14 November 2017

KHẢI TRI - Tru Sa

Ăn quả không nhả hột sẽ mọc cây trong bụng. Đấy là răn đe tôi từng tin sái cổ. Như một đứa trẻ biết phục thiện, tôi òa khóc, thú nhận mình đã ăn vụng nuốt cả hột và mong một sự cứu chữa từ người lớn để cây không mọc trong bụng. Ngoài việc trách mắng, nhiều khi đét đít bằng roi mây, mẹ tôi đã chẳng làm gì. Nghĩa là hạt quả vẫn trong bụng tôi. Chẳng thể biết hạt có đươm mầm và phá ruột tôi để chồi ra ngoài như cây đậu của Jack không nữa. Tôi lo từng ngày dù mẹ đã nhắc rằng không sao. Đến bây giờ tôi vẫn mạnh khỏe trừ vài trận ốm vặt. Hạt quả đã đi đâu hay vẫn ẩn trong bụng tôi chờ ngày nảy thành cây. Bọn trẻ ở khu này phải ăn rất từ tốn để nhằn hạt. Hầu như đứa nào cũng từng nuốt phải hạt quả. Kể cả khi chúng có móc họng để nôn bằng sạch những gì đã đi vào bụng thì hạt vẫn kẹt trong ruột. Đến thuốc xổ cũng không đào thải được dù chỉ một hạt nhỏ như vẩy cá. Trẻ con rồi cũng lớn. Chẳng đứa nào quên rằng đã canh cánh lo âu về thứ hạt đã nuốt chửng.

Táo. Đấy là thứ quả có nhiều nhất ở thị trấn tôi. Táo ở khắp nơi, mọc khắp chốn và chúng tôi hái ăn như loại thực phẩm thiết yếu. Ăn táo từ lâu đã thành truyền thống của mọi gia đình. Để tránh lạt miệng bởi ăn mãi táo nên nhiều người đã chế biến nhiều món ăn từ táo. Táo giòn gọt vỏ chẻ miếng là món cổ điển. Cơm vị táo, bánh táo, xúp táo, sữa bột hương táo, nước ép táo, bánh bao nhân táo, cháo quẩy vị táo rồi thì hàng loạt những vật dụng cá nhân từ cái áo, cái quần, lược, bàn chải, dầu gội, sữa tắm được làm từ quả, vỏ và gỗ cây táo. Chúng tôi xây nhà bằng gỗ cây táo và đóng quan tài cũng bằng gỗ cây táo. Thị trấn được rào quanh bởi một dãy táo trồng san sát theo kiểu hàng rào vòng tròn. Cuối thị trấn có một cái nhà cổ xây từ lâu và đổ nát, hoang hóa đến mức không ai nghĩ đấy là cái nhà. Tảng đá ngoài cổng khắc chữ gì đấy. Ngoài một nét đứng còn thì chỉ thấy những đường xước sẹo chen lấn nhau, tạo thành sự loang tróc của thời gian. Hàng chữ viết trên đá được khắc quá nông, quá ẩu nên chỉ một trận bão thời gian ngắn ngủn nửa thập kỷ là rụng lả tả như cái răng sâu. Đại loại là đây là Nhà Vòng của thị trấn. Người xưa đã gọi thế nghĩa là từng tồn tại cái tên này. Trong nhà không có ai ở, cũng chẳng thờ ai, không có đồ đạc, dấu vết gì chứng tỏ từng có người ở. Bên trong chỉ có một cây táo già cỗi nhiều trăm năm vẫn sai quả. Những quả táo mọng chín với lớp vỏ dày, đỏ và giòn xốp được hái từ cây táo này. Số táo đấy được dùng để cúng gia tiên hoặc dành cho mùa lễ hội. Táo chúng tôi hái để ăn, để bán trong chợ là từ các cây táo khác mọc quanh thị trấn. Chỗ chúng tôi không hề có trang trại táo, các vườn táo tư gia thì nhỏ bé trong bán kính ba mươi mét vuông. Cây táo ở khắp nơi và mọc khắp mọi nơi. Bên trái đường, đằng sau ngõ, trước cửa nhà, trong công viên, sát ủy ban, trạm chờ xe bus, bến cuối xe bus, nhiều lúc là trước cổng trường học, trong lớp học, nhiều cây còn nảy mầm trong thư viện, trồi từ lòng đất phòng thí nghiệm. Những cây táo này phát triển rất nhanh. Hầu như không phải ai gieo hạt bừa bãi. Chỉ là một mầm cây nhú xuyên qua đất, ngấu nghiến mưa nắng và vươn cao từng đoạn như nước vòi vặn chậm. Những cây táo hoang dã, tự sinh sôi này chỉ cao đúng một mét mốt thì dừng lại. Nếu muốn cây lớn hơn thì phải vun nước. Độ cao dù chỉ như vậy nhưng vẫn có quả. Người thị trấn hái ăn, dĩ nhiên có nhè hạt. Thứ trái cây trời ban này là nguồn thực phẩm dồi dào của thị trấn nhưng cũng có nhiều phiền toái khi đi lại, hoặc do xây nhà. Từng có một cái cây mọc đâm xuyên bàn thờ khiến cả gia đình phải điêu đứng trong những giấc nơm nớp âm ỉ triền miên.
*
Nhà Vòng là một cấm địa được tự do ra vào.
Cây táo già nua đấy được người thị trấn gọi là Cây Trưởng Lão, Táo Cụ, Lão Mộc hoặc Chúa Táo, Cây Xưa…Và, Ông Cả là cái tên tôi và những đứa thuộc thế hệ tôi thường gọi.
