25 November 2017

CHAI RƯỢU KHAI XUÂN - Nguyễn Tường Thiết

Mùa hè vừa qua nhân ghé tỉnh Vancouver BC bên Canada để thăm một người quen tôi tình cờ được đọc một tờ tạp chí cũ in từ Việt Nam. Đó là số báo Xuân Đinh Hợi 2007 với chủ đề Chơi Xuân của tạp chí NHÀ ĐẸP do Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam thực hiện. 
Số báo Xuân này là một bộ sưu tập giới thiệu những “quán đẹp” của ba miền Trung Nam Bắc với những hình ảnh màu tuyệt mỹ được in với kỹ thuật tinh xảo không thua bất cứ một magazine quảng cáo nào của các hãng máy bay mà ta thường thấy trên các chuyến phi cơ bay đường quốc tế. 
Khi giở đến trang báo giới thiệu quán cà phê La Poste của thành phố Đà Lạt tôi ngẩn ngơ xúc động và vội xin chủ nhà số báo đó để mang về cất giữ làm kỷ niệm. Bởi vì quán cà phê này chính là căn nhà xưa mà chúng tôi đã từng ở 52 năm trước và là nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm êm đềm của tôi với cha tôi.


Đây là một biệt thự lớn hai từng có lối kiến trúc rất tây, xưa kia nó mang số 12 đường Yersin nay đổi thành 12 đường Trần Phú. Nguyên từng dưới của biệt thự một thời từng là nhà hàng bán thực phẩm và rượu tây mang tên Poinsard et Veyret, nay biến thành một Restaurant. Tầng trên của biệt thự chia thành nhiều phòng nhỏ thuộc nhiều đơn vị gia cư, trong đó gia đình chúng tôi chiếm 2 gian có ban công nhìn sang Hôtel du Parc nằm bên kia đường Yersin. Những gian phòng đó nay chắc đã được phá ra tân trang lại để biến thành quán cà phê La Poste.

Tôi nhìn vào bức ảnh căn biệt thự ấy. Mặt tiền dưới nhà trên cái cửa chính tấm bảng hiệu Poinsard & Veyret thay bằng Le Café de la Poste, Restaurant.

Bên cạnh bức ảnh là mấy lời giới thiệu quán La Poste của tác giả Lạc Việt: Có lẽ uống cà phê là một cái thi vị không thể thiếu của thành phố Đà Lạt. Thú nhất là được nhâm nhi cà phê và nhìn từ trên cao quan sát thành phố sương mù. Món “đắt”nhất của quán này là những view nhìn bên cửa sổ. Đó chính là những bức tranh thiên nhiên sinh động, mà tại đó bạn có thể hàng giờ đọc sách và ngắm mưa rơi để được hưởng cái lạnh của Đà Lạt. Bạn có thể ngồi tại vị trí ban công để cái lạnh mơn man da thịt và để những giọt cà phê nóng ấm tan trên đầu môi và hoà vào trong bạn...

Tôi nhìn bức hình cái view đắc ý nhất ấy của quán La Poste. Hình chụp một ban công với cái bàn vuông, chiếc ghế gỗ, bên kia đường là khách sạn Du Parc, xa xa là “nhà thờ con gà” của Đà Lạt.

Lòng tôi bâng khuâng...

Cái view đó cũng đúng là cái view mà cha tôi đã nhìn ngắm và vẽ nên một họa phẩm bằng bút chì. Rất tiếc là nay tôi không giữ được bức họa ấy. 

Tôi nghĩ tới một ngày nào đó tôi sẽ ngồi trên chiếc ghế ấy để nhìn lại cảnh cũ mà người xưa không còn để ngậm ngùi hồi tưởng một thời xa vắng đã qua trên nửa thế kỷ. Ngồi uống cà phê ở đó tôi biết là mình sẽ có một cảm giác rất riêng tư nó không thể giống cảm giác của bất kỳ một người khách nào của quán La Poste, bởi vì tôi là người duy nhất ngồi đó mà có cảm tưởng như được ngồi lên chính tuổi thơ của mình... 

