16 December 2017

TỊNH TÂM KINH - Khổng thị Thanh-Hương

Câu hỏi “Thứ tha có dễ?” lẩn quẩn trong đầu tôi nhiều ngày sau khi trải lòng trên giấy trắng mực đen sự thương cảm của tôi đối với một số người nữ quê tôi chịu bao thảm kịch đắng cay vì sự tàn bạo của một lũ đàn ông thua xa súc vật. Ngày hôm qua tôi đã tìm được câu trả lời.


Như thường lệ, chúng tôi tình nguyện cùng với trên dưới mười người để “làm đẹp” sân cỏ của một ngôi trường tiểu học đã bỏ hoang hơn sáu năm nay. Bên phía Đông của Đảo Lớn này, lượng mưa khoảng từ 7.850 đến 10. 271 phân mỗi năm cho nên cây cỏ mọc liên tục, không ngừng không nghỉ, không lấy giờ giải lao. Do đó, sáu năm không có người lai vãng, cỏ cao hơn đầu người, choán hết đường đi. Những cây cổ thụ không ai tỉa nên thi nhau mọc, che khuất toà nhà hai tầng, chưa kể những cây mới được trồng bởi chim trời. Khi lái xe qua khu vực này, du khách không hề hay biết sự hiện diện của Hilo Elementary School.

Như những tháng gần đây, công việc của tôi tháng này vẫn là … nhổ cỏ. Tuy nhiên, lần này bà trưởng nhóm Akiko nhờ tôi cố gắng dọn sạch họ hàng nhà mắc cở đầy gai đang làm mưa làm gió, bóp nghẹt sự sống của những khóm Hawaiian fern nằm dưới chân những bụi chuối. Tay thì giựt từng cụm mắc cở đầy gai, mà lòng thì suy nghĩ lung lắm. Tôi phân vân không biết sẽ phải đối xử thế nào với những người đàn bà người Thái đồng hương với những kẻ hành động như những con thú đội lốp người mấy chục năm về trước, thì bỗng dưng tôi nghe tiếng ai gọi tên cúng cơm của mình. Ngẩng lên, tôi thấy Luckana đang đi ngang qua, vẫy tay chào với nụ cười thật tươi. Tôi cũng nhoẻn miệng cười chào lại. Sau khi hỏi thăm nhau qua loa, tôi chỉ cho bà ta hai nơi khác nhau để bỏ cỏ dại. Loại cỏ “chạy”, một loại cỏ có rễ lan man cả nhiều thước thì bỏ vài bao rác màu đen, vì bà Akiko không muốn nó bén rễ mọc lại. Tất cả các loại cỏ dại khác hay lá khô thì thẩy vô miếng bạt trải dưới đất. Luckana hiểu ý, bắt tay vào việc ngay. Bà ta dùng một cái cuốc, bổ mạnh xuống đất chi chít cỏ chạy, rồi nậy chúng lên. Sau đó, Luckana dùng một cái chổi sắt cào chúng vào một đống, chuẩn bị đem vứt. Thấy Luckana đánh vật với miệng bao nhất định khép, không chịu mở, tôi ngừng tay để phụ. Tôi giữ miệng bao cho Luckana dồn cỏ dại vào. Hai người đàn bà luôn tay làm việc, nhìn nhau với đôi mắt thông cảm biết ơn, đôi khi trao đổi vài câu vô thưởng vô phạt. Sự điềm đạm, nhẫn nại của Luckana tuy kín đáo nhưng đã khiến tôi mềm lòng. Tâm hồn tôi bỗng thấy dịu mát. Ngắm người đàn bà tuổi đã ngoài lục tuần, nhưng đôi mắt vẫn còn trong, thêm nụ cười hiền hậu, tôi nghĩ tại sao tôi có thể giận oan được người này? Tại sao tôi không thể kết thân được với bà?

