Nền giáo dục phi nhân bản áp đặt lên hiện tại lẫn tương lai với cái gông
Marx-Lenin đã cho thấy quá rõ kết quả tồi tệ, nhưng sau bao nhiêu năm, nó vẫn
được “vận dụng” và “sáng tạo.” (Mạnh Kim)
Có dịp trò chuyện với nhiều vị đồng hương, vừa từ quê nhà sang
California du lịch, tôi mới biết ra rằng mình đã “trở thành” người
Sài Gòn cũ. Lý do: có những người Sài Gòn mới, mới đến sau 1975.
Vùng đất nào cũng có kẻ đi, người tới. Tôi chỉ hơi bối rối khi
nghe họ nói thêm: “Ông mà về lại là đi lạc như không. Giờ thay đổi
hết trơn rồi, hoành tráng lắm!”
Trong trí nhớ xa xôi và trẻ dại của riêng tôi thì Sài Gòn chưa bao
giờ “hoành tráng lắm”, lúc nào cũng y như thế thôi. Cũng vẫn chỉ là
một đoạn đường rất ngắn, nằm giữa chùa Chà và vườn Tao Đàn, được
cắt ngang bởi hai con đường lớn: Nguyễn Du & Gia Long.
Nhà chị tôi số 69 Trương Công Định. Dù sinh ở Sài Gòn, phần lớn thời
gian tôi sống tại Đà Lạt. Tôi chỉ có mặt ở đây vào những ngày hè,
suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu.
Tôi biết hết tên tuổi, cùng tính tình, của từng đứa bé cùng lứa
và cùng xóm. Chúng tôi tụ tập mỗi chiều để chơi tạt lon, tạt hình,
đá kiện, nhẩy dây, rượt bắt cứu tù, và lùng kiếm tìm nhau (hằng
đêm) sau khi tiếng “năm mười, mười lăm, hai mươi …” vừa chấm dứt.
Tôi cũng biết rõ độ chua ngọt của từng cây me trước nhà, và danh
tính của tất cả những người thợ hớt tóc đứng hành nghề bên cạnh.
Có hai ông Sáu lận nên tên gọi của họ được phân biệt bởi phương tiện
đi lại hằng ngày: Sáu Vespa và Sáu Mobillette.
Tôi gần với chú Vespa nhất, giản dị chỉ vì ông là người không bao
giờ lấy hết ba đồng công thợ. Chú Sáu luôn cho lại tôi năm cắc, hay
hào sảng xoé toạc tờ bạc một đồng rồi đưa tôi phân nửa.
Mừng hết lớn luôn. Số tiền này vừa vặn cho một cuốn bò bía, một
ly đá nhận, một que kem đậu xanh, một khúc mía hấp, một đĩa gỏi đu
đủ bò khô, hay một ly đậu đỏ bánh lọt nước dừa.
Chỉ có điều phiền là chú Sáu hay nói hơi nhiều. Ông không chú ý
gì lắm đến công việc đang làm nên đầu tui cứ bị hớt gần trọc hoài
hà, ngó kỳ thấy bà luôn. Tuy tay cầm “tông đơ” nhưng mắt chú Sáu luôn
ngó xuống bàn cờ tướng của hai kỳ thủ đang bầy trận gần đó, hoặc
quay qua tranh luận với ông bạn đồng nghiệp (hay khách hàng) ngồi kề.
Ổng nói không ngừng về những chuyện hoàn toàn xa lạ với đầu óc non
nớt của một đứa trẻ như tôi.
Phải mất rất nhiều năm tôi mới lờ mờ hiểu ra là chú Sáu Vespa
rất không bằng lòng về thể chế chính trị hiện hành. Ổng luôn luôn
thuyết phục mọi người (kể cả luôn tôi) rằng cần phải có một chính
phủ mới:
– Rồi mày coi, mấy ổng vô tới là sẽ thay đổi hết. Cách mạng mà!
