Thế hệ chúng tôi không có tuổi trẻ và được gọi với cái tên rất mực mỹ miều
nức nở: Thế-hệ-chiến-tranh. Thuật ngữ này vừa bi hùng lẫn bi hài. Và rồi chiến
tranh cũng qua đi mà không có hòa bình, không cả đoàn tụ. Anh em bạn bè lưu tán
tứ phương. Ngó tới ngó lui, cái thế hệ ấy cũng đã trên dưới 70! Nghĩa là đang ở
lứa tuổi, nói theo ông bạn nhà thơ thiền giả Đỗ Hồng Ngọc, là bắt đầu hườm
hườm, chuẩn bị chín rục. Thoắt nghe cũng gờn gợn thịt da trong vài lần chợt
nghe tiếng chim rớt giữa đêm khuya khoắt.
Lòng chùng. Chân mỏi. Chẳng còn những ham muốn bay nhảy như thuở nào, rất xa
qua những tờ lịch mà lại gần như một cơn mơ. Cuối cùng thì đành lui về căn nhà
cổ xưa, nấp sau vườn cây rậm rạp như thể quy ẩn, đến nỗi ông bạn văn Trần Hoài
Thư tận xứ người giá buốt, hạ bút vẽ nguyệch ngoạc chân dung tôi : “con sói
già cô đơn giữa bãi xương rồng”! Mà cũng phải thôi, sáng sáng tự pha ly cà
phê ngồi ngó trời nhìn đất; quay vào phòng vi vút với chiếc máy tính, lôi những
sách báo cũ đọc và sống với cái quá khứ heo hút để gặp lại tất cả bạn bè trong
đó, trên trang giấy ố vàng, qua những dòng chữ chi chít trên màn hình, mừng
vui, buồn tủi hỗn độn chen lấn nhau.
Bạn bè chí cốt chí thân chẳng còn ai ở xứ xương rồng bàn chải này để chia
sẻ. Nhưng cũng còn có chút may mắn, được hai người bạn trẻ năng lui tới, lúc
ngồi cà phê, lúc trước ly rượu nhạt mà tình thì đẫm mặn như muối như gừng! Một
bạn là giảng viên trường ĐH địa phương, một là chủ quán ăn, có phần hao hao
giống với anh quán của cụ đồ Chiểu trong Lục Vân Tiên. Cả hai đều sính văn
chương sách vở… Bữa nọ, trên bàn bia (loại bia tươi rẻ mạt), anh quán cảm khái
chuyện nhân tình thế thái sao đó, cất giọng:
“Tay với trời cao không thấu nổi/ Tuổi già thiếu bạn cũng mồ côi”.
Anh quán ngập ngừng, nhìn về phía xa như đón đợi cái tuổi già, nay mai sẽ đến
với mình. Tôi tiếp lời đọc lại khổ thơ:
“…Thèm rượu mà ta không uống được
Bạn thì xa tri kỷ cũng đi rồi
Tay với trời cao không thấu nổi
Tuổi già mất bạn cũng mồ côi”. Mất bạn chớ không phải thiếu
bạn! Thời buổi này, chúng ta đã mất khá nhiều bạn, đủ kiểu mất: Đổ vỡ, ly
tán sau 30.4, chạy theo danh vọng hão, đè cổ bạn bè để leo lên chiếc ghế được
ban phát, thậm chí bán cả bạn cho bọn quỷ dữ…Có nhớ thơ của ai không? Quán trả
lời, ông Lữ gì đó, thằng bạn ở Sài Gòn đọc cho nghe hồi hôm. Nó tâm trạng, anh.
Là vì nó vừa chia tay vợ sau 30 năm chăn chiếu… Bài dài nhưng chỉ nhớ hai câu.
Tôi nghĩ, thời buổi văn chương chữ nghĩa bị chìm lấp đằng sau bức màn kim tiền
mà còn có năm ba độc giả chịu khó đọc và đồng cảm với tác giả, âu cũng là niềm
hạnh phúc! Tôi nói với giọng điệu vui hẳn lên: Ờ, thơ Lữ Quỳnh, một trong những
người sáng lập Gió Mai ở Huế, tiền thân của Ý Thức sau này. Anh quán nhảy chồm
lên, em có đọc Lữ Quỳnh một truyện ngắn không nhớ tên, hình như một ông già
chuyên gói xác, một chuẩn úy làm ở ban chung sự, và một người mẹ, một thiếu phụ
đi tìm con, tìm chồng trong nhà xác… truyện đọc nghe buồn buồn, lạnh như chính
người đọc đứng trong trong nhà xác thật!
