Bà Vĩnh bán nhà lên Hà Nội ở với đứa con gái, căn nhà mái ngói ba gian cũ kỹ
của bà và mảnh vườn rộng hai sào được bán cho một người đàn ông.
Hôm ông ta dọn về nhà mới, Khánh có sang chào hỏi, chuyện không nhiều lắm,
chỉ biết được đôi điều ông ta có con cái đã trưởng thành, giờ muốn về quê sống
như những người hưu trí muốn nhàn nhã, điền viên nơi thôn quê.
Khánh cũng không rõ ông ta trước kia làm nghề gì, thấy bảo cả đời ở thành
phố. Nhưng hôm anh thấy ông ta cuốc mảnh vườn, nhặt đá sỏi và rễ cây sạch sẽ,
để lại miếng đất mầu nâu thẫm tơi đều. Anh nghĩ không biết ông có phải đúng
người thành phố hay không nữa. Ông ta còn chặt tỉa và phạt lại bờ rào, lấy dao
dọc lá ủ làm làm phân xanh, Cũng đào hố ủ lá và lấp bùn, những cành cây ông ta
đốt thành fro và đổ vào đất vườn. Việc ông ta làm gọn ghẽ, chẳng thừa cái gì,
đâu vào đấy cả một cách rành rẽ và kế hoạch như một nhà nông thực thụ.
Trong lúc chờ phân xanh ủ, đất cuốc phơi nắng sương và vụ rau mùa đông đến, ông
ta đóng chuồng gà. Ông trộn vữa và dùng gạch xây ba bức vách chuồng gà, lấy
thanh gỗ làm chỗ gà đậu ở một góc chuồng, lợp mái ngói cho chuồng gà như người
giàu có thời xưa lợp mái ngói nhà. Nghĩa là cũng có lớp ngói vuông dưới và bên
trên là lớp ngói vảy cá.
Lúc ông ta làm chuồng gà, Khánh nghĩ ông ta trước kia làm nghề xây dựng, có
khi là thợ nề cũng nên. Chuyện ấy ở nông thôn không có gì lạ, một người đàn ông
ở nông thôn biếy cày bừa, làm ruộng hay xây nhà ngói ba gian hoặc thậm chí là
nhà mái bằng mấy tầng. Nhưng ông ta là người thành phố, không phải người nông
thôn. Nếu ông ta là người nông thôn hẳn sẽ mua đất ở quê mình chứ không mua đất
nơi khác ở một mình như vậy. Ông ta chả có vẻ là người đi trốn nợ tiền hay
tình, mỗi sáng ông bê khay trà ra hiên uống và kéo sòng sọc hơi thuốc lào dài,
nhả khói đầy vẻ khoan thai, ngạo nghễ của người không còn phải mang nợ gì cuộc
đời này nữa.
Đến mùa rau đông, ông ta cặm cụi đánh luống, bỏ phân xanh, làm rãnh rồi ra
chợ phiên mua rau giống về trồng. Cái chuồng gà xây đã xong nhưng mãi không
thấy ông mua gà về nuôi. Phải đến hai tháng sau khi cây su hào đã lớn, ông mới
mang về mấy con gà choai choai hơn nắm tay. Đó là những con gà chọi, Khánh sang
chơi hỏi thăm, ông kể hào hứng.
– Bọn gà này tôi phải đặt mua của một người nuôi gà nhiều năm, đúc ra nhiều
gà hay. Họ có con gà mái giống nổi tiếng, người ta bảo chó giống cha, gà giống
mẹ. Để có đàn gà này, mấy tháng trước tôi đã mua một con gà trống mù một mắt và
què một chân, con gà trống đó đã chiến thắng nhiều trận oanh liệt nhưng khi nó
già và không còn tham chiến được nữa, tôi nằn nì chủ nó mua về làm giống. Tôi
phải cho ông có con gà mái hay kia con gà bố, đổi lại lấy lứa con đầu này.
Đấy là lần đầu tiên Khánh thấy ông ta bộc lộ cảm xúc nhiều, từ ánh mắt sáng
lên khi nhắc đến đàn gà và lịch sử con gà bố, gà mẹ như cả niềm đam mê trong
ông toát ra. Nhưng ở quê thì cũng nhiều người nuôi gà và cũng như thú đam mê,
vì ở quê niềm tiêu khiển của người nông thôn cũng chẳng có nhiều. Người có điều
kiện họ nuôi thêm gà chọi, chim hót hoặc cây cảnh làm thú vui, làng này 60 nóc
nhà thì cũng phải đến hơn 10 nóc nhà nuôi gà chọi.