*
Ông Cả nảy mầm từ trong nhà hay khi người ta thấy cây héo úa, khô khốc như khung xương khổng lồ đã xây nhà như cách trấn yểm để cây không thành tinh, nào ngờ cây vẫn đủ nhựa và đã tái sinh như Phượng Hoàng. Nhà Vòng quạnh quẽ không một dấu chân. Việc hiếm hoi người qua lại có lẽ do công việc quá bận rộn, hoặc người thị trấn đã quá quen thuộc với cây táo ngay từ lúc chào đời. Chỉ mùa lễ hội người thị trấn mới tụ tập quanh Nhà Vòng để tổ chức đại tiệc táo. Người ta đốt đèn, nhảy múa, mở thành nhiều vòng tròn để hát, nhảy và tỏ tình bằng cách tặng táo cho nhau. Khi đấy táo Ông Cả mới được bổ ăn. Giờ giấc đấy ai cũng xuống đường. Mọi phương tiện giao thông ngừng hoạt động, cầu dao đèn tự ngắt. Đấy là ưu tiên hàng đầu để toàn thể thị trấn nối với nhau, gần gũi, gắn bó như cây với đất. Những năm này, người ta đã quen với Nhà Vòng, không ai còn muốn vào quá sâu dù là một đứa oắt với trí tò mò bay bổng. Tôi lâu lâu lại vào, và lập tức trở ra vì vấp ngã bởi phần gạch đá lồi lõm, bởi rễ cây táo gù lên, nhấp nhô khắp nhà.
Nhà Vòng chỉ có một gian nhưng rất rộng. Diện tích nhà áng chừng bằng nửa sân bóng hoặc một hội trường trung ương. Tường bao quanh đã xuống cấp, nhìn bong lóc và rách nát như tờ giấy. Ông Cả nằm chôn gốc giữa nhà. Đã không ai còn nhắc về niên đại của cây và nguồn gốc cái nhà viết tên Vòng. Người biết chuyện thì đã quá già, không lú lẫn thì cũng gần đất xa trời. Tôi thì lại tin Nhà Vòng được xây từ lâu, có khi xa xưa đến mức cây táo còn chưa đồ sộ như ngọn tháp thế này. Những gì cổ xưa thường linh thiêng, những gì linh thiêng thì cổ xưa-Lý lẽ của người đời là thế và tất cả tin như đấy là chân lý.
Ông Cả không phát triển về thân nữa nhưng cành thì vẫn xum xuê. Mái của Nhà Vòng đã bị những cành lớn đâm vỡ toác. Các nhánh con ban đầu thọc qua kẽ hở trên ngói để trèo lên. Khi các cành đủ khỏe thì gồng mình phá tung mái ngói. Những miếng ngói vỡ, rơi vãi khắp nơi như vẩy bò sát. Lá phủ rậm rạp khắp nhà và vươn rộng khắp thị trấn tạo thế bát úp. Vỏ Ông Cả cứng, gân guốc, xù xì và nhiều lỗ thủng do sâu đục. Phần sàn của Nhà Vòng tróc lở, gạch bật toác. Bộ rễ như con chuột chũi đào hang trong lòng đất, ngày qua ngày vẫn miệt mài hút dưỡng chất. Tôi đoán rằng các nhánh rễ đã tìm thấy một mỏ khoáng chất ngủ quên sâu trong lòng đất. Suối nguồn năng lượng hoặc long mạch, một kho tàng kim cang dẫn xuống thế giới ngầm… Chính nguồn dinh dưỡng lạ thường này đã tiếp sức, giúp Ông Cả vạm vỡ nhiều thập kỷ. Thị trấn được bao bọc bởi một hàng cây táo có niên đại từ bốn mươi năm đổ xuống. Một số cây mọc chắn đường lớn, hoặc cổng ngõ dẫn ra đường cao tốc thì đã bị chặt bỏ. Nhiều năm trước thị trấn có một đường xe lửa nhưng giờ đã bỏ trống do cây táo mọc kín đường ray. Con tàu và trạm bán vé tàu đã hoang phế. Rêu, cỏ hoang và cây dại phủ gần hết con tàu. Một mầm táo không biết từ đâu đục đẽo vỏ tàu từng ngày để phá xuyên nhìn trời. Trạm bán vé thì cây mọc chổng, kết thành những hàng dài. Những cây này đã chết khô nên nhìn từ xa trạm tàu như một nghĩa địa cọc gỗ.
Nóc của thị trấn là bầu trời xanh nhưng đã mờ xanh từ hơn nửa thập kỷ trước. Lí do không từ việc tàn phá môi trường bằng cách xây nhiều nhà máy, xí nghiệp, trồng nhiều ống khói. Lí do về đường dây điện thì càng không vì thị trấn này từ lâu đã sử dụng công nghệ không dây, chỉ một số khu do quá nghèo mới phải chằng dây. Mái trời xanh được phủ không bằng màu xanh dương, vàng, đỏ tía hay trắng ngọc. Màu xanh lá cây cũng là màu của bầu trời thị trấn. Phần màu này được tạo thành bởi những cành lá xum xuê phủ tầng của Ông Cả. Lá cây rậm rạp, không ngừng phát triển, dày nhiều lớp. Số cây táo mọc quanh thị trấn nếu cành lá đủ cao thì cũng móc vào tán cành Ông Cả. Bởi lá cây trùm rậm rạp như cái áo khoác lông thú nên thị trấn thường mau tối. Ngày cũng như đêm, toàn thị trấn phải bật hết đèn đường. Chúng tôi đã chặt đi nhiều cành lớn. Việc chặt không thể bừa bãi mà phải họp hội ý và xin phép Ông Cả. Chỉ những cành cây quá già, vươn quá dài hoặc nhiều lá quá mức cần thiết mới bị chặt. Nhiều khi, chúng tôi chẳng chặt bỏ cành mà chỉ tuốt hết lá cây để thấy chút bầu trời.
Tôi từng nhìn thấy tấm ảnh chụp bầu trời thị trấn khi róc hết lá trên cành. Trong ảnh, màu xanh dương êm ả như mặt biển, các gợn mây điểm lác đác tựa những cánh buồm. Một góc ảnh khác chụp được một cánh chim vắt ngang bầu trời. Có tấm trời mây được dệt trong màu vàng hoàng gia. Tấm khác, chụp lúc gần hoàng hôn, mặt trời vàng ấm như quả trứng lòng đào đựng trong bát phalê. Một tấm ghi lại một phần trời trắng muốt vì mây phủ. Đám mây dày, xòe rộng như váy cô dâu. Màu mây không sánh đặc như nhựa cây, chẳng nhạt lợ như sương muộn, không trong trẻo như sữa mẹ và còn thiếu chút chói lòa của sương mù sơn cước. Vẫn có đường quăn, nếp nhàu, gấp trên mây, chính những đường nét tình cờ này đã khiến tôi nghĩ đến một miếng bông gòn, chiếc máy bay được gấp bằng giấy nhàu nhưng vẫn đủ cứng cáp để liệng nhiều vòng cung. Tảng mây dày như núi băng trôi trên trời, nếu vung vẩy tấm ảnh, mây sẽ bồng bềnh thành ngọn sóng. Sự thướt tha này giống với một dải lụa mềm, càng giống hơn điệu múa vỗ cánh của những chú bồ câu.
