Thằng Trẻm chạy về phía bờ sông, hy vọng nơi đó vắng người,
lính mã tà ít khi ra tới. Một tay ôm chặt thùng đồ nghề đánh giầy, một tay kéo
cạp chiếc quần rộng thùng thình, nó vừa thở hổn hển, vừa chạy bán sống bán chết.
Bây giờ, nó mới nghĩ đến hai chữ mã tà. Hồi bà nội nó còn sống, thỉnh thoảng nó
lại nghe tới hai chữ đó. Bà nội nó giải thích mã tà là lính thời Pháp thuộc,
hung dữ có tiếng. Vì vậy, từ khi bà nội chết, thằng Trẻm cứ gọi bất cứ thứ lính
nào làm việc cho chính phủ “ác nhơn, ác đức” là mã tà tất.
Ngày hôm qua con Sắt cho nó cái quần. Nó cười toét, rồi hí hửng mặc vào. Cái quần
quá rộng so với than xác ốm nhom của thằng bé mười hai tuổi như nó. Kệ. Có mặc
là tốt rồi. Đỡ tốn tiền mua. Nó cũng chẳng thèm hỏi con Sắt lượm được cái quần ở
đâu. Sau khi có cái quần “mới”, nó vứt cái quần cũ hôi hám đã rách bươm vào
thùng rác ở sau quán cà phê Nhịp Tim trên đường Bạch-Đằng. Rồi nó cứ mặc cái quần
rộng đó, cột bớt bụng bằng một sợi dây ni lông, đeo theo cái thùng gỗ đựng đồ
nghề đánh giầy, ra vào khắp các quán trong thành phố. Hôm nay bị đuổi bắt, cái
quần rộng này lại là một trở ngại. Lúc nó cần chạy nhanh, cái quần lại kéo rì về
phía sau. Cũng may, nó không bị núm.
Gió từ dưới sông thổi lên mát-rượi, nhưng thằng Trẻm không để ý đến chuyện đó.
Bấy giờ, quanh khu vực quán cà phê Nhịp Tim, lính mã tà giăng lưới thật kín, tưởng
một con chuột hay con mèo cũng khó lọt qua. Thành phố đang có chiến dịch truy
quét những người ăn xin, những tên lưu manh, trộm cướp, kể cả đĩ điếm ra khỏi
thành phố. Họ gọi chung những người này là “tàn dư”. Bốn mươi năm trôi qua, một
thời gian không thể cho là ngắn, vẫn không sao giải quyết được cái “tàn dư”
này. Lạ thật.
Họ hô-hào, “hạ quyết tâm” bắt không sót một người nghèo nào để làm đẹp và sạch
sẽ thành phố. Những người nghèo, bao gồm những người ăn xin, lưu manh, trộm cướp,
đĩ điếm… là những thành phần “xấu” trong xã hội, và đương nhiên gồm cả những đứa
trẻ đánh giầy, những người bán vé số, những bà bán hàng rong, những người lượm
bao ni-lông… kiếm tiền một cách lương thiện bằng mồ hôi và nước mắt của mình.
Mấy năm gần đây, thành phố đang cố “vươn lên” thành một trung tâm du lịch quốc
tế. Nó được xem là thành phố lớn thứ năm trong cả nước về mật độ dân cư. Các
nhà cao tầng, biệt thự hay có khi biệt phủ lộng lẫy đua nhau mọc lên như nấm.
Người dân nghèo chỉ biết rỉ tai nhau, nhà đó là của ông Chủ tịch X, biệt thự
kia là của bà vợ bé ông Giám Đốc Y, công ty dệt may nọ có phần hùn của ông Bí
thư Z, vân vân… Toàn là tài sản của các “đầy tớ nhân dân”. Các “đầy tớ
nhân dân” ngon lành như vậy, trong khi những người chủ lại phải sống cầu bơ cầu
bất, không nhà không cửa, trên răng dưới thìu biu, và đang bị xô đuổi ra khỏi
cái thành phố này. Người dân thắc mắc, không hiểu các “đầy tớ” của họ đào đâu
ra tiền để mua xe ôtô đẹp, xây nhà cao cửa rộng, ăn xài phung phí, nếu không phải
từ đồng tiền bất chính, mánh mung, buôn lậu, tham nhũng, hối lộ, đầu cơ tích
trữ mà ra? Có bao nhiêu người trở nên giầu có mà không làm những chuyện bất
lương? Thật ra, chỉ có trời mới biết.
