Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc từ 42 năm,
nhưng người ta vẫn tiếp tục tranh cãi.
Một trong những lý do tranh cãi không bao
giờ kết thúc chính là việc xác định người thắng và kẻ thua. Bên nào cũng cho
mình là người thắng, hoặc ít nhất là không thua. Người nghe cả hai phía thì
cuối cùng kết luận là không có ai là ngườithắng và không có ai là người
thua, sau đó đúc kết thành một triết lý: Chiến tranh không có người thắng, chỉ
có sự tan nát là còn lại, tất cả những ai tham chiến đều thất bại.
Nói như vậy không sai, thậm chí nó lung
linh một chủ nghĩa nhân bản. Nhưng trên thực tế, người ta chỉ đón nhận nó như
một sự nhân nhượng, rộng lượng của kẻ thắng, và sự vỗ về, xoa dịu cho người
chiến bại. Bởi vì, xét về mặt logic, khi một cuộc đấu kết thúc, không thể không
có bên thắng hoặc thua, ngay cả khi trọng tài phán quyết là hoà. Bao giờ cũng
tồn tại sự nhân nhượng từ một phía và sự an ủi của phía khác. Chỉ đơn giản
là nếu chưa phân thắng bại, thì cuộc chiến chưa thể kết thúc.
Nói ra điều này để khẳng định một cách
khách quan rằng, trong cuộc chiến Việt – Mỹ kéo dài từ 1955 tới 1973, có
mộtbên thua, bên đó là Hoa kỳ, và phía Bắc Việt Nam là bên thắng.
Hoa kỳ đặt ra mục đích cuộc chiến là ngăn
chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản xuống phía Nam, từ đó đưa
quân đội và vũ khí vào cuộc chiến, nhưng phải rút về một cách không tự nguyện,
khi mục đích đó chưa hoàn thành, đẩy sứ mệnh đó cho chính quyền Sài gòn, trong
khi cả cố vấn Kissinger lẫn Tổng thống Mỹ Nixon đều biết
rằng, «nếu Mỹ rút, chính quyền Cộng Hoà Việt Nam sẽ chẳng tồn tại được bao
lâu». Kissinger còn an ủi Nixon: «cố gắng vá víu cho khỏi bể trong
một, hai năm, tới tháng 1/1979 thì chẳng còn ai quan tâm nữa», «với những trang
bị và vũ khí ấy, nếu là cấp cho Bắc Việt, đủ để họ đánh nhau với ta đến hết thế
kỷ này». Và chính tổng thống Thiệu tuyên bố: «Nếu Mỹ mà không viện
trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ
sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!». Tom Polgar, nhân viên cao cấp
Đại sứ Mỹ ở miền Nam, một trong số người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Việt Nam, đã
ghi lại nhận xét:
«Đây là một cuộc chiến tranh lâu dài và
khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ
không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng… Ai
không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử».
Ngược lại, mục tiêu «giải phóng miền Nam
thực hiện thống nhất đất nước» của chính phủ miền Bắc Việt Nam cuối cùng đã
hoàn thành. Ngày 27/01/1973, toàn bộ Quân đội Mỹ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Sáng ngày 30/04/1975, tướng Dương Văn Minh buộc phải Tuyên bố đầu
hàng vô điều kiện. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền Nam
tiếp quản quyền lực trên toàn bộ lãnh thổ từ tay chính
quyền Việt Nam Cộng Hoà. Tổng tuyển cử thống nhất hai miền được thực hiện tháng
2/1976.
Trên những dữ kiện thực tế đó, không thể
nói không có bên thắng, bên thua, mặc dù những phân tích sau này theo từng góc
nhìn khác nhau, theo những khái niệm và định nghĩa thắng bại khác nhau, có thể
có những lý và lẽ khác nhau.
Bộ phim bắt đầu bằng «Bóng ma của quá khứ»
chính là các tác giả có ý tìm sự biện giải cho thất bại của Hoa Kỳ từ qúa khứ
lịch sử, những nguyên nhân của những sai lầm của người Mỹ khi gây ra cuộc
chiến, những căn cứ đem lại chiến thắng cho một dân tộc bé nhỏ và
nghèo đói. Đó cũng chính là những thông điệp mà bộ phim muốn chuyển tải
tới người xem.