Tôi nói: Có thể nội dung và tựa truyện ngắn (Mùa Xuân Hư Vô) chú không nhớ
tường tận, vì đã trên 40 năm rồi còn gì, nhưng nhận xét ban đầu thì khá chính
xác, bởi style của Lữ Quỳnh, từ truyện dài đến truyện ngắn… và cả thơ vẫn cứ
lành lạnh như lớp sương ban mai, như tuyết tan ngoài hiên thềm. Đôi lúc, vẫn có
lửa nhưng không phải loại lửa bùng cháy, hừng hực mà, là ngọn lửa chợt lóe lên,
sáng một góc và tan vào lớp bụi như những cơn mưa mùa đông xứ Huế.
Cao hứng, tôi dông dài tán phét: Nếu chịu khó ngồi đếm nỗi buồn của các nhân
vật (trong truyện và thơ) Lữ Quỳnh tạo ra thì có đến hàng trăm cảnh buồn khác
nhau, trong một không gian và thời gian không cố định: “Nỗi u buồn như muốn
thay hết ý nghĩa của cảnh vật. Làm sao để sống được phần đời còn lại của những
kẻ đang nằm bất động trong các túi ni lông đó? Kiên quay trở vào đứng cạnh một
chiếc quan tài. Hắn rút nắm hương thổ thổ trong lòng bàn tay, rồi châm vào ngọn
nến” (Mùa Xuân Hư Vô).
Nhìn hai bạn trẻ, họ thuộc thế hệ sau, không tham gia vào cuộc chiến bẩn
thỉu, nhưng chắc chắn họ đã nghe, đã thấy, đã sống…với chiến tranh; đã nhìn
thấy những cái chết phi lý ngoài đời thực và qua sách báo; họ cũng phân biệt
được rạch ròi hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, tuổi trẻ và già, chiến tranh
và hòa bình?
Với thế hệ chúng tôi, trong chiến tranh, tuổi trẻ bị vãi ném và bị phung phí
đến nỗi nhiều nhà văn đã phẫn nộ: “Chiến tranh là cái cặc chó gì”, ThảoTrường;
còn Y Uyên: “Chiến tranh cái con mẹ gì mà lâu quá vậy?”; Phan
Nhật Nam thì gọi bằng hai từ “địa ngục”. Phạm Ngọc Lư tổng kết cuộc
chiến bi thảm và bẩn thỉu kia bằng: “Trong cuộc chiến tàn khốc này, đứa nào
sống sót là kẻ chiến thắng”. Hai chú thấy đó, chỉ vài ba từ nhưng quá là
bi thống! Cho nên, người đọc dễ nhận ra, trong hầu hết các tác phẩm của các nhà
văn trẻ miền Nam, thân phận làm người luôn được đặt lên trang giấy với những
câu hỏi ngắt ngoải, không lối thoát.
Với Lữ Quỳnh, thân phận làm người trong thời buổi ấy, thường đặt ở những
tình huống, không gian và thời gian khác nhau như một ám ảnh nặng trĩu khi phải
làm người: “Là tuổi già nên phải chết, chết trận mạc, chết tự tử, chết vì
chống tham nhũng… sau nầy hắn đã sợ mưa như sợ thần chết, vì mưa không làm hắn
thấy đường, không thấy đường thì làm sao mà thấy địch? Không thấy địch thì địch
thấy ta. Địch thấy ta, thì ta không bao giờ còn thấy bạn bè, cha mẹ, anh em
nữa” (Người Ngồi Đợi Mưa).
Trong hầu hết các tác phẩm của Lữ Quỳnh, chúng ta không tìm thấy sự phẫn nộ
hiển lộ qua những câu từ, nhưng nỗi buồn thì dư thừa. Ông buồn vì mất bạn, buồn
vì hoàn cảnh khắc nghiệt trên mảnh đất ngày càng lụn tàn bởi chiến tranh, buồn
vì xa xứ… Có hàng chục kiểu buồn như thế. Cho nên đọc Lữ Quỳnh là soi tìm nội
tâm qua câu từ. Đó là nội tâm bị băm vỡ, bị tổn thương do những tác động khách
quan oan nghiệt, đè lên từng phận người trong dòng lịch sử biến động không
ngừng:
Ngồi tưởng quê nhà đang có bạn
Đứa nằm hiu hắt chốn trăng sao
Đứa đang chiếc bóng đêm mờ tỏ
Thế cuộc sum vầy nay chốn nao?
