07 October 2017

VIỆT VỊ (2) - Hồ Đình Nghiêm

Cách đây mấy hôm, khi bài “Việt Vị” của tôi được đi trên trang Sáng Tạo, một số người đọc đã đồng cảm và chia sẻ. Một chị, có thể vì không am tường môn football (bóng đá) đã thắc mắc: Có ý gì khi dùng chữ “mơ hồ” ấy làm tựa đề? Thưa chị, Việt vị là một lỗi lầm trong luật chơi của môn đá banh, tiếng Anh gọi là Offside, tiếng Pháp thì kêu là Hors-jeu. Tiền đạo xuống sâu hơn vị trí của hậu vệ đối phương trước khi banh được chuyền giao thì trọng tài biên sẽ phất cờ báo: Lỗi việt vị. Thời bé, bọn nhóc chúng tôi thì dùng chữ: Đồ ham ăn cơm cháy. Lớn chút nữa (có thể do thời cuộc tác động) đã gọi mấy tên ưa “lấn đất” ham ghi bàn đó là dân nằm vùng. Nếu chị thấy chưa đạt thì xin hiểu sang một nghĩa khác. Việt vị là phong vị của người Việt.


Ngỡ đã chấm hết, tưởng đã “point final” ai dè lòng này vẫn còn tham, sân, si. Đôi khi trên sân cỏ đã có những tình huống làm thủng lưới đối phương dù mắc phải lỗi việt vị. (Bôi trơn trọng tài biên? Hậu vệ hoặc thủ môn lỡ bán độ?) Phim “The Vietnam war” dài 10 tập thì đoản văn có nhảy sang hồi 2 ắt cũng xin được lượng thứ cho.

Trong cuốn Hồi ký của cựu Đại Tướng William C. Westmoreland, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam có trích dẫn một đoạn thơ của Rudyard Kipling (được phỏng dịch):


trận chiến tàn, thây vùi dưới mộ
mang tên tuổi của người xấu số:
“đây là nơi thằng khờ an nghỉ
vì đã cố lết về phương Đông”.