Sự thất bại đó đến từ hai phía.
Từ sai lầm của phía Mỹ và sự may mắn
của những người cầm đầu chế độ cộng sản Bắc Việt.
Một phía, có nguồn gốc từ nỗi sợ hãi quá
khứ vẫn ám ảnh người Mỹ, chưa thoát khỏi trí não của những người cầm quyền
trong chính phủ Mỹ. Đó là sự khủng khiếp của cuộc chiến với Trung cộng trong
chiến tranh Triều Tiên mà người Mỹ vừa trực tiếp chứng kiến. Người Mỹ vừa chết
hụt, khi Liên Xô đặt tên lửa hạt nhân lên mảnh đất CuBa chỉ cách Mỹ 120km và
một sai lầm đã chỉ cách có gang tấc. Nỗi sợ đó đã được diễn giải thành nguy cơ
có thật từ phía khối cộng sản, để khi được những người đứng đầu trong chính
quyền gắn nó với thuyết những quân cờ domino, thì chiến tranh ngăn chặn đã trở
thành chính đáng, và thực hiện chiến tranh vừa là trách nhiệm đương nhiên, vừa
là niềm kiêu hãnh và vinh quang của người Mỹ. Nhưng tìm chính danh từ một nỗi
sợ hãi, bản thân nó đã bao hàm sự thất bại, vì sự sợ hãi luôn phóng đại các đe
doạ. Chính sách có nguồn gốc phóng đại luôn chứa đựng giả dối. Sự giả dối có
thể che đậy dưới chế độ độc tài, nhưng sẽ làm chính quyền sụp đổ dưới chế độ
dân chủ, nếu cuộc chiến kéo dài. Thực tế, một đội quân khổng lồ thiện
chiến với những vũ khí siêu hiện đại đã chỉ đối diện với những con người có
hình dáng nhỏ bé, gầy guộc và đói rách, có trên tay những vũ khí thô sơ. Sự
chênh lệch quá đáng về sức mạnh đã tố cáo tính chính danh của cuộc chiến chém
giết.
Nhưng thất bại của người Mỹ nằm ở chỗ tiến
hành một cuộc chiến tranh bằng một chế độ Dân chủ. Bản chất của Dân chủ mâu
thuẫn với bản chất của chiến tranh. Một tập hợp bao gồm hai thành phần đối
kháng với nhau, tự nó thủ tiêu nhau để tự sụp đổ.
Thất bại của Mỹ là tất yếu. Không thể chứng
minh dân chủ bằng sức mạnh huỷ diệt của bom đạn và sự tàn bạo của vũ khí tối
tân.
Và cũng không thể tiến hành thắng lợi một
cuộc chiến tranh bằng cơ chế của một thể chế dân chủ. Chiến tranh cần quyền lực
tập trung của thể chế độc tài. Chiến tranh là mệnh lệnh và toà án
binh, không có thảo luận lấy quyết định bằng đa số. Vừa có chiến tranh vừa có
biểu tình và bầu cử theo đa số là một nghịch lý. Bởi vậy, người
Mỹ phải thất bại.
Về phía khác, «Bóng ma quá khứ», lý giải cơ
sở nền tảng của chiến thắng của Bắc Việt Nam. Chính quyền cộng sản Bắc Việt
thực tế đã không tìm kiếm sức mạnh và sự hy sinh bền bỉ của dân chúng từ lý
tưởng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế mà bằng chủ nghĩa yêu nước, bằng ý chí
độc lập tự cường và khao khát tự do. Dân số Việt Nam gần 90% là
nông dân, hơn 98% số nông dân ấy là người mù chữ, lý tưởng cộng sản của chủ
nghĩa Mác-Lê dẫu có hấp dẫn người nghèo, cũng không bằng cách nào đến được với
nông dân. Câu khẩu hiệu có sức mạnh nhất xuyên suốt cuộc chiến là câu nói
nổi tiếng của Hồ Chí Minh: «không có gì quý hơn độc lập tự do », không có gì
dính líu tới lý tưởng cộng sản toàn cầu, nhưng làm cho sự hiện diện của người
Mỹ trỏ nên không thể biện giải. Dẫu là gì, và như thế nào, thì sự có mặt
của người Mỹ cũng sẽ lặp lại sự có mặt của người Pháp từng có mặt trước đó hàng
trăm năm, và cũng cùng loại với sự có mặt của người Trung Hoa trước đó hàng
nghìn năm. Lý tưởng có thể bỏ nếu không chịu nổi bom đạn, nhưng còn đất nước,
cho dù không chịu nổi bom đạn thì họ đi đâu để sống? Người Mỹ đã không hiểu
điều đó. Người Mỹ có thể làm mọi chuyện, nhưng chỉ sự hiện diện của họ với vũ
khí trên đất Việt, đã đủ để họ thành kẻ thù, và cũng đủ để họ thất bại.
