Góc Sân Chơi hân hạnh được sự cho phép của Nhà văn Điệp Mỹ Linh để gửi đến Quý vị một tác phẩm bi tráng về cuộc di tản của Hải Quân VNCH trong những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam VNCH. Mời Quý vị thưởng lãm một tài liệu quý giá dưới ngòi bút tài tình của một nhà văn nữ trong những giờ phút khốc liệt của lịch sử. GSC xin mời.
HẢI QUÂN V.N.C.H. RA
KHƠI, 1975
NHỮNG BIẾN CHUYỂN
QUÂN SỰ
và
CÁC CUỘC RÚT QUÂN BẰNG ĐƯỜNG THỦY
Cho các con Xuân Nguyệt, Hồ Quang Thanh, Xuân Hương, Hồ
Quang Liêm, Phạm Thế Vượng và những người trẻ cùng thế hệ để tất cả hiểu được
những hải trình khổ nạn mà Ông và Cha đã vượt qua.
THAY LỜI TỰA
Là một ngòi bút nữ không chuyên nghiệp, tôi rất say mê viết
về Lính và tâm tình của Lính, nhưng không bao giờ tôi có ý định viết quân sử. Đối
với tôi, tường thuật là một thể loại tôi không thích; vì thể loại này hơi khô
khan, cứng ngắt, không hợp với tâm hồn tôi. Vì vậy, thực hiện cuốn tài liệu Hải-Quân
Việt-Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 không phải là “cao vọng” (?) hay ý tưởng lập dị
của tôi, mà chỉ là một cố gắng vượt bực để giới thiệu đến độc giả một quân chủng
thầm lặng nhưng được rất nhiều cảm mến của mọi người.
Trong Hải-Quân không hề thiếu những cây bút thừa khả năng để
ghi lại những đoạn đường đầy chông gai mà tập thể ấy đã vượt qua. Nhưng sở dĩ
tôi được hân hạnh làm công việc này là vì tấm lòng tha thiết của tôi đối với
quân chủng này từ khi tôi trở thành “dâu” của Đại-Gia-Đình Hải-Quân.
Vì yêu thích thiên nhiên và cũng vì muốn thấy tận mắt những
khía cạnh gai gốc nhất của quân chủng Hải-Quân để viết bài, tôi xin tháp tùng
những đơn vị chiến đấu Hải-Quân.
Sau khi được Tư-Lệnh Hải-Quân Trần Văn Chơn cho phép, tôi gửi
các con của tôi vào nội trú tại trường Régina Pacis và Notre Dame des Missions
để lênh đênh trên những chiến đỉnh trong Vùng IV Sông Ngòi hoặc ghe Chủ Lực dọc
miền Duyên Hải.
Nhờ thời gian dài sống cạnh những đơn vị tác chiến này
tôi mới cảm nhận được tất cả nỗi đau thương của Người Lính V.N.C.H. Và cũng nhờ
thời gian này tôi mới ý thức được rằng Người Lính Hải-Quân cũng chiến đấu can
cường, liều lĩnh và dũng cảm không thua bất cứ một đại đơn vị tác chiến nào của
Quân-Lực V.N.C.H.
Tôi vẫn nhớ, những đêm đen, thấy hỏa châu rực sáng một vùng
và nhìn đoàn giang đỉnh lầm lủi tiến về một đồn Nghĩa-Quân đang kêu cứu, tôi bỗng
nghe nhiều tiếng B40 và B41 từ hai bên bờ sông bắn xối xả ra đoàn tàu. Chiếc
Fom dẫn đầu bị mìn. Quanh tôi, lẫn trong tiếng đạn và mìn vang rền là từng cột
nước phun cao, đổ ào xuống đoàn giang đỉnh, át cả tiếng kêu cứu từ máy truyền
tin của nhân viên chiếc Fom và của đồn Nghĩa-Quân. Như đã tiên liệu, đoàn giang
đỉnh vừa chống trả mãnh liệt vừa tiếp cứu thủy thủ đoàn của chiếc Fom và vừa trực
chỉ đến giải cứu quân bạn. Những lúc đó tôi thầm nhủ là tôi phải ghi lại những
sự kiện này và những hình ảnh bi hùng có thật của Người Lính Áo Trắng.
