hồng treo lủng lẳng trên hàng rào Bụp lá xanh um. Ở Cali đây cũng không thiếu gì Bụp, còn nói gì ở Hạ Uy Di là đất của Bụp, đi đâu cũng thấy Bụp, và bông Bụp đã trở thành State Flower của quần đảo thiên đường ấy. Nhưng loại Bụp Jamaica này chắc hẳn là một loại khác.
À mà còn thêm một khám phá mới nữa. Hôm đó ngoài các bịch bông Jamaica khô bày bán trong tiệm, tôi còn thấy có bán những gói Instant Jamaica tức là bông Jamaica đã tán nhỏ trộn sẵn với đường để mua về nhà pha nước uống liền! Thật là đầy đủ cả lại tối tân nữa, nào dè ở ngay tại Cali này mà có đủ các thứ sản phẩm của Mễ Tây Cơ như thế. Vậy mà lâu nay không biết, chạy loanh quanh mãi.
Sau khi ở tiệm chạp phô Mễ Tây Cơ ra, tôi về thẳng nhà ôm theo vài bịch Jamaica khô và vài gói Instant Jamaica. Tôi khoe với nhà tôi: “Đã tìm được thủ phạm rồi đây nè! Thủ phạm là một loại Bụp!” . Rồi chúng tôi, một người pha Instant Jamaica ra uống, còn người kia mang quyển Sunset New Western Garden Book ra lật tìm chữ Hibiscus để coi Jamaica là loại Hibiscus nào, vì có nhiều loại Hibiscus. Tôi quên không nói là trước khi đến tiệm chạp phô Mễ hỏi về bông Jamaica, tôi đã ghé vào một cái Nursery tức là nơi bán cây kiểng để hỏi. Tuy nhiên nơi đó không ai biết Jamaica là gì cả, mặc dầu tôi có mang cái bông khô đưa ra cho người ta xem, thành ra rốt cuộc hôm đó tôi thấy trong tiệm Nursery có quyển Sunset New Western Garden Book hay hay bèn mua để dành tra cứu.
Quyển này nói về 1,200 loại cây, có cả hình vẽ, nhưng ở phần sách dẫn cũng không thấy có ghi chữ Jamaica, do đó mua về tôi chỉ coi qua rồi cất vào tủ sách mà thôi.
Bây giờ đã biết Jamaica còn có tên là Hibiscus thì giở quyển Sunset New Western Garden Book ra xem lại chắc thế nào cũng có. Quả nhiên lật đến chữ Hibiscus thì thấy nói ở vùng Cali và Hạ Uy Di có năm loại Hibiscus, và may mắn quá, một trong năm loại ấy, loại Hibiscus Sabdariffa có tên là Jamaica Flower nữa!
Tấm màn bí mật đã vén lên! Trong quyển sách có vẽ một bông Bụp loại khác, nhưng có tả rõ về loại Bụp Jamaica. Bụp Jamaica trồng không phải để lấy bông mà là để lấy cái phần dưới của những cánh bông gọi là cái đài (calyx). Chính cái đài này màu đỏ, còn các cánh bông màu vàng, ở giữa đỏ, và những cái đài đỏ này phơi khô thì gọi là Jamaica Flower. Jamaica Flower dùng làm nước chấm (sauce), thạch (jelly) hoặc làm nước trà nóng hay nước giải khát uống lạnh. Đọc xong tôi mới vỡ lẽ ra rằng những cái gọi là bông Jamaica khô tôi cầm trong tay, thật ra chỉ là những cái đài của loại bông ấy.
Ngày hôm sau, chúng tôi đến nhà B.S. Phạm Văn Hoàng mượn bộ Cây Cỏ Miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ (B.S. Hoàng là em ruột giáo sư Phạm Hoàng Hộ) để tra thêm coi ở Việt Nam có loại Bụp này không. Chúng tôi lật đến chữ Hibiscus Sabdariffa thì mừng quá reo lên: “Đây rồi! Có chữ Jamaica nữa nè!”. Và có cả tên Việt Nam mới ly kỳ nữa chứ! Các bạn có đoán biết tên Việt Nam của Jamaica là gì không? Là Bụp Giấm. Bụp Giấm trồng để lấy chất chua trong đài thế cho giấm.
Hình vẽ cho thấy bông Bụp Giấm giống như một bông Bụp thường lúc sắp nở, hình cái loa, nhưng chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút, lá thon dài, cạnh có răng. Không nói rõ mọc hay trồng ở Tỉnh nào hay vùng nào ở Việt Nam.
Tìm được tên họ cùng các chi tiết khác của bông Jamaica tôi thở phào, coi như toại nguyện. Tuy nhiên nhà tôi liền bảo: Nhưng em biết đối với anh thì chưa phải là hết đâu. Rồi đây anh sẽ còn tìm nữa cho tới khi nào anh gặp được và đem về trồng ở sau vườn mới thôi.
Có lẽ nhà tôi nói đúng đấy, vì như trường hợp cây mộc qua (Quince), sau khi đến chơi nhà một người bạn ở Melbourne thấy cây ấy có bông đỏ đẹp quá như là bông đào, nên về đến Cali tôi kiếm mua cho kỳ được hai chậu để chưng Tết năm rồi.
Vả lại với bông Jamaica kỳ này, đây chỉ là mới thấy tên thấy hình, còn trên tay tôi thì lại là một bông khô mang về từ Mễ Tây Cơ, biết có phải cái bông ấy là bông nói trong sách hay không. Nhưng dù sao, dù chưa quả quyết được một trăm phần trăm, chúng tôi cũng rất vui mừng đã theo dõi và có thể nói là tìm được tông tích của một loài bông đã gặp ở Acapulco, một loài bông đã đánh dấu một chuyến du lịch khó quên của chúng tôi.

Huỳnh Hữu Cửu
1988
Trích VĂN, số 77, tháng 11-1988