Có sống trong trận “cuồng phong sử lịch” này mới cảm hết nỗi đau xót trong 4
câu thơ trên.
Bửu Ý, Ng. Dg. Quang, Đinh Cường, Lữ Quỳnh và tác giả
(ảnh chụp tại điền trang Thân Trọng Minh
nhân triển lãm tranh ĐC tại Đà Lạt năm 2014)
Một sáng nọ, sau những trận mưa dầm dề như cầm chĩnh mà trút liên tu bất tận
nhiều ngày ròng, bất ngờ sáng sau, trời bật nắng, loại “nắng rượn” khó mô tả
chính xác. Mưa đã gội rửa mọi bụi bặm, nắng phớt lên chút hồng hào, đủ để mấy
con chim sẻ rung rung rỉa lông cánh. mọi thứ đều đẹp, thơm tho như “em gái
Mọi tắm truồng sớm mai”. Cảnh vật đã vậy huống con người. Anh bạn giảng
viên gọi qua điện thoại: Em với anh Năm quán ngồi cà phê, có cả nhân vật em gái
văn nghệ. Anh chạy xuống ngồi nói dóc.
Mất 7 phút chạy xe máy. Cả ba đang ngồi nơi hiên hóng nắng. Những giọt cà
phê đen nâu nhỏ chậm. Bắt tay. Ngồi xuống ghế. Ngó cô em thấy bữa nay xinh
xinh, mặc dù đang níu tuổi 50, miệng tôi bật ra:
…Tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa
Nhưng lòng luôn sẵn lửa cho em
Để sưởi em ngày đông tuyết giá
Tội nghiệp những con đường xe qua buồn bã
Không bóng người chỉ bong bóng mưa xao…
Tay tôi nắm chặt tay cô em, lòng gợn lên những con sóng lăn tăn. Tôi không
biết cái gợn kia là từ bàn tay ấm áp của cô em hay từ những câu thơ của Lữ
Quỳnh rung lên như một sợi dây đàn ngân nga…? Nhưng dẫu sao, giữa bàn tay người
sương phụ và thơ như có một liên hệ cồn cào nơi tôi. Nói khác, mấy câu thơ dẫn
trên đã làm đẹp cho buổi sáng trong vắt, tôi nghĩ vậy.
Cô em hỏi: Anh nói chưa bao giờ viết nổi một câu thơ, vậy lấy đâu ra mấy câu
hay vậy để “tán” em? Hiểu lầm rồi cô em ơi, thơ bạn anh, Lữ Quỳnh. Cầm tay em
và đọc thơ bạn như để chào buổi sáng vậy mà? Chiếc muỗng khuấy tròn trong ly,
cô em cười cười: Các anh hay thật, trong ngoài trên dưới gì cũng nói được tất
bằng thơ. Đó là sự lôi cuốn với người nghe, lắm lúc đưa thiên hạ vào mê cung.
Anh quán: Nếu ông anh đưa được cô vào mê cung càng… Tôi gạt: Chớ có làm vẩn
buổi sáng rất dịu dàng này!
Một buổi sáng tuyệt đẹp. Nắng rượn, hưng hửng, có bạn tri âm lại thêm người
đẹp ngồi quanh nói chuyện văn chương, là điều tuyệt diệu ở tuổi 70 – cái tuổi
tôi hay gọi đùa là tuổi “dậy thì 70” gờn gợn những ngọn gió heo may trong lòng,
theo nhiều nghĩa khác nhau…
… Nhiều đêm không ngủ được, lôi trên kệ sách, bất kỳ của ai đọc “tứa lửa từa
lưa” để dỗ giấc, từ mấy ông Tàu đời Đường chí đến ông Tây Nga La Tư, Pháp, Mỹ…
nghĩa là vớ được quyển nào đọc quyển đó, đọc đến mệt nhừ con mắt.
