05 October 2017

BARBARA - Nguyễn Xuân Hoàng


Rappelle – toi Barbara
Il pleuvait sans cesse sur Brest ce jour – là
Et tu marchais souriante
Epanouie ravie ruisselante
Sous la pluie …
Rappelle – toi Rappelle – toi
quand même ce jour – là
N’oublié pas
Un homme sous un porche s’abritait
Et il a crié ton nom
Barbara
Jacques Prévert (Paroles)

Khi chiếc xe màu xanh vừa phóng qua mặt đường làm bắn tung nước lên áo anh cùng với tiếng cười nhọn và khô, anh chợt có cảm tưởng hạnh phúc của chính mình cũng đã bị ướt ngoi như một người đi dưới cơn mưa tầm tã.

Em có còn nhớ tảng đá xanh dưới chân cầu bắc qua sông Potomac, nơi mình đã ngồi nhìn dòng nước chảy vào một chiều mùa hè, khi xe chúng ta bị hỏng ở bức tường Cựu Chiến Binh Việt Nam trên đại lộ Constitution? Bây giờ chắc nơi đó con sông đã đóng băng và những chú chim, chẳng biết tên là gì, có lẽ đang đi nhởn nhơ trên mặt nước đã đông cứng? Có bao giờ, từ sở về mỗi chiều, em tấp vào con đường Hai Mươi Mốt, thả bộ qua sân cỏ, nơi các học sinh Mỹ chơi trò đá bóng, đến ngồi ở tảng đá kia nghe lại hơi thở điên cuồng của hai con người sau hơn mười năm trời mới gặp lại nhau?
Buổi sáng thức dậy, trước khi đi làm, em có phải lội tuyết ra sân, áo khoác, khăn quàng cổ, nón len, găng tay và một bình nước sôi đổ vào ổ khóa cửa xe đã bị đóng đá, cho máy nổ và chờ mọi thứ “tan ra”, defrost. Những chiều trên “xa lộ vòng đai” từ Hoa Thịnh Đốn trở về, xe em có bị nghẽn ở đường vào ngã Backlick? Và Cánh Đồng Mùa Xuân, Springfield, thành phố của em, đã ngập chưa cái màu trắng lạnh lùng của ông thần Băng Giá?.
Hôm qua ở đầu dây điện thoại viễn liên, anh nghe tiếng em nói chuyện với các bạn đồng nghiệp, giọng nhẹ nhàng và trơn tru như một người dân bản xứ. Còn anh, cái thứ tiếng Mỹ “ăn đong”, vừa nói vừa suy nghĩ, vừa ráp chữ, vừa tìm cách phát âm, giống như một người leo dốc với một cái bọc bự mang trên vai hì hà hì hục, mà chẳng giúp ai hiểu được mình nói gì. Nhưng cũng chẳng sao, anh đang sống giữa một cộng đồng Việt Nam, anh vẫn nói tiếng Việt y như hồi còn ở Sài gòn. Mặc dù căn nhà anh ở, một bên là gia đình Mỹ đen, một bên là dân Đại Hàn, phía trước là Mễ Tây Cơ, phía sau là Phi Luật Tân, anh vẫn cứ nói tiếng Việt như một người chưa hề ra khỏi đất nước. Có người bạn sống ở miền Đông Bắc trách anh sao chọn chi một chỗ ở như thế! Rồi con cái sẽ hư hết, sẽ học hành dốt nát, sẽ cao bồi du đãng, sẽ… Có thể tất cả những điều mà người bạn ấy nói đều đúng, nhưng… khi người ta đã mất quê hương thì nơi nào trên trái đất này còn có được chút màu sắc, mùi vị, văn hóa dân tộc mà chẳng lôi cuốn người ta. Anh đâu phải là một người kén cá chọn canh. Phải không?
