16 December 2017

LINH HỒN LẠC LỐI - Hồ Đình Nghiêm


Khi sang đây, thời gian đầu tôi xin được việc làm với đồng lương khá cao: Chùi rửa, thay bao rác, quét dọn vệ sinh trong một cao ốc có bốn tầng lầu. Từ chín giờ tối tới hai giờ sáng. Địa điểm khá xa, nằm giáp ranh với ngoại ô không đèn, hơi bất tiện. Cho dù người ta có thiết lập ra tuyến đường xe buýt chạy về khu tân lập kia thì tan tầm vào lúc hai giờ sáng, chẳng có ma nào còn láng cháng đi lại trên vùng đất vắng tẻ kia. Muốn cày bừa, tiên quyết bạn phải có xe để tự lái đi. Mới chân ướt chân ráo đến nhập cư, tôi làm gì tậu được xe. Người bạn giới thiệu việc vì ở nơi trái đường đã dọ hỏi giúp tôi, may thay một ông người Miên gốc Việt làm chung chỗ hứa sẽ nai lưng đóng vai tài xế giùm, chỉ chi cho ổng một khoảng tiền nhỏ dùng để đổ xăng và đừng quên đãi cà phê bánh ngọt. Như thế, vạn sự không hẳn đều khởi đầu nan. Với tôi, có mòi thuận lợi. Chỉ duy một chuyện hơi lấn cấn trong khi lao động, đêm nào cũng vậy, khoảng một giờ sáng, đang hút bụi ở hành lang có trải tấm tapis màu đỏ bầm, máy đang êm tự nhiên gầm rú lên đồng thời tôi đón nhận hơi lạnh kỳ lạ như kiểu có cơn gió vừa vụt qua. Mọi cánh cửa đều đóng kín sau khi đã kỳ cọ lau sạch. Hàn khí chợt gây ớn xương sống nổi da gà nọ thật khó giải thích.
Cả bọn có mười lăm phút để nghỉ giải lao, thường khi thì co cụm lại từng nhóm riêng lẻ khác biệt ngôn ngữ vùng miền cho tiện việc hàn huyên. Tôi, người bạn và ông “tài xế” bày bánh trái trà nước ra, ngồi xuống ở chỗ xét thuận tiện nhất, không xa nơi mình đang dở dang công việc. Có lúc, khi một ngọn đèn tự dưng tắt đi, không dằn được lòng, tôi đã hỏi: Trong đời, quý vị đã từng có lần gặp ma chưa? Người bạn nhăn mặt như kiểu hớp nhằm ngụm nước nóng vừa chế từ bình thuỷ ra: Chưa, bộ đời hết cái để thấy rồi sao? Cho em nhờ tí! Bạn rùn vai: Ừ, nhưng mà muốn thấy cũng không dễ đâu nha, phải tuỳ duyên. Ông “tài xế” người Miên gốc Việt, hình như trước ở Châu Đốc hay Hà Tiên gì đó bắt bẻ: Tui chưa nghe ai áp đặt chữ duyên kỳ lạ như vậy cả. Khi cưới được cô gái đẹp, người ta bảo phải khéo tu mới nên duyên vợ chồng thì hợp lý. Còn nếu chẳng bị ma nhát thì xem như có phúc, nói vậy nghe thuận tai hơn. Tôi hỏi: Anh từng vô phúc chưa? Ai? Tui hả? Phúc phần gì. Tui chưa gặp ma, có thể do bởi hồi nhỏ má tui thỉnh thầy cho tui lá bùa, rồi vô lính, tui đi xăm trổ hình lá bùa đó vào bắp tay. Tránh hòn tên mũi đạn và ngăn được tà khí. Bạn tôi nói: Vậy lát nữa nhờ anh bắt thang thay giúp cái bóng đèn ấy nha, bọn tôi chẳng có bùa, hơi bị yếu bóng vía.

Về tới nhà đã ba giờ sáng, hôm nào nóng nực thì siêng vào phòng tắm bằng không thì vệ sinh qua loa rồi lăn đùng ra giường hú ba hồn bảy vía trở lui, trưa mai hẳn tính. Vì công việc nên tay chân nghe nhừ mỏi, nằm lơ mơ có cảm giác như có cái gì đè nặng xuống người. Đầu óc mụ mị chẳng biết trăng cuội, mình đang tỉnh hay đang chìm sâu vào mộng mị? Sáng, tối. Hư, thực. Bần thần, hay nghĩ vẩn vơ về những điều không tượng hình, vô căn cớ. Cảm giác bất an sau cùng đã có đáp số, ông người Miên gốc Việt đóng vai tài xế đã không tới đón tôi đi làm, điện thoại hỏi thăm người bạn, hắn cho hay ông ấy tối qua trúng gió, cảm nặng, già đầu rồi mà cứ kêu than má ơi má hỡi. Ê kíp chỉ còn mình tao phải xin lão sếp sắp đặt tăng viện nhân lực. Bùa chú đầy người có khi cũng phải nhác chơi!