Đấy là ảnh chụp các góc nhỏ. Nếu nhìn vào tấm hình chụp trọn vẹn cả bầu trời, sẽ bắt gặp các cành táo. Những cành dài, ngắn trụi trọc lá và quả chụp lên khung trời, đan xen ngang dọc như lớp hàng rào gỗ khổng lồ. Một ai đấy đã cả gan chặt hết cành, để mở toang cánh cổng nhìn lên trời. Nóc nhà thị trấn trắng trơn nên mưa, nắng sẽ đổ ập xuống như sóng thần. Không thể chạy nắng mãi bằng cách rúc trong nhà hay đội mũ, xòe ô giữa trời khô. Như một trừng phạt, Ông Cả đã không ra quả, những cây táo khác quanh thị trấn cũng ngừng đâm trổ. Thị trấn chịu một nạn đói dai dẳng. Nguồn sống nơi đây duy trì nhờ táo, thành ra kinh tế bị ngưng trệ. Cũng vì quá quen với món táo nên hễ ăn một thực phẩm khác táo là ai nấy đều nôn thốc tháo. Đã có một nghi lễ nhận tội ở Nhà Vòng. Một tháng sau, thị trấn táo hưng thịnh trở lại. Đã không còn ai dám bẻ hết cành táo. Khung cửa sổ của thị trấn tiếp tục được phủ màu xanh thực vật. Lá cây mọc dày đặc, chen chúc chỉ để hé ra vài khe thủng. Cành cây vươn dài, nhiều khi còn xuyên vào nhà dân. Sống dưới mái cây táo, chúng tôi như được bảo vệ khỏi mưa, nắng. Nhiều khi, táo còn tự rơi trên đường và cứu đói những người vô gia cư, ăn mày hoặc khách tha hương.
*
Ăn táo nuốt cả hạt sẽ mọc cây trong bụng. Vậy nếu nhai nát hạt rồi nuốt thì hạt táo có sinh mầm? Ngày hôm qua một người trong thị trấn đột ngột mất tích. Nơi cuối cùng người đó ghé vào là ghế đá vỉa hè. Rạng hôm nay một cây táo mọc trên ghế đá vỉa hè. Cây đâm chồi, có lá non và cao bằng một người lớn. Vì cây táo mọc đằng sau ghế đá nên đã tạo thành một chỗ râm mát để ngồi nghỉ.
Thị trấn này thường xuyên có người mất tích. Mỗi một người đi mất, một cây táo lại mọc lên.
Quả Ông Cả luôn to, vỏ dày và nhiều nước. Quả táo nhỏ nhất chỉ bằng bàn tay, quả to hơn thì như cái sọ khô. Một cành táo lớn mọc xổ dài trên bậu cửa nhà tôi. Quả sai chín thơm phức cổng nhà. Có lúc tôi hái ăn khi táo vẫn xanh, khi lại chờ đợi táo chín thật sự thì mới bắc thang hái. Không thiếu dịp táo rơi lộp độp cổng nhà. Tôi từng được ăn một quả táo to như trái đào tiên trong phim Tây Du Ký. Màu táo đỏ tươi, thắm như môi nàng Bạch Tuyết. Vỏ cắn giòn như bánh xốp. Ruột táo thì khỏi chê, cắn một miếng tôi thấy vòm miệng mát lịm. Nước táo ứa tràn kẽ răng. Tôi nuốt ực nước cốt táo như uống sinh tố hoa quả. Giống táo để lâu sẽ thâm sì, mất chất nên tôi phải ăn nhanh. Mùi thơm mát của táo chín cây đã lùa tôi vào vườn Thượng Uyển. Như kẻ mộng du, tôi ngơ ngẩn trong hương táo chín. Tôi ăn, nhai rau ráu hoặc nhai nhỏ đến mức nát vụn. Ăn táo xong, sẽ thở ra mùi thơm. Ngay đến tiếng ợ hơi cũng như ăn thêm một lần táo. Những cây táo mọc ngoài thị trấn hay trồi lên bất cứ đâu cũng ra trái giòn, trái ngọt nhưng vị chẳng được đậm đà như mật ong. Sau khi ăn trái từ Ông Cả, nụ hôn của các lứa đôi cũng ngọt và thơm mát lạ kì. Nhiều cặp nam nữ đã hành lạc khi ăn xong một trái táo. Da thịt đàn bà khi ăn táo mát lịm, ngòn ngọt và mê hoặc đến mức dẫn dụ hồ điệp đuổi nhau trên da thịt. Còn đàn ông thì bớt nôn nóng hơn nhưng vẫn mạnh bạo, bền sức và thừa điên cuồng để khuấy tung cả Đông Hải. Máu xử nữ vấy màu táo chín.
Đánh chén một quả táo, sẽ đủ dinh dưỡng cho cả ngày. Nguồn sinh lực này tiêu trừ tính vô tri để biết che mình khi trần truồng. Nước cốt táo vẩy ra mực đỏ vẽ lên những mặt trời. Ăn một lát táo là tâm hồn say đắm, để thoát tục chốc lát hoặc để đợi chờ một nụ hôn đánh thức.
Cách đây rất lâu có một vụ án chấn động thị trấn. Một người mẹ đã ăn thịt đứa con bốn tháng tuổi. Lúc bị bắt, người mẹ đã hóa điên và tự cắn lưỡi trong lúc bị hỏi cung. Xác người đàn bà cùng mẩu lưỡi bị cắn đứt từ cuống vẫn được lưu trữ trong bệnh viện. Xác đứa bé nham nhở. Da nó bị lóc bằng dao gọt hoa quả, phần thịt bị ăn nhẵn, chỉ chừa lại xương. Lời đồn, mộ đứa bé sau này đã mọc lên một cây táo. Hẳn là đứa bé đã ăn táo không nhè hột, nhưng một đứa bé ba tháng tuổi thì nào đã đủ răng để nhai táo.
