07 October 2017

TỔN THẤT TRONG CHIẾN TRANH - Giao Chi San Jose

(Nhân dịp xem bộ phim The Vietnam War)


Cái giá của chiến tranh
Chiến tranh Việt Nam chia làm 2 thời kỳ. 
(Theo bản sử liệu tóm lược của Việt Museum, tài liệu sẽ còn duyệt lại) 
 
Chiến tranh Việt Nam kỳ thứ nhất 1946-1954. 
 Ngay sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt 1945, cộng sản Việt Nam vận động được toàn dân, cướp chính quyền, tuyên ngôn độc lập. Năm 1946 Pháp theo chân người Anh trở lại Việt Nam. Cuộc chiến chống Pháp bắt đầu. Toàn dân tham gia kháng chiến, không phân biệt Quốc Cộng. Nhưng về sau phe quốc gia đa số là dân thành thị, trí thức, tiểu tư sản từ bỏ cộng sản, về hợp tác với Pháp chống kháng chiến do phe cộng sản tiếp tục lãnh đạo nông dân. Cuộc chiến gia tăng từ 1946 đến 1954. Phe quốc gia dần dần dành được chủ quyền nhưng cuộc chiến vẫn do người Pháp chỉ huy. Chiến tranh kéo dài trong 8 năm. Sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ, hai phe ký kết hiệp định Genève chia đôi đất nước. Một triệu dân miền Bắc từ bỏ cộng sản di cư vào Nam. Hơn 100 ngàn cán bộ cộng sản từ Nam ra Bắc. Phe cộng sản chiếm giữ miền Bắc được Nga Sô và Trung Cộng yểm trợ. Phe quốc gia xây dựng miền Nam do Hoa Kỳ yểm trợ. Pháp hoàn toàn rút lui. Tổng kết tổn thất của Pháp là 140, 000, trong đó có 79.000 chết và mất tích, 65.000 bị thương. Quân đội Quốc gia Việt Nam tổn thất chung là 419.000 chết, bị thương hoặc bị bắt.. Số thương vong của Việt Minh là 192.000 người chết  Khoảng 300.000 đến 400.000 dân thường thiệt mạng.

Chiến tranh Việt Nam kỳ thứ hai 1962-1975.  
 Đất nước chia đôi tại vỹ tuyến 17. Sông Bến Hải là ranh giới của tự do và cộng sản. Đầu thập niên 60, Hà Nội đưa cán bộ tập kết trở về.Tổ chức Mặt Trận Giải Phóng miền Nam bắt đầu cuộc chiến võ trang để đánh phá trong Nam. Luôn luôn có sự yểm trợ toàn diện và chỉ đạo từ miền Bắc. Năm 1964 quân Mỹ chính thức tham chiến. Cộng sản đã thực hiện 2 cuộc tổng tấn công lớn năm 1968 và năm 1972. Cả hai chiến dịch này, QLVNCH trực tiếp chiến đấu và đã chiến thắng trong việc phòng thủ. Năm 1973 hai phe ký kết hiệp định Paris, Mỹ rút quân. Năm 1975 trong trận cuối cùng, miền Nam thất thủ. Chấm dứt cuộc chiến 13 năm. Trong cuộc chiến lần thứ hai tổng kết tổn thất là bao nhiêu, xin xem phần kế tiếp. Trong cuốn phim tài liệu The Vietnam War hai nhà báo phe cộng sản là Huy Đức và Bảo Ninh đều có kết luận như nhau. Số người bị hy sinh quá nhiều. Nói một cách khác. Cái giá của chiến tranh quá cao.  
 