Để làm rõ nghĩa, ông viết: “Theo ý kiến tôi thì một nền hoà bình sớm sủa cho Đông Dương chỉ là ảo tưởng. Tôi tin rằng một cuộc ngưng bắn có thể tồn tại được là điều không thực tế…” Trong nhiều bất lợi dẫn đến tình hình rối loạn ở quê nhà, ông không quên đổ thừa vào vai trò bọn phóng viên báo chí: “Vài cây viết bình luận dữ dằn nhất là những nhà báo ở tại Hoa Kỳ mà không bao giờ đặt chân tới Việt Nam, tiêu biểu cho số này là biên tập viên John Oakes của tờ New York Times… Một số qua Việt Nam chỉ để chui vào trong các trại lính nói chuyện nhảm với mấy tay lười biếng và lượm lặt vài tin đồn rồi về đăng báo y như chuyện có thật”. Kết luận, ông đã trích dẫn lời của Napoleon: “Chỉ ba tờ báo quá khích đã đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê của địch”.
Một đoạn khác: “Tôi không nói đến những kẻ đã đốt thẻ quân dịch, đốt quốc kỳ và chiếm Ngũ Giác Đài, đi biểu tình mà cầm cờ địch tới lui dọc đường phố, xúi giục kẻ khác vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm và vượt quá giới hạn của lý lẽ để hiểu thế nào là công bằng. Không ai chối cãi được rằng chính những kẻ ấy mới làm cho cuộc chiến kéo dài thêm”. (Nguồn: “A Soldier’s Report” của William C. Westmoreland. Duy Nguyên chuyển ngữ. Nxb Thế Giới. San Jose, CA).
Những gì Tướng Westmoreland chân tình thổ lộ trong cuốn “Bản Tường Trình Của Một Người Lính” đã thế cho giải thích, tại sao một tên nhà giàu lại đi thua một đứa nghèo rớt mồng tơi? Nhưng cuốn hồi ký giá trị nầy chẳng phải là nguyên cớ khiến tôi “mần” thêm Việt Vị 2. Tôi tiếp tục “xỏ giày ra sân” chỉ vì vừa đọc thấy trên trang Văn Việt hôm 26 tháng 9, 2017 có bài phỏng vấn của RFI dành cho nhà văn Nguyên Ngọc- nguyên là Sĩ quan trong quân đội Bắc Việt, cũng là một trong những người góp mặt trong bộ phim “The Vietnam War”. Ông chia sẻ: “Khi nói rằng nước Mỹ chưa ra khỏi chiến tranh Việt Nam, nhiều người, kể cả tôi, đã nghĩ rằng đó là một điểm yếu của nước Mỹ. Nhưng xem phim này thì tôi thấy hoá ra đó là cái mạnh của nước Mỹ. Đấy là một quốc gia luôn luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá khứ, về cuộc chiến tranh của mình, về những gì mình đã làm trong suốt cuộc chiến tranh đó. Sức mạnh của nước Mỹ chính là luôn luôn biết tự đặt câu hỏi về quá khứ của mình… Đã hơn 40 rồi, khi mà nói về chiến tranh này, bởi vì Việt Nam là người thắng cuộc, nên ta thường nói theo chiều hướng khẳng định và ca ngợi nó. Còn cuộc chiến tranh đó đem lại những gì cho đất nước này, kể cả mặt tốt và mặt tàn phá của nó, tàn phá về cả vật chất lẫn tinh thần, thì chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc. Riêng tôi là một người làm nghệ thuật, tôi ao ước Việt Nam có thể có một bộ phim tài liệu theo kiểu như vậy. Giá như Việt Nam cũng tự hỏi mình như thế. Theo tôi đó là điều cần thiết”.
Khi được hỏi cảm nghĩ về trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt xẩy ra ở Huế, nhà văn Nguyên Ngọc trả lời: “Trong chiến dịch Mậu Thân 1968 thì Huế là thành phố mà đánh vào được và chiếm lâu nhất. Do chiếm lâu nhất và tưởng là giải phóng hẳn rồi và đã lập chính quyền, cho nên các cơ sở bí mật trong thành phố đều xuất hiện hết, bộc lộ ra hết. Sau đó, lực lượng chiếm thành phố bị đối phương vây trở lại và phải mở đường máu mà ra. Trước đó, khi vào chiếm Huế, người ta đã bắt những người bị cho là cộng tác với Mỹ, với chính quyền miền Nam. Trong số đó có thể có những người đúng là có làm cho Mỹ và chính quyền miền Nam, và cũng có thể có những người phạm những tội ác với những cơ sở hoặc là những người theo cách mạng ở Huế. Nhưng cũng có thể có những người bị bắt nhầm và thậm chí cũng có thể có những người bị bắt chỉ vì thù hằn riêng tư. Cho đến khi bí quá, rút ra không được, nếu thả những người này ra thì tất cả những cơ sở bí mật được chuẩn bị bao nhiêu năm, bây giờ bộc lộ ra hết, nếu thả những người bị bắt ra thì họ sẽ chỉ điểm số người hoạt động bí mật. Trong tình thế như vậy, người ta đã có chủ trương giết những người đó. Tôi không trực tiếp ở đấy và cũng không biết cái lệnh đó là từ ai. Nhưng trong phim tôi có nói, đấy là một vết nhơ, một vết đen trong cuộc chiến tranh, về phía Việt Nam”.