Cuối thị trấn có một anh chàng chết vì đói. Gia cảnh anh chàng không quá khốn khó, chỉ là anh ta đột ngột muốn bỏ món táo. Cả thị trấn này sinh nở từ táo. Việc bỏ táo chẳng khác nào kiêng đi lại bằng cách chặt chân. Không muốn ăn quả táo, thì còn có nước táo, bánh táo, cơm táo, mì táo, bún trộn táo, thịt nhồi táo, bánh mì vị táo và biết bao thứ ngon lành làm từ táo. Loài người không sinh ra từ táo và thành chúa tể các loài từ một quả táo.
*
“Thị trấn này, cái gì đang đứng? Dù đã bao nhiêu năm trôi qua, vẫn chỉ táo là táo. Nhà cửa, những công trình rồi dân số, thứ cần thiết để gầy lên một tinh hoa không đến từ táo. Đáng lẽ cây táo chỉ là món vật chất có sức sống, món quà từ mẹ thiên nhiên chứ không phải ông Hoàng. Vật chất chỉ nên phụng sự con người như nhổ rễ cây thuốc, nghiền chữa bệnh. Hãy cảm ơn bát thuốc, cảm ơn cây thuốc, không nhất thiết phải cúng bái dù là cây thuốc hay bát thuốc. Quanh thị trấn chỉ là táo và chỉ thấy táo. Cây táo bố, rồi cây táo nhỏ, cũng được coi như bố. Chúng đã giúp thị trấn no nê nhưng quá nhiều cây, quá nhiều táo thì còn gì gọi là đời sống. Chẳng có một trái quả nào khác táo. Nhà cửa cũng là gỗ táo. Nước uống cũng từ táo mà ra. Đến thứ chúng ta thải ra cũng là bã táo. Ta đã nghĩ, thị trấn này chỉ như một thứ dây leo tầm gửi lên cây táo, còn chúng ta là những con trùng cộng sinh.”
Hắn là ai mà nói với tôi như vậy. Một kẻ lạ mặt trong vô vàn những kẻ lạ mặt trên cõi đời này. Lúc tôi đi dạo, nhìn ngắm cây táo thì thấy hắn. Cũng thật lạ lùng khi hắn nói một mình nhưng nhìn về tôi. Hắn đeo dây chuyền với cái mặt giấu trong ngực áo. Tiếng hắn to tướng như muốn ai cũng nghe được. Bên cạnh hắn có một chú bồ câu trắng. Hắn có mang theo bánh và còn bẻ nhỏ để chia cho chú bồ câu. Hắn cũng bẻ cái bánh nhỏ hơn để mời tôi. Tôi nói rằng táo đã là nguồn sống của thị trấn này. Một đặc trưng hiếm có, độc nhất vô nhị của nơi đây là những cây táo.
“Nguồn sống của thị trấn này là cây táo hay nguồn sống của cây táo là thị trấn này. Chàng biết không, cây táo trong Nhà Vòng từ lâu đã không ra nhựa. Một cây lâu năm nếu đã phát triển đủ sẽ không cao lớn thêm. Số lá, cành um tùm đè ngửa lên bầu trời được nuôi bởi những cây táo nhỏ hơn. Ta sẽ không nói đến số táo trồng thành vườn. Thị trấn này luôn có người mất tích. Nếu chàng chịu đếm, để tổng quát sẽ thấy mỗi một cây táo ứng với một người mất tích. Đừng nghe ta nói, nhưng hãy tin là ta đang nói thật. Cha ta cũng từng biến mất khi đang sắp nến theo vòng tròn. Cây nến màu hồng đã đốt hụt. Thế rồi, một cây táo mọc lên và phá tung vòng nến. Ta đã chặt cây, nhổ bật rễ và chàng biết ta thấy gì không. Một cái rễ ăn sâu như đã thâm nhập lòng đất hàng chục năm. Rễ cây táo nơi thắp nến nối với rễ cây táo….”
Hắn vẫn còn liến thoắng phía sau.
Nhà Vòng ở xa tít tắp. Ông Cả đồ sộ hơn tất cả. Những cành táo vạm vỡ, chia những nhánh cũng to khỏe không kém. Màu xanh của lá cây táo phủ hết trời, nhiều chiếc rụng lả tả xuống đầu, chạm vào vai và dồn tụ thành chướng ngại. Một chàng lái xe bị lá cây chọc vào mắt, đâm xe vào góc đường. Một xe máy lao quá nhanh, không kịp giảm tốc độ đã đâm sầm vào cây táo chồi mọc giữa lòng đường. Cú va chạm tạo ra lửa, bén vào bình xăng khiến một cột lửa phụt lên sau tiếng nổ. Người, xe và cây rệu rã trong đám cháy. Lúc đạp phải một quả táo, tôi suýt ngã. Góc kia, bà mẹ đang đút cháo táo cho đứa con nhỏ. Con bé vùng vằng, kêu “ứ ừ”. Bà mẹ bóp miệng con rồi nhét thìa. Tôi thấy một bà cụ hóa vàng mã trước một cây táo mọc ven hè. Cách đấy ba số nhà, có người quen của tôi. Sáu năm trước một đôi vợ chồng sống ở đấy. Sáu năm sau, cô gái chung sống với một cây táo trong nhà. Anh chồng đã đi đâu mất. Người bảo anh ấy đi công tác xa, người bảo anh chàng du học, cũng không thiếu kẻ kháo vợ giết chồng phi tang giấu xác. Mọi cuộc điều tra vô ích. Anh chồng mất tích sau khi một cây táo đột ngột mọc trong nhà. Tôi ghé nhìn ô cửa, thấy cô vợ ăn tối cùng cây táo. Giữa thân táo có khoét lỗ, để cô vợ có thể bón thức ăn dù bằng muỗng, đũa hay mớm bằng miệng. Tôi đã chào người vợ, chị ta cười với tôi và lấy tặng tôi một ít mứt táo sấy khô.