Nhiệt tình cách mạng của chú Sáu Vespa, xem ra, không được tất cả
mọi người chia sẻ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe có người gọi ổng bằng
một danh hiệu khác: Sáu Việt Cộng. Thiên hạ cũng chỉ thấy mặt đặt
tên (cho vui) vậy thôi, chớ ở miền Nam – xem chừng – mọi người đều
sống rất lừng khừng và không mấy ai bận tâm về quan điểm hay lập
trường chính trị của tha nhân.
Đâu khác thì không biết, chớ ngay xóm tôi mà đi ngang qua những bàn
nhậu – kế bên, hay đối diện chùa Chà – mà nghe tiếng chửi thề (“đ…
mẹ Sáu Thiệu, hay đ… mẹ Kỳ Râu) là chuyện rất bình thường, chả
khiến ai buồn ngoái đầu nhìn lại cả. Nhậu vô vài ly rồi chửi chơi
vài câu nào có chết ai đâu, miễn đừng đặt chất nổ hay quăng lựu đạn
giữa đám đông là “o.k salem” và “ça va tout.”
Miền Nam tự do mà. Có điều rõ ràng là vùng đất này tự do hơi
quá nên đủ khe hở để “mấy ổng vô tới” thiệt. Trong đám đông dân chúng
hân hoan phất cờ, chào mừng đoàn quân giải phóng Sài Gòn – hôm 30
tháng 4 năm 1975 – tôi đoán chắc chắn là phải có chú Sáu Vespa … của
mình rồi!
Niềm hân hoan này – tiếc thay – không mấy người giữ được luôn, và
cũng chả ai giữ được lâu. Năm 1978, tôi có dịp trở về xóm cũ. Chú
Sáu vẫn đứng hớt tóc ngay trân dưới gốc me ngày trước nhưng cái Vespa
thì không còn dựng kề bên. Thay vào đó là một cái xe đạp cũ mèm.
Ổng phân trần:
– Tao bán rồi. Không bán đi thì lấy cái gì ăn. Đ …mẹ, tao đâu có
dè tụi nó …
– Nói nhỏ nhỏ lại chút xíu đi chú Sáu.
– Nhỏ cái con cặc. Đ…má, tao mà biết vậy thì hồi đó …
Tôi vốn nhát, lại vừa mới tù ra và hoàn toàn không có ý muốn
trở vô (liền) lần nữa nên không dám đứng trò chuyện với chú Sáu lâu,
sợ có chuyện chẳng lành. Tôi lật đật biến liền, quên luôn cả một
cái bắt tay hay một lời từ biệt. Thiệt là hèn hết sức.
Bởi nhát và hèn nên trong số mấy anh chị em tôi là đứa vượt biên
đầu tiên hết thẩy. Vài năm sau, khi gia đình đoàn tụ, trong lúc hàn
huyên, tôi chợt nhớ đến chú Sáu Vespa. Chị tôi chép miệng:
– Sau này ổng uống dữ lắm, ngày nào cũng xỉn, và cũng chửi búa
xua cà na nên bị bắt lâu rồi.
– Chị nghe ai nói vậy?
– Nghe ai? Công an còng tay ngay tại gốc me kế nhà mình, tao thấy
tận mắt mà. Tội nghiệp chớ, vậy mà hồi đó có người còn nghi là
ổng nằm vùng nữa đó.
– Chú Sáu có nói với em là ổng không dè chị à.
– Thì đâu có ai dè là tụi nó tệ bạc và khốn nạn dữ vậy.
Chú Sáu Vespa, và bà chị tôi, không phải là những kẻ đầu tiên
“không dè” như vậy. Nhiều người thuộc thế hệ trước nữa cũng “đâu có
ai dè là tụi nó tệ bạc và khốn nạn dữ vậy” – theo như lời của một
chứng nhân thế giá, nhà báo Bùi Tín, trong một cuộc phỏng vấn do thông
tín viên Kính Hoà (RFA) thực hiện :
“Cha tôi lúc đó không hiểu gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản đâu. Sau này nghĩ
lại thì cũng có thể nói rằng cha tôi bị ông Hồ Chí Minh lừa dối. Lừa dối theo
cái nghĩa là ông Hồ Chí Minh giấu rất kỹ tung tích cộng sản của mình. Cũng được
hưởng vinh danh, cũng được sử dụng lại với chính quyền mới, nhưng về cơ bản là
bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối, tưởng đâu họ là chính
nghĩa lâu dài, nhưng không ngờ khi nắm chính quyền, thì họ càng tha hóa, mất
cái bản chất nhân dân.”