Ghi nhận tổn thất từ Việt Museum.  
Tổng cộng hơn 3 triệu người chết ở cả hai phe và trên 2 miền đất nước. Hoa Kỳ chết 58 ngàn chiến binh với 300 ngàn thương binh trong đó có trên 50% bị tàn phế, hoàn toàn bất khiển dụng. Đa số tử sĩ là bộ binh và Thủy quân Lục Chiến.   Trong số phe Đồng Minh thì Hàn quốc tổn thất 5 ngàn lính và 11 ngàn thương binh. Việt Nam Cộng Hòa có 320 ngàn chiến binh tử trận cùng với một triệu 200 ngàn thương binh. Phía cộng sản đã hy sinh 1 triệu chiến binh và có 500 ngàn thương binh. So với tử sĩ VNCH phe cộng sản có khác biệt vì đa số thương binh cộng sản không được tản thương nên chết tại chiến trường. Số bị thương trở thành tử sĩ. Chiến binh cộng sản hy sinh gồm cả người từ miền Bắc xâm nhập và cả dân quê miền Nam tình nguyện hay bắt buộc theo cộng sản. Bộ đội và dân công đi từ Bắc vào Nam đã tổn thất 50%. Đa số bị chết trên đường mòn HCM vì sốt rét, bệnh tật, bom đạn hay vì tai nạn...Ngày nay hàng trăm nghĩa trang trên Trường Sơn dành cho các tử sĩ này. Trong thời chiến tranh tại thôn quê miền Bắc chỉ còn người già và trẻ em. Tại miền Nam gia đình nào cũng có tử sĩ của phe cộng sản. Riêng tỉnh Quảng Nam, sau chiến tranh, cộng sản đã ghi nhận có đến 65 ngàn liệt sĩ. Có nhiều gia đình hy sinh rất nhiều người. Gia đình bà mẹ tên Nguyễn Thị Thu tại miền Trung đã có 12 liệt sĩ gồm có 9 con trai, 1 còn rể và 2 cháu. Trong chiến cuộc tại miền Nam, theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ đã có các quốc gia sau đây tham chiến trực tiếp hoặc yểm trợ. Hàn Quốc, Úc Châu, Tân tây Lan, Phi Luật tân, Thái lan và Trung Hoa Dân Quốc. Phe Cộng sản có Công binh Trung Cộng và các chuyên viên hỏa tiễn Nga Sô. Phía Hoa Kỳ đã có tổng cộng trên 2 triệu chiến binh lần lượt tham chiến trong các nhiệm kỳ hàng năm. Quân số cao nhất có lúc nửa triệu quân hiện diện. Việt Nam Cộng Hòa trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt đã có một triệu chiến binh.
 

Quảng Tri, giữa ngày ngưng chiến, TQLC VN bước qua phòng tuyến đich bắt tay các nữ chiến binh và chụp hình kỷ niệm.


Bức ảnh 2 người lính nổi tiếng hơn 40 năm qua.
Sự hy sinh của Hoa Kỳ. Tham dự chiến tranh Việt Nam trong 13 năm, chi phí 738 tỷ mỹ kim, động viên 3 triệu thanh niên, hy sinh 58 ngàn quân trong đó có 11 tướng lãnh, nước Mỹ quả thực đã hết lòng với Việt Nam. Sau khi tổng thống Kennedy bị thảm sát, ông Johnson đã quyết tâm giải quyết chiến trường Việt Nam bằng bộ binh và cả hải lực trên vịnh Bắc Việt. Tuy nhiên chính lòng dân Hoa Kỳ thể hiện qua phong trào phản chiến đã buộc nước Mỹ phải bỏ rơi Việt Nam.  
So sánh với chiến tranh Triều Tiên. (1950-1953) Sau thế chiến 1 và 2, cứu nguy Âu Châu, Hoa Kỳ hào hiệp và dũng cảm đã tham dự thêm 2 trận chiến Triều Tiên và Việt Nam. Chiến tranh Triều Tiên chỉ có 3 năm, nhưng tàn khốc vô cùng. Hoa Kỳ hy sinh khoảng 50 ngàn chiến binh. Quân Nam Hàn có 400 ngàn tử trận. Tổng cộng 2 triệu dân thương vong. Bắc Hàn hy sinh 1 triệu 500 ngàn. Con số thương vong của Trung Cộng với chiến thuật biển người tổn thất rất cao, nhưng không công bố. Trong những trận chiến quy ước, quân hai bên khi chiến thắng tràn lên, khi lui binh bỏ phòng tuyến, hai phía Nam Bắc Hàn Quốc đã có những hành động thanh toán tàn nhẫn. Riêng quân Cộng sản mỗi lần rút quân là xử bắn hàng ngàn tù binh và dân chúng. Thương vong khủng khiếp. Sau cùng với sự hiện diện của Hoa Kỳ tại miền Nam, Hàn quốc đã xây dựng và tiến bộ trở thành con rồng của châu Á.


