Cô Lệ Ngọc sanh năm Nhâm Dần, tính đến nay cô cũng đã năm mươi lăm tuổi rồi,
nhưng cô vẫn chưa chồng. Chắc tại cô tuổi con cọp cao số, (ông bà xưa nói vậy),
người đàn bà cao số là người sẽ muộn đường chồng con?
Cái năm “giải phóng” cô mới mười ba, cô đã lớn lên trong một thời kỳ nhiễu
nhương chưa từng thấy, mọi thứ trong xã hội bỗng chốc thay đổi lộn tùng phèo.
Cha cô vốn là sĩ quan cảnh sát phải đi tù “cải tạo”. Gia đình cô may mắn không
bị mất nhà, cô may mắn vẫn còn được cắp sách đến trường. Nhưng thời đó đi học
là đi đến trường chứ chữ nghĩa chẳng nhét vô đầu óc được bao nhiêu, mà học cũng
chẳng biết để làm gì.
Rồi cô cũng lớn dần theo năm tháng, lẽ ra đó là những năm tháng đẹp nhất trong
cuộc đời… lại là những năm tháng dài buồn chán. Nhà nào cũng chỉ lo đến miếng
ăn, người nào cũng lo tìm đường thoát khỏi vùng trời mình đang sống. Vừa đến
tuổi chớm vào đường yêu, quanh đi quẩn lại cô chẳng tìm được đứa con trai nào
để cặp bồ. Bạn học trong lớp, bạn bè lối xóm, hôm nay thấy mặt thì biết nó còn
đó, ngày mai thì không chắc nó còn đó không.
Lúc cô hai mươi tám tuổi, có một anh chàng người cùng xóm, cũng trạc tuổi
cô, nhờ người mai mối đến nhà hỏi cưới cô làm vợ. Cô thấy anh ta cũng được,
không mang tiếng điều chi. Cô thấy gia đình anh ta cũng được, ai cũng lo làm ăn
lương thiện. Cô nghĩ nay mình cũng đã lớn tuổi, thôi ưng đại anh ta cho rồi.
Chuyện hôn nhân của cô chưa đi tới đâu thì đùng một cái, cả thành phố nhốn nháo
tin tù cải tạo được Mỹ bốc. Khi ba cô chính thức nộp đơn đi Mỹ theo diện H.O.,
cô không dám uống thuốc liều bỏ cha bỏ mẹ ở lại lấy chồng. Thôi thì chắc duyên
số chưa tới, trời đã định như vậy rồi.
Cô đến Mỹ lúc vừa ba mươi, chưa già lắm để có được một người đàn ông cho
cuộc đời. Cô không đẹp nhưng không xấu, (mà người đàn bà dù có xấu thì cũng vẫn
kiếm được chồng), không hiểu sao cô không gặp được ai, cô cũng không cần thiết
lắm quơ đại một ông nào đó làm chồng cho có với người ta.
Ngày tháng dần qua… cô đã năm mươi lăm. Cô đã quen với cảnh sớm tối đi về lủi
thủi một mình.
Có lần cô nghe mẹ kể người yêu đầu tiên của cha tên Lệ Hoa. Cha rất yêu
người con gái ấy, (nhưng không hiểu sao duyên nợ hai người không thành, đôi lúc
cha tỏ ra ân hận vì nghĩ mình là người phụ bạc). Cái tên của cô hình như có
dính dáng một chút gì đó đến mối tình đầu của ông. Mẹ cô có đôi lần đổ thừa tại
ông già đem cái giọt lệ tình năm xưa cho cô ôm, nên đường tình duyên của cô
nhiều lận đận. Cô không nghĩ vậy mà cũng không buồn cha mình.
Qua Mỹ cái tên Lệ Ngọc của cô có hơi khó gọi hay sao mà bạn người Mỹ làm
chung sở đều kêu cô là Lệ, cô Lệ Ngọc giờ thành cô Lệ. Thôi thì… ráng mà ôm cái
giọt lệ tình đó cho hết cuộc đời.
