08 June 2017

THỢ LÀM TÓC - Robert Croken | Hà Quang Xương chuyển ngữ

Nguyên tác The Hair Dresser của Robert Croken
Hà Quang Xương chuyển ngữ

Có lẽ tôi cần một linh mục hoặc nhờ một luật sư, nhưng đã từ lâu tôi chẳng lai vãng đến nhà thờ và tôi thì không tin tưởng vào bọn luật sư lắm! Nhưng vì tên thanh tra cảnh sát đã nghĩ là tôi có trách nhiệm về một vụ giết người, mà tôi thì nghĩ là tôi chẳng liên hệ gì đến vụ đó cả. Vì vậy mà tôi muốn dùng bút viết xuống đây tất cả những gì mà tôi biết liên quan đến vụ giết người đó. Có lẽ tên thanh tra cảnh sát đó đã làm tôi bối rối đến độ tôi không biết nghĩ thế nào cho phải.
Tôi nhớ là khi có người hỏi cha tôi ông nghĩ gì về việc này hoặc ông nghĩ gì về việc nọ, thì cha tôi thường trả lời: “Đưa tôi bút và giấy, tôi sẽ ghi xuống cho anh biết là tôi nghĩ gì.” Và đó là điều mà tôi đang làm bây giờ: viết tất cả xuống giấy để cho mọi người biết là mình nghĩ gì!

Tôi tên là Edward, thợ làm tóc. Một trong những khách hàng phụ nữ của tôi đã giết chồng bà ta tuần trước, khoảng ba ngày sau khi tôi làm tóc cho bà. Câu chuyện đơn giản đến lạnh lùng: bà ta đập chết ông chồng bằng một cây dã cầu khi ông ta đang ngủ. Có thể bạn đã nghe báo chí tường thuật về những vụ giết người tương tự, nhưng bạn khó có thể tương tượng được vụ giết người lại liên quan đến những người mà bạn quen biết. 


*
Nơi tôi làm là một tiệm đông khách, tất cả có chín thợ làm tóc và hầu như ngày nào tiệm cũng đầy khách có hẹn trước. Bọn tôi thân với nhau như người trong gia đình, và ai cũng nhớ rõ người đàn bà khách hàng giết chồng đó. Cũng không hiểu tại sao họ lại nhớ ra bà ta vì chỉ có tôi làm tóc cho bà và dĩ nhiên tôi nhớ là chuyện thường tình. Sau vụ giết chồng đó ai cũng hỏi tôi: “Bà ta có nói gì với bạn không? Bạn hiểu ý tôi chứ?”

Tôi hiểu là họ muốn hỏi tôi là bà ta có tiết lộ cho tôi về chuyện sửa soạn giết chồng hay không. Dĩ nhiên là không, chúng tôi có trò chuyện nhưng chỉ toàn là những chuyện tầm phào mà thôi.

Nhưng buổi sáng hôm nay tên thanh tra cảnh sát xuất hiện, y nói là gặp tôi để hoàn tất cuộc điều tra theo thông lệ. Một điều ngạc nhiên là y hỏi tôi một câu tương tự: “Bà ta có nói với anh điều gì không?” Tôi không biết là câu hỏi đó có quan trọng gì cho vụ án, ai cũng biết là bà ta giết chồng, vậy thì y hỏi làm cái quái gì?

Y nói Sở Cảnh Sát muốn soát lại tất cả những gì bà ta làm một ngày trước khi bà ta giết chồng. “Chắc là anh biết bà ta chứ gì?” Dĩ nhiên, tôi trả lời, tóc nâu khách hẹn đầu tiên trong ngày, cắt và làm tóc. Tên thanh tra suy nghĩ một chút rồi nói y muốn biết tất cả những gì xẩy ra từ lúc một người khách hàng bước vào cửa cho đến khi ra về. Tất cả! Không chỉ là người đàn bà giết chồng mà bất cứ một khách hàng thông thường nào.

Tôi nói chuyện chán phèo chẳng có gì đáng nói cả nhưng y nói là y quen với các chuyện đó rồi, cứ kể đi.

Tên thanh tra nói với tôi y tên là George gì đó, tôi cũng chẳng nhớ họ của y là gì. Chừng 50 tuổi, gầy ốm và chẳng có nét gì đặc biệt. Y không ghi chép gì cả chỉ nhìn thẳng vào tôi và cuối câu chuyện y chớp mắt liên tục, có thể là bị mùi cay của hóa chất làm tóc bay vào mắt. Dù sao thì tôi cũng nói với y tất cả những gì xảy ra giữa tôi và người khách, họ nói gì tôi nói gì... tất cả! Và tôi ghi lại sau đây tất cả những gì tôi nói. Tất cả chi tiết không chừa một chi tiết nào. 

