Hôm 26 tháng 10, 2017, từ Nha Trang, cháu Bảo Nguyên, con
gái của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết lá thư gởi bà Melania Trump, trong đó những
đoạn đầy cảm động:
“Con có đọc trên mạng và biết gia đình Bà sẽ tới thăm Việt
Nam để dự đại hội APEC. Chỉ còn vài ngày nữa là đã tới ngày sinh nhật con và em
con là Gấu, thế là một lần sinh nhật nữa mà không có mẹ bên cạnh chúng con.
Chúng con yêu mẹ nhiều lắm và chỉ mong muốn mẹ về với chúng con. Xin Bà hãy
giúp gia đình con được đoàn tụ vì con biết mẹ con chẳng làm gì sai cả và vì
chính Bà cũng đã trao tặng giải thưởng “Phụ nữ can đảm” cho mẹ con, con và gia
đình con xin thay mẹ cảm ơn Bà lần nữa…”
Báo chí và các hãng tin lớn thế giới như Reuters sau đó đã
loan tin. Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng ghi nhận lá thư, nhưng tuyệt nhiên
không có đáp ứng chính thức nào từ Washington DC.
Trước ngày TT Trump công du Á Châu, không ít người Việt tin
tưởng bà Melania Trump sẽ yêu cầu CSVN thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chẳng những
thế, có vài nguồn tin còn cho rằng bà Melania Trump sẽ vào tận nhà tù CS để
thăm em.
Nước Mỹ xây dựng trên nền tảng dân chủ và luôn cổ võ cho các
giá trị nhân quyền, dân chủ. Vâng, nhưng những giá trị đó luôn đứng sau quyền lợi
của nước Mỹ. Chính sách đối ngoại của TT Trump gần một năm qua cho thấy ông là
một nhà giao thương chuyên nghiệp (dealmaker) với mục đích tối hậu là quyền lợi
của nước Mỹ (America First).
Trong tác phẩm The America We Deserve, Donald Trump chủ
trương các biện pháp đối ngoại mềm dẻo với Nga và cứng rắn với Trung Cộng.
Sau khi đắc cử, ngày 3 tháng 12, 2016, TT Trump đã nhận điện
thoại của TT Đài Loan Thái Anh Văn và điều đó mặc nhiên cho rằng chính sách của
Hoa Kỳ từ năm 1979 nhìn nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc không còn giá
trị. Chẳng những thế ông còn hứa trả đũa Trung Cộng về chính sách vận dụng tiền
tệ có lợi quá nhiều cho Trung Cộng trước đây.
Những điều đó hôm nay đã thay đổi. Ưu tiên của TT Donald
Trump là ổn định Bắc Hàn và làm ăn với Trung Cộng. Thương vụ 250 tỉ đô la vừa
qua đã nói lên điều đó. Do đó, đừng ngạc nhiên khi Mỹ chấp nhận trò ngoại giao
“đu dây” của CSVN đến khi nào trò “đu dây” còn phục vụ cho quyền lợi của Mỹ.
Giải Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm không phải do TT Trump lập ra mà
được thành lập từ năm 2007 và đã trở thành truyền thống. Số phụ nữ được giải mỗi
năm mỗi khác và do các nhân viên phụ trách giải đệ trình. Năm 2017, con số lên
đến mười ba vị. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là phụ nữ Việt Nam thứ hai được vinh
danh.
Giống như các tuyên ngôn, tuyên cáo, áp lực quốc tế, lá thư
của Nguyễn Bảo Nguyên là một việc nên làm, không phải vì gởi cho bà Melania
Trump mà là để gióng lên tiếng động về thực tế tù ngục tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng Mỹ sẽ đặt vấn đề nhân quyền như một
điều kiện trên bàn hội nghị với CSVN là một điều không đúng với thực tế chính
trị dưới thời Donald Trump, đừng nói chi là vào tận nhà tù thăm em. Không
có bà Melania Trump lần này hay bà Hillary Clinton, bà Laura Bush nào trước
đây vào nhà tù để thăm một tù nhân dưới chế độ CSVN.
Nguyễn Ngọc Già, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài v.v... là người Việt Nam, và chỉ
người Việt mới biết đau từ vết thương của đồng bào mình đang rỉ máu trong nhà
tù CS.
Nước mắt của Nguyễn Bảo Nguyên chỉ chảy trong Sông Cái ở Nha
Trang chứ không chảy qua sông Potomac ở Washington DC xa lạ.
Trần Trung Đạo