Qua vụ rau đông vào giữa mùa xuân, những mảnh nắng vàng ấm đã quay trở lại,
đàn gà của ông hàng xóm nhà Khánh cũng đến tuổi dậy thì. Cả đám đấy chỉ có mỗi
một con gà trống, còn lại là bốn con gà mái. Chú gà trống đã lộ yết hầu, đôi
lúc cùng bầy ở giữa sân, chú đứng ngơ ngác nhìn những cô gà mái chung quanh và
dường như chú đã cảm thấy sự khác lạ về giới tính cũng như những gì đó đang
chuyển đổi trong cơ thể mình. Ánh mắt của chú vừa tò mò, vừa nghi ngờ.
Mùa hè đến, ông hàng xóm không trồng rau. Ông bảo ở tuổi ông, xách nước tưới
ra mùa hè nhọc quá sức, nên không trồng gì, kệ cho cỏ mọc đến mùa thu tính sau.
Sau mấy cơn mưa đầù mùa hè, vườn rau cũ cỏ lên nhanh trông thấy. Giữa mùa hè
con nhà Khánh bị ốm tiêu chảy, sốt cao nằm ở bệnh viện huyện, Khánh cũng không
khá giả gì, hai vợ chồng bỏ làm thay nhau chăm con, cũng bấn loạn. Ông hàng xóm
vào thăm, nghe bệnh tình và gia cảnh, ông bảo thôi đưa cháu lên Hà Nội mà chữa cho
yên tâm, để mẹ nó đi theo chăm còn Khánh về lo việc nhà. Thế rồi ông tự nhiên
như ông nội, bảo vợ con Khánh chuẩn bị và gọi xe đưa vợ con Khánh lên Hà Nội.
Ông bảo lái xe cứ đến viện gọi cho người nhà ông, sẽ có người lo chu đáo.
Hôm vợ con Khánh ở Hà Nội về, có xe ô tô đưa về tận nhà, lại có cả quà cho
cháu bé là đồ chơi và quần áo của người ta. Vợ Khánh bảo mình biết ai ra ai mà
nhận, nhưng người trên đó nói là chị và cháu đã được gửi đến chúng tôi lo lúc
đến đây thì lúc về cũng phải chu đáo. Vợ chồng Khánh nói chuyện với nhau rồi
nghĩ ông hàng xóm bên cạnh là một quan chức rất to về hưu, hay là một đại gia
giàu có có nhiều quan hệ và thế lực.
Mùa thu, những cơn gió heo may gờn gơn thổi mơn man da mặt, mấy hôm không
thấy ông hàng xóm ra ngoài. Khánh sang thăm, thấy ông nằm co quắp trong chiếc
chăn dầy, ho sù sụ, dáng vẻ tiều tuỵ và xuống sức rõ rệt. Ông dậy khoác chiếc
áo mùa đông mặc dù trời vẫn còn nóng chán, ông bảo.
– Tôi bị sốt rét, mỗi lần trở mùa tôi lại bị. Ngày trước trẻ có mấy năm tôi
sống trong rừng, thiếu thốn nhiều, mấy bệnh sốt rét hay lao lực cũng nhiễm. Giờ
có tuổi rồi chúng mới ngấm cậu ạ.
Xẩm tối Khánh sang nhà ông hàng xóm lần nữa xem sao, thấy ông có vẻ đỡ hơn,
đã ngồi trên ghế uống trà, tuy vẫn khoác cái áo mùa đông. Ông nói.
– Cậu có nghe tiếng dế không?
Khánh ngạc nhiên, ở quê tiếng dế kêu thường xuyên, ai mà để ý đến chúng. Ông
hàng xóm hiểu cái ngạc nhiên của Khánh, ông nói.
– Tiếng dế kêu có nghĩa là môi trường ở đây còn sạch, chúng là loại vật nhạy
cảm, chúng chỉ sống được những chỗ thiên nhiên sạch không có rác rưởi, hoá chất
đổ lan tràn. Đó là tiếng kêu báo hiệu của sự sống an lành. Một tí nữa chúng sẽ
kêu nhiều hơn, anh ngồi uống với tôi chén nước.