Như vậy, tôi làm nhân viên vệ sinh công sở chỉ đúng một tháng. Mười ngày sau, trên tờ giấy èo uột dán trước cửa chợ Á châu, tôi đọc thấy hàng chữ cần người. Không nhanh tay lẹ mắt ắt sẽ vuột mất cơ hội. Thời cơ lại đến, khỏi sợ đói người, lần này thì làm đứa đội nắng mưa đi thu hoạch hoa màu ở một nông trại nằm chốn đồng không mông quạnh. Trái cây, rau rác, bầu bí, hành ngò, xà-lách, cà chua, cà-rốt… có gì chơi nấy. Họ chỉ định một địa điểm thuận lợi nhất để tập trung nhân công, điểm danh xong chất có thứ lớp lên chiếc xe trước đây dùng để đưa đón học sinh, hoặc na ná như xe thùng 6 bánh chuyên thồ bọn người tội phạm từ trại giam ra pháp đình luận tội. Gầm rú, dằn xóc cả tiếng đồng hồ thì thả người xuống một bình nguyên xanh mơn mởn, xanh tận chân trời. Phút đầu ai cũng lộ vẻ hân hoan vì được dầm thân trong môi trường thoáng đãng khí trời lồng lộng, chỉ có quý vị phụ nữ là mặt ủ mày chau và sĩ số họ đông gấp ba lần phái nam. Chi cũng được nhưng nắng kiểu đó thì tui ngán lắm, rồi sẽ đen như con mọi. Họ phát biểu cảm tưởng. Đã rất lâu, giờ đây tôi mới nhìn lại hình thể một chiếc nón lá hình chóp đặc thù của quê cũ. Chẳng biết có ai ép trong đó một bài thơ? Anh về xin nhớ mua quà, mang qua một vật che loà nắng mưa.
Vì lính mới, tôi được một chị tên Sương kèm sát bày đường chỉ lối. “Lom khom dưới núi tiều vài chú”. Ừ, tiều phu thì chỉ một vài, chớ bọn tui đây e tới cả trăm không chừng, lúc nhúc, chổng mông, còng lưng, tay khoan tay nhặt, mồ hôi mồ kê ràn rụa chảy. Chẳng nói chẳng rằng, hôm sau chị Sương trao cho tôi một chiếc nón vải rộng vành. Không sao đâu mà, đội đi, tui mua ở chợ trời giá rẻ như cho, chớ ngại. Giờ giải lao, chị mời ăn củ khoai mì hấp chín với nước dừa. Ở đây không có đâu, chỉ riêng chợ Mễ mới bán nó. Chị cho hay khi đưa thêm gói mè rang. Tôi nghe họ nói ăn củ này trong lúc bụng đói sẽ dễ bị say. Bụng tôi no cũng muốn chóng mặt, dung mạo chị Sương tầm tầm nằm giữa mức xấu đẹp nhưng lòng dạ ấy thì quá mỹ lệ, ưa giúp đỡ kẻ khác. Chị ở một mình nuôi con ăn học, chị tâm sự: Cháu nó được tám tuổi rồi, sợ nó quên tiếng mẹ đẻ nên cuối tuần tui chịu khó dắt nó tới chùa, những người tốt bụng thành tâm có ngăn ra một gian sau hậu liêu để dạy tiếng Việt cho bọn nhỏ, khi chúng ê a thì ngoài sân tui phụ giúp nấu các món ăn chay để thiện nam tín nữ lót lòng. Chủ nhật mà, người vào ra đông vô số kể. Anh có từng lên chùa thắp nhang?