Tâm nguyện của tôi tưởng chỉ quẩn quanh trong những dòng
sông nhuộm máu ở U-Minh. Nhưng, đến đầu năm 1975, Người Lính Áo Trắng không những
chỉ giải cứu đồn Nghĩa-Quân mà Người Lính Áo Trắng còn đón cả mấy Sư-Đoàn thiện
chiến và cả vạn vạn đồng bào từ Vùng I và Vùng II Chiến-Thuật đưa về Saigon và
Phú-Quốc thì tâm nguyện của tôi trở nên to lớn hơn và khó khăn hơn.
Tôi muốn ghi lại những đóng góp vĩ đại của quân chủng Hải-Quân
như là một tài liệu lịch sử.
Tuy nhiên, việc sưu tầm và đúc kết cuốn tài liệu lịch sử này
tỷ như hành động hạ thủy một chiến hạm; sau đó, mọi sự việc xảy ra cho chiến hạm
đều tùy thuộc vào mức độ xử dụng, tu bổ và bảo trì của tất cả sĩ quan, hạ sĩ
quan và thủy thủ đoàn.
Trong ý niệm đó, tôi mong sẽ nhận được những ý kiến, những dữ
kiện, những hình ảnh, để bổ khuyết cho cuốn tài liệu này thêm phần chính xác.
Và lần tái bản này đã có vài bổ khuyết.
Tôi xin được minh xác, cuốn tài liệu này chỉ ghi lại trung
thực những biến động trong Hải-Quân, hoặc có liên quan đến Hải-Quân, vào khoảng
thời gian giữa tháng 3 năm 1975 cho đến khi Hạm-Đội Hải-Quân V.N.C.H. đến Subic
Bay mà thôi.
Phần phụ lục quan trọng là những bài viết giá trị của chính
những sĩ quan Hải-Quân như: Cựu Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh, cựu Đề-Đốc
Lâm Ngươn Tánh, cựu Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng, cựu Hải-Quân Trung Úy Trần Trúc
Việt và một sĩ quan thuộc vào thế hệ Hải-Quân thứ hai: Cựu Hải-Quân Đại-Úy
Hoàng Quốc Tuấn, xuất thân từ Trường sĩ quan Hải-Quân Hoa-Kỳ (Officer Candidate
School – OCS) tại Newport, Rhode Island.
Tôi nghĩ lịch sử là những sự kiện có thật, hãy để những sự
việc đó tự nói lên từng trạng huống của mỗi giai đoạn. Muốn thực hiện được điều
đó và cũng để giữ mức độ khách quan và vô tư của ngòi bút, tôi tránh xen vào cuốn
tài liệu này những suy luận, những nhận định, những bình phẩm của bất cứ một cá
nhân nào – và ngay cả của chính tôi.
Những năm học trung học, học Việt-Sử và Thế-Giới-Sử, nếu tôi
nhớ không lầm, người viết sử không bao giờ thóa mạ, lên án gắt gao hay lách vào
đời tư của bất cứ một nhân vật lịch sử nào cả. Gần đây, trong khi tra cứu một số
tài liệu lịch sử Hải-Quân Hoa-Kỳ, tôi cũng chưa hề thấy một ngòi bút nào “nặng
tay” với những nhân vật liên đới trách nhiệm trong cuộc chiến tranh Việt-Nam –
dù nhân vật ấy là người Việt hay người Mỹ. Tôi nhận thấy lối viết này thích hợp
với cá tính của tôi.
Vì vậy, chỉ vị nào đọc cuốn tài liệu này với ý tưởng tìm hiểu
Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa theo tinh thần sử lược thì xin tiếp tục đọc những
trang kế tiếp; vì nơi đây, chỉ có những sự kiện lịch sử hiển hiện chứ không hề
có sự đả kích hay tâng bốc bất cứ một nhân vật nào cả.
Cuốn tài liệu này là sự đóng góp tích cực và lớn lao của Đại-Gia-Đình
Hải-Quân. Tôi có ý nghĩ để tên tác giả là “Nhóm Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa”.