Người dân cứ ùn nhau từng ngày về đây để tìm đất sống. Có những người từ phía bắc
chạy vào bán sách báo và băng đĩa lậu, từ phía nam chạy ra buôn thúng bán bưng.
Dù sống bằng “nghề-nghiệp” nào, họ vẫn là những người cùng khổ trong xã hội. Họ
đến thành phố này để kiếm tiền, vì dù sao ở đây cũng vẫn dễ sống hơn nơi chôn
nhau cắt rốn của họ. Lực lượng “vô sản” này tăng nhanh với vận tốc nhanh chóng.
Chẳng ai rỗi hơi đi làm thống kê, nhưng ước tính số người này có lúc đã tròm
trèm ba ngàn. Không nói, người ta cũng thừa biết, thànhphố càng lúc càng mất vệ
sinh, mất trật tự, và đã xảy ra nhiều tệ nạn. Đĩ điếm, trộm cắp, cướp giật, giết
người, đánh lộn,… “ì xèo” suốt ngày đêm.
Để xây dựng tốt đẹp một thành phố theo kiểu mới, Ủy ban Nhân dân lập một đội gọi
là “Thanh niên xung kích”, kiên quyết “khắc phục khó khăn” trong “công cuộc chiến
đấu” với những người nghèo. Từ đấy trở đi, không ngày nào là không có những vụ
bố ráp, có ngày cả chục lần. Chính quyền còn “khích lệ”, ai gọi bắt được “đối
tượng” nào, người ấy sẽ được thưởng hai trăm ngàn đồng. Thế là mạng sống của
người dân nghèo trở nên cao giá. Khắp mọi nơi được lùng sục kỹ lưỡng. Người ta
chờ được khen, vì được khen cũng là một hình thức lao động. Có tay nhờ thế đã
trở thành triệu phú trong một thời gian ngắn.
Người dân nghèo rất sợ bị bắt. Nếu bị bắt, họ và gia đình chẳng những chết đói,
mà chính bản thân họ còn bị mất tự do. Dù dưới cái tên là gì, trại “tập trung”,
trại “cưu mang” hay trại “tình thương”, “trại” nào đều thiếu điều kiện vệ sinh,
thiếu dịch vụ chăm sóc y tế, và vì vậy, có rất nhiều bệnh tật. Khi bị bắt vào
đó, các “trại viên” phải tuân theo kỷ luật; làm việc, học tập, ăn ngủ, đều theo
giờ giấc do trại đưa ra. Người nào học tập “tiến bộ” mới có hy vọng được trở về
với gia đình.
Quê thằng Trẻm ở mãi huyện ngoại-thành. Ở đó chỉ có núi và đất đá, ngoài một
chút đồng ruộng “cầy lên sỏi đá”, chẳng có “gì cả. Chẳng lẽ cạp đất mà ăn? Nó
phải lần mò ra thành phố để kiếm chác như bao nhiêu người. Mẹ và mấy em nó còn ở
nhà quê.
Thằng Trẻm đang xốc lại cái quần thì con Sắt chạy tới. Nó thở
hổn hển:
- Ê, Trẻm. Tại sao mày không đợi tau chạy cùng?
- Lo chạy thấy mụ nội, ở đó mà đợi. Mày trốn ở mô vậy?
Con Sắt chỉ tay về phía dãy nhà mới xây:
- Ở đằng kia.
- Ở đó có an toàn không? Sao mày không chạy ra đây?
Con Sắt vênh mặt:
- An toàn chứ sao không? Lần nào bị bố ráp, tau cũng chạy tới
đó. Mấy đứa kia chạy ra núp ở thùng rác, ở bến xe, bị núm hết. Mã tà đứng đầy ở
đó.
- Mày có thấy đứa nào bị núm không?
- Thiếu gì. Thằng Dỏn đánh giầy như mày nè. Chị em con Túp
đi xin tiền nè. Có cả ông già Khuy bán vé số nữa. Tội-nghiệp, ổng già rồi, chạy
đâu nổi. Mãtà lấy hết vé số của ổng.