Sau một hồi diệt cả trăm cây mắc cở lưng tôi mỏi, hai đầu gối tôi ê, tôi phải tạm ngừng. Nhìn sang bên vườn sả sáng nay có một thanh niên tỉa ngọn trước đó, tôi thấy Im, một cô gái người Thái khác đang dùng xuổng đánh bật rễ nhưng bụi sả lên rồi chất đống vào một bên. Tôi không hiểu tại sao lại bới những bụi sả này lên, khi sả đang tràn đầy sức sống. Tôi tiến tới hỏi lý do. Im nói là vì mưa nhiều, một số rễ đã ủng nước. Nếu không nhổ đi trồng lại thì nguyên cái vườn sả sẽ hư hết.
Cái Im này là người để quên mũ hai tháng trước. Hôm đó tôi thấy Im cắt cỏ dưới trời nắng cháy mà không có mũ, nên đã tháo mũ mình cho Im mượn, vì tôi nhặt cỏ dưới lùm cây có bóng mát. Cũng cái Im này hôm nay đứng lựa những nhánh sả còn chắc tốt để trồng lại và quăng những nhánh sả hơi ẻo lả xuống đất, nói là sẽ đem bán tại một tiệm chạp phô dưới phố. Không muốn Im phải nhặt những tép sả dưới đất lên, sau khi lựa xong, tôi đi lấy cái bao rác mầu đen lúc nãy dùng để vứt cỏ chạy, để Im bỏ những nhánh sả vào. Rồi tôi hỏi có cần giúp. Im nói cám ơn, không cần. Tuy nhiên, tôi vẫn ngỏ ý muốn phụ, vì sau gần hai tiếng cúi mình nhặt cỏ, cái lưng của tôi bắt đầu lên tiếng than phiền, tôi không thể tiếp tục với tư thế khom lưng nhặt cỏ được nữa! Thế là hai người đàn bà, một trẻ, một già im ru đứng lựa sả. Chỉ có tiếng những nhánh sả rơi sột soạt vào bao, vì Im ít nói.
Những người đàn bà Thái này không vứt đi điều gì. Những lá sả được Luckana nhặt lên và cột lại thành từng búi nhỏ. Tôi hỏi chuyện “bà dùng để nấu trà sả?” Luckana gật đầu rồi khoe là bao nhiêu năm nay đã uống trả sả mỗi ngày, nhờ đó mà ít bệnh. Dù có được biết về trà sả, tôi muốn biết cách pha trà sả của bà này nên hỏi thăm. Người đàn bà Thái từ tốn chỉ cách. “Bà nấu nước sôi rồi bỏ nguyên bó sả vô nấu trong vòng ba phút, sau đó bấc xuống, uống cả ngày.” Tôi cho Luckana biết là ở bên Do Thái có một vùng có đất rất tốt cho sả. Sả trồng ở vùng này đã được dùng làm trà cho những bệnh nhân ung thư uống khi làm hóa trị. Nhờ đó họ dễ chịu, bớt ói mửa và tăng sức đề kháng.
Ba tiếng làm việc qua nhanh. Kẻ cắt cỏ, người dùng xe ủi đất ủi những đống cây khô vào một phía, người lấy máy tỉa, tỉa những bụi cỏ dại nằm trong những nơi hiểm hóc, máy không vào được, người bê từng khúc cây hay những cành cây đã được cưa ra từ trước, đem vứt vào một góc của sân trường. Mọi người nghỉ tay để ăn trưa.
Người phụ trách phần ẩm thực vẫn là Đào, cũng là người Thái Lan. Tôi cho Đào biết bên VN, Đào là tên một loài hoa. Đào nói bên Thái Lan, “đào” có nghĩa là một vì sao sáng, vì khi ra đời đôi mắt Đào rất sáng nên cha mẹ đặt tên “sao”. Hôm đó Đào đãi món bún cá thát lát vo viên nấu với sườn heo và củ cải trắng. Thêm vào tô bún là thịt xá xiú, đậu hũ chiên cùng với rau muống, cải bắp thảo, rau thơm, bên cạnh tiêu, ớt hộp xay nhuyễn, tóp mỡ chiên và ớt tươi thái mỏng. Ngoài ra còn có chai nước mắm để sẵn cho ai thích ăn mặn. Ngoài ra, Đào không quên những vị nào không ăn thịt cá. Đậu xào với đậu hũ, nấm rơm, cà rốt và bắp hộp ăn với cơm trắng là món dành cho những ai ăn chay trường. Bữa trưa hôm đó, món tráng miệng gồm có chè đậu xanh và nhãn lồng.
Nhận tô bún từ tay Đào, tôi cảm động. Một lần nữa, cử chỉ ân cần săn sóc của Đào khi hỏi tôi thích món này, bỏ món kia cho tôi tô bún của tôi khiến tâm hồn nắng hạ của tôi như được một cơn mưa rơi xuống, gột sạch những bụi bặm, đất cát bám cứng đã nhiều hôm. Tôi dứt khoát nhủ lòng: Các bạn mình khuyên thật là chí lý. Những người này không có lỗi gì, không dính dáng gì tới những hành động tàn ác của người cùng quê quán với họ, mấy chục năm về trước.
Sau mấy tiếng tình nguyện đổ mồ hôi trán và nhức mình nhức mẩy, tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Thứ tha có dễ?” Thứ tha có dễ, khi có dịp chia sẻ với nhau. Chia sẻ những ánh mắt thân thiện, những lời hỏi han ân cần đầy tình người, những chăm sóc chân tình. Tôi cảm thấy gần gũi hơn, thông cảm hơn với những người đàn bà Thái bên phía Đông của Đảo Lớn này. Tôi xin phép dùng những dòng chữ chí tình của những người bạn gửi cho, như những lời kinh để xin Chúa cho tôi một tâm hồn bằng an, không ghen ghét, hận thù.
Lạy Chúa của con, sự buồn phiền, khó chịu của con không biết có làm những kẻ dữ nhảy mũi hay không, nhưng cái hỏa trong lòng con cứ nung nấu làm con bị gầy đi. Mà con cũng đã gầy lắm rồi. Chúa biết, ở đâu cũng có người xấu, người tốt. Những người đang làm việc tình nguyện với con không biết đã làm hay chưa làm gì xấu, nhưng trước mắt thì họ đang làm việc từ thiện. Xin cho con chấp nhận, vui vẻ với họ trong công việc tốt lành hiện tại để cùng vui với nhau. Xin Chúa cho con hiểu được đất nước nào cũng có người xấu, người tốt. Nếu chỉ căn cứ vào hành động của những người xấu để có thái độ với dân cả nước của người đó thì thật là quá đáng, dù khi nghĩ tới những thảm cảnh kinh hoàng mà bọn hải tặc Thái Lan gây nên cho những người vượt biển, lòng con không khỏi xốn xang. Xin giúp con tha thứ, quên đi hận thù và cho con xem họ như những người bình thường đã đến từ một quốc gia nào khác, không dính dáng gì đến bọn qủy đó.
Tôi lập đi lập lại Tịnh Tâm Kinh này, cầu mong sự bình an trong tâm hồn sẽ ngự trị thường trực trong tôi, chứ không chỉ tạm thời giây lát, như cơn gió Bắc bất ngờ ghé qua mấy hôm nay, hay như một ánh sao rơi trên nền trời trăng vắng.

Khổng thị Thanh-Hương