Xa hơn đường lộ chính một quãng ngắn, quành, quẹo qua vài lối
đi, Tống gia trang nằm khuất sau hai cây phong Nhật cao. Vườn đầy hoa cỏ, cây
trái nhiều loại nhiều màu. Một bên, cạnh lối mòn, là những phlox, ivy,
magnolia, hydrangea, forsythia, tulip, daffodil, iris, daylily, sedum, coral
bells, Coralbells cần tây, khoai tây, củ cải đỏ, những cái tên lạ hoắc so với
thời cây trái tuổi thơ. Một bên là những bồ công anh, những quỳnh trắng quỳnh đỏ,
những chuối ba lùn, những tỏi, cúc, hồng, rau muống, rau diếp, thìa là, rau
thơm, rau quế, hướng dương, kinh giới, bầu bí, rau mồng tơi, ớt hiểm, khoai,
dưa leo, cúc vạn thọ, bát tiên, thân thuộc ngày nào. Lại hòn non bộ nằm ngay
góc vườn có cầu ao, có tượng tiên ông tiên bà, có người ngồi câu cá, có mái nhà
tranh, có chú tiều, vân vân và vân vân. Tất cả là một thế giới thu nhỏ, trong
đó có cả nghèo nàn, thoát tục, cao cả, mơ ước, cứu chuộc, những chút “ngày xưa”
đầy hương sắc và mùi vị.
Đúng hai giờ chiều, như đã hẹn, chiếc xe truck đậu ngay trước
cổng. Hai người Mễ khá lực lưỡng, xuống xe, bưng chiếc thang xếp đến cổng. Kéo
ra, dựng lên. Rồi kềm, búa, dây cột, rồi kéo, cắt, xô, đẩy, chỉ trong thoáng chốc,
cả chiếc cổng đổ xuống, cùng với nó là tấm bảng gỗ khắc nổi ba chữ “Tống Gia
Trang” kiêu hãnh và vững chắc. Từ trong cửa sổ nhìn ra, Lan rùng mình, mắt ươn
ướt, nghĩ đến sự tan biến quá đỗi nhẹ nhàng của một thành tựu. Thành tựu từ một
nhóm từ hoa mỹ thấm đẫm nhọc nhằn: giấc mơ Mỹ.
Ngày đó, lâu lắm, bước chân xuống máy bay là một tấm thân khốn
khổ trĩu nặng với năm đứa con nheo nhóc cùng với một cảm giác phó mặc đến tận
cùng, Lan lao vào cuộc sống như một người không biết bơi nhảy đại xuống sông,
vùng vẫy để tồn tại. Nhễ nhại trong cơn mộng du kéo dài, Lan không cần biết
tháng biết ngày không tiếc không thương không nhung không nhớ không giận không
tủi, vừa đi học vừa đi làm vừa nuôi mình vừa nuôi con. Ca một ca hai có khi ca
ba rồi nào là cơm nước bài vở, nào là chợ búa đón đưa. Cứ thế cho đến lúc Lan bỗng
nhiên phát hiện ra cái gì mình cũng có hay nói cho đúng, cái gì cần, Lan đều
có. Y như chúng từ đâu đột ngột hiện đến. Có nhà có cửa có nghề nghiệp có bằng
Mỹ treo bên cạnh tranh sơn mài đông hạ thu đông, mai lan cúc trúc cùng tranh
sơn dầu hiện đại lẫn với tranh Tàu cổ điển. Lại có rể Mỹ, dâu Việt, cháu thuần,
cháu lai.