Con Sắt làm “nghề” ăn xin. Nó nhỏ hơn thằng Trẻm một tuổi nhưng khôn lanh hơn
nhiều. Nó ra thành phố trước thằng Trẻm ít lâu, gần như những hang cùng ngõ hẻm
nào ở đây nó đều biết hết trơn. Tuy nghèo, nhưng con Sắt rất có tình nghĩa với
bạn bè. Có cái bánh hay cây kẹo gì nó đều để dành cho thằng Trẻm hết.
Lúc đó, bà Mão gánh hàng rong vừa chạy tới. Trên đôi quanh
gánh của bà còn những trái cóc, xoài, ổi, chôm chôm, vân vân. Ngày nào bà cũng
gánh hai thúng đầy trái cây ở hai đầu, đi bán long vòng khắp thành-phố. Không
biết lời lãi bao nhiêu.
- Tổ mẹ nó. Truy quét hoài. Buôn bán răng chừ? Có khi mô như
ri hè?
Con Sắt hỏi bà Mão:
- Bác thấy mã tà còn đó không?
Bà Mão lắc đầu;
- Chừ không thấy. Mà bọn đó như ma quỷ hè. Chúng nó tới bất
tử lắm. Biết mô tê mà mò.
Gần một tiếng sau, không khí bắt bớ mới lắng dịu. Không ai hẹn
ai, mọi người lại tụ tập trong một góc tối sau quán cà phê Nhịp Tim. Chỗ này rất
tiện lợi, bên phải bên trái đều có nhà hàng, khách ăn uống ra vào tấp nập. Mười
lăm phút sau, con Sắt kiểm tra lại “quân số”. Thiếu ông già Khuy, thằng Dỏn, chị
em con Túp.
Thằng Trẻm nói bằng giọng buồn buồn:
- Tội thằng Dỏn. Cuối tháng này nó không có tiền gửi về cho
cha mẹ nó rồi.
Con Sắt bỉu môi:
- Mày không lo mày đi. Mày có đủ tiền gửi về cho mẹ mày
không?
Thằng Trẻm suy nghĩ một lát, rồi lắc đầu. Mấy tuần nay mã tà
bố ráp dữ quá. Có lần tưởng chạy không kịp. Nó đang đánh giầy cho một “ghê” ở
quán Nhịp Tim, gần xong thì mã tà nhào vô. Nó chỉ kịp quơ thùng đồ nghề rồi co
giò chạy. Không kịp lấy tiền. Những lần trước các “ghê” biết mặt nó, gặp lại trả
sau cũng được. Lần này gặp “ghê” lạ. Đành phải bỏ. “Của đi thay người.”
Nó tự an ủi thế.
Nhịp Tim là quán cà phê đặc biệt, không hẳn vì cà phê ngon, mà là quán này chỉ
dành cho những người đồng giới tính, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Quán lập ra với mục đích làm nơi giải đáp thắc mắc, cố vấn, an ủi cho những người
đồng giới tính. Ngoài ra, quán còn là điểm hẹn của những người thiếu may mắn
này, là nơi truyền bá kiến thức phòng ngừa bệnh HIV, phát miễn phí bao cao su,
là nơi nghe nhạc, và ca hát trong không khí “thân mật”, thông cảm nhau.
Đã rất nhiều lần thằng Trẻm nhìn thấy những cập “ghê” đứng trong góc tối phía
sau quán cà phê Nhịp Tim. Những cặp này rù rì, vuốt ve, hôn hít, thậm chí làm
tình cả với nhau nữa. Hồi mới ở quê ra, nhìn thấy cảnh này, nó ớn lắm. Bây giờ
quen rồi. Nó vẫn nghĩ, mình không làm gì họ, họ cũng chẳng làm gì mình.
Bất chợt con Sắt lên tiếng:
- Thôi, tao “đi làm” đây. Từ chiều tới giờ không đủ bữa cơm
tối.