Hết một tuần trà ngon, nước trà xanh và vị ngọt đọng trong họng, ông hàng
xóm pha ấm trà thứ hai, ông vểnh tai ra vườn một lúc rồi bảo.
– Gáy rồi, nó đấy rồi. Anh có nghe thấy không?
Khánh gật đầu, tất nhiên là anh có nghe tiếng dế kêu. Ông hàng xóm bảo.
– Bọn dế đang ở ngoài vườn rau mà tôi không trồng gì, cỏ lên đầy làm chúng
tìm đến ở. Nhưng có mới có một con thôi, chắc nó vừa đến tuổi trưởng thành và
ra ở riêng, nó tìm đến mảnh vườn của tôi. Tổ của nó sinh ra có khi tận tít
ngoài bờ đê kia. Anh có hiểu tiếng tít tít tít ngắn dài là nó muốn nói gì
không.?
Khánh nghệt mặt nhìn ông hàng xóm, có khi ông ta bị bệnh nặng quá lên lẩm
cẩm rồi. Ông ta như mừng rỡ bắt được của khi phát hiện ra một con dế từ đâu đến
vườn nhà ông ta làm tổ vậy.
Ông hàng xóm không để ý đến nét mặt của Khánh, hoặc có thể ông ta biết rõ
Khánh nghĩ gì và quá quen kiểu người đối diện như thế nên không cần để ý. Ông
ta nói như tự cho mình nghe.
– Đó là tiếng kêu gọi con cái, gọi tình yêu. Như con gà trống của tôi kia
trưởng thành, mỗi lần nó gọi gà mái thường lục cục, lục cục những tiếng ngắn
như mời mọc ân cần, như nó muốn chia sẻ món ăn, muốn chăm sóc con cái mỗi khi
nó có mồi. Gọi là sự cao cả của giống đực hay sự lường gạt thế nào cũng được,
nhưng nó là cách thể hiện tình yêu. Con dế của tôi là con dế đực, nó đang gọi
tình yêu bằng những âm thanh ngắn, khi màn đêm xuống.
Khánh lắng tai nghe, đúng là có tiếng dế từ bãi cỏ ở vườn rau, tiếng kêu
ngắn tít tít tít. Giờ anh mới thấy vậy dù anh sống từ bé ở đây, anh hỏi.
– Thế lúc nó gáy the te te là gì.?
Ông hàng xóm mắt sáng ngời khi thấy anh quan tâm, ông nói.
– Đó là tiếng gáy đấy, tiếng báo hiệu chủ quyền, báo hiệu lãnh địa. Tiếng
cảnh báo những kẻ nào xâm phạm nơi nó sống, cho những con dế khác biết đường
phải đi nơi khác nếu không muốn một cuộc chiến nảy lửa có thể mất càng, đứt cổ
chết tươi. Đó là ý chí kiêu hùng ý thức về việc bảo vệ chủ quyền của loài vật,
con gà, con chó và con dế là những con vật mà ý thức bảo vệ danh dự, chủ quyền,
nòi giống của chúng rất mạnh mẽ trong số những con vật gần gũi chúng ta.
Ông ngừng bặt, dỏng tai một hồi rồi lẩm nhẩm.
– A, nó có bạn tình rồi, tiếng nó ngắn và phấn khích lắm.
Tiếng dế im bặt, ông hàng xóm bất động. Khánh thấy vậy nhẹ nhàng gật đầu
chào ra về, ông cũng chỉ nhìn và gật đầu lại, ông còn mải nghe xem con dế mèn
ngoài vườn còn kêu gì không.
Khánh về kể chuyện với vợ, ông hàng xóm ốm nhưng nghe tiếng dế kêu đã khỏi
bệnh, hình như ông ta có vấn đề về thần kinh. Vợ Khánh bảo có lẽ ông ta là một
giáo sư về sinh vật học, thế nên ông về hưu muốn về quê ở vì còn nhớ nghề, có
thế người ta mới nể ông mà giúp cho nhà mình lúc con ốm. Không phải quan chức
hay đại gia đâu, vì ông ta sống thanh bạch và không có vẻ như người giàu có
muốn tìm chỗ an nhàn hưởng thụ.
