25 November 2017

CÂU CHUYỆN BUỒN NGÀY TẠ ƠN - Huy Phương

Năm rồi, tôi mất hai người bạn. Không phải họ chết thành ma chôn trong nghĩa địa hay thiêu ra tro gửi cho gió ngàn bay. Những người này còn sống, nhưng đối với tôi cũng như gia đình họ, xem như họ đã đi qua một thế giới khác! Năm nay, trong bữa ăn sum họp cuối tháng 11 tại Hoa Kỳ, những người chồng, người cha này không có mặt, vì vậy tôi muốn dành câu chuyện này cho những ngày cận kề của lễ Tạ Ơn.

Phải nói đây là hai người bạn khá thân của tôi, đều sang Mỹ khoảng năm 1990 hay trễ hơn, qua một thời gian tù đày dưới chế độ Cộng Sản khá lâu, thời gian đủ để bù đắp cho họ một cái visa để họ và cả gia đình vào định cư tại Mỹ. Đến Mỹ, một người định cư ở miền cực Đông, chiều chiều có thể hóng gió từ Đại Tây Dương, người kia ở miền cực Tây, buổi sáng cuối tuần, thường rửa chân trên biển Thái Bình, nên chúng ta tạm gọi họ, người này là người bạn miền Đông và người kia là người bạn miền Tây.
Sang đến đây, anh bạn miền Đông tâm sự: “Không có nước Mỹ, thì giờ này con trai tôi đang ôm bình cà-rem ở chợ Cồn, làm sao mà trở thành kỹ sư như hôm nay!” Người bạn miền Tây thường nói nghĩ đến những ngày đạp xe đi giao mối cà phê giữa Sài Gòn nắng gắt, bữa đói bữa no, giờ hạnh phúc được nước Mỹ giang vòng tay đưa cả gia đình anh đến Mỹ. Sang Mỹ trong vòng hơn mười năm, anh nào cũng khá giả, có một ngôi nhà tươm tất, và mới chục năm trở lại đây, về hưu, ai cũng có đồng lương cao. Tôi không nghĩ là vì hưu cao, người ta có thể sống ung dung, dư dả ở ngoài nước Mỹ, nhưng đó có thể là một lý do tài chánh đã ảnh hưởng đến quyết định trở về Việt Nam của họ. Nếu họ còn độc thân, trơ trọi, mà còn cha mẹ già nơi đất quê hương, sự trở về của họ chắc cũng có lý do thông cảm.
Người bạn miền Đông của tôi, sau khi đi tù về, người vợ đã ra đi, bỏ lại bầy con dại, mà đứa nhỏ nhất mới lên ba tuổi. Trong những ngày ấy, một người đàn bà khác đã nhận kê vai gánh vác cuộc đời vô vọng rách nát của anh. Sang đến Mỹ, anh thành công trong thương mãi, về chiều, có một số lương hưu lớn, có thể sống dư dả đến cuối cuộc đời.

Anh bạn miền Tây của tôi, chân ướt chân ráo đến Mỹ, bắt đầu với một cuộc đời khá vất vả, nhưng may mắn sau đó, làm công nhân trong một hãng lớn, tiếng tăm của nước Mỹ. Các con của anh, ngày nay đều là những người thành đạt.
Đến tuổi về hưu, gia đình họ đều đổ vỡ sau những chuyến đi Việt Nam.