Thời gian tôi ở căn nhà đó là năm tôi học lớp Đệ Lục trường trung học công lập Quang Trung Đà Lạt niên khóa 1955-56. Trường cách nhà khá xa, đi bộ cũng mất trên nửa tiếng. Mỗi chiều tan trường lủng lẳng cạc táp trên vai đứa bé 15 tuổi tung tăng đi dọc con đường men theo hồ Xuân Hương để về nhà. Bước qua đập Ông Đạo lần nào cũng vậy mùi cá tanh của phân bón bốc lên từ cánh ruộng rau trong ấp Ánh Sáng sộc vào mũi nó nhắc nhở tôi là mình đã sắp sửa về đến nhà. Qua đập nước tôi rẽ phải lên một con dốc rất ngược, ngắn mà cong, là dốc Lê Đại Hành. Đứng lại ở đầu dốc để thở tôi ngước nhìn lên đỉnh nhà thờ Đà Lạt. Trên cao chót vót có một con gà bằng thép nhỏ xíu gắn trên đầu cây thánh giá. Rẽ trái trên đường Yersin đi ngang nhà bưu điện của thành phố đã thấy biệt thự Poinsard & Veyret quét màu vôi vàng hiện trước mắt.

Trên lầu biệt thự đó khi thì tôi thấy thấp thoáng trên ban công bóng dáng cha tôi đang lui cui treo một giỏ hoa phong lan khi thì có tiếng kèn của cha tôi vẳng ra một bản nhạc tây mà hồi đó ông thường hay thổi, đó là bản nhạc mang tên Quán trọ chiều tà: L’Auberge au crépuscule... Où je reviens toujours... Lorsque l’oiseau module... Un dernier chant d’amour...

Từ nhà bưu điện Đà Lạt bước qua đường Tự Đức tôi đặt chân lên vỉa hè xi măng kẻ ca-rô rộng thênh thang. Ngôi nhà chúng tôi nằm ở vị trí giữa hai khách sạn lớn nhất của thành phố là khách sạn Du Parc và khách sạn Langbian, tọa lạc ngay trên mũi nhọn của hai con đường châu nhau là đường Yersin và đường Tự Đức. Lần nào đi trên vỉa hè ấy tôi cũng không quên ghé nhìn bên trong cửa hàng Poinsard&Veyret. Sau một quầy kính bán thực phẩm Pháp như pa-tê, xúc-xích, phó-mát, bơ...  một bà đầm béo phục phịch bận áo choàng trắng đứng bán hàng. Có bận cha tôi dẫn tôi vào tiệm mua thuốc lá và rượu vang. Trong lúc tôi đứng lơ ngơ trong tiệm cha tôi nói chuyện ở quầy với bà đầm, thỉnh thoảng bà ta lại phá lên cười. Tôi chẳng hiểu hai người nói gì chỉ nghe thủng được mỗi một tiếng Écrivain thốt ra từ cửa miệng cha tôi. Tôi đoán là bà ta hỏi cha tôi làm nghề gì. Dù là ở ngay trên lầu của nhà hàng nhưng chúng tôi lên gác bằng cầu thang riêng, không dính gì đến nhà hàng phía dưới. Đi trên vỉa hè qua mấy cửa tiệm boutique, salon... trên đường Yersin, gần đến phía sau khách sạn Langbian, tôi rẽ vào một cái sân rộng lát đá hình tam giác, xung quanh sân là mặt lưng của những cửa tiệm nói trên. Bước qua một cái chuồng ngựa ở cuối sân tôi lên một cầu thang gỗ rộng là lối đi chung của tất cả các đơn vị gia cư ở trên lầu. 

Đấy là khung cảnh tổng quát căn nhà cha con chúng tôi đã từng ở nơi mà ngày nay 50 năm sau biến thành quán cà phê La Poste. Chắc bạn bây giờ đã hiểu tại sao họ đặt tên La Poste cho quán vì nó ở rất gần nhà bưu điện chính của thành phố.