Nhưng nghĩ lại, tôi nhận thấy, dù sao đi nữa, cuốn tài liệu này cũng còn nhiều
khiếm khuyết; nếu “Nhóm Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa” viết, có thể không có những
khiếm khuyết đó. Vậy, tôi là người trực tiếp thực hiện những cuộc phỏng vấn,
tham khảo tài liệu và đúc kết mọi chi tiết, xin để cá nhân tôi chịu trách nhiệm.
Trong cuốn sách này, độc giả sẽ thấy có những vị tôi nêu
tên, có nhiều vị tôi viết tên tắt hoặc chỉ nêu chức vụ. Xin bạn đọc hiểu cho rằng
tôi phải tuyệt đối tôn trọng yêu cầu của những “nhân chứng sống”, và cũng để
tránh liên lụy cho những vị còn kẹt lại Việt-Nam.
Trước khi dừng bút, xin độc giả cho phép tôi được đặc biệt cảm
ơn hai người.
Một người đã gợi ý và khuyến khích tôi thực hiện tài liệu
này. Xin nhớ ơn Cố Trung Tướng Vĩnh Lộc.
Một người đã làm việc rất vất vả để tôi có đủ phương tiện
giàn trải ý tưởng của mình trên giấy. Xin biết ơn cựu Hải-Quân Trung-Tá Hồ
Quang Minh.
Trân trọng,
Điệp-Mỹ-Linh
Tác giả xin chân thành cảm tạ quý vị sau đây đã đóng góp tài
liệu, hình ảnh, bài vở và hổ trợ tinh thần để cuốn tài liệu này được hoàn tất.
- Đại
Gia Đình Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa.
- Bộ Hải-Quân
Hoa-Kỳ – Phòng Quân Sử Hải-Quân.
- Ông
Richard Lee Armitage, Cựu Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa-Kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Butler, David. The Fall of Saigon. New York:
Simon and Schuster Company.
Croizat, Victor. Vietnam River Warfare. New
York: Sterling Publishing Company.
Dougan, Clark; Fulghum, David; and the Editors of Boston
Publishing Company. The Fall of the South: The Vietnam Experience
Series. Boston Publishing
Company, 1985.
Marolda, Edward J. and Fitzgerald, Oscar P. The United
States Navy and the
Vietnam Conflict, Volume II.
Washington, D.C.: Department of the Navy, 1986.
Murphy, R.P.W. and Black, F. Edwin. The South
Vietnamese Navy. U.S. Naval
Institute Proceedings, February
1973. Washington, DC: Department of the Navy.
Snepp, Frank. Decent Interval. New York:
Random House, Inc.
Uhlig, Frank. Vietnam: The Naval Story.
Annapolis: Naval Institute Press, 1986.
White, Jack M. ACTOV: The U.S. Navy’s
Accelerated Turnover Program. U.S.
Naval Institute Proceedings,
January 1970. Washington, DC: Dept. of the Navy.
Hồi Ký của Kế Đô
Nguyệt San Đời
Nguyệt San Đa-Hiệu
Hình ảnh chiến hạm: PPS của ông Nguyễn An Cường – Lướt Sóng.
Huy hiệu các đơn vị: PPS của ông Vũ Hửu San.
Huy hiệu các quân trường: Internet.
CUỘC ĐÀM THO ẠI
BẤT NGỜ
Vào cuối tháng 2 năm 1975, một phái đoàn lưỡng đảng, gồm nhiều
nghị sĩ và dân biểu Hoa-Kỳ đến Saigon với mục đích tìm hiểu thực trạng và thành
quả của vấn đề Việt-Nam-Hóa chiến tranh, để duyệt xét thỉnh cầu của Tổng-Thống
Ford về việc xin chuẩn chi ngân khoảng 300 triệu Mỹ-Kim viện trợ bổ túc cho Việt-Nam
Cộng-Hòa.
Trong phái đoàn lưỡng đảng Hoa-Kỳ có nhiều nghị sĩ và dân biểu
phản chiến. Nhưng đáng kể nhất là dân biểu phản chiến Bella Abzug, thuộc Dân-Chủ,
New York.
Phái đoàn viếng thăm Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân và Hải-Quân Công-Xưởng
để tìm hiểu về những nỗ lực tự túc tự cường qua chương trình đóng tàu Ferro
Ciment của Hải-Quân Việt-Nam.