Một người Pháp hay một người Đức, nói chung là một người Âu Châu, khi đến Mỹ họ đã có ngay một mẫu số chung là màu da và màu tóc, là chiều cao và sức nặng, là vóc dáng và tổ tiên trước của họ. Họ chỉ còn có cái trở ngại duy nhứt là ngôn ngữ. Bức tường ấy tuy vậy mà cũng không phải là khó leo. Còn chúng ta, những người Á Châu da vàng mũi tẹt, chiều cao thì khiêm tốn, sức nặng thì nhẹ nhàng, tóc đen nhánh, mắt nâu buồn… Chúng ta xa lạ biết bao với người bản xứ. Chúng ta có cố gắng lắm cũng chỉ là một thứ dân thiểu số nói tiếng Mỹ. Chúng ta là những người Mỹ nói rất ít tiếng Mỹ. Rồi ra con cái chúng ta, và cả chúng ta nữa, sẽ là những công dân Mỹ, tất nhiên. Nhưng bao lâu nữa để chúng ta là một người Mỹ như Mỹ? Liệu trong ba bốn thế hệ sau, pha trộn nhiều đợt, chồng này vợ nọ, vợ đó chồng kia? Ba bốn thế hệ nữa, như giờ đây người Nhật hay người Trung Hoa, đã có người làm tới dân biểu, nghị sĩ, bộ trưởng, thống đốc, giáo sư, bác học… nhưng họ vẫn là người Á Châu trong mọi sinh hoạt riêng tư và công cộng. Trong phong tục họ muốn trở về nguồn. Trong phong thái họ muốn được đồng hóa với Mỹ. Tuy vậy không người Mỹ nào nói những người “thiểu số” kia là Mỹ, còn người đồng hương cũng chẳng ai gọi họ là người đồng hương. Phần chúng ta, lúc đó chúng ta sẽ giống dân tộc nào trong những sắc dân của đất nước hợp chủng này?
Ôi, sao anh nói chi với em những điều tầm ruồng như thế!
Anh biết là anh đang nhớ em, nhớ đôi mắt nâu cười cợt, nhớ chiếc cổ cao như người trong tranh Modigliani, nhớ những sợi tóc mai mềm. Những sợi vắn sợi dài, sợi nhớ sợi yêu, mà có lần em đã nói với anh rằng “lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.”
Giờ đây anh còn như nghe tiếng em nài nỉ anh giảm tốc độ khi xe bắt đầu vào xa lộ Hai Mươi Hai, chỗ rẽ của xa lộ Bốn Lẻ Năm.
Em có còn nhớ ngay tối hôm đó, khi chúng ta trở về Westminster, anh và em lại đến quán Nguyệt Cầm nghe tiếng hát khàn khàn giọng thổ của một người đàn bà mặc áo đen quyến rũ, và tiếng kèn não nuột của một người đàn ông trung niên. Ly cà phê đen của anh, ly sửa đậu nành của em, và sự tình của hai chúng ta! Ngọn đèn quá mờ không đủ sáng soi rõ khuôn mặt em, nhưng trí nhớ anh vẫn rực rỡ hình ảnh em. Ở đó, anh đã đốt liên tu hồ tận những điếu Pall Mall, và chôn vùi em trong một không gian ngập đầy thứ khói xám độc tố kia.
Hình như em đã khơi lại trong trí nhớ anh những ngày xưa Sàigòn, khi chúng ta vừa quen nhau. Lúc đó tình yêu ngọt ngào của chúng ta có cái gia vị đắng chua đậm đà của hơi lựu đạn cay. Đêm giới nghiêm đầu tiên của thành phố, chúng ta còn lái xe chạy trên đường Hiền Vương. Những quãng đường cấm đã bủa dây kẽm gai. Xe tuần tiễu đã vượt qua chúng mình khi hai đứa đang hôn nhau vội vàng cái hôn chia tay để sáng sớm hôm sau anh lại trở về đơn vị. Và những hàng me hai bên đường Gia Long đã làm chứng cho mối tình cuồng nhiệt của hai ta.
Không còn nữa, những bao cát làm ụ xây ở một góc ngã tư đường với những họng súng đen ngòm thò ra bốn phía. Cũng không còn nửa tiếng còi hụ khiếp hãi báo hiệu giờ giới nghiêm vào lúc nửa đêm. Chiếc xe hôm ấy đã ngừng ở một quán Snack Bar có tên là Ohio, thả em xuống góc đường Nguyễn Văn Giai – Phan Thanh Giản, và anh đã chạy bán sống chí chết trở về nhà, tốc độ của một chiếc xe đưa chết người, và con đường vắng lạnh của chiến tranh sao đầy hình ảnh em.
Giờ đây, mười năm sau, gặp lại nhau giữa mùa đông trong thủ đô của một đất nước lớn nhất, giàu nhất, thanh bình nhất thế giới, chúng ta xa lạ biết là bao nhiêu?