Là một số báo Xuân nên trong tạp chí NHÀ ĐẸP cuối bài quảng cáo cho quán La Poste trong một cái khung có ghi những hàng chữ sau đây: Địa chỉ 12 Trần Phú TP Đà Lạt. Giờ mở cửa: 6G-22G30. Không nghỉ Tết.

Chính cái hàng chữ “Không nghỉ Tết” như một lời mời gọi mọi người hãy ghé đến quán La Poste để thưởng thức ly cà phê đầu xuân mà tôi nghĩ tới viết bài Chai Rượu Khai Xuân này để ghi lại kỷ niệm về một cái Tết xưa, Tết Bính Thân 1956, cũng là cái Tết ghi dấu kỷ niệm sâu đậm nhất của tôi trong thời gian tôi ở căn nhà cũ mà nay là quán cà phê La Poste ấy.

Ngày ấy... những ngày cuối năm...

Thành phố như phủ một làn mưa rất mỏng lẫn vào trong sương khiến khách đi đường cảm thấy như có những mũi kim trong suốt và lạnh giá chích lâm râm trên da mặt mình.

Phía hông bên trái của căn biệt thự chúng tôi ở là con đường nhỏ Tự Đức, con đường cong vòng đâm xuống hồ Xuân Hương ở ngay chỗ trước nhà Thủy Tạ. Cha tôi yêu con đường ấy lắm. Nó ngắn thôi nhưng rất nên thơ. Một bên đường là hông của khách sạn Langian, bên kia, sau hàng thông xanh mặt hồ hiện ra lấp loáng ánh nắng. Hai bên hè trồng hai hàng lê mà năm ấy hoa lê nở trái mùa trắng xóa. Những cánh hoa trắng theo cơn gió đông bay lả lả trong sương. Mỗi lần đi ngang cha tôi lại khẽ ngâm câu thơ Kiều: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa... Có lần cha tôi nói với anh Thạch tôi là ông mong muốn một ngày nào đó con đường ấy sẽ mang tên Nhất Linh.

Để sửa soạn cho cái tết năm ấy cha tôi và chị Thoa ra đó bẻ những cành lê mang về cắm trong những lọ thủy tinh. Ngoài hoa phong lan treo trên tường căn phòng đầy những lọ hoa lê trắng thay cho hoa mai vàng để đón xuân.

Còn tôi, một buổi chiều cuối năm đi học về tôi đón nhận cái Tết Bính Thân ấy với lòng rộn rã khôn tả. Bước chân sáo trên vỉa hè rộng của đường Yersin ngay phía dưới ban công nhà tôi, tôi nghe từ phía bên kia đường trong khuôn viên của Ty Ngân Khố thành phố Đà Lạt có tiếng nhạc tiếng trống tiếng pháo tưng bừng rộn ràng. Thì ra là nhân viên của Ty đang tổ chức liên hoan Tất Niên.

Chạy vội lên gác tôi quẳng cái cạc táp rồi chạy ngược trở ra băng qua đường tới trước Ty Ngân Khố tọa lạc ở góc đường Yersin và Bá Đa Lộc. Quây chung quanh Ty Ngân Khố là một bờ tường thấp trên cắm hàng rào sắt. Tôi không thể nhìn vào phía trong được vì người đứng xem đã chiếm chật suốt dọc hàng rào. Bất chấp mấy ông già khó tính cự nự tôi chen bừa vào giữa đám đông trèo lên đứng trên bờ tường, hai tay vịn song sắt, nhìn vào trong.   

Trên một khoảng vườn rộng người ta thiết lập ở góc một cái sân khấu gỗ có mái che trang trí hoa lá cành xum xuê và những bóng đèn xanh đỏ. Trên mái của sân khấu có treo bức ảnh lớn được kết hoa ở xung quanh, ảnh chân dung Tổng thống Ngô Đình Diệm. Trước sân khấu là mấy chục chiếc bàn phủ khăn trắng, bàn nào cũng có bình hoa, chung quanh bàn quan khách ngồi vừa ăn uống vừa hướng mặt về phía sân khấu. Khách đàn ông bận đồ vét cổ đeo cà vạt, khách đàn bà lộng lẫy trong những chiếc áo dài, áo măng tô.