*
Ăn táo không nhè hột sẽ mọc cây. Tối hôm đấy tôi đã lỡ nuốt cả hột táo. Tôi nuốt những hai lần hột. Một hột của cây táo nhỏ, một hột của Ông Cả. Đáng lẽ tôi không bất cẩn như thế. Lúc ăn táo tôi không quá đói đến mức ngấu nghiến nuốt quên cả nhai. Sơ xuất đầu tiên của tôi là đã không bổ táo để khoét hạt. Sơ xuất tiếp theo, là từ những câu nói của kẻ lạ hôm nay. Tôi nhớ lại, rồi nhẩm từng cây táo mọc hoang, bắt đầu từ dãy nhà mình. Trí nhớ mở ra làm tôi quên đi việc gọt vỏ trái Ông Cả. Một cây, hai cây, ba, bốn cây…Nếu đếm lùi về mạn nghĩa trang thì sẽ được thêm vô số cây táo. Để khu nghĩa trang được che mát người ta đã trồng thêm cây. Ồ, vốn chẳng cần thiết vì bao năm qua bầu trời thị trấn đã rợp phủ bởi lá cây. Một, hai tia nắng xói qua kẽ lá chẳng ăn nhằm gì. Một hàng cây táo rào quanh nghĩa trang. Bên trong, lại có biết bao cây táo mọc tua tủa như bàn chông. Số cây này đã phá nát mộ phần. Nhiều ngôi mộ bị bật hết lên, xương xẩu văng tứ tung như bản giao hưởng đang cao trào chợt mỗi người chơi một kiểu. Tôi từng thấy một cái sọ người bị cành cây móc qua hai hốc mắt và đưa lên cao. Ngày ra quả, cái sọ nhìn như quả táo trắng lẫn trong nhiều quả táo đỏ, nửa đỏ hoặc xanh. Thiếu gì những cây mọc từ mả người chết sau khi đã hấp thụ mọi dinh dưỡng, từ thịt rữa, xương trắng, dịch hủy cho đến đám giun, giòi béo ngậy như loài tằm tơ nhiều màu. Người sống được quyền lựa chọn làm việc có ích, còn người chết sẽ hữu ích nếu nuôi ra một cây táo. Những trái táo dù không to, không quá mọng nước và chất chỉ bằng một phần tư so với Ông Cả, vẫn có thể cứu khát, cứu đói khẩn cấp. Dòng nghĩ miên man hết cây táo này đến cây táo kia. Số cây nhiều lên ứng với số người rời bỏ thị trấn. Cây có ở khắp nẻo thị trấn, tạo thành một mê lộ cây táo. Miệng tôi cắn ngập, nhai cả vỏ, nuốt cả nước. Thế rồi, tôi dừng ăn sau một tiếng khe khẽ.
Ay…Ay…Tôi đang cố nhại lại tiếng mình nghe được. Xung quanh chẳng có ai vì tôi đang đứng trên ban công. Cái tiếng nhỏ, đứt quãng kia vẫn vọng ngắn đoạn. Nhà hàng xóm đã tắt hết đèn, ai chưa ngủ thì cửa sổ để hé. Tôi không tìm ra một ô cửa sổ nào khả nghi. Ay…Ay…Da…Tiếng bên tai trái. Khi nhẩm đọc thì tiếng vang bên tai phải. Đèn đường vẫn sáng nên không khó để tìm ra một cái bóng quằn quại, chờ mong cái xòe tay hảo tâm. Tôi nhìn mãi, vẫn chỉ thấy những cây táo to, nhỏ, cành lá xòe to hoặc chỉ vươn dài, khô mộc như xương bốc mả. Ngước lên chỉ thấy bầu trời lá cây sẫm đen vì đêm. Ai thế! – Tôi hô to và không nghe thấy tiếng hồi đáp. Tiếng xuýt đau vẫn chập chờn mang tai như với gọi tôi. Mắt tôi đảo nhiều vòng dài và đột ngột chăm chú vào bàn tay mình. Quả táo trong tay tôi nhìn nham nhở như bị chuột gặm. Nước táo rỉ đỏ. Ruột táo cũng sục ngầu màu Nguyệt Thực. Tiếng thều thào tưởng gần nhưng lẩn khuất xa xôi. Cái âm thanh ảo não, nhưng nhức và khẩn thiết gần với tiếng sóng vỗ trong vỏ ốc nhưng có đập nát con ốc cũng chẳng tìm ra giọt sóng nào. Trong cái run rẩy choáng váng, tôi “Ợ” một tiếng. Từ sáng đến trưa tôi chỉ ăn táo, từ trưa đến chiều muộn, tôi cũng chỉ ăn táo. Tôi đã không ợ lên mùi táo. Một mùi khác, vị khác, dai nhách như món thịt lạ chưa một lần ăn nhưng cái mềm mại lại quen thuộc như cắn ngấu cơ thể người tình trong say đắm.
Tôi đánh rơi quả táo. Tôi khạc nhổ, móc mọng để khạc nhổ. Được một lúc, tôi nhìn lại quả táo cùi cụt vì những cái ngoạm quá lớn. Ruột táo trắng, vỏ táo vẫn đỏ thắm như cánh hoa hồng. Hạt táo đã vào bụng tôi rồi. Tôi không móc nhổ được hạt táo. Chẳng biết vừa rồi tôi có nhai hạt không, và nhai nát đến đâu hay khi thấy cứng quá thì nuốt luôn…Táo này chỉ là một quả ngắt từ cây được đâm chồi từ hạt giống. Vẫn có những cây mọc không từ hạt giống táo. Có bàng hoàng lắm không nếu nghĩ về một cây táo mọc trong cơ thể người. Vì ăn táo không nhè hột nên đã mọc cây. Sự đâm rễ từ từ, chậm chạp và hiệu quả như hạ độc liều nhỏ theo quy trình. Nếu sự lớn lên của cây nhanh chóng như đột biến hóa học, có lẽ người ta sẽ đỡ đau đớn hơn. Cây táo phá ruột, nảy trồi ra ngoài hệt như chú gà con mổ vỡ vỏ trứng, xông ra thế giới. Tôi chẳng nghĩ gì ngoài việc toát mồ hôi. Cây táo và những cây táo…Đâu đâu cũng chỉ là táo. Quá lâu không được ngâm mình dưới nắng mặt trời, hít hà khí sạch từ bầu khí quyển thoáng đãng, cũng như việc ăn táo quá thường xuyên khiến da dẻ tôi xanh xao. Người khác…Tôi nghĩ đến điều này…Trong lúc tôi còn tư lự mở gói suy nghĩ thì một đôi cánh vọt qua, cắt cháy khoảng không. Một con bồ câu. Lúc bay dưới ánh đèn cao áp, bồ câu mang lông vàng. Lúc ánh đèn nằm khuất vào màu khuya, bồ câu phủ lông đen.
