Ông Tạng di cư vào Nam năm 1954, cư ngụ tại khu Rau Xanh, cách Ban Mê Thuột
khoảng 15 km về hướng Tây dẫy Trường Sơn. Ông Tạng vốn là người đa năng, tháo
vác và có kiến thức nên chẳng bao lâu lên làm thôn trưởng. Tôi quen biết ông trong
một dịp tôi theo phái đoàn thông tấn xã TT từ Sài Gòn lên Ban Mê Thuột, vô các
làng xã tìm hiểu đời sống cư dân miền Bắc sinh sống tại Châu Sơn, Hòa Bình, Duy
Hòa, Kim Châu Phát và khu Rau Xanh. Khi phái đoàn ra về, bất ngờ ông Tạng hẹn
tôi ngày mai trở lại sẽ kể riêng cho tôi nghe câu chuyện mà ông hứa hẹn là một
đề tài hấp dẫn.
Hôm sau tôi mượn chiếc xe đạp của người bà con lộc cộc đạp trở vô khu Rau
Xanh. Tại nhà ông Tạng tôi được ông đãi một bữa ăn gồm toàn những đặc sản Cao
Bằng, quê ông, mà tôi chưa từng thưởng thức. Các món ăn lạ mắt lạ tai như phở
chua, bò gác bếp (thế bằng thịt nai), xôi trái trâm, bánh trứng kiến (làm từ
bột nếp, trứng kiến đen và lá vã) và bánh khảo tráng miệng. Đặc biệt, rượu ngô
thơm ngon đậm đà tăng thêm phần hứng khởi cho bữa tiệc.
Sau vài tuần rượu, thôn trưởng Tạng nhập đề:
“Tôi là Vũ Văn Tạng sanh tại Cao Bằng, Bắc Việt. Cha tôi người Tày làm ruộng
ở Bắc Kạn, mẹ người Tuyên Quang. Khi trở thành gia thất, bố mẹ tôi lên Cao Bằng
lập nghiệp, hai năm sau mới sanh ra tôi. Năm 1954, tôi 20 tuổi, theo bố mẹ di
cư vào Nam, chọn khu Rau Xanh, như anh đã biết, làm đất sống. Hàng ngày Tạng
tôi phụ giúp bố mẹ trồng tỉa các loại hoa mầu, tới mùa thu hoạch bán các rau
quả tươi cho mối lái chở ra chợ bán, làm kế sinh nhai.
Không bao lâu, bố mẹ lần lượt qua đời, Tạng tôi trơ trọi một mình, không vợ
con, xoay qua làm nghề gõ đầu trẻ tại gia. Thời mới nhập cư khu Rau Xanh chưa
có điện, phải thắp đèn dầu. Mỗi tối chấm bài vở xong tôi thường ngồi đọc sách,
viết lách bên cạnh cửa sổ chắn song thưa”.
Mời tôi cạn thêm chung rượu, gắp miếng bò gác bếp đưa cay, giọng trầm trầm
ông Tạng từ tốn rào đón:
“Tôi xin nói trước với anh ký giả là chuyện tôi kể ra đây không dính líu gì
tới chuyện ma quái của ông Bồ Tùng Linh bên Tàu cả. Mặc dù tôi chưa từng đọc
truyện của ông Bồ nhưng người ta nói Liêu Trai Chí Dị là truyện hư cấu; còn
tôi, cam đoan với anh ký giả là chuyện của tôi có thật một trăm phần trăm.”
Ngừng một chút ông Tạng nói tiếp:
“Một hôm, đang chăm chú đọc báo, tự nhiên Tạng tôi cảm thấy ớn xương sống,
cảm giác như có ai ở ngoài sân đang quan sát mình. Lúc ngước lên hồ như tôi
thấy một cô gái mặc áo chùng trắng, tuổi độ đôì tám, tóc xõa dài xuống chân
thoáng hiện bên ngoài cửa sổ, chớp mắt cô biến mất ngay. Tôi nghĩ mình thường
thức khuya mệt mỏi dễ sinh ra ảo giác nên thổi tắt đèn đi ngủ. Hai ba hôm sau,
trời vừa chạng vạng tối, tôi lại mơ hồ thấy có bóng người thiếu nữ áo trắng
chập chờn đứng trong vườn chuối sau nhà nhìn vào. Dụi mắt nhìn kỷ tôi lại chẳng
thấy gì ngoài đêm đen và gió thổi như tru.
Đêm hôm sau cô gái lại xuất hiện. Lần này Tạng tôi biết chắc không phải ảo
giác. Sanh nghi. nhưng tôi giả đò đọc sách như không hay biết gì, nhưng trong
đầu đã có chủ ý. Chờ cô gái tiến sát bên cửa sổ tôi vội tông cửa chạy vụt ra
thì cô gái, như có ma lực, đẩy cô chạy như bay về cuối thôn nghèo. Tôi đứng lại
nhìn chiếc áo chùng trắng và mái tóc dài bay phất phới trong gió mà ngẩn ngơ.
Tôi có cảm tưởng như hai chân cô không chạm mặt đất.
Đêm tôi nằm nghĩ lung về người thiếu nữ mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi
không biết cô là con cái nhà ai mà nửa đêm nửa hôm một mình cả gan đi lang
thang ngoài đường ngoài xá như thế. Dù sao, đất Rau Xanh của chúng tôi xưa nay
vẫn yên ổn, dân Rau Xanh chúng tôi chưa từng xẩy ra bất kỳ biến cố hay hiện
tượng lạ nào. Hơn nữa, vào mùa trăng trai gái hay hò hẹn trong đêm, cô có lang
thang đâu đó cũng là chuyện thường tình.