Một nữ ca sĩ bước ra sân khấu cúi chào khán thính giả cầm lấy micro gõ gõ mấy cái. Rồi nhạc trổi lên, ca sĩ hát. Người ơi...  nước Nam của người Việt Nam... Vì đâu oán tranh để lòng nát tan… Đây Bến Hải là nơi ngăn cách đôi tình... Đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình.... Người ơi... (Nhạc phẩm Về đây anh của Nguyễn Hiền).

Tiếng vỗ tay ran lên trong đám thực khách khi cô ca sĩ ngưng tiếng hát khẽ cúi đầu đi lùi về cuối sân khấu. Đám thính giả đứng ở ngoài đường coi cọp như tôi không một ai vỗ tay hết. Họ đang bận chửi lộn. Ê! thằng nhóc này! Mày đạp bẩn hết cái áo mới của tao rồi... Tôi quay lại phía sau. Một người đàn bà mặt mày nhăn nhó đang cúi xuống phủi một vết lấm trên cánh áo trắng. Tổ sư cha mày... Bà ta vừa nói vừa ngửng lên làm tôi biết ngay không phải bà chửi tôi. Cái thằng nhóc đứng cạnh tôi trên bờ tường, trong lúc xem nó ngứa ngáy thò chân đạp phía sau, nhè đụng ngay áo bà đứng trên hè. Nó cười giả lả rồi xây lưng lại nhẩy từ trên bờ tường xuống miệng nói: Dở ẹt! Hát vậy mà cũng đòi hát... Xong nó kéo thằng em nó bỏ đi chỗ khác chơi. Tôi có chỗ đứng rộng hơn ở lại coi thêm hai màn diễn nữa, một màn kịch tố Cộng và một màn múa thượng Đường Lên Sơn Cước rồi tôi cũng bỏ về, vừa đi vừa nhẩy cẫng lên bắt chước điệu bộ của mấy anh cán bộ trong vở kịch tố Cộng tôi vừa xem, miệng hát: Son mì son, mì son tố mì... 

Sáng hôm sau tôi được nghỉ Tết. Buổi trưa có thầy giáo Khuê của tôi lại thăm cha tôi. Thầy Khuê là thầy giáo dậy môn Việt văn của tôi trong niên học trước, khi tôi còn ở Sài Gòn học lớp Ðệ Thất trường trung học tư thục Chi Lăng ở ngã sáu Chợ Lớn. Hè vừa rồi khi tôi theo chân cha tôi lên sống ở Đà Lạt thì thầy Khuê cũng rời trường Chi Lăng, thầy tìm được một việc làm mới ở đây với chức vụ quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Từ ban công nhìn qua khách sạn Du Parc tôi có thể nhìn thấy đài phát thanh chiếm 4 từng lầu bên cánh phải cùng của khách sạn Du Parc.

Nói đến đài phát thanh Đà Lạt tôi lại nhớ tới trong khoảng thời gian ấy chúng tôi không lần nào quên đón nghe chương trình nhạc yêu cầu của đài này, phát thanh mỗi tuần một lần, chương trình mở đầu bằng một bản nhạc ngoại quốc điệu Paso Doble vui tươi rộn rã. Tuần nào cũng vậy hai bản Đường về miền Bắc và Chiều vàng do Tôn Thất Niệm hát được thính gỉa Đà Lạt yêu cầu nhiều nhất. Mỗi chiều thứ sáu giọng hát vừa cao sang lại vừa trầm ấm của người ca sĩ tài tử này lan đi từ đài phát thanh ấy truyền khắp không gian ẩm lạnh của miền cao nguyên thấm vào hồn và sưởi ấm lòng người dân Đà Lạt; giọng hát có sức truyền cảm và quyến rũ đến độ ngày nay - tôi tin thế - sau hơn nửa thế kỷ, những người của Đà Lạt thuở nào đã từng một thời nghe Tôn Thất Niệm hát trên đài ấy, nay hẳn vẫn còn giữ nguyên mối xúc động khi nghe lại... chiều nào áo tím... nhiều quá… lòng thấy rộn ràng... nhớ người... Đường về miền Bắc bao cách xa ... Nhìn về đường lối muôn khó khăn... Đây núi cao... Đây suối sâu... (Đường về miền Bắc) hoặc... đường về lòng người tha phương nhớ... Chiều dần mờ mờ cô thôn vắng... Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng... Ta nén đau thương gắng bước hoài... Thuyền chèo tới nơi đâu ngừng bến...
(Chiều vàng). Ca sĩ Niệm là anh rể tôi. Anh lấy chị họ tôi, chị Nguyệt, con gái lớn của bác Thụy. Anh Niệm không bao giờ là người hát chuyên nghiệp. Cha tôi mê giọng hát của anh lắm có lần nói đùa: “Cháu hát hay thế thì theo nghề bác sĩ làm gì!”.