Sang Mỹ mấy tháng, vừa có bằng lái xe thì cô được người quen giới thiệu vô
làm công nhân lắp ráp trong hãng điện tử. Cô học thi lấy thêm bằng nail, làm
thêm buổi chiều và cuối tuần. Cô chịu khó cày hai job từ ngày sang Mỹ cho đến
giờ, cũng đã hơn hai mươi năm. Cuộc sống từ từ trôi qua ngày này đến ngày khác
một cách êm đềm, người ngoài nhìn vào thấy cuộc đời của cô như vậy tốt lắm rồi
còn mong gì hơn.
Ai đến nhà cô chơi cũng trầm trồ ước ao được sống như cô độc thân vậy mà
sướng. Chị Minh lúc nào cũng than phiền mấy đứa con, “con là nợ vợ là oan gia”.
Lúc tụi nó còn nhỏ thì tối ngày đưa đón, lớn thì lo đủ thứ…tiền học tiền quần
áo tiền cà phê thuốc lá. Giờ tụi nó trưởng thành mạnh đứa nào nấy bung, có
chuyện gì cần nhờ thiệt là khó. Anh chị Hoàng thì cằn nhằn đứa con gái, vừa bán
nhà dọn về ở chung với con, vừa tiết kiệm tiền vừa trông chừng cháu ngoại.
Nhưng chắc phải dọn ra, xứ này nhà ai nấy ở, nhà của nó làm gì cũng phải hỏi ý
nó, mua cái bàn cái ghế, nhỏ như chậu hoa cũng phải hỏi ý nó, nó chịu thì mới
được phép mang về. Chị Hồng thì luôn càm ràm ông chồng, ổng nhậu nhẹt cờ bạc
tối ngày, nhà cửa con cái một mình tui lo, lâu lâu trả một đống nợ ổng vay.
Thiệt từ lúc lấy chồng cho tới giờ con lớn đại mà sao mà không có ngày nào
không lo, ở độc thân như em vậy mà sướng.
Hình như mọi người ai cũng nghĩ cô Lệ Ngọc cứ ở một mình vậy cho khỏe.
Năm vừa rồi Lệ Ngọc bị mất việc ở hãng điện tử, nàng không vội tìm việc
khác, sẵn dịp nghỉ một thời gian cho khỏe, làm nail lai rai đủ sống rồi. Căn
nhà nàng đang ở là của nàng, trả gần xong còn vài năm nữa là hết nợ ngân hàng.
Hồi đó làm gan mua đại, lúc nhà còn rẻ, vậy mà có chớ giờ giá nhà lên cao quá
sao mua nổi. Nàng ở với cha mẹ cùng thằng cháu kêu bằng cô. Mẹ nó chết sớm, cha
nó giao cho ông nội bà nội nuôi dùm. Cô hai Lệ Ngọc thương nó như con, năm nay
nó hai mươi mốt tuổi rồi, đang học năm thứ tư đại học.
Không đi làm hãng, có nhiều thì giờ rãnh rỗi chị Minh lối xóm thường hay rủ
Lệ Ngọc đi chùa, ngày rằm hay ngày mùng một đầu tháng lên chùa làm công quả ăn
cơm chay. Tại đây Lệ Ngọc quen anh Quang khi anh lên chùa làm lễ cúng thất cho
vợ. Vợ anh vừa mới qua đời, nhìn người đàn ông đầu quấn khăn tang đội sớ, quỳ
lạy đọc kinh Lệ Ngọc vừa thấy có cảm tình vừa thấy hơi tội nghiệp.
Lúc xong lễ ngồi ăn cơm chay, anh Quang ngồi gần bên hỏi Lệ Ngọc vậy chớ
thằng con trai cô đâu sao hôm nay không thấy.
Lệ Ngọc mỉm cười nói dạ thằng đó là cháu, không phải con, nàng định nói nàng
vẫn còn độc thân, nhưng thôi, khi nào người ta hỏi hẳn nói. Nhưng người ta
không hỏi.
