Sáng 26 tháng Tám, 1985, một thanh niên dắt người vợ trẻ mới
cưới của anh đến tòa thị chánh thành phố Quincy, tiểu bang Massachusetts để làm
hôn thú.
Cả hai mới qua Mỹ vài năm. Anh còn đi học đại học. Buổi tối
học ở Boston University, cuối tuần học ở Wentworth Institute of Technology và
ban ngày đi làm trong một nhà kho của một công ty, nơi có bà phụ bếp người da
đen thường cho anh những chiếc bánh Pecan. Anh có một giấc mơ dành cho đất nước
ôm ấp từ năm 13 tuổi chưa bao giờ thổ lộ với ai, nhưng anh cũng biết ước mơ gì
trước hết phải đi học.
Vợ anh làm cho một hãng điện tử lương 6 đô la một giờ. Biết
anh học điện toán khó khăn, mỗi ngày trường chỉ cho dùng máy IBM một giờ để làm
bài nên sau ngày quen nhau, cô dành dụm tiền mua tặng anh chiếc máy đánh chữ điện
tử hiệu Brother để anh tập đánh máy.
Nhờ chiếc máy đánh chữ nên anh đánh computer nhanh hơn và
làm bài cũng nhanh hơn. Khi các bác HO qua Mỹ, một bác đi học computer và hỏi
anh tìm mua giùm một máy đánh chữ để tập đánh máy, anh về nhà lấy máy đem cho.
Vợ anh buồn mấy ngày, không phải vì tiếc chiếc máy đánh chữ cũ nhưng tiếc một kỷ
niệm thuở hàn vi.
“Chúng tôi xin phép được làm giấy hôn thú”, anh thưa với cô
thư ký văn phòng. “Chúc mừng anh chị”, cô thư ký miềm nở. “Thế bao giờ anh chị
sẽ làm lễ cưới”, cô thư ký hỏi. “Chúng tôi làm lễ cưới hôm 24 tháng Tám rồi ạ”,
anh đáp. Cô thư ký bật lên tiếng cười giòn. “Xin lỗi anh chị, theo luật, giấy
chứng nhận kết hôn phải được làm trước khi lễ cưới diễn ra, nhưng không sao,
hôm nay theo giấy tờ sẽ là ngày cưới của anh chị đó nhé”, cô thư ký biết mình
cười hơi thiếu tế nhị nên nói nhanh. Anh và dĩ nhiên vợ anh cũng không biết phải
làm giấy tờ trước khi làm lễ cưới.
Cô thứ ký đưa giấy tờ để anh điền vào, kể cả tên họ người
làm chứng và các thủ tục cần thiết phải hoàn tất để được cấp giấy chứng nhận kết
hôn. Trước khi ra về cô thư ký tặng hai vợ chồng một gói quà gồm kem đánh răng,
xà phòng và khăn lau mặt. “Đây là quà của thành phố tặng anh chị chứ không phải
của tôi đâu”, cô thư ký tươi cười giải thích.
Đúng như anh nói, một đám cưới đơn giản diễn ra tối 24 tháng
Tám 1985, tại một nhà hàng ở Boston chỉ có 60 người tham dự gồm họ hàng bên
đàng gái và bạn học. Bên đàng trai không có ai. Ông bà bác sĩ Hoàng Hữu Nhuận
được nhờ đại diện bên đàng trai và anh Trung, người đi cùng ghe và ở chung trại
tỵ nạn Palawan điều hợp chương trình. Hầu hết bạn học đều nghèo nhưng đậm đà
tình nghĩa.
Đám cưới xong, gia tài của hai vợ chồng chỉ còn đủ để trả
hai tháng tiền nhà. Họ không có khả năng tài chánh để đi chơi với nhau vài hôm
như người ta thường gọi là “honeymoon”. Anh nghĩ chắc vợ buồn nhưng không nói
ra nên hứa với vợ, khi nào có điều kiện mỗi tháng Tám anh sẽ đưa vợ đi nghỉ
không chỉ một “honeymoon” mà năm nào cũng có “honeymoon”. Một lý do khác, 26
tháng Tám cũng là sinh nhật vợ. Vợ anh không nói gì khi nghe anh an ủi nhưng biết
đó chỉ là một trong nhiều hứa hẹn và sẽ được xếp vào ngăn tủ đợi chờ.
Khi anh ra trường có công việc làm và mỗi tháng Tám, để kỷ
niệm ngày cưới và sinh nhật vợ, anh thường đưa vợ đi chơi. Vì công việc làm nên
thời gian và địa điểm mỗi năm có khác.
Năm nay, dù đã đi một vòng nhiều nước từ Canada sang Á Châu,
tháng Tám, anh lại đưa vợ đến Daytona Beach để kỷ niệm nơi hai vợ chồng đến lần
đầu mấy chục năm trước. Anh không phải là người chồng gương mẫu, đi hoài, tâm hồn
anh mênh mông, chuyện đất nước, chuyện con người nhưng anh cũng luôn cố hoàn
thành lời hứa dù nhiều khi rất trễ tràng.
Một triết gia nói “không ai tắm hai lần trong cùng một dòng
sông” để chỉ sự thay đổi trong từng khoảnh khắc của thời gian và vũ trụ.
Giải thích đó không đúng hẳn. Dòng sông Tâm nước vẫn một màu
xanh và trôi theo cùng tháng năm thăng trầm, vinh nhục của đời người. Dòng sông
không thay đổi.
Giọt nước mắt vợ anh khóc một lần anh bịnh nặng nằm trong
căn phòng nhỏ ở Brighton, chiếc máy đánh chữ điện tử hiệu Brother, Daytona
beach, chân cầu cũ và nhất là hình ảnh ngày 24 tháng 8 khi vợ anh mặc chiếc áo
cưới màu trắng mướn của một người Việt ở Malden vẫn còn nguyên vẹn. Tất cả vẫn
sống với anh cho đến ngày một hơi thở hắt ra nhưng không trở lại.
Trần Trung Đạo