Ghi nhận những ý kiến:
Cuốn phim The Vietnam War đã phổ biến trên truyền hình. Chúng tôi viết bài cũng được nhiều bằng hữu đọc và chia xẻ. Đề tài ghi rõ là Cuộc thảm bại tái diễn. Độc giả phần lớn là chiến hữu thân quen nên góp ý kiến rất khích lệ. Cùng chung hoàn cảnh nên rất thông cảm. Tiếp theo anh Nguyễn Xuân Nam mời chúng tôi nói chuyện trên truyền hình Cali Today và phổ biến trên youtube. Đề tài gây xúc động hơn. Thua trên từng thước phim. Thu hình chủ nhật, chiếu ngày thứ hai. Mỗi ngày có 20 ngàn lượt khách coi. Sau 5 ngày đã có trên 70 ngàn khán giả. Và vẫn còn tăng thêm. Sẽ vượt qua 100 ngàn. Báo Cali ghi nhận là có phân nửa là độc giả từ trong nước. Quả thực như vậy. Mới ghi nhận được gần 700 ý kiến. Phần lớn là đả kích diễn giả. Rất nhiều độc giả chê bai diễn giả là anh già ngu xuẩn và tiếp tục là tay sai của Mỹ. Đã là Ngụy thì suốt đời là Ngụy. Có người khen rằng tay đại tá nầy tương đối khá vì đã dám nhận là VNCH thua trận. Một độc giả khác viết rằng đất nước ta mới xây dựng lại được 20 năm. Cần thêm thời gian để sửa chữa lại. Qua các ghi nhận kể trên, chúng tôi rất mừng là đã có dịp đưa ý kiến và tin tức về cho những người trong nước và đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. Biết rằng trong thời gian ngắn, có cả trăm ngàn người trong nước ghi nhận lời của mình, thực là điều đáng kể. Về phía phe ta, chúng tôi cũng nhận được những lời trách móc, phản đối. Quý vị cho rằng không thể công nhận cộng sản đã thống nhất đất nước. Có người quả quyết rằng Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn. Và lập luận mạnh mẽ khác cho rằng Hoa Kỳ đã toàn thắng trong chiến tranh Việt Nam. Vì Mỹ đã tính toán trước tất cả. Với những suy tư nhiệt thành như vậy, xin ghi nhận và bất khả tranh luận.
 

