Lịch sử ghi lại rằng vào sáng ngày 9 tháng 4 cách đây 140
năm, thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân
đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng
Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định
đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng nhưng sau
cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên đành bất lực chấp nhận thua cuộc. Với
lá thư riêng ông gửi cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Ông Grant nhận được thư hết sức vui mừng và bỗng nhiên thấy
hết ngay cơn bệnh nhức đầu ghê gớm hành hạ ông từ nhiều ngày qua. Vị tư lệnh miền
Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ
hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận. Trưa ngày lịch
sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng
tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của
lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam
vào phòng họp. Nửa giờ sau Tướng Grant và đoàn tùy tùng miền Bắc đến.
Cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ
Tây Cơ. Họ đã nhắc lại một thời bên nhau trong quá khứ.
Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự
hổ thẹn khi phải hỏi Tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.
Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải
giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng
Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông
được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến
đấu. Không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc. Tướng Grant thỏa hiệp
là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính
miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.
Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây
là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo
tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu
hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu
bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn
thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền
Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục.
Và hình Tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân
nhạc miền Bắc chào đón. Hình Tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh
sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào. Bây giờ hình tượng của tướng Lee
tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way,
Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như
là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ.
Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của
thời hậu chiến.
Năm 1900 tức là gần 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai
đoạn hòa giải dân tộc và năm 1991 thì các liệt sĩ miền Nam được cải táng đưa
vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section. Tổng
cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh
tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện.
Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội là
hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam. Ðây là hình ảnh
bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới là bài
thơ đại ý như sau:
“Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
Là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
Đã liều thân và sau cùng đã chết.”
Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay
từ khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những
anh hùng….
***
Trong khi đó, Việt Nam sau biến cố 1975, bộ đội Bắc Việt hay
gọi là Việt cộng, đã đối xử tàn độc, dã man đối với chiến binh và người dân
VNCH… Hôm nay, 42 năm ngày mất của Đại Tá VNCH - Hồ Ngọc Cẩn với lời nói bất
hủ trước khi bị bên thắng cuộc xử bắn:
“Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các
anh như các anh kết án tôi.
Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi.
Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi.
Tôi chiến đấu cho tự do của người dân.
Tôi có công mà không có tội.
Không ai có quyền kết tội tôi.
Lịch sử sẽ phê phán xét đoán các anh là giặc đỏ hay tôi
là ngụy……..”
Phan Nguyên Luân