07 November 2017

Ở ĐÂY ĐÊM VẮNG THƯA NGƯỜI, CÒN TA VỚI TRỜI (*) - Huyền Chiêu


Tôi thích nhìn ngắm các pho tượng. Chúng dạy tôi vẻ đẹp của sự im lặng. Thuở bé, tôi không có con búp bê nào. Nhà chỉ có một pho tượng ông lão đi câu bằng gỗ. Pho tượng đã gãy một chân, nón sứt. bị bỏ nằm lăn lóc trong xó nhà. Tôi thường ôm pho tượng trên tay, nhìn ngắm đôi mắt không chớp của ông lão, lòng thương cảm như khi nhìn thấy một người ăn mày què cụt. Lớn hơn tôi vẫn thường nhìn ngắm tượng đức Mẹ, tường Phật bà với đôi bàn tay chắp lại, dịu dàng, độ lượng.
Tôi cũng kính phục những nhà điêu khắc. Khi tạc một pho tượng, chắc chắn họ bỏ ra nhiều tháng, nhiều ngày, nhiều đêm, lặng yên một mình, miệt mài với tình cảm yêu thương dành cho một khối đá, một thân gỗ vô tri, một phác thảo tượng đài nào đó.

Tượng được đặt khắp mọi nơi trên thế giới. Tượng ghi lại một dấu ấn lịch sử, thể hiện tình cảm của người dân với quê hương mình.
Không ai bỏ công tạc tượng kẻ thù. Tượng luôn thể hiện khát vọng thanh bình và tình yêu cái đẹp.
Từ các pho tượng cổ xưa bí hiểm nhất ở đảo Phục Sinh đến pho tượng Nàng Tiên Cá lý lịch rõ ràng ở Đan Mạch, từ pho tượng Nữ Thần Tự Do cao lớn ở New York đến pho tượng cậu bé đứng tè bé bỏng ở Bỉ, tất cả đều được nhân loại yêu mến, giữ gìn.
Tháng 8 năm 1945, khi tin tức Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh kết thúc thế chiến thứ hai, bức ảnh chụp một lính thủy Mỹ bất ngờ ôm hôn một nữ y tá không quen biết vì quá hưng phấn trước sự kiện chiến tranh chấm dứt đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang tính lịch sử được yêu mến, gìn giữ.
Một pho tượng tuyệt đẹp dựa vào tấm ảnh mang tên Nụ Hôn ấy đã được dựng lên ở hải cảng San Diego năm 2007 biểu tượng của niềm hạnh phúc khi nhân loại không còn chiến tranh.
Tôi chạnh lòng nhớ đến ngày chấm dứt chiến tranh ở đất nước tôi, phe thắng cuộc đã kéo sập pho tượng Thương Tiếc. Pho tượng mang hình dáng người lính đang bồng súng, không phải để bắn giết kẻ thù, mà đang ngồi yên lặng canh giấc ngủ ngàn thu cho mấy mươi ngàn đồng đội ở nghĩa trang Biên Hòa.
Không có dịp được nhìn pho tượng nhưng qua hình ảnh còn lưu lại, pho tượng buồn bã ngồi tiếc thương đồng đội có lẽ là pho tượng đẹp nhất của miền Nam Việt Nam.
Lần nào về Sài Gòn, con trai tôi cũng dẫn mẹ đến “Một nơi nên đến thăm”.
Lần này con tôi đưa mẹ đến uống cà phê ở quán Tượng Đá. Quán cà phê Tượng Đá nằm ở đường Nguyễn Thượng Hiền, là ngôi nhà của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng Thương Tiếc. Nghe nói Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thu sau 8 năm cải tạo đã qua Mỹ sống 15 năm và hiện giờ đã trở về ngôi vườn tượng năm xưa.

Ảnh này tác giả chụp ở cà phê Tượng Đá

Quán vắng, nằm rợp dưới bóng những cây me cổ thụ. Những phiên bản tượng còn dang dỡ nằm ẩn mình sau những lùm cây. Từ cuối sân vườn, một ông lão lần dò chăm sóc mấy chậu cây cảnh. Con trai tôi cho biết đó chính là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. “Mẹ may mắn đó, ít khi ông xuất hiện lắm.” Ông lão gầy gò, lặng lẽ quanh quẩn xới từng gốc cây trong khu vườn ríu rít tiếng chim. Ông mang dáng vẻ của một người mang nỗi đau có đứa con mà mình yêu thương nhất đời bị sát hại thê thảm.
Tôi đưa máy định chụp lén một tấm hình nhưng con tôi ngăn lại: “mẹ hãy để ông ấy được yên”.
Qua vòm lá me, Trời Sài Gòn vào thu bàng bạc mây xám.

Huyền Chiêu
Tháng 9 năm 2017

(*) lời nhạc Trúc Phương