Nói xong, nó bỏ đi vô một tiệm ăn gần đó. Thằng Trẻm thấy
cái áo vá chằng vá chịt của con Sắt mà động lòng. Cái áo vá đến nghìn miếng, chứ
không phải chỉ vài miếng. Nó cũng xách thùng đồ nghề, rồi bước theo. Vào bên
trong nhà hàng, nó thấy con Sắt đang đến từng bàn, chìa tay: “Con lạy ông, lạy
bà, cho con vài đồng. Từ sáng đến giờ con chưa có gì ăn…Lạy ông, lạy bà…”
Có một bàn khách vừa tính tiền bước ra. Thấy hai tô phở còn nước, con Sắt tiến
ngay lại như sợ đứa khác chộp trước, rồi rất “chuyên-nghiệp”, nó nhanh nhẹn đổ
hai tô vào nhau, không rớt ra ngoài một giọt, bưng lên húp lấy húp để. Cay quá.
Ngon quá. Nó chỉ húp ba, bốn hơi là hết nhẵn tô phở. Chưa thấm tháp vào đâu.
Cay nhưng mà ngon “tuyệt cú mèo”. Nó liếc mắt nhìn khắp bàn. Chẳng còn gì có thể
ăn được.
Thấy bàn nào có người mang giầy là thằng Trẻm xà tới: “Mời chú…mời bác đánh giầy?”
Nó không nhớ mình đã học câu chào mời lịch sự, lễ phép đó từ đâu, nhưng chắc hẳn
phải tập vài lần. Vì nhà nghèo, nó chỉ được học đến hết lớp một, rồi phải đi
chăn trâu mướn. Đến khi trong xã không ai có trâu để cho nó chăn, nó phải đi
làm mướn. Đến khi không ai có việc để cho nó làm, nó phải bỏ ra thành phố đánh
giầy. Nó đang lo xa, sợ mai mốt không có ai mang giầy, người ta chỉ mang dép nhựa,
hoặc guốc gỗ, dép râu; lấy đâu ra giầy để cho nó đánh?
Nó còn nhớ hồi học xong lớp một, má nó biểu “thôi, học vậy là đủ rồi. Chữ có
nuôi nổi cái miệng đâu. Lo mà kiếm tiền.” Thế là nó nghỉ học. Ở dưới quê nó còn
có nhiều người mù chữ, nhất là phụ nữ. Họ không đọc được những khẩu-hiệu viết
trên tường. Nhận được thư chồng con từ xa gửi về, phải chạy nhờ người đọc dùm.
Vậy mà có sao đâu.
Một anh thanh niên gọi nó lại, rồi chỉ vào đôi giầy. Nó hiểu
ngay, ngồi xà xuống, mở thùng đồ nghề ra, rồi bắt đầu “thao tác”.
Thằng Trẻm thích nhất là đánh giầy cho các anh thanh niên. Họ ít khi kỳ kèo “bớt
một thêm hai”. Nhất là khi họ đi với bồ.
Thằng Trẻm không ưa dân Tây ba lô. Các ông Tây này rất keo
kiệt. Gần như không bao giờ họ mang giầy. Tứ thời chỉ lẹp xẹp đôi dép dơ dáy. Họ
chỉ có trong ba lô hai hay ba bộ quần áo là nhiều. Không dễ gì ăn được một đồng
của các ông Tây này.
Một hôm vào buổi tối, sau khi đánh xong mấy đôi giầy, rủng rỉnh trong túi có ít
tiền, thằng Trẻm ngần ngừ mãi mới nói với con Sắt:
- Ê Sắt, một tuần rồi…tau chưa tắm.
Con Sắt la hoảng:
- Chu-choa. Thiệt không?
Thằng Trẻm lộ vẻ mắc cở:
- Thiệt. Tau không biết tắm ở mô?
Con Sắt có vẻ thành-thạo:
- Ở sông. Gần đây có sông nì.
Thằng Trẻm bối rối:
- Tau biết rồi, nhưng mà răng thay quần áo? Để quần áo trên
bờ, chúng nó lấy mất.
Con Sắt cười ngặt nghẽo:
- Cứ thay đại. Ai thấy mô mà sợ rứa? Đi, lần này tau gác
cho. Đừng sợ.
Hai đứa lần mò ra phía bờ sông. Con sông chạy dài theo bề dọc
thành phố, lững lờ. Con Sắt chỉ cho thằng Trẻm tới một chỗ vắng. Lúc này
trời tối như bưng. Thằng Trẻm yên tâm cởi đồ. Con Sắt ngồi trên bờ vừa coi đồ,
vừa đợi thằng Trẻm.