Cứ mỗi lần ra vườn, ngắm nghía cái mơn mởn, cái tươi tắn,
cái nở bung, hớn hở của lá, của hoa, của những ngọn gió nhẹ sinh động, Lan hãnh
diện và tự hào vì đã đứng vững, đã tồn tại một mình. Nói cho đúng, thành tích
đó còn là hậu quả của một chuỗi những ra đi. Khúc dạo đầu là Nghĩa. Chưa nguôi
nỗi vui đoàn tụ, Nghĩa lặng lẽ chia tay, một chia tay thấy trước nhưng khi nhìn
thấy chiếc giường trống không và vài giòng ly biệt vội vã vứt trên đầu nằm, Lan
vừa cảm thấy nhẹ nhõm vừa cảm thấy ân hận. Rồi đứa con gái thứ ba rồi đứa đầu rồi
đứa thứ hai rồi thằng con trai thứ nhì và thằng con út. Đứa bỏ nhà, đứa có việc
làm ở xa, đứa lấy chồng Mỹ, đứa theo phong trào bảo vệ môi sinh, yêu thích cái
hoang dã hơn là cái tiện nghi. Nghiệm lại, Lan nhận thấy mỗi một người ra đi y
như thể phải ra đi, chậm, liên tục, dịu dàng và hữu lý. Có cái gì dường như
không thể khác. Nhưng cuộc sống là một thói quen. Mỗi người yêu da diết cuộc sống
(của mình) lắm khi chỉ vì nó trở thành thói quen hơn là những gì nó đem lại.
Cũng lạ, khi chưa quen thì sợ hãi, nhưng khi quen rồi thì một thứ hạnh phúc mới
mẻ nhô lên, đơn giản, tém tủm, gần gũi và nhất là quen thuộc.
Sau một thời gian dài đong đưa với những đổi thay của hoàn cảnh,
cuối cùng, Lan làm quen với chính mình. Chỉ là chính mình. Bất cứ ai cũng là một
phiền toái, lệ thuộc, cũng có thể lấy mất đi những thứ rất riêng của mình, lại
cũng khiến mình bứt rứt, áy náy. Thích nhất là cảm giác miễn nhiễm đối với lỗi
lầm. Vì lỗi lầm thường chỉ xảy ra khi sống chung với người khác. Không có người
khác là không có lỗi, Lan dứt khoát nghĩ. Lan thưởng thức sự lặng lẽ, cô độc,
thưởng thức cả những xa vắng lạnh lùng. Thưởng thức món ăn tự mình nấu một
mình. Thưởng thức công trình tạo dựng của mình: một gia trang có vườn rào có
cây xanh rau cỏ bốn mùa có thảm cỏ trước sau có ghế ngồi đọc sách ở góc vườn có
phòng ăn riêng phòng ăn chung để tiếp bạn bè khách khứa. Một mình mà bận rộn.
Góc phòng không sạch cũng quét xó bếp thơm tho cũng xịt nước tẩy mùi, hành lang
sạch bóng cũng tìm cho ra vài cọng rác để lượm. Rồi nào là tỉa lá, cắt hoa, bón
phân, tưới nước vườn trước vườn sau, chăm sóc những chậu hoa treo lủng lẳng dọc
theo hành lang. Hết lên lầu xuống gác lại ra vườn vào bếp. Tất cả mọi thứ trong
nhà đều chỉ mang dấu ấn của một mình Lan, từ cách xếp giá sách đến kê chiếc ghế
ở góc phòng cho đến hòn đá nằm chênh vênh ở lối cửa ra vào. Khỏi bàn bạc với
ai, khỏi nghe tiếng động của ai, khỏi chìu ai, khỏi to tiếng với ai khỏi thủ thỉ
với ai. Nhìn những người quen biết, Lan lấy làm lạ tại sao họ vẫn còn có thể ở
chung với nhau và chịu đựng sự hiện hiện hàng ngày
hàng giờ bên nhau.
Cứ thế, Lan nhâm nhi từng giọt hạnh phúc hàng ngày.
Một ngày nào đó không nhớ rõ, Lan thức dậy, mất cảm hứng. Một
cảm giác khác nhô lên, len lén, âm thầm, như thể là một nỗi niềm chóng qua,
nhưng rồi gần gũi, quen thuộc dần, đưa Lan tới một nơi khác, rất khác. Đành vậy,
Lan tự nói với mình!