Khánh bảo giáo sư nào mà biết lợp ngói vảy cá âm dương cho chuồng gà, lại
còn cách ông ta miết mạch vữa, cầm viên gạch chặt đúng 1 phần 3 để vừa đoạn
cuối gọn gàng như ông Tứ thợ xây kỳ cựu ở làng mình nữa.
Tuần sau ông hàng xóm khoẻ, ông mua tre về hì hục chẻ làm hàng rào ngăn vườn
rau, thực ra đang là bãi cỏ thành một hình vuông để không cho đàn gà vào đó.
Khánh hỏi sao ông không trồng tiếp, ông bảo để đấy cho con dế nó sống, sợ gà ăn
mất nó ông phải rào lại.
Vợ chồng Khánh tối ấy lại nói chuyện, họ bắt đầu lo cho ông bị bệnh tâm
thần. Vợ Khánh bảo.
– Khổ thân ông, chắc trước làm việc nhiều đầu óc có vấn đề, phải về quê chữa
bệnh cho khỏi nghĩ, có thế nhà ông ấy mới để ông ấy về quê, nhìn ông ấy đâu
phải người cô độc không ai thân thích mình nhỉ?
Khánh nói triệu chứng như thế là tâm thần nhẹ, hay người ta gọi là điên
lành, không như người bị bệnh điên dữ.
Con gà trống nhà ông hàng xóm đã trưởng thành, tiếng gáy của nó là vang và
ngân xa dõng dạc. Bước đi của nó cũng oai hùng, mã lông trổ ra óng ả và nhiều
màu sắc. Nó là một con gà ngũ sắc, nhưng sắc tía đỏ nhiều hơn nên nhìn rất đẹp
và oai vệ. Nó đã biết xoè cánh dậm một chân vòng quanh con gà mái để ve vãn và
biết lục cục gọi mồi.
Ông hàng xóm sống một mùa thu vui vẻ, ông không có ý định trồng rau vào cái
vườn mùa đông nên không cuốc xới như mùa trước.
Thế rồi lại bẵng mấy hôm không thấy ông ngồi hiên nhà uống nước trà và rít
thuốc lào sòng sọc, Khánh lại mò sang ông.
Thấy Khánh vào, lặng lẽ pha ấm trà, mặt ông rầu rĩ thê thảm. Khánh hỏi ông
có chuyện gì buồn không. Ông rót chén trà xanh, thứ trà hảo hạng chắc phải kỳ
công và tốn tiền lắm mới mua được ở thời buổi gian dối, toàn pha hoá chất độc
hại vào đồ ăn uống như bây giờ.
Ông nói như kể chuyện.
– Con dế chết rồi.
Ông nhấp ngụm nước và mở đầu câu chuyện bằng một thông báo buồn đầy vẻ u uẩn
như báo tin về một người bạn thân của ông vừa chết vậy.
– Hôm kia, à không phải, hôm kìa tôi thấy con gà trống lục cục rộn rã gọi gà
mái, tôi cũng vui vì nó trưởng thành, chạy ra sân xem thì nó đang mổ một con
dế, nó vừa dùng mỏ gắp lên lại thả xuống và kêu lục cục như muốn bọn gà mái
nhìn thấy, và thúc dục chạy đến đây đi, có quà ngon này, quà cho phái đẹp của
người hào hoa đây. Tôi thắt tim chạy đến định cứu nhưng con dế đã nát bét đầu
làm sao mà còn sống nổi. Tôi kịp nhìn cánh trên lưng con dế, nó óng mượt không
có vết xoăn, tôi cũng nhẹ lòng vì biết nó không phải là con dế đực, nó là con
dế cái. Như thế dù sao con dế đực trong vườn kia không phải con dế đang làm mồi
tình yêu của con gà trống này.
Khi đàn gà mái chạy đến miếng mồi ngon, con gà trống bỏ con dế xuống và đứng
nhìn hai con gà mái giằng đôi con dế làm hai và nuốt vội, con gà trống chờ có
thế nó nhảy đè lên lưng con gà mái mặt đỏ hồng hơn và làm cái chuyện ấy.
Đêm đó tôi nghe thấy con dế đực kêu, tiếng kêu nó buồn thảm lắm, lúc đầu nó
kêu tiếng mọi khi như thúc dục, rồi mãi sau tiếng kêu của nó trở thành ai oán,
nức nở. Tôi mới nghĩ ra con dế cái của nó đã thành món quà tình yêu của con gà
trống cho bọn gà mái rồi.