Cô Khánh và một số người hay lên chùa làm công quả, lâu lâu chừng đôi ba
tháng tổ chức buổi đi rải tro cốt người quá cố ngoài biển. Cô đứng ra thuê bao
một chiếc tàu nhỏ, loại chở khách du lịch đi vòng quanh vịnh ngắm cảnh. Thường
lễ rải tro cốt có sư thầy trên chùa đi theo làm lễ tụng niệm, có hoa và bánh
trái mấy cô đem theo cúng kiến. Ai có nhu cầu thì ghi tên tham dự, các cô thì phụ
trách phần rải tro cốt mấy người không có thân nhân. Chị Minh rủ Lệ Ngọc đi
theo, hôm đó chị cần rải tro cốt một người bà con sống cô đơn không vợ con anh
em ở Mỹ. Hai người đến nhà cô Khánh, đi chung xe van to cho tiện vì đi ra biển
Santa Cruz cô Minh không biết đường, mà đường đèo cheo leo khó lái. Trên xe có
thầy trụ trì chùa Thắng Duyên đi theo tụng kinh làm lễ, cha con anh Quang cũng
đi quá giang chung xe. Hôm nay anh đi ra biển rải tro cốt người vợ quá cố của
anh. Lệ Ngọc hỏi anh Quang hôm nay anh nghỉ làm? Anh cười nói tôi nghỉ hưu rồi,
sáu mươi bảy tuổi rồi, tuổi con cọp, Canh Dần. Ngọc muốn nói em cũng tuổi con
cọp nhưng hơi ngại. Thấy anh cũng còn trẻ, chừng sáu mươi. Anh Quang cười xoà,
bây giờ tôi thấy già nhiều chớ lúc trước ai cũng khen trẻ. Chắc từ lúc bả mất,
lo đủ thứ. Mới vừa nghỉ hưu bả đổ bịnh, cũng may ở nhà không đi làm có thời giờ
săn sóc. Bà xã tôi bịnh có sáu tháng thì mất, đâu có ngờ mau như vậy. Anh Quang
trầm ngâm buồn bã, Lệ Ngọc bối rối không biết nói gì an ủi người đàn ông vừa quen.
Buổi tối hôm đó Lệ Ngọc cứ nhớ đến người đàn ông tuổi con cọp, tự dưng trùng
hợp tự dưng thấy thích người ta. Thấy ảnh cũng còn trẻ, cứ tưởng lớn hơn mình
vài tuổi. Lệ Ngọc lấy phone xem hình chụp hồi ban sáng, cứ xem tới xem lui tấm
hình chụp chung người ta đứng bên cạnh. Rồi nhớ đến từng cử chỉ từng lời nói
của người ta.
Thằng Dũng là cháu mà Lệ Ngọc nuôi nó từ nhỏ, thương nó như con. Nó cũng
thương cô Hai và coi cô như người mẹ. Mấy hôm nay thấy cô Hai có vẻ buồn buồn
hay rút vô phòng cả ngày không nói chuyện với ai. Cô mới vừa cho nó biết cô đã
đến văn phòng luật sư làm di chúc để lại căn nhà này cho nó. Nó nghe mà không
thấy vui, thấy cô buồn nó cũng buồn theo. Nó nghĩ người ta già gần chết mới lập
di chúc, chớ còn cô…còn trẻ quá mà.
Lúc cả nhà vừa ăn cơm xong, có mặt ông nội bà nội, nó ngập ngừng sau cùng
cũng nói.
– Con còn trẻ sau này tự lo tự sống được rồi. Cô Hai để dành tiền sống dưỡng
già. Trong nhà ai cũng thương cô Hai, con thương cô như thương mẹ…cô đừng chết
sớm nhe cô Hai.
Cha mẹ cô Lệ Ngọc nghe vậy không ngăn được giòng nước mắt. Ông bước đến gần
nói với đứa con gái.
– Ba má rất thương con, lúc nào cũng thương con, con thương ai ba má không
bao giờ cấm cản. Ba má đã già sống nay chết mai, ba má lúc nào cũng mong con có
gia đình, có người bạn đời hủ hỉ lúc tuổi già, được như vậy ba má mới yên tâm
mà theo ông theo bà.
Cô Lệ Ngọc làm thinh không nói gì nước mắt tuôn trào. Thằng Dũng bước ra
ngồi ngoài hàng ba khi thấy ông nội bà nội nó khóc, đây là một tình cảnh rất
khó khăn nó phải chứng kiến.