Tư-Lệnh Hải-Quân chỉ định Hải-Quân Đại-Tá Đỗ Kiểm –
Tham-Mưu-Phó hành quân Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân – hướng dẫn phái đoàn.
Xuất thân khóa 3 Brest, Đại-Tá Đỗ Kiểm là một trong những sĩ
quan Hải-Quân rất uyển chuyển trên mọi vấn đề và có kiến thức sâu rộng về cả
quân sự lẫn văn hóa và chính trị. Đại-Tá Đỗ Kiểm được đặt vào một vị thế thiết
yếu cho sự ngoại giao vốn đã khó khăn giữa phái đoàn Hoa-Kỳ và Hải-Quân
V.N.C.H.
Dù đã được chỉ thị của cấp trên là phải hết sức mềm mỏng,
khéo léo khi tiếp xúc với phái đoàn Hoa-Kỳ, các sĩ quan cao cấp Hải-Quân
V.N.C.H. được chỉ định tiếp đón phái đoàn vào bữa hôm đó cũng không thể không
khỏi bất mãn khi thấy thái độ thờ ơ, thiếu lễ độ, kém thân thiện của phái đoàn.
Nữ dân biểu Bella Abzug tỏ cử chỉ xem thường thuyết trình viên và cử tọa bằng
cách hích mặt nhìn ngắm trần nhà trong khi miệng nhai kẹo cao-su chóp chép!
Trong khi phái đoàn lưỡng đảng đang lơ là nghe Đại-Tá Đoàn
Ngọc Bích – Chỉ-Huy-Trưởng Hải-Quân Công-Xưởng – thuyết trình thì Dân Biểu
Murtha kéo Đại-Tá Đỗ Kiểm ra ngoài, hỏi nhỏ:
- Nếu phải chuyển binh sĩ từ Đà-Nẵng về đây, Hạm-Đội Hải-Quân
Việt-Nam có thể chở tối đa bao nhiêu Sư Đoàn?
Với phản ứng của một sĩ quan hành quân, Đại-Tá Đỗ Kiểm nghĩ đến
sự chuyển vận hành quân, cho nên Ông đáp:
- Một Sư Đoàn là tối đa, vì Hạm-Đội chuyển vận của Hải-Quân
Việt-Nam không được trang bị để chuyên chở cơ giới và vũ khí nặng.
Dân Biểu Murtha gạt ngang:
- Không! Tôi không muốn nói đến hành quân. Nếu phải rút binh
khẩn cấp, bằng tất cả chiến hạm của Hạm-Đội Hải-Quân Việt-Nam, Đại-Tá nghĩ có
thể chở tối đa bao nhiêu binh sĩ – chỉ người thôi?
Vẫn chưa hiểu dụng ý của Dân Biểu Murtha, Đại-Tá Đỗ Kiểm hỏi
gằn:
- Kể cả những chiến hạm tuần dương?
- Vâng! Kể cả những chiến hạm tuần dương. Và, nếu cần, bỏ lại
cơ giới.
Ít ai nghĩ rằng cuộc đàm thoại ngắn ngủi đó ngầm báo trước
những tai biến sắp phủ chụp xuống Quân-Khu I và miền Nam Việt-Nam!
VÙNG I DUYÊN-HẢI
Kể từ sau khi Ban-Mê-Thuột thất thủ – ngày 11 tháng 3 năm 1975
– sự tuần tiễu của Hải-Quân V.N.C.H. được thay đổi như sau: Các trục tuần dương
được rút lại tối thiểu; các trục ngang từ bờ ra đến 150 hải lý được hủy bỏ; chỉ
còn trục dọc theo duyên hải vẫn hoạt động bình thường.
Khi Việt-Nam Cộng-Hòa rút khỏi Pleiku – ngày 16 tháng 3 năm
1975 – Hải-Quân được lệnh chuẩn bị tất cả chiến hạm. Hầu hết chiến hạm dồn về
miền Trung, ưu tiên là Đà-Nẵng, đặt dưới sự xử dụng của Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I
Duyên-Hải – Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Hải-Quân cũng dồn nhiều nỗ lực để bảo vệ những đơn vị Hải-Quân
tại Thuận-An.