Ý chí độc lập và khát vọng tự do
điều khiển bởi một bộ máy tập trung siêu quyền lực, là hai
yếu tố tạo ra sức mạnh vô địch, làm ra chiến thắng. Hitler và Nhật Hoàng
sở dĩ có thể làm ra những kỳ tích, chính là có được hai yếu tố đó. Nó trở nên
thất bại, khi một trong hai yếu tố đó chuyển hoá và biến mất. Lý thuyết
chiến tranh nhân dân và Quân đội toàn dân là chiến thuật biến toàn dân thành
lính, phục tùng một cách vô điều kiện và được đưa lên thành tiêu
chuẩn đạo đức,chính là học thuyết quân sự của các đảng cộng sản Việt Nam và
Trung Quốc.
Nói là sự may mắn của những người lãnh đạo
trong bộ máy cầm quyền của chế độ cộng sản Bắc Việt, chính là sự trùng lặp vô
tình giữ lý tưởng cộng sản với chủ nghĩa yêu nước.
Căn cứ để xác minh nhận
định này là sự thất bại của chính chế độ từ sau chiến thắng 30/04.
Đảng cộng sản Việt Nam đã không hiểu nguyên
nhân đích thực dẫn đến chiến thắng. Họ vẫn tin rằng đó là thắng
lợi của đường lối đúng đắn của đảng, là tính «bách chiến bách thắng» của
chủ nghĩa Mác Lênin. Ông Lê Duẩn tổng kết chiến tranh và kết luận, «giai đoạn
thứ nhất của cách mạng vô sản là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ giành độc lập
dân tộc và thống nhất đất nước đã hoàn thành. Cách mạng Việt Nam từ
nay bước sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội không
kinh qua phát triển tư bản chủ nghĩa». Đại hội đảng lần thứ tư, ngày
14-20/12/1976, đã quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước
Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam, thay tên đảng từ đảng Lao động Việt Nam
thành đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định ktrung thành chủ nghĩa Mác –
Lênin.
Việc làm này chứng tỏ một điều, rằng lãnh
đạo đảng cộng sản không chủ đích dựa vào chủ nghĩa yêu nước. Họ không hề có ý
thức về sức mạnh bất khả khuất phục chính nằm trong ý chí độc lập dân tộc
và khát vọng tự do của dân chúng chứ không phải là giác ngộ lý
tưởng cộng sản chủ nghĩa Mác.
Bắt đầu từ sau cái Đại hội IV này, sau cái
«khẳng định tính bách chiến bách thắng chủ nghĩa Mác», năm 1976, đảng cộng sản
bắt đầu thất bại liên tiếp cả chỉ đạo kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao. Xây
dựng «xã hội chủ nghĩa bỏ qua phát triển tư bản chủ nghĩa»
đã đẻ ra chính sách cải tạo tư bản tư doanh, tiêu diệt kinh tế gia đình và sản
xuất cá thể. Lạm phát lập tức tăng lên tới 780% năm
1986. Tổng thu nhập quố dân không đầy 2 tỷ đô. Đất
nước chìm vào khủng hoảng, nền kinh tế mấp mé bờ sụp đổ. Mỹ cấm vận
và bao vây kinh tế. Trung Quốc gây chiến tranh biên giới. Liên xô và các nước
xã hội chủ nghĩa cũ chấm dứt viện trợ và bắt đầu nhắc đến đòi nợ. Bước đi thứ
hai, xây dựng chủ nghĩa xã hội sau cách mạng dân tộc dân chủ, đứng
trước sự phá sản, đường lối «sáng suốt» của đảng đã đưa đất nước
quay về gần thời kỳ đồ đá nguyên thuỷ, không do bom đạn huỷ diệt của
chiến tranh.