*   

Đa số khách hàng của tôi là đàn bà có chồng, có công ăn việc làm, rất độc lập và biết là mình muốn gì, tuổi chừng 30 hoặc già hơn tôi một chút. Câu đầu tiên mà họ nói khi bước vào tiệm là: “Hê lô, Edward!” xong rồi họ thở dài ngồi xuống ghế làm như họ khoan khoái khi được nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi nói vài câu chào đón họ và: “Bà có khỏe không?” Họ thường vuốt tóc và nói với tôi vài câu như: tóc của tôi bù xù quá anh làm cho nó gọn gàng lại; hoặc là ngày mai tôi có một dạ tiệc hay là một phiên họp quan trọng; hoặc là tôi vừa qua một ngày làm việc nhức đầu anh làm tóc lại cho tôi...

Sau đó thì tôi chải, cuốn các chùm tóc, đưa ra vài ý kiến tỷ dụ như có lẽ cần cắt ngắn phía sau gáy v.v... hoặc các câu tương tự như vậy. Thỉnh thoảng họ cũng hỏi tôi có biết kiểu tóc của một minh tinh màn bạc trong một show truyền hình nào đó không? Nếu tôi không xem show đó thì tôi hỏi họ vài câu hỏi và rồi thì chúng tôi cũng tìm ra cái kiểu tóc mà họ đã thấy, và tôi làm tóc theo ý họ muốn. Có một vài bà lại mang một số hình ảnh của người mẫu nào đó cắt trong các tạp chí thời trang và họ muốn tôi làm giống như vậy. Thường thì khó có thể làm y chang như vậy nhưng tôi đã cố gắng tối đa.
“Có phải đó là những điều ông muốn biết không, ông thanh tra?”

Y vẫn nhìn thẳng vào tôi: “Cứ tiếp tục!”

OK. Tôi cắt và làm tóc xong và đưa họ đến ngồi dưới máy sấy. Một điều khôi hài là sau khi họ ra khỏi máy sấy làm như óc họ cũng bị sấy khô đi và họ xả ra tất cả những gì trong óc họ. Một vài bà nói về xếp của mình, về bạn đồng nghiệp, về các chính trị gia... và tỏ ra bất mãn về những điều mà họ gặp trong đời sống. Ôi thôi thì đủ thứ chuyện!

Một vài bà đề cập đến ông chồng của họ. Họ nói đủ điều, nhưng nói chung theo họ, người chồng thường luôn luôn cục cằn ích kỷ bí mật và hành vi bất thường... chứa đựng toàn những xấu xa của cõi đời và họ cũng không hiểu là tại sao lại lấy ông ta! Dù sao thì tất cả đều xoay quanh chuyện về ông chồng.

Tuy vậy tôi vẫn phải chịu khó nghe. Tôi làm gì bây giờ nếu không chịu khó nghe bởi vì chỉ có tôi và bà khách hàng đối thoại với nhau.

Có một vài bà tâm sự với tôi cứ làm như tôi là chuyên viên về các vấn đề tình dục. Rằng chồng bà ta muốn làm điều này, muốn làm điều nọ. Tôi nói tại sao không hỏi mẹ của bà? Bà ta nói làm sao có thể hỏi mẹ những điều như vậy!

Tên thanh tra George nghe một cách kiên nhẫn chẳng nói năng gì cả. Tôi nói với hắn là tôi nghĩ rằng những điều mà khách hàng thổ lộ với tôi có lẽ là tất cả những điều mà họ đã nói với các chuyên gia tâm thần. Tôi đã nghe nhiều đến độ không còn lấy làm ngạc nhiên về những chuyện họ suy nghĩ trong đầu nữa. Tôi chỉ cố gắng làm cho họ bớt nóng nẩy bằng cách tháo những lọn tóc cuộn trên đầu họ! Ông thanh tra có biết là khi bác sĩ để bàn tay trên người bệnh nhân thì họ cảm thấy khỏe hơn không? Tôi hỏi tên thanh tra để cố tạo ra một mẩu đối thoại. Y ậm ừ một cái gì đó rồi nói: “Tôi chẳng bao giờ đi khám bác sĩ cả!” Tôi nói mỗi lần nhức đầu tôi đều đến bác sĩ cho chắc ăn. Rồi tôi nói về những điều mà bác sĩ dặn tôi phải làm. Tôi cũng làm những điều như vậy với khách hàng, tôi xoa bóp gáy và bả vai của họ và tôi hỏi họ có cảm thấy thoải mái hơn không?