 Sao các anh không tự làm phim.
 Một ý kiến của bạn trẻ trong nước viết rằng. Nếu Mỹ làm phim thiếu xót sai lầm không vừa ý các anh VNCH, sao các anh không tự làm lấy. Hay lắm, chúng tôi cũng rất muốn sẽ làm lấy. Hy vọng trong tương lai sẽ có cuốn phim bằng Anh Ngữ ra đời. Sẽ cố gắng công bình và ghi lại sự thực. Toàn sự thực và chỉ có sự thực. Trận Mậu Thân Hà Nội đã hy sinh toàn bộ chiến binh cộng sản miền Nam. Lợi dụng thỏa hiệp đình chiến, cộng sản bất ngờ nổi dậy trên các thành phố miền Nam. Hết sức dũng mạnh và bất ngờ. Nhưng qua giai đoạn đầu giao động, chiến binh VNCH đã lần lượt giải tỏa các thành phố và sau cùng chiếm lại thành nội Huế. Trận chiến mùa hè 1972 cũng sẽ được quay lại với sự chiến đấu dũng mạnh của cả hai bên từ Kon Tum qua Bình Long rồi sau cùng là trận đánh đẫm máu tại cổ thành Quảng Trị. Phim sẽ nhắc lại sự hy sinh của cả 2 bên mà không phải là tuyên truyền một chiều. Phim sẽ nhắc lại cuộc chiến lý luận giữa phe ta và Hoa Kỳ trong việc thỏa hiệp bản hiệp định Paris vô cùng khó khăn và hết sức phức tạp. Trong cuộc chiến bại trận sau cùng năm 1975 bộ phim này sẽ tuyên dương các vị anh hùng đã tuẫn tiết. Tài liệu từ các chiến binh lên đến các tư lệnh VNCH tự sát là những gương sáng mà không một đạo quân nào có thể so sánh được. Rồi tiếp theo là những cuộc chiến sau chiến tranh. Cuộc chiến trong tù đầy và cuộc chiến đi tìm tự do như chúng tôi đã từng đề cập đến. Đó là ý nghĩa và con đường soạn sẵn cho bộ phim nhìn từ phía người bại trận sẽ phát hành. Nhân bản, công bình và những anh hùng trên chiến trường đã có từ cả hai bên. Nhưng sau cùng, cuốn phim phải là toàn thể sự thực dành cho những người đã hy sinh từ cả hai bên chiến tuyến. Từ khi đệ nhị thế chiến chấm dứt 1945, tuổi trẻ Việt Nam bắt đầu cầm súng tham dự cuộc chiến mới cho đến năm 1975. Khi ngừng chiến, khi nổi dậy tổng tấn công. Bên VNCH hoàn toàn cầm súng tự vệ. Suốt 30 năm dài, đất nước chịu đựng biết bao nhiêu bom đạn. Đại bác và hỏa tiễn Nga Tầu chống lại bom đạn Hoa Kỳ. Trên 3 triệu quân dân cả hai miền Nam Bắc đã hy sinh. Trong cuộc chiến lần thứ nhất, tuổi 20 Việt Nam được trao vào tay 2 cây súng trường do Nga và do Pháp chế tạo. Súng bắn phát một. Giết nhau theo nhịp độ thong thả. Qua giai đoạn hai. AK 47 do Trung cộng sản xuất và M 16 của Hoa Kỳ bắn liên thanh. Nhịp độ giết nhau dồn dập hơn. Trận Bình Long 72 là một thí dụ. Có người trai quê Thái Bình, từ giã quê nghèo miền Bắc vào "giải phóng" miền Nam. Đầu đội B52, đi 3 tháng vượt Trường Sơn. Mười người cùng nhau lên đường, chỉ 6 người vào đến Lộc Ninh. Từ Chân Thành, miền Nam có anh lính sư đoàn 5 vào trấn thủ An Lộc. Theo lệnh Hà Nội, Bắc quân tổng tấn công trận Bình Long. Hàng ngàn bom đạn bắn vào thị xã nhỏ bé trong ba tháng. Sau cùng anh bộ đội Thái Bình và chiến binh quê Chân Thành cùng hy sinh mùa hè 1972. Văn chương miền Nam gọi là mùa hè Đỏ lửa. Miền Bắc gọi là mùa hè Cháy. Bài tổng kết về tổn thất này xin viết cho cả người lính quê mùa của Thái Bình Bắc Bộ và người lính chất phác của Chân Thành xứ Nam Kỳ. Thân xác các anh đã chôn vùi trong lòng đất quê hương cùng chính nghĩa của cả hai bên. Trong hai anh, ai là người chiến thắng, ai là người chiến bại. Ai giải phóng ai?
 