Tư-Lệnh Hạm-Đội Hải-Quân lập Bộ-Chỉ-Huy nhẹ ra miền Trung. Bộ-Chỉ-Huy
Tiền-Phương Hải-Quân gồm có:
§ Tư-Lệnh
Hạm-Đội – Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Xuân Sơn.
§ Chỉ-Huy-Trưởng
Hải-Đội I Duyên-Phòng – Hải-Quân Trung-Tá Võ Văn Huệ.
§ Chỉ-Huy-Trưởng
Hải-Đội II Chuyển-Vận – Hải-Quân Trung-Tá Lê Thuần Phong.
§ Chỉ-Huy-Trưởng
Hải-Đội III Tuần-Dương – Hải-Quân Trung-Tá Phạm Ứng Luật. Chức vụ này về sau được
Hải-Quân Trung-Tá Lê Thành Uyển thay thế.
§ Trưởng
phòng hành quân Hạm-Đội – Hải-Quân Thiếu-Tá Ninh Đức Thuận.
§ Một
số hạ sĩ quan phòng hành quân
§ Một
số hạ sĩ quan kỹ thuật
Khi Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương Hải-Quân lên đường ra Trung thì Đại-Tá
Đỗ Kiểm cũng tháp tùng Tư-Lệnh Hải-Quân bay ra Thuận-An, đến Duyên-Đoàn 12, bàn
định kế hoạch di tản Thủy-Quân Lục-Chiến từ cửa Thuận-An, nếu tình thế bắt buộc.
Cho đến lúc đó cũng vẫn chưa có một Tướng lãnh nào đề nghị
hoặc nghĩ tới một kế hoạch di tản bất cứ một binh chủng nào khác, trong trường
hợp V.N.C.H. không giữ được miền Trung!
Lúc này vùng Trị Thiên – từ đèo Hải-Vân trở ra Bến-Hải – được
thành lập Bộ-Tư-Lệnh đặc biệt, gọi là Bộ-Tư-Lệnh
Tiền-Phương Quân-Đoàn I, do Trung-Tướng Lâm Quang Thi làm Tư-Lệnh; hậu cứ đặt tại
Mang-Cá, Huế. Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương vẫn trực thuộc sự chỉ huy của Bộ-Tư-Lệnh Quân-Đoàn
I, Quân Khu I, do Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư-Lệnh.
Bộ-Tư-Lệnh Tiền-Phương gồm có:
§ Sư-Đoàn
I Bộ-Binh
§ Sư-Đoàn
I Nhảy-Dù
§ Sư-Đoàn
Thủy-Quân Lục-Chiến
§ Liên-Đoàn
Biệt-Động-Quân
§ Thiết
Giáp
§ Pháo Binh
§ Tiểu-Khu
Quảng-Trị
§ Tiểu-Khu
Thừa-Thiên
§ Không-Quân
§ Hải-Quân
Hải-Quân có Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm đóng tại Thuận-An;
do Hải-Quân Trung Tá Võ Trạng Lưu chỉ huy. Về sau, Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn
Hy được chỉ định thay thế Trung Tá Lưu. Những đơn vị cơ hữu của Vùng I Duyên-Hải
trực thuộc Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm gồm có:
§ Giang-Đoàn
32 Xung-Phong, đóng tại Huế; do Hải-Quân Thiếu Tá Nguyễn Văn Hy chỉ huy.
§ Giang-Đoàn
92 Trục-Lôi, đóng tại Thuận-An; do Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Hữu Sử chỉ huy.
§ Giang-Đoàn
60 Tuần-Thám, đóng tại Thuận-An; do Hải Quân Thiếu Tá Trần Văn Căn chỉ huy.
§ Duyên-Đoàn
12, đóng tại Thuận-An; dưới sự chỉ huy của Đại Úy Sinh.
§ Duyên-Đoàn
13, đóng tại cửa Tư-Hiền; dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu Tá Trương Văn
Phương.
§ Tiền-Doanh
Yểm-Trợ Thuận-An.
§ Căn-Cứ
Hải-Quân tại Thuận-An.
§ Đài
kiểm báo 101, đóng tại La-Chữ, cách Huế khoảng 30 cây số.
§ Toán
đặc trách an ninh, tình báo.