*
Con gái đầu (điện thoại):
– Allô, mẹ. Chuyến bay có gì thay đổi không mẹ?
– Không.
– Thế là chỉ còn ba ngày nữa nhỉ. Chóng quá. Sorry mẹ, tiếc
là tụi con quá bận không về tiễn mẹ được. Con vẫn chờ đợi mẹ đổi ý.
– Đổi ý gì nữa, Tuyết. Giấy tờ thủ tục đã xong. Mọi chuyện
đã rồi. Tống gia trang đã đi vào quá khứ.
– Nhà cửa chỉ là chuyện phụ, cái chính là mẹ. Mẹ có cả bầy
con ở đây.
– Mẹ nhớ bà con xóm giềng, nhớ mồ nhớ mã. Lâu lắm rồi mồ mã ở
xa, chẳng ai chăm sóc. Thuê người ta, thì người ta cứ làm cho có.
– Mẹ khi nào cũng mồ mã…Mồ mã đã thành sân golf rồi mẹ.
– Mà đâu chỉ nhớ mồ mã. Mẹ nhớ cây cầu gỗ bắt qua con hói đầu
làng…
– Mẹ ơi, hói đã bị lấp, cầu đã bị phá. Chỗ đó giờ là nhà
hàng đặc sản rắn, chuột, cá sấu.
– Mẹ nhớ cái ao, vườn rau vườn cà…
– Ao đã bị lấp, vườn cũng chẳng còn, mẹ ạ. Bây giờ là nhà
lưu niệm liệt sĩ.
– Cái hồ rau muống gần nhà cụ Lý…
– Bây giờ là cửa hàng bách hóa.
– Mẹ nhớ cái bến gặt nơi nhà bà Chút
– Chỗ đó bây giờ là trụ sở hội Phụ Nữ Yêu Nước.
– Mẹ nhớ bà con láng giềng, cô dì chú bác…
– Mụ Nản thì đi Úc, bà Tô thì đi Đại Hàn, dì Oanh lang bạc
đâu ở trong Nam, o Nở thì ở kinh tế mới Gia Rai, chú Thịnh thì bán vé số ở Đà Nẳng…
– Còn bà Riêng, chú Đạt, dượng Mùi…
– Chú Đạt chết mấy năm rồi; bà Riêng thì bị ung thư giờ nằm
một chỗ, dượng Mùi bị tiểu đường phải cưa chân.
– Ừ, mẹ có nghe nói, rồi mà quên mất. Thiệt lẩn thẩn. Còn mấy
đứa bạn học của mẹ nữa…
– Trời ơi, bạn của mẹ, bạn của mẹ thì cũng như mẹ thôi. Người
thì theo con qua Mỹ, người thì theo ông bà…
– Dì Thứ này, dì Nhung này…
– Dì nào thì cũng như dì nào…
– Còn làng còn nước.
– Nước thì còn, làng cũng còn, nhưng những gì mẹ muốn thì
không còn…
– Me biết là phải còn, nhất định là phải còn một cái gì đó.
Cả một phần đời mẹ nằm ở đó. Mẹ chưa từng về lại, nhưng mẹ biết là nhất định phải
còn, phải còn…
– Phải còn, sao lại phải còn hả mẹ?
– Nhất định là phải còn…Làm sao mà mất đi được…
*
Con trai út (email):
– Nghe tin me ve ben do con muon bay qua tham me nhung con
hien dang o Kenya hoat dong cho green movement o Nairobi, phai den mid-Nov con
moi ve lai hoa ky. Me understand me. Con van nho me. Hon me. Have a good trip,
me.
– Mẹ muốn gặp con trước khi về. Mẹ đã nói từ mấy tháng trước,
sao con vẫn cứ đi?
– You know, con phải co mat, without me group cua con la
movement there will be collapsed.
– …..
*
Con gái ba (điện thoại):
– David và con xin lỗi mẹ. Tụi con cố gắng sắp xếp thì giờ
mà không cách gì ổn thỏa.