Thằng Dũng hỏi thăm địa chỉ nó tự tìm đến nhà bác Quang. Nó nghĩ chỉ có
người đàn ông này mới có thể làm cho cô Hai của nó hết cái bịnh buồn. Lúc nó
đến bác Quang đang lăng xăng trông chừng hai đứa cháu, một đứa cháu nội một đứa
cháu ngoại. Thằng Dũng đẻ ở Mỹ nói tiếng Việt không rành. Sau một hồi ấp a ấp
úng nó nói… cô Hai của con thương bác nhiều lắm, mấy ngày nay không thấy bác cô
buồn sanh bịnh, bác làm ơn đến nhà nói chuyện với cô Hai để cô từ từ qua cơn
buồn.
Cái điệu nói ngay nói thẳng của thằng Dũng làm anh Quang bật cười, (anh thầm
nghĩ trong bụng vậy sao, thiệt vậy sao?), nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của thằng
nhỏ anh thấy có hơi chút cảm động, anh nói để cuối tuần cha mẹ mấy đứa này ở
nhà bác sẽ đến, giờ bác phải làm babysit cháu ơi!
Thằng Dũng đứng trước cửa nhà chờ bác Quang, nó thấy chiếc xe Camry màu
trắng từ từ tấp vào lề dừng lại, nó mừng rỡ chạy đến đón. Bác Quang nói xin
lỗi, bác đến trễ vì xe của bác tự dưng bị hư, bác nhờ đứa con đưa đi dùm.
Cô Lệ Ngọc nãy giờ lăng xăng pha cà phê, hai người dẫn nhau ra sau vườn xem
mấy cây rau thơm, mấy cây ớt cô mới trồng. Cô hái cho anh Quang một bịch chanh,
cây chanh sai trái ăn không hết.
Anh Quang hỏi cha thằng Dũng giờ ở đâu, thấy nó cũng dễ thương, nó có vẻ
thương cô Ngọc lắm.
“Cha nó giờ có vợ khác ở cách đây khoảng một tiếng đi xe. Nó ở với ông nội
bà nội quen rồi, không muốn về ở với ba, mà năm tới nó chuyển trường đi học xa
rồi.”
“Thấy nó ngoan dễ thương mà nói tiếng Việt cũng giỏi”.
“Nhờ nó ở chung với em từ nhỏ, ông nội bà nội lúc trước coi phim bộ suốt
ngày nên nó biết tiếng Việt, mà biết nói thôi chớ không biết chữ. Hồi trước đi
ăn nhà hàng Việt Nam sao thấy nó có một món gọi hoài, sau nó thú thiệt, nó có
biết đọc menu đâu mà lựa món”.
Anh Quang nhớ tới hôm nó đến nhà, ấp a ấp úng nói cô con thương bác. Quang
chợt mỉm cười, Lệ Ngọc đâu biết anh đang nghĩ gì nhưng nụ cười mỉm của anh làm
cô bồi hồi sung sướng.
Anh Quang nói thầy trên chùa Hồng Danh có tổ chức một buổi văn nghệ có phần
ăn tối tại nhà hàng, nhằm gây quỹ mua xe lăn xe lắc giúp đỡ người tàn tật bên
Việt Nam, cô Ngọc có muốn đi dự không tôi có vé. Ngọc nói tiền vé bao nhiêu để
em trả lại cho anh.
Thằng Dũng đưa bác Quang về sẵn dịp nó mời bác đi ăn phở. Cô Hai Lệ Ngọc thì
khỏi nói, đương nhiên đi cùng. Hôm nay cô vui luôn miệng khen quán này phở ăn
ngon quá, cô còn mua hai phần “to go” đem về cho ba má. Thằng Dũng nhìn cô tươi
vui mà khoái trong bụng, nó đã tìm được đúng thầy đúng thuốc chữa cái bịnh
“buồn” của cô Hai.
Hôm nay cô Lệ Ngọc có hẹn với anh Quang đi coi văn nghệ chùa gây quỹ từ
thiện. Cô mặc chiếc áo đầm màu xanh lông két có gắn kim tuyến chớp chớp, cô
mang giày cao gót đeo bông tòn teng như con gái. Cha mẹ cô ngồi nhìn con gái
của mình lúc rày yêu đời xí xọn nhí nha nhí nhảnh. Người đàn bà đang yêu có
khác. Cở này hai người hay dẫn nhau đi ăn đi mua sắm đi chơi chỗ này chỗ kia,
tối thì ôm cái phone tâm tình. Coi bộ cái thằng đó cũng chịu con nhỏ, cầu trời
cho nó có chỗ yên thân yên phận.