Thầy Khuê nói chuyện với cha tôi khoảng một tiếng đồng hồ. Thầy mang biếu cha tôi một chai rượu vang. Tôi đứng chơi ở cửa khi cha tôi tiễn thầy Khuê về. Thấy tôi cha tôi mắng: “Thằng này hay nhỉ? Đứng ỳ đó hả? Sao không ra chào thầy đi!”. Tôi cúi đầu nói li nhí trong miệng: “Chào thầy ạ!”. Cha tôi đưa mắt lườm tôi trong khi thầy Khuê xoa đầu tôi nói: “Thằng này đứng nhất môn Việt văn của tôi đấy! Không biết sau này có theo được nghề văn của bố nó không?”.

Sau khi thầy Khuê ra về cha tôi mở giấy bọc chai rượu đưa chai lên cao chăm chú đọc những hàng chữ nhỏ trên chai rồi quay qua nói với mẹ tôi: “Chai rượu vang Bordeaux này đắt lắm đây... thế là Tết này mình có được chai rượu quí để khai xuân rồi...”.

Mồng một Tết.

Tôi thức dậy rất trễ. Tiếng pháo nổ lẹt đẹt ở xa. Nó chỉ vừa đủ thấm vào trong giấc mơ chứ không đủ sức lôi tôi ra khỏi giấc nồng. Cho tới khi anh Triệu đốt một phong pháo đùng ở ngay trên ban công nhà thì tôi choàng dậy. Mùi pháo thơm - mùi của Tết - từ ngoài hiên ập vào phòng ngủ. Tôi dụi mắt. Mọi người đã chỉnh tề trong bộ quần áo mới.  Chị Thoa nói:
– Em mặc quần áo đi rồi còn mừng tuổi cậu mợ chứ!

Tôi mặc quần áo mới rồi qua phòng bên cạnh. Hai phòng thông nhau qua ngã hành lang ở  ban công.
Phòng này bình thường chỉ có một mình cha tôi ở. Cũng như phòng bên cạnh chỉ có mình tôi và chị Thoa. Nhưng Tết năm ấy có thêm mẹ tôi và anh Thạch từ Sài Gòn lên, anh Triệu hồi ấy dậy học ở dưới Sóc Trăng cũng lên, thành thử hai gian phòng nhỏ bỗng trở thành chật chội. Phòng cha tôi ở có một cái lò sưởi nhưng không mấy khi đốt. Trên vách tường treo đầy những giỏ phong lan. Bộ sa lông chỉ có độc một cái ghế đặt trước lò sưởi.  Ở góc buồng có một cái phản gỗ làm giường ngủ, cũng dùng để ăn cơm thay bàn ăn. Cha tôi còn mặc bộ đồ ngủ, ngoài khoác chiếc áo choàng dầy có giây thắt ngang bụng, ông ngồi uống trà tàu trên ghế sa lông. Mẹ tôi đầu vấn khăn bận chiếc áo dài nhung ngồi trên phản. Trước mặt bà là một cái tráp đựng trầu cau, hai ba cái thẩu đựng kẹo bánh. Các anh chị tôi đứng quanh phản, miệng người nào cũng nhóp nhép cắn hạt dưa. Tôi cúi xuống bốc một nắm mứt sen bỏ miệng. Mẹ tôi quay qua nói với cha tôi:
– Mình ngồi xuống phản đây cho con nó còn mừng tuổi.