– Tiếc là David không sang. Lâu quá, e cũng cả ba năm rồi
không gặp thằng rể.
– David cố hết sức mà không cách gì lấy được phép. Nhưng
David hứa sẽ về bên đó thăm mẹ. Còn nhiều thì giờ mà.
– Ở đây mà còn khó thế, mai kia về bên đó, quá xa…
– Gì mà xa, máy bay đi chứ mình có đi đâu. David đã nói…
– Mẹ nhớ Audrey và Michelle.
– Mới khai giảng, bọn nó không thể đi. Phải chi mẹ đi cỡ
tháng 7.
– Trước mẹ nói tháng 7, con bảo con bận làm project.
– Ừ nhỉ. Mà con làm project thật mà.
– Mẹ biết con làm project.
– Hơn nữa…hơn nữa, mẹ biết, David không chịu được mùi nhang,
mùi dầu
– Mẹ quen rồi. Nói với David là không sao đâu, thăm được thì
thăm mà không thăm được thì thôi, mẹ không trách đâu.
*
Con gái út (điện thoại):
– Mẹ, Tiffany đây.
– …
– Mẹ, Tiffany đây.
– ….
– Mẹ, mẹ…
– Mẹ, con gì với đứa hư thân mất nết!
– Thôi mà mẹ, con đã xin lỗi mẹ nhiều lần rồi. Hồi đó, con
còn nhỏ dại, ngây thơ, ngu dốt…
– …
– Nghe tin mẹ quyết định về…
– Thì sao?
– Thì con hỏi thăm.
– Quý chưa!
– Dẫu gì thì con vẫn là con của mẹ
– Ừ, con. Con với cái.
– Mẹ…
– Mà cái thằng cu …gì đó, ra sao rồi?
– Thằng William…
– Ừ, William.
– Hắn lớn lắm, đã đi học lớp ba rồi.
– Còn thằng chồng mi ra sao?
– Tụi con chia tay rồi
– …Lại chia tay. Chia tay mấy đứa rồi…?
– Mẹ, chuyện riêng của con, mẹ lưu ý làm gì!
– Chuyện riêng, ừ, chuyện riêng…đứa nào cũng có chuyện
riêng…
– Mẹ, mẹ về bên đó làm gì?
– Chuyện riêng của tau, mi hỏi làm gì…
– Mẹ, mẹ…
*
Người đàn ông (nói chuyện):
– Lan, anh đây.
– Trời, ông…anh Nghĩa. Ai , ai…, ai đưa anh tới đây?
Anh…anh…mà còn nhớ đến…em?
– Không nhớ Lan, à… không nhớ em thì nhớ ai. Dù sao…
– Ừ, thì dù sao…Vậy bà ấy, à không, chị ấy đâu rồi?
– Vẫn ở bên đó, Cali.
– Hai ông bà vẫn khỏe, vẫn hạnh phúc, đúng không?
– Khỏe thì còn khỏe nhưng hai chữ hạnh phúc thì xin gửi lại…Hạnh
phúc chỉ dành cho người lành lặn. Từ lâu, anh chỉ như cái áo vá…
– Có ai là áo lành đâu! Mà anh còn về đây làm gì nữa?
– Thăm em, biết đâu…biết đâu chỉ một lần nữa thôi.
– Cám ơn anh. Vâng, biết đâu…
– Em tính khi nào cũng cương cường, chẳng khác mấy ngày xưa.
Ai nói cũng bằng thừa.
– Ờ, có lẽ thế mà em cảm thấy hạnh phúc.
– Em nói nghe…chẳng giống ai.
– Đúng là chẳng giống ai! Biết làm sao giờ. Em chỉ muốn giống
mình.