Như biết rằng tôi đang ở sau, con bồ câu bay thấp và chậm lại. Những cái liệng bay sắc, gọn như nhát chém bổ đôi trái táo. Số cây táo mọc lắt léo khắp nơi khiến tầm nhìn tôi hẹp lại. Một chốc, tôi mất dấu. Trong lúc ngó nghiêng, tôi thấy con bồ câu đứng trên một mái nhà. Con thú bay nhìn tôi, cái mỏ nghếch lên rồi vỗ cánh. Một sợi lông cánh rớt lại sau mỗi lần tung cánh. Tôi chạy, còn con bồ câu bay. Không có tiếng gù gù, chỉ có tiếng vỗ cánh phần phật như chim ưng đi biển. Vẫn có người còn lang thang ngoài đường nhưng không ai chú ý tôi. Đường bay của con chim vòng vèo, quẹo vào xó này, quẹo ra xó nọ, luồn qua nhiều cây táo, đâm xuyên vào một vườn táo với biết bao nhiêu lá, quả ngổn ngang lối đi. Lá cây rơi sột soạt, táo rơi từng quả. Người ta nhặt táo ăn, rồi khi no nê thì nằm ngửa dưới đất như con hải cẩu tắm nắng. Tiếng ngáy pho pho thỏa mãn. Mùi táo và lá cây dày thành sương mù. Phần đường này không có đèn cao áp. Tôi đã cố để không mất dấu con bồ câu bằng cách tập trung vào cả mắt lẫn tai. Chạy một hồi, chân tôi vấp vào một rễ cây và ngã lộn nhào. Đầu tôi vô sự nhưng đôi bàn tay đã xước máu vì mài xuống đường. Tôi cố tìm kiếm một mảnh trăng dẫn đường nhưng chỉ thấy lá cây. Trời không om om màu mực nhưng mọi vật mù mờ như thị lực của người cận thâm niên mất kính. Trong lúc dọ dẫm chẳng biết lạc vào đâu, tôi nghe thấy tiếng đập cánh. Chỉ một tiếng nhỏ, ngắn cũng đủ để tôi lần ra dấu con bồ câu. Cánh vỗ mạnh hơn nhưng con chim chỉ bay lưng chừng vì cổng trời bị rào lại. Đoạn đường giữa người và chim kéo dài, ngừng lại rồi nối dài.
Mắt tôi sáng rõ hơn nhờ mẩu sáng của các hộ dân ngủ quên tắt đèn. Tôi nhìn thấy nhiều người ngủ lăn lóc dưới đất sau khi đã xơi no táo. Mấy cái bụng tròn căng phập phồng, phô ra cái rốn lồi. Chưa một lần tôi đến gần chỗ con bồ câu. Tôi mãi ở sau. Hễ tôi chạy vượt lên con chim liền bay vụt như một đầu đạn. Tôi chạy mãi. Đâu phải tôi muốn bắt con bồ câu. Còn bồ câu, cớ gì lại vờn trước mặt tôi như mặt trăng? Nếu đây là cuộc săn đuổi, thì tôi như thợ săn bị con mồi dẫn dụ thành mồi. Rõ ràng chẳng ai bắt ai, cũng chẳng ai đuổi ai. Đấy là sự thắp sáng. Nhưng? Bộ hành tìm sáng từ đôi cánh hay đôi cánh tìm sáng bằng cách dẫn theo bộ hành…
Những thân táo rẽ ra như được vén màn. Trong lúc đói bụng, tôi định cúi nhặt một quả táo để lót dạ nhưng lại thôi. Chạy quá một con đường, tôi đi chậm lại vì một cây táo già mọc đồ sộ giữa lối đi. Một cơn gió xoáy qua làm rung rinh cành táo, lá rơi xuống như trận mưa. Một quả táo rơi trúng đầu tôi đau điếng. Chẳng có sáng kiến nào lóe ra trong đầu tôi. Chỉ cơn đau như búa giáng nài tôi dừng lại. Và rồi, tôi đã bội bạc lại suy nghĩ của mình bởi con bồ câu đã bay vọt khỏi tầm mắt. Lông vũ rơi, chập chờn trước mắt như một mách bảo rằng con vật đã rẽ vào đường lớn. Đèn sáng giúp tôi thấy rõ mặt những người đang ngủ dựa vệ đường. Một cô gái đứng tỳ tay trên lan can ban công. Màu da xanh xao không đồng nghĩa tất cả cùng mắc bệnh hiểm nghèo. Thị trấn táo này, da dẻ ai cũng xanh và càng lớn màu da càng sậm, đỏ thắm như vỏ táo. Lòng đường đã không còn bóng xe. Mọi thứ quạnh quẽ trong tiếng lá rơi, cùng tiếng chân tôi quét trên lá. Tại con hè, một chàng đang huơ hoắng tay. Cặp chân chàng ta dính vào mặt đất, và lún xuống. Trong lúc tôi chạy đến để kéo chàng trai khỏi lòng đất thì táo lại rụng. Những quả to bằng cái đấu gạo nện xuống lòng đường, lăn lóc khắp nơi. Thoắt cái, đôi chân chàng trai đã ăn liền mặt đất, đôi bàn tay cứng đơ và vươn dài, trổ cành. Từ các cành khúc khuỷu như xương đơm ra các nhánh nhỏ hơn. Lá cây mọc ồ ạt như lúa trổ đòng đòng. Chàng trai biến mất ngay trước mắt tôi. Một cây táo mọc ngay trước mắt tôi. Cây chưa ra quả nhưng đấy rõ ràng là một cái cây nảy lớn từ cơ thể người.
Con bồ câu lại vỗ cánh sau một chặng dừng. Lông vũ rơi một lần nữa nhắc nhỏ tôi rằng con bồ câu đã bay nhanh hơn và sắp băng hết đường lớn. Trên con đường mới, tôi thấy một ông già đang gặm táo rồi ngã chúi xuống. Tứ chi ông ta cắm ngập xuống đường, miệng ông ta ngoác lớn, hét không thành tiếng. Ánh sáng đổ dọc hai bên đường rồi ngắn đi, lọt thỏm như cái bóng đổ trườn mặt đất. Trời đất âm u một lúc rồi sáng trở lại vì sáu ánh đèn cùng chiếu vào một chỗ. Tôi dừng chạy vì đã để mất dấu con bồ câu. Không còn nghe thấy tiếng vỗ cánh. Tôi chỉ nghe thấy tiếng lá cây xào xạc dữ dội. Bầu trời thị trấn rung chuyển vì những cành lớn đang lay như cái cựa mình của người khổng lồ. Giờ đây, tôi cố định ở một vị trí đầy đủ ánh sáng.