Tại sao?
Khi chiếc xe vượt qua mặt anh, nước ở lề đường bắn tung lên, tiếng thoát ra cùng sức gió, anh đã nghĩ đến em. Đến em, với tiếng cười đổ vỡ. Đến em, với một mối tình không lối thoát. Đến em, với tất cả lo âu và sợ hãi.
Tại sao không phải là một người nào khác ngồi bên cạnh anh trong rạp chớp bóng Edwards ở South Coast Plaza? Những ngón tay chúng ta đan quyện vào nhau vì biết rằng chốc nữa đây phải rời xa. Có thể sẽ là mãi mãi. Sự im lặng đau đớn đã chế ngự chúng ta nặng nề đến nỗi mỗi đứa giành nhau nói những lời vô nghĩa. “Out of Africa”, đó là một cuốn phim hay. Ở đoạn này em nói giống anh, ở đoạn kia em nói giống em. Và đoạn kết của cuốn phim là điều em ghét nhất. Em chê đạo diện và chê cả người viết truyện phim. Anh thích khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Phi Châu. Anh khoái âm nhạc và âm thanh của cuốn phim. Lúc đó em đã hỏi anh có còn nhớ cuốn phim L’Insoumis ngày anh nghỉ phép từ Ban Mê Thuột trở về. Và cả hai đã chui vào một rạp hát tồi tàn ở Chợlớn? Tại sao nhân vật nữ, người luật sư lạnh lùng và lì lợm kia, có thể “phải lòng” người đàn ông đầy tội lỗi nọ ngay từ phút đầu gặp gỡ. Giữa ngã ba đường của một mối tình, hai người Pháp, một đàn ông, một đàn bà, yêu nhau trên đất Algérie và không ai biết sẽ phải quyết định như thế nào? Cũng như anh và em, hai người Việt trên đất Mỹ, chúng ta có biết quyết định gì đâu. Chúng ta như những chiếc lá trên mặt con sông vào mùa mưa lũ. “Thây kệ!” Em bảo vậy! Nhưng đó đâu phải là cách suy nghĩ thật của em? Em, người của lề thói, của dư luận, của tường kín và cổng cao… Chúng ta yêu nhau hay không yêu nhau? Không ai trong chúng ta trả lời được một cách dứt dạt câu hỏi ngắn ngủi và tầm thường kia?
Em nói mười năm trời ấy đã ăn cắp hết của em tuổi trẻ và cả thời con gái. Mười năm trời ấy đã thổi đi mất của anh những bụi phấn thông vàng ảo tưởng mà một người đàn ông như anh không thể không có. Chúng ta đang đứng trên một bờ biển và đang bị những con sóng quên lãng táp mòn hòn đá ký ức còn tụ dưới hai bàn chân hiện tại. Cũng giống như những người lái xe trên xa lộ, chúng ta chỉ đi tới, đi tới mãi, với một tốc độ cao được qui định, “không thể nhanh, cũng không thể quay lại đột ngột khi thấy người quen chạy ngược chiều bên kia đường.
Ở Sàigòn hồi đó, em nhớ không, mỗi khi anh đến thăm em trong dịp về phép, anh đâu dám bước chân vào nhà em, mà cứ phải ngồi ở cái quán “cóc” bên kia đường, uống những ly cà phê đen và đốt liên tu những điếu thuốc Pall Mall ngọt ngào mùi nho khô. Và hình như đã có lúc em cho anh “ăn thịt thỏ” vì bố em hôm đó đã đổi ý định không đi trường đua Phú Thọ như em đã nói với anh. Và những trận mưa tàn bạo dội ướt cả cái quán cà phê vỉa hè khiến anh cứ phải nán chờ em trong cơn tức tối. Ly cà phê thì loãng tràn những giọt nước mưa từ tấm “bạt” nhà binh đổ xuống, nhưng ý nghĩ anh sao lúc nào cũng đậm đặc hình ảnh em. Cái quán cóc ấy, sau mười năm, trước ngày anh lên đường rời bỏ quê hương, vẫn còn như ngày nào, chỉ có hai điều thay đổi: người chủ đã vượt biên và quán cóc ngày một tàn tạ hơn thôi.