Có trận, Lữ Quỳnh thức trắng với tôi. Tôi dằn vọc anh ta, làm tình làm tội
anh ta, bỏ lên bộ não xẻ thịt thơ anh ta. Mà thật lạ, mỗi lần dàn vọc, xẻ mổ
như vậy lại hiện ra một Lữ Quỳnh rất khác trong từng ấy ngôn ngữ, từng ấy bài
thơ… cứ như một cánh chim lạc đàn, không hốt hoảng mà lại ung ung vỗ cánh trong
bầu trời xanh thăm thẳm, thênh thang.
Ấy là những lúc anh nhớ bạn bè, viết những câu thơ về bạn, như có lần tôi đã
viết: “Với những bài thơ viết về những người bạn, có lẽ tâm trạng nhất, não
lòng nhất vẫn là bài Người ngồi khâu di sản. Ngôn ngữ không chắt lọc,
không ẩn dụ; chúng tự do như ngôn ngữ chụp hình, nhưng ông đã chọn đúng góc
sống cho bố cục, nên chỉ lia qua, người đọc đã cảm thấy ngay hình ảnh một “ông
đồ già”, nhưng xót xa cay đắng gấp vạn lần ông đồ của Vũ Đình Liên năm xưa, bởi
ông đồ Thư đã cố nén những giọt lệ tủi nhục, kiên nhẫn, miệt mài ngày đêm gom
góp những đứa con tinh thần bị “chôn sống”, bị “hỏa thiêu” còn sót để tái hiện
hình hài dòng văn học miền Nam bị bức tử một cách oan ức.
Tóc bạn trắng, trắng như mây
Tóc bạn trắng như tuyết New Jersey
…
Cặp kính lão dày trễ xuống
Kim đâm vào tay không biết đau
…
Hai mươi năm di sản mây trôi
Chỉ mình bạn ngồi khâu, khâu mãi.
(Người ngồi khâu di sản)
Hay về những giấc mơ của anh: “…luôn là lớp mây trắng trôi bềnh bồng vô định
trong thơ ông. Giấc mơ gần như xuyên suốt nửa đời làm thơ của ông. Nó không
hình thù nhân dạng, mờ mờ bay qua mắt ông, tâm hồn ông như một ảo giác và bay
thẳng, trôi mất, không đọng lại, để sau đó, từ Samudaya, thơ ông như giọt nước
đọng trên phiến lá, rớt xuống và tan biến đâu đó giữa đất trời, cây cỏ, như có
như không.
Ông ghi lại những cảm giác trống rỗng, những hình ảnh trống rỗng đã chạm khẽ
vào ông và bay đi không để lại dấu vết. Tất cả đều phẳng phiu như một thấu kính
một chiều trong suốt, trong hơn khí trời, không thấy, không rờ chạm được.
Trong những giấc mơ
Ký ức trắng
Như tấm gương soi
Không giữ lại bóng
Hay:
Những giấc mơ nồng nàn
Lạ lẫm…
Sáng ra không nhớ gì.
(Mây trong những giấc mơ)
Ngồi nhớ anh, thích những bài thơ đầy tâm trạng với tôi, bèn lan man tản mạn
đôi dòng; nhưng mà nói thế nào, phân tích thế nào thì những trang thơ lẫn văn
xuôi của Lữ luôn là những thổn thức, khao khát… cứ như ngọn lửa cháy trong đêm
đông giá buốt, như Du Tử Lê đã viết: “Hôm nay, đọc lại những trang văn của
Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe thoảng hương thơm của lòng nhân hậu. Hay, tính-lành
của một con người không bị ô nhiễm bởi lầm than, nguy nàn, tổ quốc.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được
tiếng reo vui, hân hoan của những con chữ búng mình trên mặt sông máu / xương
gập ghềnh nghiệt, oan vận nước.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi vẫn còn nghe được
những hồi chuông, khánh tình yêu thao thiết. Hay, những ngọn nến cháy bằng tim
bấc trăm năm, giữa nghìn sao rung động, thứ nhất.
Hôm nay, đọc lại những trang văn của Lữ Quỳnh, tôi cũng còn nghe được
tiếng gọi rộn rã thanh niên, đi ra từ trái tim sóng sánh nhiệt-hứng-trẻ-thơ
tình bằng hữu…”
Tuy Hòa tháng 7/2017
Nguyễn Lệ
Uyên