Sự thành thật của ông Nguyên Ngọc tin được mấy phần? Với vai trò một cựu sĩ quan từng tham chiến ở địa bàn Quảng Nam, với tư cách của một người cầm bút- một nhà văn nổi tiếng- ông có thể biết thực hư về cái “vết nhơ” kia, chỉ đơn giản bằng cách gọi Nguyễn Đắc Xuân để tỉ tê tâm sự, hẳn ông cũng nắm bắt được một vài thông tin cần thiết. Nguyễn Đắc Xuân nón tai bèo mang dép râu đeo băng đỏ nắm AK-47 có mặt ngay từ đầu cuộc tổng tấn công và làm chủ khu vực Thành Nội Huế. Người đã trao tư liệu chính mình ghi chép về những người giữ cờ ở Huế cho Hoàng Phủ Ngọc Tường để viết nên bút ký “Ngôi Sao Trên Đỉnh Phu Văn Lâu” (xuất bản 1971).
Nếu ông Nguyên Ngọc không thích “đi đêm”, không muốn nhắc lại quá khứ đau thương (điểm này ông tự nhận là thua người Mỹ) thì lạ kỳ thay, nhận được chỉ thị nào từ trung ương mà Nguyễn Đắc Xuân, sau hơn 40 năm vẫn câm như thóc. Sau 1975, ông soán đoạt, cưỡng chiếm (ngoài ta dùng chữ tiếp thu) toàn bộ tủ sách quý của thầy Phan Văn Dật và nghiễm nhiên trở thành nhà Huế học (nhờ đọc thiên kinh vạn quyển?). Một nhà Huế học, tuy nói giọng Quảng Nam nhưng nặng tình với cố đô, nhất là tuổi nay đã thuộc loại cổ lai hy, tiếc gì ông không thắp nhang, dọn lòng để ghi lại bao sự việc mà thường dân vô tội ở Huế phải chịu đoạ đày trong địa ngục năm xưa. Viết hết ra giấy, bạch hoá những uẩn khúc chất chứa trong lòng bao năm mãi dằn vặt chịu tiếng thị phi, đó không phải là một cách giải thoát theo kiểu “Buông đao xuống có thể thành Phật”? (Giải phóng người ta thì mau lẹ mà tự giải phóng mình thì bất khả?). Bắt chước thằng giặc Mỹ kìa, nó mới làm bộ phim nhìn nhận hết những sai trái nó từng để tay nhúng chàm. Trong phim “The Vietnam War” kể về trận Mậu Thân- Nguyễn Đắc Xuân có xem chăng?- đã có thằng Mỹ khi đi giải toả thành phố Huế đã tức cảnh sinh tình: “Ôi thành quách nó đẹp nhường ấy, thành phố thơ mộng thế kia sao chúng ta nỡ lòng nào đi phá huỷ chúng?” (Giặc xâm lược mà cũng có đứa biết tới chuyện bảo tồn bảo tàng, ngẫm mà đau đớn lòng!)
Ông Nguyên Ngọc ao ước Việt Nam sẽ thực hiện được một cuốn phim tựa thế. Mỹ mời ông lên phi thuyền dạo chơi cung trăng một chuyến e dễ tựu thành hơn sự hoang tưởng kia.
Ngoài những bản nhạc bất hủ của ban C.C.R, lính Mỹ khi qua tham chiến ở Việt Nam vẫn thích nghe bài “We Gotta Get Out Of This Place” của nhóm Animals. Cầu thủ mà cứ phạm lỗi việt vị mãi cũng xấu hổ, e tôi xin được ra khỏi chốn này. Trước khi tạm biệt, bỏ công đi sao chép lại những “danh ngôn” nghĩ là thích hợp cho những nét ngang dọc trên, dùng thế cho một phụ bản:
“Trong phim ảnh: Kẻ xấu luôn bị loại trừ. Trong đời thực: Kẻ xấu mãi chiến thắng”.
Trong truyện Bố Già, nhân vật Michael (con của bố già) nói với thuộc hạ: “Mày có hiểu thấu nỗi đớn đau về sự bội phản không? Nó không bao giờ đến từ những kẻ thù nghịch mày”.
“Hãy nhớ, những gì bạn lỡ đánh mất rồi, có khi bạn sẽ thu nhặt được thứ khác. Thiếu bóng tối, bạn chẳng thể nào trông thấy những vì sao”.
Ngạn ngữ Phi Châu: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng chúng tôi”.
Ngạn ngữ A Phú Hãn: “Bạn có đồng hồ nhưng chúng tôi có thời gian”.
“Những người nếu không cảm thông được sự câm lặng của bạn, họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được những lời bạn nói”.
Lời của William Shakespeare: “Yêu hay ghét tôi, cả hai điều ấy đều làm tôi thích thú. Nếu bạn yêu tôi, tôi luôn nằm trong tim bạn. Ngược lại, nếu bạn ghét, thì tôi mãi dính trong trí óc bạn”.
Lời của Winston S. Churchill: “Sợ hãi là phản ứng. Can đảm là sự quyết định”.
Lời của Mark Twain: “Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, đứa mù có thể thấy”.
Và sau cùng, bao trùm tất thảy là câu nói “danh bất hư truyền”. (Tác giả là ai, mọi người đều biết; thậm chí ai cũng có thể điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa):
“Đừng nghe những gì_______nói, mà hãy nhìn những gì_________ làm”.
Xin hẹn gặp lại ở chốn nhân gian “có thể” hiểu nhau. Có còn bom rơi đạn lạc không nhỉ? Quang Dũng thơ: “Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa?”

Hồ Đình Nghiêm