Một đôi khi sự xoa bóp này có hiệu quả nhưng thường thì chẳng có tác dụng gì. Dù sao thì tôi cũng làm xong tóc của họ và họ xoay qua xoay lại tự ngắm nghía trong gương. Một vài bà cảm thấy chồng của bà ta không đáng có một người vợ đẹp như họ. Thật sự là sau khi làm tóc xong thì họ đẹp hẳn lên vì tôi là một thợ làm tóc thứ chiến. Tôi biết được hết cả các kiểu tóc thời trang vì vậy tôi mới có thể hành nghề ngay tại New York được chứ!
Tôi có vẻ hơi lạc đề vì thấy tên thanh tra xầm nét mặt xuống và hỏi tôi: “Riêng cái bà giết chồng thì nói chuyện gì với anh?”
Tôi nói, bà ta nói chồng bà ta là một con quái vật, không có tình cảm và luôn luôn đàn áp vợ. Thực sự đó là những điều thông thường mà bất cứ bà vợ nào cũng phàn nàn như vậy về chồng. Nhưng tên chồng này có một lịch trình thật quái đản: tất cả mọi việc phải làm đúng theo một giờ giấc nào đó, tỷ như phải tắt đèn đi ngủ vào đúng 9 giờ và phải thức dậy vào đúng 6 giờ sáng... làm sao có thể sống máy móc như lính vậy? Tôi nghĩ là bà ta sẽ ly dị với chồng trong một ngày rất gần!

Tên thanh tra hỏi: “Anh có nói gì với bà ta không?” Tôi nói dĩ nhiên là tôi có nói chuyện với bà ta. Ông nên hiểu là tôi ở trong một tình trạng không thể không nói được. Khi mà khách hàng tâm sự với tôi về cuộc sống đọa đầy của họ, về ông xếp khó chịu của họ, về người bạn láo khoét của họ, hoặc là về các ông chồng tồi tệ của họ... thì họ thường hỏi tôi là nên đối xử như thế nào bây giờ? Dĩ nhiên là tôi không thể nói huỵch toẹt ra là tôi chỉ là một thợ làm tóc, tôi không phải là cố vấn cho các vấn đề về gia đình xã hội. Tôi cũng không thể chúc họ may mắn và nói là có người khách khác đang chờ xin bà vui lòng đứng dậy vì tóc đã làm xong.

Tôi có thể nói với bà ta là lần sau nếu mà ông chồng làm cho bà ta nổi điên thì hãy làm một việc gì đó... như là ném một cái bình hoa vào hắn... có thể việc đó sẽ làm cho bà ta dễ chịu hơn. Nhưng thực ra là tôi không nhớ là có nói với bà ta điều đó không!

Tên thanh tra nói: “Khi họ hỏi nên đối xử như thế nào thì họ đã tin tưởng vào anh và xin anh cố vấn cho họ phải không?” Đúng, khi họ hỏi thì tôi trả lời. Có thể là tôi không nên trả lời nhưng thường thì tôi trả lời. Họ không hiểu là trên đời này làm gì có ai mà trả lời thỏa đáng cho họ. Tôi cũng không hiểu tại sao khi rời khỏi máy xấy tóc thì các bà thường nổi điên với những gì chung quanh đời sống của họ và luôn luôn hỏi là họ nên đối xử như thế nào. Ông thanh tra có nghĩ là cái máy xấy tóc đã chuyển động một số tế bào trong đầu họ không?

Tôi cố gắng giải thích cho tên thanh tra rõ là cái đám đàn bà khách hàng đó đối với tôi chỉ là một người bạn qua đường trong vòng hai tiếng đồng hồ làm tóc. Với một vài bà tôi khuyên nên ly dị, với bà khác thì tôi nói nếu tên chồng quá khó chịu thì hãy xỉ vả lại. Có lúc tôi cũng khuyên họ là thỉnh thoảng nên nói với chồng là ông ta đã làm những chuyện không được sáng suốt lắm. Hoặc là kích động ông chồng, tỷ như chỉ cho ông ta một tên xấu trai nào đó rồi nói mũi của ông ta giống như tên xấu trai đó... Tôi đoan chắc với ông thanh tra là việc đầu tiên mà tên chồng đó sẽ làm là phải soi gương tới soi gương lui để xem hình dạng cái mũi mình ra sao mà bị vợ ví von với một tên xấu trai như vậy.