Cha tôi ngồi yên trên ghế, không nhúc nhích. Ông nói:
– Các con mừng tuổi mợ thì còn có tiền mà tiêu Tết chứ. Mừng tuổi cậu thì cũng như không.

Mẹ tôi cúi xuống mở cái cháp lấy ra mấy phong bao đỏ. Bà cầm một cái đưa tay về phía anh Triệu. Anh cúi xuống toan cầm. Chị Thoa nhắc:
– Không nói gì à?


Anh Triệu nói như máy:
– Năm mới con chúc cậu mợ được dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng, buôn bán phát tài...

Rồi anh ngừng lại không biết nói gì hơn. Chị Thoa bảo:
– Ăn nói thế mà cũng đòi đi dậy học Việt văn. 

Đến người cuối là tôi, mặc dù chỉ lí nhí nói vài câu, tôi cũng được mẹ tôi lì xì những hai cái phong bì. Bà bảo mọi người:
– Thằng út này hôm nọ được thầy giáo khen, thưởng nó gấp đôi.

Thế là Tết ấy tôi có nhiều tiền nhất nhà để đánh tam cúc và đánh bất. Mừng tuổi bố mẹ xong chúng tôi ra ngoài ban công thì thấy ở bên kia đường trên lầu hai của khách sạn Du Parc trước một cái cửa sổ mở rộng có một người đang giơ tay vẫy qua vẫy lại. Nhìn kỹ thì đó là bác Thụy tôi. Cha tôi cũng ra đứng ở hiên vẫy tay chào lại bác. Thật là một ngạc nhiên lớn cho chúng tôi vì bác Thụy năm ấy không hiểu vì lý do gì lại không ăn Tết với gia đình ở dưới Sài Gòn mà lại một mình lên Đà Lạt ăn Tết với chúng tôi. Hình ảnh bác Thụy và cha tôi vẫy tay chào nhau buổi sáng mồng một Tết Bính Tuất 1956 ấy lưu giữ mãi trong ký ức tôi. Cố nhiên cái hình ảnh ấy đối với một đứa bé 15 tuổi như tôi hồi ấy không mang một ý nghĩa gì đặc biệt. Nhưng nay, 52 năm sau, nhớ lại hình ảnh ấy tôi không thể nào không liên tưởng đến Hội nghị trù bị Đà Lạt 1946 xẩy ra đúng 10 năm trước đó, cha tôi là trưởng phái đoàn Việt Nam và bác Thụy tôi là cố vấn của đoàn. Khách sạn Du Parc này 10 năm trước đã là nơi trú ngụ của tất cả các nhân viên phái đoàn Việt Nam trong thời gian phái đoàn thương thảo với Pháp tại hội trường của lycée Yersin Đà Lạt.
Thời gian đó vào những buổi chiều sau những giờ phút căng thẳng của hội nghị cha tôi và bác tôi thường ngồi uống rượu ngắm cảnh hồ Xuân Hương trước thềm hiên của khách sạn Langbian. Bây giờ hồi tưởng lại tôi tự hỏi biết đâu sự hiện diện bất ngờ của bác tôi vào dịp Tết năm ấy chẳng phải là sự tình cờ mà do sắp xếp trước của cha tôi mời bác lên Đà Lạt để hai anh em kỷ niệm (riêng với nhau) 10 năm những ngày lịch sử trọng đại đầy sóng gió ấy.

Chúng tôi đang đánh tam cúc thì bác Thụy qua chơi. Bác người cao lớn, mắt sâu mày rậm mũi cao, trông bác như một ông tây. Bác bận bộ đồ lớn đi đứng đường vệ, một cánh tay gấp trước ngực, vung cái ống pipe khi nói chuyện. Nguyên là tổng giám đốc bưu điện quốc gia Việt Nam con người bác toát ra một vóc dáng bề thế nó làm lũ trẻ chúng tôi luôn luôn nhìn bác với cặp mắt e dè kính nể có phần nào xa cách gần như sợ hãi. Vì vậy ngồi đánh bất với bác buổi sáng mồng một Tết năm ấy lần đầu tiên tôi nhìn thấy con người bình dân trong bác và từ đó mỗi lần nhớ về người bác cả của tôi, tôi thấy bác gần gũi hơn nhiều trong tâm tưởng.