Phúc đáp: Trong phần nói chuyện của chúng tôi trên Youtube, có người hỏi rằng ông này là ai mà nói toàn tiếng Bắc. Xin trả lời.
Chúng ta sống trong thời đại kỳ diệu. Diễn giả nói chuyện 1 giờ trên Youtube. Trong một tuần lễ đã có 100 ngàn khán giả và gần 1 ngàn lời phê phán. Diễn giả là một người cao niên, một cựu quân nhân vô danh của phe bại trận lưu vong. Một nửa trong số khán giả là người trong nước. Hơn 90% lời phê phán đến từ trong nước. Thắng hay bại, sai hay đúng, nửa thế kỷ sau cuộc chiến Việt Nam, cuộc đối thoại đã được mở ra. Không phải giữa các giới thẩm quyền. Đây là đối thoại giữa những người thường. Không phân biệt giai tầng xã hội. Không phân biệt tuổi tác. Không phân biệt chính kiến hay trình độ văn hóa. Lời lẽ phê phán gồm cả phần thưa giữ lễ phép hay chửi thề nóng giận. Toàn quốc Kháng Chiến chống Pháp năm 1946. Có cậu bé 14 tuổi là liên lạc viên của Tự Vệ Thành. Bộ đội và chính quyền Việt Minh đã rút hết. Chỉ còn Tự Vệ Thành ở lại chiến đấu. Mang dấu hiệu sao vàng trên nền vuông. Pháp gọi là Việt Minh Carré.  Tự Vệ Thành Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định là các thanh niên, sinh viên, học sinh tham dự công cuộc kháng chiến đầu tiên. Một số đã chết trong thành phố và phần còn lại rút lui sau cùng. Sau những năm đầu theo Kháng Chiến, khi cộng sản ra mặt trong tổ chức và chính quyền, đa số dân thành phố, dân trí thức, tiểu tư sản và các đảng phải quốc gia trở về thành phố theo Pháp. Phe quốc gia vừa theo Pháp chống cộng sản lại vừa đấu tranh chính trị với Pháp để dành quyền lãnh đạo quốc gia. Cậu bé 14 tuổi của thời kỳ toàn quốc kháng chiến cũng theo chân thiên hạ về thành. Năm 1954 vào Nam trở thành chiến binh VNCH. Cậu bé 14 tuổi năm 1946 cùng đi kháng chiến trong bản nhạc Tuổi Xanh của Phạm Duy, một mùa thu năm qua, cách mạng tiến ra...
Vâng, thưa các bạn, nó đã thành ông già nói tiếng Bắc trên diễn đàn Youtube kỳ diệu của thế kỷ thứ 21. 
 
Bây giờ mình nói chuyện chiến tranh Việt Nam. Tất cả các nhà lãnh đạo Nam Bắc Việt Nam trách nhiệm về cuộc chiến tranh đều không còn nữa. Chúng ta còn lại có thể thảo luận khách quan hơn, chân thành hơn và hợp lý hơn. Chân lý có thể khác nhau ở bên này và bên kia Thái Bình dương, nhưng điều quan trọng là vẫn còn nghe được tiếng nói của nhau. Câu chuyện cuối cùng xin kể lại. Nhà báo Mỹ ở San Francisco hỏi rằng. Ở đây có ai là người đã từng chiến đấu ở hai bên phòng tuyến trong chiến tranh Việt Nam. Tôi trả lời rằng phe Sài gòn thì nhiều, nhưng phe Hà Nội cũng có một số.  Nhà báo lại hỏi tiếp. Muốn hỏi chuyện những người còn trẻ. Tôi trả lời rằng tất cả những người lính trẻ của 2 bên đều chết hết rồi. Bộ đội miền Bắc hàng triệu người chết năm 20 tuổi. Chiến binh VNCH khoảng 320 ngàn chết năm 22 tuổi. Muốn hỏi chuyện phải về các nghĩa trang ở Việt Nam.


Đó là lý do chúng tôi ghi lại các tổn thất trong chiến tranh. Phạm Duy, thiên tài âm nhạc của dân tộc đã viết lời ca bất hủ: Việt Nam không đòi xương máu. Việt Nam kêu gọi thương yêu. Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời...Ông viết cho người còn sống nhưng dành cho người chết đem theo. Những người chết của cả hai bên.


Giao Chi San Jose