Em hỏi cuối tuần này anh đi chơi đâu? Xuống San Diego thăm Sea World hay lên San Francisco nhìn cầu Golden Gate một chuyến? Sòng bài Las Vegas nổi tiếng cũng nên đến đó coi chơi cho biết sự tình. Cám ơn em, chắc chắn thế nào rồi anh cũng sẽ đi nhưng lúc này thì chưa được. Mặc dù đất nước này nhiều nơi hùng vĩ, chỗ nào cũng đáng đi qua một lần trước khi nhắm mắt. Bởi vì những sáng tinh sương, khi cả thành phố còn ngái ngủ, anh đã phải đi bỏ báo cho tờ Times, những trưa làm công cho một ông chủ Việt Nam “xếp sòng” cắt cỏ. Em nói dưới đó nhiều thú vui, nhiều nơi giải trí, chắc là tuần nào anh cũng sẽ mất ngủ và mệt mỏi. Mất ngủ và mệt mỏi là cái chắc. Nhưng, không phải do nhảy nhót và hoang phí thời gian. Chính là sự không yên tĩnh của trái tim đã làm anh trở nên như thế. Em đừng giận nếu anh nói rằng không phải vì trung thành với em mà anh không tới đó, càng không phải vì lương bổng nhỏ nhoi mà anh xa lánh. Không, đó không phải là lý do. Anh không thích đến chỉ vì không thích đến. Thế thôi. Em nghĩ là anh quá bi quan chăng? Hay em sẽ nghĩ là anh mặc cảm về sự nghèo khó? Cách nào cũng được. Anh là người luôn luôn dị ứng với mọi thứ lố bịch.
Em có thể tin những gì anh nói không?
Em còn nhớ chăng ngày nào ở Sàigòn, anh chở em trên chiếc Lambretta màu bạc, lang thang trên những con đường đất đỏ trong làng đại học Thủ Đức? Có phải đó là con đường đẹp đẽ nhất trong những tháng ngày đẹp đẽ nhất của hai ta? Còn nỗi xót xa của chúng mình lúc đó để đâu. Chiến tranh ăn mòn da thịt quê hương ta, ám ảnh cả giấc ngủ anh và chen vào cuộc tình không một ngày hòa bình của chúng mình?
Khi chiếc xe màu xanh đi ngang qua vũng nước, bắn ướt áo anh, cả mặt mũi anh, anh chợt hiểu rằng tình yêu chúng ta chẳng qua cũng chỉ là một sự tình cờ. Tình cờ hai ta gặp nhau. Ở đâu? Hình như là lần đầu tiên em theo các bạn trong trường đi thăm “chiến sĩ tiền đồn” và anh, người trung đội trưởng ngang tàng đã ngã xuống cái ngã êm ái khi bị viên đạn đầu tiên của mắt em bắn cái nhìn xuyên tâm anh. Phải rồi, chỉ là tình cờ thôi, tình cờ khi cả hai ta cùng kẹt xe dưới chân cầu Kiệu (em tan trường về, anh trên đường nghỉ phép). Tình cờ khi đèn đỏ giữ chúng ta ở một ngã tư đường. Tình cờ như khi anh cầm tay em… Nhưng giờ đây, mười năm sau, cả sự tình cờ ấy cũng chẳng còn với chúng ta nữa.
Em có biết không, vào những ngày đầu tháng Năm, Bảy Lăm, khi cả Sàigòn chìm trong một thứ âm thanh sôi sục hoảng loạn và đỏ thẫm một màu chết chóc, anh đã tìm đến em, nhưng em đã biệt tăm. Căn nhà vắng tanh, trống tuếch. Quán cà phê bên kia đường bỗng đông khách hơn xưa, nhưng tất cả những con người ngồi đó đều ngơ ngơ ngác ngác, chân trên mặt đất nhưng thần trí mãi tận nơi đâu. Anh cũng ngồi bon chen trên một chiếc ghế thấp giữa những người khách không quen nhưng rất gần gũi, bởi vì giờ đây tất cả đều cùng có một tên chung: “ngụy”. Anh “lính ngụy” ngồi đây, nhưng em “ngụy” đã bỏ đi tự lúc nào? Bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau? Em biết cho câu hỏi ấy cách đây mười năm là một câu hỏi rất khó trả lời. Anh đã hiên ngang bước vào nhà em, đã xô cánh cửa căn phòng riêng của em. Và anh đã thấy gì? Trên bàn học, tấm ảnh chụp em đứng trước sân trường với áo dài trắng, nón lá được tháo ra khỏi khung kính và anh đọc thấy hai câu thơ chép tay bằng tiếng Việt, mà hình như em đã ghi là của Byron, anh không còn nhớ.