Tên thanh tra George gì đó hình như cũng chưa hiểu gì lắm, tôi phải giải thích thêm. Ông thanh tra, tôi nói, tôi không quen gì với các khách hàng ở ngoài đời và họ cũng chẳng quen gì tôi. Ở ngoài đời họ sẽ không giao du với tôi vì họ nghĩ là họ ở một tầng lớp xã hội cao hơn. Nhưng ở trong tiệm này thì khác, họ chỉ có một mình tôi để nói chuyện, ông phải hiểu điều đó chứ ông thanh tra?

Tên thanh tra ậm ừ rồi y nói về các tiệm đấm bóp. Tôi nói làm tóc khác với chuyện đấm bóp, thằng khốn kiếp này không biết gì về nghệ thuật làm tóc cả! Tôi thầm nghĩ là không biết hắn có một ngụ ý gì khác không. Rồi y hỏi tôi có vợ không. Tôi nghĩ điều này có liên hệ quái gì nhưng cũng trả lời. Tôi chưa có vợ vì chưa kiếm được người nào hợp với mình. Tôi cũng không sống với mẹ tôi, nếu đó là câu hỏi kế tiếp mà ông thanh tra muốn hỏi.

“Sau giờ làm việc thì anh làm gì?” Tên thanh tra hỏi. Tôi trả lời sau tám tiếng đồng hồ đứng làm tóc hai chân tôi tê cứng, tôi nghỉ ngơi và ngủ. “Không có một chuyện nào khác à?” Y hỏi, tôi trả lời là tôi sống độc thân đã nhiều năm và tôi thích một cuộc sống như vậy. Tôi chẳng cần y nói là tôi phải có những giao tế xã hội khác... cái đó có liên hệ quái gì với chuyện giết người mà hắn đang điều tra?

“Ông muốn hỏi thêm điều gì nữa không? Tôi muốn xong để còn phải làm việc chứ!” Tôi nói. “Anh đang nói về những chuyện anh đã khuyên khách hàng, riêng đối với người đàn bà giết chồng thì anh đã nói gì với bà ta?” Đột nhiên giọng nói của hắn trở nên hằn học làm tôi e ngại.

Tôi chẳng nhớ rõ là đã nói gì với bà ta, từ đó đến nay đã hơn một tuần và tôi đã nói chuyện với cả chục bà khách hàng khác làm sao mà nhớ được. Tôi có thể đã nói: nên ly dị, nên bỏ đi du lịch, nên có bạn trai khác, nên mua thêm vật dụng trong nhà... Có thể là bà ta đã hỏi và tôi đã trả lời. Thế thôi!

Phải rồi, y nói, nhưng riêng với người đàn bà đó thì anh có nói gì khác không? Chẳng có gì khác cả, những điều mà tôi nói với bà ta cũng giống như những điều mà tôi nói với các bà khách hàng khác. Lời nói rồi cũng tan trong không khí, chẳng có chi là quan trọng cả, ông hiểu chứ, đây chỉ là một tiệm uốn tóc.

Y hỏi tôi: “Phải chăng anh đã nói với bà ta là loại bỏ một ông chồng ra khỏi cuộc sống của mình là một điều dễ như trở bàn tay?” Tôi có thể đã nói như vậy, hoặc đã nói là bà ta nên rời xa ông ta, hoặc đã nói là bà ta sẽ có một cuộc sống khá hơn nếu không có ông ta... hoặc là những câu tương tự như vậy!

Tên thanh tra nói: “Bây giờ tôi sẽ cho anh biết là bà ta đã khai gì với cảnh sát. Anh khuyên ném một cái gì vào ông chồng cho đỡ bực, bà ta đã ném một cái máy làm nóng bánh mì nhưng vì bà ta quên rút giây điện ra thành ra cái máy rơi xuống nửa chừng. Chuyện đó không xong, bà ta đã làm theo lời khuyên thứ hai của anh. Khi đến giờ phải tắt đèn đi ngủ, bà ta nằm trằn trọc suy nghĩ. Khi ông chồng đã ngủ say bà ta xuống giường, ra chỗ nhà để xe lấy một cây gậy dã cầu, trở lại phòng ngủ và dập vào đầu ông chồng liên tục cho đến khi mệt quá không thể đập được nữa. Sau đó bà ta bật sáng choang đèn của tất cả các phòng lên, vặn máy truyền hình lên xem cho đến khi có tin tức buổi sáng lúc 6 giờ mới gọi 911 và thú nhận tất cả mọi chuyện.”

Tôi nói, nếu mà ông thanh tra nghĩ là tôi có liên hệ đến vụ đó thì ông đã lầm. Chúng tôi có nói chuyện, và tôi đã nói cả chục chuyện khác nhau với khách hàng mỗi ngày. Ho thường kể với tôi cả trăm chuyện khốn khổ và hỏi họ nên làm gì bây giờ!