Thằng Trẻm nhảy xuống nước. Mát vô cùng. Nó kỳ cọ kỹ lưỡng
cái thân mình gầy gò như cọng bún của mình. Chưa khi nào nó được tắm mát như bữa
ni. Trời tối đen không một vì sao. Thằng Trẻm vừa tắm vừa nghĩ ngợi. Mai-mốt
“làm ăn” có tiền, nó sẽ về quê thăm mẹ và các em nó. Nó sẽ mua làm quà cho mẹ
nó mấy chai dầu xanh. Mẹ nó thích dầu xanh lắm. À, nó còn phải mua đồ chơi cho
hai đứa em nữa.
Ngồi trên bờ, con Sắt chợt nghe tiếng chân người chạy huỳnh
huỵch mỗi lúc một rõ.
- Bắt lấy nó. Bắt lấy nó…
Con Sắt thấy một bóng người lao nhanh phía đằng trước. Có mấy
bóng khác đuổi theo.
- Phải bắt con này mới được. Nó làm đĩ đó. Tau bắt hụt nó mấy
lần rồi.
Rồi lại có tiếng chân chạy thật nhanh. Con Sắt hoảng hồn.
Lính mã tà có thể bắt cả nó. Nó xách thùng đồ nghề và quần áo của thằng Trẻm,
chạy đến chỗ thằng nhỏ đang tắm:
- Ê, Trẻm. Mã tà tới kìa. Đồ của mày nè. Tau chạy cho kịp
đây.
Nói xong, con Sắt quăng vội thùng đồ nghề và quần áo của thằng
Trẻm vào một góc tối sau bụi cây, rồi ù té chạy. Thằng Trẻm hoảng hồn. Nó
suy tính rất nhanh. Để bộ đồ trên bờ không khác gì “lạy ông, tui ở bụi này”. Nó
lồm cồm chạy lên bờ, dấu thùng đồ nghề và bộ quần áo trong bụi cây, rồi lại nhẩy
xuống nước. Nó lặn một hơi ra tới con tầu nhỏ đang thả neo gần đó, núp phía
đuôi lái.
Lại có tiếng chân chạy trên bờ. Những vệt đèn bấm lóe lên rồi
tắt ngấm. Có tiếng người hỏi lớn như la lối:
- Mô? Nó mô?
-Tui thấy bóng nó mới chạy qua đây.
- Phải bắt cho được mấy đứa này. Nếu không, tui ăn ngủ không
yên.
Thằng Trẻm chết cứng dưới nước. Cũng may, nó là đứa bơi giỏi.
Hồi còn dưới quê, bọn nhóc rất phục nó. Bỗng nhiên có tiếng người làm nó nín thở.
- Tui bắt được một đứa đây rồi. Chà, con này ngoan cố dữ hè.
Có tiếng con gái la khóc:
- Em lạy các anh. Em thề lần này sẽ bỏ nghề. Lạy các anh
thương. Đừng đánh em…
- Đ…mạ, mày ngoan cố quá, không đánh không được.
Thằng Trẻm nghe thấy tiếng tát tai, tiếng chân đá, tiếng
huých cùi chỏ, tiếng chửi mắng, xen lẫn với tiếng kêu la, than khóc.
- Ui cha, lạy các anh tha cho em.
Ngay lúc đó có tiếng lien lạc bằng điện thoại di động:
- Báo cáo anh…tui bắt được con nhỏ này. Nó ẩn trong dãy nhà
đang xây. Nó là bọn ăn xin.
Hình như tiếng con Sắt, thằng Trẻm nghe đứt khúc:
- Em…đói… quá. Xin… anh…tha cho… Em chừa…Dạ…em xin thề…
- Đừng có thề ẩu. Tau bắt hụt mi mấy lần rồi, bữa ni mới được.
Rục xương nghe con.
Một hồi lâu, thằng Trẻm thấy hoàn toàn yên tĩnh mới dám bơi
vào bờ. Nó mặc lại bộ quần áo cũ, kéo thùng đồ nghề ra khỏi bụi cây. Con Sắt bạn
nó đâu? Nó nghiến răng, tức tửi:
- Răng bọn mã tà ác rứa nì? Sắt ơi, Sắt ơi…
Trời tối đen như mực.
Hà-Việt-Hùng