… Xin chia tay, và nếu là mãi mãi thêm một lần xin mãi mãi chia tay…
Có đúng là nhà thơ Byron viết như thế không? Có thể không phải là như thế. Cũng chẳng sao. Anh cần đọc lời nhắn gửi của em, chớ anh đâu cần sự chính xác của nguyên tác. Và anh tự hiểu là tấm ảnh ấy em đã viết cho anh, những dòng chữ kia là lời nhắn nhủ anh. Và em đã ký là Barbara. Phải, là Barbara và chỉ có riêng hai chúng ta mới hiểu được qui ước này. Qui ước ấy nay anh vẫn còn giữ, và chắc là em hiểu tại sao, phải không?
Đó là ngày đầu tiên anh quen em và em đã chép gửi tặng anh bài thơ của Jacques Prevert. Một bài thơ dài không dấu phẩy, chỉ có dấu chấm sau cùng. Một bài thơ mà anh sẽ phải nhớ mãi và anh đã nhớ mãi! Bởi vì nó rất gần với chúng ta, em đã nói vậy, phải không?

Oh Barbara Quelle connerie la guerre
Qu’es tu devenue maintenant
Sous cette pluie de fer
De feu d’acier de sang
Et celui qui te serrait dans ses bras
Amoureusement
Est il mort disparu ou bien encore vivant
Oh Barbara …

Em thấy chưa, đầu óc anh vẫn còn tỉnh táo chán, phải không?
Barbara, giờ này em đang làm gì?
Barbara, em có biết là cả thành phố đã bị sụp xuống trong lừa dối và sự ra đi của em đã nhận chìm anh trong đống tro tàn của những trối trăng? Anh đã ngồi trong căn phòng em rất lâu, thật lâu. Anh đã nằm trên chiếc giường đầy hơi hướm em và tưởng chừng như đang đắp lên người tấm thân nồng ấm của em; đã đốt những điếu Pall Mall dư thừa trong túi áo; đã uống đến say mèm những chai rượu của bố em còn để lại trong tủ kính; đã kéo tung tất cả hộc bàn của em ra để tìm xem biết đâu… may ra… có dòng chữ nào khác em gởi cho anh.
Không có chi hết ngoài sự bừa bộn em đã vứt lại. Chắc là em quá vội vã trước giờ ra đi nên không thể làm cách nào khác.
Barbara, kể từ giờ phút ấy đến lúc gặp lại em là mười năm. Thời gian ấy ngắn hay dài của một đời người? Nó đã uống cạn chưa trong anh cốc rượu nồng nàn của một người đàn ông tràn đầy sinh lực? Nó đã làm phai tàn chưa trong em tình yêu cuồng tín của một thiếu nữ vừa mới lớn? Những câu hỏi ấy theo đuổi anh, đến bao giờ mới chịu buông tha?
Khi chiếc xe màu xanh chạy vụt qua, cán nát quả cà chua trên mặt đường, anh cảm thấy hạnh phúc mình cũng đã tan nát đập vỡ. Anh nhớ chiếc Porsche thể thao của em. Xe hai chỗ ngồi, dàn máy radio cassette tối tân, ống thuốc an thần trong hộc, lọ nước hoa Yves Saint Laurent mùi chanh tươi bên một cái giũa móng tay đặt dưới cần sang số….
Em hỏi chiếc xe “thổ tả” Datsun của anh đã vất ra nghĩa địa chưa, và em đã hôn anh tức thì để mắng một câu trấn áp kỳ quái: “Đồ ngu, đừng giận em, trời ạ! Em yêu anh!” Em nói chúng ta không cần dư luận và cũng lại chính em, em luôn luôn nói chúng ta nên tránh con đường này, nên né cái quán ăn kia.
Em là khu rừng của những cây cao su mâu thuẫn.