Lệ Ngọc nhờ thằng Dũng tìm người, cô muốn xây thêm một cái phòng có nhà tắm
phía sau vườn, có lối đi riêng phía bên hông nhà, kiểu người ta xây thêm phòng
cho mướn. Cha mẹ cô không hề thắc mắc, cũng tự hiểu cô đang tính chuyện lấy
chồng ra riêng.
Cha thằng Dũng một hôm ghé nhà thăm ông bà sẵn dịp cho nó ít tiền, thấy thợ
làm nhà phía sau vườn hỏi ủa bộ chị Hai xây thêm phòng cho mướn hả. Ông bà nói
nó xây phòng mai mốt lấy chồng ra riêng. Cậu em cười ngất, chị Hai lấy chồng?
Cái này ngộ à nghen, thiệt không ba? Mày hỏi chị mày sao hỏi tao. Chị Hai Lệ
Ngọc không nói mặt ửng hồng sung sướng.
Mấy cha con kéo nhau ra xem cái “Túp lều lý tưởng” của cô Hai Ngọc. Ba thằng
Dũng khen phòng tắm, rộng và sang như nhà triệu đô. Vừa tắm vừa nhìn ra phong
cảnh đồi núi phía xa xa, đêm có trăng hai ông bà ngâm mình trong bồn tắm tay
cầm ly rượu đỏ thì y như trong phim. Nó cười ngất khi ngồi thử trên cầu tiêu,
ai vẽ kiểu cho chị vậy, mới từng thấy vừa ngồi ỉa vừa ngắm cảnh. Chị có đứng
ngoài nhìn thử rồi, đâu thấy gì, cùng lắm người ta thấy mình đang đọc báo.
Cái hôm ăn tân gia, anh Quang có dẫn hai đứa con và mấy đứa cháu đến dự. Ăn
uống ì xèo đông vui, thằng Dũng uống bia hát karaoke tiếng Việt. Hai người này
coi bộ cũng muốn công khai tình cảm.
Thỉnh thoảng anh Quang có đến chơi, tự động đi cửa hông vô “nhà” của cô
Ngọc. Cô Ngọc không nói lẳng lặng đi ra nhà sau gặp anh Quang, hai người này
lớn rồi mà hẹn hò lấp ló như mèo ăn vụng.
Một buổi tối khi cô Ngọc và cha mẹ đang ngồi coi tivi thì anh Quang đến.
Nhìn cái điệu bộ lăng xăng đi tới đi lui như gà mắc đẻ của cô con gái, ông cha
hiểu ý, nhìn ra sau vườn thì đúng y chang, chàng vừa đến ngồi chờ. Ông nói với
bà vợ thôi mình vô phòng coi tivi rồi đi ngủ.
Ông vén màn nhìn ra ngoài, cô con gái yêu của ông đang cùng người tình đang
ngắm mấy đóa hoa nở muộn. Hồi sáng này, cô Ngọc cứ tấm tắc khen mấy bụi hoa,
cuối Thu mà vẫn còn ra hoa thiệt là đẹp.
Hai người bước đến ghế xích đu vừa ngắm trăng vừa uống rượu, chà chà con gái
tôi bữa nay uống rượu đỏ. Người đàn bà đang yêu. Bởi vì tình yêu đến muộn quá
nên cô nàng “Yêu như chưa từng được yêu”.
Ông cha tò mò nhìn hai người, họ không ôm ấp hôn hít như người trẻ thời bây
giờ. Rồi chút nữa đây ai về nhà nấy, ông cảm thấy thương đứa con gái của mình,
tội nghiệp con tôi, sao không ai mở lời cho một đám cưới. Ông có một quyết
định, ông nắm tay bà vợ lắc lắc, bà à ! Vợ ông đang mải coi phim thời sự quay
nước Ấn Độ, bà à…chuẩn bị, chuẩn bị ăn đám cưới. Đám cưới ai? Thì đám cưới con
gái bà chớ đám cưới ai.
Nguyễn Thạch Giang
Tháng Mười, 2017