Trước mặt tôi, Nhà Vòng. Trước mắt tôi, một cây táo.
Sau một hồi ngó nghiêng, tôi tìm thấy những sợi lông vũ. Số lông vung vãi quanh con đường dẫn vào nhà. Con bồ câu đã bay đến đây. Mỗi một sợi lông rớt lại, tạo thành một dấu chân, một đường kẻ nối các dấu chấm thành một bản đồ hoàn chỉnh. Tôi đi theo dấu lông vũ rơi, và nhặt từng sợi một sau khi ướm dấu chân mình lên vị trí nằm chờ của các sợi lông cánh. Thêm sáu ngọn sáng từ sáu cây nến không rõ ai cắm ngoài cổng nhà. Bên trong kể ra cũng sáng sủa. Nguồn sáng cũng từ những cây nến được thắp trong nhà. Sợi lông vũ cuối cùng nằm dưới một rễ cây gồ khỏi mặt đất. Ông Cả lại sai quả. Những trái chín mọng hoặc rơi quanh gốc, hoặc vẫn cao vút trên các cành lớn.
“Chàng tìm gì ở đây. Nếu muốn ăn táo thì hãy ăn. Uống nước từ nguồn bao giờ cũng ngọt. Ta thấy chàng đang mệt, có phải chàng đã lả sức sau một chuyến đi dài. Đến đây, và bồi bổ.”
Hắn là ai mà nói với tôi như vậy. Một kẻ lạ mặt trong vô vàn những kẻ lạ mặt trên cõi đời này. Dưới những ngọn sáng, tôi xác thực được hắn không phải người tôi gặp ban chiều. Hắn có đeo dây chuyền với cái mặt giấu trong ngực áo. Chỗ đứng của hắn không gần tôi, cũng chẳng quá xa tôi. Khoảng cách này gần kề nhưng cũng xa xăm. Tôi đứng dưới gốc cây táo, còn hắn đứng dựa lưng trên thân táo. Thế rồi, hắn trèo sang trái, sang phải, đu lên cái cành gần đấy lanh lẹ như con sóc.
“Tôi tìm con bồ câu.”
“Không có bồ câu ở đây, chỉ có một cây táo. Chàng ăn một trái đi. Rất nhiều quả dưới chân chàng nhưng tuyệt đối chẳng phải trái ngon. Nếu chàng muốn, ta sẽ hái giúp chàng. Táo ngon giòn khi ăn cả vỏ, nhớ đừng nhè hạt vì chàng sẽ để lỡ mất những viên trân châu.”
“Ăn táo không nhè hạt sẽ mọc cây trong bụng.”
“Chàng đúng một nửa.”
“Thế nửa còn lại?”
“Chỉ những người đã chết, cây mới mọc trong bụng. Gượm đã, chàng đừng sợ hãi, đấy là một quy luật thôi. Nói đúng hơn, chỉ là một sự vãn sinh sau khi hết tuổi trời. Một thân xác dù mỹ miều, thánh thiện đến đâu rồi cũng thối rữa và bị lãng quên dưới lòng đất. Đấy là khi không còn linh hồn. Nhưng nếu xác họ nảy thành cây, thì đấy là tái sinh. Chàng nghĩ xem, còn gì vĩ đại hơn được sống vĩnh hằng.”
Tôi không thể thấy mặt hắn. Việc hắn leo trèo lên tục trên cây táo chỉ là một lí do. Nơi đây được thắp sáng bởi ánh nến, tôi có thể biện hộ rằng ánh sáng không đủ, còn thị lực tôi vốn đã chẳng tinh tường. Cái mặt lạ lùng với những đường gân gấp lên gấp xuống như di chuyển liên tục. Hắn không ăn táo nhưng hễ với tay là nắm được táo. Táo rơi bồm bộp như mưa rào. Phần gốc cây nổi gờ lên như muốn trồi khỏi mặt đất. Tôi ngửi thấy mùi táo chín mọng của lễ hội hàng năm. Không hề có mùi gỗ, hương lá cây khuấy trong gió, thoang thoảng thấy mùi mốc meo của đất lở. Hắn cười vang, tiếng cười cuốn thành tiếng xào xạc của những cành táo. Số táo treo trên cành cũng lắc lư như túm chuông lúc động gió. Ngoài kia, người ta xuống hết đường. Tất cả nhặt táo ăn, ai mang theo ghế cao thì leo lên hái táo. Số người cắm rễ chuyển sinh thành cây đơm quả, người ta hái quả, nhai rốp roắc trong tiếng vỡ xương. Không một ai nhổ hạt. Một vố lừa quá đau khi tất cả đều nuốt hạt. Hương táo đổ trào khắp nơi. Tôi thấy mê man.
“Ăn, là thống trị.” hắn nói trong lúc mắt tôi mê mẩn trong giấc. Giọng hắn du dương hơn tiếng em bé gọi cuộc đời và êm, lịm chất nghiện hơn sữa mẹ.
Người thị trấn nhảy nhót, mừng vui. Nam thanh lột bỏ áo, lột bỏ quần, mặc nhiên thả con giống ngóc thẳng. Nữ tú thả tóc, vén váy, rồi tháo lần lượt từ đôi tất cho đến mảnh đồ lót cuối cùng. Các cặp đôi cùng hái táo và cùng ăn. Họ ăn táo trong khoái trá, thụ hưởng vật chất trong thế chúa muôn loài. Ông Cả trổ quả. Quả tự bứng rơi xuống để rồi đám hai chân bò lồm cồm thành loài bốn cẳng. Bàn tay tôi xiết lại, nắm thấy táo. Một quả táo đỏ tươi như máu xử nữ mất cuộc đời. Trái to bằng bàn tay tôi, nắn thấy cứng, dày, chắc mẻm là táo chín cây. Quả Ông Cả, quà Ông Cả. Mùi táo ngậy thơm làm tôi say mèm. Trong cái choáng mình ê ẩm, nhũn nhão như được chắp cánh, tôi thấy nhiều quang cảnh chập chờn hiện ra, khép lại mở, mở lại khép. Tôi chẳng vén được gì nhưng cái úp mở đã thôi thúc lòng tham phải rút kiếm cướp ngai. Miệng tôi khan, thấy khát, thấy đói, thấy thèm thuồng và thấy được kích dục. Một cái cắn ngập răng vào táo, có khi ngốn hết sạch như hố đen húp sống cả thiên thạch lẫn hành tinh. Cái giòn ngọt của táo Ông Cả tôi đã thử nhưng táo ngày hôm nay sẽ là thượng phẩm. Táo nảy chín kể từ lúc tôi tìm vào Nhà Vòng. Ăn, cái bụng luôn đói ngấu sẽ được thỏa. Một sự no căng phát phì? Hay tôi sẽ chạm đến thứ khoái lạc tối cao và nguyên thủy nhất của thế giới.