Tới đây tôi đã hơi sốt ruột. Thật là khó chịu khi có một tên thanh tra cảnh sát đến tiệm điều tra, nhưng điều khó chịu thêm hơn cả là y đã bắt đầu lớn giọng. Trong khi đó thì các bạn đồng nghiệp của tôi cứ vờ như không biết gì, thật là khốn nạn.

Tôi muốn thoát ra khỏi tình huống này vì vậy tôi nói với tên thanh tra là tôi phải trở về làm việc. Tôi có nhiều khách hàng đang chờ và người khách của tôi đang ngồi dưới máy sấy tóc có thể đầu đã phồng lên như miếng pizzas.

Y làm như không nghe thấy tôi nói hoặc là cũng cóc cần nghe, y nói: “Anh có nghĩ là bà ta cần một lời khuyên bảo chuyên nghiệp không?”

Tôi quả là ngu nhưng cũng không đến nỗi ngu quá để trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ trong đầu tính trả lời y là tôi chỉ là một thợ làm tóc và trò chuyện với khách hàng là một phần công việc của tôi. Đừng kết án tôi mà hãy kết án cái máy xấy tóc đã làm rối loạn tế bào óc của người đàn bà. Nhưng tôi im lặng.

Y nói tiếp, bà ta đang cần một lời khuyên bảo chuyên nghiệp nhưng không may lại hỏi đúng một tên cố vấn nghiệp dư, một anh tài khôn!

Mặt tên thanh tra đỏ bừng lên, tôi nghĩ là hắn sẽ la ó với tôi, nhưng không, hắn chỉ im lặng và chúng tôi ngồi im như vậy một lúc lâu. Chiếc đồng hồ tích tắc nhả thời gian chầm chậm. Ngay lúc đó tôi đã hiểu được y nghĩ gì. Tên thanh tra này đã nghĩ là tôi có trách nhiệm về vụ người đàn bà giết chồng chỉ vì những điều mà tôi đã trò chuyện với bà ta.

Tôi cố gắng chú tâm vào những tiếng động quen thuộc trong tiệm, nhưng các bạn đồng nghiệp của tôi đều câm như hến. Tôi tự hỏi làm sao mà tôi có thể tiên đoán được việc mà bà ta sẽ làm sau khi trò chuyện với tôi. Tôi không phải là người có thể đọc được ý nghĩ của người khác. Có lẽ là tôi nên nói các chuyện khác với bà ta thì hơn, hoặc tốt hơn cả là câm miệng lại. Nhưng tôi quả là một thằng hơi nói nhiều!

Rồi y bật nói: “Dù sao thì bà ta đã phải trả giá cho những việc đã làm, đáng lẽ ra anh có thể giúp được bà ta...” Y ậm ừ cái gì tôi nghe không rõ. Tôi hỏi: “Ông nói gì?” Y nói là y muốn có một bằng chứng rõ ràng để kết án tôi nhưng mà y không có. Sau đó y đứng dậy và ra khỏi tiệm. 

*  

Bây giờ tôi tự hỏi: “Vậy thì sự thật ở đâu? Tại sao tên thanh tra lại trút hết trách nhiệm cho tôi?” Những người tiếp viên ở quầy rượu họ cũng nghe tâm sự của khách hàng, họ cũng bàn là khách nên làm thế này nên làm thế nọ. Nhưng mà có tên thanh tra cảnh sát nào đến điều tra những lời mà họ nói với khách không? Tuyệt đối không!

Mọi người thường trò chuyện với nhau, họ nói, họ nghe, nhưng đâu có phải là những lời khuyên bảo chuyên nghiệp! Ai mà được hỏi ý kiến thì đều phát biểu là anh nên làm thế này, anh nên làm thế nọ. Tôi đã nghe điều đó hoài. Trên xe buýt tôi nghe thấy một người hỏi người bên cạnh và người bạn đó cũng khuyên anh ta phải làm thế này, phải làm thế nọ.

Mọi người trò chuyện với nhau và trao đổi ý kiến về những việc nên làm, điều đó quả thật là bình thường! Tôi có trách nhiệm gì về vụ người đàn bà giết chồng hay không? Người tiếp viên ở quầy rượu có trách nhiệm gì về những câu nói với khách không? Người bạn trên xe buýt có trách nhiệm không? Thật là bối rối, thật là khó hiểu!

Vì vậy tôi phải viết hết xuống trang giấy này tất cả những điều gì đã xẩy ra cùng tất cả những suy nghĩ của tôi!

Cuối cùng, tôi phải làm gì bây giờ? 

Lập Xuân 2005
Robert Croken