Nơi quê hương ngày trước, người bạn miền Đông gặp một người đàn bà tuy không phải thuộc loại nhan sắc, hay còn tuổi xuân sắc, nhưng chắc chắn là đẹp hơn, trẻ hơn vợ nhà, và lời lẽ hẳn là ngọt bùi, khêu gợi lại những thứ tình yêu thời trẻ dại. Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, anh xẻ đôi căn nhà hạnh phúc ngày trước, quyết định làm lại cuộc đời bằng cách trở lại quê hương, sống với người đàn bà kia.
Bây giờ bạn bè cũ ở Việt Nam, sáng sáng gặp anh nhúm lửa, pha vợt cà phê đầu ngày, dọn bàn ghế cho khách ngồi theo nghề của nàng, và mỗi ngày, như lời tỏ bày chân thật, cần đến một viên viagra.
Người bạn miền Tây, đến tuổi “tri thiên mệnh” mới gặp người tri kỷ, mới ngộ ra được, thế nào là tình yêu. Để bù vào số tuổi, anh có số tiền. Họ là những người trong giới yêu thích văn nghệ, và người anh gặp hẳn là một nàng Thơ ngày xửa ngày xưa, thế là anh ra đi không trở lại. Tình yêu đâu phải dễ kiếm, thì ra lâu nay, cái thứ anh tưởng là tình yêu, chỉ là một thứ tình nào đó, mãi cuối cuộc đời anh mới được gặp mặt cái gọi là Tình Yêu (viết hoa) đích thực!
Thì ra lâu nay những người bạn của tôi không tìm thấy hạnh phúc. Người ta định nghĩa “hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí!” Những người bạn tôi đang sống ở một đất nước mà loài người cơ cực, ai cũng mong tìm đến. Những người bạn tôi đang có một mái ấm gia đình, đời sống cao hơn no đủ là dư dả, vợ không ngoại tình, con không hư hỏng& nhưng như vậy, chưa đủ cho tiêu chuẩn của một thứ gọi là hạnh phúc.
Trong một chừng mực nào đó, có lẽ hai người bạn của tôi tâm đắc với câu nói của George Sand: “Chỉ có một thứ hạnh phúc trên đời, là yêu và được yêu!” Và như vậy, lâu nay họ chẳng hề yêu ai và chưa bao giờ được yêu! Phải chăng thực sự, bạn tôi yêu sắc dục, và được yêu lại vì có tiền. Tôi cũng không ngờ rằng, đến lúc xế chiều, mà ngọn lửa tình yêu của hai người bạn tôi, bùng phát mạnh mẽ đến như vậy!
Lý Ngư trong Nhục Bồ Đoàn, một tác phẩm cổ bên Tàu về sắc dục, đã viết: “Theo lời các nhà nho xưa, thì cái vật dưới eo phụ nữ chính là cánh cửa sinh ra ta, mà cũng là cánh cửa chôn ta!”.
Hai người bạn tôi không thể đem một người đàn bà khác không là vợ mình từ Việt Nam sang định cư tại Mỹ, trước sự chê trách của dư luận và sự quay mặt của gia đình, vậy tốt hơn là trở lại Việt Nam.
Tôi hy vọng rằng, một ngày kia, dù thế nào, hai người bạn tôi cũng không trở lại Mỹ, với một tấm thân tàn tạ để kiếm một chỗ trong bệnh viện hay đủ thuốc men dùng cho một giai đoạn hấp hối.
Đã hai năm, rồi tôi nghĩ đến ngày Lễ Tạ Ơn hôm nay trên đất Mỹ, có hai gia đình quạnh quẽ, buồn phiền và chắc bạn bè, thân thuộc cũng không ai nỡ nhắc lại tên của người bạn tôi đang ở xa. Tôi biết họ cũng như tôi, đã có những ngày tù đày nơi rừng thiêng nước độc, đã có một người vợ khốn khổ, tảo tần xuôi ngược, đã có những đứa con bất hạnh bơ vơ. Chúng ta tin tưởng gì ở một người lính thất trận, một người đã ngồi trong nhà tù tập trung, đã được thoát ra, còn bất cố liêm sỉ trở lại chốn xưa, vì một thứ gì đó dưới cái eo của đàn bà. Hai người bạn tôi đã quên rất nhiều thứ, trong đó có giá trị của gia đình, đạo lý và những điều ân nghĩa.
Tôi còn nhớ câu nói của MC Nguyễn Ngọc Ngạn: “…Một phần nữa vì người MC lâu đời của Thúy Nga là một cựu tù nhân chính trị, đã viết nhiều sách phê phán chế độ trong nước.” Tôi không đánh giá cao phẩm chất tất cả những người gọi là “cựu tù nhân chính trị!” Hai người bạn tôi, một người ở miền Tây, một người ở miền Đông, sau thời gian đến Mỹ, ai cũng có viết báo, in sách và đã không tiếc lời lên án chế độ Cộng Sản Việt Nam!

Huy Phương