Thấy chúng tôi ngồi đánh tam cúc bác nói:
– Dẹp bộ tam cúc đi! Đánh bất vui hơn... 

Nói rồi bác vén hai gấu quần tây ngồi xếp bằng xuống chiếu. Chúng tôi bốn người có thêm bác là năm. Anh Triệu trao bài. Bác hỏi có ai muốn làm “chương” không, chỉ có anh Triệu giơ tay. Bác nhường anh tôi làm cái trước. Anh Triệu đang làm chương thắng được mấy ván lớn thì bác Thụy chìa hai con bài và giành làm nhà cái. Mất chức làm cái anh tôi tiếc rẻ hát bài Kiếp Hoa: Thương thay đời... chương, kiếp sao sớm nở tối tàn... Tôi vì không thuộc mặt bài nên tôi chỉ hai con bài của bác Thụy hỏi chị Thoa:
– Lá bài có vẽ con cá là thế nào?

– Đó là bát vạn. Lá kia là nhị văn. Tám cộng hai là mười, mười to nhất được làm chương, hiểu chưa?
Rồi chị quay qua nói với bác Thụy:
– Bác hên quá! Nhị tống bát mà lại không tống cửu!

Bác Thụy bảo:
– Bác bắt con bát vạn trước, con nhị văn sau.

Tất cả bỗng ồ lên:
– Trời! Sao bác liều quá vậy...  tám mà bốc nữa thì dễ “bương” lắm.

Biết được cái “tủ” ấy của bác chúng tôi thắng lớn. Khi thấy nhà cái chỉ rút có độc một cây thì chúng tôi cầm chắc đó là con cửu. Đánh mà biết rõ cách chơi bài của bác chúng tôi chỉ có một là thắng hoặc hòa chứ rất ít thua. Một tiếng đồng hồ sau bác tôi đứng lên nói:
– Tụi bây vắt hết tiền của bác rồi! Thôi không chơi nữa.

Tết ấy tôi có dư tiền mua một cái kèn Harmonica mới. Nhớ tới buổi đánh bất ấy bây giờ tôi mới hiểu ra là Tết đó bác đã cố tình đánh thua và tiền chúng tôi thắng được chính là tiền lì xì của bác, một hình thức cho tiền mừng tuổi hết sức tế nhị của bác Thụy tôi.

Buổi trưa cha tôi mời bác Thụy ở lại dùng cơm nhưng bác nói có việc phải đi hẹn hôm sau trở lại. Chúng tôi quây quần ngồi trên mâm cơm đặt trên phản. Cơm có thịt kho dưa chua. Hai cái bánh chưng được cắt bằng giây lạt thành những miếng hình tam giác. 

Trước khi ăn cha tôi nói:
– Nào! Có chai rượu quí phải mở ra để uống mừng xuân chứ.

Rồi ông nhìn quanh tìm cái mở rượu. Không thấy cái mở rượu đâu ông quay qua hỏi mẹ tôi. Đặt đĩa dưa chua trên phản, mẹ tôi nói:
– Hình như ở trên lò sưởi ấy.

Nói rồi mẹ tôi tiến lại lò sưởi giơ tay lên bệ cao để tìm. Bỗng “xoảng” một cái. Chúng tôi  giật mình quay lại. Chai rượu quý đặt trên bệ cao rơi xuống sàn vỡ tan. Cha tôi lúc ấy đang ngồi trên ghế xa lông cạnh lò sưởi nhỏm ngay dậy đưa tay dựng đứng chai rượu vỡ trên sàn. Mẹ tôi cúi xuống cầm lấy chai đặt lên bàn. Chai rượu vang bị vỡ đôi ngang chỗ cổ chai. Nhờ cha tôi nhanh tay nên rượu trong chai vẫn còn gần đầy. Nhưng chúng tôi đều biết là mảnh vụn thủy tinh đã lẫn vào trong rượu. 