Tôi ăn táo.
“Khoan!” – Tiếng ngăn tôi ăn táo.
Vẫn là hắn, kẻ lạ mặt trong vô vàn những kẻ lạ mặt trên cõi đời này. Hắn vẫn cheo leo trên thân cây táo, bám vững chắc như dính vào cây.
“Này chàng, Thiên Đường trong tay chàng, hãy…” – Hắn nói.
“Khoan…” – Hắn lại nói.
“Đồ Lưỡi Chẻ, Kẻ Xấu Xa, Thứ Quỷ Quyệt Trên Cánh Đồng…” – Hắn vẫn nói.
Hắn dựa vào Ông Cả. Hắn ôm mặt, vằn vò mặt. Tiếng hắn cứa làm hai, kháng nhau chan chát. Giọng hắn lúc ngọt ngào như nước hoa, lúc lại dữ dằn như sấm. Sau cái chỉ tay về phía tôi, hắn ngã lộn khỏi cây và đột ngột biến mất sau như trò ảo thuật. Thế rơi của hắn, hai cánh tay duỗi hai bên với đôi chân chập lại theo khuôn thánh giá đổ nhào. Tôi không lần được dấu hắn. Lý do ánh sáng là thừa, tôi cũng chẳng bao biện rằng cỏ mọc dày và rậm đến mức có thể chơi trốn tìm. Hắn đâu rồi. Sau cú rơi, hắn có phải đã tan thành vũng nước và ngấm hoặc bị cây hút làm dinh dưỡng.
Ông Cả trước mặt tôi. Phần vỏ nhăn nheo như bộ mặt tối cổ rỉ nhựa xanh, biểu hiện cho sự tái sinh. Táo trong tay tôi. Chỉ một cái ngoạm, nhai, nuốt ngấu và tôi….
Tôi do dự chưa ăn. Đầu óc tôi choáng lộn bởi tiếng hò hét phía ngoài. Đèn đóm của thị trấn tắt phụt. Người ta xuống đường đốt nến. Những cây nến cong queo, ánh lửa vẹo vọ như lưỡi rắn tìm mồi trong đêm.
Những cơ thể tìm nhau, cùng hái táo và cùng nhai, mớm nhau bằng cái hôn. Táo ăn không nhè hạt. Mọi người ca hát bằng cách vỗ miệng hú. Những thân mình uốn éo, cuốn vào nhau, cuốn vào thân táo.
Tay trái tôi nắm số lông con bồ câu đánh rơi. Chặng đường giữa tôi với bồ cầu, giữa người và chim, giữa cặp chân và đôi cánh. Bảy, đấy là số lông cánh tôi có. Đếm đi đếm lại, vẫn chỉ con số này. Vốn tôi nghĩ mình nhặt được nhiều hơn bảy sợi lông. Nắm chặt bàn tay, tôi đâm bảy đầu ngọn lông vũ vào ngực. Đâm từng nhát một, liên tục cho đến khi cơn đau làm tôi choàng tỉnh. Bảy sợi lông ngấm ngút vào ngực tôi. Chúng biến mất sau khi để lại một bên ngực bầm dập, trầy trụa vết đâm. Máu rỉ và chảy nối nhau từng giọt từng giọt như nước sáp nến. Cơn đau làm tôi tỉnh táo.
Tôi lõa thể từ bao giờ.
Nhà Vòng loang lổ, mục rỗng, tỏa mùi mốc meo của nấm siêu vi trùng. Cây táo Ông Cả kềnh càng như con bạch tuộc già đang hấp hối. Táo rơi bồm bộp từng đợt như lũ kéo.
Những cây táo khác đang quẫy đạp đòi ngoi khỏi đất nhưng rễ đã bắt vào Ông Cả. Mùa lễ hội…Người trong thị trấn ăn táo cả vỏ, cả hột. Tiếng cắn to tướng, nhai cũng to tướng. Một người ngã lăn lộn, hóa cây.
Đôi bàn tay tôi xòe hướng trời. Quả táo đứng trên một bàn tay. Tay còn lại trống trơn, bàn tay từng nắm bảy lông vũ. Trái quả tươi đỏ như mảnh đất màu mỡ, chờ khai phá. Mùi táo chín ngọt ươm trí tuệ nhân loại. Lát táo dày, tinh túy của trời và biển. Uống hết sao rơi, liếm khắp dãy ngân hà…Chúa Tể…
Tôi nghĩ ngợi về tương lai. Tôi đắn đo, nhắm nghiền mắt để đắn đo. Tôi trầm tư thật lâu, tựa như đang chết trong một giấc im lặng kéo dài, đốt cháy tuổi trời. Vết đâm nơi lồng ngực đã khép miệng nhưng máu vẫn nhức nhối và sôi sục, thúc giục tôi mở Thiên Đường…
Không phải trò tưởng tượng! – Tiếng đánh trong đầu trong ngân vang.-Tương lai nào phải trò tưởng tượng. Chọn tương lai, không giống như chọn vật để đấu giá, tìm nơi để náu thân trong khi đấy chỉ là sự ăn bám liều lĩnh. Một Thiên Đường, hay nhiều Thiên Đường…Tôi điên mất. Một con thuyền có đến được đất hứa không khi chúng ta đã dùng hết gỗ thuyền cốt để đóng cho mình một áo quan bền, đẹp nhằm kiêu hãnh với giun dế giòi bọ, sẽ gặm thân ta thành xương trắng. Táo, không phải táo, là tôi. Lông vũ, không phải lông vũ, vẫn là tôi. Cân lượng này, tôi chọn…

Tru Sa