Nhân sĩ trí thức như cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ
Trọng Khánh, Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thuý, Đặng Văn Hướng mà “về cơ
bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối”
thì trách chi đến một ông thợ hớt tóc – như chú Sáu Vespa.
Dạ thì nẫy giờ tui cũng có trách dám trách móc ai đâu. Chuyện
cũng qua rồi mà. Nói nào ngay thì tui cũng đã xém quên luôn chú Sáu
Vespa, nếu bữa rồi không (tình cờ ) đọc được đọc một bản tin ngắn –
trên trang Vietnamnet – về bà Đàm Thị Thủy:
“Hiệu trưởng Trường ĐH Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thuỷ, cho biết sẽ dạy
các môn Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khác biệt so với các
trường đang dạy hiện nay… Đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo bà Thuỷ, tư
tưởng Hồ Chí Minh cũng là một phần trong lịch sử Việt Nam, nếu là người Việt
Nam, chúng ta nên tự hào về giai đoạn lịch sử đó.”
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (trái) trao quyết định tài trợ, tổng trị giá
15,5 triệu USD của chính phủ Mỹ cho bà Đàm Bích Thủy hôm 6.6. Ảnh: Kiều Oanh.
Chú thích: Thanh Nien Online
Bà Thuỷ, tất nhiên, có quyền “tự hào về giai đoạn lịch sử” (nào
đó) bất cứ. Đó là quan điểm riêng của từng người. Tuy nhiên, ở cương
vị Hiệu trưởng Đại Học Fulbright – một trường đại học tư ở VN – được
tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, nghĩa là bằng một phần tiền thuế mà
tôi đóng hằng năm nên buộc phải có đôi lời để rộng đường dư luận.
Dù tuyệt đối tôn trọng qui chế đại học tự trị, và chủ trương
giáo dục tự do, tôi vẫn băn khoăn ở điểm là làm sao có thể mở lớp
giảng dậy về “môn tư tưởng Hồ Chí minh” khi chính đương sự đã tự xác
nhận rằng: “Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác
–Lê.” Hay: “Bác tự nhận mình chỉ nêu ra được tác phong, còn tư
tưởng lý luận thì để cho Mao Chủ tịch.”
Không lẽ qúi vị trong ban giảng huấn của Trường Đại Học Fulbright
định dùng bạc giả? Nhân nói việc học hành, tôi chợt nhớ đến một câu
chuyện tiếu lâm (ngăn ngắn) vừa đọc bữa qua, trên trang Bauxite Việt Nam:
Kolia đến trường khoe với cô giáo:
– Cô ơi, tối qua mèo nhà em đẻ một bầy 7 con, con nào cũng là đảng viên
cộng sản!
Bẵng đi mấy tuần, một hôm sực nhớ, cô giáo hỏi cậu bé:
– Này, Kolia, đàn mèo cộng sản nhà em thế nào rồi?
– Thưa cô, giờ chúng không còn là cộng sản nữa ạ.
– Sao vậy?
– Chúng mở mắt hết rồi!
Tôi có xem qua sự nghiệp của bà Đàm Bích Thủy. Bả lanh còn hơn
tép nữa. Dễ gì mà bị mắt hay lợi dụng, như chú Sáu Vespa, hồi thế
kỷ rồi. Chỉ có chuyện là mấy ông Marx, Lenin, và Hồ Chí Minh bị bà
Thủy lợi dụng để “đảm bảo” cho cái chức vụ hiệu trưởng, cùng tài
sản (chìm nổi) của mình ở Việt Nam thôi – đúng không?
Tưởng Năng Tiến