*
Đêm khá lặng lẽ với từng mẩu chuyện rời rã và đứt đoạn, mỗi
người đứt đoạn với mỗi người. Nghĩa ngủ ở xa lông thao thức trằn trọc nghĩ mãi
về một người đàn bà đã từng rất thân quen mà bây giờ rất lạ lẫm. Đứa con trai,
miễn cưỡng bỏ chuyến đi nghỉ hè với cô vợ Mỹ, đưa cha từ một tiểu bang khác về
thăm mẹ lần cuối, thỉnh thoảng lại phải gọi vợ qua Internet, để giải thích đi
giải thích lại chuyện hiểu để phương đông. Lan vốn đã quen với những giấc cô
đơn bây giờ bỗng xao xác trong một cơ thể chẳng còn gì để xao xác. Chẳng ai muốn
lặn sâu vào ai. Cũng chẳng ai muốn gợi lại ai. Không ai muốn đào xới cái kho
tàng cảm giác xưa cũ vì không ai muốn làm tổn thương thiện ý mong manh của mỗi
người.
Đêm trôi trăn trở, bứt rứt.
Sáng dậy, nghe se se lạnh bên ngoài. Năm nay, mùa lá rụng
trôi qua chậm rãi. Đã đầu tháng mười một mà nắng còn tràn trề. Trời vẫn rực rỡ
y như thể chẳng còn gì rực rỡ hơn. Lá chen nắng nắng chen lá xôn xao dựng nên một
cái đẹp vốn làm cho những ai chưa từng làm thơ cũng sẽ cảm thấy mình có thể là
thi sĩ. Lá đỏ mãnh liệt đỏ lá vàng mãnh liệt vàng lá tím mãnh liệt tím lá hồng
mãnh liệt hồng, lá nào cũng bừng bừng trổ sắc khoe khoang. Lan nhìn cây nhìn
nhìn núi nhìn đồi nhìn đường nhìn sá và tìm thấy thiên nhiên quả đã thực hiện một
kịch bản tuyệt vời, đủ sức đánh lừa cả những người có đầu óc tỉnh thức nhất. Chả
thế mà mùa lá rụng trở thành mùa thu với những ngợi ca đôi khi nghe âm vang như
mùa phục sinh!
Sáng dậy, xóm giềng, bạn bè lao xao. Thở than, trách móc và
chúc tụng. Lan lặng lẽ lắng nghe. Tình nhiều hơn chữ. Lan nhìn thật sâu, nắm thật
chặt tay, nói thật ấm như để ghi dấu hết những kỷ niệm linh tinh lỉnh kỉnh với
mỗi người. Để nhớ. Mà cũng để quên, Lan nghĩ. Làm sao nhớ cho hết những vui buồn
của cả một đời người. Lan đi quanh vườn trước vườn sau, chào cây chào cỏ. Từng
cơn gió đêm âm thầm ngạo mạn đẩy thời tiết bất chợt rớt xuống độ âm đã dập vùi
tất cả. Hoa gục, lá úa. Chỉ còn mấy đóa hydrangea run rẩy, gượng gạo.
Lan vốn rất thích loại hoa này, dừng lại, nhặt cành cây nhỏ, chống đỡ lên một
đóa hydrangea còn tươi tắn, nhìn tới nhìn lui, mong nó sẽ kéo dài những giây
phút cuối đời. Khi đi ra ngõ, trong lúc chần chờ, đợi chiếc xe thuê bao tìm
cách quay đầu xe trong lối đi nhỏ hẹp, Lan chợt thấy chiếc cổng. Không, chỉ là
một đống gỗ vỡ nát, chia lìa. Chữ “Tống” nằm lạc loài dưới bụi forthergilla.
Nhìn quanh, cố tìm hai chữ “Gia” và “Trang”, nhưng không thấy. Ở đâu thì chúng
cũng vô dụng. Mà mọi thứ cũng đã vô dụng mất rồi.
*
Mấy chục năm trước, Lan liều chết, mang năm đứa con ra đi, đứa
lớn mười bảy đứa út còn bồng trên tay, để, như lời nhắn gửi của Nghĩa từ trong
trại tù, tìm tương lai.
Mấy chục năm sau, Lan trở về một mình, để, như Lan hằng mơ,
tìm quá khứ.
Trần Doãn Nho
12/17