Lâu ngày chày tháng không thấy cô trở lại, tôi bận dạy học nên dần dà quên
đi. Nhưng một hôm trăng vừa nhú trên đầu ngọn tre, cô gái áo chùng trắng bất
ngờ lại xuất hiện làm tôi giật mình. Tôi không biết cô đứng bên cửa sổ từ bao
giờ. Trong ánh đèn lờ mờ hắt ra bên ngoài tôi không nhìn rõ gương mặt nhưng đôi
mắt của cô làm tôi sợ hãi. Tôi không dám nhìn vào đôi mắt ấy, nhưng như bị cô
thôi miên buộc tôi phải nhìn sững. Đôi mắt nâu non đẹp tuyệt trần nhưng trời ơi
sao mà buồn thăm thẳm. Có thể nói tất cả những nỗi buồn thê thiết nhất trên
trần gian lao khổ này đều đổ dồn vào đôi mắt của cô, đôi mắt sáng dịu dàng mà
xa xăm u uẩn đầy cam chịu. Cuối cùng tôi cố sức tỉnh hồn đứng dậy định ra mời
khách vào nhà cho phải phép thì cô dợm bước đi ngay.
Hôm sau và nhiều hôm sau nữa tôi cố ý chờ cô gái trở lại nhưng chỉ hoài
công. Cô biến mất như cơn gió, như giọt bụi. Có điều kỳ lạ là từ đó đêm nào tôi
cũng nằm mộng thấy mình giao hoan với cô. Tuổi trẻ sức voi ôm ấp nhau suốt hai
tuần lễ tôi bắt đầu cảm thấy kiệt sức. Soi mình xuống mặt nước ao tôi nhìn tôi
tiều tụy.
Đúng lúc đó, nghe tiếng “A di đà Phật” tôi giật mình ngước lên thì thấy một
nhà sư áo vàng đi khất thực. Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì dân Rau Xanh chúng tôi
từ ngày lập ấp đến nay đều là những con chiên ngoan đạo, chưa từng thấy bất kỳ
một biểu tượng nào khác ngoài hình ảnh Đức Mẹ Hằng Sống. Dù thế, tôi vẫn chạy
vô nhà lấy thức ăn mang ra cúng dường. Vừa đặt gói xôi trâm vào bình bát, tôi
nghe nhà sư khẻ nói: “Mô Phật. Thí chủ mình đầy tà khí”. Nói xong nhà sư cúi
đầu thi lễ rồi khoan thai bước đi.
Từ lúc vị khất sĩ xuất hiện đến lúc bước đi, tôi như người mất hồn, ú ớ
không thốt được lời nào. Cái ngũ uẩn: hình hàì, cảm giác, tri giác, tâm tư và
nhận thức của Tạng tôi như chết cứng. Đúng lúc đó tôi nghe trong tai mình có
tiếng thì thầm như truyền âm nhập mật làm tôi vô cùng kinh hãi.
“Thí chủ nên để đèn khi đi ngủ. Thấy đèn sáng, cô gái tên Thu Nương không
dám vô xâm hại thí chủ. Thu Nương là con gái của ông bà phán Học ở cuối thôn
Rau Xanh. Thí chủ cũng nên bỏ chút thì giờ quí báu đến đó sẽ biết được sự thật.
Lúc đó bần đạo tin rằng thí chủ sẽ được gạn lọc thân tâm, vượt thắng mọi tà
hạnh, kiến chấp”.
Thưa anh ký giả. Anh có biết “cuối thôn Rau Xanh” là ở đâu không. Đó là
nghĩa trang của dân Rau Xanh chúng tôi. Mồ mả không nhiều nên vừa đến đó tôi
nhận ra ngay. Ánh mắt vời vợi của Thu Nương lồng trong tấm bia xi-măng đã từng
ám ảnh tôi suốt mấy canh trường. Tôi run rẩy quị xuống trước ngôi mộ Thu Nương,
nằm cạnh hai ngôi mộ của song thân cô. Tất cả đều đơn sơ, hao mòn theo bóng
thiều quang anh ạ…”
oOo
Thưa bạn đọc. Chuyện của ông Vũ Văn Tạng chỉ có thế. Sau khi lược lại lời kể
tôi viết thành truyện đem đăng báo. Nửa năm sau tôi mới có dịp lên Ban Mê Thuột
vô Rau Xanh thăm lại ông bạn già năm xưa của tôi tiện thể tặng ông tờ báo có
đăng bài viết Thu Nương.
Nhưng mà tạo hóa khéo trêu ngươi. Ông Vũ Văn Tạng bị rắn hoa mai cắn chết
bên miệng giếng cạnh bụi tre la ngà đã hai tháng trước. Tôi ý tứ hỏi thăm thì
không một ai biết ông Tạng từng bị ma ám. Tôi cũng không biết tình cờ hay hữu
ý, mộ của ông Tạng lại được chôn cạnh mộ của Thu Nương. Người chết mới được hai
tháng nên đất còn tươi, cỏ vẫn xanh bên cạnh những ngôi mộ đìu hiu, lạnh giá.
Chuyện này xẩy ra cách đây ngót 63 năm.
Phan Ni Tấn