Nếu có thể xem là nghề thứ ba, thì do chị Sương giới thiệu, tôi được làm “ông thầy” thiện nguyện dạy các em nhỏ tập viết tập đọc chữ quốc ngữ ở sau ngôi chùa to ngất độc tôn trong vùng. Trước chỉ có lớp học vào ngày thứ bảy, sau này do đông học viên nên sinh thêm một lớp tụ bầy vào hôm chủ nhật. Và tôi phụ trách làm đứa “gõ đầu trẻ” vào ngày thảnh thơi ấy..Việc đó là hậu sự, tiên khởi chị Sương kể là tui từng chứng kiến có đôi ba cặp đã nên duyên vợ chồng nhờ gặp nhau ở ngôi chùa đó, sao anh không thử một phen, biết đâu lòng thành được chốn khói nhang chứng giám, kinh kệ độ trì. Tôi nghe, bụng thấy chút khó chịu. Đã vác thân tới chốn trang nghiêm mà sao còn mang theo một đống bụi trần thất tình lục dục chất chứa trong lòng? Đã không buông bỏ lại muốn trói buộc thêm vô. Việc tôi tự nguyện dạy dỗ các em tuổi hồn nhiên rạng ngời kia có phải là một trong muôn ngàn cách buông? Chị Sương làm “tài xế”, ông thầy ngồi bên cạnh và cô học trò tám tuổi khép nép lễ phép ngồi băng sau, chẳng mè nheo, chẳng sinh sự, không có ý kiến. Dễ thương hết biết. Má của con lòng tốt bao la như vậy thì mai này con sẽ hưởng lấy phúc lộc, hổng thèm tới chùa cũng gặp được kẻ xứng đôi, vinh hiển ấm đời.
Bức tường vôi vàng ngăn hai gian nhà, bên kia lớp học là nơi đặt di ảnh, hủ tro của các người vắn số được thân nhân mang gửi vào những mong vui vầy phần nào khi lìa xa nhân thế. Ngoài lời kinh tiếng mõ, tôi mong là tiếng đọc bài ê a “công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” của các em nhỏ sẽ làm “họ” vui tai, mĩm nụ cười độ lượng. Chị Sương có tài nấu nướng, chị mua rau quả ngoài nông trường với giá rẻ và thường mang đến chùa từng túi lớn chất đầy các loại xanh tươi. Chị mặc chiếc áo lam, mặt đỏ hồng khi gia công với củi lửa, có vẻ vui thú khi nghĩ thành quả mình làm ra sẽ giúp mọi người có bữa ăn no nê trong thanh đạm. Nhìn chị, tôi luôn mọc ra ý nghĩ về người chồng khiếm diện, anh ấy đang ở đâu? Có được một người vợ tựa thế phải dày công tu mới nên duyên chứ? Chị chưa một lần tâm sự và tôi luôn tôn trọng cái im lặng của chị. Hẳn đó là vết thương lòng, khi đã biết thế mình không nên khơi mở nó ra. Cách chị siêng năng đến chùa mỗi cuối tuần hầu như là phương thức nhằm cố vơi bớt nghiệp chướng?
Thời gian này tôi đã quen lại với giấc ngủ bình thường giống mọi người, đã đoạn tuyệt với thời khoá biểu lấy đêm làm ngày như trước đây. Có khi soi gương, đọng trong ấy phản chiếu một khuôn mặt lạ lẫm, đen đúa vì mãi một sương hai nắng. Hai bàn tay thì biến dạng thấy rõ dù có mang găng bảo vệ khi lao động. Và lao động thì mãi chẳng vinh quanh. Làm việc chỉ đủ sống. Sống chỉ để ăn, ngủ rồi vận hành theo một lập trình cũ, không biết cách hoán đổi. Miếng ăn tôi không lo toan, vì chị Sương bao giờ cũng nấu thừa ra, bới xách cho tôi. Chu đáo đến cả thức uống hoặc món tráng miệng. Ăn cho có sức mà làm việc. Chớ so đo, đồng tiền mình làm ra đều lương thiện, không có gì đáng để tủi thân. Chị thường uỷ lạo, an ủi tôi.
Ở nông trường bắt đầu phát tiếng nhỏ to ong ve xì xầm. Cộng đồng người Việt, dù chỉ một nhóm người, họ có khối chuyện để bàn tán, dị nghị, cả tin, nghi ngờ và ưa làm tài khôn. Đại để như: Bà Sương nên đi bước nữa, cũng lớn tuổi rồi đâu thể ở không. Mình chẳng nói gì nhưng nghĩ tới đứa con còn nhỏ dại, hơn ai cả nó cần một người cha… Ngay chính miệng người mẹ cũng có lần nói với tôi, con bé nó đặc biệt có cảm tình với anh, việc học tiếng Việt xem chừng nó tiến bộ làu thông, đôi lúc hỏi nhiều câu bất ngờ, không biết đường mà trả lời, cứ ấp a ấp úng!