Em có còn nhớ tối hôm nào hai chúng ta uống ly expresso bên vỉa hè của Newport Beach? Trời mùa hè nóng, nhưng đêm ở Newport Beach sao mà lạnh như mùa đông. Bên kia bàn hai người nói tiếng Tây Ban Nha đang hôn nhau và em hỏi tại sao ta không thể làm như họ. Rồi khi anh ôm và hôn em, em bảo: “Đừng! Đừng anh!” Không! Có lẽ chúng ta không yêu nhau, chẳng qua chúng ta yêu cái hạnh phúc mong manh của mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ là những người thợ săn vụng về bắn những viên đạn bộc phá vu vơ vào một con vật vô hình trong khu rừng lạ vào đêm ba mươi.
Khi anh lái xe trở về, trên con đường mang tên Tình Cờ, anh đã vượt qua đèn đỏ ở ngã tư Euclid, và anh đã lãnh một cái giấy phạt. Không, Hazard không chỉ có nghĩa là Tình Cờ, nó còn là May Rủi, là Nguy Hiểm. Có phải vì anh đã không chịu hiểu hai nghĩa sau của chữ Hazard mà anh bị cái ticket chăng? Ôi, vi phạm luật lệ lưu thông ở Mỹ là một điều thường như ăn cơm bữa, như tình yêu của chúng ta. Phải không? Người ta nói ở xứ này có hai điều đáng sợ, đó là cảnh sát và thuế vụ. Đúng. Nhưng theo anh, còn một cái đáng sợ hơn nữa đó là sự vô tình của con người. Ôi, sao con người ta lại có thể lạnh tanh, lạnh lùng, lạnh lẽo, lạnh cảm đến như thế!
Chắc em không còn nhớ cái đêm trên Thủ Đức, chúng ta đi quanh trong bóng tối ở ngã tư để tìm một quán nước mua cho em chai soda. Chai soda? Em còn nhớ không? Lần đầu tiên anh biết có một thứ thuốc trị bệnh nôn mửa là soda. Chuyến dạo chơi phải chấm dứt vì em quá mệt mỏi. Em đã ngả trên tay anh suốt dọc đường về và tay lái anh đã bị chao đi khi chúng ta qua xưởng xi măng Hà Tiên. Chúng ta đã thoát được cái chết trong đường tơ kẽ tóc, nhưng em có biết gì đâu. Nếu lúc ấy anh không giữ được tay lái và giả sử như xe bị mất đà tông vào một chiếc xe “be” chở gỗ từ Bù Gia Mập về, có lẽ chúng ta đã chết bằng hai cái chết khác nhau. Em chết mà không biết là mình đang chết. Còn anh, cái chết được nhìn thấy như một tia chớp trước khi cả bầu trời tối sầm lại. Anh chờ đợi thần chết và chờ đợi lưỡi hái của nó. Ôi ghê gớm biết là chừng nào giữa cái sống và cái chết, giữa cái ánh sáng mong manh sắp tắt và cái bóng tối rộng lớn như thiên la địa võng chụp phủ xuống anh trong giây phút định mệnh kia!
Barbara, đã mười năm qua rồi, người sĩ quan “trẻ tuổi và ngang tàng” của em, kẻ thoát chết trên trận Đông Hà, kẻ vượt qua được con đường hãi hùng số Bảy, kẻ vội vã chen nhau đi trên một chuyến bay có xác người nằm dưới bánh phi cơ, đã tìm đủ mọi cách để trở về với em và rốt cuộc chỉ nhìn thấy căn phòng trống trơn, với tấm ảnh đã tháo ra khỏi khung, hai câu thơ từ biệt và một cuộn băng cassette chỉ thu có mỗi bài Sombre Dimanche.
Barbara, nơi trú ngụ sau cùng của anh là em, nhưng sau khi anh hay qua đại lộ kinh hoàng của một cuộc chiếc tàn bạo, con thuyền trú ngụ ấy đã nhổ neo.
Barbara, tám năm trong các nhà giam dạy anh một điều là hãy yêu cuộc sống một cách mãnh liệt hơn cuộc sống vốn có. Hãy nhìn mọi sự bằng con mắt của lòng tha thứ và bao dung. Hãy cao hơn kẻ thù ta, phải luôn luôn cao hơn cả kẻ đã làm ta đau khổ. Hãy tôn trọng phẩm giá con người.
Có một nơi chứa đầy mâu thuẫn, đó là trái tim của chúng ta. Bởi vì trái đất này là một nơi chốn lạnh lẽo, và chúng ta yêu nhau là một cách làm cho trái đất ấm lên. Phải không?

Nguyễn Xuân Hoàng
Springfield 1986 – Santa Ana 1987