Đêm hôm sau, hôm sau nữa con dế mèn đực không còn kêu gọi tình yêu nữa, cứ
đến tối khi màn đêm phủ nó bắt đầu cất tiếng kêu đau đớn như nó oán đời, oán cả
tôi nữa anh à, khiến tôi không thể nào ngủ nổi. Rồi sáng hôm kia, tôi nghe
tiếng dế gáy, anh đã bao giờ nghe tiếng dế gáy buổi sáng sớm chưa, lúc mặt trời
lên rạng rỡ, chưa phải không. Tôi cũng tưởng mình nghe nhầm, tôi chạy ra sân
thì đúng là thấy một con dế mèn đậu giữa sân, lưng cánh nó xoăn tít, hai đùi
bự, đầu bóng nhoáng, hai cai râu dài ve vẩy, một con dế mèn đực quá đẹp anh à.
Nó đậu giữa sân và xoè cánh lên gay te te te. Tôi mải ngắm mà không nhận ra nó
dường như đang thách đố bọn gà, tôi cũng không nghe tiếng con gà trống đang lục
cục từ phía sau cái nhà bếp đang tiến ra. Lúc tôi nhận ra bọn gà, tôi vừa xuỵt
đuổi mấy con gà mái thì con gà trống đã chạy vọt tới mổ con dế chạy biến vào
hàng rào, tôi chạy đến hàng rào thì con gà trống đã nuốt ực con dế, hình còn dế
còn nổi cục trên cổ con gà trôi dần xuống diều.
Ông hàng xóm ngừng lại, rót thêm nước trà, ông than.
– Giá như nó tiếp tục cuộc đời phiêu lưu, không dừng chân ở đây để xây dựng
tình yêu, có lẽ nó đã không chết. Tôi thương nó, nghĩ quẩn vậy thôi, chứ con
vật nào mà không muốn yên lành, lo gây dựng nòi giống đâu anh nhỉ?
Khánh an ủi.
– Chú nghĩ nhiều quá, cháu thấy chỉ là con dế thôi mà.
Ông hàng xóm.
– Đúng là tôi lẩn thẩn, chỉ có con dế thôi mà.
Ông hàng xóm ngày có vẻ yếu hơn, một hôm ông sang nhà Khánh nói.
– Tôi không sống ở đây nữa cậụ à, từ khi đêm đến không còn nghe tiếng dế, cứ
nghĩ là tôi lại buồn. Tuổi già cứ vẩn vơ càng nghĩ càng ốm. Cái nhà này tôi để
cho lũ cháu tôi ở Hà Nội, sau này về già đứa nào muốn dưỡng già thì về đây ở
hay bán tuỳ chúng. Trước mắt vợ chồng anh cứ sử dụng vườn tược, nhà cửa chăm
nom hộ chúng tôi.
Đêm ấy vợ chồng Khánh nói chuyện, cả hai đều khẳng định chắc hẳn ông hàng
xóm bị tâm thần.
Một tháng sau vào một buổi tối, Khánh đang ngồi xem ti vi, bỗng nhiên anh
chạy ra ngoài sân nhà mình hóng sang vườn nhà ông hàng xóm rồi gọi toáng lên.
– Mình ơi, mình ơi ra đây bảo này.
Vợ Khánh hớt hải chạy ra, Khánh bảo.
– Mình nghe thấy gì không, bên vườn cỏ kia ấy, tiếng dế mèn kêu đấy, tiếng
kêu ngắn tít tít tít là của con đực gọi con cái, ôi đúng tiếng con dế trước
rồi, đúng nó mình ạ, nó kêu đúng điệu này, đúng âm thanh này.
Tối hôm sau đến Khánh lại dỏng tai nghe và xuýt xoa.
– Đúng con dế này rồi, đúng tiếng nó rồi. Mình nghe thấy gì không.?
Vợ Khánh nhìn chồng, chị định nói rằng cả hôm qua đến hôm nay, chị không hề
nghe tiếng dế nào cả. Nhưng nghĩ thế nào chị lại thôi không nói.
Tuy thế chị vẫn nhủ sáng mai sẽ bắt hết gà trong chuồng đem bán.
Người Buôn Gió
21/10/2017