Chị Thoa giúp mẹ tôi quét dọn miểng thủy tinh và lau chùi rượu trên sàn. 

Cha tôi chỉ chai rượu trên bàn bảo mẹ tôi:
– Còn chai này nữa. Sao không dẹp đi cho rồi.

Mẹ tôi nhìn chai rượu tiếc rẻ nói:
– Rượu còn đầy nguyên mà. Rượu đắt tiền chứ có phải rẻ đâu mà đổ đi. Phí của trời!

–Uống vào để cho thủy tinh nó cứa thủng bụng hả? 

Mẹ tôi trầm ngâm một lát rồi nói:
– Tôi có cách!


Bà xuống nhà bếp lục lọi một hồi mang lên nhà một cái phễu lại đi tìm một cái chai rượu không đặt phễu lên trên. Xong bà lấy thật nhiều bông gòn bỏ trên phễu và bắt đầu trút rượu trong chai vỡ lên trên miếng bông gòn. Mẹ tôi làm công việc trút rượu này rất chậm rãi và cẩn thận. Khi chai rượu được đổ sang gần hết mẹ tôi chừa lại ít cặn trong cái chai vỡ rồi mang chai này vào bếp vứt thùng rác. Cha tôi nhìn mẹ tôi làm yên lặng không nói gì. Nhưng rõ ràng là ông bực mình. Mẹ tôi nhìn cái mũi cau cau nhăn nhăn của cha tôi thì biết ngay là ông đang cáu, bà nói:
– Ông không uống thì để tôi uống. Rượu đắt thế này mà không uống có phí của trời không chứ.

– Bà thì chỉ nghĩ đến cái lợi nhỏ mà quên cái hại lớn. Lỡ mà còn có mảnh chai nó cứa vào bụng thì có phải chết người không?

– Mình không thấy tôi làm à? Lọc kỹ thế này làm sao mà còn thủy tinh trong đó cơ chứ?

Nói xong mẹ tôi tự rót cho mình một nửa cốc đưa lên uống một hơi cạn. Rồi “khà” một cái bà tấm tắc khen rượu ngon như để chọc tức cha tôi.

Quay sang mâm cơm mẹ tôi bảo chúng tôi:
– Uống đi. Ai uống được rượu cứ uống. Mợ cho phép đấy!

Anh Triệu vội đứng dậy. Anh là một tay uống rượu cừ không thua cha tôi. Rót cho mình một cốc đầy anh nói với cha tôi:
– Cậu uống đi. Con chắc chắn là mợ đã lọc kỹ rồi. Thủy tinh nặng hơn rượu nên lắng xuống đáy chai, lúc nẫy con để ý mợ đã cẩn thận chừa lại chỗ rượu ở đáy không trút qua. Như vậy là chắc ăn rồi.

Cha tôi  không nói gì. Lát sau ông mới lên tiếng:
– Uống rượu là để tìm cái thú. Uống mà vừa uống vừa lo thì uống làm gì. Cậu không uống vì có uống cũng sẽ không còn thấy ngon nữa. Không thấy ngon mà vẫn cứ uống, nghĩa là uống chỉ vì tiếc tiền thì rất không nên.

Câu nói của cha tôi không có tí nào tác dụng đối với chúng tôi vì sau đó cả anh Thạch và tôi cùng đứng lên đòi uống.

Thế là cái chai rượu quý khai xuân thầy giáo Khuê tặng cha tôi trong dịp Tết Bính Thân năm 1956 đó cha tôi không thưởng thức được lấy một giọt. 

Ngồi trên xa lông nhìn bốn mẹ con tôi chia nhau uống sạch bách chai rượu vang lại  say sưa ăn nói huyên thiên ông chỉ yên lặng khẽ lắc đầu. 

Seattle, bên thềm Xuân Ất Sửu 2009.
Nguyễn Tường Thiết