Tôi tập thói quen đi ngủ vào lúc mười giờ, để đồng hồ báo thức vào sáu giờ sáng. Thời gian đầu không sao, gần đây thỉnh thoảng tôi bị đánh thức bằng thứ tiếng động lạ như kiểu ngoài tôi đã có ai khác cùng trú trong cái ấp hai phòng rưỡi nhỏ nhắn này. Tôi ngồi dậy, cảm nhận rõ có luồng gió lạnh vừa vụt qua, y như đêm hôm nào làm việc quét dọn trong cao ốc vắng lặng. Cái địa điểm mà sau cùng người bạn tôi cũng đã bỏ việc, hắn chỉ nói mơ hồ bằng mấy chữ “chịu đời không thấu”. Tôi mở sáng đèn đi thăm dò cửa nẻo vốn đã khoá chặt cài then. Heo may ngoài trời như biết thẩm thấu qua vách ngăn, lạnh trong người lạnh ra.
Chứng mất ngủ bắt đầu hiện tới, trùm chăn nằm đếm số, cố nhớ ra những đoạn văn thật thơ mộng thật giản dị của tiền nhân để truyền lại cho bọn trẻ luôn háo hức, luôn thân tình với người thầy bất đắc dĩ. Một con nước trôi dịu dàng ra cửa biển? Một đám mây bay nhẹ nhàng sang bên kia núi? Một cánh chim cô quạnh vụt qua trời chiều nhá nhem? Một tình yêu cao cả có thể chuyển hoá sự xấu xa? Tôi mê thiếp một hồi thì nghe tiếng réo liên tu bất tận có ở đồng hồ báo thức. Chồm người dậy tắt, con số 3:00 xanh lè ở đó cháy tỏ. Kỳ khôi chưa? Phải là số 6:00 mới đúng chứ! Một lần không nói, đêm sau cũng giở chứng y hệt. Đã có bàn tay thần bí nào nhúng vào?
Tôi bắt xe buýt đi tới chùa. Không nhằm cuối tuần, chùa vắng. Một chú sãi, hay chú tiểu đang quét lá ngoài sân bị tôi nắm chéo áo cậy nhờ, làm ơn dắt tôi vào chỗ thờ phụng người khuất mặt. Tôi nào lạ gì khi chỗ ấy nằm sát vách nơi tôi đạo mạo làm giáo viên hàng tuần. Tôi muốn chú ấy đi theo bởi bóng chiều tà vừa bao phủ khiến tôi ngán khi đơn thân phải vào nơi thâm u. Tôi muốn tự mình xác tín một chuyện. Trước đây, trong giờ tập viết, tôi đã ra đầu đề, các em hãy nắn nót tên người cha của mình trên trang giấy xem có được không, có sai lỗi chính tả thầy sẽ sửa giúp. Đứa con của chị Sương viết, chẳng sai một mảy may: Trần Văn Như Gia. Chú tiểu nhắc: Thầy nên thắp cho các vị ấy ba cây nhang. Tôi nghe lời cùng lần với dãy bóng đèn néon đồng loạt cháy sáng. Tôi cúi đầu, chẳng biết khấn nguyện điều gì. Tôi vái và tôi cắm run rẩy vào bát tro. Bức tường trước mặt tôi, nằm sau lưng bàn thờ đầy hoa trái treo đầy những tấm ảnh vàng vọt của kẻ gửi thân về cát bụi. Mất chừng năm phút, tôi đọc thấy bốn chữ Trần Văn Như Gia nằm dưới một gương mặt có vẻ nghiêm khắc, có vẻ khó tính, có vẻ cộc cằn, có vẻ không hoà thuận với cuộc sống, hoặc ít ra anh ta chẳng ưa chụp ảnh, bộc lộ cái bất bình, kháu ó.
Tôi xin chú tiểu một cuốn kinh, bất kể là loại gì, in một vài câu cũng được nhằm khấn đọc thầm, tụng chú trong canh khuya. Rồi chia tay. Rồi gửi lui lời hẹn gặp vào chủ nhật. Tôi bước tới trạm đợi chuyến buýt, thay vì về nơi cư ngụ tôi đứng bên kia đường để ngược hướng tới nhà chị Sương. Tôi sẽ nói cùng chị những hoạn nạn mà tôi đang gặp phải. Và rất khó khăn, tôi buộc lòng thưa thật, tôi sẽ kiếm việc làm khác. Tôi vắng mặt một thời gian. Và rồi tôi sẽ ngồi yên chờ nghe từ chị một cao kiến, một kế sách vẹn toàn. Bóng tối chan đầy lòng đường, chỉ có vũng sáng từ cổng chùa tạt hắt ra vuông màu vàng nhạt. Chuyến buýt sật sừ đi tới, thắng đứng lại, cửa mở. Tôi bước vào lòng xe, băng ghế cuối có bóng đen vừa ngẫng đầu lên. Ông ta mang bộ mặt lãnh cảm giống hệt người chồng chị Sương. Cuốn kinh trong tay tôi đẫm ướt.

Hồ Đình Nghiêm