Một bài học mà những người cộng sản Việt
Nam cần rút ra là «lòng dân» chứ không phải «lý tưởng» cộng sản giúp họ chiến
thắng. Dân chúng thực chất không biết và cũng không cần biết tư tưởng của
chủ nghĩa cộng sản. Thất bại sau chiến tranh đã chứng thực «Những gì hợp
lòng dân thì thắng, trái lòng dân là thất bại».
Thắng lợi của chế độ cộng sản Bắc Việt, vì
vậy, có thể nói được là một nghịch lý không?
Trên trục thời gian phát triển của văn minh
nhân loại, có thể nói, xã hội Mỹ đi trước xã hội Việt Nam hàng trăm năm. Có thể
là một nghịch lý khi tương lai thất bại trước quá khứ không?
Nhiều ý kiến cho rằng sự hiện diện của
người Mỹ trong vai trò điều khiển đã làm cho cuộc chiến chống cộng thất bại.
Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Sự hiện diện và can thiệp vào một công
việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền khác cách hàng chục ngàn km đã bác bỏ
mọi khả năng tuyên truyền của phía ủng hộ , nhưng lại là lý do tạo ra hiệu quả
tuyên truyền của phía đối địch. Không có chính danh, không thể được thừa nhận
chính danh, không thể tạo ra chiến thắng.
Vì vậy có những ý kiến cho rằng sai lầm của
người Mỹ chính nằm ở chủ trương can thiệp trực tiếp. Nếu với cùng những phí tổn
cho chiến tranh, người ta giành cho đầu tư xây dựng và phát
triển kinh tế, thì với hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ Mỹ, miền Nam Việt Nam đã
trở thành một cường quốc kinh tế, vượt xa Singapore và Nam Hàn, vì khởi điểm
của miền Nam hơn hẳn, và năng lực sáng tạo của người Việt không kém bất cứ dân
tộc nào. Như vậy, khả năng thống nhất đất nước một cách hoà bình sẽ rất cao và
theo chiều ngược lại. Người ta đã bỏ qua và giải pháp này đã không được một ai
nghiên cứu một cách nghiêm túc. Ít ra, chỉ cần phát triển miền Nam cũng đã đủ
để vô hiệu hoá ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Bộ phim gồm 10 tập và phải mất 10 năm để
hoàn thành, với khối lượng tư liệu khổng lồ, nhưng những thông điệp mà các nhà
làm phim muốn nói, có lẽ không cần phải xem hết toàn bộ. Nước Mỹ đã chia rẽ,
rạn nứt, tổn thương và đã làm một công việc vô ích.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù muốn hay không
muốn, bộ phim do người Mỹ làm, là cách nhìn của người Mỹ, là vũ trụ quan, nhân
sinh quan, phản ánh thang bậc nhận thức và văn hoá của người Mỹ, không phải là
của người Việt. Gọi là Chiến tranh Việt Nam, nhưng không do người Việt làm.
Nhưng nếu người Việt làm, thì là người Việt
nào, người Việt «Nam» hay người Việt «Bắc», tức là người Việt Cộng Hoà hay
người Việt Cộng sản? Người Việt đã đủ trưởng thành để tự nhận ra và tự thú nhận
sai lầm của mình như người Mỹ không? Bộ phim sẽ chỉ có bên kia chết và tội
ác dã man chỉ của phía đối phương? Nếu người Việt đủ trưởng thành để cho
ra đời bộ phim đủ trung thực khách quan về cuộc chiến tranh này, thì ngay bây
giờ, đã thực sự có một cuộc hoà giải và hoà hợp dân tộc, không phải hoà
giải cứ là sự khuất phục của bên này, và là sự thừa nhận tội ác của
bên kia.
Bằng cuốn phim này, người Mỹ đã tự giải
thoát cho nhau, nhưng người Việt, nhờ người Mỹ mà được thấy những gì thực
xảy ra từ cả hai phía, liệu có đủ minh mẫn và tự trọng để thừa nhận nghịch lý
của lịch sử không?
25/09/2017
Bùi Quang Vơm